UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2694/QĐ-UBND | Thái Nguyên, ngày 28 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU VỰC KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam;
Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên số 185/QĐ-UBND ngày 24/1/2007 về việc ban hành “Đề án bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2007- 2010 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” và số 1779/QĐ-UBND ngày 28/7/2009 về việc phê duyệt đề cương lập dự án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 563/TTr-STNMT ngày 10/10/2011 về việc phê duyệt Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt “Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” (có Đề án kèm theo) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm:
- Bảo vệ môi trường là nội dung cơ bản của phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội của từng ngành và từng địa phương trong tỉnh. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững của tỉnh.
- Bảo vệ môi trường là quyền lợi, nghĩa vụ của cộng đồng, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh.
- Bảo vệ môi trường theo phương châm lấy phòng ngừa tác động xấu tới môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với nguồn lực trong nước, quốc tế.
- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có tính liên ngành, liên vùng; cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp đảng ủy, sự thống nhất quản lý các cấp, sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh.
- Xây dựng, triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, khả thi, tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có.
- Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của các đơn vị chức năng trong tỉnh. Quá trình thực hiện Đề án phải đảm bảo khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
- Đề án huy động mọi nguồn lực và phát huy tổng hợp của cả hệ thống chính quyền địa phương các cấp, cộng đồng dân cư tham gia vào việc thực hiện và giám sát thực hiện Đề án.
- Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản tập trung triển khai các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, kết hợp và lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, chính sách môi trường riêng biệt đang được thực hiện có liên quan của tỉnh.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
- Ngăn ngừa, giảm thiểu được mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, tổn thất tài nguyên khoáng sản trong khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu vực khai thác khoáng sản quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và đang gây ô nhiễm môi trường.
- Ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động môi trường trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản, tập trung vào các bãi thải, bùn thải và moong khai thác tại các mỏ khai thác lộ thiên.
- Nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến khoáng sản nhằm hạn chế tối đa tình trạng tổn thất tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
- Cải thiện và nâng cao được chất lượng môi trường sống, sức khỏe cộng đồng dân cư khu vực phụ cận các mỏ khai thác khoáng sản.
- Tăng cường nâng cao năng lực quản lý môi trường mỏ và nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường khu vực khai thác và chế biến khoáng sản.
3. Các chương trình, dự án ưu tiên:
Chương trình 1: Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng khắc phục tình trạng tổn thất tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Chương trình 2: Khắc phục ô nhiễm môi trường do bãi thải, bùn thải.
Chương trình 3: Khắc phục tình trạng mất nước và ô nhiễm nước tại các khu vực khai thác và chế biến khoáng sản.
Chương trình 4: Bảo vệ sức khoẻ công nhân và cộng đồng dân cư.
Chương trình 5: Truyền thông nâng cao nhận thức Bảo vệ môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản.
Chương trình 6: Tăng cường năng lực quản lý môi trường mỏ.
Trong mỗi chương trình, có các nhiệm vụ, dự án được xây dựng và triển khai thực hiện. Chi tiết các nhiệm vụ, dự án trong mỗi chương trình được thể hiện trong bản Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt đến các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, thị xã, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh biết để triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2. Các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 804/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường)
- 2 Quyết định 1034/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 3 Nghị định 21/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 80/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 4 Nghị định 80/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 5 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 6 Quyết định 153/2004/QĐ-TTg ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 256/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1034/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 2 Quyết định 804/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường)