Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2747/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 17 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC ''QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THỜI KỲ 2006 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU''

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/ND-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1105/TTr-SKHĐT ngày 09 tháng 7 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt đề cương chi tiết báo cáo đánh giá môi trường chiến lược ''Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020'' (phụ lục số 1 kèm theo Quyết định này).

Phê duyệt dự toán kinh phí lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược'' là 440.000.000 đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2007 và 2008 (phụ lục số 2 kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ dự án và có trách nhiệm:

- Lập các thủ tục triển khai lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách;

- Hoàn thành việc lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đảm bảo tiến độ để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Minh Sanh

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỜI KỲ 2006 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
(Phụ lục số 1 kèm theo Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

MỞ ĐẦU

1. Xuất xứ của dự án:

- Tóm tắt về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của dự án, trong đó nêu rõ là loại dự án mới, dự án bổ sung, dự án mở rộng hay dự án loại khác.

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt dự án.

2. Căn cứ pháp luật và kỹ thuật của việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)

Liệt kê các văn bản pháp luật và văn bản kỹ thuật làm căn cứ cho việc thực hiện ĐMC và lập báo cáo ĐMC của dự án, trong đó nêu đầy đủ chính xác: mã số, tên, ngày ban hành, cơ quan ban hành của từng văn bản.

3. Tổ chức thực hiện ĐMC

- Nêu tóm tắt về việc tổ chức, cách thức hoạt động của tổ chuyên gia về ĐMC

- Danh sách những người trực tiếp tham gia trong quá trình thực hiện ĐMC và trong việc lập báo cáo ĐMC;

Nêu tóm tắt về quá trình làm việc, thảo luận của tổ chuyên gia về ĐMC với tổ chuyên gia về lập dự án chiến lược quy hoạch kế hoạch nhằm gắn kết các nội dung về môi trường vào trong từng giai đoạn của quá trình xây dựng dự án.

Chương 1

KHÁI QUÁT VỀ MỤC TIÊU, QUY MÔ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DỰ ÁN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN MÔI TRƯỜNG

1.1. Cơ quan chủ dự án:

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao).

Số 01 Hồ Xuân Hương, thành phố Vũng Tàu;

Điện thoại:

Fax:

E-mail:

Giám đốc: Lê Kim Hương

1.2. Mục tiêu dự án

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh công nghiệp mạnh về kinh tế biển, với hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế, là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của khu vực và của cả nước; nâng cao rõ rệt mức sống nhân dân bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tăng trưởng GDP trung bình/năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt 11,32 % (không tính dầu khí đạt 17,490 %); giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,80 % (không tính dầu khí đạt 16,580 % giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,58 % (không tính dầu khí đạt 13,35 %).

- Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh hơn nữa theo hướng thúc đẩy phát triển nhanh khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng và thương mại; phát triển các ngành công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành kinh tế để nâng cao hiệu quả, tiến tới phát triển kinh tế tri thức.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: công nghiệp và xây dựng chiếm 79,340 %; dịch vụ chiếm 18,74 %; nông lâm ngư nghiệp 1,92% (nếu không tính dầu khí cơ cấu kinh tế tương ứng là: 58,040 %; 38,070%; 3,890 %). Đến năm 2020 cơ cấu kinh tế là: công nghiệp và xây dựng chiếm 61,550%; dịch vụ tăng lên khoảng 36,80 %; nông, lâm ngư nghiệp chiếm 1,650% (nếu không tính dầu khí cơ cấu kinh tế tương ứng là: 53,230 %; 44,770 %; 2 %).

- GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt khoảng 11.460 USD, gấp 3,15 lần so với năm 2000; đến năm 2020 đạt khoảng 27.000 USD, gấp 2,36 lần so với năm 2010.

- Phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu đạt 5,8 tỉ USD vào năm 2010 (nếu không tính dầu khí đạt 523 triệu USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân (không tính dầu khí) giai đoạn 2006 - 2010 đạt 120 % năm và đạt 9 – 10 % năm trong giai đoạn 2011 - 2020 đến năm 2010 xuất khẩu (không tính dầu khí) đạt 1 tỉ USD.

- Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 6,4 tỉ USD (giá năm 1994) giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 31,3 tỉ USD.

- Tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50 % vào năm 2010 và trên 80 % vào năm 2020; tạo việc làm cho người lao động.

- Đến năm 2010 tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn xấp xỉ 1 %, quy mô dân số khoảng 1,026 triệu người, tỉ lệ dân số đô thị 57,30%. Đến năm 2020 ổn định quy mô dân số khoảng 1,18 triệu người, tỉ lệ dân số đô thị 69,06 %.

- Phát triển các hoạt động văn hóa - thông tin, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hoá theo quy hoạch; thể dục, thể thao đa dạng, chất lượng cao; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân đến năm 2010 số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 25 giường, tiếp tục nâng lên 28 giường vào năm 2015 và 30 giường vào năm 2020.

- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục.

- Phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn để hình thành một khu vực nông thôn phát triển, văn minh, hiện đại, gần với cuộc sống đô thị. Đến năm 2010 bảo đảm 98 % số hộ được sử dụng diện, 98 % số hộ dùng nước sạch; đến năm 2020 đạt 100% số hộ nông thôn được sử dụng điện, 100 % số hộ sử dụng nước sạch.

- Thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản. Đến năm 2010 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh (cao hơn chuẩn nghèo quốc gia 1,2 - 1,3 lần) và tiếp tục nâng cao mức sống nhân dân trong giai đoạn tiếp theo.

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện có hiệu quả chương trình 4 giảm (tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy và mại dâm); gìn giữ môi trường, sinh thái, phát triển bền vững.

1.3. Quy mô dự án:

- Về không gian và thời gian:

Phạm vi địa lý: địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích mặt đất 198.864,59 ha; vùng thềm tục địa khoảng 100.000 km2; tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (6 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã);

Phía Tây giáp với thành phố Hồ Chí Minh dài 16,33 km, phía Bắc giáp với tỉnh Đồng Nai 116,51 km, phía Đông giáp với tỉnh Bình Thuận 29,26 km; phía Nam giáp Biển Đông.

Côn Đảo là huyện đảo gồm 16 hòn đảo nằm cách Vũng Tàu 185 km; có tọa độ 803-8049 vĩ độ Bắc và 106031- 106046 kinh độ Đông. Côn Đảo có vị trí chiến lược nằm sát với đường hàng hải quốc tế từ Âu sang Á, ngay giữa ngư trường lớn của vùng biển Đông Nam bộ và gần khu vực khai thác dầu khí của thềm lục địa phía Nam nước ta.

Thời gian nghiên cứu quy hoạch: giai đoạn 2006 - 2020.

- Về hoạt động: phạm vi nghiên cứu tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh bao gồm:

+ Các nội dung về phát triển các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ .

+ Các nội dung về phát triển các ngành và lĩnh vực xã hội: giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, văn hóa - thông tin, các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm.

+ Các nội dung về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật: giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, cảng biển; cấp điện, cấp nước, thoát nước;

+ Các nội dung về phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn;

+ Các nội dung về bảo vệ môi trường;

+ Các nội dung về bảo vệ quốc phòng, an ninh.

1.4. Đặc điểm của dự án có liên quan đến môi trường:

- Việc khai thác, sử dụng các thành phần môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên; cải tạo, làm biến đổi các cảnh quan nhân tạo, cảnh quan thiên nhiên và các đối tượng tự nhiên khác trong quá trình triển khai dự án.

- Việc xây dựng, cải tạo, mở rộng, khai thác, sử dụng, hủy bỏ các kết cấu hạ tầng về giao thông - vận tải, bưu chính - viễn thông, cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước và các kết cấu hạ tầng khác trong quá trình triển khai dự án.

- Việc xây dựng, cải tạo, mở rộng, khai thác, sử dụng, hủy bỏ các công trình về văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các công trình liên quan khác trong quá trình triển khai dự án; việc di dân, tái định cư trong quá trình triển khai dự án.

Chương 2

MÔ TẢ TỔNG QUÁT CÁC ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI, MÔI TRƯỜNG CÓ LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN

2.1. Điều kiện tự nhiên và môi trường:

- Điều kiện về địa lý, địa chất: sau khi mô tả tổng quát về các điều kiện địa lý (bao gồm cả địa hình, địa mạo), địa chất thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam. chỉ rõ đối tượng và quá trình nào có khả năng bị tác động khi triển khai dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về khí tượng - thủy văn: sau khi mô tả tổng quát về các điều kiện khí tượng - thủy văn thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam, chỉ rõ đối tượng và quá trình nào có khả năng bị tác động, khi triển khai dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Hiện trạng các thành phần môi trường tự nhiên: sau khi mô tả tổng quát về hiện trạng các thành phần môi trường đất, nước, không khí, sinh vật, hệ sinh thái và các thành phần môi trường tự nhiên khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam, chỉ rõ thành phần môi trường nào có khả năng bị tác động khi triển khai dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội:

- Điều kiện về kinh tế: sau khi mô tả tổng quát về hiện trạng hoạt động của các ngành kinh tế cơ bản thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông - vận tải, khai khoáng, du lịch, thương mại, dịch vụ và các ngành khác), chỉ rõ ngành nào có khả năng bị tác động khi triển khai dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về xã hội: sau khi mô tả tổng quát về hiện trạng hoạt động của các công trình văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các công trình liên quan khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam, chỉ rõ công trình nào có khả năng bị tác động khi triển khai dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

Chương 3

DỰ BÁO TÁC ĐỘNG XẤU ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG CÓ THỂ XẢY RA KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN

3.1. Nguồn gây tác động

- Nguồn gây tác động có liên quan đến chất thải: dự báo tất cả các nguồn có khả năng, phát sinh các loại chất thải rắn, lỏng, khí cũng như các loại chất thải khác trong quá trình triển khai dự án.

- Nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải: dự báo tất cả các nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải như: xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; biến đổi vi khí hậu; suy thoái các thành phần môi trường; biến đổi đa dạng sinh học và các nguồn gây tác động khác.

3.2. Đối tượng, quy mô bị tác động

- Đối tượng bị tác động có liên quan đến chất thải: dự báo tất cả các đối tượng tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các đối tượng khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam bị tác động có liên quan đến chất thải khi triển khai dự án, phác họa quy mô về không gian và thời gian bị tác động.

- Đối tượng bị tác động không liên quan đến chất thải: dự báo tất cả các đối tượng tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các đối tượng khác bị tác động không liên quan đến chất thải thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam khi triển khai dự án như: do sự xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; do sự xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; do sự bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; do sự thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; do xâm nhập mặn; do xâm nhập phèn; do sự biến đổi vi khí hậu; do sự suy thoái các thành phần môi trường; do sự biến đổi đa dạng sinh học và do các yếu tố khác; phác họa quy mô về không gian và thời gian bị tác động.

3.3. Xu hướng biến đổi của các điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội

- Xu hướng biến đổi của các điều kiện tự nhiên: dự báo xu hướng biến đổi của các điều kiện về địa lý (bao gồm cả địa hình, địa mạo), địa chất, khí tượng, thủy văn; sự biến đổi về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nhân tạo, tính đa dạng sinh học thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Trong trường hợp có phương pháp, số liệu, dữ liệu đến mức cho phép, các xu hướng biến đổi này phải được thể hiện bằng các sơ đồ, biểu đồ, bản đồ và các hình thức minh họa trực giác khác.

- Xu hướng biến đổi của các thành phần môi trường: dự báo xu hướng biến đổi của các thành phần môi trường đất, nước, không khí, sinh vật, hệ sinh thái và các thành phần môi trường tự nhiên khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Trong trường hợp có phương pháp, số liệu, dữ liệu đến mức cho phép, các xu hướng biến đổi này phải được thể hiện bằng các sơ đồ, biểu đồ, bản đồ và các hình thức minh họa trực giác khác.

- Xu hướng biến đổi của các yếu tố, điều kiện về kinh tế - xã hội: dự báo xu hướng biến đổi xấu của các ngành kinh tế cơ bản, các công trình văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các công trình liên quan khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận thuộc địa phận Việt Nam khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Các thông tin được thể hiện một cách tối đa bằng sơ đồ, biểu đồ, bản đồ và các hình thức minh họa trực giác khác.

3.4. Đánh giá sự phù hợp giữa các quan điểm, mục tiêu của dự án và các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.

- Đối sánh các quan điểm, mục tiêu đặt ra của dự án với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường đã dược các cấp, các ngành xác lập trong các văn bản chính thống có liên quan như: nghị quyết, chỉ thị của Đảng; văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các văn bản chính thống có liên quan khác.

- Dự báo sự tác động, ảnh hưởng của các quan điểm mục tiêu dự án đến các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường liên quan trong văn bản nêu trên.

Chương 4

CHỈ DẪN NGUỒN CUNG CẤP SỐ LIỆU, DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

4.1. Nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu

- Nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo:

+ Liệt kê các tài liệu, dữ liệu tham khảo với các thông số về: tên gọi, xuất xứ thời gian, tác giả, nơi lưu giữ hoặc nơi phát hành của tài liệu, dữ liệu.

- Đánh giá mức độ chi tiết, tin cậy, tính cập nhật của nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo.

- Nguồn tài liệu, dữ liệu chủ dự án tự tạo lập:

+ Liệt kê các tài liệu, dữ liệu đã tạo lập; xuất xứ thời gian, địa điểm mà tài liệu, dữ liệu được tạo lập.

+ Đánh giá mức độ chi tiết, tin cậy, tính cập nhật của nguồn tài liệu, dữ liệu tự tạo lập.

4.2. Phương pháp áp dụng trong quá trình ĐMC

- Danh mục các phương pháp sử dụng: liệt kê đầy đủ các phương pháp đã sử dụng trong quá trình tiến hành ĐMC và lập báo cáo ĐMC, bao gồm các phương pháp về ĐMC, các phương pháp về điều tra, khảo sát, nghiên cứu, thí nghiệm và các phương pháp có liên quan khác.

- Đánh giá mức độ tin cậy của các phương pháp đã sử dụng: đánh giá mức độ tin cậy của phương pháp theo thang mức định tính hoặc định lượng tùy thuộc vào bản chất, tính chất và tính đặc thù của từng phương pháp áp dụng.

4.3. Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá.

Nhận xét khách quan về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá về các tác động có khả năng xảy ra, xu hướng biến đổi của các điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Đối với những vấn đề còn thiếu độ tin cậy cần thiết, phải nêu lý do khách quan và lý do chủ quan (thiếu thông tin, dữ liệu; số liệu, dữ liệu hiện có đã bị lạc hậu; thiếu phương pháp; độ tin cậy của phương pháp có hạn; trình độ chuyên môn của đội ngũ ĐMC có hạn; các nguyên nhân khác).

Chương 5

PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP TỔNG THỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG QÚA TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

5.1. Phương hướng chung

- Phương hướng chung để gắn kết các vấn đề về môi trường vào quá trình triển khai thực hiện toàn bộ dự án.

- Phương hướng chung để gắn kết các vấn đề về môi trường vào quá triển khai thực hiện từng nội dung của dự án.

5.2. Định hướng về đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xây dựng các dự án đầu tư

- Chỉ ra những vùng nào cần phải được quan tâm hơn về đánh giá tác động môi trường, ĐMC trong quá trình xây dựng các dự án đầu tư, lý do chủ yếu.

- Chỉ ra những ngành, lĩnh vực hoạt động nào cần phải được quan tâm hơn về (ĐTM) trong quá trình xây dựng các dự án đầu tư; lý do chủ yếu.

5.3. Giải pháp về kỹ thuật

- Giải pháp kỹ thuật tổng thể để giải quyết các vấn đề môi trường trong, quá trình triển khai toàn bộ dự án.

- Giải pháp kỹ thuật tổng thể và cụ thể để giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai từng nội dung của dự án.

5.4. Giải pháp về quản lý.

- Giải pháp chung về quản lý, tổ chức để giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai toàn bộ dự án.

- Giải pháp chung và cụ thể về quản lý, tổ chức để giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai từng nội dung của dự án.

5.5. Chương trình quản lý, giám sát môi trường.

Đề ra một chương trình về quản lý và giám sát môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó chỉ rõ hoặc đề xuất về:

- Nội dung, địa điểm, cơ quan, cách thức thực hiện;

- Cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện;

- Chế độ báo cáo trong quá trình thực hiện.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Về mức độ phù hợp về quan điểm, mục tiêu

- Đánh giá và kết luận về mức độ phù hợp giữa quan điểm, mục tiêu của dự án với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành xác lập trong các văn bản chính thống có liên quan như nêu ở mục 3.4 (chương 3) trên đây;

- Kiến nghị về việc khắc phục những bất cập liên quan.

2. Về mức độ tác động xấu đối với môi trường

- Kết luận chung về mức độ tác động xấu về môi trường, trong quá trình triển khai toàn bộ dự án; khả năng và mức độ khắc phục;

- Kết luận về mức độ tác động xấu về môi trường trong quá trình triển khai từng nội dung, từng lĩnh vực hoạt động của dự án; khả năng và mức độ khắc phục.

- Những vấn đề môi trường xấu không thể khắc phục được; nguyên nhân; kiến nghị biện pháp giải quyết.

3. Về việc phê duyệt dự án.

Dựa trên các căn cứ về môi trường, kết luận:

- Dự án có thể phê duyệt được; những điểm cần lưu ý khi phê duyệt dự án (nếu có);

- Dự án chưa thể hoặc không thể phê duyệt dược; lý do.

4. Kết luận và kiến nghị khác.

 

DỰ TOÁN LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỜI KỲ 2006 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
(Phụ lục số 2 kèm theo Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

TT

Nội dung công việc

Chi phí (đồng)

Ghi chú

 

Tổng số

440.000.000

 

1

Chi phí lập báo cáo ĐMC

347.000.000

 

1.1

Chi phí xây dựng đề cương và kế hoạch thực hiện

7.000.000

 

a

Xây dựng đề cương chi tiết, phê duyệt đề cương

5.200.000

 

b

Lập kế hoạch tiến độ và phân công thực hiện

1.800.000

 

1.2

Chi phí điều tra, khảo sát

15.000.000

Lập phiếu điều tra, cung cấp thông tin, chi công tác phí, lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu môi trường

1.3

Chi phí thu thập tài liệu về kinh tế, kỹ thuật và môi trường

15.000.000

 

1.4

Chi phí phân tích và xử lý số liệu

30.000.000

Phân tích và xử lý các số liệu thu thập được

1.5

Chi phí xây dựng các chuyên đề

200.000.000

 

a

Điều kiện tự nhiên và môi trường

30.000.000

 

b

Điều kiện kinh tế - xã hội

35.000.000

 

c

Dự báo nguồn gây tác động xấu đến môi trường, đối tượng, quy mô bị tác động đối với từng địa bàn, ngành nghề quy hoạch

45.000.000

 

d

Đánh giá xu hướng biến đổi của các điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội khi thực hiện quy hoạch

45.000.000

 

e

Phương hướng, giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện dự án

45.000.000

 

1.6

Chi phí xây dựng báo cáo tổng hợp

60.000.000

Chi cho đại biểu tham dự, chuyên gia phân tích đánh giá chuyên đề

1.7

Chi phí hội nghị, hội thảo góp ý

20.000.000

 

2

Chi phí thẩm định tại Hà Nội

46.600.000

2 lần đi lại

2.1

Vé máy bay

18.600.000

3 người x 2 chuyến

2.2

Tiền ăn, nghỉ đi bảo vệ tại Hà Nội

6.000.000

3 người x 2 lần x 3 ngày

2.3

Chi phí hội nghị thẩm định

12.000.000

 

2.4

Lệ phí thẩm định

10.000.000

 

3

Kiểm toán, nghiệm thu

8.000.000