Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 318/2014/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 08 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ HẠ TẦNG NÔNG THÔN, GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước năm 2002;

Căn cứ Nghị quyết số 128/2014/NQ-HĐND17 ngày 24/4/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVII về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2014.

Đối với một số nội dung công việc đã triển khai dở dang, tiếp tục được thực hiện theo quyết định 30/2012/QĐ-UBND ngày 31/5/2012 đến hết tháng 12 năm 2014.

Quyết định này thay thế các Quyết định của UBND tỉnh: số 30/1012/QĐ-UBND ngày 31/5/2012 về ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; số 39/QĐ-UBND ngày 31/1/2013 về việc điều chỉnh mức phụ cấp đối với nhân viên thú y cấp xã và quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên thú y thôn, khu phố; số 53/QĐ-UBND ngày 20/5/2010 về ban hành quy định chế độ hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ TP, NN&PTNT (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCTUBND tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh;
- Các ban của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Trung tâm Công báo tỉnh và Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NN.TN, KTTH, PVPTN, CVP.

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

QUY ĐỊNH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ HẠ TẦNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 318 /2014/QĐ-UBND ngày 08/7/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. Các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa lớn, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn các xã, thuộc các lĩnh vực: Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; giao thông nông thôn; trường học (trường THCS công lập, tiểu học công lập, mầm non công lập); trụ sở xã; nhà văn hóa thôn; trạm y tế; kiên cố hóa kênh mương; chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, có tham gia các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. UBND các xã có các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng.

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ theo các mức hỗ trợ tại quyết định này phần còn lại sử dụng từ ngân sách huyện, xã và nguồn khác.

2. Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

3. Đối với Máy móc thiết bị được hỗ trợ phải là máy mới, các Dự án, Báo cáo Kinh tế kỹ thuật chỉ được hỗ trợ một lần.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Điều 4. Hỗ trợ sản xuất trồng trọt

1. Hỗ trợ sản xuất giống

Hỗ trợ 70% giá giống đối với giống lúa siêu nguyên chủng để sản xuất lúa nguyên chủng hoặc đối với giống rau, màu để sản xuất giống rau màu các loại (danh mục giống, rau, màu do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định hàng năm).

2. Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng và sản xuất lúa hàng hóa

2.1. Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm cho toàn bộ diện tích trồng 2 vụ lúa.

2.2. Hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha/vụ cho toàn bộ diện tích sản xuất cây vụ đông, rau màu vụ xuân và vụ mùa.

2.3. Hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha/vụ cho vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô từ 3ha trở lên được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

3. Hỗ trợ sản xuất rau an toàn

3.1. Hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu cho tổ chức, cá nhân sản xuất từ 0,5 ha rau chuyên canh trở lên được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm được cấp thẩm quyền cấp.

3.2. Hỗ trợ 100.000.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu, cho tổ chức, cá nhân sản xuất từ 0,5 ha rau chuyên canh trở lên được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Điều 5. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Thực hiện theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP , ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đồng thời được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh như sau:

- Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi lợn nái có quy mô từ 500 con trở lên, gia cầm( gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng) có quy mô từ 5000 con đối với gia cầm nuôi sinh sản và 10.000 con đối với gia cầm nuôi lấy thịt được hỗ trợ như Khoản 1, Điều 11 của Nghị định trên.

- Đối với các cơ sở giết mổ tập trung xây dựng điểm (cơ sở cụ thể do UBND tỉnh quyết định) được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng theo đơn giá do nhà nước quy định.

- Tổ chức, cá nhân hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm trong các cơ sở giết mổ tập trung, được hỗ trợ 100% kinh phí thuê mặt bằng và lệ phí kiểm dịch trong 01 năm đầu và 50% cho 01 năm tiếp theo (đơn giá thuê mặt bằng do Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định và công bố hàng năm).

- Hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin, vật tư, công tiêm phòng 2 đợt chính/ năm các bệnh: bệnh lở mồm long móng (cho lợn nái, lợn đực giống, trâu, bò), bệnh tai xanh, bệnh dịch tả (cho lợn nái, lợn đực giống), bệnh dại (cho đàn chó, mèo), bệnh cúm gia cầm (cho đàn gà, vịt, ngan).

Điều 6. Hỗ trợ phát triển thủy sản

1. Hỗ trợ lần đầu 15.000.000 đồng/ha để mua máy quạt nước, máy bơm, hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho các hộ, các cơ sở nuôi cá thâm canh nằm trong vùng tập trung có quy mô từ 10 ha trở lên, theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt.

2. Hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha/năm trong 2 năm đầu để mua cá giống cho các tổ chức cá nhân tiếp nhận kỹ thuật nuôi cá thâm canh được UBND tỉnh phê duyệt (đối tượng cá giống do Sở NN & PTNT xác định hàng năm).

3. Hỗ trợ 15.000.000 đồng/lồng kinh phí mua vật tư để lắp đặt lồng nuôi cá trên sông kích thước tối thiểu là 6m x 6m x 3m = 108m3.

Điều 7. Hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm.

1. Hỗ trợ lần đầu 30% kinh phí mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp nhưng không quá 180.000.000 đồng/máy, máy phun thuốc trừ sâu không quá 7.000.000 đồng/máy để phục vụ sản xuất, nếu cam kết phục vụ trên địa bàn ít nhất 3 năm, giao cho UBND xã theo dõi giám sát các máy được hỗ trợ.

2. Hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị lạnh để xây dựng kho lạnh, để bảo quản giống, nông sản, thực phẩm nhưng không quá 150.000.000 đồng/kho (150m3 trở lên)

3. Hỗ trợ 80% kinh phí mua thiết bị lạnh và giá để hàng chuyên dùng cho siêu thị bán sản phẩm nông sản thực phẩm điểm (cơ sở cụ thể do UBND tỉnh quyết định), không quá 500.000.000 đồng/1 siêu thị/huyện (Giao sở Tài chính và Sở Nông nghiệp & PTNT xác định danh mục và giá các loại thiết bị trên).

4. Hỗ trợ 80% kinh phí mua thiết bị lạnh và giá để hàng bán sản phẩm nông sản, thực phẩm cho cửa hàng có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không quá 25.000.000 đồng/1 cửa hàng 20m2 trở lên.(Giao sở Tài chính và Sở Nông nghiệp & PTNT xác định danh mục và giá các loại thiết bị trên)

Điều 8. Hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ

1. Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, tập huấn:

- Hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến văn bản pháp luật cho nông dân trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp và người trực tiếp tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản thực phẩm, nhằm đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Hỗ trợ 30% vật tư, thiết bị của dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng/ dự án cho tổ chức, cá nhân có dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, (cơ quan chuyển giao công nghệ cao được Bộ chuyên ngành cấp phép).

3. Hỗ trợ xây dựng mô hình, đề án: Hỗ trợ 70% kinh phí mua giống, vật tư, nguyên nhiên vật liệu để xây dựng mô hình, đề án sản xuất, trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp (Danh mục hỗ trợ giao Sở Nông nghiệp và PTNT quy định cụ thể cho từng mô hình, các đề án phải được UBND tỉnh phê duyệt).

Điều 9. Chính sách ưu đãi khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm

Các tổ chức kinh tế và cá nhân có hợp đồng tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân theo phương thức ứng trước vốn, nếu thực hiện đúng hợp đồng và đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ như sau:

1. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng cho toàn bộ số tiền vay ứng trước theo hợp đồng.

2. Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm an toàn, kinh phí chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn.

Điều 10. Hỗ trợ nhân viên thú y cấp xã, phường cộng tác viên thú y thôn, khu phố và cộng tác viên kiểm lâm cụ thể như sau:

1. Mức phụ cấp hàng tháng của nhân viên thú y cấp xã, phường:

- Người có trình độ đại học: Được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 hệ số lương cơ bản;

- Người có trình độ cao đẳng, trung cấp: Được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,8 hệ số lương cơ bản;

2. Đối với cộng tác viên thú y thôn, khu phố: Được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,3 hệ số lương cơ bản.

3. Hỗ trợ cho lực lượng cộng tác viên kiểm lâm ở các thôn, xã, phường có rừng để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, với mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,3 hệ số lương cơ bản, lực lượng công tác viên không quá 28 người.

Mục 2. HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN

Điều 11. Hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

1.Công trình xử lý nước thải bằng bể Bioga: Ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương ngân sách tỉnh hỗ trợ 1.200.000 đồng/1 bể.

2. Hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án nước sạch

a. Đối với các dự án Nhà nước trực tiếp đầu tư.

Ngân sách Nhà nước đầu tư 100% tổng dự toán được phê duyệt, bao gồm: Khu đầu mối và hệ thống đường ống cấp nước (hệ thống đường ống chính và đường ống nhánh). Nhân dân đóng góp để đấu nối với hệ thống đường ống nhánh, bao gồm: Đồng hồ đo nước, đường ống dẫn nước từ đồng hồ vào đến hộ gia đình.

b. Đối với các dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư.

- Dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư 40% tổng dự toán được phê duyệt: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60% tổng dự toán được phê duyệt và được hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho phần vốn đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (40% tổng dự toán được phê duyệt), trong thời gian 5 năm, kể từ ngày khởi công công trình.

- Dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư 100% tổng dự toán được phê duyệt để đầu tư xây dựng khu đầu mối và hệ thống đường ống (hệ thống đường ống chính và đường ống nhánh): Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho phần vốn đầu tư trong thời gian 10 năm, kể từ ngày khởi công công trình.

c. Đối với các dự án nối mạng cấp nước sạch từ công trình cấp nước của khu công nghiệp hoặc đô thị đến các xã, thị trấn liền kề, nhà nước hỗ trợ 100% tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho chủ đầu tư để lắp đặt đường ống chính và đường ống nhánh.

Điều kiện áp dụng: Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có phương án tổ chức kinh doanh, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, có năng lực quản lý, khai thác và cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ cho cộng đồng dân cư nông thôn theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy mô công trình: Thực hiện chủ yếu theo cụm xã, gồm: Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và nối mạng các xã, thị trấn gần khu công nghiệp hoặc đô thị.

Quản lý, vận hành trước, sau đầu tư và các nội dung khác, thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước, thời gian khai thác, sử dụng tối thiểu 30 năm,

Điều 12. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu và đường giao thông nông thôn

1. Hỗ trợ xây dựng đường trục xã (gồm cầu và đường) bằng 2 tỷ đồng/km (Tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp A trong Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2011 của Bộ Giao Thông Vận tải).

2. Đường giao thông liên thôn, thôn, xóm, (bao gồm cầu và đường) hỗ trợ bằng 1,5 tỷ đồng/km (Tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp B trong Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2011 của Bộ Giao Thông Vận tải).

Điều 13. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kênh mương.

Dự án đầu tư kiên cố hóa kênh loại 3 có nguồn nước từ trạm bơm cục bộ đến khu sản xuất tập trung, nằm trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, ngân sách tỉnh hỗ trợ 250.000.000 đồng/1km.

Điều 14. Hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nâng cấp trụ sở UBND cấp xã và nhà văn hóa thôn.

1- Hỗ trợ Xây dựng mới trụ sở UBND cấp xã bằng 5.200.000 đồng/m2 xây dựng. Nâng cấp cải tạo, trụ sở UBND cấp xã không quá 3.200.000 đồng/m2 xây dựng, nhưng không quá 825m2 (theo Thiết kế mẫu do sở xây dựng công bố).

2- Hỗ trợ Xây dựng mới nhà văn hóa thôn bằng 5.200.000 đồng/m2 xây dựng. Nâng cấp cải tạo nhà văn hóa thôn không quá 3.200.000 đồng/m2, nhưng không quá 561m2 đối với thôn loại 1 và loại 2 và 313,5m2 đối với thôn loại 3 (theo Thiết kế mẫu do Sở Xây dựng công bố).

Điều 15. Xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp Trường học

Hỗ trợ Xây dựng mới Trường học bằng 5.200.000 đồng/m2 xây dựng( không quá 370.000.000 đồng/phòng đối với phòng 72 m2 và 598.000.000 đồng/phòng đối với phòng 115 m2. Nâng cấp cải tạo Trường học không quá 3.200.000 đồng/m2.

Điều 16. Xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp Trạm y tế

1- Các công trình đầu tư mới: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 7.000.000 đồng/m2 nhưng không quá 4,4 tỷ đồng/trạm.

2- Các công trình cải tạo, sửa chữa phòng chức năng: Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 3.200.000 đồng/m2 và không quá 124.000.000 đồng/phòng.

3- Các công trình cải tạo sửa chữa có xây mới bổ sung phòng chức năng: Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 4.900.000 đồng/m2 và không quá 190.000.000 đồng/phòng.

Điều 17. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp Chợ nông thôn

Hỗ trợ Xây dựng mới Chợ nông thôn bằng 1 tỷ đồng/chợ. Nâng cấp cải tạo Chợ nông thôn không quá 500.000.000 đồng/chợ, cho các hạng mục: Cổng, tường bao, đường nội bộ, khu vệ sinh, san nền, hệ thống cấp thoát nước.

Điều 18: Chính sách ưu tiên các xã khó khăn

Đối với hỗ trợ hạ tầng nông thôn các xã khó khăn được hỗ trợ bằng 100% giá trị quyết toán được phê duyệt theo thiết kế mẫu cho các danh mục hạ tầng đã quy định trong quyết định này.

Danh sách các xã khó khăn do Sở Nội vụ phối hợp với các ngành liên quan xác định và công bố theo từng giai đoạn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm các sở, ban, ngành thuộc tỉnh

1. Sở Tài chính

- Hàng năm cân đối ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quy định này.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt giá các loại giống cây, con, vật tư, thiết bị, làm căn cứ cho các đơn vị, ngành hàng cung ứng.

- Quản lý, cấp phát nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thành phố và các đơn vị dự toán cấp tỉnh. Đôn đốc giải ngân, thanh quyết toán các nội dung hỗ trợ, đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở chuyên ngành thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ vốn đầu tư; đảm bảo tất cả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn theo quyết định này, có quy trình thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

 - Tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư công trình hoàn thành của các xã.

3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn liên ngành để thực hiện quyết định này.

- Công bố danh mục giống cây, con, vật tư được hỗ trợ theo quy định. hướng dẫn các Huyện, các đơn vị xây dựng kế hoạch và rà soát kế hoạch hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tổng hợp, thẩm định gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư để bố trí kinh phí, đồng thời phối hợp thẩm định quyết toán kinh phí hỗ trợ hàng năm.

- Chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế, dự toán các hạng mục, dự án đầu tư hạ tầng thuộc chuyên ngành quản lý.

- Quản lý, theo dõi kinh phí cấp cho các đơn vị dự toán thuộc ngành các nội dung: Kinh phí chuyển giao khoa học công nghệ, phòng dịch, hỗ trợ nuôi cá lồng, hỗ trợ cho nhân viên thú y xã và thôn, cộng tác viên kiểm lâm, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, chế biến, nông sản thực phẩm an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, xử lý nước thải bằng biôga, các dự án nước sạch và một số kinh phí có nội dung liên quan khác.

- Theo dõi tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ.

4. Các Sở, ngành khác liên quan

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức thực hiện các nội dung tại quy định này.

Điều 20. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn (gọi chung là huyện và xã)

1. Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm huy động các nguồn lực hợp pháp khác cùng với ngân sách tỉnh hỗ trợ các xã thực hiện tốt chính sách này; Tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn và trực tiếp quản lý tốt các nguồn kinh phí.

Chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã và các đơn vị, xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí hỗ trợ đảm bảo trong khả năng ngân sách của tỉnh và địa phương, tổng hợp quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện phù hợp với quyết định giao dự toán đầu năm, hoàn thiện các chứng từ pháp lý theo quy định, tiếp nhận và sử dụng đúng mục đích kinh phí hỗ trợ trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Đối với những vi phạm nghiêm trọng phải báo cáo ngay Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài Chính và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Sở chuyên ngành.

2. Ủy ban nhân dân các xã xây dựng dự án, kế hoạch, huy động nguồn lực của địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ và quản lý kinh phí hỗ trợ của chính sách này đúng theo quy định hiện hành của nhà nước và của tỉnh.

Người đứng đầu UBND cấp xã và các thôn có tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn: Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích tiết kiệm và hiệu quả kinh phí hỗ trợ trên địa bàn. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện theo quy định.

Điều 21. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, các tổ chức chính trị xã hội và đại diện của cộng đồng dân cư

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, các Tổ chức chính trị xã hội và đại diện của cộng đồng dân cư thực hiện giám sát cộng đồng trong thực hiện chính sách hỗ trợ tại xã theo quy định hiện hành; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn.

Các cơ quan thông tin truyền thông từ tỉnh đến cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền thường xuyên để nhân dân biết và thực hiện quy định này

Điều 22. Chế tài thực hiện.

Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố có trách nhiệm:

- Tổ chức, tuyên truyền, phổ biến quyết định này và các văn bản liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ đến các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, các đối tượng liên quan hoặc thụ hưởng chính sách theo quyết định.

- Xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ phù hợp với nguồn lực của tỉnh; hàng năm ngân sách tỉnh công khai mức hỗ trợ đối với từng lĩnh vực tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh và tổ chức thực hiện hỗ trợ theo kế hoạch; khắc phục tình trạng đầu tư hạ tầng nông thôn tự phát, không tuân thủ quy định, quy trình hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

- Chỉ đạo hỗ trợ trực tiếp đến đối tượng được hỗ trợ, nghiêm cấm qua khâu trung gian.

- Người đứng đầu của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, điều hành và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, phải trực tiếp chỉ đạo các đơn vị cá nhân dưới quyền, tăng cường kiểm tra, đôn đốc phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, nếu thực hiện tốt sẽ được khen thưởng và để xảy ra vi phạm hoặc có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân, gây lãng phí, thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới, tùy theo mức độ vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.