Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 328/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 124/TTr-SCT ngày 12/01/2018 của Sở Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (viết tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; trong đó, phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

- Tập trung thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của thành phố, phấn đấu xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực ĐBSCL và của cả nước.

- Phát triển dịch vụ logistics, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật và tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ.

- Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý - kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương bao gồm chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban ngành và các địa phương trong chuỗi dịch vụ logistics,... đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu

- Thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế.

- Hỗ trợ, khuyến khích hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

- Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- Xây dựng đề án kêu gọi đầu tư để sớm hình thành Trung tâm logistics hạng II trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm, động lực phát triển thương mại - dịch vụ, khẳng định vai trò trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics

- Rà soát, nghiên cứu vận dụng các chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

- Định kỳ hàng năm rà soát tham mưu HĐND thành phố, UBND thành phố sửa đổi, điều chỉnh, ban hành chính sách liên quan đến các cam kết quốc tế về logistics tại WTO, ASIAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia phù hợp với quy định của pháp luật.

- Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động của chuỗi dịch vụ logistics, đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng số lượng, chất lượng phục vụ là nhiệm vụ hàng đầu, không ngừng cải tiến nâng cao hiệu quả dịch vụ, phấn đấu giảm giá thành dịch vụ để thu hút nguồn hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, trong vùng thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics.

- Nghiên cứu và đề xuất các chính sách mới thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động logistics, tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển vận tải hàng không tư nhân giá rẻ tại thành phố.

2. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics

Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:

- Quy hoạch và hình thành hệ thống kho bãi chứa hàng hóa tại các bến cảng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm của quận, huyện, ưu tiên thực hiện theo Quyết định số 4051/QĐ-BCT ngày 10/10/2016 của Bộ Công Thương phê duyệt “Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

- Phát huy lợi thế về địa hình địa lý, phát triển các loại hình dịch vụ logistics làm vệ tinh cho Trung tâm logistics của thành phố theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung xây dựng đề án, mời gọi đầu tư để hình thành và phát triển Trung tâm logistics hạng II tại cảng Cái Cui, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ với quy mô diện tích 242,2ha gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu của cảng, phục vụ cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc tiểu Vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL.

- Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư logistics theo trục cảng Cái Cui, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ.

- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông logistics trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt tại Quyết định số 3522/QĐ-UBND ngày 24/11/2015 của UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố Cần Thơ đến năm 2030.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics bao gồm: mạng lưới thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, trao đổi dữ liệu điện tử, nâng cấp hệ thống internet,...

- Rà soát đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống kho ngoại quan, kho hàng không, bến bãi, phát triển phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng xuất khẩu trước mắt, cũng như lâu dài.

- Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics và thực hiện các dịch vụ này (dịch vụ lưu kho, lưu bãi, giao nhận, vận chuyển, thông tin, giao dịch, làm dịch vụ hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì,...).

- Chuẩn hóa các quy trình dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng việc ứng dụng hải quan điện tử để giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi.

3. Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp làm dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.

- Hỗ trợ công tác quảng bá cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án xây dựng và phát triển logistics trên địa bàn thành phố.

- Khuyến khích, từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo thành chuỗi lưu thông hàng hóa linh hoạt, rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm.

4. Phát triển thị trường dịch vụ logistics

- Đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết phát triển thị trường cho dịch vụ logistics thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm, tổ chức các đoàn nghiên cứu học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố có dịch vụ logistics phát triển để trao đổi, hợp tác tìm cơ hội và mời gọi đầu tư để phát triển dịch vụ logistics.

- Phát triển các dịch vụ cảng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa với các dịch vụ khác.

- Xây dựng mối liên kết phát triển logistics trong khu vực cảng và bên ngoài khu vực nhằm giảm tối đa chi phí dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics. Lấy cơ sở từ doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ vận tải, bốc xếp trong thành phố làm nòng cốt, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp làm các dịch vụ khác, sử dụng lợi thế của từng doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin,...) để thực hiện dịch vụ trọn gói mở rộng tầm hoạt động trong nước và quốc tế, gắn kết thành chuỗi dịch vụ; hỗ trợ thành lập thêm các bộ phận còn thiếu để đảm đương được dịch vụ trọn gói.

5. Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực

- Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực logistics; đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu trong quản lý điều hành hoạt động cho doanh nghiệp logistics trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dịch vụ logistics. Khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đào tạo nghề liên quan đến logistics.

- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền quảng bá về logistics; đưa khái niệm logistics trở nên phổ biến trong ngành kinh tế nói riêng và xã hội nói chung. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

6. Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

- Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch hóa, tin học hóa thủ tục hải quan; cải tiến quy trình thủ tục hải quan xuất nhập khẩu (giấy phép, đại lý hải quan, chứng từ xuất nhập khẩu,...) phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực Châu Á và quốc tế.

- Tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hoạt động quản lý của đơn vị theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể tại cơ quan, đơn vị để chủ động triển khai và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Tài chính hàng năm, cân đối khả năng ngân sách, tham mưu trình UBND thành phố kinh phí thực hiện dịch vụ logistics.

3. Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đề xuất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư nâng cấp cảng Cần Thơ trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối của khu vực (loại I) để từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2016; có chính sách thu hút các hãng tàu quốc tế mở tuyến tàu container quốc tế vào cảng Cần Thơ để góp phần từng bước khai thác hiệu quả cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực ĐBSCL theo định hướng quy hoạch.

4. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, các địa phương trong chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo, đề xuất UBND thành phố các giải pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch; tham mưu UBND thành phố sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này và tham mưu điều chỉnh kế hoạch kịp thời để cập nhật phù hợp theo từng giai đoạn.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Quang Hoài Nam

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ)

STT

Nhiệm vụ

Kết quả đạt được

Cơ quan chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện/hoàn thành

I

Triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics

1

Rà soát, nghiên cứu vận dụng các chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 của UBND thành phố Cần Thơ về hỗ trợ đầu tư

Phát triển dịch vụ logistics tại thành phố phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ

Thường xuyên

2

Rà soát, tham mưu HĐND thành phố, UBND thành phố ban hành chính sách liên quan đến các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do FTA

Tạo điều kiện cho tổ chức, cán bộ quản lý nắm bắt được chính sách liên quan đến các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do FTA

Sở Tư pháp

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

3

Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, doanh nghiệp trong hoạt động lĩnh vực của chuỗi dịch vụ logistics

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, chủ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực của chuỗi dịch vụ logistics

Sở Công Thương

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH thành phố, Báo Cần Thơ và các đơn vị liên quan

2017-2025

4

Nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động logistics, tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển vận tải hàng không tư nhân giá rẻ tại thành phố

Phát triển dịch vụ logistics tại thành phố phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố

Sở Tư pháp

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam

2017-2025

II

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics

1

Quy hoạch và hình thành hệ thống kho bãi chứa hàng hóa tại các bến cảng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm của quận, huyện

Thực hiện theo Quyết định 4051/QĐ-BCT ngày 10/10/2016 của Bộ Công Thương phê duyệt “Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến Vùng Kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ

2017-2025

2

Tập trung xây dựng đề án, mời gọi đầu tư để hình thành và phát triển Trung tâm logistics hạng II tại cảng Cái Cui

Đảm bảo quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, hình thành trung tâm logistics hạng II đóng vai trò kết nối các tỉnh, thành trong khu vực và quốc tế

Sở Công Thương

Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ và các đơn vị liên quan

2018-2025

3

Nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông logistics trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt

Thực hiện theo Quyết định số 3522/QĐ-UBND ngày 24/11/2015 của UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố Cần Thơ đến năm 2030

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp và các đơn vị liên quan

2017-2025

4

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư Cảng Cần Thơ là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại I)

Từng bước triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2016 và có chính sách thu hút các hãng tàu quốc tế mở tuyến tàu container quốc tế vào Cảng Cần Thơ, góp phần từng bước khai thác hiệu quả cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực ĐBSCL theo định hướng quy hoạch

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp và các đơn vị liên quan

2017-2025

III

Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ

1

Khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp, khu chế xuất dựa trên nền tảng logistics, khép kín, rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm

Khép kín, rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm

Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố

2017-2025

2

Hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp làm dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế

Sở Tài chính

Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố

2017-2025

IV

Phát triển thị trường dịch vụ logistics

1

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics

Tổ chức hội thảo chuyên đề về logistics, tổ chức các đoàn nghiên cứu học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố có dịch vụ logistics phát triển

Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Sở Công Thương

VCCI Chi nhánh Cần Thơ và các đơn vị có liên quan

2017-2025

2

Xây dựng mối liên kết phát triển logistics bên trong khu vực và bên ngoài khu vực cảng

Giảm tối đa chi phí dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics

Sở Công Thương

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp và các đơn vị liên quan

2017-2025

V

Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực

1

Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ cao

Nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu trong quản lý điều hành

Sở Nội vụ

Các đơn vị liên quan

2018-2025

2

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề

Đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dịch vụ logistics

Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Các đơn vị liên quan

2017-2025

3

Phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền quảng bá về logistics

Khái niệm logistics trở nên phổ biến trong ngành kinh tế nói riêng và xã hội nói chung

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Các đơn vị liên quan

2017-2025

VI

Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

1

Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch hóa, tin học hóa thủ tục hải quan

Cải tiến quy trình thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực, Châu Á và quốc tế

Cục Hải quan

Các đơn vị liên quan

2018-2025

2

Tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hoạt động quản lý của đơn vị

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hoạt động quản lý của đơn vị

Sở Khoa học và Công nghệ

Các đơn vị liên quan

Hằng năm