Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2007/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÙNG MÍA NGUYÊN LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2007-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường và giải quyết khiếu nại về đất đai;

Căn cứ Quyết định số 58/2005/QĐ-BNN ngày 03/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường;

Căn cứ Thông tư số 95/2004/TT-BTC ngày 11/10/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi về thuế phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, muối;

Căn cứ Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/2/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Bản quy định tạm thời về một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Căn cứ Quyết định số 4269/QĐ-UB ngày 14/11/2001 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tập trung 45 xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2001-2005;

Xét Công văn số 1647/SNN&PTNT ngày 08/11/2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị ban hành Quy định Cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2007-2010; Công văn số 282/ĐQN-KT-XDCB ngày 07/11/2007 của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi về việc thoả thuận cơ chế chính sách đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu, giai đoạn 2007-2010; ý kiến đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo Thẩm định số 164/BC-STP ngày 04/10/2007 về việc thẩm định Dự thảo Quyết định ban hành Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2007-2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2007-2010.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÙNG MÍA NGUYÊN LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2007-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này được áp dụng cho vùng quy hoạch phát triển mía nguyên liệu đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 4269/QĐ-UB ngày 14/11/2001;

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Người trồng mía và các Tổ chức, Doanh nghiệp, Hợp tác xã (gọi chung là người trồng mía) hoạt động có liên quan đến sản xuất cây mía nguyên liệu để chế biến đường công nghiệp được hưởng các ưu đãi theo quy định này.

Ngoài việc được hưởng các ưu đãi theo quy định này, người trồng mía còn được hưởng các ưu đãi khác có liên quan theo quy định của pháp luật như: chính sách về vay vốn tín dụng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi,…

Chương II

CƠ CHẾ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI TRỒNG MÍA VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG HỔ TRỢ

Điều 3. Các cơ chế hỗ trợ

I. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và thuỷ lợi:

1. Ngân sách Nhà nước (gồm tỉnh, huyện, xã) đầu tư cho các hạng mục thiết yếu sau:

- Đường giao thông liên vùng, liên xã.

- Hệ thống công trình thuỷ lợi như: Hồ, đập, trạm bơm, kênh mương chính, cấp I, cấp II mang tính chất tạo nguồn, tạo tuyến đối với những vùng không có kênh mương thuỷ lợi đi qua.

2. Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đầu tư hỗ trợ theo phương thức thoả thuận với người trồng mía đối với các hạng mục công trình: Giao thông nội đồng, trạm bơm tưới nội đồng, kênh mương nội đồng, đào ao, đóng giếng và bãi tập kết mía nguyên liệu.

3. Người trồng mía: Đóng góp đất để thi công các hạng mục công trình nội đồng phục vụ phát triển mía; tu bổ, nạo vét kênh mương theo phân cấp quản lý.

II. Hỗ trợ khai hoang, dồn điền đổi thửa:

1. Hỗ trợ khai hoang: Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc khai hoang (nếu có) đối với diện tích đất hoang hoá, diện tích đất đã được phép chuyển mục đích sử dụng từ trồng cây lâm nghiệp chuyển sang trồng mía thì được Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% định mức chi phí cho 1ha khai hoang và hỗ trợ 100% giá giống mía mới tại thời điểm khai hoang để trồng mới.

2. Hỗ trợ dồn điền đổi thửa:

- UBND xã nơi thực hiện dồn điền đổi thửa chủ động bố trí Ngân sách địa phương dùng cho các chi phí về văn phòng phẩm, in ấn, hội họp, vận động xã viên thực hiện dồn điền đổi thửa.

- UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho các ban chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa cấp xã, thị trấn để thực hiện công tác ngoại nghiệp và nội nghiệp của việc dồn điền đổi thửa.

- Người trồng mía tham gia thực hiện dồn điền đổi thửa được Ngân sách tỉnh hỗ trợ các nội dung sau: (chỉ áp dụng cho đối tượng cá nhân và hộ gia đình)

Chi phí làm đất cho vụ đầu tiên sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa với mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/ha.

Đối với diện tích mía lưu gốc (gốc 1 và gốc 2) được hỗ trợ 100% chi phí về giống mía mới để trồng mới trở lại (nếu phải phá bỏ trồng lại).

Sau khi thực hiện xong việc dồn diền đổi thửa phải làm lại ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các quy định hiện hành của Nhà nước mà không phải nộp lệ phí đối với diện tích tham gia thực hiện dồn điền đổi thửa.

III. Hỗ trợ chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía:

- Vốn ngân sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong trường hợp: đất lúa 1 vụ, đất lúa 2 vụ bấp bênh hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng mía nhưng không được nằm ngoài vùng quy hoạch phát triển mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi (trong trường hợp cần thiết phải có văn bản trình cấp có thẩm quyền quyết định), mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

- Điều kiện để được để được ngân sách hỗ trợ: tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất chuyển sang trồng mía phải có văn bản cam kết trồng mía liên tục trong 2 chu kỳ sản xuất (6 năm) và có xác nhận của UBND xã, thị trấn.

IV. Hỗ trợ về cơ giới hoá canh tác mía:

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hưởng ưu đãi về lãi suất vay để mua máy móc thực hiện cơ giới hoá trong canh tác mía theo các quy định của UBND tỉnh đã ban hành.

V. Chính sách khuyến nông:

- Người trồng mía được hưởng các chính sách khuyến nông theo quy định tại Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông.

- Ngoài việc tiếp nhận các chương trình khuyến nông thông qua các tổ chức khuyến nông của Nhà nước, người trồng mía còn được hỗ trợ kinh phí từ Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi để thực hiện công tác khuyến nông hàng năm.

VI. Chính sách về Khoa học - Công nghệ:

- Vốn ngân sách sẽ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu ứng dụng các biện pháp toàn diện về canh tác mía, về công tác du nhập, tuyển chọn, khảo nghiệm và sản xuất thử các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng đất trồng mía ở Quảng Ngãi.

- Người trồng mía được chuyển giao miễn phí các tiến bộ kỹ thuật về cây mía để áp dụng vào sản xuất.

VII. Đầu tư trồng mới mía:

Đầu vụ trồng mới mía hàng năm, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi công bố công khai chính sách đầu tư hỗ trợ, ứng trước giống, vốn, vật tư của Công ty cho người trồng mía.

VIII. Giá mua mía cây:

- Giá mua mía cây được xác định theo nguyên tắc giá mía cây mua tại ruộng (1 tấn mía sạch 10CCS) tối thiểu phải bằng giá 60kg đường RS trước thuế tại kho Công ty, giá đường theo thị trường tại thời điểm mua mía.

- Giá mua mía cây hàng năm phải được thông báo rộng rãi với người sản xuất theo từng thời điểm phù hợp với thị trường đường.

- Trước khi vào vụ trồng mía hàng năm, việc ký kết hợp đồng mua bán mía giữa Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi với người trồng mía phải được thực hiện theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng.

Điều 4. Nguồn vốn đầu tư

Tuỳ thuộc danh mục vốn đầu tư về xây dựng cơ bản hoặc hỗ trợ về khai hoang, dồn điền đổi thửa, cơ giới hoá, khuyến nông, .v.v. được xác định cụ thể theo nội dung chính sách này mà có các nguồn vốn đầu tư như sau:

1. Vốn ngân sách nhà nước được huy động từ các cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

2. Vốn của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi.

3. Vốn của nông dân đầu tư vào sản xuất.

4. Các nguồn vốn vay và vốn có khả năng huy động tài trợ khác (vốn ODA, NGO,...).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của các Sở ngành tỉnh

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với các địa phương thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tập trung ổn định đến năm 2010 và định hướng đến 2015 khoảng 9.000 ha.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan, UBND các huyện chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và Chương trình mía đường theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.

c) Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông về cây mía, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến người trồng mía.

d) Hướng dẫn UBND các xã, các HTX chuyên canh sản xuất mía đã thành lập (hoặc các HTX mới thành lập) tuỳ theo quy mô, khối lượng công việc và nhu cầu vốn đầu tư lập dự án, phương án (hoặc kế hoạch) hỗ trợ vốn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu hướng dẫn về diện tích, năng suất, sản lượng mía hàng năm cho các địa phương.

b) Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách đầu tư trong năm theo quy định tại Cơ chế hỗ trợ này trên cơ sở các kế hoạch, dự án được UBND tỉnh phê duyệt hoặc thoả thuận hỗ trợ ngân sách để đầu tư.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi vào vụ ép hàng năm làm việc, thống nhất với Công ty Cổ phần Đường về giá thu mua mía, báo cáo với UBND tỉnh trước khi thông báo cho người trồng mía.

b) Cân đối ngân sách địa phương, cấp kinh phí cho việc thực hiện chương trình mía đường bảo đảm kịp thời và đủ số lượng theo kế hoạch được phê duyệt hàng năm.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện:

- Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa;

- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng về các giải pháp kỹ thuật canh tác mía đối với các vùng đất trồng mía chính, tuyển chọn, khảo nghiệm các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao và chuyển giao các đề tài đã nghiên cứu có hiệu quả vào sản xuất.

b) Chịu trách nhiệm chính, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng mía và phân tích chữ đường (CCS) tại các Nhà máy Đường trong tỉnh thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, công bằng giữa người trồng mía và Doanh nghiệp chế biến đường.

Điều 6. Trách nhiệm của UBND các huyện

1. Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các Hội đoàn thể có liên quan của huyện và UBND các xã, thị trấn phổ biến cơ chế đầu tư hỗ trợ phát triển vùng mía nguyên liệu đến người trồng mía để triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.

2. Quản lý, chỉ đạo thực hiện việc trồng mía theo đúng vùng quy hoạch trên địa bàn; giao chỉ tiêu kế hoạch, hướng dẫn cho các xã về diện tích, năng suất, sản lượng mía hàng năm; đôn đốc kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện.

3. Tăng cường kinh phí khuyến nông hàng năm để thực hiện các mô hình: trồng mía thâm canh, trồng mía xen canh với các cây trồng họ đậu, trồng giống mía mới có năng suất và chất lượng cao, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 1 vụ, 2 vụ lúa bấp bênh và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía.

4. Chỉ đạo và giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã trên địa bàn huyện tổ chức, triển khai thực hiện việc dồn điền đổi thửa trong vùng quy hoạch trồng mía.

5. Chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các xã thực hiện việc lập và làm chủ đầu tư các dự án về giao thông, thuỷ lợi, khai hoang, cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa cho các vùng mía trên địa bàn huyện theo đúng quy định phân cấp về quản lý đầu tư xây dựng đối với Uỷ ban nhân dân huyện và nội dung quy định tại Cơ chế hỗ trợ này.

6. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập mới các HTX chuyên canh mía, nhằm thúc đẩy sản xuất, dịch vụ và tiêu thụ mía cho nông dân.

Điều 7. Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung chính sách đầu tư phát triển vùng mía do Công ty công bố hàng năm và cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu được ban hành theo Quy định này.

Điều 8. Các Sở, Ban, ngành, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và đề xuất hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Định kỳ hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành sơ, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Điều 9. Quy định này có hiệu lực thi hành đến năm 2010. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 11. Người có hành vi vi phạm các quy định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành./.