ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 383/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 24 tháng 03 năm 2017 |
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2017- 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008; Nghị định 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008;
Căn cứ Nghị quyết 29/NQ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam;
Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 17/02/2012 của UBND tỉnh Hà Nam về phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp-Thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến 2030;
Xét đề nghị của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tại Tờ trình số 184/TTr-BQLKCN ngày 21 tháng 3 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020”.
Điều 2. Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, cùng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án đúng quy định hiện hành, hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2017- 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008;
Nghị quyết 29/NQ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam;
Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Nam đến 2020;
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;
Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016 - 2025;
Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 17/02/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp-Thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Quyết định 48/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030;
II. Sự cần thiết xây dựng đề án:
Phát triển công nghiệp nói chung và phát triển các KCN nói riêng là hướng đi đúng để đẩy nhanh tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực tiễn trong gần 15 năm xây dựng và phát triển Khu công nghiệp của tỉnh, cho ta thấy các khu công nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các khu công nghiệp đã góp phần lớn trong phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách nhà nước,...
Trong giai đoạn 2011-2016, môi trường thu hút đầu tư của tỉnh đã được cải thiện, được các nhà đầu tư đánh giá cao thông qua việc thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh với nhà đầu tư nên nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã quyết định đầu tư vào tỉnh Hà Nam (chủ yếu là vào các KCN). Đưa Hà Nam trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, những kết quả đó chưa phản ánh hết những tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư như: Các dự án chủ yếu có quy mô nhỏ, dự án gia công, chưa có nhiều dự án lớn, công nghệ cao. Nguyên nhân là do: Hạ tầng các Khu công nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng một số dịch vụ phục vụ hoạt động của doanh nghiệp như nước sạch, viễn thông, nhà ở công nhân, logictis,... chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật, chất lượng cao,...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 08/4/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025 (trong đó: Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu công nghiệp chiếm 75% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 17,4%), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020”.
III. Mục tiêu và hiệu quả của Đề án:
Phân tích, đánh giá thực trạng các KCN trên địa bàn tỉnh; đề xuất các cơ chế thích hợp với điều kiện địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào các KCN.
Đưa ra các giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng KCN, thu hút các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tạo môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, hấp dẫn, tin cậy để vận động thu hút đầu tư vào KCN, nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổ chức thực hiện thu hút đầu tư về các ngành, lĩnh vực ưu tiên; lựa chọn các đối tác, công nghệ đầu tư.
THỰC TRẠNG, TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2016
Sau gần 15 năm xây dựng và phát triển các KCN, với sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoạt động của các KCN đã đạt được những kết quả rất tích cực, cụ thể như sau:
1. Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp:
Đến hết năm 2016, có 06 Khu công nghiệp đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống giao thông, thoát nước mưa, nước thải, điện chiếu sáng, trạm xử lý nước thải (04 KCN có trạm xử lý nước thải đang vận hành; Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III và KCN Đồng Văn IV đang tiến hành đầu tư xây dựng),... và hạ tầng dịch vụ như điện, nước sạch, viễn thông,.. được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, cụ thể:
1.1. KCN Đồng Văn I: Tổng diện tích 221,2 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 157,67ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
1.2. KCN Đồng Văn II: Tổng diện tích 320 ha, trong đó đất công nghiệp là 237,97ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 85,4%.
1.3. KCN Châu Sơn: Tổng diện tích 325,1 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 238,48ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 74,6%.
1.4. KCN Hòa Mạc: Tổng diện tích 131ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 87,84ha. Đến hết năm 2016, tỷ lệ lấp đầy đạt 54,8%.
1.5. KCN hỗ trợ Đồng Văn III: Tổng diện tích 300ha, trong đó giai đoạn I là 131,5ha, với diện tích đất công nghiệp là 99,67ha. Đến hết năm 2016, đã triển khai cơ bản đồng bộ hạ tầng giai đoạn I và cho 03 nhà đầu tư thuê 6,5ha.
1.6. KCN Đồng Văn IV: Tổng diện tích 300ha, với diện tích đất công nghiệp là 227,27ha. Đến hết năm 2016, đã GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích khoảng 100 ha và đã cho 03 nhà đầu tư thuê đất với tổng diện tích 7,1 ha.
2. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của KCN và cải thiện môi trường đầu tư:
Nhiều công trình giao thông quan trọng hoàn thành (cải tạo QL1A, QL38, Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) hoặc đang được triển khai thực hiện (đường nối 2 cao tốc, cầu Thái Hà....) đã rút gắn được khoảng cách và thời gian di chuyển từ tỉnh đến sân bay, cảng biển và các trung tâm kinh tế của đất nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương.
Về cung cấp điện: Các đơn vị cung cấp điện đã tập trung nguồn vốn cải tạo, nâng cấp, bổ sung các trạm biến áp; chủ động tích cực trong việc lập dự án, kịp thời xây dựng các đường dây và trạm biến áp 35kV, 110 kV cấp điện đến chân hàng rào cho các doanh nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất trong Khu công nghiệp.
Dịch vụ bưu chính viễn thông từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu thông tin liên lạc của doanh nghiệp. Tại các KCN đều có trên 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng.
Dịch vụ cấp nước sạch ngày càng được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Tại một số Khu công nghiệp đã duy trì và phát triển đồng thời hai mạng lưới cấp nước sạch do hai đơn vị cung cấp khác nhau để cho doanh nghiệp lựa chọn. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải được quan tâm đầu tư đồng bộ.
Đã xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở các tuyến xe đưa đón công nhân tại các Khu công nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường đào tạo theo địa chỉ, gắn việc đào tạo của các trường với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Thực hiện Đề án đào tạo 1.000 lao động ngành công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản. Triển khai hợp tác đào tạo lao động cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Chủ động, tích cực phối hợp tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp trong KCN.
Hàng năm đã tổ chức các Hội nghị XTĐT trong và ngoài nước để giới thiệu môi trường đầu tư và kêu gọi thu hút các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh, đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Định kỳ hàng năm tổ chức các hội nghị gặp mặt và đối thoại với các doanh nghiệp. Các ngành, các cấp đã thực hiện tốt Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, nộp ngân sách lớn; tổ chức triển khai các Nghị quyết của Chính phủ.
Do đó môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ nét, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp:
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KCN và hoạt động của doanh nghiệp.
Thẩm định chặt chẽ các tiêu chí về công nghệ, môi trường, hiệu quả sử dụng đất, năng lực tài chính... khi xem xét dự án đầu tư. Yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết, đặt cọc để đảm bảo tiến độ đầu tư khi được chấp thuận dự án. Đồng thời thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; kiên quyết thu hồi đất, chấm dứt ưu đãi đầu tư đối với trường hợp vi phạm pháp luật, hoạt động hiệu quả thấp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
Ban quản lý các KCN hàng tuần báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong KCN, Cục Thuế thường xuyên tổng hợp báo cáo việc chấp hành pháp luật về thuế của các doanh nghiệp để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề, vướng mắc phát sinh.
4. Về thu hút đầu tư:
Đến tháng 12/2016, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 258 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 155 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký là 1.979,6 triệu USD và 102 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký là 14.366,1 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011 - 2016, các KCN đã thu hút được 166 dự án đầu tư, trong đó có 125 dự án FDI, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 85 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 9.346,45 đồng và 1.731,74 triệu USD.
Trong tổng số 166 dự án đã thu hút giai đoạn 2011-2015 có 121 dự án thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, còn lại là các ngành nghề khác. Tuy nhiên, đa số các dự án thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo là các dự án lắp ráp, gia công, chưa có nhiều dự án sản xuất.
Biểu tổng hợp số dự án thu hút và diện tích đất cho thuê từng Khu công nghiệp
Khu công nghiệp | Số dự án | Diện tích đất thuê (ha) | ||||||||||
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | |
Đồng Văn I | 1 | 3 | 4 | 6 | 11 | 5 | 0 | 2,1 | 1,3 | 9,2 | 21,4 | 20,4 |
Đồng Văn II | 10 | 10 | 11 | 10 | 13 | 7 | 48,5 | 8,2 | 18,6 | 33,7 | 28,1 | 16,1 |
Đồng Văn III | 0 | 0 | 0 | 0 | 2 | 2 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,5 | 6,0 |
Đồng Văn IV | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 3 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 7,1 |
Châu Sơn | 6 | 1 | 8 | 11 | 7 | 10 | 23,8 | 2,6 | 6,2 | 10,7 | 9,9 | 47,7 |
Hòa Mạc | 2 | 3 | 3 | 4 | 7 | 5 | 5,1 | 7,0 | 4,5 | 7,2 | 20,9 | 0 |
Tổng cộng: | 20 | 17 | 26 | 31 | 40 | 32 | 77,4 | 19,9 | 30,6 | 60,8 | 80,8 | 691,8 |
Biểu tổng hợp thu hút vốn đầu tư vào từng Khu công nghiệp
Khu công nghiệp | Vốn trong nước (tỷ đồng) | Vốn FDI (Triệu USD) | ||||||||||
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | |
Đồng Văn I | 31,7 | -216 | 116,1 | 442,6 | 79,5 | 194,6 | 2,5 | 3,0 | 3,4 | 9,5 | 137,3 | 386,0 |
Đồng Văn II | 665,6 | 0 | 0 | 0 | 79,9 | 10,0 | 198,0 | 82,0 | 89,7 | 219,8 | 110,1 | 202,8 |
Đồng Văn III | 0 | 0 | 0 | 0 | 75,3 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 6,4 |
Đồng Văn IV | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 21,7 |
Châu Sơn | 575,2 | 131,0 | 299,6 | 21,0 | 318,1 | 5.691,5 | 20,2 | 3,2 | 15,5 | 29,9 | 20,3 | 38,1 |
Hòa Mạc | 114,4 | 290,0 | 0 | 0 | 426,3 | 0 | 3,0 | 2,2 | 16,5 | 19,2 | 52,6 | 36,8 |
Tổng cộng: | 1.386,9 | 205,0 | 415,7 | 463,6 | 979,1 | 5.896,1 | 223,7 | 90,4 | 125,1 | 278,4 | 320,3 | 691,8 |
5. Tình hình thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh
5.1. Kết quả thực hiện dự án:
- Với tổng diện tích đất cho các dự án đầu tư còn hiệu lực thuê là: 592,76 ha, trong đó: KCN Đồng Văn I là 150,0 ha, KCN Đồng Văn II là 203,1 ha, KCN Châu Sơn: 178,0ha; KCN Hòa Mạc 48,1ha; KCN hỗ trợ Đồng Văn III là 6,5ha và KCN Đồng Văn IV là 7,1ha. Các dự án đã sử dụng là 455,2ha/592,76ha đất được giao, đạt hiệu suất sử dụng đất là 76,8%.
- Trong tổng số 257 dự án đầu tư còn hiệu lực thì đã có 222 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 35 dự án đang đầu tư xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động.
- Vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án lũy kế đến tháng 12/2016 là: 7.990,3 tỷ đồng, đạt 55,7% vốn đăng ký và 1.193,3 triệu USD đạt 60,5% vốn đăng ký.
5.2. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp:
- Giá trị sản xuất công nghiệp trong các năm qua tăng nhanh, với tốc độ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 19,7%/năm, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, cụ thể: Đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp, đạt 29.849 tỷ đồng (giá so sánh 2010), chiếm 71,3% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh (toàn tỉnh đạt 41.854 tỷ đồng); năm 2016 ước đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2015.
- Nộp ngân sách: Các KCN ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước: năm 2011 đạt 499,7 tỷ đồng đến năm 2015 đã là 1.300 tỷ đồng (gồm thuê nội địa và thuế XNK) chiếm 35,2% tổng thu ngân sách tỉnh; năm 2016, đạt 1.521 tỷ đồng.
- Giá trị xuất khẩu tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 35,1%/năm, cụ thể: Năm 2011, đạt 189,5 triệu USD, đến năm 2015 đạt 878,5 triệu USD chiếm 84,0% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh (1.045,3 triệu USD); năm 2016 đạt 1.161 triệu USD.
- Tình hình thu hút và sử dụng lao động: Bình quân giai đoạn 2011-2016 các Khu công nghiệp đã thu hút và giải quyết việc làm mới cho 5.025 lao động/năm, đến tháng 12/2016 tổng số lao động làm việc trong các KCN là 48.625 lao động.
Trong những năm qua việc đầu tư xây dựng và phát triển các KCN đã đạt được những thành tựu đáng kể đó là: Các KCN đã huy động được một lượng vốn đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách... Tuy nhiên, hoạt động của các KCN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và còn tồn tại những hạn chế nhất định như sau:
- Cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư (các dịch vụ phục vụ đời sống, vui chơi, giải trí dành cho các nhà đầu tư còn hạn chế như: Khách sạn tiêu chuẩn, sân gold, nhà hàng,…). Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại một số KCN còn chậm; dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp (điện, nước, viễn thông, nhà ở công nhân, chuyên gia, logictis…) chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là chưa đầu tư xây dựng khu nhà ở, các khu chức năng vui chơi, giải trí và sinh hoạt cho công nhân trong các KCN.
- Việc cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân công kỹ thuật có tay nghề kỹ thuật cao, một bộ phận lao động chưa có tác phong công nghiệp, năng suất lao động thấp...
- Chưa thu hút được nhiều dự án sản xuất đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo. Các dự án đầu tư đa số là có quy mô vừa và nhỏ, suất đầu tư chỉ ở mức trung bình khá của cả nước (đạt 69,2 tỷ/1 ha tương đương 3,45 triệu USD/ha). Dây chuyền công nghệ còn ở mức độ trung bình, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mũi nhọn.
- Một số dự án đầu tư không mang lại hiệu quả, cụ thể đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 15 dự án đầu tư. Giá trị gia tăng trong sản phẩm của các doanh nghiệp KCN chưa cao. Mức độ đóng góp ngân sách của các dự án vẫn ở mức trung bình khá của cả nước (bình quân năm 2015 đạt 2,63 tỷ đồng/ha). Thu nhập của người lao động làm việc trong KCN chưa cao: Năm 2015 thu nhập bình quân của lao động mới đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.
III. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
- Nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế và chưa huy động được nhiều sự tham gia của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội - dịch vụ phục vụ hoạt động của các KCN.
- Chưa có cơ chế hỗ trợ đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở, các khu chức năng phục vụ vui chơi, giải trí và sinh hoạt cho công nhân trong các Khu công nghiệp.
- Năng lực và chất lượng đào tạo nghề cho lao động của các cơ sở đào tại tỉnh còn hạn chế; môi trường làm việc và sinh sống tại tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao về làm việc tại các KCN của tỉnh.
- Công tác quản lý, giám sát hoạt động của các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thời điểm còn chưa được kịp thời; chưa kiên quyết xử lý các vi phạm của nhà đầu tư.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp KCN đôi khi còn gặp khó khăn; công tác tư vấn hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Các doanh nghiệp trong KCN chủ yếu quy mô là vừa và nhỏ, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế.
- Chưa tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI cho các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, khó khăn.
Các Khu công nghiệp của tỉnh có tiềm năng và lợi thế để tạo lập môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong thời gian tới. Với vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội và giao thương với các vùng trọng điểm kinh tế. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, thủ tục hành chính luôn được cải thiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Trong những năm qua, các KCN đã thu hút được một số dự án lớn như: Công ty Honda, Công ty KMW, Công ty dệt Đài Nguyên, Công ty SSC.., từ đó có hiệu ứng lan tỏa tích cực, thu hút các dự án đầu tư hỗ trợ, chế biến, chế tạo khác.
Tuy nhiên, xu hướng dòng vốn đầu tư chất lượng cao hướng tới lựa chọn những địa điểm có nhiều lợi thế cạnh tranh động (chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ sẵn có,...) thay vì chỉ dựa vào lợi thế so sánh như trước đây (vị trí địa lý, nguồn nhân công giá rẻ,...). Vì vậy, lợi thế so sánh của Hà Nam trong thời gian tới sẽ bị tác động.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới mở ra những thuận lợi mới thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng tạo sức ép cạnh tranh quyết liệt. Nằm gần các trung tâm kinh tế lớn phát triển năng động và mạnh mẽ là thủ đô Hà Nội và Hải Phòng, đó là một lợi thế cũng là một thách thức lớn đối với tỉnh Hà Nam về cạnh tranh kêu gọi vốn đầu tư, tìm kiếm thị trường.
Trước những thuận lợi, thách thức đan xen cần xác định các định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp phù hợp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững trong thời gian tới.
1. Phương hướng:
- Phát triển các KCN trên cơ sở bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Phấn đấu phát triển các KCN của tỉnh trở thành các khu công nghiệp hiện đại, đảm bảo tính phát triển lâu dài và bền vững, có cơ cấu ngành hiện đại theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, tiết kiệm năng lượng...
- Phấn đấu nâng giá trị sản xuất công nghiệp trong các Khu công nghiệp đến năm 2020 chiếm trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung:
- Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, gắn phát triển khu công nghiệp với việc thực hiện các mục tiêu ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
- Tập trung và ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường đầu tư vào các Khu công nghiệp.
2.1. Mục tiêu cụ thể:
- Đến hết năm 2019 hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của KCN hỗ trợ Đồng Văn III, KCN Đồng Văn III mở rộng và KCN Đồng Văn IV cơ bản được đầu tư đồng bộ. Đến hết năm 2020 cơ sở hạ tầng kỹ thuật của KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông, KCN Thanh Liêm được xây dựng cơ bản đồng bộ (có nhà máy xử lý nước thải) đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
- Giai đoạn 2017 - 2020, thu hút thêm khoảng 130-150 dự án đầu tư vào KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký từ 40.000 - 45.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 1.500 - 1.800 triệu USD.
- Đến hết năm 2020 phấn đấu lấp đầy 100% diện tích các KCN Đồng Văn II, KCN Châu Sơn, KCN Hòa Mạc và KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I; lấp đầy 30- 50% diện tích đất công nghiệp của các KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông; KCN Đồng Văn III mở rộng, KCN Đồng văn IV.
- Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trong KCN đạt khoảng 60.000 tỷ đồng chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (trong đó tỷ trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đạt từ 65% đến 70%); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 là 18,0%.
- Đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp KCN năm 2020 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng (bao gồm thu nội địa và XNK).
- Năm 2020 giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN đạt từ 1,7-2,0 tỷ USD chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
- Giai đoạn 2017 - 2020, các Khu công nghiệp thu hút thêm khoảng 25.000 lao động vào làm việc, nâng tổng số lao động làm việc trong các Khu công nghiệp lên khoảng 75.000 người.
II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Nhiệm vụ:
- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được Chính phủ phê duyệt để có sẵn mặt bằng sạch, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào KCN. Phát triển mạnh và đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ, như: Điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân, cảng thông quan..
- Thực hiện đồng bộ, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
- Thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà đầu tư và của các doanh nghiệp.
- Chuẩn bị, đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
2. Giải pháp:
2.1. Tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng các Khu công nghiệp và hạ tầng kết nối liên vùng:
- Gắn quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển vùng Thủ đô; quy hoạch khu đô thị dân cư và dịch vụ kèm theo để phát triển thành đô thị công nghiệp, đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong và ngoài hàng rào KCN.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cấp chất lượng các tuyến đường giao thông kết nối từ các KCN với mạng lưới giao thông quốc gia, kết nối với sân bay, cảng biển.
- Huy động mọi nguồn lực để tổ chức đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN với phương châm giảm tối đa chi phí đầu tư nhằm tăng mức độ cạnh tranh về chi phí hạ tầng so với các địa phương lân cận; đảm bảo cân đối việc xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong và ngoài hàng rào của khu, trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các KCN tạo mặt bằng sạch có đầy đủ hạ tầng sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.
- Các Sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và giải thích cho người dân có đất bị thu hồi hiểu và nắm rõ các cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh khi thu hồi GPMB để thực hiện các dự án phát triển KCN.
2.2. Tăng cường hiệu quả công tác thu hút đầu tư:
- Xây dựng và cập nhật thường xuyên tài liệu phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư (tài liệu giới thiệu về thu hút đầu tư vào KCN). Giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các KCN tỉnh Hà Nam trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và của tỉnh.
- Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư. Chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế, thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, nhất là các tổ chức của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu, các nhà đầu tư đã thành công tại Hà Nam để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Hà Nam.
- Phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương trọng điểm phát triển kinh tế như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để mời gọi các tập đoàn lớn trong nước về đầu tư tại các KCN của tỉnh.
- Tiếp tục nhất quán thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn và bền vững.
- Nâng cao hiệu quả của hệ thống các trang thông tin điện tử giới thiệu về các KCN của tỉnh phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư.
- Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, tăng cường công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục chấp thuận đầu tư.
- Đa dạng hóa các loại hình cho thuê đất, cho thuê nhà xưởng để các nhà đầu tư lựa chọn.
2.3. Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng:
- Chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai và phát triển có hiệu quả chương trình đào tạo lao động cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp tại các KCN.
- Đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng và thu hút các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề chuyên sâu trong và ngoài nước về đầu tư xây dựng cơ sở tại Khu Đại học Nam Cao.
- Tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các trường, viên nghiên cứu có vốn đầu tư nước ngoài tạo lập các cơ sở đào tạo, các hoạt động R&D trong lĩnh chuyên ngành điện, điện tử và viễn thông. Trong đó chú trọng việc kết nối, liên kết trong đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường và người lao động thông qua các hợp đồng và cam kết của các bên được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
2.4. Củng cố và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp:
- Đẩy mạnh đầu tư mở rộng, nâng cấp và cải thiện chất lượng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào Khu công nghiệp. Phát triển mạnh và đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: Điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân, cảng thông quan, cảng sông (Yên Lệnh),...
- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế hiệu quả, tích cực thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, Nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị cao cấp dành cho chuyên gia nước ngoài và người có thu nhập cao; quan tâm phát triển đồng bộ các dịch vụ liên quan như: Y tế, giáo dục,... phục vụ hoạt động của các KCN.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các dự án lớn của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu các dịch vụ có chất lượng cao như Bệnh viện, Sân golf, Khách sạn cao cấp, Trung tâm thương mại... để nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ đời sống cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài.
- Khuyến khích và có cơ chế phù hợp kêu gọi đầu tư cảng ICD để hình thành dịch vụ logistics từ doanh nghiệp- cảng ICD- cửa khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
- Tạo cơ chế, chính sách về mặt bằng để khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, thanh toán mở các cơ sở tại các KCN cung cấp đầy đủ các dịch vụ dịch vụ gia tăng khác như thanh toán quốc tế, bảo lãnh tín dụng, tư vấn tài chính, hợp đồng tín dụng tương lai,... với chất lượng cao và chi phí cạnh tranh phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp.
2.5. Tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp:
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp và hoạt động doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm của nhà đầu tư.
- Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN, đồng thời giảm tối đa các chi phí không chính thức phát sinh trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN.
- Điều tiết hợp lý nguồn điện năng và đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện để ưu tiên bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cấp điện ổn định và đầy đủ cho các KCN, hạn chế tối đa việc cắt điện và tình trạng mất điện trong KCN.
- Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và có chính sách hỗ trợ để phát triển mạnh hệ thống tiếp thị, xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong KCN phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cả nội địa và xuất khẩu. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để làm cơ sở cho việc giới thiệu, tạo các mối liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp KCN với nhau, cũng như giữa các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp với doanh nghiệp bên ngoài.
1. Huy động nguồn lực để thực hiện đề án:
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của Đề án, cụ thể:
- Nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng KCN: Nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng và nguồn huy động không phải từ ngân sách nhà nước dự kiến là 6.670 tỷ đồng, cụ thể: KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông: 900 tỷ đồng; KCN Châu Sơn mở rộng: 250 tỷ đồng; KCN Hòa Mạc mở rộng: 400 tỷ đồng; KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn II: 1.300 tỷ đồng; KCN Đồng Văn III mở rộng: 1.830 tỷ đồng; KCN Đồng Văn IV: 1.990 tỷ đồng;
- Nguồn vốn cho hoạt động xúc tiến đầu tư giai đoạn 2017- 2020 là 45,0 tỷ đồng, trong đó: Nguồn do các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng chi cho các hoạt động xúc tiến đầu tư là 25,0 tỷ đồng; Nguồn ngân sách tỉnh chi cho hoạt động xúc tiến đầu tư là 20,0 tỷ đồng (bố trí giao trong kế hoạch hàng năm).
2. Trách nhiệm của các cấp, các ngành:
- Các Sở, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020”.
- Ban Quản lý các KCN chủ trì và thực hiện tốt chức năng đầu mối để thực hiện đề án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến đầu tư trong nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, các cơ quan ngoại giao và các đơn vị liên quan trong công tác thu hút đầu tư vào các KCN; tổ chức biên soạn, xây dựng Guibook và băng đĩa hình về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào các KCN; phối hợp, đôn đốc các đơn vị kinh doanh hạ tầng trong việc đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và phối hợp xúc tiến đầu tư; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Chi cục Hải quan... trong việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp; định kỳ sáu tháng và hàng năm báo cáo Tỉnh ủy, UBND kết quả thực hiện đề án; tiến hành tổ chức tổng kết vào năm 2020.
- Sở Xây dựng phối hợp với Ban quản lý trong việc quy hoạch các KCN và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của KCN.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban quản lý các KCN trong việc chuẩn bị quỹ đất cho xây dựng, phát triển KCN; phối hợp quản lý sử dụng đất và môi trường trong các KCN.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban quản lý các KCN và các ngành liên quan trong việc tổ chức xúc tiến đầu tư và xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ thực hiện đề án.
- Sở Công thương chủ trì cùng Ban quản lý các KCN trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hưởng ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
- Cục Thuế tỉnh phối hợp với Ban quản lý, các ngành chức năng trong việc quản lý thu, nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác của các doanh nghiệp trong KCN.
- UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các KCN, các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các đơn vị liên quan trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KCN.
- Các cơ quan thông tin truyền thông và các tổ chức đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển các Khu công nghiệp cho mọi tổ chức, cá nhân và kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Đề án./.
- 1 Quyết định 15/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Khoản 1 Điều 3 Quy định kèm theo Quyết định 09/2017/QĐ-UBND về cơ chế đặc thù thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ
- 2 Quyết định 08/2017/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 3 Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 4 Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2017 "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” do thành phố Cần Thơ ban hành
- 5 Chương trình 21/CTr-UBND năm 2016 hành động của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021
- 6 Nghị quyết 57/2016/NQ-HĐND về biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 7 Quyết định 4286/QĐ-UBND năm 2016 về "Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020"
- 8 Quyết định 816/QĐ-UBND danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh năm 2016, định hướng giai đoạn 2016-2020
- 9 Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2016 Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế do thành phố Cần Thơ ban hành
- 10 Quyết định 48/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Hà Nam ban hành
- 11 Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 12 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 13 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 14 Nghị quyết 29/NQ-CP năm 2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu tỉnh Hà Nam do Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 1226/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Quyết định 364/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- 17 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 1 Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2016 Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2 Quyết định 816/QĐ-UBND danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh năm 2016, định hướng giai đoạn 2016-2020
- 3 Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Chủ đề năm 2017 "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” do thành phố Cần Thơ ban hành
- 4 Nghị quyết 57/2016/NQ-HĐND về biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 5 Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 6 Chương trình 21/CTr-UBND năm 2016 hành động của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021
- 7 Quyết định 08/2017/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 8 Quyết định 4286/QĐ-UBND năm 2016 về "Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020"
- 9 Quyết định 15/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Khoản 1 Điều 3 Quy định kèm theo Quyết định 09/2017/QĐ-UBND về cơ chế đặc thù thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ
- 10 Kế hoạch 236/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Hà Giang ban hành