Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 446/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 26 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2014

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015);

Theo đề nghị của Ban Thường vụ Hội LH Phụ nữ tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2014.

Điều 2. Giao Ban Thường vụ Hội LH Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch được phê duyệt tại Điều 1 để tổ chức triển khai thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Hội LH Phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Bí thư Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Ban chỉ đạo Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và Đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thu Hà

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2014
(Kèm theo Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (giai đoạn 2010 - 2015) (sau đây gọi tắt là Đề án 343); Hướng dẫn số 11/HD-ĐCT ngày 12/4/2010 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về việc triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (giai đoạn 2010 - 2015); Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Đề án 343 trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2015; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2014; cụ thể như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích:

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 343, nhằm đạt mục tiêu nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc xây dựng, giữ gìn, phát huy phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Bình Định nói riêng; đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

- Định hướng và hỗ trợ phụ nữ phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí: Có lòng yêu nước, có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu; thực hiện bình đẳng giới, đẩy lùi tệ nạn xã hội, những vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

2. Yêu cầu:

- Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2013, đề ra giải pháp cụ thể tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện năm 2014 phù hợp với đối tượng, nội dung Đề án và tình hình thực tiễn của địa phương; thực hiện lồng ghép với các đề án, chương trình khác có liên quan đang triển khai thực hiện trong các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.

- Nêu cao vai trò chủ động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 343.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG.

1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và các Tiểu đề án năm 2014:

- Các sở, ngành, hội, đoàn thể được giao nhiệm vụ chủ trì các Tiểu đề án, gồm: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn thanh niên CS HCM tỉnh căn cứ kinh phí được phân bổ để xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động của Tiểu đề án trong năm 2014.

- Vào tháng 7/2014, chủ động xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hoạt động hàng năm của cả Đề án và các Tiểu đề án, gửi Sở Tài chính cân đối bố trí kinh phí hoạt động theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Giao Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hướng dẫn việc thực hiện cho các sở, ngành, đoàn thể liên quan, tổng hợp kinh phí thực hiện gửi về Sở Tài chính để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo Đề án 343 cấp huyện; xây dựng, phê duyệt Kế hoạch triển khai các hoạt động của Đề án 343 năm 2014 của địa phương.

2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước:

a. Cấp tỉnh:

- Các sở, ngành, đoàn thể (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn thanh niên CS HCM tỉnh) thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước trong các chương trình, kế hoạch của đơn vị mình; tập huấn cho cán bộ sở, ngành, đoàn thể, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; tổ chức hội thi “Tìm hiểu về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam”; nhân rộng mô hình điểm của tỉnh; nhân bản tài liệu tuyên truyền cho cơ sở.

* Tiểu Đề án 1: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai các nội dung công việc sau đây:

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chịu trách nhiệm:

+ Tổ chức lớp tập nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện và cấp cơ sở tại 11 huyện/thị/thành phố, với các thành phần tham gia: cán bộ hội phụ nữ và trưởng ban chỉ đạo Đề án 343 cấp cơ sở;

+ Nhân rộng mô hình về rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho 11 huyện/thị/thành phố.

+ Tổ chức Liên hoan “Hát ru và hát dân ca” cấp tỉnh và tuyển chọn đội tuyển tham dự Hội thi “Hát ru và hát dân ca” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.

+ Tổ chức truyền thông tại cơ sở.

+ Xây dựng kịch bản tiểu phẩm truyền thông.

+ Biên soạn, nhân bản tài liệu tuyên truyền.

- Liên đoàn Lao động tỉnh chịu trách nhiệm:

+ Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp.

+ Tổ chức diễn đàn tại cơ sở.

+ Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong các chương trình, kế hoạch của đơn vị.

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chịu trách nhiệm:

+ Tổ chức truyền thông nhóm tại cơ sở về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp.

+ Xây dựng mô hình điểm về rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

+ Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong các chương trình, kế hoạch của đơn vị.

* Tiểu Đề án 2: Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm:

+ Tổ chức cuộc thi viết về “Vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình” trong đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành.

+ Xây dựng mô hình điểm về rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

+ Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia thực hiện Đề án.

+ Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong các chương trình, kế hoạch của đơn vị.

* Tiểu Đề án 3: Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm:

+ Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho cán bộ Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn.

+ Duy trì chuyên mục “Phụ nữ Bình Định - Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bình Định.

+ Xây dựng chuyên mục tuyên truyền đạo đức phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Định.

+ Xây dựng chuyên trang tuyên truyền đạo đức phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trên Báo Bình Định.

+ Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong các chương trình, kế hoạch của đơn vị.

* Tiểu Đề án 4: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm:

+ Xây dựng kịch bản tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước thông qua hình thức sân khấu hóa, văn hóa, văn nghệ.

+ Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong các chương trình, kế hoạch của đơn vị.

b. Cấp huyện:

Ban Chỉ đạo Đề án 343 cấp huyện chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước lồng ghép với nội dung các chương trình, kế hoạch của đơn vị, địa phương mình; tổ chức tập huấn cho cán bộ các ngành, đoàn thể của địa phương; Xây dựng mô hình về rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; nhân bản và cấp phát tài liệu tuyên truyền cho cơ sở.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án:

- Giao Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các điều kiện tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại một số huyện, thị, thành phố và các xã, phường được chọn làm mô hình điểm của tỉnh; báo cáo kết quả triển khai thực hiện cho ban Chỉ đạo và UBND tỉnh.

- Các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 343 tỉnh chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Tiểu đề án trong hệ thống tổ chức của mình; báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh.

- Ban Chỉ đạo Đề án huyện/thị xã/thành phố có kế hoạch tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

4. Tổ chức Hội nghị sơ/tổng kết tình hình triển khai Đề án 343 năm 2014 và triển khai các hoạt động tiếp theo:

- Các sở, ngành, đoàn thể là đơn vị đầu mối, chủ trì triển khai Đề án và các Tiểu Đề án định kỳ 6 tháng, 1 năm tiến hành sơ, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện Đề án, Tiểu Đề án do sở, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm triển khai thực hiện; gửi báo cáo đánh giá về Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh (thông qua Hội LHPN tỉnh).

- Ban Chỉ đạo Đề án cấp huyện tiến hành sơ, tổng kết 6 tháng, 1 năm để đánh giá kết quả thực hiện Đề án tại địa phương năm 2014; gửi báo cáo đánh giá về Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh (thông qua Hội LHPN tỉnh).

- Giao Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương liên quan tổ chức sơ, tổng kết tình hình thực hiện Đề án 343 năm 2014; chuẩn bị nội dung triển khai các hoạt động của Đề án 343 năm 2015; báo cáo kết quả thực hiện Đề án cho Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN.

1. Tổng kinh phí thực hiện Đề án 343 năm 2014: 580.000.000 đồng (Năm trăm tám mươi triệu đồng) theo Quyết định số 3779/QĐ-UBND ngày 12/12/2013 của UBND tỉnh; trong đó:

- Kinh phí bố trí cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh): 430.000.000 đồng.

- Kinh phí bố trí cho các sở, hội đoàn thể liên quan phối hợp thực hiện: 150.000.000 đồng.

2. Việc quản l‎ý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án 343 thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh):

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan; chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện/thị xã/ thành phố tổ chức triển khai nội dung Kế hoạch này đúng mục đích, có hiệu quả.

- Trực tiếp chỉ đạo triển khai các hoạt động của Tiểu Đề án 1.

- Hướng dẫn việc lập báo cáo cho các sở, ngành, địa phương liên quan; tổng hợp, báo cáo cho Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam theo quy định và các cơ quan có liên quan khi có yêu cầu.

- Giao Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan triển khai thực hiện và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các điều kiện tổ chức sơ, tổng kết Đề án; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động của các tiểu Đề án.

2. Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Đoàn TNCS Hồ Chi Minh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các Tiểu đề án năm 2014 được giao tại Kế hoạch này.

- Phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án tại các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ tổ chức triển khai Đề án, Kế hoạch tại địa phương.

- Gửi Kế hoạch triển khai các Tiểu đề án năm 2014 và báo cáo kết quả hoạt động cho Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh (thông qua Hội LHPN tỉnh); báo cáo 6 tháng, báo cáo năm về kết quả thực hiện Đề án 343 của đơn vị theo yêu cầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh).

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương liên quan phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cấp Hội Phụ nữ triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ gửi báo cáo 6 tháng, báo cáo năm về kết quả thực hiện Đề án 343 của địa phương theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh).

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.