Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 45/2014/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phí, lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

Căn cứ Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Liên Bộ: Tài chính - Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Căn cứ Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND ngày 09 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Khóa XIV Kỳ họp thứ 10 về việc ban hành, bãi bỏ một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố;

Xét đề nghị của Liên ngành: Cục Thuế thành phố Hà Nội - Sở Tài chính - Sở Tư pháp - Kho bạc Nhà nước Hà Nội tại Tờ trình số 30039/TTrLN: CT-STC-TP-KBNN ngày 18 tháng 6 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng chịu phí, không chịu phí

1. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là nước thải ra môi trường từ:

a) Hộ gia đình;

b) Cơ quan nhà nước;

c) Đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân);

d) Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến;

đ) Cơ sở: rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy;

e) Bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác

g) Các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không phải là nước thải công nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15 ngày 5 năm 2013.

Các đối tượng quy định tại điểm đ và e, nước thải phát sinh có chứa thành phần nguy hại theo Danh mục tại phụ lục 8, Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại phải được thu gom riêng biệt và quản lý, xử lý theo đúng quy định Thông tư 12/2011/TT-BTNMT.

2. Đối tượng không chịu phí

a. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội;

b. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch;

c. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình không kinh doanh tự khai thác nước để sử dụng ở những nơi có hệ thống cung cấp nước sạch.

d. Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn, bao gồm: miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa (theo quy định của Chính phủ về xã biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa);

e. Các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15 tháng 5 năm 2013, sử dụng nguồn nước từ đơn vị cung cấp nước sạch hoặc dưới đất, nước mặt phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, phí thoát nước theo Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp thì không nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Điều 2. Người nộp phí

1. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là hộ gia đình, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nước thải sinh hoạt thải ra môi trường thuộc đối tượng chịu phí.

2. Trường hợp các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống thoát nước, đã nộp phí thoát nước thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tiếp nhận được và thải ra môi trường.

Điều 3. Mức thu phí; công thức tính phí

1. Đối với đối tượng nộp phí sử dụng nước của đơn vị cung cấp nước sạch:

a. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính bằng 10% trên giá bán nước sạch sinh hoạt(chưa bao gồm thuế GTGT).

b. Công thức tính phí:

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp
(đồng)

=

Số lượng nước sạch sử dụng của người nộp phí
(m3)

x

Giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng
(đồng/m3)

x

Mức thu phí
(10%)

2. Đối với đối tượng nộp phí sử dụng nước tự khai thác:

a. Mức thu phí:

TT

Đối với người nộp phí

Đơn vị tính

Mức thu phí

Đến 30/9/2015

Từ 01/10/2015

1

Đối tượng là cơ quan nhà nước; Đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân);Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến;

Đồng/người/tháng

500

600

2

Đối tượng là bệnh viện, phòng khám chữa bệnh; cơ sở đào tạo, nghiên cứu;

Đồng/m3

900

1.000

3

Đối tượng là cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy

Đồng/m3

1.000

1.500

4

Đối tượng là khách sạn, nhà hàng; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác (có nước thải không phải là nước thải công nghiệp

Đồng/m3

2.000

2.500

b. Công thức tính phí:

* Đối tượng 1 tại biểu trên

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp
(đồng/tháng)

=

Số lao động (người) / tổ chức, cơ quan
(người)

x

Mức thu phí
(đồng/người/tháng)

Số lao động (người) được xác định căn cứ bảng chấm công, bảng lương, hợp đồng lao động (đối với tổ chức không sản xuất, chế biến).

* Đối tượng 2, 3, 4 tại biểu trên

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp
(đồng/tháng)

=

Số lượng nước sử dụng (m3)

x

Mức thu phí
(đồng/m3)

Số lượng nước sử dụng được xác định như sau:

- Trường hợp đối tượng đã được cấp phép khai thác nước dưới đất không lắp đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác: số lượng nước sử dụng để tính phí sẽ được tính theo giấy phép khai thác nước dưới đất.

- Trường hợp đối tượng đã được cấp phép khai thác nước dưới đất hoặc chưa được cấp phép khai thác nước dưới đất, có lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác: số lượng nước sử dụng để tính phí sẽ được tính theo đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác.

- Trường hợp không có giấy phép khai thác nước dưới đất; không lắp đồng hồ đo lưu lượng nước: các đối tượng tự kê khai số lượng nước sử dụng để tính phí theo công suất máy bơm: lưu lượng nước tính phí (m3) = công suất bơm (m3/h) x thời gian bơm (h)) hoặc căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

+ Các đối tượng thực hiện tự kê khai lưu lượng nước sử dụng để tính phí; UBND các xã, phường, thị trấn thẩm định và xác định số phí phải nộp.

Điều 4. Đơn vị thu phí

1. Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các tổ chức, cá nhân đồng thời với việc thu tiền sử dụng nước sạch. Tổ chức, cá nhân là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt có nghĩa vụ nộp đủ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cho đơn vị cung cấp nước sạch đồng thời với việc thanh toán tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn bán hàng hàng tháng.

2. Hàng tháng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác định và thu phí đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng trên địa bàn.

Điều 5. Quản lý sử dụng tiền phí thu được

1. Đơn vị cung cấp nước sạch: Nộp NSNN 92% trên tổng số phí thu được, để lại 8% phục vụ công tác thu phí.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: nộp NSNN 85% trên tổng số phí thu được, để lại 15% phục vụ công tác thu phí.

3. Đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mở tài khoản “Tạm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt” tại Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Tùy theo số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhiều hay ít mà định kỳ hàng ngày, tuần nộp số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải vào tài khoản tạm thu phí. Hàng tháng, chậm nhất đến ngày 20 của tháng tiếp theo, đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm nộp số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên tài khoản tạm thu vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ đi số phí được trích để lại cho đơn vị theo quy định.

4. Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tính toán số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được, lập Tờ khai phí theo Mẫu số 01/PHLP ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC, gửi Cơ quan quản lý thuế trên địa bàn.

Đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải mở sổ sách kế toán theo dõi riêng số tiền thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Tiền thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt không được hạch toán vào doanh thu của đơn vị cung cấp nước sạch.

5. Hàng năm, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày 01 tháng 01 năm tiếp theo, đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải thực hiện quyết toán với cơ quan thuế địa phương việc thu, nộp tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được, lập Tờ khai quyết toán phí theo Mẫu số 02/PHLP ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC, gửi Cơ quan quản lý thuế trên địa bàn.

6. Hàng năm, Đơn vị cung cấp nước sạch tổng hợp số liệu về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt tại địa phương và thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp số liệu hàng năm về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Điều 6. Chứng từ thu phí

- Đơn vị cung cấp nước sạch: Sử dụng hóa đơn theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- UBND xã, phường, thị trấn sử dụng biên lai thu phí do cơ quan Thuế phát hành.

Điều 7. Xử lý vi phạm

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các nội dung khác không quy định tại Quyết định này thực hiện hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Liên Bộ: Tài chính - Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các đơn vị cung cấp nước sạch và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 9;
- Bộ Tài chính;
- Đoàn ĐBQH TP;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Ban KTNS HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- VP: Thành ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- VPUB: CPVP, các phòng CV;
- TT Tin học Công báo TP, Cổng giao tiếp điện tử TP;
- Lưu:VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu