Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4801/2009/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 197/2009/NQ-HĐND ngày 26/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ mười tám về Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại tờ trình số 84/TTr-SCT ngày 29/12/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”, như sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Quy hoạch phát triển thương mại phải bám sát quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại của cả nước, vùng Trung du miền núi phía Bắc và phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh để phát huy được tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, của vùng Trung du miền núi phía Bắc, đảm bảo phát triển thương mại nhanh, bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, trong đó thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thương mại ngoài quốc doanh là nòng cốt và động lực cho phát triển thương mại, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Phát triển đồng bộ các cơ cấu của ngành thương mại bao gồm các phân ngành đại lý ủy quyền, bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại trên cơ sở khai thác các lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó bán buôn là chủ đạo.

- Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trọng tâm là xây dựng các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống bán buôn, ứng dụng công nghệ quản lý bán hàng hiện đại, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Phát triển thương mại phải gắn liền với phát triển du lịch và dịch vụ, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu chung:

- Xây dựng và phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước; nâng cao vai trò của ngành thương mại trong việc tăng giá trị tăng thêm đóng góp vào GDP của tỉnh; thu hút lao động xã hội, tạo việc làm mới; kết nối sản xuất và tiêu dùng, điều khiển và dẫn dắt sản xuất định hướng theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

- Đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, đồng thời phát triển các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, chất xám và giá trị tăng thêm cao; đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và tăng cường xuất khẩu dịch vụ.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành thương mại đạt 16,5%/năm giai đoạn 2011

- 2015 và 17%/năm trong giai đoạn 2016 - 2010.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 15 - 17,5%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010; tăng 21%/năm trong giai đoạn

2011 - 2015; tăng 24,1%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 17% giai đoạn 2011 - 2015 và 15% giai đoạn 2016 - 2020.

3. Định hướng:

- Phát triển các hệ thống thị trường hàng hóa của tỉnh Phú Thọ: Tập trung cho hệ thống thị trường tiêu dùng, thị trường tư liệu sản xuất, thị trường nông sản, thủy sản phục vụ cho đầu vào của sản xuất công nghiệp, tiêu thụ hàng công nghiệp và phát triển các hệ thống thị trường chung.

- Phát triển các hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại và truyền thống.

- Phát triển doanh nghiệp thương mại và các thành phần kinh tế: Trong đó tập trung phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ, doanh nghiệp thương mại bán buôn và các mô hình tổ chức kinh doanh.

- Phát triển dịch vụ phụ trợ liên quan đến phân phối hàng hóa. Hình thành thị trường và hạ tầng các khu logesticl phục vụ công nghiệp (kho xăng, dầu, tổng kho) hình thành khu trung chuyển gắn với vành đai kinh tế Côn Minh - Hải Phòng bao gồm các tổng kho, các bãi cảng ICD, các kho ngoại quan, các dịch vụ khác.

- Phân bố cơ cấu bán buôn và bán lẻ của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo hướng tập trung hóa theo khu vực, tiểu vùng để tăng cường tính hướng ngoại cho các trung tâm kinh tế của tỉnh.

- Phát triển kinh doanh xuất nhập khẩu, bao gồm định hướng phát triển ngành hàng, mặt hàng xuất - nhập khẩu; định hướng phát triển thị trường xuất - nhập khẩu và định hướng phát triển năng lực kinh doanh xuất - nhập khẩu.

- Phát triển các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

4. Quy hoạch phát triển:

a) Phát triển thương mại theo không gian thị trường:

Về nguyên tắc, việc bố trí quy hoạch theo không gian thương mại phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản: vừa đảm bảo tính tập trung, vừa đảm bảo tính phân bố đều trên

địa bàn tỉnh; tạo không gian thương mại phát triển mở rộng ngay từ các trung tâm, vùng, các chợ đầu mối. Bố trí quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo ba cấp:

- Cấp cơ sở: Lấy các chợ xã làm hạt nhân phát triển kết hợp với các cửa hàng, điểm bán tạo thành tổ hợp thương mại phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư trong khu vực xã, phường, thị trấn…

- Cấp trung tâm vùng hay cụm thương mại - dịch vụ huyện: Được xây dựng tại các trung tâm vùng. Các không gian phát triển thương mại được bố trí tại các thị trấn huyện lỵ theo mô hình vừa kết hợp với các khu vực buôn bán và dịch vụ để tạo thành các trung tâm thương mại hạng III, các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp hoặc các siêu thị loại II, III.

- Cấp trung tâm thương mại tỉnh: Được xây dựng tại trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh là thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020.

Việc xây dựng các không gian thương mại theo bố trí quy hoạch trên được thực hiện đến năm 2020, trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tập trung phát triển khu thương mại trung tâm, các trung tâm thương mại - dịch vụ tổng hợp, siêu thị và chợ thuộc thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các chợ ở các thị xã, thị trấn. Đồng thời, từng bước chuẩn bị các điều kiện cơ sở hạ tầng và một phần cơ sở hạ tầng thương mại cho các khu thương mại, khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại các huyện trong tỉnh.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tập trung xây dựng và hoàn thiện các khu thương mại trong tỉnh, nhất là đối với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật thương mại của các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại các huyện và các cơ sở.

b) Phát triển thương mại theo các thành phần kinh tế:

- Đối với thương mại Nhà nước: Tập trung phát triển mạnh các trung tâm, cụm thương mại, lấy thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ là vai trò hạt nhân phát triển; có cơ chế, chính sách thích hợp để các doanh nghiệp thương mại Nhà nước của tỉnh, của Trung ương và các địa phương khác liên kết với các thành phần kinh tế khác để tổ chức các hoạt động thương mại, thiết lập hệ thống kinh doanh.

- Đối với thương mại tập thể: phát triển một cách đồng đều trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó, tại các cụm thương mại phát triển các hợp tác xã của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, trên cơ sở các hợp tác xã nông nghiệp sẽ phát triển thành hợp tác xã phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng và cung ứng tư liệu sản xuất; chú trọng phát triển các tổ hợp thương mại, tổ hợp kinh doanh, hợp tác xã thương mại - dịch vụ.

- Đối với thương mại tư nhân: Tổ chức theo hình thức độc lập hoặc liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác. Khuyến khích phát triển thương mại tư nhân kinh doanh tất cả các mặt hàng mà Nhà nước không cấm, tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng lành mạnh trên thị trường.

- Đối với thương mại có vốn đầu tư nước ngoài: Thu hút các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối bán buôn, bán lẻ trên thế giới vào ngành thương mại Phú Thọ; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ phân phối chất lượng cao, hiện đại, quy mô lớn, như các siêu thị hạng I, cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, chợ bán buôn nông sản...; thúc đẩy và khuyến khích liên kết giữa các công ty phân phối nước ngoài với các nhà cung ứng hàng hóa trong nước.

c) Các loại hình thương mại chủ yếu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:

- Phát triển mạng lưới chợ: Đến năm 2020, số lượng chợ cần quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 260 chợ (02 chợ đầu mối nông sản tổng hợp; 01 chợ đầu mối rau quả; 04 chợ bán buôn chuyên doanh hàng rau quả, thuỷ sản; 03 chợ hạng I; 12 chợ hạng II và 238 chợ hạng III). Trong đó: giữ nguyên 54 chợ; cải tạo, nâng cấp, mở rộng 55 chợ, xây dựng mới 151 chợ (kể cả di dời chợ cũ và xây dựng ở vị trí mới hoặc xây dựng chợ tại vị trí chợ tạm hiện có) tại các huyện, thành, thị cụ thể: Việt Trì (12), thị xã Phú Thọ (8), huyện Đoan Hùng (22), Hạ Hoà (21), Thanh Ba (22), Cẩm Khê (12), Phù Ninh (05), Lâm Thao (06), Tam Nông (11), Thanh Thủy (09), Yên Lập (02), Tân Sơn (9), Thanh Sơn (12).

- Phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Đến năm 2020 tổng số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, quy hoạch 215 cửa hàng, trong đó giữ nguyên 135 cửa hàng, giải toả 02 cửa hàng, di dời và bố trí mới 10 cửa hàng, nâng cấp 04 cửa hàng và xây dựng thêm 80 cửa hàng xăng dầu phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh tại các huyện, thành, thị cụ thể: Việt Trì (33); thị xã Phú Thọ (10); Đoan Hùng (23); Hạ Hoà (19); Thanh Ba (13); Cẩm Khê (15); Phù Ninh (21); Lâm Thao (15); Tam Nông (09); Thanh Thủy (14); Yên Lập (07); Thanh Sơn (19); Tân Sơn (17).

- Phát triển trung tâm bán buôn, trạm thu mua hàng hóa:

+ Thành phố Việt Trì: Giai đoạn 2011-2015 xây dựng mới 01 trung tâm bán buôn lớn của tỉnh Phú Thọ và của khu vực trung du niềm núi phía bắc tại Việt Trì.

+ Thị xã Phú Thọ: Giai đoạn 2011-2015 xây dựng mới 01 trung tâm bán buôn tại Phú Hộ (cạnh khu công nghiệp Phú Hà, cách điểm giao cắt, nút xuống của đường Xuyên á khoảng 7-10 km) để phục vụ cho hoạt động thương mại liên vùng.

- Phát triển hệ thống kho hàng, bến bãi:

+ Thành phố Việt Trì: Giai đoạn 2011 - 2005 bên cạnh hệ thống kho gắn liền với các chợ đầu mối, các trung tâm bán buôn hàng hóa, trạm thu mua hàng hóa, bố trí xây dựng các kho hàng và bến bãi gắn với hệ thống cảng Việt Trì nhằm phục vụ cho hoạt động trao đổi, vận chuyển hàng hóa bằng đường sông giữa Phú Thọ với các địa bàn khác, kho hàng và bến bãi có diện tích từ 2.000m2 - 3.000m2.

+ Thị xã Phú Thọ: Giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng 01 kho hàng hóa gắn với cảng sông tại thị xã Phú Thọ, gần khu vực chợ Mè, phục vụ cho vận chuyển hàng hóa bằng đường sông và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, có diện tích từ 2.000m2 - 3.000m2 .

- Huyện Thanh Ba: Giai đoạn 2016 - 2020 song song với việc triển khai xây dựng bến cảng tại xã Hoàng Cương có công suất 500.000 tấn, bố trí xây dựng hệ thống kho hàng và bến bãi gắn với bến cảng này. Kho hàng và bến bãi có diện tích từ 2.000 m2 - 3.000 m2.

+ Huyện Thanh Thuỷ: Trong giai đoạn 2011 - 2020, song song với việc triển khai xây dựng 02 bến cảng ven sông Đà tại xã Yến Mao và Thạch Đồng theo quy hoạch của ngành giao thông, bố trí xây dựng hệ thống 02 kho hàng và bến bãi gắn với 02 bến cảng này. Kho hàng và bến bãi có diện tích từ 2.000 m2 - 3.000 m2.

- Phát triển trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm: Đến năm 2020 phát triển 20 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trong đó, hiện có 4 trung tâm thương mại (tại thành phố Việt Trì) và quy hoạch 16 trung tâm thương mại tại các huyện, thành, thị, cụ thể: Việt Trì (05); thị xã Phú Thọ (02); Phù Ninh (01); Hạ Hoà (01); Cẩm Khê (02); Lâm Thao (01); Tam Nông (01); Thanh Thủy (02); Tân Sơn (01).

- Phát triển khu thương mại - dịch vụ tổng hợp: Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ phát triển 40 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại các huyện, thành, thị cụ thể; Việt Trì (03); thị xã Phú Thọ (01); Đoan Hùng (04); Hạ Hoà (02); Thanh Ba (02); Cẩm Khê (04); Phù Ninh (06); Lâm Thao (03); Tam Nông (02); Yên Lập (06); Thanh Sơn (06); Tân Sơn (01).

- Phát triển hệ thống siêu thị: Đến năm 2020 phát triển 39 siêu thị, trong đó hiện có 7 siêu thị (thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh) và quy hoạch phát triển thêm 32 siêu thị tại các huyện, thành, thị cụ thể: Việt Trì (02); Thị xã Phú Thọ (03); Phù Ninh (01); Đoan Hùng (03); Hạ Hoà (02); Thanh Ba (01); Cẩm Khê (04); Lâm Thao (04); Tam Nông (03); Thanh Thuỷ (04); Yên lập (02); Thanh Sơn (02), Tân Sơn (01).

5. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển các công trình thương mại:

Trong thời kỳ 2011 - 2020, nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khoảng 3.770 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% so với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.

6. Giải pháp thực hiện:

a) Chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển thương mại của Phú Thọ:

- Khuyến khích xuất khẩu: Các ngành chức năng sớm tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, dự án phát triển vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung, các làng nghề, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng lớn và chất lượng cao, từ đó có hướng đầu tư một cách thoả đáng; Xây dựng chương trình xúc tiến xuất khẩu có quy mô và thường xuyên hoạt động để cung cấp những thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tập trung vào các thị trường trọng điểm cho các hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của tỉnh.

- Khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại.

+ Cải cách để tăng cường năng lực hoạt động của các doanh nghiệp thương mại:

Hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại áp dụng các biện pháp liên doanh, liên kết, mua bán, sáp nhập, cho thuê, đấu thầu kinh doanh, v.v... nhằm cải cách cơ chế kinh doanh và chế độ sở hữu về tài sản, khuyến khích và ủng hộ việc thu hút các loại hình vốn của dân, vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện đa dạng hóa các chủ thể đầu tư.

+ Phát triển các phương thức lưu thông hiện đại, nâng cao trình độ hiện đại hóa của các doanh nghiệp thương mại: Thúc đẩy phát triển các phương thức dịch vụ và hình thức tổ chức kinh doanh theo dạng chuỗi, nhượng quyền kinh doanh, đại lý, vận tải liên vận đa phương thức, thương mại điện tử... Tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ, từng bước áp dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu thực tế và trình độ phát triển của mỗi doanh nghiệp.

+ Hoàn thiện thể chế về kinh tế, trong đó tập trung vấn đề kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thương mại; cải cách thủ tục hành chính; tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh phát triển trên địa bàn.

b) Các chính sách thu hút đầu tư phát triển thương mại của Phú Thọ:

- Thu hút đầu tư trong nước:

+ Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại và mở rộng quy mô vốn kinh doanh bằng các chính sách thuế, tín dụng, đất đai và các ưu đãi khác.

+ Phát triển thị trường vốn dài hạn, ngắn hạn, thị trường chứng khoán tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào vòng luân chuyển vốn của xã hội.

- Thu hút vốn nước ngoài:

+ Tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn viện trợ sử dụng đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng tại khu vực nông thôn, trong đó có phát triển loại hình chợ nông thôn.

+ Các tập đoàn, tổng công ty, công ty phân phối hàng đầu thế giới của Đức, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật... đầu tư kinh doanh các loại hình bán buôn, bán lẻ quy mô lớn và hiện đại được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo đầu tư Luật Đầu tư và theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

c) Phát triển nguồn nhân lực thương mại:

- Khuyến khích thu hút các nhà quản trị kinh doanh trong và ngoài nước vào ngành thương mại: Có chính sách ưu đãi để thu hút Việt kiều từ các nước là những nhân tài hiểu biết về thị trường của các nước phát triển làm việc, cộng tác hoặc tư vấn cho các doanh nghiệp thương mại của Phú Thọ.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành thương mại tỉnh Phú Thọ: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thương mại để khuyến khích phát triển tiềm năng cho các nhà kinh doanh, thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ kinh doanh, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ mới trong quản lý kinh doanh. Hỗ trợ kinh phí cho tổ chức các lớp học để nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý, các chương trình tư vấn kinh doanh, phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường, dành cho các doanh nghiệp thương mại tư nhân.

d) Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa thị trường Phú Thọ với các thị trường trong và ngoài nước:

- Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa thị trường Phú Thọ với thị trường các địa phương khác trong nước; Tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm, thị trường các tỉnh lân cận xác định lợi thế so sánh và khả năng giao lưu thương mại để có hướng điều chỉnh phù hợp cơ cấu sản xuất và thương mại của tỉnh.

- Thúc đẩy liên kết giữa thị trường Phú Thọ với các thị trường nước ngoài có tính chiến lược: Tăng cường liên kết và xúc tiến hoạt động hợp tác khu vực ASEAN để hình thành tập đoàn thương mại đa quốc gia của khu vực dưới sự bảo trợ của Chính phủ các nước thành viên ASEAN; Khuyến khích khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hóa và dịch vụ có lợi thế của Phú Thọ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao Sở Công thương: Công bố công khai Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 theo quy định. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và các sở, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng của ngành, như: Quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ; Quy hoạch hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế khuyến khích đầu tư xây dựng các loại hình thương mại hiện đại trên địa bàn; xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện các kế hoạch, đề án về hỗ trợ doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ; đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp thương mại áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư; nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư từ khu vực dân doanh; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và vào ngành thương mại của tỉnh.

Giao sở Tài chính: Cân đối, bố trí kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho các hạng mục công trình thương mại có sự hỗ trợ của kinh phí của Nhà nước;

Giao Sở Xây dựng: Đảm bảo bố trí không gian và kiến trúc phù hợp theo tiêu chuẩn cho các loại hình thương mại ở từng khu vực trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Giao thông vận tải: Triển khai hoặc điểu chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông của tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển mạng lưới thương mại và cho lưu chuyển hàng hóa trên thị trường. Phối hợp với Công an tỉnh cải tiến và hoàn thiện quản lý giao thông để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại ở các khu vực cũng như thuận lợi cho việc cung ứng, bốc dỡ và nhập hàng vào mạng lưới thương mại trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Điều chỉnh và bổ sung quy hoạch sử dụng đất của tỉnh cho phát triển thương mại, xác định địa giới cho các loại hình thương mại đã được quy hoạch. Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các chính sách sử dụng đất cho phát triển thương mại của tỉnh,

Giao UBND các huyện, thành, thị: Tổ chức triển khai và thực hiện các nội dung quy hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại và mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn, từ đó có các biện pháp và chính sách để thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Quang Thao