Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 505/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 11 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ QUY NHƠN VỚI CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN ĐỂ THÚC ĐẨY TIỂU DỰ ÁN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ QUY NHƠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 452/QĐ-CTUBND ngày 07/3/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc giao Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư Tiểu dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn;

Xét đề nghị của Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn tại Tờ trình số 881/TTr-BQLDA ngày 02/8/2011 và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn với các đơn vị có liên quan để thúc đẩy Tiểu dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Kho bạc Nhà nước tỉnh; UBND thành phố Quy Nhơn; thủ trưởng các cơ quan liên quan và Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ QUY NHƠN VỚI CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN ĐỂ THÚC ĐẨY TIỂU DỰ ÁN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ QUY NHƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 11 /10/2011 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1. Mục đích phối hợp.

Tiểu Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị về cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường theo hướng bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và để thu hút khách du lịch, là dự án có vốn đầu tư lớn, phạm vi rộng ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực dân cư sinh sống, các đường phố, trục giao thông chính đô thị và đến các công trình ngầm đã xây lắp từ trước, Đối với tỉnh, đây là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất, với thời gian xây dựng và giải ngân, quyết toán dự án phải kết thúc trong năm 2014.

Do tính đa dạng và liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên cần có sự quyết tâm cao, trách nhiệm cụ thể, giải quyết công việc nhanh chóng và dứt điểm, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và chính quyền thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành thủ tục kịp thời, tạo điều kiện cho Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn (Ban QLDA) và các nhà thầu bảo đảm tiến độ cam kết.

Điều 2. Phạm vi phối hợp.

Các công việc có liên quan đến chuẩn bị dự án, tổ chức xét duyệt, triển khai thi công, nghiệm thu bàn giao, vận hành; thông tin truyền thông về dự án, thủ tục đầu tư dự án, bồi thường - giải phóng mặt bằng, trật tự giao thông, xử lý công trình ngầm có trước.

Chương II

NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Các nguyên tắc phối hợp.

1. Công tác phối hợp thực hiện trên nguyên tắc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ chung của dự án, vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nhà.

2. Khi giải quyết các công việc của dự án do Ban QLDA trình hoặc gửi, các sở, ngành phải bảo đảm: chế độ ưu tiên, thực hiện công việc theo chức năng, khi có yêu cầu phối hợp phải cử người có trách nhiệm và thẩm quyền tham dự giải quyết tại cuộc họp; chủ trì phải kết luận dứt khoát, rõ ràng, đầy đủ; các chỉnh sửa chỉ thực hiện một lần (nếu có).

Điều 4. Nội dung phối hợp.

1. Các thủ tục hành chính có liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, hồ sơ thiết kế công trình, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định kế hoạch đấu thầu, chuẩn bị các văn bản trình UBND tỉnh ban hành Quyết định; bố trí vốn đối ứng, tạm ứng ngân sách cho Ban QLDA; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn điện, an toàn các công trình xây dựng khác; kiểm kê bồi thường - giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, cưỡng chế tháo dỡ nhà, vật kiến trúc hoặc thu hồi đất, bảo đảm an toàn xã hội và môi trường khi triển khai thi công xây dựng; đảm bảo an toàn về sự hoạt động của các công trình hạ tầng hiện có; tuyên truyền đấu nối xả nước thải từ các hộ gia đình vào đường cống thải của thành phố; thực hiện các khoản mục viện trợ hoặc tài trợ cho chương trình thành phố xanh - sạch - đẹp; chương trình vệ sinh trường học; cho vay và thu hồi vốn vay.

2. Các công tác khác có liên quan của dự án thuộc trách nhiệm của các sở, ban, ngành thực hiện theo phân công của UBND tỉnh và của Chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chương III

CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Điều 5. Các cơ quan, đơn vị phối hợp.

a. Chủ đầu tư: Ban QLDA vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn.

b. Các cơ quan tổng hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

c. Các cơ quan chuyên ngành: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.

d. Các cấp chính quyền: UBND thành phố Quy Nhơn, các phòng chuyên môn của UBND thành phố, UBND các phường có hưởng lợi ích từ dự án.

đ. Các đơn vị công ích: Công ty Điện lực Bình Định, Công ty TNHH MTV Cấp Thoát Nước Bình Định, Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn.

Điều 6. Các công việc cụ thể và cơ quan thực hiện.

1. Văn phòng UBND tỉnh:

Văn phòng UBND tỉnh khi tiếp nhận văn bản, tài liệu từ Ban QLDA, các sở, ngành gửi đến có liên quan đến dự án cần báo cáo kịp thời cho Thường trực UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Thẩm định dự án đầu tư các hợp phần và toàn bộ dự án, các giai đoạn và tổng thể dự án;

- Thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ thầu và kết quả đấu thầu;

- Bố trí vốn đầu tư xây dựng hàng năm, và cân đối từng quý để kịp thanh toán phần đối ứng, và phần ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động của Ban QLDA, thông báo cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định biết để giải ngân, tạm ứng ngân sách khi vốn kế hoạch chưa cân đối.

3. Sở Xây dựng:

Có ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình kịp thời; tổ chức thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền của Sở; tham gia giải quyết các công việc có liên quan khác đến dự án (nếu có).

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Thực hiện các thủ tục giao đất cho dự án, giao mỏ đất, cát để san nền, đánh giá tác động môi trường, bồi thường - giải phóng mặt bằng, và tái định cư,

- Hướng dẫn và phối hợp thực hiện các thủ tục giao đất cho dự án, giao mỏ đất, cát để san nền; tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; bồi thường - giải phóng mặt bằng và tái định cư;

5. Sở Tài chính:

- Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đối ứng cho dự án hàng năm, Sở Tài chính nhập dự toán vào hệ thống quản lý Ngân sách và Kho bạc (hệ thống quản lý tài chính TABMIS) để phục vụ công tác giải ngân vốn đối ứng kịp thời.

- Hàng năm có kế hoạch tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của Ban QLDA thuộc phạm vi quản lý tài chính theo quy định.

- Thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm (thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí cho dự án) của Ban QLDA theo quy định.

6. UBND TP. Quy Nhơn:

Cấp giấy phép đào đường, chỉ đạo các phòng, ban chức năng, đơn vị trực thuộc UBND thành phố, Công an thành phố và UBND phường có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo tiến độ thi công, an toàn công trình và khu vực ảnh hưởng, chỉ đạo thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng (đường phố, vỉa hè, cây xanh, thảm cỏ) cho đơn vị thi công và kiểm tra việc hoàn trả đưa vào sử dụng.

7. Các đơn vị khác: Công ty TNHH MTV Cấp thoát Nước Bình Định. Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn. Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, Công ty Điện lực Bình Định tùy theo công việc có liên quan đến đất đai, tài sản do đơn vị mình quản lý, phối hợp với Ban QLDA và nhà thầu thực hiện việc bàn giao mặt bằng, giám sát thực hiện hoàn trả, và xử lý kỹ thuật khi thi công gặp phải công trình có sẵn để đảm bảo thông suốt trong thi công và an toàn cho cả hai bên, Đồng thời tiếp nhận công trình hoàn thành có liên quan đến đơn vị mình để đưa vào sử dụng.

Chương IV

PHƯƠNG THỨC VÀ THỜI GIAN PHỐI HỢP

Điều 7. Yêu cầu về phương thức phối hợp.

1. Riêng phối hợp về trật tự xã hội UBND thành phố chỉ đạo kịp thời các lực lượng chức năng và UBND phường sở tại vãn hồi trật tự để tiếp tục thi công;

2. Các công trình, hạng mục khi làm thủ tục giao nhận xong, bên nhận đưa vào vận hành khai thác ngay, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất;

3. Về các công việc hoàn trả, các bên liên quan phối hợp với Ban QLDA kiểm tra, nghiệm thu để kết thúc việc sử dụng tạm mặt bằng của bên thi công; Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm thực hiện việc dọn dẹp, hoàn trả lại mặt bằng về hiện trạng ban đầu trước khi bàn giao đến các đơn vị cho tạm sử dụng mặt bằng.

Điều 8. Thời gian phối hợp.

Khi nhận được đề nghị, yêu cầu từ Ban QLDA, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện với ưu tiên cao nhất rút ngắn ½ thời gian theo quy định;

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm thi hành.

1. Ban QLDA vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn là đơn vị chủ động trình đề xuất các công việc có liên quan đến các sở, ngành tại Điều 5, phối hợp để thực hiện nhanh các thủ tục thẩm tra trình ký; tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo dự án, UBND tỉnh những vấn đề vượt quá thẩm quyền để giải quyết.

2, Các sở, ngành xem đây là nhiệm vụ ưu tiên phục vụ cho công trình trọng điểm của tỉnh, và là công trình phúc lợi công cộng cho thành phố Quy Nhơn;

3. UBND thành phố Quy Nhơn thay mặt nhân dân hưởng lợi từ dự án có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết để cộng tác, đồng thời xử lý nhanh có hiệu quả những trường hợp gây cản trở bất hợp pháp;

4. Việc phối hợp nghiệm thu bàn giao theo kiểu cuốn chiếu, Tuyệt đối không gây khó khăn cho Ban QLDA và bên nhà thầu từ những việc không quan trọng, cố tình gây khó dễ làm trì trệ việc đưa công trình vào sử dụng và thanh quyết toán;

5. Các cơ quan liên quan nói trên, UBND thành phố Quy Nhơn chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế phối hợp này.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung Quy chế.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, Giám đốc Ban QLDA vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.