Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2015/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 09 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐỐI TƯỢNG, MỨC THU, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ VÀ LỆ PHÍ CHỨNG MINH NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002;

Căn cứ Thông tư số 06/2008/TT-BCA-C11 ngày 27/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về lệ phí đăng ký cư trú, cấp chứng minh nhân dân;

Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 176/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về lệ phí đăng ký cư trú và lệ phí chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 2192/STC-NST ngày 04/9/2015, Sở Tư pháp tại Công văn số 1441/BCTĐ-STP ngày 08/9/2015 và Công an tỉnh tại Tờ trình số 1423/TTr-CAT-PC64 ngày 25 tháng 8 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về đối tượng, mức thu và chế độ quản lý lệ phí đăng ký cư trú và lệ phí chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Điều 2. Công an tỉnh hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an (b/cáo);
- Bộ Tài chính (b/cáo);
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp (b/cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/cáo);
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh (b/cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT, Công báo của tỉnh;
- CV: Nội chính;
- Lưu: VT UBND tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Đại

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐỐI TƯỢNG, MỨC THU, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ VÀ LỆ PHÍ CHỨNG MINH NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2015/QĐ-UBND ngày 09/09/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về đối tượng, mức thu, tỷ lệ trích nộp, việc quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú và lệ phí chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trường hợp thực hiện cấp chứng minh nhân dân bằng công nghệ mới thực hiện theo Thông tư số 155/2012/TT-BTC ngày 20/9/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí chứng minh thư nhân dân mới.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu lệ phí;

b) Hộ gia đình, cá nhân khi làm thủ tục đăng ký cư trú hoặc cấp chứng minh nhân dân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2. Lệ phí đăng ký cư trú

1. Lệ phí đăng ký cư trú là khoản thu đối với người đăng ký, quản lý cư trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

2. Các trường hợp không thu lệ phí đăng ký cư trú:

a) Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ;

b) Thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh;

c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

d) Hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo;

đ) Công dân thuộc xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

3. Các trường hợp miễn lệ phí đăng ký cư trú:

a) Khi cấp mới số tạm trú có thời hạn.

b) Trước đây chưa được cấp sổ hộ khẩu do không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc đã đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp sổ hộ khẩu nay được cấp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú;

c) Tách sổ hộ khẩu, cấp giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể;

d) Chuyển nơi đăng ký thường trú ra ngoài phạm vi huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ra ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh và được cấp sổ hộ khẩu mới (trừ trường hợp chuyển cả hộ gia đình).

4. Đơn vị tổ chức thu lệ phí

a) Công an thị xã, thành phố tổ chức thu lệ phí đối với các trường hợp phát sinh trên địa bàn thị xã, thành phố;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc thu phí đối với các trường hợp phát sinh trên địa bàn cấp xã thuộc huyện.

5. Mức thu

a) Đối với việc đăng ký và quản lý cư trú tại các phường của thành phố, thị xã thuộc tỉnh:

- Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: 15.000 đồng/lần cấp;

- Cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: 20.000 đồng/lần cấp. Riêng cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo yêu cầu của chủ hộ vì lý do Nhà nước thay đổi địa giới hành chính, tên đường phố, số nhà: 10.000 đồng/lần cấp.

- Đính chính các thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (không thu lệ phí đối với trường hợp đính chính lại địa chỉ do Nhà nước thay đổi địa giới hành chính, đường phố, số nhà, xóa tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú): 8.000 đồng/lần đính chính.

b) Đối với việc đăng ký và quản lý cư trú ở các khu vực khác:

Mức thu bằng 50% mức thu quy định tại điểm a Khoản này.

6. Tỷ lệ trích nộp

a) Các đơn vị tổ chức thu tại thành phố Vinh: trích 80% trên tổng số tiền thu lệ phí cho đơn vị tổ chức thu lệ phí, phần 20% còn lại nộp vào Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành;

b) Các đơn vị tổ chức thu tại các huyện, thị xã: trích 70% trên tổng số tiền thu lệ phí cho đơn vị tổ chức thu lệ phí, phần 30% còn lại nộp vào Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành.

Điều 3. Lệ phí chứng minh nhân dân

1. Lệ phí chứng minh nhân dân là khoản thu đối với người được cơ quan Công an cấp đổi hoặc cấp lại chứng minh nhân dân.

2. Các trường hợp không thu lệ phí chứng minh nhân dân:

a) Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) của liệt sỹ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ;

b) Thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh;

c) Công dân thuộc xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

3. Miễn lệ phí cấp chứng minh nhân dân khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới.

4. Đơn vị tổ chức thu lệ phí

a) Công an tỉnh tổ chức thu lệ phí đối với các trường hợp làm thủ tục đề nghị cấp chứng minh nhân dân tại Bộ phận một cửa của Công an tỉnh;

b) Công an huyện, thành phố, thị xã tổ chức thu lệ phí đối với các trường hợp làm thủ tục đề nghị cấp chứng minh nhân dân tại huyện, thành phố, thị xã.

5. Mức thu lệ phí chứng minh nhân dân

a) Cấp lại, cấp đổi chứng minh nhân dân (không bao gồm tiền ảnh của người được cấp chứng minh nhân dân) tại các phường thuộc thành phố, thị xã: 9.000 đồng/lần cấp;

b) Cấp lại, cấp đổi chứng minh nhân dân tại các xã, thị trấn miền núi, biên giới, hải đảo và các khu vực khác: 4.000 đồng/lần cấp.

6. Tỷ lệ trích nộp

Các đơn vị tổ chức thu lệ phí có trách nhiệm nộp 30% tổng số lệ phí thu được vào Ngân sách Nhà nước, số còn lại 70% được trích lại cho đơn vị tổ chức thu lệ phí.

Chương II

TỔ CHỨC THU LỆ PHÍ VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG LỆ PHÍ

Điều 4. Tổ chức thu lệ phí

1. Đơn vị thu lệ phí phải sử dụng biên lai thu lệ phí do cơ quan thuế in ấn, cấp phát và thực hiện các quy định về quản lý sử dụng biên lai theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

2. Khi thu lệ phí phải cấp biên lai thu lệ phí cho đối tượng nộp lệ phí; nghiêm cấm việc thu lệ phí không sử dụng biên lai hoặc biên lai không đúng quy định.

Điều 5. Quản lý và sử dụng tiền lệ phí

1. Việc quản lý và sử dụng tiền lệ phí thu được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 17 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí, lệ phí; khoản 5 Điều 1 Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ; Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC .

2. Số tiền lệ phí được trích để lại, đơn vị sử dụng để chi phí cho việc thu lệ phí theo các nội dung như sau:

a) Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thu lệ phí như: in ấn (mua) biểu mẫu, sổ sách;

b) Chi mua văn phòng phẩm, điện thoại, điện, nước theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

c) Chi sửa chữa máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc cấp và quản lý cư trú, chứng minh nhân dân;

d) Trường hợp, một số huyện, thành phố, thị xã số tiền lệ phí được trích để lại không đảm bảo thực hiện công tác thu lệ phí, thì Công an tỉnh điều chuyển số tiền lệ phí được trích để lại giữa các huyện, thành phố, thị xã để đảm bảo chi cho công tác thu lệ phí và phải sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp; quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 6. Chế độ tài chính, kế toán

1. Đơn vị tổ chức thu lệ phí phải mở sổ sách, biên lai kế toán theo dõi số thu, nộp và sử dụng tiền lệ phí thu được theo đúng chế độ kế toán, thống kê quy định của Nhà nước.

2. Hàng năm, đơn vị tổ chức thu lệ phí phải lập dự toán thu, chi gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp (đối với tổ chức thu là Ủy ban nhân dân các cấp phải gửi cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp trên), Kho bạc Nhà nước nơi tổ chức thu theo quy định.

3. Định kỳ phải báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền thu lệ phí theo quy định của Nhà nước đối với từng loại lệ phí; trường hợp thu các loại lệ phí khác nhau phải theo dõi hạch toán và quyết toán riêng đối với từng loại lệ phí.

4. Đối với tiền lệ phí để lại cho đơn vị tổ chức thu, sau khi quyết toán đúng chế độ, tiền lệ phí chưa sử dụng hết trong năm được phép chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp theo chế độ quy định.

5. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện niêm yết công khai mức thu lệ phí tại nơi thu lệ phí.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Công an tỉnh

a) Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan thu lệ phí thực hiện việc thu, quản lý, sử dụng lệ phí theo quy định; niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu lệ phí, chứng từ thu và văn bản quy định thu lệ phí tại địa điểm thu lệ phí; thực hiện việc thu lệ phí theo đúng đối tượng, mức thu theo Quy định này;

b) Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí trên địa bàn tỉnh.

2. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm bảo đảm chứng từ thu lệ phí đối với cơ quan thu lệ phí; hướng dẫn việc kê khai, thu, nộp, mở sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán lệ phí theo quy định.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan thu lệ phí lập dự toán thu, chi hàng năm.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã: Kiểm tra, giám sát các đơn vị triển khai thực hiện Quy định này tại địa phương.

5. UBND cấp xã tổ chức việc thu, quản lý và sử dụng lệ phí đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền theo Quy định này.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung, kịp thời phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.