TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 559/QĐ-KTTT | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2000 |
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
- Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26/12/1991, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 14/7/1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 04/1998/QH10 ngày 20/5/1998, Luật thuế Giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 20/5/1998.
- Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 23/02/1990.
- Căn cứ Pháp lệnh kế toán thống kê ngày 20/5/1988.
- Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7/3/1994 của Chính phủ
- Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tại công văn số: 4607 TC/CĐKT ngày 07/11/2000 của Bộ Tài chính gửi Tổng cục Hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành “Chế độ kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” kèm theo quyết định này áp dụng đối với tất cả các đơn vị được giao nhiệm vụ thu thuế và thu khác trong ngành Hải quan và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2001.
Điều 2. Chế độ kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ban hành theo quyết định này thay thế chế độ kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 07 ngày 16/12/1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Các quy định về kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế XNK, Chánh Văn phòng, các Cục, Vụ, Viện... trực thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Hải quan các tỉnh, thành phố, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ KẾ TOÁN THUẾ XUẤT KHẨU , NHẬP KHẨU
Điều 1. Kế toán thuế xuất, nhập khẩu là việc tổ chức hệ thống thông tin về thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập, thu chênh lệch giá, thu phí lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính đối với hàng hoá tạm giữ hoặc tịch thu và các khoản thu khác theo quy định của Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu (sau đây gọi chung là kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu).
Kế toán thuế xuất, nhập khẩu phản ánh thu nộp ngân sách nhà nước về thuế xuất khẩu, nhập khẩu của các đối tượng nộp thuế hoặc đối tượng vi phạm hành chính bao gồm: số thuế phải thu, số thuế lệ phí đã thu, số thuế lệ phí đã nộp ngân sách, số thuế còn nợ đọng; số hàng hoá đã tạm giữ, số hàng hoá đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý...
Điều 2. Kế toán thuế xuất, nhập khẩu, sử dụng phương pháp ghi sổ “kép” nhằm đảm bảo sự cân đối giữa vốn với nguồn: cân đối giữa số thuế phải thu với số thuế đã thu, số thuế còn nợ đọng; giữa số thuế đã thu với số tiền đã nộp vào Ngân sách; cân đối giữa số lệ phí đã thu với số lệ phí đã nộp Ngân sách, và số trích lại chuyển sang đơn vị dự toán...
Điều 3. Kế toán thuế xuất, nhập khẩu phải dùng chữ viết là tiếng Việt và chữ số phổ thông.
- Kế toán giá trị phải dùng đồng Ngân hàng Việt Nam làm đơn vị tính và ghi sổ. Nếu là ngoại tệ phải quy đổi theo tỷ giá quy định tại thời điểm nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước.
- Kế toán hiện vật đối với hàng hoá tạm giữ, hàng hoá tịch thu phải dùng các đơn vị đo lường chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng thêm đơn vị đo lường phụ (không chính thức) để kiểm tra, đối chiếu hoặc phục vụ cho kế toán chi tiết.
Điều 4. Việc ghi chép kế toán phải dùng mực tốt không phai. Số và chữ viết phải rõ ràng, liên tục, có hệ thống. Không được viết tắt, không được ghi xen kẽ, ghi chồng đè, không được bỏ cách dòng, nếu còn dòng thừa chưa ghi hết phải gạch bỏ chỗ thừa. Thủ trưởng đơn vị và phụ trách kế toán tuyệt đối không được ký sẵn trên các chứng từ còn trắng. Cấm tẩy xoá, cấm dùng chất hoá học để sửa chữa. Khi cần sửa chữa phải sử dụng các phương pháp sửa chữa theo quy định trong chế độ kế toán này.
Điều 5. Niên độ kế toán tính theo năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc là hết ngày 31 tháng 12 của năm.
- Kỳ kế toán theo niên độ kế toán là:
+ Tháng: tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
+ Quý: tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của quý.
Điều 6. Yêu cầu kế toán thu thuế xuất, nhập khẩu:
- Phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thuế phải thu, các khoản thuế lệ phí đã thu, đã nộp ngân sách và trích nộp cấp trên; số lượng và giá trị hàng hoá tạm giữ hoặc tịch thu và việc xử lý các loại hàng hoá đó, các khoản đơn vị được trích thưởng.
- Chỉ tiêu về thu thuế do kế toán cung cấp phải thống nhất với chỉ tiêu trong kế hoạch thu thuế xuất, nhập khẩu do Nhà nước giao về nội dung và phương pháp tính toán.
- Số liệu trong báo cáo kế toán thu thuế phải rõ ràng, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho lãnh đạo trong việc điều hành công tác thu thuế và phục vụ cho việc tổng hợp các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước.
Kiểm kê tài sản là phương pháp xác định tại chỗ về số tiền còn tồn quỹ, sao kê xác nhận số thuế còn nợ đọng của chủ hàng, số ấn chỉ từng loại còn tồn kho, số hàng hoá còn tạm giữ trong kho, hàng đã có quyết định tịch thu nhưng chưa chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý còn lưu giữ ở đơn vị tại một thời điểm kiểm kê nhằm đảm bảo cho số liệu trên sổ kế toán đúng với thực tế.
Các đơn vị phải thực hiện kiểm kê định kỳ cuối quý, cuối năm và kiểm kê bất thường khi bàn giao, sáp nhập hoặc có sự cố bất thường.
Kiểm tra kế toán là một biện pháp nhằm đảm bảo cho các quy định về kế toán được chấp hành nghiêm chỉnh, số liệu kế toán được chính xác, trung thực. Thủ trưởng, phụ trách kế toán đơn vị phải thường xuyên kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị. Cơ quan chủ quản cấp trên phải kiểm tra kế toán các đơn vị cơ sở theo chế độ quy định.
Nội dung kiểm tra kế toán là kiểm tra việc tính toán, ghi chép, phản ánh trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo kế toán; kiểm tra việc chấp hành các chế độ thể lệ tài chính kế toán, kiểm tra việc tổ chức công tác kế toán và bộ máy kế toán ở các đơn vị. Các cuộc thanh tra, kiểm tra kinh tế, tài chính phải bắt đầu từ việc kiểm tra kế toán.
Điều 9. Thủ trưởng và phụ trách kế toán ở các đơn vị được kiểm tra kế toán phải chấp hành nghiêm chỉnh việc kiểm tra kế toán của các cấp có thẩm quyền, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, tài liệu và các điều kiện khác cần thiết cho công tác kiểm tra. Giải thích và trả lời các nội dung do đoàn kiểm tra yêu cầu.
Thủ trưởng và phụ trách kế toán ở các đơn vị được kiểm tra phải ký vào biên bản hoặc báo cáo kết quả kiểm tra, có quyền ghi ý kiến của mình vào biên bản hoặc báo cáo kết quả kiểm tra. Nếu có điểm nào không nhất trí thì viết bản giải trình đính kèm với biên bản hoặc báo cáo kết quả kiểm tra.
Cán bộ kiểm tra kế toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra. Thủ trưởng và người phụ trách kế toán đơn vị được kiểm tra phải thực hiện nghiêm chỉnh các kiến nghị của đoàn kiểm tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Điều 10. Bảo quản tài liệu kế toán:
Tài liệu kế toán bao gồm: các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo kế toán và các tài liệu khác có liên quan. Cuối tháng, cuối quý hoặc sau khi kết thúc niên độ kế toán và đã hoàn tất toàn bộ công việc kế toán, tài liệu kế toán phải được sắp xếp phân loại, đóng gói, đánh số thứ tự, gói buộc, lập danh mục. Tài liệu kế toán phải được bảo quản chu đáo, an toàn trong quá trình sử dụng. Mỗi niên độ kế toán phải được phân loại sắp xếp theo từng tháng và chỉ được giữ lại ở phòng kế toán trong thời gian lâu nhất là 12 tháng sau khi hết năm. Sau thời hạn đó tài liệu kế toán phải chuyển cho bộ phận lưu trữ chung của cơ quan và lưu tại đó theo thời hạn quy định của Nhà nước về lưu trữ tài liệu kế toán. Nghiêm cấm mọi trường hợp cho mượn, mang tài liệu kế toán ra khỏi đơn vị nếu không được phép của thủ trưởng đơn vị bằng văn bản.
TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN VÀ BỘ MÁY KẾ TOÁN
Điều 11. Hệ thống kế toán thuế xuất, nhập khẩu được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất từ Tổng cục Hải quan đến Hải quan các tỉnh, thành phố (dưới đây gọi tắt là các đơn vị kế toán cấp cơ sở).
Điều 12. - Hệ thống kế toán thuế xuất, nhập khẩu trong ngành Hải quan được tổ chức thành 2 cấp kế toán:
+ Đơn vị kế toán cấp Tổng cục: là Cục kiểm tra thu thuế xuất, nhập khẩu.
+ Đơn vị kế toán cấp cơ sở: là phòng kiểm tra thu thuế xuất, nhập khẩu thuộc Hải quan các tỉnh, thành phố.
Hải quan cửa khẩu, và các đơn vị tương đương khác (dưới đây gọi tắt là Hải quan cửa khẩu): là đơn vị kế toán báo sổ. Tuỳ theo mức độ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá và trình độ kế toán của Hải quan cửa khẩu mà Hải quan các tỉnh, thành phố có thể phân cấp và tổ chức công tác kế toán ở các cửa khẩu theo những nội dung kế toán thích hợp.
- Các cấp kế toán phải thực hiện đúng quy định trong chế độ kế toán này.
Điều 13. Nhiệm vụ của các cấp kế toán thuế:
I- Nhiệm vụ kế toán thuế của cục kiểm tra, thu thuế xuất nhập khẩu
1- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành chính sách thuế và công tác kế toán thuế ở các đơn vị kế toán cấp cơ sở.
2- Tổng hợp, phân tích số thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các khoản thu khác của toàn ngành theo mục lục ngân sách, theo tháng, quý, năm để báo cáo Nhà nước.
3- Nghiên cứu, đề xuất để trình Lãnh đạo Tổng cục hoặc cơ quan chức năng Nhà nước những nội dung cần bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho phù hợp với sự sửa đổi của các văn bản liên quan đến công tác thu thuế, thu lệ phí, thu phạt... phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý của ngành.
4- Tổng hợp số liệu thu từ các báo cáo kế toán của các tỉnh, thành phố thành các chỉ tiêu của ngành để báo cáo Nhà nước.
5- Tổ chức công tác kế toán ấn chỉ tại Cục Kiểm tra thu thuế nhập khẩu để quản lý việc tiếp nhận, in ấn, cấp phát, thanh quyết toán biên lai, ấn chỉ với Hải quan các tỉnh, thành phố và cơ quan tài chính cho phù hợp với quy định.
II- Nhiệm vụ kế toán thu thuế cấp cơ sở
A- Nhiệm vụ kế toán thuế ở phòng kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu thuộc Hải quan Tỉnh, Thành phố
1- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành chính sách thuế và chế độ kế toán thuế ở các đơn vị cửa khẩu. Đôn đốc các đơn vị thu, nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách Nhà nước, chống ứ đọng tiền thuế. Báo cáo kịp thời các vụ xâm tiêu tiền thuế, tổn thất và sử dụng sai nguyên tắc, chế độ về quản lý tiền thuế, biên lai, chứng từ và kết quả xử lý những trường hợp vi phạm.
2- Kiểm tra các căn cứ tính thuế, thông báo thuế, thu thuế, đôn đốc đối tượng nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách và ghi sổ kế toán.
3- Kế toán tổng hợp và phân tích số thu của các loại thuế, lệ phí, và các khoản thu khác của các đơn vị trực thuộc, lập báo cáo gửi Tổng cục đúng quy định.
4- Quản lý việc nhập, xuất hàng tạm giữ và việc xử lý hàng tạm giữ. Đôn đốc và theo dõi xử lý hàng tiêu huỷ, bán hàng tịch thu của hội đồng xử lý để thu, nộp kịp thời tiền bán hàng tịch thu vào Ngân sách Nhà nước theo đúng chế độ xử lý hàng tạm giữ tịch thu.
5- Tổ chức kế toán ấn chỉ tại phòng kiểm tra thu thuế để quản lý việc tiếp nhận, cấp phát ấn chỉ cho các cửa khẩu; theo dõi việc sử dụng ấn chỉ và thanh quyết toán ấn chỉ, theo dõi việc bán loại ấn chỉ thu tiền và thanh toán kịp thời tiền bán ấn chỉ với Tổng cục.
B- Nhiệm vụ kế toán thuế tại Hải quan cửa khẩu:
Tuỳ theo mức độ phân cấp về tính thuế, ra thông báo thuế, thu thuế, theo dõi nợ thuế và phân cấp về công tác kế toán của Hải quan tỉnh, thành phố mà kế toán thuế ở Hải quan cửa khẩu thực hiện những nhiệm vụ sau:
1- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của tờ khai và các giấy tờ có liên quan đến hàng hoá, hành lý xuất nhập khẩu làm cơ sở tính và thu thuế, thu lệ phí...
2- Thực hiện việc tính thuế, ra thông báo, viết biên lai, thu thuế, thu lệ phí, theo dõi nợ thuế và đôn đốc thu nợ thuế.
3- Kiểm tra các chứng từ thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời tiền thuế, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước và trích nộp lên cấp trên.
4- Tổ chức công tác kế toán theo sự phân cấp kế toán của Hải quan tỉnh, thành phố. Hàng ngày kế toán tổng hợp số thu, nộp tiền thuế, lệ phí và tình hình xuất, nhập ấn chỉ, kho hàng tạm giữ, hàng tịch thu vào các sổ kế toán có liên quan. Lập báo cáo kế toán để gửi cơ quan cấp trên đúng thời hạn quy định.
5- Quản lý, cấp phát, sử dụng và thanh toán, quyết toán các loại biên lai, ấn chỉ theo đúng chế độ quy định.
Điều 14. Nội dung công tác kế toán thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu:
1- Kế toán tiền: Phản ánh số hiện có và tình hình tăng giảm các khoản tiền mặt, tiền gửi kho bạc về các khoản tiền thuế tạm thu, tiền thu lệ phí Hải quan, tiền thu phạt vi phạm hành chính Hải quan, tiền bán ấn chỉ, tiền thu thuế... mà các đối tượng nộp thuế bằng tiền mặt.
2- Kế toán thu thuế: Phản ánh số thuế đã thông báo, số thuế đã thu đã nộp vào Ngân sách, số thuế đã hoàn, số thuế còn nợ đọng, số thuế ẩn lậu truy thu, số phạt chậm nộp thuế của từng đối tượng nộp thuế, theo từng sắc thế đã được quy định trong mục lục ngân sách hiện hành.
3- Kế toán thu lệ phí Hải quan: Phản ánh số thuế thu về từng loại lệ phí việc nộp các khoản lệ phí vào Ngân sách Nhà nước và số được trích theo quy định.
4- Kế toán thu phạt vi phạm hành chính : Phản ánh số thu về tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, ngoài lĩnh vực thuế và việc trích nộp số tiền thu phạt vào Ngân sách số được trích thưởng.
5- Kế toán hàng hoá tạm giữ:
- Phản ánh số lượng, giá trị từng loại hàng hoá tạm giữ hoặc đã có quyết định tịch thu còn quản lý trong kho.
- Phản ánh số lượng và giá trị từng loại hàng hoá đã xử hoàn lại cho khách hàng hoặc mang tiêu huỷ hay chuyển sang Sở Tài chính bán theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Theo dõi việc bán hàng tịch thu để trích thưởng và thanh toán kinh phí kiểm soát, nộp ngân sách... theo quy định.
6- Kế toán thanh toán với các đối tượng nộp thuế: Phản ánh số thuế phải thu, hoặc phải truy thu, số thuế đã nộp, số thuế đã hoàn, số thuế đã nộp được miễn giảm, số thuế được hoàn khấu trừ vào các tờ khai sau hoặc được chuyển đi khấu trừ vào số phải nộp ở nơi khác. Số tiền phạt chậm nộp thuế của từng đối tượng nộp thuế, theo từng tờ khai để từ đó có biện pháp đôn đốc chủ hàng nộp thuế kịp thời vào ngân sách Nhà nước.
7- Kế toán ấn chỉ: Phản ánh số lượng, giá trị từng loại ấn chỉ đã nhận của Tổng cục, đã cấp phát cho Hải quan cửa khẩu và việc quyết toán từng loại ấn chỉ bán thu tiền, ấn chỉ không thu tiền với Tổng cục.
8- Lập báo cáo kế toán và quyết toán về thuế và ấn chỉ gửi Tổng cục Hải quan theo nội dung và thời gian quy định.
- Các đơn vị Hải quan phải bố trí người làm công tác kế toán chuyên trách, có trình độ chuyên môn về nghiệp vụ tài chính, kế toán và được đào tạo theo đúng chức danh tiêu chuẩn quy định cho cán bộ kế toán. Cán bộ kế toán được đảm bảo quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp lệnh kế toán thống kê và quy định của chế độ kế toán này.
- Các đơn vị Hải quan không được bố trí người làm kế toán có tính chất luân phiên. Cán bộ kế toán không được kiêm nhiệm làm thủ quỹ, thủ kho. Thủ trưởng đơn vị và phụ trách kế toán không được bố trí người trong gia đình làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ. Cấm những người trong một gia đình cùng xử lý các nghiệp vụ tài chính trên cương vị người thực hiện, người kiểm soát, người duyệt trên cùng một chứng từ.
- Mỗi khi thay đổi cán bộ tài chính, kế toán phải thực hiện việc bàn giao giữa cán bộ cũ với cán bộ mới. Cán bộ mới chịu trách nhiệm từ ngày nhận bàn giao. Cán bộ cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc của mình trong thời gian mình phụ trách.
- Nội dung công việc bàn giao:
+ Bàn giao số liệu về thu thuế, lệ phí, số còn nợ đọng thuế của từng đối tượng theo từng sắc thuế: Số liệu về tiền quỹ và hàng hoá còn tạm giữ, ấn chỉ còn trong kho và còn ở các đơn vị.
+ Bàn giao các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo kế toán và các hồ sơ đã giải quyết, chưa giải quyết.
+ Các con dấu dùng trong công tác kế toán.
+ Những công việc còn đang dở dang phải tiếp tục xử lý tiếp.
- Quá trình bàn giao phải có sự chứng kiến của phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị (đối với bàn giao phụ trách kế toán).
- Kết thúc việc bàn giao phải lập biên bản bàn giao. Biên bản phải ghi đủ các nội dung bàn giao và có đủ chữ ký của người giao, người nhận, người chứng kiến và thủ trưởng đơn vị phải xác nhận vào biên bản. Biên bản bàn giao kế toán phải lập thành 2 bản: người nhận bàn giao giữ một bản, người bàn giao giữ một bản.
Điều 17. Khi thành lập một đơn vị mới phải bố trí người phụ trách kế toán mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước phục vụ cho việc giao dịch khi đơn vị bắt đầu hoạt động.
Khi sáp nhập, chia tách đơn vị, Thủ trưởng đơn vị và phụ trách kế toán phải hoàn thành việc bàn giao thanh quyết toán mới được đi nhận nhiệm vụ mới.
Điều 18. Tất cả các bộ phận và mọi người trong đơn vị có liên quan đến công tác kế toán phải nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc, thủ tục về kế toán, có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời những chứng từ, tài liệu cần thiết cho công tác kế toán và chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực, hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ, tài liệu đó.
1. Mọi hành vi vi phạm các quy định trong chế độ kế toán này tuỳ theo tính chất, nội dung và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
2. Nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự.
Điều 20. Chứng từ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu là những chứng minh bằng giấy tờ về những nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh có liên quan đến việc thu, nộp tiền thuế; lệ phí Hải quan; xuất, nhập ấn chỉ, hàng hoá tạm giữ, hàng hoá tịch thu và các thu nộp khác.
Chứng từ kế toán chia làm 2 loại:
+ Chứng từ do đơn vị lập: là các chứng từ do đơn vị lập để thực hiện các nghiệp vụ về thu thuế, thu lệ phí, thu phạt... như: giấy thông báo thuế, biên lai thu thuế, biên lai thu lệ phí, phiếu chi, phiếu thu, giấy nộp tiền vào Ngân sách...
+ Chứng từ do bên ngoài lập: là những chứng từ do bên ngoài gửi đến liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế như: Tờ khai Hải quan, uỷ nhiệm chi, giấy báo có, báo nợ, giấy nộp tiền vào Ngân sách...
Điều 21. Mọi nghiệp vụ kinh tế liên quan đến việc tính, thu nộp tiền thuế, thu lệ phí, xuất nhập hàng tạm giữ, hàng tịch thu ở các bộ phận trong đơn vị đều phải lập chứng từ theo quy định của chế độ kế toán này. Mọi số liệu ghi trên sổ kế toán bắt buộc phải có chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ chứng minh.
- Chứng từ kế toán hợp pháp: là chứng từ được lập theo đúng mẫu quy định. Việc ghi chép trên chứng từ phải đúng nội dung, bản chất của nghiệp vụ kinh tế phát sinh và nghiệp vụ kinh tế này phù hợp với các quy định của pháp luật; Có đủ chữ ký của người lập, người duyệt, người thực hiện và dấu của đơn vị tuỳ theo quy định cụ thể của từng chứng từ.
- Chứng từ kế toán hợp lệ: là những chứng từ được ghi chép đầy đủ các yếu tố, các tiêu thức theo quy định và lập đúng phương pháp, trình tự quy định cho từng chứng từ.
- Chứng từ kế toán phải lập đủ số liên và chỉ lập một lần đúng với thực tế, thời gian và địa điểm nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo đúng mẫu quy định, chứng từ kế toán có thể lập bằng tay hay bằng máy tính. Dù lập bằng tay hay bằng máy tính phải ghi đủ các yếu tố chứng từ, riêng phần ký duyệt phải ký duyệt từng liên. Trường hợp chứng từ in hỏng, in thiếu liên, viết sai thì phải huỷ bỏ bằng gạch chéo (X) vào tất cả các liên và không được xé rời các liên ra khỏi cuống.
Điều 22. Chứng từ kế toán phải có đầy đủ các yếu tố sau đây:
- Tên gọi của chứng từ.
- Ngày, tháng, năm lập chứng từ, số liệu của chứng từ.
- Tên, địa chỉ của nơi lập chứng từ.
- Tên, địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ.
- Tóm tắt nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Các chỉ tiêu chủ yếu phản ánh được nội dung của chứng từ.
- Chữ ký của người lập và người chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nghiệp vụ kinh tế đã phản ánh trên chứng từ và dấu của đơn vị tuỳ theo quy định cho từng loại chứng từ trong chế độ.
- Những chứng từ dùng làm căn cứ trực tiếp để ghi sổ kế toán phải có thêm chỉ tiêu định khoản kế toán.
Điều 23. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Thu thuế, lệ phí không giao biên lai cho người nộp tiền.
- Xuất, nhập quỹ, xuất nhập kho hàng tạm giữ, kho ấn chỉ không có chứng từ hợp pháp, hợp lệ.
- Giả mạo chứng từ kế toán để tham ô tài sản, tiền quỹ của công.
- Hợp pháp hoá chứng từ kế toán.
- Xuyên tạc hoặc cố ý làm sai lệch nội dung, bản chất nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
- Sửa chữa, tẩy xoá trên chứng từ kế toán.
- Huỷ bỏ chứng từ khi chưa hết thời hạn lưu trữ theo quy định.
- Sử dụng các biểu mẫu, chứng từ kế toán không còn hiệu lực.
Điều 24. Trình tự xử lý chứng từ kế toán:
Tất cả các chứng từ kế toán liên quan đến thu thuế, lệ phí... do đơn vị lập hay do bên ngoài chuyển đến đều phải tập trung ở bộ phận kế toán thuế. Bộ phận kế toán phải kiểm tra những chứng từ đó và chỉ sau khi kiểm tra xác định là đúng thì mới dùng để ghi sổ kế toán.
Trình tự xử lý chứng từ kế toán gồm các bước sau:
- Lập chứng từ kế toán và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế tài chính vào chứng từ.
- Kiểm tra, phân loại, sắp xếp chứng từ và định khoản nghiệp vụ kinh tế.
- Ghi sổ kế toán.
- Lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.
Điều 25. Nội dung của việc kiểm tra chứng từ kế toán:
- Kiểm tra tính rõ ràng, trung thực, đầy đủ của các chỉ tiêu, các yếu tố ghi trên chứng từ kế toán.
- Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của nghiệp vụ kinh tế phát sinh đã ghi trên chứng từ kế toán.
- Kiểm tra tính chính xác của số liệu ghi trên chứng từ kế toán.
- Kiểm tra việc chấp hành quy chế quản lý, luân chuyển nội bộ, quy chế xét duyệt chứng từ đối với từng loại nghiệp vụ kinh tế.
Khi kiểm tra chứng từ kế toán nếu phát hiện có hành vi vi phạm chính sách và chế độ, thể lệ kinh tế, tài chính của Nhà nước thì phải báo cáo thủ trưởng đơn vị hoặc các bộ phận nghiệp vụ liên quan biết để kiểm tra lại.
Đối với những chứng từ kế toán lập không đúng quy định, nội dung và con số, chữ viết không rõ ràng thì người kiểm tra hoặc người ghi sổ trả lại cho nơi lập biết để làm lại hoặc bổ sung thêm thủ tục và điều chỉnh, sau đó mới dùng làm căn cứ để ghi sổ kế toán.
Điều 26. Xử lý chứng từ khi thất lạc, hư hỏng
Mọi trường hợp mất, thất lạc, hư hỏng chứng từ đều phải lập biên bản và báo cáo với thủ trưởng đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời. Riêng trường hợp mất các loại biên lai thu thuế, thu lệ phí phải báo cáo với thủ trưởng đơn vị và công an địa phương biết số hiệu và số lượng của những tờ bị mất, hoàn cảnh bị mất để có biện pháp xác minh xử lý theo pháp luật; Đồng thời sớm có biện pháp nhằm vô hiệu hoá các biên lai bị mất để tránh bị lợi dụng.
Điều 27. Quy định về sử dụng và quản lý biểu mẫu chứng từ kế toán:
Tất cả các đơn vị thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu đều phải áp dụng chế độ chứng từ kế toán quy định trong chế độ này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được tự ý sửa đổi biểu mẫu đã quy định.
Mẫu chứng từ in sẵn phải được bảo quản cẩn thận, không được để mất mát, hư hỏng, mục nát hoặc để kẻ xấu lợi dụng.
Điều 28. In và phát hành biểu mẫu chứng từ phục vụ cho công tác của ngành:
- Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng và tiếp nhận ấn chỉ từ Bộ Tài chính hoặc in những ấn chỉ đặc thù của ngành để cấp phát cho Hải quan các tỉnh, thành phố. Đồng thời theo dõi việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán ấn chỉ với Hải quan các tỉnh, thành phố và với cơ quan tài chính.
- Khi in các biểu mẫu chứng từ kế toán phải thiết kế và in theo đúng nội dung biểu mẫu chứng từ đã quy định.
- Biểu mẫu chứng từ kế toán thuộc nội dung thu nộp Ngân sách và các loại biên lai thu thuế, lệ phí, hoá đơn bán hàng do Bộ Tài chính thống nhất quản lý phát hành; Những loại chứng từ đặc thù của ngành do Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu in với sự thoả thuận của Bộ Tài chính.
Điều 29. Hệ thống biểu mẫu chứng từ kế toán áp dụng cho công tác thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm các loại:
1- Các chứng từ liên quan đến hoạt động thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu được ban hành trong chế độ kế toán này có 39 mẫu chứng từ và các loại Tờ khai Hải quan.
2- Các chứng từ đã ban hành trong chế độ kế toán Kho bạc, kế toán Ngân sách, kế toán thống kê mà đơn vị Hải quan sử dụng.
Danh mục chứng từ kế toán (xem phần thứ hai)
Điều 30: Tài khoản kế toán là một phương pháp kế toán dùng để phân loại và hệ thống hoá các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế. Tài khoản kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phản ánh và kiểm soát thường xuyên, liên tục, có hệ thống số thuế phải thu, số thuế và lệ phí đã thu, số thuế và lệ phí đã nộp ngân sách, số thuế còn nợ đọng và số hàng còn tạm giữ, số hàng hoá đã có quyết định tịch thu nhưng chưa tổ chức bán hoặc chưa tiêu huỷ.
Tài khoản kế toán được mở cho từng đối tượng kế toán có cùng nội dung kinh tế. Toàn bộ các tài khoản kế toán sử dụng trong kế toán hình thành Hệ thống tài khoản kế toán.
Hệ thống tài khoản kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: các tài khoản trong bảng cân đối tài khoản và các tài khoản ngoài bảng cân đối tài khoản.
Các tài khoản trong bảng cân đối được hạch toán theo phương pháp “Ghi sổ kép” để phản ánh tình hình thực hiện thu thuế.
Các tài khoản ngoài bảng cân đối tài khoản phản ánh những tài sản hiện có ở đơn vị nhưng không thuộc quyền sở hữu của đơn vị và một số chỉ tiêu đã phản ánh ở trong bảng cân đối nhưng cần phải theo dõi riêng phục vụ cho yêu cầu quản lý. Các tài khoản ngoài bảng cân đối có các chỉ tiêu như ngoại tệ các loại, ấn chỉ không thu tiền, hàng tạm giữ. Các tài khoản ngoài bảng cân đối tài khoản thực hiện phương pháp ghi “đơn”. Bên Nợ phản ánh số tăng, bên Có phản ánh số giảm, số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ phản ánh bên Nợ.
Danh mục Hệ thống tài khoản kế toán thuế (xem phần thứ ba).
SỔ KẾ TOÁN VÀ HÌNH THỨC SỔ KẾ TOÁN
Mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến việc thu thuế, thu lệ phí, xuất nhập ấn chỉ, xuất nhập hàng tạm giữ, hàng tịch thu... đều phải được phản ánh vào sổ kế toán.
Tất cả các đơn vị thu thuế xuất nhập khẩu đều phải mở sổ kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến việc thu thuế, thu lệ phí và các thu khác, xuất nhập hàng tạm giữ, hàng tịch thu và thực hiện việc quản lý, bảo quản, lưu trữ các sổ kế toán theo đúng các quy định của chế độ sổ kế toán này.
Điều 32. Sổ kế toán gồm 2 loại:
Sổ của phần kế toán tổng hợp gọi là sổ kế toán tổng hợp gồm 3 sổ kế toán chủ yếu là: Sổ Cái, Sổ Nhật ký - Sổ cái, Sổ đăng ký chứng từ ghi sổ.
Sổ của phần kế toán chi tiết gọi là sổ kế toán chi tiết gồm có các sổ, thẻ kế toán chi tiết.
Tuỳ theo hình thức kế toán áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp; sổ, thẻ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về: Nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng hình thức kế toán.
Điều 33. Sổ Nhật ký - Sổ cái là sổ kế toán tổng hợp dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo trình tự thời gian. Trong trường hợp cần thiết có thể kết hợp việc ghi chép, phân loại hoạt động kinh tế tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế. Số liệu kế toán trên Sổ Nhật ký - Sổ cái phản ánh tổng số các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh trong một kỳ kế toán.
Sổ Nhật ký - Sổ cái phải có đầy đủ các nội dung và tiêu thức sau:
1. Ngày, tháng ghi sổ;
2. Số, ngày, tháng của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ (ngày, tháng phát sinh của hoạt động kinh tế hoặc đăng ký hoạt động kinh tế trên chứng từ kế toán).
3. Nội dung chủ yếu của nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh;
4. Số tiền của nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
Điều 34. Sổ Cái dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo các nội dung kinh tế (theo tài khoản kế toán). Số liệu trên Sổ Cái phản ánh một cách tổng hợp tình hình vốn, nguồn vốn (tình hình về số thuế phải thu, số thuế đã thu, số đã nộp ngân sách và số thuế còn nợ đọng...)
Sổ Cái phản ánh đầy đủ các yếu tố sau:
1. Ngày, tháng ghi sổ;
2. Số hiệu, ngày, tháng của chứng từ dùng làm căn cứ ghi sổ (Ngày phát sinh của hoạt động kinh tế);
3. Nội dung chủ yếu của nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh;
4. Số tiền của nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo từng nội dung kinh tế (ghi vào bên Nợ, bên Có các tài khoản);
Điều 35. Sổ, thẻ kế toán chi tiết dùng để ghi chép chi tiết các đối tượng kế toán theo yêu cầu quản lý. Số liệu trên sổ kế toán chi tiết cung cấp các chỉ tiêu phục vụ cho việc quản lý thu thuế và việc lập các chỉ tiêu trong báo cáo kế toán.
Điều 36. Mỗi đơn vị kế toán chỉ được mở và giữ một hệ thống sổ kế toán chính thức và duy nhất.
- Sổ kế toán phải dùng giấy tốt đảm bảo việc ghi chép rõ ràng, sạch sẽ.
- Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân giữ và ghi sổ. Sổ giao cho kế toán nào giữ thì người đó phải chịu trách nhiệm về những điều đã ghi trong sổ và giữ sổ trong suốt thời gian dùng sổ.
- Việc ghi chép sổ kế toán phải đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực, liên tục, có hệ thống tình hình thu thuế, thu lệ phí, xuất, nhập hàng tạm giữ, hàng tịch thu, xuất nhập ấn chỉ... nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho việc lập Báo cáo kế toán.
- Việc ghi sổ kế toán nhất thiết phải căn cứ vào chứng từ kế toán. Mọi số liệu ghi trên sổ kế toán bắt buộc phải có chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ chứng minh.
- Tuyệt đối không được để ngoài sổ kế toán bất kỳ một khoản thu thuế, lệ phí, hàng hoá tạm giữ... dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 38. Sổ kế toán phải dùng mẫu in sẵn, có thể đóng thành quyển hoặc để tờ rời.
Các sổ tờ rời sau khi dùng xong phải đóng thành quyền để lưu trữ.
- Trước khi dùng sổ kế toán phải hoàn thiện các thủ tục sau:
+ Đối với sổ kế toán dạng quyển:
Trang đầu sổ phải ghi rõ tên đơn vị, tên sổ, ngày mở sổ, niên độ kế toán, họ tên người giữ và ghi sổ, ngày kết thúc ghi sổ hoặc ngày chuyển giao cho người khác. Phải đánh số trang và giữa hai trang sổ phải đóng dấu của đơn vị (Gọi là đóng dấu giáp lai).
Thủ trưởng đơn vị (hoặc phụ trách kế toán) phải ký xác nhận số trang có trong sổ, ngày mở sổ, người giữ và ghi sổ vào trang đầu của sổ kế toán.
+ Đối với sổ tờ rời:
Đầu mỗi sổ tờ rời phải ghi rõ tên đơn vị, số thứ tự của từng tờ sổ, tên sổ, tháng sử dụng, họ tên người giữ và ghi sổ. Các tờ rời trước khi dùng phải được ký xác nhận, đóng dấu và ghi vào Sổ Đăng ký sử dụng sổ tờ rời. Các sổ tờ rời phải được sắp xếp theo một trật tự nhất định và phải đảm bảo sự an toàn, dễ tìm kiếm.
- Các sổ kế toán chỉ sau khi làm đầy đủ các thủ tục trên mới được coi là hợp pháp, hợp lệ và làm căn cứ để các cơ quan Nhà nước kiểm tra.
Điều 39. Kế toán trên máy vi tính:
- Các mẫu sổ vẽ trên máy phải thể hiện đầy đủ các yếu tố và những chỉ tiêu quy định cho từng mẫu sổ.
- Các số liệu nhập vào máy phải là số liệu của các chứng từ hợp pháp, hợp lệ.
- Số liệu sau khi nhập vào máy phải được kiểm tra đối chiếu với chứng từ và các sổ, tài khoản có liên quan nhằm đảm bảo các số liệu đã nhập vào máy chính xác, trung thực, không bị trùng lắp.
- Cuối ngày, cuối kỳ kế toán tuỳ theo từng loại sổ, sau khi đã hoàn tất việc khoá sổ kế toán phải in ra giấy toàn bộ sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và đóng thành quyển. Sau đó phải làm thủ tục pháp lý như sổ kế toán ghi bằng tay.
Điều 40. Sửa chữa những sai sót trong quá trình ghi chép kế toán (lập chứng từ, ghi sổ kế toán) theo một trong ba phương pháp sau:
1. Phương pháp cải chính (còn gọi là phương pháp xoá bỏ)
Khi dùng phương pháp cải chính đính chính những chỗ sai trên các sổ kế toán thì gạch một đường bằng mực đỏ xoá bỏ chỗ ghi sai để có thể còn trông thấy được nội dung của những chỗ ghi sai đã xoá bỏ; Trên chỗ bị xoá bỏ ghi những con số đúng bằng mực thường. Nếu sai sót chỉ là một chữ số thì cũng phải xoá bỏ toàn bộ con số viết sai và viết lại con số đúng. Cần phải chứng thực chỗ đính chính bằng chữ ký của người phụ trách kế toán.
Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp sai sót sau đây:
- Sai sót trong diễn giải, không liên quan đến quan hệ đối ứng của các tài liệu.
- Sai sót không ảnh hưởng đến số tiền tổng cộng;
2. Phương pháp ghi số âm (còn gọi là phương pháp ghi đỏ)
Khi dùng phương pháp ghi số âm để đính chính chỗ sai thì trước hết cần viết lại bằng mực đỏ bút toán sai để huỷ bỏ bút toán này, sau đó dùng mực thường viết bút toán đúng thay thế.
Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp sai sót sau đây:
- Sai về quan hệ đối ứng giữa các tài khoản do định khoản sai đã ghi sổ kế toán mà không thể sửa lại bằng phương pháp cải chính;
- Khi đã lập và gửi báo cáo kế toán đi rồi mới phát hiện ra sai sót;
- Sai sót, mà trong đó bút toán ở tài khoản đã ghi sổ số tiền nhiều lần hoặc con số ghi sai lớn hơn con số ghi đúng.
Lưu ý: Khi dùng phương pháp ghi số âm để đính chính số sai thì phải lập một Chứng từ ghi số đính chính do phụ trách kế toán ký xác nhận.
3. Phương pháp ghi bổ sung:
Phương pháp ghi bổ sung được áp dụng cho trường hợp bút toán ghi đúng về quan hệ đối ứng giữa các tài khoản nhưng số tiền ghi lại ít hơn số tiền thực tế phát sinh trong các nghiệp vụ kinh tế, tài chính hoặc là bỏ sót không cộng đủ số tiền ghi trên chứng từ. Trường hợp sửa chữa theo phương pháp này cũng phải lập “Chứng từ ghi sổ đính chính” do phụ trách kế toán ký xác nhận. Kế toán ghi bổ sung số tiền chênh lệch còn thiếu cho đủ với số đúng.
- Trường hợp ghi sổ kế toán bằng máy vi tính tuỳ từng trường hợp có thể sửa chữa sai sót theo một trong ba phương pháp nêu trên, song phải tuân thủ các quy định sau:
+ Nếu sai sót được phát hiện khi chưa in sổ thì được phép sửa chữa trực tiếp trên máy trước khi khoá và in sổ.
+ Nếu sai sót được phát hiện sau khi đã khoá sổ và in sổ thì trên sổ đã in được sửa chữa theo quy định của 1 trong 3 phương pháp nêu trên, đồng thời phải sửa chữa lại chỗ sai trên máy và in lại tờ sổ mới. Phải lưu tờ sổ mới cùng với tờ sổ có sai sót để đảm bảo thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát.
Điều 41. Khi báo cáo quyết toán năm được duyệt y hoặc khi công việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kết thúc và đã có ý kiến kết luận chính thức, nếu quyết định phải sửa lại số liệu trên Báo cáo kế toán liên quan đến số liệu đã ghi sổ kế toán thì đơn vị phải sửa lại sổ kế toán và số dư của những tài khoản liên quan. Tuỳ từng trường hợp cụ thể việc sửa chữa số liệu có thể được thực hiện trực tiếp trên sổ kế toán của năm báo cáo hoặc sổ kế toán năm nay (thời điểm phát sinh nghiệp vụ). Trong trường hợp điều chỉnh trên sổ kế toán năm nay, thì đồng thời phải ghi chú vào các trang cuối (dòng cuối) của sổ kế toán năm trước để tiện đối chiếu, kiểm tra.
Khoá sổ kế toán là việc tiến hành cộng sổ để tính ra tổng số phát sinh bên Nợ, bên Có và số dư cuối kỳ của từng tài khoản kế toán hoặc số thuế phải thu, số thuế đã thu, số thuế còn phải thu, số lệ phí đã thu, số lệ phí đã nộp hoặc tổng số thu, chi, tồn quỹ; nhập, xuất, tồn kho hàng tạm giữ hoặc ấn chỉ ở thời điểm khoá sổ kế toán.
Cuối kỳ kế toán (cuối tháng, cuối quý) và cuối niên độ kế toán, sau khi đã phản ánh hết tất cả các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ vào sổ kế toán, phải khoá sổ kế toán. Riêng sổ quỹ tiền mặt phải khoá sổ vào cuối ngày. Ngoài ra phải khoá số kế toán trong các trường hợp kiểm kê bất thường.
Điều 43. Trình tự khoá sổ cuối tháng, cuối quí:
1. Kiểm tra đối chiếu:
- Cuối kỳ kế toán sau khi đã phản ánh tất cả các chứng từ kế toán phát sinh trong kỳ vào sổ kế toán, tiến hành đối chiếu giữa số liệu trên chứng từ với số liệu đã ghi sổ, giữa số liệu các sổ có liên quan với nhau để đảm bảo sự khớp đúng giữa số liệu trên chứng từ với số liệu đã ghi sổ và giữa các sổ kế toán với nhau.
- Tiến hành cộng sổ phát sinh trên Sổ Cái hoặc trên Nhật ký - Sổ cái và các sổ kế toán chi tiết.
- Từ các sổ, thẻ kế toán chi tiết lập bảng tổng hợp chi tiết cho những tài khoản phải ghi trên nhiều sổ hoặc nhiều trang sổ.
- Tiến hành cộng tất cả các số phát sinh Nợ, số phát sinh Có của tất cả các tài khoản trên Nhật ký - Sổ cái hoặc Sổ cái xem có bằng nhau và bằng số phát sinh ở phần Nhật ký không? Sau đó tiến hành đối chiếu số liệu trên Sổ cái với số liệu trên sổ chi tiết hoặc bảng tổng hợp chi tiết, giữa số liệu kế toán với số liệu của thủ kho, thủ quỹ. Nếu đảm bảo sự khớp đúng sẽ tiến hành khoá sổ chính thức bằng các bước như điểm 2 dưới đây:
2. Khoá sổ:
+ Kẻ một đường ngang dưới dòng ghi nghiệp vụ cuối cùng của kỳ kế toán, cách dòng ghi nghiệp vụ cuối cùng nửa dòng. Sau đó ghi số phát sinh trong tháng đã cộng phía dưới dòng đã kẻ.
+ Ghi lại dòng cộng phát sinh các tháng trước kế tiếp dòng cộng phát sinh tháng.
+ Dòng cộng phát sinh luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng ghi dưới dòng phát sinh các tháng trước.
+ Dòng số dư cuối tháng tính được ghi tiếp dưới dòng trên.
+ Dòng số dư cuối tháng tính như sau:
Số dư Nợ cuối tháng | = | Số dư Nợ đầu tháng | + | Số phát sinh Nợ trong tháng | - | Số phát sinh Có trong tháng |
Số dư Có cuối tháng | = | Số dư Có đầu tháng | + | Số phát sinh Có trong tháng | - | Số phát sinh Nợ trong tháng |
+ Kẻ 2 đường thẳng liền nhau ngay sát dưới dòng số dư để kết thúc việc khoá sổ. Riêng một số sổ chi tiết có kết cấu các cột phát sinh Nợ, phát sinh Có và số dư (hoặc nhập, xuất, còn lại hay thu, chi, tồn quỹ... ) thì số liệu cột số dư (Còn lại hay tồn) không ghi vào dòng cộng mà ghi vào dòng “số dư cuối tháng” dưới dòng cộng cuối tháng. Sau khi khoá sổ kế toán, người ghi sổ phải ký dưới 2 đường kẻ và phụ trách kế toán phải kiểm tra đảm bảo sự chính xác, cân đối sẽ ký xác nhận. Sau đó trình thủ trưởng đơn vị kiểm tra và ký duyệt để xác nhận tính chính xác của số liệu khoá sổ kế toán và đảm bảo sự nhất trí về số liệu khoá sổ kế toán giữa phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị.
Điều 44. Chuẩn bị khoá sổ cuối năm:
Trước khi khoá sổ cuối năm phải xử lý các việc sau:
+ Đôn đốc thu hồi các khoản nợ thuế và làm thủ tục nộp kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước.
+ Đối với các khoản tạm giữ, tạm thu căn cứ vào quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền làm thủ tục hoàn trả cho đối tượng tạm giữ hay làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước.
+ Tiến hành kiểm kê, sao kê, đối chiếu toàn bộ ấn chỉ, số hàng còn tạm giữ trong kho, số nợ đọng thuế, tiền mặt, tiền gửi để xác định số thực có ở thời điểm cuối ngày 31/12. Căn cứ quyết định xử lý của Hội đồng kiểm kê, kế toán lập chứng từ điều chỉnh số liệu trên sổ kế toán theo kết quả kiểm kê thực tế.
Điều 45. Khoá sổ, chuyển sổ cuối năm và mở sổ đầu năm:
- Trình tự các bước khoá sổ cuối năm thực hiện như khoá sổ cuối tháng, cuối quí.
- Thời điểm khoá sổ cuối năm vào cuối ngày 31/12.
- Khoá sổ cuối năm để tính ra số dư cuối năm của từng tài khoản.
Sau khi khoá sổ cuối năm, kế toán phải thực hiện việc chuyển sổ cuối năm và mở sổ kế toán đầu năm mới để tiếp nhận số dư từ sổ năm cũ chuyển sang và ghi ngay các nghiệp vụ kinh tế mới phát sinh thuộc niên độ ngân sách năm mới từ ngày 01/01.
Điều 46. Các đơn vị thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 1 trong 2 hình thức sổ kế toán sau đây:
A. Hình thức sổ kế toán Nhật ký - Sổ cái
1. Nguyên tắc, đặc trưng cơ bản:
Đặc trưng cơ bản của hình thức Nhật ký - Sổ cái là: Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh được kết hợp ghi chép theo trình tự thời gian với việc phân loại, hệ thống hoá theo nội dung kinh tế (theo tài khoản kế toán) trên cùng 1 quyển sổ kế toán tổng hợp là sổ Nhật ký - Sổ cái và trong cùng một quá trình ghi chép.
Căn cứ để ghi vào sổ Nhật ký - Sổ cái là các chứng từ kế toán hoặc Bảng tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại.
2. Các loại sổ kế toán
Hình thức sổ kế toán Nhật ký - Sổ cái: gồm có các loại sổ kế toán chủ yếu sau:
+ Nhật ký - Sổ cái;
+ Các sổ, thẻ kế toán chi tiết.
3. Trình tự, nội dung ghi sổ kế toán
- Hàng ngày cán bộ kế toán căn cứ vào chứng từ kế toán (hoặc Bảng Tổng hợp chứng từ kế toán) đã được kiểm tra, xác định tài khoản ghi Nợ, tài khoản ghi Có để ghi vào Nhật ký - Sổ cái. Mỗi chứng từ (hoặc Bảng Tổng hợp Chứng từ kế toán), được ghi một dòng đồng thời ở hai phần Nhật ký và Sổ cái. Bảng Tổng hợp chứng từ được lập cho những chứng từ cùng loại, phát sinh nhiều lần trong một ngày.
- Chứng từ kế toán và Bảng Tổng hợp chứng từ sau khi được dùng để ghi Nhật ký - Sổ cái phải được ghi vào sổ hoặc thẻ kế toán chi tiết có liên quan.
- Cuối tháng, sau khi đã phản ánh toàn bộ chứng từ kế toán phát sinh trong tháng vào Nhật ký - Sổ cái và các sổ kế toán chi tiết, cán bộ kế toán tiến hành cộng Nhật ký - Sổ cái ở cột phát sinh của phần Nhật ký và cột Nợ, cột Có của từng tài khoản ở phần Sổ cái để ghi vào dòng cộng phát sinh cuối tháng. Căn cứ vào số phát sinh các tháng trước và số phát sinh tháng này tính ra số phát sinh luỹ kế đến cuối tháng này. Căn cứ vào số dư đầu tháng (đầu quý) và số phát sinh trong tháng tính ra số dư cuối tháng (cuối quý) của từng tài khoản.
- Việc kiểm tra đối chiếu các số liệu sau khi đã cộng Nhật ký - Sổ cái phải đảm bảo nguyên tắc sau:
Tổng số phát sinh ở phần Nhật ký | = | Tổng số phát sinh Nợ của tất cả các tài khoản | = | Tổng số phát sinh Có của tất cả các tài khoản |
Tổng số dư Nợ các TK = Tổng số dư Có các TK.
- Các sổ, thẻ kế toán chi tiết cũng phải cộng số phát sinh Nợ, số phát sinh Có và tính ra số dư cuối tháng của từng đối tượng kế toán; Căn cứ số liệu của từng đối tượng kế toán chi tiết lập “Bảng Tổng hợp chi tiết” cho từng tài khoản. Số liệu trên Bảng Tổng hợp chi tiết từng tài khoản đối chiếu với số phát sinh Nợ, phát sinh Có và số dư của tài khoản đó trên Nhật ký - Sổ cái.
- Số liệu trên Nhật ký - Sổ cái, trên các sổ, thẻ kế toán chi tiết và Bảng Tổng hợp chi tiết sau khi kiểm tra, đối chiếu khớp đúng được sử dụng để lập Bảng Cân đối tài khoản và các Báo cáo kế toán khác.
- Trình tự ghi sổ kế toán theo hình thức Nhật ký - Sổ cái được thể hiện trên sơ đồ số 01.
Sơ đồ số 01
B- Hình thức sổ kế toán chứng từ ghi sổ
1. Nguyên tắc đặc trưng cơ bản:
Đặc trưng cơ bản của hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ là: Việc ghi sổ kế toán tổng hợp được căn cứ trực tiếp vào các “chứng từ ghi sổ”. Chứng từ ghi sổ là một loại chứng từ tổng hợp dùng để phân loại, hệ thống hoá và xác định nội dung kinh tế của các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh. Việc ghi sổ kế toán trên cơ sở Chứng từ ghi sổ sẽ được tách biệt thành hai quá trình riêng rẽ:
+ Ghi theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ.
+ Ghi theo nội dung kinh tế của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trên Sổ Cái.
2. Các loại sổ kế toán:
- Chứng từ ghi sổ;
- Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ;
- Sổ Cái;
- Các sổ, thẻ kế toán chi tiết.
3. Nội dung, trình tự ghi sổ:
- Hàng ngày hoặc định kỳ cán bộ kế toán căn cứ Chứng từ kế toán đã kiểm tra để lập Chứng từ ghi sổ hoặc lập bảng Tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại, sau đó căn cứ số liệu của chứng từ kế toán hoặc của Bảng Tổng hợp chứng từ kế toán ký duyệt, rồi chuyển cho kế toán tổng hợp đăng ký vào sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ và ghi số, ngày tháng năm của Chứng từ ghi sổ. Chứng từ ghi sổ chỉ sau khi đã ghi vào Sổ Đăng ký ghi sổ mới được sử dụng để ghi vào Sổ Cái và các sổ, thẻ kế toán chi tiết.
Sau khi đã phản ánh tất cả Chứng từ ghi sổ đã lập trong tháng vào Sổ Cái, kế toán tiến hành cộng số phát sinh Nợ, số phát sinh Có và tính số dư cuối tháng của từng tài khoản. Sau khi đối chiếu, kiểm tra số liệu trên Sổ Cái được sử dụng lập “Bảng Cân đối tài khoản” và các Báo cáo kế toán khác.
- Đối với các tài khoản phải mở sổ, thẻ kế toán chi tiết thì Chứng từ kế toán, Bảng Tổng hợp chứng từ kế toán kèm theo Chứng từ ghi sổ là căn cứ để ghi vào sổ, thẻ kế toán chi tiết theo yêu cầu của từng tài khoản. Cuối tháng tiến hành cộng các sổ, thẻ kế toán chi tiết lấy kết quả lập Bảng Tổng hợp chi tiết theo từng tài khoản tổng hợp để đối chiếu với số liệu trên Sổ Cái của tài khoản đó. Các Bảng Tổng hợp chi tiết của từng tài khoản sau khi đối chiếu được dùng làm căn cứ lập Báo cáo kế toán.
Trình tự ghi sổ kế toán theo hình thức Chứng từ ghi sổ được trình bày theo sơ đồ số 02:
Sơ đồ số 02:
Trình tự ghi sổ kế toán theo hình thức chứng từ ghi sổ
Điều 47: Các đơn vị kế toán cơ sở tuỳ theo sự lựa chọn hình thức kế toán nhật ký - Sổ cái hay hình thức kế toán chứng từ ghi sổ mà sử dụng các mẫu sổ theo quy định tại phần thứ tư.
Báo cáo kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu
Điều 48: Báo cáo kế toán là một phương pháp kế toán dùng để tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán thuế theo các chỉ tiêu kinh tế để phản ánh một cách hệ thống tình hình thu thuế xuất, nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định, vào một hệ thống mẫu biểu quy định thống nhất.
Mục đích hệ thống báo cáo kế toán thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu:
- Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát tình hình thu nộp tiền thuế, nợ đọng thuế, thu nộp tiền lệ phí Hải quan, hàng tạm giữ tịch thu... trong một thời kỳ nhất định.
- Thông qua báo cáo định kỳ thu thuế cho phép đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu thuế theo từng kỳ và so sánh tiến độ thực hiện thu thuế kỳ này so với các kỳ trước, năm trước về tổng số và từng chỉ tiêu theo từng sắc thuế.
- Báo cáo định kỳ về thu thuế là tài liệu quan trọng để xây dựng kế hoạch thu thuế trong các kỳ sau, năm sau.
Điều 49. Trách nhiệm và thời hạn lập, gửi báo cáo kế toán thuế
- Báo cáo kế toán thu thuế của các đơn vị cơ sở lập dựa trên cơ sở số liệu từ các sổ kế toán thu thuế có liên quan.
- Báo cáo kế toán thu thuế của các đơn vị kế toán cấp trên được lập trên cơ sở tổng hợp số liệu kế toán từ các báo cáo của đơn vị cấp dưới.
- Hết kỳ hạn kế toán (tháng, quý, năm), các đơn vị phải khoá sổ kế toán để lập báo cáo kế toán.
- Nghiêm cấm việc lập báo cáo kế toán trước khi khoá sổ kế toán.
- Thời hạn lập báo cáo:
+ Báo cáo tháng chậm nhất là ngày 05 tháng sau.
+ Báo cáo quý gửi chậm nhất là ngày 15 sau khi kết thúc quý.
+ Báo cáo năm gửi chậm nhất là ngày 15 tháng 2 năm sau.
Danh mục và thời hạn lập báo cáo kế toán thu thuế quy định tại phần thứ năm
- Cục trưởng Cục kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo triển khai và kiểm tra quá trình thực hiện chế độ kế toán tại Cục kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu và các đơn vị kế toán thu thuế xuất nhập khẩu thuộc Hải quan các tỉnh, thành phố.
HỆ THỐNG CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THU THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU
I- Danh mục chứng từ kế toán thu thuế XNK
STT | Tên chứng từ | Số hiệu chứng từ |
A | Các chứng từ kế toán ban hành trong chế độ kế toán thu thuế XNK |
|
I | Các loại tờ khai Hải quan |
|
II | Các loại giấy thông báo thu |
|
1 | Giấy thông báo thuế, thu chênh lệch giá | 01/CTKT-2001 |
2 | Thông báo phạt chậm nộp thuế | 02/CTKT-2001 |
3 | Giấy báo thuế | 03/CTKT-2001 |
4 | Lệnh thu thuế, thu tiền phạt | 04/CTKT-2001 |
5 | Giấy báo nộp lệ phí Hải quan | 05/CTKT-2001 |
III | Các quyết định, giấy đề nghị, giấy xác nhận |
|
1 | Quyết định điều chỉnh thuế, thu chênh lệch giá | 06/CTKT-2001 |
2 | Quyết định hoàn thuế | 07/CTKT-2001 |
3 | Giấy đề nghị hoàn thuế | 08/CTKT-2001 |
4 | Quyết định không thu thuế | 09/CTKT-2001 |
5 | Giấy xác nhận tiền thuế chưa được hoàn trả | 10/CTKT-2001 |
6 | Quyết định khấu trừ tiền thuế | 11a/CTKT-2001 |
7 | Quyết định khấu trừ tiền thuế | 11b/CTKT-2001 |
8 | Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về Hải quan | 12/CTKT-2001 |
9 | Biên bản, giao nhận hồ sơ tang vật vi phạm hành chính về Hải quan | 13/CTKT-2001 |
10 | Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về HQ | 14a/CTKT-2001 |
11 | Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan trong lĩnh vực thuế | 14b/CTKT-2001 |
12 | Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan | 15/CTKT-2001 |
13 | Quyết định tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về Hải quan | 16/CTKT-2001 |
14 | Quyết định sung công quỹ hàng hoá, vật phẩm, phương tiện không xác định được chủ sở hữu | 17/CTKT-2001 |
B | Các chứng từ sử dụng trong các chế độ kế toán khác do Bộ Tài chính ban hành |
|
I | Các loại biên lai thu |
|
1 | - Biên lai thu tiền phạt | CTT11 |
2 | - Biên lai thu lệ phí Hải quan | 01-LPHQ |
3 | - Biên lai thuế NK thuế XK và thuế GTGT hàng NK | CTT 52 |
4 | - Biên lai thuế TTĐB đối với hàng NK | CTT 46 |
5 | - Biên lai thu chênh lệch giá hàng XK, hàng NK | CTT 37 |
6 | - Biên lai thu tiền phạt | CTT 45 |
II | Các loại giấy nộp tiền |
|
1 | - Giấy nộp tiền vào NSNN bằng tiền mặt | 02/TNS |
2 | - Giấy nộp tiền vào NSNN bằng chuyển khoản | 03/TNS |
3 | - Giấy nộp tiền bằng tiền mặt vào NSNN loại ngoại tệ | 04/TNS |
4 | - Lệnh thoái thu ngân sách nhà nước | 05/TNS |
5 | - Lệnh thoái thu ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính gửi cho Hải quan) |
|
6 | - Giấy xác nhận đã nộp tiền NSNN (TK 741) của Kho bạc |
|
7 | - Giấy báo Có |
|
8 | - Giấy báo Nợ |
|
9 | - Uỷ nhiệm chi | C3 -14/KH |
10 | - Phiếu thu | C21-H |
11 | - Phiếu chi | C22-H |
12 | - Phiếu xuất kho |
|
13 | - Phiếu nhập kho | C11-H |
III | Các chứng từ khác |
|
1 | Quyết định về trích lập quỹ sử dụng chống hành vi kinh doanh trái pháp luật |
|
Dưới đây là biểu mẫu các loại chứng từ kế toán. Riêng mẫu các loại tờ khai hải quan không được trình bày vì mẫu này liên tục được thay đổi.
TỔNG CỤC HẢI QUAN Cục Hải quan:............... Hải quan cửa khẩu......... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:........./TBT |
|
GIẤY THÔNG BÁO THUẾ, THU CHÊNH LỆCH GIÁ
- Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành;
- Căn cứ quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/199 của Thủ tướng Chính phủ về lập, sử dụng và quản lý quỹ hỗ trợ xuất khẩu;
- Căn cứ khai báo thuế của người khai báo Hải quan và kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan thuộc Tờ khai Hải quan số............... ngày............ tháng.............. năm 200.... tại Cục Hải quan.............................
Cơ quan Thuế Hải quan..............................................................................
THÔNG BÁO
Người xuất/ nhập khẩu:............................................................................................
Mã số thuế: ..............................................................................................................
Địa chỉ: .....................................................................................................................
Số điện thoại: .................................................. Số FAX .........................................
Trong thời hạn.............. ngày, kể từ ngày.............. tháng.............. năm 200......... có trách nhiệm phải nộp đủ tiền thuế, thu chênh lệch giá ghi trong thông báo này vào:
Tài khoản: ................................................................................................................
tại Kho bạc Nhà nước: ...........................................................................................
Số thuế phải nộp bao gồm:
1. Thuế xuất khẩu: ........................................................................................... đồng
2. Thuế nhập khẩu: ........................................................................................... đồng
3. Thuế giá trị gia tăng: ..................................................................................... đồng
4. Thuế tiêu thụ đặc biệt: ................................................................................... đồng
5. Thu chênh lệch giá:......................................................................................... đồng
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tổng cộng: ........................................................................................................ đồng
(Bằng chữ:..............................................................................................................
...............................................................................................................................)
Nếu quá hạn trên mà chưa nộp thuế, thu chênh lệch giá thì mỗi ngày sẽ bị phạt chậm nộp bằng 0,1% của số thuế, thu chênh lệch giá chậm nộp.
Ngày........ tháng......... năm........ Người nhận thông báo (Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ) | Ngày......... tháng........ năm......... Cơ quan thuế hải quan (Ký tên, đóng dấu) |
Hướng dẫn thủ tục nộp thuế, thu chênh lệch giá
1. Tài khoản nộp thuế cho cơ quan hải quan mở tại Chi cục Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố bao gồm:
- Tài khoản chuyên thu: Dùng để nộp thuế, chênh lệch giá và tiền phạt chậm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản tạm thu: Dùng để tạm nộp thuế, chênh lệch giá của một số loại hình XNK (theo quy định)
2. Thủ tục nộp thuế và chênh lệch giá
- Nộp bằng tiền mặt tại Cục Hải quan và các điểm thông quan: Xuất trình tờ khai hải quan và giấy thông báo thuế, nộp tiền cho thủ quỹ và nhận biên lai thu thuế, chênh lệch giá.
- Nộp thuế bằng hình thức chuyển khoản: Trên chứng từ chuyển tiền (Giấy nộp tiền vào NS bằng chuyển khoản) phải ghi rõ họ tên và mã số của đơn vị hoặc tên cá nhân nộp thuế (trường hợp nộp thay thì đơn vị/ cá nhân nộp thuế cần ghi rõ tên và mã số hải quan của đơn vị hoặc cá nhân làm thủ tục hải quan đã ghi trên tờ khai hải quan), số và ngày của giấy thông báo thuế, tên Cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho lô hàng (đơn vị được hưởng). Đơn vị nộp tiền căn cứ vào nội dung nộp của đơn vị mình phải ghi rõ số tiền nộp cho từng tài khoản của từng tờ khai theo Mục lục Ngân sách như sau:
Chương: Ghi theo mã chương của cơ quan chủ quản Bộ, ngành, Sở... hoặc thành phần kinh tế.
- Các doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan Nhà nước và các tổ chức ghi theo mã chương Bộ, ngành, Sở.
- Đối với những đơn vị không phải Nhà nước ghi theo Thành phần kinh tế
+ Các đơn vị kinh tế 100% vốn nước ngoài ghi theo mã chương số 151.
+ Các đơn vị kinh tế liên doanh có một phần vốn nước ngoài mã chương số 152.
+ Các đơn vị kinh tế Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài mã chương số 153.
+ Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh mã chương số 154.
+ Kinh tế tư nhân mã chương số 155.
+ Kinh tế tập thể mã chương số 156.
+ Kinh tế cá thể mã chương 157.
+ Kinh tế hỗn hợp có vốn tham gia của Nhà nước mã chương 158.
+ Nhà thầu phụ nước ngoài mã chương 159.
- Kèm theo chứng từ chuyển tiền nộp thuế, phạt........ đơn vị nộp tiền lập bảng theo mẫu dưới đây.
Tên đơn vị nộp tiền................. Mã số thuế Hải quan..................... Thuộc Bộ, ngành, TP kinh tế.......... Mã chương (Bộ, ngành, TP kinh tế)...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
........, ngày......... tháng......... năm......... |
BẢNG KÊ CHI TIẾT CÁC KHOẢN TIỀN NỘP NGÂN SÁCH
(Kèm theo chứng từ nộp tiền (UNC,....) số....... ngày...... tháng....... năm 200...)
Tên đơn vị được hưởng: Hải quan cửa khẩu:...................... thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố.........................
Tờ khai | Nội dung các khoản nộp ngân sách | Loại | Khoản | Mục | T. Mục | Số tiền | |
Số | Ngày | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
|
| - Thuế XK | 07 | 01 | 019 | 10 |
|
|
| - Thuế xuất khẩu qua biên giới đất liền (BGĐL) | 07 | 01 | 019 | 02 |
|
|
| - Thuế NK | 07 | 01 | 020 | 01 |
|
|
| - Thuế nhập khẩu qua BGĐL | 07 | 01 | 020 | 02 |
|
|
| Thuế TTĐB | 07 | 01 | 015 | 02 |
|
|
| - Thuế TTĐB qua BGĐL | 07 | 01 | 015 | 03 |
|
|
| - Thuế GTGT (trừ thuế GTGT hàng NK qua BGĐL) | 07 | 01 | 014 | 02 |
|
|
| - Thuế GTGT qua BGĐL | 07 | 01 | 014 | 03 |
|
|
| - Thu chênh lệch giá | 07 | 01 | 026 | 01 |
|
|
| Phạt chậm nộp thuế XK | 07 | 01 | 019 | 99 |
|
|
| Phạt chậm nộp thuế NK | 07 | 01 | 020 | 99 |
|
|
| Phạt chậm nộp thuế TTĐB | 07 | 01 | 015 | 99 |
|
|
| Phạt chậm nộp thuế GTGT | 07 | 01 | 014 | 99 |
|
|
| Cộng |
|
|
|
|
|
Số tiền viết bằng chữ................................................................................................
Kế toán trưởng (Ký, ghi rõ họ tên) | Ngày......... tháng.......... năm........... Thủ trưởng đơn vị (Ký tên và đóng dấu) |
Ghi chú: Tờ khai nào có những khoản nộp gì thì ghi khoản nộp đó, ghi hết tờ khai này đến tờ khai khác. Dòng cộng số tiền trên bảng kê phải bằng số tiền trên UNC hoặc giấy chuyển tiền. Nếu chứng từ chuyển nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước không ghi rõ các nội dung như đã hướng dẫn trên, đơn vị/ cá nhân nộp thuế hoàn toàn chịu trách nhiệm khi thất lạc tiền thuế.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan.............................. Số:...........TB/PC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
THÔNG BÁO PHẠT CHẬM NỘP THUẾ
- Căn cứ luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26/12/1991 và các luật sửa đổi, bổ sung thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế Giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 ngày 20/5/1998.
- Căn cứ ngày đối tượng nộp thuế chuyển tiền nộp thuế.
- Căn cứ thời hạn nộp tiền ghi trên thông báo thuế số............. ngày............. tháng......... năm.......... của tờ khai số...................ngày............. tháng............ năm.................
Hải quan:........................................................ thông báo cho đối tượng nộp thuế:.......................... mã số thuế.......................................................
địa chỉ........................................................ số điện thoại................................. có trách nhiệm phải nộp số tiền phạt chậm nộp thuế theo quy định dưới đây:
Tổng số thuế phải nộp:...........................................................................................
Tổng số thuế đã nộp:................................................................................................
Số thuế chậm nộp so quy định:...............................................................................
Số ngày nộp chậm:..................................................................................................
Tỷ lệ phạt:...............................................................................................................
Số tiền phạt phải nộp:...............................................................................................
(Bằng chữ:................................................................................................................)
- Nhận được thông báo này, trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày viết thông báo phạt chậm nộp thuế) đối tượng nộp thuế có tên trên phải nộp số tiền phạt trên vào tài khoản số:............................ của cục hải quan .................................... mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố ...................................... hoặc cho cơ quan thuế Hải quan nơi ra thông báo.
- Nếu quá thời hạn trên mà chưa nộp số tiến phạt chậm nộp thuế theo thông báo thì đối tượng nộp thuế sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Ngày........ tháng......... năm....... Người nhận thông báo (Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ) | Ngày......... tháng.......... năm........... Cơ quan thuế hải quan (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Hải quan tỉnh.............................. Hải quan Bưu điện..................... Số:...........................GBT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Tên Bưu cục thu hộ thuế:..............................................................................................
Tên người nộp thuế: .....................................................................................................
BP,BK số:.......................................................... Bưu cục gốc:...................................
A- Phần thuế hải quan nhờ thu được tính trên phiếu kiểm hoá Số....... ngày......... tháng.......... năm 200.... | B- Phần chi trả thủ tục phí cho bưu điện |
Trị giá hàng hoá tính thuế: 1. Tiền thuế phải nộp:................................. 2. Tiền thu chênh lệch giá phải nộp.............. 3. Tiền thu khác............................................ 4. Tiền lệ phí 1%........................................... Cộng thu........................................................ Tổng số tiền phải nộp (bằng chữ)................ ..................................................................... | 1. Số tiền trả thủ tục phí cho Bưu điện (a)........ 2. Cước phí chuyển tiền (b)........................... 3. Các loại bưu phí khác (c)........................... Cộng:............................................................. - Kết toán số tiền đã trích ra để trả cho Bưu điện (a + b+ c)............................................. (Bằng chữ).................................................... - Số tiền còn lại nộp cho Hải quan:............... (bằng chữ)....................................................... |
Đã thu đủ tổng số tiền phải nộp ở phần A trên là:........................................ | Đã thanh toán theo các biên lai Thuế NK-BL số.......... ngày............ - Thu khác - BL số........................ngày......... - Lệ phí - BL số........................ ngày............. |
Ngày...... tháng.... năm 200.... Bưu điện (Ghi rõ họ tên và ký đóng dấu) |
Kế toán Hải quan Bưu điện (Ghi rõ họ tên và ký) | Ngày...... tháng.... năm 200.... Trưởng Hải quan Bưu điện (Ghi rõ họ tên và ký đóng dấu) |
Ghi chú
Giấy báo thuế do Hải quan Bưu điện gốc làm thành 04 bản:
- 01 bản tồn căn cứ để theo dõi thanh toán thuế;
- 01 bản giao cho người nộp thuế thay biên lai nhận tiền;
- 01 bản lưu ở bưu điện thu hộ thuế;
- 01 bản trả lại cho Hải quan bưu điện gốc cùng với thư chuyển tiền để thanh toán số thuế Bưu điện thu hộ.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Hải quan..................................... Số:...........................LT/TP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Ngày........ tháng......... năm 200..............
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về thu thuế, thu tiền phạt Ngân sách nhà nước, yêu cầu Ngân hàng (Kho bạc NN)............................... trích tài khoản số..........................
của....................................... có địa chỉ tại .................................................................
Mã số thuế:.................................................................................................................
Nộp vào tài khoản:................................................... tại kho bạc NN ........................
..................................................................................................................................
Nội dung các khoản thu nộp
STT | Nội dung các khoản | Số tiền (đồng) | Chương | Loại | Khoản | Mục | T. Mục | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
(Số tiền bằng chữ:......................................................................................................)
Thủ trưởng ngân hàng Ngày...... tháng.... năm 200.... (Ký tên, đóng dấu) | Thủ trưởng kho bạc Ngày...... tháng.... năm 200.... (Ký tên, đóng dấu) | Cục trưởng cục Hải quan Ngày...... tháng.... năm 200.... (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ HQ cửa khẩu:........................... Số:...........................GB/LP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hải quan:......................................................................................................................
Thông báo cho Ông Bà:...............................................................................................
Đơn vị: .........................................................................................................................
Địa chỉ: ..........................................................................................................được biết
Căn cứ vào: ..................................................................................................................
Số.............. ngày............... tháng............. năm 200.......
Tổng số tiền lệ phí Hải quan phải nộp như sau:
TT | Tên lệ phí | Cách tính | Số tiền phải nộp |
1 | Lệ phí làm thủ tục hải quan |
|
|
2 | Lệ phí ký gửi, lưu kho hải quan |
|
|
3 | Lệ phí áp tải - niêm phong |
|
|
4 | Lệ phí quá cảnh |
|
|
5 | Lệ phí xác nhận chứng từ |
|
|
6 |
|
|
|
7 |
|
|
|
| Cộng |
|
|
Cộng số tiền (bằng chữ)........................................................................................
Đề nghị đơn vị nộp cho Hải quan........................................................................
Vào tài khoản số............................ tại Kho bạc...................................................
Ngày........ tháng......... năm....... Người nhận giấy báo (Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ) | Ngày......... tháng.......... năm........... Cơ quan thuế hải quan (Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ HQ cửa khẩu:........................... Số:........................... QĐ/ĐC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
QUYẾT ĐỊNH CỦA......................................
Về việc điều chỉnh thuế, thu chênh lệch giá
- Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành.
- Căn cứ quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về lập, sử dụng và quản lý quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
- Căn cứ điều 10 Nghị định 16/1999/NĐ-TTg ngày 27/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định quyền của cơ quan Hải quan trong kiểm tra sau giải phóng hàng.
- Căn cứ kết quả tính lại thuế, thu chênh lệch giá theo tờ khai Hải quan số:................. ngày............. tháng........... năm 200........... của người xuất/ nhập khẩu................................
Địa chỉ:.........................................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Điều chỉnh số tiền thuế, thu chênh lệch giá của Thông báo thuế, thu chênh lệch giá số................... ngày............... tháng................ năm 200.....................
Loại thuế Mức thu theo TBT, CLG Mức thu đã được điều chỉnh
Thuế xuất khẩu :........................... đồng ............................ đồng
Thuế nhập khẩu : ........................... đồng ........................... đồng
Thuế giá trị gia tăng : ........................... đồng ........................... đồng
Thuế tiêu thụ đặc biệt : ........................... đồng ........................... đồng
Thu chênh lệch giá : ........................... đồng ........................... đồng
---------------------------------------------------------------------
Tổng cộng :..........................................................................................
(Bằng chữ:....................................................................................................................)
Điều 2. Trong thời hạn .................... ngày kể từ ngày ký quyết định điều chỉnh:
Đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế, tiền thu chênh lệch giá phải nộp theo quyết định điều chỉnh. Nếu quá thời hạn trên mà chưa nộp tiền thuế, tiền thu chênh lệch giá còn thiếu thì mỗi ngày chậm nộp bị phạt 0,1% (một phần nghìn) của số tiền phải nộp theo quyết định.
- Trường hợp đối tượng nộp thuế đã nộp thuế, chênh lệch giá theo thông báo thuế thừa so với mức điều chỉnh. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã nộp thừa theo đúng quy định.
Ngày........ tháng......... năm....... Người nhận quyết định điều chỉnh (Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ) | Ngày......... tháng.......... năm........... Người ra quyết định (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ Số:...........................QĐ/HT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
- Căn cứ quy định các trường hợp xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Căn cứ thủ tục thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế quy định tại Thông tư số 172/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính.
- Căn cứ quyết định điều chỉnh thuế thu chênh lệch giá số.......... ngày.......... tháng................. năm.............. của Cục Hải quan............... về việc miễn, giảm thuế
- Xét hồ sơ đề nghị hoàn thuế của đối tượng nộp thuế...................................................
Địa chỉ:..........................................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Hoàn trả số tiền thuế đã nộp theo tờ khai số............. ngày............ tháng......... năm............... vào tài khoản.................... tại Kho bạc Nhà nước:.................. cho....................
Tổng số thuế được hoàn, gồm:
1- Thuế xuất khẩu : .................................... đồng
2- Thuế nhập khẩu : ................................... đồng
3- Thuế TTĐB : ................................... đồng
4- Thuế giá trị gia tăng : ................................... đồng
5-.. : ................................... đồng
Tổng cộng:...................................................................................................................
(bằng chữ.....................................................................................................................)
Điều 2. Cơ quan Thuế Hải quan thuộc Cục Hải quan...................................................
chịu trách nhiệm làm thủ tục hoàn thuế cho đối tượng nộp thuế đúng pháp luật quy định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
Nơi nhận - ĐT được hoàn thuế - Lưu CQ, HQ, PKTTT | Cục trưởng cục hải quan (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ Số:........................... ĐN/HT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
Kính gửi: - Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước)
- Kho bạc Nhà nước.................................
Cục Hải quan tỉnh, thành phố:........................................................... đề nghị Bộ Tài chính hoàn số thuế theo quyết định hoàn thuế số............/.......... của .......................................... ngày........../.........../200.....
Tên đơn vị được hoàn:.................................................................................................
Địa chỉ: .......................................................................................................................
Tài khoản số: ...........................................Tại Ngân hàng ...........................................
Lý do phải hoàn trả:.....................................................................................................
.....................................................................................................................................
Tổng số thuế đơn vị đã nộp ngân sách NN vào tài khoản:.............................................
tại Kho bạc NN .............................................................................................................
Chứng từ | Nộp vào tài khoản | Số đã nộp (đồng) | Số được hoàn (đồng) | |||||
Số | Ngày | Chương | Loại | Khoản | Mục | T. mục | ||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
|
|
|
|
|
Tổng số tiền đơn vị được hoàn trả:................................................................................
(Bằng chữ:....................................................................................................................)
Trong đó:
- Số tiền đơn vị đã được hoàn trả bằng hình thức bù trừ:...............................................
- Số tiền còn lại của đơn vị đề nghị hoàn trả từ Bộ Tài chính (Vụ NSNN)....................
........................................................................................................................................
Cơ quan Hải quan đề nghị:
- Kho bạc NN kiểm tra, lập Giấy xác nhận của Kho bạc.
- Bộ Tài chính (Vụ NSNN) hoàn trả số tiền thuế cho đối tượng nộp thuế theo Quyết định.
Chứng từ kèm theo: - Quyết định hoàn thuế - Giấy xác nhận của Kho bạc | Cục trưởng cục Hải quan (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ Số:........................... QĐ/KT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
(Dùng trong trường hợp thanh khoản thuế tạm thu)
- Căn cứ luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26/12/1991 và các luật sửa đổi, bổ sung thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế Giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 ngày 20/5/1998.
- Căn cứ hồ sơ đã thanh khoản xong các loại thuế
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Không thu số tiền thuế đã ghi trong thông báo số................. ngày........... tháng .......... năm.............. của tờ khai số................... ngày.......... tháng............ năm............... Số thuế không thu cụ thể như sau:
- Thuế nhập khẩu:...............................
- Thuế TTĐB:.....................................
- Thuế GTGT:.....................................
- Thu chênh lệch giá:..........................
Điều 2. Cơ quan thuế thuộc cục Hải quan ............................. và đối tượng nộp thuế:............................... mã số thuế..................... địa chỉ........................................................
Số điện thoại.......................................... chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Cục trưởng cục hải quan ....... (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ Số:........................... XN/HT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
GIẤY XÁC NHẬN TIỀN THUẾ CHƯA ĐƯỢC HOÀN TRẢ
Kính gửi: Cục Hải quan........................................................
- Căn cứ công văn số................ ngày................tháng............... năm................ của Cục Kiểm tra thu thuế XNK - TCHQ về việc khấu trừ thuế cho đối tượng nộp thuế.
Cục Hải quan................................... xác nhận:
Số thuế được hoàn theo Quyết định hoàn thuế số................. ngày........... tháng .......... năm.............. của (Cục HQ hoặc Bộ TC)........................... cho đối tượng nộp thuế.................... Mã số thuế.............................. địa chỉ........................................ chưa được hoàn trả tại Cục Hải quan… số tiền như sau:
- Thuế XK ...................................... đồng
- Thuế NK: .................................... đồng
- Thuế GTGT: ............................... đồng
- Thuế TTĐB:................................ đồng
- Thuế CLG:................................... đồng
- Tổng số:....................................................................................................................
- Bằng chữ:..................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Đề nghị Cục Hải quan ...................................... tiếp tục khấu trừ số tiền thuế được hoàn nêu trên vào số thuế phải nộp của đối tượng nộp thuế...............................................
Nơi nhận: - Như trên - ĐT được khấu trừ thuế - Lưu CQ HQ, P KTTT | Cục trưởng cục hải quan ....... (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ Số:........................... QĐ/KT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
(Dùng trong trường hợp từ nơi khác chuyển đến khấu trừ)
- Căn cứ Quyết định hoàn thuế số................ ngày................tháng............... năm................ của (Cục Hải quan, Bộ Tài chính)..............................................................
- Căn cứ Công văn số................. ngày........... tháng .......... năm.............. của Cục Kiểm tra thu thuế XNK- TCHQ về việc khấu trừ thuế cho đối tượng nộp thuế........................ địa chỉ ....................................
- Căn cứ giấy xác nhận số thuế chưa hoàn trả số.................. ngày........... tháng............ năm...................... của Cục Hải quan...................................................................................
- Xét đề nghị xin khấu trừ của đối tượng nộp thuế:...................................................... tại công văn số................... ngày............... tháng..............năm 200...............
Cục trưởng Cục Hải quan................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Khấu trừ số tiền thuế được hoàn của đối tượng nộp thuế........................ vào số thuế phải nộp tại thông báo số.............. ngày............. tháng........... năm............... Số tiền cụ thể là:
- Thuế XK ...................................... đồng
- Thuế NK: .................................... đồng
- Thuế GTGT: ............................... đồng
- Thuế TTĐB:................................ đồng
- Thu CLG:.................................... đồng
- Tổng số:....................................................................................................................
- Bằng chữ:..................................................................................................................
....................................................................................................................................
Điều 2: Bộ phận thu thuế Hải quan và đối tượng được khấu trừ thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - ĐT được khấu trừ thuế - Cục HQ nơi xác nhận số thuế chưa hoàn - TCHQ (để báo cáo) - Lưu CQ HQ, P KTTT | Cục trưởng cục hải quan (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Cục Hải quan............................ Số:........................... QĐ/KT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
(Dùng trong trường hợp khấu trừ tại chỗ)
- Căn cứ Quyết định hoàn thuế số................ ngày................tháng............... năm................ của (Cục Hải quan, Bộ Tài chính)..............................................................
- Xét đề nghị xin khấu trừ của đối tượng nộp thuế:...................................................... tại công văn số................... ngày............... tháng..............năm 200...............
Cục trưởng Cục Hải quan................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Khấu trừ số tiền thuế được hoàn của đối tượng nộp thuế........................ vào số thuế phải nộp tại thông báo số.............. ngày............. tháng........... năm............... Số tiền cụ thể là:
- Thuế XK ...................................... đồng
- Thuế NK: .................................... đồng
- Thuế GTGT: ............................... đồng
- Thuế TTĐB:................................ đồng
- Thu CLG:.................................... đồng
- Tổng số:....................................................................................................................
- Bằng chữ:..................................................................................................................
....................................................................................................................................
Điều 2: Bộ phận thu thuế Hải quan và đối tượng được khấu trừ thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - ĐT được khấu trừ thuế - Cục HQ nơi xác nhận số thuế chưa hoàn - TCHQ (để báo cáo) - Lưu CQ HQ, P KTTT | Cục trưởng cục hải quan (Ký tên, đóng dấu) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Đơn vị……….............................. Số:........................... QĐ/TG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
QUYẾT ĐỊNH TẠM GIỮ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN
Căn cứ Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/07/1995;
Để kịp thời ngăn chặn ngay vi phạm hành chính về Hải quan; xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý;
Tôi:................................................. Chức vụ:.......................................................
Đơn vị:...................................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Tạm giữ:.....................................................................................................
Địa chỉ: ..................................................................................................................
................................................................................................................................
những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về Hải quan sau: (1)
1 - (2): ................................................................Số lượng........................................
2- (3): .................................................................Số lượng........................................
3- (4): ................................................................. Số lượng........................................
Điều 2. Sai áp tang vật, phương tiện trên đây về:......................................................
...................................................................................................................................
Điều 3. Giao ông (bà)....................................... Chức vụ...........................................
Đơn vị: ....................................................................................................................
chịu trách nhiệm quản lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sau đây:
.................................................................................................................................
..................................................................................................................................
Điều 4. Các ông (bà) ................................................ và.............................................
chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận - Như điều 4:............. bản - Lưu: 01 bản | Người ra quyết định (Ký tên và đóng dấu) |
(1) Nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm nhiều loại thì thống kế thành một phụ lục kèm theo Quyết định.
(2); (3); (4) tên các tang vật, phương tiện tạm giữ.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Đơn vị……….............................. Số:........................... BB/GN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
BIÊN BẢN GIAO, NHẬN HỒ SƠ, TANG VẬT, VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN (1)
Hôm nay, hồi..............giờ............... ngày........... tháng........... năm..................tại.........
Chúng tôi gồm:
1/................................................................ Chức vụ.................................................
2/................................................................ Chức vụ.................................................
Đại diện: .................................................................................................................
1/................................................................ Chức vụ.................................................
2/................................................................ Chức vụ.................................................
Đại diện:....................................................................................................................
Đã tiến hành giao, nhận hồ sơ (1), tang vật vi phạm hành chính về hải quan vi phạm của:
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Hồ sơ gồm: (2)
STT | Tên bút lục hồ sơ | Số trang | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tang vật gồm: (2)
STT | Tang vật | Trọng lượng, số lượng | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi lập biên bản bàn giao, nhận hồ sơ, tang vật ghi trên để:.......................................... nghiên cứu xử lý.
Các tang vật đã được kiểm lại, nhận đủ và niêm phong, giao cho ông (bà)....................... là thủ kho chịu trách nhiệm coi giữ.................................................................................
Biên bản kết thúc hồi............... giờ............... ngày.............. tháng............ năm............, được lập thành 3 bản, đã đọc cho mọi người cùng nghe (đưa từng người tự đọc) công nhận là đúng, cùng ký tên và đã trao cho mỗi bên 01 bản.
Đại diện bên giao Ký tên (3) | Đại diện bên nhận Ký tên (3) | Thủ kho Ký tên (3) | Chứng thực của thủ trưởng Ký tên (3) đóng dấu |
----------
(1) Nếu biên bản giao hồ sơ tang vật thì gạch chữ “Nhận” và ngược lại.
(2) Nếu hồ sơ tang vật nhiều không ghi đủ thì lập thành một phụ lục thống kê đính kèm.
(3) Sau khi ký tên phải ghi rõ họ tên bên dưới chữ ký.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Đơn vị……….............................. Số:........................... QĐ/XP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN NGOÀI LĨNH VỰC THUẾ
- Căn cứ Điều 6, Điều 50 Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990
- Căn cứ Điều 30 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995;
- Căn cứ Nghị định số 16 ngày 20/3/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan.
- Căn cứ biên bản vi phạm hành chính số............. ngày......... tháng........... năm............
do ...............................................................................................................................
....................................................................................................................................
Xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm hành chính về Hải quan của:........................
...................................................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: (1) .................................................................................................................
....................................................................................................................................
Điều 2: .....................................................................................................................
có trách nhiệm nộp các khoản tiền quy định tại
Điều 3: Quá thời hạn theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được quyết định phạt mà ông (bà)...................................................... cố tình không thực hiện Quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều............................. Nghị định ....................................................................
Điều 4: Các ông (bà).............................................................................................
và.............................................................................................................................
có trách nhiệm thi hành Quyết định này./. (2)
Nơi nhận - Như điều 4:.............. bản ................... bản - Lưu: 1 bản | Người ra quyết định (Ký tên và đóng dấu) |
---------------------------------------
(1) Ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý tang vật, phương tiện vi phạm.
(2) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được QĐXP; đối tượng bị xử phạt có quyền khiếu nại QĐXP.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............. Đơn vị……….............................. Số:........................... QĐ/XP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN TRONG LĨNH VỰC THUẾ
- Căn cứ Điều 6, Điều 50 Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990;
- Căn cứ Điều 30 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995;
- Căn cứ Nghị định số 22 ngày 16/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
- Căn cứ biên bản vi phạm hành chính số............. ngày......... tháng........... năm............
do ......................................................................................................................................
....................................................................................................................................
Xét tính chất, mức độ hành vi vi phạm hành chính về Hải quan của:........................
....................................................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: (1) .................................................................................................................
....................................................................................................................................
Điều 2: .....................................................................................................................
có trách nhiệm nộp các khoản tiền quy định tại
Điều 3: Quá thời hạn theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được quyết định phạt mà ông (bà)...................................................... cố tình không thực hiện Quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều............................. Nghị định ..................................................................
Điều 4: Các ông (bà).............................................................................................
và.............................................................................................................................
có trách nhiệm thi hành Quyết định này./. (2)
Nơi nhận - Như điều 4:.............. bản ................... bản - Lưu: 1 bản | Người ra quyết định (Ký tên và đóng dấu) |
---------------------------------------
(1) Ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý tang vật, phương tiện vi phạm.
(2) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được QĐXP; đối tượng bị xử phạt có quyền khiếu nại QĐXP.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............ Cục Hải quan............................. Số:........................... QĐ/KN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN
................................................................................................
................................................................................................
- Căn cứ Điều 88 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995;
- Căn cứ Nghị định số 16 ngày 20/3/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan và Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
- Căn cứ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan số............. ngày......... tháng........... năm........... của .............................................................................................
....................................................................................................................................
Xét văn bản (đơn) khiếu nại số::........... ngày.............tháng......... năm.......... của.....
....................................................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: (2) .................................................................................................................
....................................................................................................................................
Điều 2: Các Ông (Bà)................................................................................................
....................................................................................................................................
Và Ông (Bà)...............................................................................................................
...................................................................................................................................
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận - Như điều 2 - Lưu: VT | Người ra quyết định (Ký tên, ghi rõ họ tên) |
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............ Cục Hải quan............................. Số:........................... QĐ/TH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
QUYẾT ĐỊNH TIÊU HUỶ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN
- Căn cứ Điều 19, Điều 52 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995;
- Căn cứ Điều................ Nghị định..................ngày............................ của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nhà nước về Hải quan;
- Căn cứ biên bản vi phạm (hoặc chứng nhận) số.................. do..................................
Hải quan ............................................. lập ngày.......... tháng.............. năm...............
với.................................................................................................................................
- Căn cứ Quyết định.....................................................................................................
ngày.............. tháng................ năm............. của..........................................................
- Theo đề nghị của:.......................................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Tiêu huỷ tang vật phương tiện vi phạm hành chính sau đây*:
................................................................................................................................
................................................................................................................................
Điều 2. Việc tiêu huỷ tang vật phương tiện vi phạm hành chính về hải quan thực hiện công khai với sự chứng kiến của các thành viên Hội đồng tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm, theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3. Các Ông (Bà)................................................................................................
..................................................................................................................................
có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn trong quá trình tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm.
Nơi nhận - Như trên - TCHQ (để báo cáo) ....................................... | Người ra quyết định (Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu) |
* Chi tiết cụ thể về số lượng, trọng lượng, chất lượng, tình trạng nếu số lượng nhiều hoặc tiêu huỷ cùng một lúc nhiều biên bản thì lập danh mục chi tiết kèm theo.
TỔNG CỤC HẢI QUAN ............ Cục Hải quan............................. Số:........................... QĐ/SC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ......Ngày....... tháng...... năm 200.... |
QUYẾT ĐỊNH SUNG CÔNG QUỸ HÀNG HOÁ, VẬT PHẨM, PHƯƠNG TIỆN KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU
- Căn cứ Khoản 4, Điều 52 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995;
- Căn cứ Nghị định 16 ngày 20/3/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nhà nước về Hải quan và Quyết định 100/QLCS ngày 23/1/1997 của Bộ Tài chính ban hành quy chế quản lý và xử lý tài sản.
- Căn cứ biên bản (hoặc chứng nhận) số.................. ngày.......... tháng.............. năm............... do Hải quan ............................................. lập sau khi có quyết định tịch thu sung công quỹ nhà nước
với.................................................................................................................................
Sau thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Sung công quỹ số hàng hoá, vật phẩm, phương tiện không xác định được chủ sở hữu sau đây*:
................................................................................................................................
................................................................................................................................
Điều 2. Việc giải quyết hàng hoá, vật phẩm, phương tiện không xác định được chủ sở hữu thực hiện theo quy định tại Điều 52 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều.......... Nghị định ..........................
Điều 3. Các Ông (Bà)................................................................................................
..................................................................................................................................
có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận - Như trên - TCHQ (để báo cáo) | Người ra quyết định (Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu) |
* Chi tiết cụ thể về số lượng, trọng lượng, chất lượng, tình trạng nếu số lượng nhiều hoặc tiêu huỷ cùng một lúc nhiều biên bản thì lập danh mục chi tiết kèm theo.
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ Cục, Chi cục thuế | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
(Liên 1: Báo soát)
Người nộp tiền:....................................... đơn vị:..........................................................
ở số nhà:................................... Phố (xóm).......................... Phường (xã)......................
Quận (huyện)....................................... Tỉnh (Thành phố).............................................
Lý do nộp:......................................................................................................................
Số tiền nộp (ghi bằng số):..............................................................................................
(Ghi bằng chữ):.............................................................................................................
| Ngày........ tháng........ năm 200......... Người nhận tiền (Ghi rõ họ tên, ký và đóng dấu) |
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ Hải quan | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
(Liên 1: Báo soát)
Họ và tên người nộp tiền:.........................................................................................
Địa chỉ: ....................................................................................................................
Thu loại lệ phí hải quan: ..........................................................................................
Theo giấy báo nộp lệ phí Hải quan số:.......... ngày........... tháng.......... năm 200....
hoặc tờ khai hàng XK, NK số........................ ngày........... tháng......... năm 200.....
Hình thức thanh toán: .............................................................................................
Số tiền: (ghi bằng số) ..............................................................................................
(Ghi bằng chữ).........................................................................................................
Người thu tiền (Ký, đóng dấu thu tiền, viết rõ họ tên) | Ngày........ tháng........ năm 200...... Người viết biên lai (Ký, ghi rõ họ tên) |
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ Đơn vị thu:…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Ký hiệu: CL/99 Quyển số: Số: |
BIÊN LAI THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU VÀ THUẾ GTGT HÀNG NHẬP KHẨU
(Liên 1: Báo soát)
Họ tên người nộp thuế:.........................................................................................
Địa chỉ: .....................................................................................................................
Thuộc đơn vị:................................. MST:.................................................................
Theo tờ khai hàng hoá xuất/ nhập khẩu số............. ngày......... tháng....... năm 200.....
và thông báo số:.............. ngày.......... tháng............ năm 200...................................
Nộp tại cửa khẩu:............................................. thuộc................................................
STT | Tên hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu | Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu | Thuế GTGT | |||
Trị giá tính thuế (đồng) | Thuế suất (%) | Tiền thuế (đồng) | Thuế suất (%) | Tiền thuế (đồng) | ||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 = 3 x 4 | 6 | 7 = (5+3) x 6 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng |
|
|
|
|
|
Tổng số thuế nộp (Cột 5 + 7) |
Tổng số tiền nộp bằng chữ:.........................................................................................
Người viết biên lai (Ký, ghi rõ họ tên) | Ngày........ tháng........ năm 200...... Người thu tiền (Ký, ghi rõ họ tên) |
TCT- TTĐB - TCT - TTĐB
Bộ Tài chính | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN LAI THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU
Liên 1: (Lưu)
Tên đơn vị hoặc người nộp thuế:................................................................................
Địa chỉ: .......................................................................................................................
Theo tờ khai nhập khẩu số:........................... ngày........... tháng.......... năm 200......
và thông báo nộp thuế số.............................. ngày........... tháng......... năm 200.......
Nộp tại cửa khẩu: ...........................................Thuộc: ...............................................
STT | Mặt hàng | Đơn vị | SL hàng chịu thuế | Giá tính thuế đơn vị (đ) | Tổng giá trị tính thuế (đ) | Thuế suất (%) | Số thuế phải nộp (đ) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng........... loại hàng |
|
|
|
|
|
|
Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp (bằng chữ):.............................................
.......................................................................................................................................
Người thu tiền (Ký, ghi rõ họ tên) | Ngày........ tháng........ năm 200...... Người viết biên lai (Ký, ghi rõ họ tên) |
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ Đơn vị thu:…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Mẫu: Quyển số: |
BIÊN LAI THU CHÊNH LỆCH GIÁ HÀNG XUẤT KHẨU, HÀNG NHẬP KHẨU
(Liên .......)
Họ và tên người nộp tiền:.........................................Đơn vị: ..................................
Địa chỉ: .....................................................................................................................
Thuộc đơn vị:................................. MST:.................................................................
Theo tờ khai hàng xuất khẩu (nhập khẩu) số.......... ngày......... tháng....... năm .....
Mặt hàng | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá tính bằng ngoại tệ | Trị giá bằng ngoại tệ | Tỷ giá | Trị giá tính bằng đồng VN | Tỷ lệ thu chênh lệch giá | Số tiền phải nộp |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
Số tiền thu chênh lệch giá phải thu (ghi bằng chữ): ......................................................
Hình thức thanh toán:......................................................................................................
Người thu tiền (Ký, ghi rõ họ tên) | Ngày........ tháng........ năm 200...... Người viết biên lai (Ký, ghi rõ họ tên) |
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ Đơn vị thu:…. Mã số:………. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | AM/95 Quyển số:……. Số:………….. |
(Liên .......)
Họ tên người nộp tiền:........................................ ................................................
Địa chỉ: .....................................................................................................................
Lý do nộp phạt........................................................................................................
Theo quyết định xử phạt số.......... ngày......... tháng....... năm 200..........................
Cơ quan xử phạt:..................................................... Số tiền:.....................................
(Viết bằng chữ):.........................................................................................................
Ngày........ tháng......... năm 200.......
Người thu tiền (Mã số)
(Ký và ghi rõ họ tên)
Ghi chú:
Liên 1: Báo soát
Liên 2: Giao cho người nộp tiền.
Liên 3: Lưu cơ quan quyết định phạt.
Liên 4: Lưu tại cuống biên lai.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Quyển số: Sê ri: Số: |
GIẤY NỘP TIỀN VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẰNG TIỀN MẶT
Liên 2: Lưu Kho bạc Nhà nước
PHẦN NGƯỜI NỘP GHI | PHẦN DO KHO BẠC NHÀ NƯỚC GHI | |||||||
Tên đối tượng nộp tiền:........................... Mã số:.................................................... Địa chỉ:................................................. Ngành nghề kinh doanh: Địa điểm nộp: Nội dung các khoản nộp ngân sách Nhà nước | Tổng số tiền đã thu: Trong đó: - Tiền mặt - Ngân phiếu TT
Mục lục NSNN (ghi theo thông báo thu) | |||||||
Số TT | Nội dung khoản nộp | Số tiền | C | L | K | M | TM | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng:
Số tiền bằng chữ:.........................................................................................................
..................................................................................................................................
Người nộp tiền Ngày.... tháng.... năm.... (Ký, ghi rõ họ tên) | KHO BẠC NHÀ NƯỚC Ngày........... tháng.......... năm........... | ||
| Người nhận tiền (Ký, ghi rõ họ tên) | Kế toán (Ký, ghi rõ họ tên) | Kế toán trưởng (Ký, ghi rõ họ tên) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Quyển số: Sê ri: Số: |
GIẤY NỘP TIỀN VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẰNG CHUYỂN KHOẢN
Lưu đối tượng nộp
Tên đối tượng nộp tiền:................................................................................................
Mã số:.................................................... .....................................................................
Địa chỉ:........................................................................................................................
Ngành Nghề kinh doanh: ............................................................................................
Trích tài khoản:............................... tại Ngân hàng (KBNN):.....................................
Để nộp vào tài khoản 741 (thu ngân sách Nhà nước) tại KBNN:.................tỉnh (TP)
Nội dung các khoản nộp ngân sách Nhà nước (ghi theo thông báo thu):
Số TT | Nội dung các khoản nộp | Số tiền | Chương | Loại | Khoản | Mục | T.Mục | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng:
Số tiền bằng chữ:.........................................................................................................
..................................................................................................................................
ĐƠN VỊ NỘP TIỀN Ngày..... tháng.... năm.... | NGÂN HÀNG (KBNN) NƠI ĐƠN VỊ MỞ TK Ngày..... tháng.... năm.... | KHO BẠC NHÀ NƯỚC Ngày..... tháng.... năm..... | |||
Kế toán trưởng (Ký, ghi rõ họ tên) | Thủ trưởng đơn vị (Ký, ghi rõ họ tên | Kế toán (Ký, ghi rõ họ tên | Trưởng phòng KT (Ký, ghi rõ họ tên | Kế toán (Ký, ghi rõ họ tên | Kế toán trưởng (Ký, ghi rõ họ tên |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Quyển số: Sê ri: Số: |
GIẤY NỘP NGOẠI TỆ BẰNG TIỀN MẶT VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC LOẠI NGOẠI TỆ
Tên đối tượng nộp tiền:................................................................................................
Mã số:.................................................... .....................................................................
Địa chỉ:........................................................................................................................
Nghề kinh doanh: ......................................................................................................
Địa điểm nộp:..............................................................................................................
Để nộp vào tài khoản 741 (thu ngân sách Nhà nước) tại KBNN:.................tỉnh (TP)
Nội dung các khoản nộp ngân sách Nhà nước (ghi theo thông báo thu):
Số TT | Nội dung các khoản nộp | Số tiền | Chương | Loại | Khoản | Mục | T.Mục | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng:
Số tiền bằng chữ:.........................................................................................................
..................................................................................................................................
NGƯỜI NỘP TIỀN Ngày..... tháng.... năm.... | NGÂN HÀNG NƠI KBNN MỞ TK Ngày..... tháng.... năm.... | KHO BẠC NHÀ NƯỚC Ngày..... tháng.... năm..... | |||
| Người nhận tiền (Ký, ghi rõ họ tên) | Kế toán (Ký, ghi rõ họ tên | Kế toán trưởng (Ký, ghi rõ họ tên | Kế toán (Ký, ghi rõ họ tên | Kế toán trưởng (Ký, ghi rõ họ tên |
BỘ TÀI CHÍNH Cơ quan thu | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Quyển số:……. Sê ri: Số:………….. |
LỆNH THOÁI THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Do cơ quan thu lập)
Lưu cuống giấy nộp tiền
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về chế độ thu ngân sách Nhà nước
Yêu cầu của Ngân hàng (KBNN):....................... trích tài khoản số:.........................
Của:........................................................... Địa chỉ:....................................................
Mã số:..........................................................................................................................
Vào tài khoản: 741 (thu ngân sách Nhà nước) tại KBNN:.............. tỉnh (TP).............
Nội dung các khoản nộp ngân sách Nhà nước:
Số TT
| Nội dung các khoản nộp
| Số tiền
| Chương
| Loại
| Khoản
| Mục
| T.Mục
| Ghi chú
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng:
Số tiền bằng chữ:.........................................................................................................
..................................................................................................................................
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THU Ngày..... tháng.... năm.... (Ký tên, đóng dấu) | NGÂN HÀNG | KHO BẠC NHÀ NƯỚC | ||
Kế toán | Kế toán trưởng | Kế toán | Kế toán trưởng | |
CƠ QUAN TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Ngân sách: Niên khoá: Số: |
LỆNH THOÁI THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Yêu cầu của KBNN:................................ tỉnh (TP)..................................................
Hoàn trả cho đối tượng nộp:.....................................................................................
Mã số:.......................................................................................................................
Địa chỉ:......................................................................................................................
Tài khoản: .................................. tại Ngân hàng (KBNN)........................................
Lý do hoàn trả:..........................................................................................................
Chi tiết nội dung các khoản hoàn trả như sau:
STT | Nội dung hoàn trả | C | L | K | M | T.M | Số tiền đã nộp | Số tiền hoàn trả |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
Ấn định số tiền hoàn trả (bằng chữ):...........................................................................
......................................................................................................................................
KHO BẠC NHÀ NƯỚC HOÀN TRẢ Ngày...... tháng..... năm...... | KBNN XÁC NHẬN (KBNN đồng cấp với cơ quan tài chính ra lệnh thoái thu) | CƠ QUAN TÀI CHÍNH Ngày........tháng....... năm..... | |||
Kế toán | Kế toán trưởng | Giám đốc | Kế toán trưởng | Kế toán trưởng | Thủ trưởng |
KHO BẠC NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:............./KBNN |
|
GIẤY XÁC NHẬN ĐÃ NỘP TIỀN NSNN
(TK 741) CỦA KHO BẠC
Kho bạc Nhà nước:....................................................................................................
Xác nhận đơn vị: .......................................................................................................
Đã nộp NSNN (TK 741) số tiền........................... đồng (viết bằng chữ):.................
...................................................................................................................................
Trong đó:
+ Tiền đồng Việt Nam: ........................................................................................đồng
+ Ngoại tệ (nguyên tệ): .............................................................................................
Quy đồng Việt Nam: ........................................................................................... đồng
Nội dung chi tiết số tiền đã nộp NSNN như sau:
STT | Chứng từ nộp tiền vào NSNN | Mục lục NSNN | Số tiền đã nộp NSNN | KBNN đã điều tiết cho các cấp NS | ||||||||
Số | Ngày | C | L | K | H | M | NSTW | NS tỉnh | NS huyện | NS xã | ||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ấn định số tiền đã nộp NSNN (TK 741) (viết bằng chữ):..............................................
........................................................................................................................................
Kế toán | Kế toán trưởng | Ngày..... tháng..... năm..... Giám đốc |
ĐƠN VỊ | Mẫu số Ban hành theo QĐ số 1475-1998/QĐ/BTC ngày 23/10/1998 |
NỢ SỐ TK:…………K |
CÓ SỐ TK:…………K |
SỐ TIỀN ……….…………K (Bằng số) |
Tên tài khoản Nợ:....................................................................
Tên tài khoản Có:.....................................................................
Số tiền bằng chữ:.....................................................................
..................................................................................................
..................................................................................................
Trích yếu...................................................................................
..................................................................................................
..................................................................................................
Người lập (Ký, họ tên) | Kế toán trưởng (Ký, họ tên) | Ngày..... tháng..... năm..... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Kính gửi: ........................ |
ĐƠN VỊ | Mẫu số Ban hành theo QĐ số 1475-1998/QĐ/BTC ngày 23/10/1998 |
GIẤY BÁO CÓ
NỢ SỐ TK:…………K |
CÓ SỐ TK:…………K |
SỐ TIỀN ……….…………K (Bằng số) |
Tên tài khoản Nợ:....................................................................
Tên tài khoản Có:.....................................................................
Số tiền bằng chữ:.....................................................................
..................................................................................................
..................................................................................................
Trích yếu...................................................................................
..................................................................................................
..................................................................................................
Người lập (Ký, họ tên) | Kế toán trưởng (Ký, họ tên) | Ngày..... tháng..... năm..... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Kính gửi: ........................ |
Không ghi vào khu vực này |
Số: ...................
CHUYỂN KHOẢN, CHUYỂN TIỀN THƯ - ĐIỆN
Lập ngày................. tháng............ năm...............
Đơn vị trả tiền:..............................................................
KBNN A GHI NỢ TK: CÓ TK: ----------------------------- |
Số tài khoản: ...............................................................
Tại Kho bạc Nhà nước: ................................................
Đơn vị nhận tiền: ...........................................................
Địa chỉ: ..........................................................................
Số tài khoản: .................................................................
Tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng:...............................
Nội dung thanh toán, chuyển tiền:................................
KBNN A GHI NỢ TK: CÓ TK: ----------------------------- |
......................................................................................
......................................................................................
......................................................................................
Số tiền bằng số: ............................................................
Số tiền bằng chữ:...........................................................
......................................................................................
ĐƠN VỊ TRẢ TIỀN | KBNN A GHI SỔ NGÀY............. | |||||
Kế toán trưởng | Chủ tài khoản | Kế toán | Kế toán trưởng | Giám đốc | ||
NGÂN HÀNG A GHI SỔ NGÀY.... | KBNN B, NGÂN HÀNG B GHI SỔ NGÀY.... | |||||
Kế toán | Kế toán trưởng | Giám đốc | Kế toán | Kế toán trưởng | Giám đốc | |
TỔNG CỤC HẢI QUAN Hải quan tỉnh, TP:...... Đơn vị:....................... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Mẫu số HQ 33/92 |
Ngày......... tháng....... năm 200......
Căn cứ vào:..............................................................................................................
Số: ..........................................................................................................................
Họ, tên người nộp tiền: ..........................................................................................
Địa chỉ: ..................................................................................................................
Về khoản: ..............................................................................................................
Số tiền (viết bằng số): ............................................................................................
(Viết bằng chữ:.......................................................................................................
Kèm theo chứng từ gốc: .........................................................................................
Đã nhập đủ quỹ số tiền (viết bằng chữ):................................................................
................................................................................................................................
Thủ quỹ (Ký, họ tên) | Người nộp (Ký, họ tên) | Kế toán (Ký, họ tên) | Thủ trưởng đơn vị (Ký, họ tên) |
* Ghi chú: Nếu là ngoại tệ ghi thêm tỷ giá ngoại tệ để tính quy đổi ra tiền Việt Nam
TỔNG CỤC HẢI QUAN Hải quan tỉnh, TP:...... Đơn vị:....................... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | Mẫu số HQ 34/92 |
Ngày......... tháng....... năm 200......
Căn cứ vào:..............................................................................................................
Số: ..........................................................................................................................
Họ, tên người nhận tiền: ..........................................................................................
Địa chỉ: ..................................................................................................................
Về khoản: ..............................................................................................................
Số tiền (viết bằng số): ............................................................................................
(Viết bằng chữ:.......................................................................................................
Kèm theo chứng từ gốc: .........................................................................................
Đã nhận đủ số tiền (viết bằng chữ):................................................................
................................................................................................................................
Ngày….tháng….năm 200..
Thủ quỹ (Ký, họ tên) | Người nộp (Ký, họ tên) | Kế toán (Ký, họ tên) | Thủ trưởng đơn vị (Ký, họ tên) | Người nhận tiền (Ký, họ tên) |
* Ghi chú: Nếu là ngoại tệ ghi thêm tỷ giá ngoại tệ để tính quy đổi ra tiền Việt Nam
Đơn vị:.................. | Ban hành theo QĐ số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính |
Số:..................
Ngày.......tháng...... năm 200.....
Nợ:..................
Có:..................
- Họ tên người nhận hàng:.............................. Địa chỉ (bộ phận)...............................
- Lý do xuất kho:........................................................................................................
- Xuất tại kho:............................................................................................................
Số thứ tự | Tên, nhãn hiệu, quy cách, phẩm chất vật tư (SP, hàng hoá) | Mã số | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền | |
Yêu cầu | Thực xuất | ||||||
A | B | C | D | 1 | 2 | 3 | 4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng | X | X | X | X |
|
|
Tổng số tiền (viết bằng chữ):.................................................................................
Xuất, ngày........ tháng...... năm 200........
Phụ trách bộ phận | Phụ trách kế toán | Người nhận | Thủ kho |
Đơn vị:.................. | Ban hành theo QĐ số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính
|
Số:..................
Ngày.......tháng...... năm 200.....
Nợ:..................
Có:..................
- Họ tên người giao:..................................................................................................
- Theo...................... Số.......... ngày............. tháng ........... năm 200.......................
Của...........................................................................................................................
- Nhập tại kho:............................................................................................................
Số thứ tự | Tên, nhãn hiệu, quy cách, phẩm chất vật tư (SP, hàng hoá) | Mã số | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền | |
Theo chứng từ | Thực nhập | ||||||
A | B | C | D | 1 | 2 | 3 | 4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng | X | X | X | X |
|
|
Tổng số tiền (viết bằng chữ):.................................................................................
Nhập, ngày........ tháng...... năm 200........
Phụ trách kế toán | Người giao hàng | Thủ kho |
UBND TỈNH, THÀNH PHỐ........ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:........../QĐ-STCVG | Hà Nội, ngày ....... tháng ....... năm 200... |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TRÍCH LẬP SỬ DỤNG QUỸ CHỐNG HÀNH VI KINH DOANH TRÁI PHÁP LUẬT
GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH VẬT GIÁ
- Căn cứ Quyết định số 180/TTg ngày 22/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật;
- Căn cứ Thông tư số 77/TC-KBNN ngày 28/9/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn mở tài khoản tạm giữ và trích lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật;
- Căn cứ Công văn số 4237 TC/TCT ngày 16/11/1996 của Bộ Tài chính về việc trích thưởng trên tiền phạt và tiền bán hàng hoá, tang vật tịch thu;
- Căn cứ đề nghị trích quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật tại Công văn số ngày............ của Cục Hải quan tỉnh, thành phố.................;
- Xét đề nghị của Trưởng phòng Quản lý công sản Sở Tài chính Vật Giá................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Trích lập quỹ chống hành vi kinh doanh trái pháp luật từ tài khoản của Sở Tài chính Vật giá ............................ mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố cho cơ quan Cục Hải quan thành phố............................
Đơn vị tính
Nội dung trích lập quỹ | Tổng số tiền thu | Chi phí | Tỷ lệ được trích | Số tiền được trích lập quỹ | Số tiền còn lại nộp NS | |
CQ điều tra thu giữ | CQ tài chính | |||||
1. Tiền phạt đối với các hành vi kinh doanh trái pháp luật: 2. Tiền thuế ẩn lậu Trong đó: - Quốc doanh - Ngoài quốc doanh Tổng cộng
|
|
|
|
|
|
|
Điều 2:
a. Số tiền Cục Hải quan thành phố.................. được thanh toán là:......................... được chuyển vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước...............................................................
Trong đó:
- Số tiền trích lập quỹ
- Chi phí điều tra:
b. Số tiền còn lại nộp Ngân sách là:
Mục:
Chương:
Loại:
Khoản:
Việc sử dụng quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật phải theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 3. Các đồng chí trưởng phòng Quản lý công sản, Trưởng phòng Quản lý Ngân sách Sở Tài chính vật giá, Thủ trưởng đơn vị được trích lập quỹ phòng chống hành vi kinh doanh trái pháp luật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH VẬT GIÁ |
HƯỚNG DẪN CĂN CỨ, PHƯƠNG PHÁP LẬP VÀ TRÌNH TỰ LUÂN CHUYỂN MỘT SỐ CHỨNG TỪ
A- CÁC LOẠI TỜ KHAI HẢI QUAN
1- Mục đích sử dụng
- Tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu là căn cứ để kiểm tra, đối chiếu hàng hoá thực xuất khẩu, nhập khẩu, làm căn cứ để tính thuế. Đồng thời số liệu ghi chép trên tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu được sử dụng cho công tác thống kê nhà nước về xuất, nhập khẩu của Hải quan.
- Tờ khai hàng hoá là căn cứ để tính thuế và ra thông báo thuế cho các đối tượng nộp thuế, phục vụ công tác kiểm tra thuế.
2- Căn cứ lập và trình tự luân chuyển
a) Phương pháp lập:
* Tờ khai hàng hoá gồm 2 phần chủ yếu:
- Phần kê khai của đối tượng xuất, nhập khẩu hàng hoá.
- Phần dành cho Hải quan ghi kết quả kiểm hoá, kiểm tra việc tính thuế, điều chỉnh thuế, xác nhận số hàng hoá thực nhập xuất.
* Tờ khai phải đảm bảo các yêu cầu:
- Phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu quy định trên mẫu tờ khai.
- Đảm bảo sự chính xác, hợp pháp trong khai báo, kiểm hoá, tính thuế và các yếu tố liên quan.
- Đủ tính pháp lý về xác nhận, xét duyệt chữ ký của người có thẩm quyền và dấu của đơn vị theo quy định.
* Tờ khai được lập 3 bản, chủ hàng 01 bản, 01 bản lưu cùng bộ hồ sơ làm thủ tục hải quan, 01 bản lưu bộ phận kế toán theo dõi nợ thuế.
b) Quy trình luân chuyển của tờ khai Hải quan qua các khâu:
- Bộ phận tiếp nhận đăng ký tờ khai để kiểm tra phần khai báo trên tờ khai của đối tượng xuất nhập khẩu hàng hoá và hồ sơ kèm theo. Nếu hợp pháp hợp lệ thì đăng ký vào sổ đăng ký tờ khai để theo dõi.
- Bộ phận kiểm hoá tiến hành kiểm tra hàng hoá thực tế ghi kết quả vào tờ khai.
- Bộ phận thuế căn cứ khai báo thuế, kết quả kiểm hoá để kiểm tra việc tính thuế hoặc điều chỉnh thuế (nếu có), ra thông báo thuế.
- Bộ phận tổng hợp tiến hành phúc tập tờ khai, phân loại tờ khai phục vụ kiểm tra sau thông quan, lưu trữ tại kế toán thuế.
B- CÁC LOẠI CHỨNG TỪ THÔNG BÁO THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1- Mục đích sử dụng
* Thông báo thu gồm:
- Thông báo thuế, thu chênh lệch giá
- Thông báo phạt chậm nộp thuế
- Giấy báo thuế (Hải quan Bưu điện)
- Giấy báo nộp lệ phí Hải quan.
- Lệnh thu thuế, thu tiền phạt.
* Thông báo thu do cơ quan thuế Hải quan lập gửi cho đối tượng nộp biết số tiền thuế, số tiền thu chênh lệch giá, số tiền lệ phí hải quan, thu phạt phải nộp, thời hạn nộp, địa chỉ và số hiệu tài khoản để nộp tiền vào.
* Thông báo thu là chứng từ kế toán định hướng do Hải quan quy định mẫu phù hợp theo yêu cầu của chứng từ kế toán, là căn cứ ghi sổ kế toán để theo dõi số tiền phải thu, kỳ hạn nộp.
2- Căn cứ lập và trình tự luân chuyển chứng từ
2.1- Giấy thông báo thuế, thu chênh lệch giá (Mẫu số 01/CTKT-2001)
- Căn cứ số liệu tính các loại thuế, thu chênh lệch giá ghi trên tờ khai để ra thông báo thuế, thu chênh lệch giá.
- Giấy thông báo lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng nộp, 01 bản lưu tại cuống, 01 bản là chứng từ kế toán để ghi sổ theo dõi nợ thuế.
* Đối với loại hình XNK tiểu ngạch biên giới, xuất nhập khẩu phi mậu dịch phải nộp thuế ngay mới giải phóng hàng, nên không cần sử dụng thông báo thuế.
2.2- Thông báo phạt chậm nộp thuế (Mẫu số 09/CTKT-2001)
- Nếu đối tượng chuyển tiền nộp thuế, chênh lệch giá chậm so với thời hạn phải nộp ghi trên thông báo thu thì kế toán viết thông báo giao cho đối tượng nộp thuế.
- Thông báo lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng nộp, 01 bản lưu tại cuống, 01 bản là chứng từ kế toán để ghi sổ theo dõi nợ thuế.
2.3- Giấy báo thuế (sử dụng cho Hải quan bưu điện) (Mẫu số 03/CTKT-2001)
- Giấy báo thuế do Hải quan bưu điện lập, nhờ Bưu điện các tỉnh, thành phố không có tổ chức Hải quan thu hộ thuế đối với các bưu kiện (bưu phẩm) phải nộp thuế.
Kế toán căn cứ vào phiếu kiểm hoá hàng phi mậu dịch phần kết toán của các khoản tiền phải nộp để lập giấy báo thuế.
- Giấy báo thuế lập 4 bản: 01 bản lưu tại cuống, 3 bản còn lại gửi kèm phiếu kiểm hoá hàng phi mậu dịch để Bưu điện thu hộ thuế.
- Sau khi đã thu hộ tiền thuế, Bưu điện lưu 01 bản, 01 bản giao cho người nộp thuế, 01 bản trả lại cho Hải quan bưu điện cùng với thư chuyển tiền để thanh toán số tiền thu hộ.
2.4- Giấy báo nộp lệ phí Hải quan (Mẫu số 05/CTKT-2001)
- Do Hải quan lập để thông báo cho đối tượng nộp lệ phí Hải quan.
- Căn cứ vào chế độ lệ phí Hải quan hiện hành; kế toán tính ra số lệ phí Hải quan phải nộp, viết giấy báo nộp lệ phí Hải quan giao cho đối tượng nộp lệ phí.
- Lập thành 3 bản: 01 bản giao đối tượng nộp, 01 bản làm chứng từ ghi sổ kế toán, 01 bản lưu tại cuống.
2.5- Lệnh thu thuế, thu tiền phạt (Mẫu số 04/CTKT-2001)
- Lệnh thu thuế, thu tiền phạt được lập trong trường hợp hết thời hạn nộp thuế như thông báo đối tượng vẫn chưa nộp, cố tình dây dưa.
- Lệnh thu thuế, thu tiền phạt được lập 6 bản, gửi ngân hàng hoặc kho bạc nơi đối tượng mở tài khoản 5 bản và được sử dụng:
+ 01 bản báo nợ cho đối tượng
+ 02 bản gửi ngân hàng nơi đối tượng mở tài khoản để yêu cầu ngân hàng trích số tiền phải nộp từ tài khoản của đối tượng để nộp NSNN.
+ 02 bản gửi Kho bạc Nhà nước nơi đối tượng phải nộp tiền vào tài khoản.
+ 01 bản lưu bộ phận kế toán thuế.
Ngân hàng và kho bạc sau khi thực hiện trích chuyển tiền nộp thuế theo lệnh, xác nhận và gửi Hải quan 01 bản để hồi báo.
C- CÁC CHỨNG TỪ VỀ ĐIỀU CHỈNH THUẾ, HOÀN THUẾ
1- Quyết định Điều chỉnh thuế, thu chênh lệch giá (Mẫu số 06/CTKT-2001)
Chứng từ này lập và sử dụng trong trường hợp:
- Cơ quan Hải quan kiểm tra phát hiện số thuế đã thông báo là chưa chính xác do đối tượng tự khai thuế chưa đúng, do kết quả kiểm hoá, giám định hàng hoá thực tế xuất nhập khẩu khác với khai báo, khi tính thuế có sự nhầm lẫn.
- Điều chỉnh thuế có thể tăng số thuế hoặc giảm số thuế so với số thuế ghi trong thông báo.
- Trường hợp tăng, cơ quan thuế Hải quan gửi quyết định điều chỉnh và yêu cầu đối tượng nộp thuế bổ sung phần chênh lệch.
- Trường hợp giảm, cơ quan Hải quan ra quyết định hoàn trả lại thuế cho đối tượng.
Quyết định điều chỉnh thuế lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng, 01 bản lưu hồ sơ khai thuế, 01 bản làm chứng từ kế toán.
2- Quyết định hoàn thuế (Mẫu số 07/CTKT-2001)
- Cục Hải quan ra quyết định hoàn thuế theo thẩm quyền trong những trường hợp hoàn thuế do Bộ Tài chính quy định trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật thuế.
- Quyết định điều chỉnh thuế của Cục Hải quan
Quyết định hoàn thuế được lập thành 3 bản:
01 bản gửi đối tượng
01 bản kèm hồ sơ hoàn thuế gửi Bộ Tài chính
01 bản lưu ở kế toán thuế
3- Giấy đề nghị hoàn thuế (Mẫu số 08/CTKT-2001)
- Căn cứ quyết định hoàn thuế và công văn của đối tượng được hoàn thuế đề nghị được lấy tiền được hoàn từ ngân sách nhà nước, Cục Hải quan lập giấy đề nghị hoàn thuế, gửi Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước cấp giấy xác nhận đã nộp tiền vào NSNN.
- Giấy này thay Công văn của Cục Hải quan kèm theo Quyết định hoàn thuế, giấy xác nhận đã nộp tiền vào NSNN gửi Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách) để thoái thu cho đối tượng nộp thuế.
- Giấy đề nghị hoàn thuế lập 3 bản:
01 bản gửi Kho bạc Nhà nước;
01 bản kèm hồ sơ hoàn thuế gửi Bộ Tài chính;
01 bản lưu kế toán thuế.
4- Quyết định không thu thuế (Mẫu số 09/CTKT-2001)
Được sử dụng trong trường hợp đối tượng nộp thuế có thông báo thuế phải nộp về thuế tạm thu như đối tượng đã hoàn thành việc thanh khoản tờ khai trong thời hạn nộp thuế.
- Quyết định không thu thuế lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng, 01 bản lưu hồ sơ 01 bản làm chứng từ kế toán.
5. Giấy xác nhận tiền thuế chưa được hoàn trả (Mẫu số 10/CTKT-2001)
- Giấy này sử dụng trong trường hợp khấu trừ tiền thuế được hoàn giữa các Cục Hải quan. Khi có quyết định hoàn thuế, đối tượng đề nghị Hải quan nơi có số thuế được hoàn, xác nhận số thuế đó chưa được hoàn trả tại nơi ra quyết định hoàn thuế để chuyển Cục Hải quan nơi đối tượng đang nợ thuế để khấu trừ.
- Hồ sơ xin khấu trừ gồm:
+ 01 Quyết định hoàn thuế;
+ 01 giấy xác nhận tiền thuế chưa được hoàn trả.
+ Công văn của Cục Kiểm tra thu thuế - TCHQ xét đề nghị của đối tượng và gửi hai Cục Hải quan đề nghị thực hiện khấu trừ thuế cho đối tượng.
- Giấy xác nhận lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng, 01 bản gửi Cục Hải quan nơi khấu trừ, 01 bản lưu.
6. Quyết định khấu trừ tiền thuế: Quyết định này có 2 mẫu để khấu trừ tiền thuế
a) Mẫu số 11a/CTKT-2001 dùng cho trường hợp từ nơi khác chuyển đến khấu trừ, phương pháp lập như sau:
Căn cứ hồ sơ xin khấu trừ như điểm 5 nêu trên để lập quyết định khấu trừ tiền thuế cho đối tượng.
Quyết định lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng, 01 bản gửi Cục Hải quan nơi khấu trừ, 01 bản lưu.
b) Mẫu số 11b/CTKT-2001 dùng cho trường hợp khấu trừ tại chỗ, phương pháp lập như sau:
Căn cứ quyết định hoàn thuế và công văn xin khấu trừ của đối tượng để lập quyết định khấu trừ tiền thuế cho đối tượng.
Quyết định lập 3 bản: 01 bản gửi đối tượng, 01 bản gửi Cục Hải quan nơi khấu trừ, 01 bản lưu.
7. Giấy xác nhận đã nộp tiền NSNN
Căn cứ giấy đề nghị hoàn thuế của Cục Hải quan gửi đến Kho bạc Nhà nước lập giấy xác nhận đã nộp tiền NSNN, chuyển cho Cục Hải quan đưa vào hồ sơ hoàn thuế gửi Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách) để hoàn thuế cho đối tượng được hoàn.
8. Lệnh thoái thu ngân sách nhà nước
- Lệnh thoái thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách) lập khi thực hiện hoàn thuế trả lại bằng tiền cho đối tượng nộp thuế.
- Lệnh thoái thu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính gửi cho Hải quan để thông báo và làm chứng từ kế toán hoàn thuế.
C- CÁC CHỨNG TỪ THU, NỘP TIỀN THUẾ
Các loại chứng từ thu, nộp tiền thuế, lệ phí... do Bộ Tài chính phát hành.
1- Các loại biên lai thu:
- Biên lai thu tiền CTT 11: Dùng thu tiền phạt vi phạm hành chính Hải quan trong lĩnh vực thuế, thu tiền bán hàng tịch thu do Hải quan được giao bán.
- Biên lai thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế (CTT 45) do Kho bạc Nhà nước uỷ quyền cho Hải quan thu.
- Biên lại thu lệ phí Hải quan (01-LPHQ)
- Biên lại thuế XK, thuế NK và thuế GTGT (CTT52)
- Biên lai thuế TTĐB đối với hàng hoá NK (CTT 46)
- Biên lai thu chênh lệch giá hàng XK, NK (CTT 37)
Khi sử dụng biên lai phải dùng từ số nhỏ đến số lớn theo seri của từng quyển. Viết biên lai phải rõ ràng đầy đủ các yếu tố trên tờ biên lai, phải ghi rõ khoản thu bằng tiền mặt hay thu bằng séc. Nếu thu bằng séc phải ghi số hiệu, ngày, tháng, năm của tờ séc. Khi đối tượng nộp khoản thu vừa bằng tiền mặt, vừa bằng séc thì mỗi loại tiền mặt, tiền séc phải lập 01 biên lai riêng biệt.
- Biên lai lập thành 3 liên: liên 1 báo soát lưu kèm với tờ khai Hải quan (hoặc quyết định nộp phạt), liên 2 giao cho đối tượng nộp tiền, liên 3 lưu tại cuống biên lai.
- Những biên lai ghi sai, hỏng không dùng được phải gạch bỏ và lưu đủ 3 liên tại cuống không được xé rời, nếu đã xé phải dán vào vị trí cũ trong cuống biên lai. Khi viết biên lai phải dùng giấy than để viết 1 lần cho cả 3 liên.
- Những quyển biên lai đã dùng hết, cuối tháng phải chuyển về bộ phận kế toán thuế để kiểm tra, lưu giữ.
2- Giấy nộp tiền các loại
Gồm các loại:
- Giấy nộp tiền vào NSNN bằng tiền mặt
- Giấy nộp tiền vào NSNN bằng chuyển khoản.
- Giấy nộp tiền bằng tiền mặt vào NSNN bằng ngoại tệ.
Giấy nộp tiền được lập thành 5 liên (nếu bằng tiền mặt) và 6 liên (nếu bằng chuyển khoản) được sử dụng như sau:
01 liên lưu cuống
01 liên giao cho người nộp tiền (có xác nhận của Kho bạc), các liên còn lại làm chứng từ kho bạc.
3- Phiếu thu (Mẫu số HQ 33/92)
Phiếu thu là chứng từ thu tiền nhập quỹ. Trường hợp Hải quan trực tiếp thu tiền thuế và các loại lệ phí bằng tiền mặt kế toán căn cứ biên lai thu tiền lập phiếu thu để nhập tiền thu được vào quỹ.
- Phiếu thu được lập thành 3 liên:
01 liên giao cho người nộp tiền.
01 liên giao cho thủ quỹ làm chứng từ ghi sổ, sau đó chuyển cho kế toán làm chứng từ ghi sổ.
01 liên lưu tại cuống.
4- Phiếu chi (Mẫu số HQ 34/92)
Phiếu chi là chứng từ chi tiền ra khỏi quỹ. Trường hợp xuất quỹ tiền mặt nộp ngân sách Nhà nước kế toán ngoài việc ghi phiếu chi phải lập giấy nộp tiền.
- Phiếu chi được lập thành 2 liên:
01 liên làm chứng từ hạch toán quỹ; kế toán chi.
01 liên lưu tại cuống.
5- Uỷ nhiệm chi
Uỷ nhiệm chi do đối tượng nộp thuế lập, yêu cầu ngân hàng nơi đối tượng mở tài khoản tiền gửi chuyển tiền nộp kho bạc số tiền thuế, lệ phí, phải nộp theo quy định tại thông báo thuế.
- Căn cứ uỷ nhiệm chi, cơ quan Hải quan biết được đối tượng đã bắt đầu thực hiện nộp thuế, ngày chuyển tiền nộp thuế làm căn cứ tính phạt chậm nộp thuế theo chế độ quy định.
6- Giấy báo Có
- Giấy báo Có là chứng từ do Kho bạc Nhà nước lập để gửi cho Hải quan biết số tiền thuế thu khác kho bạc đã nhận được do đối tượng nộp vào tài khoản thu NSNN (741).
- Căn cứ giấy báo Có, kế toán ghi sổ kế toán phản ánh số tiền thuế, thu khác đã thu nộp NSNN
7- Giấy báo Nợ
Giấy báo Nợ là chứng từ do Kho bạc Nhà nước lập để thông báo cho Hải quan biết về số tiền thuế, thu khác ở tài khoản tạm giữ của Hải quan mở tại Kho bạc đã chuyển trả cho điều tra theo yêu cầu của Hải quan.
E- CÁC CHỨNG TỪ VỀ HÀNG TẠM GIỮ, HÀNG TỊCH THU
Xử phạt vi phạm hành chính
1- Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về Hải quan (mẫu số 12/CTKT-2001)
- Quyết định do cơ quan Hải quan bắt giữ hàng lậu khi cần giữ hàng để điều tra xử lý.
- Quyết định lập 3 bản: 01 bản giao cho đối tượng, 01 bản kèm hồ sơ xử lý hàng, 01 bản lưu kế toán kho hàng.
2- Biên bản giao nhận hồ sơ, tang vật vi phạm hành chính về Hải quan (Mẫu số 13/CTKT-2001)
Biên bản này được lập, sử dụng trong trường hợp:
- Giao nhận hàng tạm giữ chờ xử lý giữa lực lượng bắt giữ với bộ phận quản lý bảo vệ hàng trong thời gian tạm giữ.
- Giao nhận hàng tạm giữ chờ xử lý giữa Hải quan với cơ quan tài chính theo quyết định xử lý hàng tịch thu để bán hoặc sung công.
- Biên bản lập thành 03 bản: 01 bản bên giao giữ, 01 bản bên nhận giữ, 01 bản lưu kế toán.
3- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan: Quyết định này có 2 loại để quản lý số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và ngoài lĩnh vực thuế
a) Mẫu số 14a/CTKT-2001: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan dùng trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế.
Chứng từ được lập trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính về Hải quan và kết quả xử lý vi phạm.
- Quyết định xử phạt được lập thành 3 bản: 01 bản giao đối tượng (thay thông báo phạt); 01 bản lưu kế toán; 01 bản lưu VT.
b) Mẫu số 14b/CTKT-2001: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan trong lĩnh vực thuế dùng trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Chứng từ được lập trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính về Hải quan và kết quả xử lý vi phạm.
- Quyết định xử phạt được lập thành 03 bản: 01 bản giao đối tượng (thay thông báo phạt); 01 bản lưu kế toán; 01 bản lưu VT.
4- Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan (Mẫu số 15/CTKT-2001)
Quyết định giải quyết khiếu nại xử phạt được lập trên cơ sở kết quả giải quyết khiếu nại của đối tượng đối với quyết định xử phạt.
Căn cứ quyết định giải quyết khiếu nại để điều chỉnh quyết định xử phạt (nếu có)
- Bản lưu kế toán để làm căn cứ kế toán xử phạt vi phạm hành chính.
5- Quyết định tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về Hải quan (Mẫu số 16/CTKT-2001)
Quyết định tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về Hải quan là chứng từ kế toán ghi giảm số tang vật phương tiện đem đi tiêu huỷ.
6- Quyết định sung công quỹ hàng hoá, vật phẩm phương tiện không xác định được chủ sở hữu (Mẫu số 17/CTKT-2001)
Đối với hàng hoá, vật phẩm, phương tiện không xác định được chủ sở hữu do Hải quan thu về, sau thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.
Quyết định này là chứng từ làm căn cứ ghi giảm hàng hoá trong kho.
7- Phiếu nhập kho (Mẫu số C11-H)
Phiếu nhập kho là chứng từ để nhập biên lai, ấn chỉ, vật tư hàng hoá, hàng tạm giữ, tịch thu, hàng vô chủ...
- Căn cứ số hàng thực nhập qua kiểm tra thực tế đối chiếu với biên bản bàn giao để lập phiếu nhập kho.
- Phiếu nhập kho lập thành 3 liên: 01 liên giao cho người giao hàng; 01 liên làm chứng từ cho thủ kho ghi sổ sau khi chuyển cho kế toán làm chứng từ ghi sổ kế toán; 01 liên lưu tại cuống.
8- Phiếu xuất kho (Mẫu số C12- H)
- Phiếu xuất kho là chứng từ để xuất biên lai, ấn chỉ vật tư hàng hoá, hàng tạm giữ chờ xử lý.
- Căn cứ số hàng thực xuất theo yêu cầu bên nhận hoặc theo quyết định xử lý (trả lại đối tượng, đem bán, sung công, tiêu huỷ...).
- Phiếu xuất kho được lập 3 liên:
+ 01 liên giao cho người nhận.
+ 01 liên làm chứng từ cho thủ kho xuất hàng, sau chuyển cho kế toán làm chứng từ ghi sổ kế toán.
+ 01 liên lưu tại cuống.
HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU
A- HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU ÁP DỤNG THỐNG NHẤT TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 559/QĐ-KTTT ngày 15 tháng 11 năm 2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
STT | Số hiệu TK | Tên gọi TK | Phạm vi áp dụng | ||
Cấp 1 | Cấp 2 | Cấp 3 | |||
|
|
|
| Loại 1- TIỀN VÀ ẤN CHỈ |
|
1 | 111 |
|
| Tiền mặt | Các đơn vị |
|
| 1111 |
| Tiền Việt Nam |
|
|
| 1112 |
| Ngoại tệ |
|
2 | 112 |
|
| Tiền gửi kho bạc | Các đơn vị |
|
| 1121 |
| Tiền gửi lệ phí hải quan |
|
|
| 1122 |
| Tiền gửi thu phạt |
|
|
| 1123 |
| Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý |
|
|
| 1124 |
| Tiền gửi thuế tạm thu |
|
|
| 1125 |
| Tiền gửi thuế ẩn lậu |
|
|
| 1126 |
| Tiền gửi bán ấn chỉ |
|
|
| 1128 |
| Tiền gửi khác |
|
3 | 113 |
|
| Tiền đang chuyển | Các đơn vị |
4 | 152 |
|
| Ấn chỉ bán thu tiền | Các đơn vị |
|
| 1521 |
| Ấn chỉ trong kho |
|
|
| 1522 |
| Ấn chỉ tại cửa khẩu |
|
|
|
|
| Loại 3- THANH TOÁN |
|
5 | 314 |
|
| Thanh toán với đối tượng nộp thuế | Chi tiết theo sắc thuế, phạt chậm thuế, thuế ẩn lậu |
|
| 3141 |
| Tiền thuế |
|
|
| 3142 |
| Tiền phạt chậm nộp thuế |
|
6 | 315 |
|
| Phải thu về thuế tạm thu | Các đơn vị |
7 | 333 |
|
| Thanh toán thu nộp với NS | Các đơn vị |
|
| 3331 |
| Thuế xuất khẩu |
|
|
|
| 33311 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 33312 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 3332 |
| Thuế nhập khẩu |
|
|
|
| 33321 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 33322 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 3333 |
| Thuế GTGT hàng nhập khẩu |
|
|
|
| 33331 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 33332 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 3334 |
| Thuế tiêu thụ đặc biệt |
|
|
|
| 33341 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 33342 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 3335 |
| Thuế thu nhập |
|
|
| 3336 |
| Thu chênh lệch giá |
|
|
| 3337 |
| Phạt chậm nộp thuế |
|
|
| 3338 |
| Lệ phí Hải quan |
|
|
| 3339 |
| Phạt vi phạm hành chính |
|
|
| 33310 |
| Thu khác |
|
8 | 335 |
|
| Phải hoàn về thuế tạm thu | Cục Hải quan |
9 | 338 |
|
| Tiền tạm giữ chờ xử lý | Các đơn vị |
10 | 342 |
|
| Thanh toán tiền bán ấn chỉ | Cục Hải quan |
11 | 343 |
|
| Vãng lai với đơn vị dự toán | Cục Hải quan |
|
| 3431 |
| Tiền bán hàng tịch thu |
|
|
| 3432 |
| Lệ phí Hải quan |
|
|
| 3433 |
| Tiền truy thu thuế ẩn lậu |
|
|
| 3434 |
| Tiền phạt VPHC |
|
|
| 3435 |
| Tiền bán ấn chỉ |
|
|
| 3438 |
| Các khoản khác |
|
12 | 344 |
|
| Vãng lai với Sở Tài chính | Cục Hải quan |
13 | 354 |
|
| Số nộp NS chuyển đi khấu trừ | Cục Hải quan |
14 | 355 |
|
| Số nộp NS chuyển đến khấu trừ | Cục Hải quan |
|
|
|
| Loại 7- CÁC KHOẢN THU |
|
15 | 715 |
|
| Thuế tạm thu | Các đơn vị |
|
| 7151 |
| Tạm nhập, tái xuất |
|
|
| 7152 |
| Tạm xuất, tái nhập |
|
|
| 7153 |
| Nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu |
|
|
| 7158 |
| Tạm thu khác |
|
16 | 716 |
|
| Thu thuế | Các đơn vị |
|
| 7161 |
| Thuế xuất khẩu |
|
|
|
| 71611 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 71612 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 7162 |
| Thuế nhập khẩu |
|
|
|
| 71621 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 71622 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 7163 |
| Thuế GTGT hàng nhập khẩu |
|
|
|
| 71631 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 71632 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 7164 |
| Thuế tiêu thụ đặc biệt |
|
|
|
| 71641 | Qua biên giới đất liền |
|
|
|
| 71642 | Không qua biên giới đất liền |
|
|
| 7165 |
| Thuế thu nhập |
|
|
| 7166 |
| Thu chênh lệch giá |
|
|
| 7168 |
| Thuế khác |
|
17 | 717 |
|
| Truy thu thuế ẩn lậu | Các đơn vị |
|
| 7171 |
| Doanh nghiệp Nhà nước |
|
|
| 7172 |
| Doanh nghiệp thuộc các thành phần khác |
|
18 | 718 |
|
| Thu lệ phí Hải quan | Các đơn vị |
|
| 7181 |
| Lệ phí làm thủ tục |
|
|
| 7182 |
| Lệ phí hàng hoá ký gửi lưu kho |
|
|
| 7183 |
| Lệ phí quá cảnh |
|
|
| 7184 |
| Lệ phí áp tải - Niêm phong |
|
|
| 7185 |
| Lệ phí xác nhận chứng từ |
|
|
| 7188 |
| Lệ phí khác |
|
19 | 719 |
|
| Thu phạt | Các đơn vị |
|
| 7191 |
| Phạt chậm nộp thuế |
|
|
| 7192 |
| Phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế |
|
|
| 7193 |
| Phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế |
|
20 | 720 |
|
| Thu bán hàng tịch thu | Các đơn vi |
|
|
|
| Loại 0- CÁC TÀI KHOẢN NGOÀI BẢNG |
|
1 | 002 |
|
| Hàng tạm giữ |
|
2 | 003 |
|
| Ấn chỉ không thu tiền |
|
3 | 004 |
|
| Giá trị hàng hoá, tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính |
|
4 | 007 |
|
| Ngoại tệ các loại |
|
LOẠI TÀI KHOẢN 1 TIỀN VÀ ẤN CHỈ
Loại tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động các khoản tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển và ấn chỉ bán thu tiền.
Loại tài khoản tiền và ấn chỉ có 4 tài khoản
TK 111- Tiền mặt
TK 112- Tiền gửi Kho bạc
TK 114- Tiền đang chuyển
TK 152- ấn chỉ bán thu tiền
TÀI KHOẢN 111 - TIỀN MẶT
Tài khoản 111 dùng để phản ánh tình hình thu, chi tồn quỹ tiền mặt tại quỹ của đơn vị và ở các cửa khẩu bằng đồng Việt Nam bao gồm tiền mặt, ngân phiếu thanh toán
Nội dung các khoản tiền mặt phản ánh vào tài khoản này là:
Các khoản tiền thuế và các khoản thu khác do các đối tượng nộp trực tiếp cho cơ quan Hải quan, nhưng cơ quan Hải quan chưa kịp nộp vào kho bạc cuối ngày.
Hạch toán tài khoản 111 Tiền mặt
1- Chỉ phản ánh vào tài khoản 111 “Tiền mặt” số tiền mặt, ngoại tệ và ngân phiếu thanh toán thực tế nhập, xuất quỹ.
- Đối với khoản tiền thu xong nộp ngay vào kho bạc trong ngày hoặc do cán bộ kho bạc thu trực tiếp của các đối tượng nộp thuế thì không phải phản ánh vào tài khoản này.
2- Khi tiến hành nhập, xuất quỹ tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký của người kiểm soát (kế toán), người duyệt (chủ tài khoản), người giao, người nhận, thủ quỹ tuỳ theo quy định của phiếu thu hoặc phiếu chi. Nghiêm cấm việc xuất quỹ khi chưa lập phiếu chi và chưa có ký xét duyệt của chủ tài khoản trên phiếu chi.
3- Kế toán phải mở sổ kế toán quỹ để ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, tồn quỹ ở mọi thời điểm của từng loại quỹ.
4- Thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý tiền và mở sổ quỹ theo dõi việc nhập, xuất quỹ tiền mặt hàng ngày. Cuối ngày phải kiểm kê số tiền mặt tồn quỹ thực tế và đối chiếu giữa số tồn quỹ thực tế với số liệu trên sổ quỹ; giữa số tồn quỹ trên sổ quỹ với số liệu trên sổ kế toán. Nếu có chênh lệch phải xác định nguyên nhân và kiến nghị biện pháp xử lý số chênh lệch đó.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 111 - Tiền mặt
Bên Nợ:
- Các khoản tiền mặt, ngân phiếu nhập quỹ.
- Số tiền mặt thừa quỹ phát hiện khi kiểm kê.
Bên Có: Các khoản tiền mặt giảm, do:
- Các khoản tiền mặt, ngân phiếu xuất quỹ.
- Số tiền mặt thiếu hụt quỹ phát hiện khi kiểm kê.
Số dư bên Nợ:
Các khoản tiền mặt, ngân phiếu còn tồn quỹ.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU
I- Hạch toán thu tiền thuế bằng tiền mặt
1- Thu thuế xuất, nhập khẩu hàng phi mậu dịch và thu thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới
- Khi thu tiền thuế tiểu ngạch nhập quỹ, kế toán căn cứ vào bảng kê tổng hợp biên lai thu thuế lập phiếu thu làm thủ tục nhập quỹ tiền mặt; căn cứ vào phiếu thu đã nhập quỹ, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (TK cấp 2 phù hợp)
Có TK 716 - Thu thuế (TK cấp 2 phù hợp)
- Xuất quỹ nộp tiền vào kho bạc, lập phiếu chi làm thủ tục xuất quỹ và viết giấy nộp tiền vào ngân sách. Căn cứ vào giấy nộp tiền đã được kho bạc xác nhận và phiếu chi kế toán ghi sổ:
Nợ TK 333- Thanh toán thu nộp ngân sách (TK cấp 2 phù hợp)
Có TK 111 - Tiền mặt
2- Thu thuế xuất nhập khẩu
- Khi thu tiền thuế xuất nhập khẩu của các đối tượng nộp thuế bằng tiền mặt nhập quỹ. Căn cứ vào biên lai thu thuế lập phiếu thu nhập quỹ tiền mặt, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
- Khi xuất quỹ nộp tiền vào ngân sách, lập phiếu chi xuất quỹ và viết giấy nộp tiền vào ngân sách. Căn cứ vào giấy nộp tiền đã được kho bạc xác nhận , kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
Có TK 111 - Tiền mặt
II- Hạch toán các khoản thu khác bằng tiền mặt
1- Thu phạt chậm nộp thuế
- Khi đối tượng nộp phạt chậm thuế bằng tiền mặt, căn cứ biên lai thu phạt lập phiếu thu nhập quỹ tiền mặt, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
- Xuất quỹ nộp tiền phạt vào tài khoản tạm giữ của Hải quan tại Kho bạc, căn cứ vào phiếu chi và chứng từ của kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi thu phạt)
Có TK111 - Tiền mặt
2- Thu lệ phí Hải quan
a- Căn cứ vào biên lai thu lệ phí, cuối ca, cuối ngày nếu nộp tiền thu lệ phí vào tài khoản của hải quan tại Kho bạc, căn cứ vào chứng từ nộp tiền, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1124 - Tiền gửi lệ phí Hải quan)
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển.
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
b- Trường hợp số lệ phí thu được chưa kịp nộp vào Kho bạc, căn cứ vào biên lai thu lệ phí, lập phiếu thu làm thủ tục nhập quỹ tiền mặt, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan.
- Nộp tiền thu lệ phí vào tài khoản tại Kho bạc, lập phiếu chi xuất quỹ nộp tiền vào tài khoản, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1121 - Tiền gửi lệ phí Hải quan)
Có TK 111 - Tiền mặt.
3- Tiền tạm giữ chờ xử lý
a- Khi tạm giữ tiền mặt, ngoại tệ của các đối tượng vi phạm hành chính, căn cứ vào phiếu thu làm thủ tục nhập quỹ, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
b- Nộp tiền mặt, ngoại tệ vào tài khoản tạm giữ của Hải quan tại Kho bạc, căn cứ vào phiếu chi và chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
Có TK 111 - Tiền mặt
c- Nếu Hải quan quyết định trả lại cho người vi phạm, căn cứ vào quyết định xử lý, lập phiếu chi xuất quỹ, kế toán ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Có TK 111 - Tiền mặt
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền tạm giữ chờ xử lý)
d- Nếu quyết định tịch thu sung công quỹ, chuyển sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, căn cứ vào quyết định và chứng từ chuyển tiền sang Sở Tài chính, kế toán ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Có TK 111 - Tiền mặt
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
4- Thu tiền bán hàng tịch thu bằng tiền mặt
ở những đơn vị Hải quan nếu được Sở Tài chính uỷ quyền cho bán những loại hàng hoá tịch thu số lượng ít, giá trị nhỏ và không thể bảo quản lâu được:
a- Khi bán thu tiền mặt nhập quỹ, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
b- Khi nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, căn cứ vào phiếu chi và chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 111 - Tiền mặt
5- Kế toán thu phạt vi phạm hành chính bằng tiền mặt:
a- Khi thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và ngoài lĩnh vực thuế bằng tiền mặt, căn cứ vào biên lai thu tiền phạt, kế toán lập phiếu thu làm thủ tục nhập quỹ, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 719 - Thu phạt (7192, 7193)
b- Khi nộp tiền thu phạt vào tài khoản tạm giữ của Hải quan tại kho bạc, căn cứ vào phiếu chi và báo có của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122- Tiền gửi về tiền phạt)
Có TK 111 - Tiền mặt.
6- Kế toán tiền bán ấn chỉ tại Cục Hải quan và các cửa khẩu đã phân cấp hạch toán:
- Khi bán ấn chỉ thu tiền nhập quỹ:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền
- Khi nộp tiền bán ấn chỉ vào tài khoản tại Kho bạc
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ)
Có TK 111 - Tiền mặt
- Chuyển tiền bán ấn chỉ nộp lên cấp trên
Nợ TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Có TK 111 - Tiền mặt
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền bán ấn chỉ)
TÀI KHOẢN 112 -TIỀN GỬI KHO BẠC
Tài khoản 112 phản ánh số hiện có, tình hình biến động các khoản tiền của Hải quan gửi trên tài khoản tạm giữ tại Kho bạc
Nội dung các khoản tiền gửi phản ánh vào tài khoản này:
- Tiền gửi lệ phí Hải quan.
- Tiền gửi về các khoản thu phạt.
- Tiền gửi về khoản tiền và ngoại tệ tạm giữ chờ xử lý.
- Tiền gửi về khoản thuế tạm thu đã thu chờ hoàn lại cho đối tượng nộp thuế
- Tiền gửi về khoản thuế ẩn lậu đã thu chưa nộp ngân sách
- Tiền gửi về bán ấn chỉ
- Các khoản tiền gửi Kho bạc khác.
Hạch toán tài khoản 112 - Tiền gửi Kho bạc cần tôn trọng một số quy định sau:
1- Căn cứ để hạch toán trên TK 112 - Tiền gửi Kho bạc là các chứng từ liên quan đến việc ghi tăng, ghi giảm tiền gửi trên tài khoản tại Kho bạc, giấy báo Có, báo Nợ hoặc chứng từ tương đương thay giấy báo Có, giấy báo Nợ như giấy nộp tiền vào tài khoản, uỷ nhiệm chi, bản sao kê của Kho bạc...
2- Kế toán tiền gửi Kho bạc phải mở sổ chi tiết để theo dõi từng khoản tiền của Hải quan gửi tại tài khoản tạm giữ tại Kho bạc theo các nội dung tiền gửi trên.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 112 - Tiền gửi kho bạc
Bên Nợ: - Các khoản tiền đã gửi vào tài khoản tại Kho bạc.
Bên Có: - Các khoản tiền đã rút từ tài khoản tiền gửi tại Kho bạc ra.
Số dư bên Nợ:- Số tiền còn gửi ở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc.
Tài khoản 112 - Tiền gửi Kho bạc, có 7 tài khoản cấp 2:
TK 1121 - Tiền gửi lệ phí Hải quan.
TK 1122 - Tiền gửi về thu phạt.
TK 1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý
TK 1124 - Tiền gửi thuế tạm thu
TK 1125 - Tiền gửi thuế ẩn lậu
TK 1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ
TK 1128 - Tiền gửi khác
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CHỦ YẾU
1. Hạch toán tiền gửi về thuế tạm thu:
a- Khi đối tượng nộp thuế tạm thu vào tài khoản của Hải quan mở tại Kho bạc, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1124 - Tiền gửi thuế tạm thu)
Có TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
b- Khi Hải quan chuyển tiền hoàn lại thuế tạm thu cho đối tượng, căn cứ vào chứng từ đã chuyển tiền, kế toán ghi:
Nợ TK 335 - Phải hoàn về thuế tạm thu
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạch (1124 - Tiền gửi thuế tạm thu)
c- Số thuế tạm thu đã nộp, quá thời hạn quy định, các chủ hàng không đến làm thủ tục thanh khoản, nếu cơ quan Hải quan quyết định chuyển số tiền thuế tạm thu đã nộp ngân sách, căn cứ chứng từ chuyển tiền nộp ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách ( TK cấp 2 phù hợp)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1124 - Tiền gửi thuế tạm thu)
2- Tiền gửi về truy thu thuế ẩn lậu:
a- Khi có quyết định về truy thu thuế ẩn lậu.
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
Có TK 717 - Truy thu thuế ẩn lậu (TK cấp 2 phù hợp)
b- Khi nhận được tiền về truy thu thuế ẩn lậu của các đối tượng đã nộp vào kho bạc, căn cứ chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1125 - Tiền gửi thuế ẩn lậu)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
c- Căn cứ vào quyết định nộp ngân sách và trích thưởng về số thuế ẩn lậu đã thu được, dựa trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách và chứng từ chuyển tiền vào tài khoản đơn vị dự toán của Hải quan, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (TK cấp 2 phù hợp).
(số thuế ẩn lậu đã nộp ngân sách)
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số thuế ẩn lậu được trích thưởng)
Có 112 - Tiền gửi Kho bạc (1125 - Tiền gửi thuế ẩn lậu)
3- Tiền gửi và lệ phí Hải quan
a- Khi thu lệ phí Hải quan bằng chuyển khoản, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan.
b- Trường hợp thu lệ phí bằng tiền mặt
- Khi thu tiền mặt, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
- Nộp tiền thu lệ phí vào tài khoản tại kho bạc, căn cứ vào phiếu chi và giấy nộp tiền vào tài khoản do kho bạc chuyển đến, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
Có TK 111 - Tiền mặt
c- Nộp tiền lệ phí thu được vào ngân sách, căn cứ vào giấy nộp tiền vào ngân sách do Kho bạc chuyển về, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán nộp ngân sách.
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1121 - Tiền gửi lệ phí HQ)
d- Phần lệ phí Hải quan được trích lại, căn cứ chứng từ chuyển tiền sang đơn vị dự toán, kế toán ghi:
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1121 - Tiền gửi lệ phí HQ)
4- Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý
a- Khi thu được tiền mặt và ngoại tệ của các đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan, làm thủ tục nhập quỹ:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý.
b- Nếu số tiền tạm giữ thu được làm thủ tục gửi vào tài khoản tại Kho bạc ngay trong ngày (không nhập quỹ đơn vị), căn cứ vào giấy nộp tiền vào tài khoản và báo Có của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
Có TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
c- Xuất quỹ nộp tiền mặt và ngoại tệ vào tài khoản tạm giữ của Hải quan tại Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
Có TK 111 - Tiền mặt
d- Khi có quyết định xử lý trả lại cho đối tượng
- Nếu cơ quan Hải quan rút tiền về quỹ để chi trả cho đối tượng
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
- Xuất quỹ trả tiền cho đối tượng, căn cứ vào phiếu chi kế toán ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Có TK 111 - Tiền mặt
- Nếu cơ quan Hải quan làm thủ tục để đối tượng đến nhận tiền trực tiếp tại Kho bạc, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
5- Tiền gửi về thu phạt vi phạm hành chính
a- Khi các đối tượng đến nộp trực tiếp tiền phạt vào Kho bạc, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122- Tiền gửi về thu phạt)
Có TK 719 - Thu phạt (7192, 7193)
b- Nếu cơ quan Hải quan thu tiền phạt bằng tiền mặt nhập quỹ. Sau đó làm thủ tục xuất quỹ để gửi vào tài khoản tại Kho bạc, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
Có TK 111 - Tiền mặt
c- Cơ quan Hải quan làm thủ tục chuyển tiền thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, căn cứ vào chứng từ chuyển tiền, kế toán ghi:
Nợ TK 719 - Thu phạt (7193 - Thu phạt vi phạm ngoài lĩnh vực thuế)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122- Tiền gửi về thu phạt)
6- Tiền gửi về bán ấn chỉ
a- Khi nộp tiền bán ấn chỉ vào tài khoản của Hải quan tại Kho bạc:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1127 - Tiền bán ấn chỉ)
Có TK 111 - Tiền mặt
b- Chuyển tiền bán ấn chỉ nộp lên cấp trên hoặc chuyển sang đơn vị dự toán
Nợ TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
(chuyển tiền bán án chỉ lên cấp trên)
Nợ TK 343- Vãng lai với đơn vị dự toán
(chuyển tiền bán ấn chỉ sang tài khoản đơn vị dự toán)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi ấn chỉ)
TÀI KHOẢN 113 -TIỀN ĐANG CHUYỂN
Tài khoản này phản ánh các khoản tiền của cơ quan Hải quan đã nộp vào Kho bạc nhưng chưa nhận được chứng từ của Kho bạc (báo Có hay bản sao kê của Kho bạc)
Các khoản được coi là tiền đang chuyển:
- Thu séc nộp vào Kho bạc nhưng chưa nhận được chứng từ của Kho bạc
- Các khoản tiền thuế, tiền phạt, lệ phí Hải quan do cán bộ thu ngân của Kho bạc thu trực tiếp tại cửa khẩu, nhưng Kho bạc chưa có chứng từ chính thức chuyển cho Hải quan
Hạch toán tài khoản 113 - Tiền đang chuyển cần tôn trọng một số quy định sau:
1- Chứng từ để hạch toán tiền đang chuyển là: Bảng kê nộp séc, Giấy báo Có của Kho bạc...
2- Chi hạch toán vào tài khoản 113 “Tiền đang chuyển” các khoản tiền cơ quan Hải quan đã nộp vào Kho bạc (kể cả các khoản tiền do cán bộ thu ngân của Kho bạc thu trực tiếp của các đối tượng nộp thuế tại cửa khẩu) nhưng chưa có giấy báo Có của Kho bạc.
3- Không hạch toán vào tài khoản 113 “Tiền đang chuyển” những khoản đang đi đường do các đối tượng nộp thuế nộp bằng chuyển khoản mà kho bạc chưa có báo Có cho cơ quan Hải quan.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển
Bên Nợ: Số tiền cơ quan Hải quan đã nộp vào Kho bạc nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Kho bạc.
Bên Có: Số tiền nộp Kho bạc đã được Kho bạc báo Có
Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền Hải quan đã nộp Kho bạc nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Kho bạc.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1. Thu thuế
Các đối tượng nộp thuế bằng séc cho cơ quan Hải quan và cơ quan Hải quan đã nộp séc vào Kho bạc nhưng chưa nhận giấy báo Có của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
b- Cán bộ thu ngân của Kho bạc thu trực tiếp tại cửa khẩu (ký nhận tiền trên biên lai thu thuế...) nhưng chưa báo Có cho Hải quan:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Có TK 716 - Thu thuế (Tài khoản thích hợp)
(thuế XNK hàng phi mậu dịch và thuế XNK cư dân biên giới)
c- Khi nhận được giấy báo Có hay chứng từ khác (tương tự như báo Có) của Kho bạc báo số tiền đã nộp vào ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(Tài khoản cấp 2 thích hợp)
Có TK 113 - Tiền đang chuyển
2. Thu lệ phí Hải quan:
Khi thu lệ phí hải quan bằng séc và nộp séc vào Kho bạc, căn cứ vào bảng kê nộp séc, kế toán ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
b- Cán bộ thu ngân của Kho bạc đến thu tiền lệ phí trực tiếp tại cửa khẩu nhưng chưa có báo Có cho Hải quan, căn cứ vào số tiền tổng hợp về thu lệ phí trên biên lai có xác nhận của cán bộ thu ngân của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
c- Khi nhận được báo Có của Kho bạc hoặc chứng từ khác (tương tự như báo Có) của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1121 - Tiền gửi về lệ phí Hải quan)
Có TK 113 - Tiền đang chuyển.
Tài khoản 152 - ấn chỉ bán thu tiền
Tài khoản 152 “ấn chỉ bán thu tiền” sử dụng cho Hải quan các tỉnh, thành phố và Hải quan cửa khẩu đã được phân cấp hạch toán để phản ánh số hiện có và tình hình biến động các loại ấn chỉ bán thu tiền trong đơn vị.
Hạch toán Tài khoản 152 - ấn chỉ bán thu tiền cần tôn trọng một số quy định sau:
1- Trên tài khoản 152 “ấn chỉ bán thu tiền” bên Nợ và bên Có phải hạch toán theo một giá thống nhất: Giá giao của Tổng cục (giá bán lẻ ấn chỉ)
Các chi phí vận chuyển bốc vác không tính vào giá ấn chỉ mà tính thẳng vào chi.
2- Căn cứ để hạch toán tài khoản 152 “ấn chỉ bán thu tiền” là các phiếu xuất, phiếu nhập ấn chỉ. Khi xuất ấn chỉ ở Cục Hải quan giao cho các cửa khẩu coi như là luân chuyển kho nội bộ. Khi các cửa khẩu bán ấn chỉ nộp tiền cho Cục Hải quan lúc đó mới hạch toán giảm kho.
3- Tài khoản 152 “ấn chỉ bán thu tiền” không hạch toán các loại ấn chỉ không thu tiền (loại ấn chỉ cấp phát).
4- Phần hạch toán ấn chỉ ở cấp Tổng cục thực hiện theo hướng dẫn riêng.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 152 - ấn chỉ bán thu tiền
Bên nợ:
Giá trị ấn chỉ loại bán thu tiền nhập kho theo giá Tổng cục giao.
Bên Có: Giá trị ấn chỉ loại bán thu tiền xuất kho
Số dư bên Nợ: Giá trị ấn chỉ bán thu tiền còn tồn kho
Tài khoản 1522 “ấn chỉ bán thu tiền” có 2 tài khoản cấp 2.
Tài khoản 1521 - ấn chỉ trong kho: Tài khoản này dùng cho các Cục Hải quan để phản ánh giá trị ấn chỉ loại bán thu tiền còn trong kho.
Tài khoản 1522 - ấn chỉ tại cửa khẩu: Tài khoản này dùng cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để theo dõi giá trị ấn chỉ bán thu tiền đã xuất kho giao cho các cửa khẩu. Khi các cửa khẩu thanh toán tiền bán ấn chỉ sẽ ghi giảm tài khoản 1522 - ấn chỉ ở cửa khẩu và ghi giảm tài khoản 152 trên Sổ Cái.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
A- CỤC HẢI QUAN CÁC TỈNH
I - ấn chỉ loại không thu tiền
1- Khi nhập kho căn cứ vào chứng từ ghi:
Nợ TK 003 “ấn chỉ không thu tiền”
2- Khi xuất kho căn cứ vào chứng từ ghi:
Có TK 003 “ấn chỉ không thu tiền”.
II- ấn chỉ loại bán thu tiền
1. Nhập kho loại ấn chỉ bán thu tiền nhận từ Tổng cục (theo giá trên hoá đơn)
Nợ TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền (1521 - ấn chỉ trong kho)
(theo giá giao ghi trên hoá đơn)
Có TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
2- Xuất kho ấn chỉ giao cho các cửa khẩu (theo giá giao)
a. Nếu chưa thu tiền (coi như luân chuyển kho từ Cục xuống cửa khẩu)
Nợ TK 1522 - ấn chỉ ở cửa khẩu
Có TK 1521 - ấn chỉ trong kho
b. Nếu bên cửa khẩu nộp tiền ngay (coi như đã bán)
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền (1521 - ấn chỉ trong kho)
3- Khi các cửa khẩu mang tiền lên thanh toán số ấn chỉ đã nhận, căn cứ vào phiếu thu, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền (1522 - ấn chỉ ở cửa khẩu)
4- Nộp tiền bán ấn chỉ vào tài khoản tiền gửi tại kho bạc
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ)
Có TK 111 - Tiền mặt
5- Định kỳ thanh toán tiền đã bán ấn chỉ với Tổng cục
a. Chuyển 95% số tiền bán được về Tổng cục
Nợ TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ)
b. Chuyển 5% số tiền bán ấn chỉ để lại cho đơn vị (chuyển sang tài khoản của đơn vị dự toán).
Nợ TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán (3435 - Tiền bán ấn chỉ)
c. Khi chuyển tiền cho đơn vị dự toán, ghi:
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán (3435 -Tiền bán ấn chỉ)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ)
b- Tại cửa khẩu đã phân cấp hạch toán:
1- Khi nhận ấn chỉ loại bán thu tiền từ Cục Hải quan về nhập kho
Nợ TK 152: ấn chỉ bán thu tiền
Có TK 342: thanh toán tiền bán ấn chỉ
2. Khi xuất ấn chỉ ra bán:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 “ấn chỉ bán thu tiền”
3- Khi nộp tiền bán ấn chỉ về Cục Hải quan
Nợ TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Có TK 111 - Tiền mặt
1- Khi nhập kho, căn cứ vào phiếu nhập kho, ghi:
Nợ TK 003 - ấn chỉ không thu tiền
2- Khi xuất kho, ghi:
Có TK 003 - ấn chỉ không thu tiền
3- Ghi vào các sổ theo dõi ấn chỉ cấp phát để phục vụ cho lập các báo cáo về ấn chỉ.
LOẠI TÀI KHOẢN 3 THANH TOÁN
Loại tài khoản này phản ánh quan hệ thanh toán giữa đơn vị kế toán thu thuế với các đối tượng nộp thuế về số thuế phải thu, số đã thu, số còn phải thu; Số thuế tạm thu phải thu, đã thu, phải hoàn, đã hoàn, số đã hoàn và số thuế tạm thu còn phải hoàn, về số tiền phạt chậm nộp thuế; Quan hệ giữa đơn vị với các đối tượng vi phạm hành chính về thủ tục khai báo, tiền hàng; quan hệ vãng lai giữa các đơn vị kế toán thuế với đơn vị dự toán về các khoản tiền trích lại cho ngành; quan hệ giữa kế toán thuế với Sở Tài chính Vật giá về số tiền hàng tịch thu, tiền phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế... đã xử lý chuyển sang Sở Tài chính sung công quỹ; quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới về các khoản phải nộp lên cho ngành, về tiền bán ấn chỉ; quan hệ giữa Hải quan Tổng cục với các đơn vị cung cấp, in, bán ấn chỉ...
Loại tài khoản 3 có 10 tài khoản
Tài khoản 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Tài khoản 315 - Phải thu về thuế tạm thu
Tài khoản 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
Tài khoản 336 - Phải hoàn thuế tạm thu
Tài khoản 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Tài khoản 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Tài khoản 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
Tài khoản 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Tài khoản 354 - Số nộp ngân sách chuyển đi khấu trừ
Tài khoản 355 - Số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ
TÀI KHOẢN 314 - THANH TOÁN VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ
Tài khoản này phản ánh quan hệ thanh toán giữa đơn vị kế toán thuế với đối tượng nộp thuế về số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế, thu chênh lệch giá phải thu, số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế thu chênh lệch giá đã thu, số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế thu chênh lệch giá còn phải thu.
Hạch toán tài khoản 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế cần tôn trọng một số quy định sau
1- Hạch toán thanh toán với đối tượng nộp thuế phải theo dõi chi tiết cho từng đối tượng nộp thuế, từng tờ khai, từng sắc thuế về số thuế, số tiền chênh lệch giá, phạt chậm nộp thuế phải thu, số thuế, chênh lệch giá và phạt chậm nộp thuế đã thu và số thuế, chênh lệch giá số phạt chậm nộp thuế còn nợ đọng.
2- Các khoản thuế phản ánh vào tài khoản 314 là các khoản thuế xuất nhập khẩu của các đối tượng được phép xuất nhập khẩu hàng hoá và nộp thuế theo thời hạn quy định. Không phản ánh vào tài khoản này các khoản thu thuế xuất nhập khẩu hàng phi mậu dịch và thuế xuất nhập khẩu của cư dân liền kề biên giới và các khoản thuế phải nộp trước khi giải phóng hàng.
3- Căn cứ để hạch toán vào tài khoản này là: Giấy thông báo thu thuế, thông báo phạt chậm nộp thuế, biên lai thu thuế, giấy báo Có... quyết định miễn giảm...
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Bên Nợ:
Tiền thuế, tiền chênh lệch giá, tiền phạt chậm thuế phải thu của các đối tượng nộp thuế xuất nhập khẩu.
- Số thuế được miễn giảm (ghi đỏ)
Bên Có:
- Tiền thuế, tiền chênh lệch giá, tiền phạt chậm thuế đã thu của các đối tượng nộp thuế xuất nhập khẩu
- Bộ Tài chính đã hoàn lại thuế cho đối tượng được miễn giảm (ghi đỏ)
Số dư bên Nợ:
Phản ánh tiền thuế, tiền chênh lệch giá, tiền phạt chậm thuế còn phải thu của các đối tượng nộp thuế xuất nhập khẩu.
Tài khoản 314 có 2 tài khoản cấp 2
TK 3141- Tiền thuế, chênh lệch giá
TK 3142- Phạt chậm thuế
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ TIÊU BIỂU
I- TIỀN THUẾ
1- Số tiền thuế xuất nhập khẩu phải nộp theo thông báo
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141- Tiền thuế)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
2- Khi đối tượng nộp thuế trực tiếp vào Kho bạc, căn cứ vào giấy báo Có của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế).
3- Đối tượng nộp thuế xuất nhập khẩu nộp tiền trực tiếp cho cơ quan Hải quan
a- Nếu nộp bằng séc sau khi cơ quan Hải quan thu séc và nộp séc vào Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(3141- Tiền thuế)
b- Nếu nộp bằng tiền mặt, căn cứ vào biên lai thuế lập phiếu thu nhập quỹ tiền mặt
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
c- Nếu đối tượng nộp thuế bằng tiền mặt, cơ quan Hải quan thu xong nộp ngay vào Kho bạc trong ngày, căn cứ vào biên lai và số tiền thuế thực thu, cơ quan Hải quan viết giấy nộp tiền và nộp tiền ngay vào Kho bạc, căn cứ vào giấy nộp tiền do Kho bạc trả lại, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách.
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
4- Đối tượng nộp thuế xuất nhập khẩu tại cơ quan hải quan nhưng do Kho bạc trực tiếp thu tiền
a- Căn cứ vào biên lai thu thuế có ký nhận của cán bộ thu ngân Kho bạc, cơ quan Hải quan viết giấy nộp tiền vào ngân sách, căn cứ giấy nộp tiền do Kho bạc đã xác nhận, kế toán ghi:
Nợ TK 333 -Thanh toán thu nộp với ngân sách
(chi tiết loại thuế thích hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
b- Trường hợp thu bằng tiền mặt, nhưng chưa làm thủ tục nộp tiền vào ngân sách, căn cứ vào biên lại thu thuế đối chiếu xác nhận với cán bộ thu ngân của Kho bạc về số tiền đã thu (kể các tiền séc) chưa làm thủ tục nộp ngân sách, kế toán ghi
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
II- Tiền phạt chậm nộp thuế
1- Khi có chứng từ phạt chậm nộp thuế, kế toán ghi số tiền phải thu phạt chậm thuế
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3142 - Phạt chậm thuế)
Có TK 719 - Thu phạt (7191 - Phạt chậm nộp thuế)
2- Khi đối tượng nộp tiền phạt chậm thuế, căn cứ vào chứng từ nộp tiền
- Nếu nộp bằng tiền mặt, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3142- Phạt nộp chậm thuế)
- Nếu nộp bằng séc
Nợ TK 113 -Tiền đang chuyển
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(3142 - Phạt nộp chậm thuế)
- Nếu đối tượng nộp thẳng vào Kho bạc, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc chuyển cho Hải quan (báo Có, giấy nộp tiền vào ngân sách), kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(3142- Phạt chậm thuế)
TÀI KHOẢN 315 - PHẢI THU VỀ THUẾ TẠM THU
Tài khoản này phản ánh số thuế tạm thu phải thu, số thuế tạm thu đã thu và số thuế tạm thu còn phải thu của từng đối tượng nộp thuế
Hạch toán tài khoản 315 - Phải thu về thuế tạm thu cần tôn trọng một số quy định sau
1- Chứng từ hạch toán vào tài khoản này là giấy thông báo thuế, biên lai thu thuế và giấy báo Có của Kho bạc...
2- Hạch toán tài khoản 315 phải theo dõi chi tiết cho từng đối tượng nộp thuế theo từng tờ khai, từng thông báo thuế và từng lần nộp thuế, từng lần hoàn thuế.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 315 - Phải thu về thuế tạm thu
Bên Nợ:
- Số thuế tạm thu phải thu theo thông báo:
- Đã thông báo có quyết định không thu (ghi đỏ)
Bên Có:
- Số thuế đã tạm thu
Số dư bên Nợ:
- Số thuế tạm thu còn phải thu
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NHIỆM VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Số thuế tạm thu phải thu theo thông báo
Nợ TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
Có TK 715 - Thuế tạm thu (tài khoản cấp 2 phù hợp)
2- Khi nhận được chứng từ nộp thuế tạm thu, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ 112 - Tiền gửi Kho bạc (1124 - Tiền thuế tạm thu)
Có TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
3- Khi có quyết định không thu về số thuế tạm thu đã ra thông báo (ghi đỏ)
Có TK 715 - Thuế tạm thu (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Nợ TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
TÀI KHOẢN 333 - THANH TOÁN THU NỘP NGÂN SÁCH
Tài khoản này phản ánh tình hình thu nộp ngân sách của các đơn vị Hải quan về các khoản thuế, thu chênh lệch giá, tiền phạt, tiền lệ phí, và các khoản thu khác phải nộp ngân sách theo quy định.
Hạch toán tài khoản 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách cần tôn trọng một số quy định sau:
1 - Căn cứ hạch toán tài khoản này: Thông báo thuế, Quyết định miễn giảm thuế, biên lai thu thuế (phần thuế xuất nhập khẩu phi mậu dịch và thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới. Quyết định truy thu thuế ẩn lậu, Quyết định xử lý số tiền bán hàng tịch thu, tiền phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế, giấy nộp tiền vào ngân sách, giấy báo Có của Kho bạc....
2- Hạch toán tài khoản 333 “Thanh toán thu nộp ngân sách” phải theo dõi chi tiết số tiền phải nộp, số đã nộp ngân sách theo từng lần nộp, số thuế miễn giảm được hoàn theo từng sắc thuế và theo mục lục ngân sách.
3- Đối với các khoản tiền, hàng tịch thu, tiền phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế... sau khi đã chuyển sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính Vật giá để tiếp tục xử lý. Căn cứ vào quyết định xử lý của Sở Tài chính Vật giá về số nộp ngân sách và chứng từ đã nộp ngân sách, kế toán Hải quan phản ánh số phải nộp, số đã nộp ngân sách theo chứng từ của Sở Tài chính để tính vào số thu nộp ngân sách của ngành Hải quan.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
Bên Nợ:
- Tiền thu thuế, thu chênh lệch giá, thu phạt và các khoản tiền khác đã nộp vào ngân sách
Bộ Tài chính báo đã hoàn lại tiền thuế, tiền phạt cho các đối tượng được miễn giảm thuế (ghi đỏ)
Bên Có:
- Tiền thuế, tiền thu chênh lệch giá và các khoản tiền khác đã thu
- Số được miễn, giảm tiền thuế, tiền phạt chậm thuế khi có quyết định (ghi đỏ)
Số dư bên Có:
- Các khoản thuế và tiền thu chênh lệch giá còn phải nộp ngân sách
- Các khoản khác đã thu còn phải nộp ngân sách
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
I- Hạch toán tiền thuế, tiền thu chênh lệch giá, phạt chậm thuế đã thu phải nộp ngân sách
1 - Thuế xuất, nhập khẩu của các đối tượng được phép xuất, nhập khẩu hàng hoá trước rồi nộp thuế sau trong hạn định:
a- Căn cứ vào bảng kê tổng hợp biên lai phản ánh số thuế, số chênh lệch giá đã thu phải nộp ngân sách.
Nợ TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
b- Tiền phạt chậm thuế đã thu phải nộp ngân sách
Nợ TK 719 - Thu phạt (7191- Phạt nộp chậm thuế)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
c- Khi đối tượng nộp thuế:
- Nếu đối tượng nộp thuế trực tiếp vào Kho bạc, căn cứ vào báo Có của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141- Tiền thuế)
- Nếu đối tượng nộp thuế bằng tiền mặt cho cơ quan Hải quan, cơ quan Hải quan viết giấy nộp tiền vào ngân sách.
+ Nếu cơ quan Hải quan thu thuế xong, viết giấy nộp tiền ngay vào Kho bạc (không qua nhập quỹ cơ quan)
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (314 - Tiền thuế)
+ Nếu tiền mặt nhập quỹ cơ quan, sau đó mới xuất quỹ nộp tiền thuế vào Kho bạc. Căn cứ vào phiếu chi và giấy nộp tiền mặt vào ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
Có TK 111 - Tiền mặt
- Nếu đối tượng nộp bằng séc, sau khi đã nộp séc vào Kho bạc, khi nhận được báo Có của Kho bạc kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 113 -Tiền đang chuyển
d- Khi có quyết định miễn giảm thuế cho đối tượng về số thuế đã nộp vào ngân sách (đối với những đối tượng chấm dứt làm thủ tục xuất, nhập khẩu hoặc những khoản được miễn giảm nhưng không được khấu trừ vào lô hàng tiếp theo):
d1- Ghi giảm số thuế được miễn giảm phải nộp ngân sách (bút toán đỏ)
Nợ TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp ) (ghi đỏ)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (ghi đỏ)
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
d2- Khi nhận được chứng từ của Bộ Tài chính báo số tiền thuế đã hoàn cho đối tượng nộp thuế theo số thuế miễn giảm.
Nợ TK 333- Thanh toán thu nộp ngân sách (ghi đỏ)
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (ghi đỏ)
(3141 - Tiền thuế)
d3 - Trường hợp đối tượng được miễn giảm thuế ở tờ khai này nhưng lại chuyển số thuế đã nộp sang nộp thay cho tờ khai khác thì chỉ ghi bút toán d1. Sau đó căn cứ vào thông báo nộp thuế của tờ khai mới ghi số thuế mới phải nộp.
2. Tiền phạt chậm thuế phải nộp ngân sách
a- Căn cứ tiền phạt chậm thuế đã thu được, xác định số phải nộp ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 719 - Thu phạt (7191 - Phạt chậm thuế)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(3337 - phạt chậm thuế)
b- Khi nộp tiền phạt chậm thuế vào ngân sách, căn cứ vào giấy nộp tiền, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (3337 - Phạt chậm thuế)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi thu phạt)
3- Tiền thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới
a- Căn cứ bảng kê tổng hợp biên lai (thu thuế xuất nhập khẩu của cư dân liền kề biên giới) phản ánh số thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới đã thu phải nộp ngân sách.
Nợ TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 thích hợp)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 thích hợp)
b- Khi ghi nhận được báo Có của Kho bạc hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách đã được Kho bạc xác nhận về số thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới đã nộp ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (tài khoản cấp 2 thích hợp)
Có TK 111 - Tiền mặt
Có TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 thích hợp)
4- Các khoản thu khác nộp ngân sách
a- Số thuế tạm thu đã thu, nếu quyết định chuyển nộp ngân sách (đã quá thời hạn đối tượng không đến làm thủ tục thanh khoản), kế toán ghi:
Nợ TK 715 - Thuế tạm thu
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
b- Số thuế ẩn lậu truy thu phải nộp ngân sách
Nợ TK 717 -Truy thu thuế ẩn lậu
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
c- Số lệ phí Hải quan đã thu phải nộp ngân sách
Nợ TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
d- Khi chuyển tiền nộp ngân sách về số thuế tạm thu, số truy thu thuế ẩn lậu và số lệ phí Hải quan, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 thích hợp)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (tài khoản cấp 2 phù hợp)
e- Các khoản tiền hàng tịch thu và tiền thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế chuyển sang Sở Tài chính vật giá xử lý tiếp.
- Căn cứ vào quyết định của Sở Tài chính về số tiền phải nộp ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
(đối với thu vi phạm HC ngoài lĩnh vực thuế)
Nợ TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
- Khi nhận được chứng từ của Kho bạc báo số tiền Sở Tài chính đã nộp vào ngân sách, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
Có TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
g- Số tiền thu phạt trong lĩnh vực thuế phải nộp ngân sách.
- Số phải nộp ngân sách
Nợ TK 719 - Thu phạt (7191 - Thu phạt HC trong lĩnh vực thuế)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(3339 - Phạt vi phạm hành chính)
- Khi chuyển tiền nộp ngân sách, ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(3339 - Phạt vi phạm hành chính)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi về tiền phạt)
Tài khoản 355 - phải hoàn về thuế tạm thu
Tài khoản này phải ánh số thuế tạm thu đã thu phải hoàn và số thuế tạm thu đã hoàn cho các đối tượng nộp thuế tạm thu
Kết cấu, nội dung phản ánh của tài khoản 335 - Phải hoàn về thuế tạm thu
Bên Nợ:
- Số thuế tạm thu đã hoàn cho đối tượng nộp thuế
Bên Có:
- Số thuế tạm thu phải hoàn cho đối tượng nộp thuế
Số dư bên Có
- Số thuế tạm thu còn phải hoàn
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Phản ánh số thuế tạm thu phải hoàn cho đối tượng nộp thuế, kế toán ghi:
Nợ TK 715 - Thuế tạm thu
Có TK 335 - Phải hoàn về thuế tạm thu
2- Chuyển tiền hoàn thuế tạm thu cho đối tượng nộp thuế, kế toán ghi:
Nợ TK 335 - Phải hoàn về thuế tạm thu
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
(1124 - Tiền gửi thuế tạm thu)
TÀI KHOẢN 338 - TIỀN TẠM GIỮ CHỜ XỬ LÝ
Tài khoản này phản ánh số tiền mặt và ngoại tệ tạm giữ của các đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan và việc xử lý số tiền tạm giữ đó.
Hạch toán tài khoản 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý cần tôn trọng một số quy định sau
1- Quá trình xử lý tiền tạm giữ chờ xử lý chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ khi tạm giữ cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan Hải quan (kể cả phần trả lại cho đối tượng); Giai đoạn 2 đối với số tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính vật giá xử lý tiếp để sung công quỹ. Vì vậy quá trình kế toán tiền tạm giữ chờ xử lý theo trình tự sau:
- Từ khi tạm giữ tiền cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan Hải quan. Giai đoạn này theo dõi trên tài khoản 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý. Đối với số tiền xử lý tịch thu chuyển sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính Vật giá được theo dõi trên tài khoản 005 “Giá trị hàng hoá, tiền hàng tịch thu chuyển sang Sở Tài chính xử lý”.
- Sau khi Sở Tài chính Vật giá bán có quyết định xử lý nộp ngân sách, thanh toán kinh phí kiểm soát, trích thưởng... căn cứ vào quyết định của Sở Tài chính, Hải quan theo dõi tiếp trên tài khoản 720 - Thu bán tiền hàng tịch thu cho đến khi thanh toán nộp ngân sách, trích thưởng...
2- Chứng từ hạch toán vào tài khoản 338 “Tiền tạm giữ chờ xử lý” là: biên bản tạm giữ, phiếu thu, quyết định xử lý, phiếu chi và các chứng từ của Sở Tài chính. Vật giá sau khi bán, quyết định phân phối (nộp ngân sách, thanh toán chi phí, trích thưởng).
3- Hạch toán tiền tạm giữ chờ xử lý hạch toán chi tiết cho từng đối tượng có tiền tạm giữ chờ xử lý.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Bên Nợ:
-Trả lại tiền tạm giữ cho đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan
- Khi có quy định tịch thu chuyển số tiền tạm giữ sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính để xử lý tiếp.
Bên Có:
- Nhập quỹ số tiền và ngoại tệ tạm giữ của đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan.
Số dư Bên Có:
Phản ánh số tiền, ngoại tệ tạm giữ chưa có quyết định xử lý.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Khi tạm giữ tiền và ngoại tệ của đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan căn cứ vào biên bản tạm giữ tang vật, lập phiếu làm thủ tục nhập quỹ, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý.
2- Nộp tiền và ngoại tệ vào tài khoản tạm giữ của Hải quan tại Kho bạc. Căn cứ vào phiếu chi và giấy nộp tiền vào tài khoản (báo Có) kế toán ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
Có TK 111 - Tiền mặt
3- Khi có quyết định xử lý trả lại tiền cho đối tượng vi phạm, căn cứ chứng từ giao nhận tiền của đối tượng vi phạm (phiếu chi, báo Nợ...), kế toán ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Có TK 111- Tiền mặt (nếu đối tượng nhận tiền tại quỹ của HQ)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
(Nếu đối tượng đến nhận tiền trực tiếp tại Kho bạc)
4- Khi có quyết định tịch thu sung công quỹ:
Căn cứ vào chứng từ chuyển tiền sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, kế toán ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý.
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền gửi tạm giữ chờ xử lý)
- Đồng thời phản ánh vào bên Nợ tài khoản 005 “Giá trị hàng hoá tịch thu chuyển sang Sở Tài chính”.
b- Sau khi Sở Tài chính vật giá bên bán ngoại tệ và có quyết định phân phối số tiền:
- Phản ánh tổng số ngoại tệ bán được theo đồng Việt Nam.
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
- Căn cứ vào quyết định phân phối của Sở Tài chính
Nợ TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(số phải nộp ngân sách) (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số trích thưởng và thanh toán kinh phí kiểm soát)
- Khi nhận được chứng từ của Kho bạc báo số tiền Sở Tài chính đã nộp ngân sách hoặc số tiền chi kinh phí kiểm soát, trích thưởng đã chuyển vào tài khoản của Hải quan, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (tài khoản cấp 2 phù hợp)
(số đã nộp ngân sách)
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số chuyển sang đơn vị dự toán)
Có TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Đồng thời ghi Có TK 005 “Giá trị hàng hoá tịch thu chuyển sang Sở Tài chính”.
TÀI KHOẢN 342 - THANH TOÁN TIỀN BÁN ẤN CHỈ
Tài khoản này sử dụng cho các Cục Hải quan và Hải quan các cửa khẩu để phân cấp hạch toán nhằm phản ánh số tiền phải thanh toán về loại ấn chỉ bán thu tiền giữa Cục Hải quan với Tổng cục và giữa Cục Hải quan với các cửa khẩu và việc thanh toán số tiền đã bán ấn chỉ.
Hạch toán tài khoản 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ cần tôn trọng một số quy định sau
1- Căn cứ hạch toán tài khoản này là: Chứng từ xuất ấn chỉ của Tổng cục và chứng từ giao ấn chỉ loại bán thu tiền cho các cửa khẩu, chứng từ chuyển tiền thanh toán tiền ấn chỉ.
2- Để hạch toán tài khoản này phải mở sổ chi tiết hạch toán chi tiết cho từng đơn vị đã nhận ấn chỉ bán thu tiền và từng lần đã thanh toán.
3- ở những cửa khẩu đã được phân cấp công tác hạch toán đầy đủ thì có thể dùng tài khoản này để phản ánh số tiền ấn chỉ loại bán thu tiền và việc thanh toán số tiền bán ấn chỉ với Cục.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Bên Nợ:
- Cấp Cục:
+ Số tiền bán ấn chỉ đã chuyển về Tổng cục (95% số tiền thu bán ấn chỉ).
+ 5% số tiền bán ấn chỉ chuyển sang tài khoản đơn vị dự toán.
- Cửa khẩu: Số tiền bán ấn chỉ đã thanh toán với Cục Hải quan (100%)
Bên Có:
- Cấp Cục
+ Số phải thanh toán về loại ấn chỉ bán thu tiền đã nhận của Tổng cục
- Cửa khẩu: Số phải thanh toán về loại ấn chỉ bán thu tiền đã nhận của Cục.
Số dư bên Có:
- Cấp Cục: Giá trị ấn chỉ loại bán thu tiền còn phải thanh toán với Tổng cục.
- Cửa khẩu: Giá trị ấn chỉ loại bán thu tiền còn phải thanh toán với Cục.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
I- Cấp cục
1- Khi nhận ấn chỉ loại bán thu tiền của Tổng cục về bán, phản ánh số tiền phải thanh toán với Tổng cục.
Nợ TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền (1521 - ấn chỉ trong kho)
(giá giao của Tổng cục) (bằng 100% giá bán)
Có TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ (số tiền phải thanh toán với Tổng cục) (100% giá bán)
2- Khi xuất ấn chỉ loại bán thu tiền giao cho cửa khẩu, căn cứ vào phiếu xuất kho, ghi:
Nợ TK 1522 - ấn chỉ tại các cửa khẩu (giá của Tổng cục) (100% giá bán)
Có TK 1521 - ấn chỉ trong kho (giá của Tổng cục) (100% giá bán)
3- Khi các cửa khẩu thanh toán tiền bán ấn chỉ, căn cứ vào phiếu thu, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền (1522 - ấn chỉ tại cửa khẩu)
4- Xuất ấn chỉ bán tại Văn phòng Cục, căn cứ vào chứng từ xuất bán và phiếu thu, kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền (1521 - ấn chỉ trong kho)
(giá 100% giá bán)
5- Xuất quỹ nộp tiền bán ấn chỉ vào tài khoản tại Kho bạc:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ)
Có TK 111 - Tiền mặt
6- Chuyển tiền bán ấn chỉ về thanh toán với Tổng cục (95% số tiền bán được)
Nợ TK 342- Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1126 - Tiền gửi bán ấn chỉ)
7- Số tiền về bán ấn chỉ để lại cho tỉnh (5%) chuyển sang đơn vị dự toán để chi phí
Nợ TK 342 - Thanh toán nội bộ (5% số tiền bán ấn chỉ)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán (3435- Tiền bán ấn chỉ)
II- Cửa khẩu (đối với cửa khẩu đã phân cấp hạch toán đầy đủ)
1 - Khi nhận ấn chỉ loại bán thu tiền của Cục:
Nợ TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền
Có TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
2- Khi bán ấn chỉ thu tiền mặt nhập quỹ
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 152 - ấn chỉ bán thu tiền
3- Khi nộp tiền bán ấn chỉ về Cục Hải quan:
Nợ TK 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ
Có TK 111 - Tiền mặt
TÀI KHOẢN 343 - VÃNG LAI ĐƠN VỊ DỰ TOÁN
Tài khoản này sử dụng cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để phản ánh quan hệ thanh toán giữa đơn vị kế toán thuế với đơn vị dự toán về các khoản được trích lại cho ngành theo chế độ của Nhà nước.
Nội dung các khoản phản ánh quan hệ vãng lai với đơn vị dự toán
- Về tiền bán ấn chỉ được trích lại
- Tiền thu về lệ phí Hải quan được trích lại
- Các khoản được trích thưởng và số kinh phí kiểm soát được thanh toán theo chế độ.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
Bên Nợ: Các khoản tiền đã chuyển sang tài khoản của đơn vị dự toán
Bên Có: Số chi phí kiểm soát được thanh toán
Các khoản được trích thưởng
5% tiền bán ấn chỉ chuyển sang đơn vị dự toán
Số dư bên Có: Các khoản kinh phí kiểm soát được thanh toán và số được trích thưởng, tiền bán ấn chỉ chưa chuyển sang đơn vị dự toán.
Tài khoản 343 có 6 tài khoản cấp 2
Tài khoản 3431 - Tiền bán hàng tịch thu
Tài khoản 3432 - Lệ phí Hải quan
Tài khoản 3433 - Tiền truy thu thuế ẩn lậu
Tài khoản 3434 - Tiền phạt
Tài khoản 3435 - Tiền bán ấn chỉ
Tài khoản 3438 - Các khoản khác
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Số tiền bán ấn chỉ được trích lại cho đơn vị (5%) chuyển sang đơn vị dự toán để chi
Nợ 342 - Thanh toán tiền bán ấn chỉ.
Có 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(3435 - Tiền bán ấn chỉ )
2- Số tiền lệ phí Hải quan được trích cho ngành chuyển sang đơn vị dự toán
Nợ TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
Có 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(3432 - Lệ phí Hải quan)
3- Căn cứ vào chứng từ của Sở Tài chính thông báo số chi kinh phí kiểm soát được thanh toán và các khoản được trích thưởng theo quy định.
a- Căn cứ vào quyết định ghi:
Nợ TK 720 - Thu bán tiền, hàng tịch thu
(số bán hàng và ngoại tệ tịch thu)
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
(số tiền thu phạt ngoài lĩnh vực thuế)
Có 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
b- Khi nhận được tiền do Sở Tài chính chuyển về, căn cứ vào báo cáo Có kế toán ghi:
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
Có TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
4- Chuyển tiền lệ phí Hải quan, tiền bán ấn chỉ được trích lại sang tài khoản đơn vị dự toán, kế toán ghi:
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán (3432, 3435)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
(1121 - Tiền gửi lệ phí Hải quan)
(1127 - Tiền bán ấn chỉ)
TÀI KHOẢN 344 - VÃNG LAI VỚI SỞ TÀI CHÍNH
Tài khoản này dùng cho Hải quan các tỉnh, thành phố để theo dõi các khoản tiền về thu phạt vi phạm ngoài lĩnh vực thuế; tiền, ngoại tệ, hàng hoá đã có quyết định tịch thu sung công quỹ đã chuyển sang Sở Tài chính - Vật giá và việc xử lý của Sở Tài chính vật giá đối với các khoản tiền đó
Hạch toán tài khoản 344 - Vãng lai với Sở Tài chính cần tôn trọng một số quy định sau
1. Nội dung phản ánh vào tài khoản này: Số tiền thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế, số tiền, ngoại tệ, hàng hoá có quyết định tịch thu sung công quỹ chuyển sang Sở Tài chính để bán, nộp ngân sách, thanh toán chi phí kiểm soát và trích thưởng.
2- Đối với ngoại tệ, tiền mặt, hàng hoá bị tịch thu, sau khi đã có quyết định xử lý chuyển sang Sở Tài chính - Vật giá trước hết ghi Nợ tài khoản 005 “Giá tiền, hàng hoá tịch thu đã chuyển sang Sở Tài chính”. Khi Sở Tài chính bán ngoại tệ, hàng hoá tịch thu, căn cứ số tiền đã bán phản ánh vào bên Nợ tài khoản 344 - Vãng lai với Sở Tài chính, bên Có tài khoản 720 - Thu bán hàng tịch thu. Sau khi Sở Tài chính xử lý việc bán, nộp ngân sách, trích thưởng thì ghi Có tài khoản 005 “Giá trị tiền, hàng hoá tịch thu đã chuyển sang Sở Tài chính”.
3- Hạch toán tài khoản 344 mở sổ hạch toán chi tiết từng khoản theo từng vụ việc đã chuyển sang Sở Tài chính từ khi chuyển tiền, chuyền hàng cho đến khi nhận được chứng tư chuyển tiền nộp ngân sách và chứng từ chuyển tiền trích thưởng, thanh toán kinh phí kiểm soát của Sở Tài chính.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Bên Nợ:
- Số thu bán ngoại tệ và hàng hoá tịch thu do Sở Tài chính bán.
- Số tiền mặt xử lý tịch thu và số thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế đã chuyển sang Sở Tài chính.
Bên Có:
Số tiền, hàng hoá chuyển sang Sở Tài chính đã được xử lý nộp ngân sách, thanh toán kinh phí kiểm soát, trích thưởng cho ngành, cho đơn vị.
Số dư bên Nợ:
Số tiền mặt, ngoại tệ, hàng hoá tịch thu và số thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế chuyển sang Sở Tài chính nhưng chưa có quyết định phân phối.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
I- Đối với các khoản tiền, hàng hoá sau khi có quyết định tịch thu:
1- Khi chuyển sang Sở Tài chính - Vật giá số tiền mặt, ngoại tệ hàng hoá tịch thu để bán ghi Nợ tài khoản 005 “Giá trị tiền, hàng hoá tịch thu đã chuyển sang Sở Tài chính”.
2- Đối với tiền mặt (tiền Việt Nam)
- Chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, căn cứ vào quyết định xử lý tịch thu và chứng từ chuyển tiền sang Sở Tài chính, ghi:
Nợ TK 338 - Tiền tạm giữ chờ xử lý
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1123 - Tiền tạm giữ chờ xử lý)
- Đồng thời căn cứ vào chứng từ chuyển tiền, ghi:
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính.
Có TK 720 - Thu bán hàng hoá tịch thu
3- Đối với ngoại tệ và hàng hoá
a- Căn cứ vào hoá đơn bán hàng sung công quỹ của Sở Tài chính, phản ánh số tiền bán hàng hoá và ngoại tệ có TK 005 và ghi:
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
b- Căn cứ vào quyết định phân phối của Sở Tài chính về số tiền bán hàng tịch thu, kế toán ghi:
Nợ TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (số tiền phải nộp ngân sách)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số tiền được thanh toán kinh phí kiểm soát và trích thưởng)
c- Khi nhận được chứng từ nộp ngân sách và chứng từ chuyển tiền của Sở Tài chính về tài khoản của Hải quan, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách.
(số tiền đã nộp vào ngân sách)
Nợ TK 343- Vãng lai với đơn vị dự toán
(số tiền được thanh toán kinh phí kiểm soát và trích thưởng)
Có TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
TÀI KHOẢN 354 - SỐ NỘP NGÂN SÁCH CHUYỂN ĐI KHẤU TRỪ
Tài khoản 354 dùng cho các đơn vị Hải quan để phản ánh số thu đã nộp ngân sách của những đối tượng nộp thuế được cấp có thẩm quyền xét miễn giảm và đối tượng nộp thuế yêu cầu đơn vị làm thủ tục chuyển chỉ tiêu đã nộp ngân sách được miễn giảm đến Hải quan địa phương khác để khấu trừ vào số phải nộp ngân sách của họ tại địa phương đó.
Hạch toán tài khoản 354 “Số nộp ngân sách chuyển đi khấu trừ” phải tuân thủ đúng những quy định về hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về số nộp ngân sách của các đối tượng nộp thuế chuyển đi, chuyển đến khấu trừ thuế.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 354 - Số nộp ngân sách chuyển đi khấu trừ
Bên Nợ: Nhận được chứng từ của Hải quan bạn thông báo số nộp ngân sách chuyển đi đã được khấu trừ vào số nộp ở Hải quan bạn
Bên Có: Số thu đã nộp ngân sách của đối tượng nộp thuế được miễn giảm xin chuyển đi khấu trừ vào số phải nộp ở Hải quan khác.
Số dư bên Có: Phản ánh số thu nộp ngân sách đã chuyển đi khấu trừ ở địa phương khác nhưng chưa nhận được chứng từ của Hải quan bạn báo về.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Căn cứ vào thông báo nộp thuế, phản ánh số thuế xuất nhập khẩu và thu chênh lệch giá phải thu, ghi:
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Có TK 716 - Thu thuế
2- Đối tượng nộp thuế đã chuyển tiền nộp thuế và tiền chênh lệch giá vào ngân sách, căn cứ vào chứng từ, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế.
3- Căn cứ Bảng kê tổng hợp biên lai phản ánh số thuế, số chênh lệch giá đã thu phải nộp ngân sách, ghi:
Nợ TK 716 - Thu thuế
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
4- Khi quyết định miễn giảm thuế của cấp có thẩm quyền phản ánh số được miễn giảm bằng bút toán đỏ, ghi:
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(Ghi đỏ số được miễn giảm)
Có TK 716 - Thu thuế (Ghi đỏ số được miễn giảm)
5- Điều chỉnh giảm số thu phải nộp ngân sách theo số được miễn giảm bằng bút toán đỏ, ghi:
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (ghi đỏ số được miễn giảm)
Nợ TK 716 - Thu thuế (ghi đỏ số được miễn giảm)
6- Căn cứ vào giấy đề nghị của đối tượng nộp thuế xin chuyển chỉ tiêu đã nộp ngân sách được miễn giảm chuyển đi khấu trừ ở địa phương khác, ghi:
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Có TK 354 - Số nộp ngân sách chuyển đi khấu trừ.
7- Khi nhận được giấy báo của Hải quan bạn, báo số thu đã nộp ngân sách chuyển đến đã được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 354 - Số nộp ngân sách chuyển đi khấu trừ
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách.
TÀI KHOẢN 355 - SỐ NỘP NGÂN SÁCH CHUYỂN ĐẾN KHẤU TRỪ
Tài khoản 355 dùng cho các đơn vị Hải quan để phản ánh số nộp ngân sách của đối tượng nộp thuế từ Hải quan bạn chuyển đến để khấu trừ vào số phải nộp ngân sách tại đơn vị.
Hạch toán tài khoản 355 “Số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ” phải thực hiện đúng quy định hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về chuyển chỉ tiêu đã nộp ngân sách chuyển đi, chuyển đến khấu trừ.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 355 - Số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ
Bên Nợ: Số nộp ngân sách từ đơn vị bạn được chuyển đến khấu trừ vào số phải nộp của đối tượng nộp thuế tại đơn vị
Bên Có: Kết chuyển số thuế đã nộp ngân sách được khấu trừ
Số dư bên Nợ: Phản ánh số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ chưa được kết chuyển.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Số thuế và chênh lệch giá đối tượng phải nộp theo thông báo
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Có TK 716 - Thu thuế
2- Căn cứ vào chứng từ của Hải quan bạn do đối tượng nộp thuế mang đến, phản ánh số đã nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ vào số phải nộp của họ tại đơn vị, kế toán ghi:
Nợ TK 355 - Số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ
Có K 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
3- Đối tượng nộp thuế chuyển tiền số tiền còn phải nộp vào ngân sách, căn cứ vào chứng từ của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
4- Kết chuyển số đã nộp ngân sách được khấu trừ vào số phải nộp ngân sách, ghi:
Nợ TK 716 - Thu thuế
Có TK 355 - Số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ.
5- Kết chuyển số đã phải thu nộp ngân sách sau khi đã khấu trừ, ghi:
Nợ TK 716 - Thu thuế
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách.
LOẠI TÀI KHOẢN 7
THU NỘP NGÂN SÁCH
Loại tài khoản này dùng để phản ánh các khoản thu nộp ngân sách về tiền thuế, tiền chênh lệch giá, tiền thuế tạm thu, thuế ẩn lậu, tiền thu lệ phí Hải quan, tiền phạt, tiền bán hàng tịch thu và các khoản thu nộp khác.
Loại tài khoản 7 có 6 tài khoản
Tài khoản 715 - Thuế tạm thu
Tài khoản 716 - Thu thuế
Tài khoản 717 - Truy thu thuế ẩn lậu
Tài khoản 718 - Thu lệ phí Hải quan
Tài khoản 719 - Thu phạt
Tài khoản 720 - Thu bán hàng tịch thu
TÀI KHOẢN 715 - THUẾ TẠM THU
Tài khoản này phản ánh số thuế phải thu, số thuế tạm thu đã thu, số thuế tạm thu đã hoàn của những hàng hoá tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, hàng hoá là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng hoá bán ở cửa hàng miễn thuế.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 715 - Thuế tạm thu
Bên Nợ
- Số thuế tạm thu đã thu phải hoàn cho đối tượng nộp thuế
- Số thuế tạm thu đã thu phải nộp Ngân sách (đã quá thời hạn quy định nhưng chủ hàng không đến làm thủ tục thanh toán; khi có quyết định nộp ngân sách).
Bên Có:
- Số thuế tạm thu phải thu của đối tượng nộp thuế (theo thông báo thu thuế)
Số dư bên Có:
- Số thuế tạm thu đã ra thông báo nhưng chưa thu được
Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
1- Số thuế phải thu của các đối tượng nộp thuế (theo thông báo thu thuế)
- Số thuế tạm thu đã thông báo có quyết định không thu (ghi đỏ)
Nợ TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
Có 715 - Thuế tạm thu
2- Sau khi ra thông báo thu thuế, nếu quyết định không thu thuế, kế toán ghi đỏ:
Có TK 715 - Thuế tạm thu
Nợ TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
3- Khi đối tượng nộp thuế tạm thu cho cơ quan Hải quan
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1124 - Tiền gửi thuế tạm thu)
Có TK 315 - Phải thu về thuế tạm thu
4- Phản ánh số thuế tạm thu phải hoàn cho những đối tượng đã nộp thuế tạm thu có đủ điều kiện để hoàn.
Nợ TK 715 - Thuế tạm thu
Có TK 335 - Phải hoàn về thuế tạm thu
5- Khi cơ quan Hải quan chuyển tiền hoàn thuế cho đối tượng nộp thuế tạm thu
Nợ TK 335 - Phải hoàn về thuế tạm thu
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1124 - Tiền gửi thuế tạm thu)
TÀI KHOẢN 716 -THU THUẾ
Tài khoản này phản ánh số thuế và tiền thu chênh lệch giá phải thu, đã thu số được miễn giảm và số còn nợ đọng của các đối tượng có hàng hoá xuất, nhập khẩu
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 716 - Thu thuế
Bên Nợ:
- Số thuế và tiền thu chênh lệch giá đã thu phải nộp ngân sách.
- Điều chỉnh giảm số thu phải nộp ngân sách khi có quyết định miễn giảm thuế, và thu chênh lệch giá của cấp có thẩm quyền (ghi đỏ) đối với những khoản đã nộp vào ngân sách.
Bên Có:
- Số thuế xuất nhập khẩu và số thu chênh lệch giá phải thu
- Điều chỉnh giảm số thuế xuất, nhập khẩu phải thu khi có quyết định miễn giảm của cấp có thẩm quyền (ghi đỏ)
- Số thuế tiểu ngạch đã thu được
Số dư Có:
- Phản ánh số thuế, chênh lệch giá còn phải thu và số thuế đã thu còn phải nộp ngân sách
Tài khoản này có 7 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 7161- Thuế xuất khẩu
- Tài khoản 7162 - Thuế nhập khẩu
- Tài khoản 7163 - Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu
- Tài khoản 7164 - Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Tài khoản 7165 - Thuế thu nhập: Phản ánh số thuế thu nhập phải thu của các đối tượng nhận quà biếu từ nước ngoài gửi về trên mức quy định.
- Tài khoản 165 - Thu chênh lệch giá
- Tài khoản 7168 - Các thuế khác
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
I- Thu thuế xuất nhập khẩu và thu chênh lệch giá:
1- Cuối ngày căn cứ vào bảng kê thông báo thuế (loại thuế xuất nhập khẩu) và số thu chênh lệch giá phải thu của các đối tượng nộp thuế
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (3141 - Tiền thuế)
Có TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
2- Khi đối tượng nộp thuế, căn cứ vào biên lai thuế và các chứng từ thu tiền (phiếu thu, giấy nộp séc, báo Có của Kho bạc....), kế toán ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (thu bằng séc đã nộp KB hoặc KB thu ngân trực tiếp mà chưa có báo Có)
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (đối tượng nộp thuế chuyển khoản thẳng vào KB) (báo Có)
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(3141 - Tiền thuế)
2b- Đồng thời căn cứ vào bảng kê tổng hợp biên lai phản ánh số thuế, số chênh lệch giá đã thu phải nộp ngân sách
Nợ TK 716 - Thu thuế
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
3- Khi có quyết định miễn giảm thuế của cấp có thẩm quyền, căn cứ vào quyết định miễn, giảm thuế, kế toán ghi:
3a - Điều chỉnh giảm số thuế, số chênh lệch giá phải thu (ghi đỏ)
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (ghi đỏ)
(3141 - Tiền thuế)
Có TK 716 - Thu thuế (ghi đỏ)
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
3b- Nếu đối tượng đã nộp tiền thuế, tiền thu chênh lệch giá vào ngân sách trước khi có quyết định miễn giảm thuế:
- Nếu đối tượng tiếp tục làm thủ tục cho những lô hàng sau mà những lô hàng này có cùng sắc thuế với số thuế được miễn giảm thì dùng số tiền đã nộp ngân sách được miễn giảm khấu trừ vào số thuế phải nộp của lô hàng tiếp theo.
- Trường hợp số thuế đã nộp ngân sách được miễn, giảm không cùng với sắc thuế của những lô hàng sau hoặc đối tượng nộp thuế sẽ chấm dứt việc làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá thì ngân sách sẽ tiến hành hoàn thuế cho đối tượng.
+ Căn cứ vào quy định miễn giảm thuế, điều chỉnh giảm số thuế phải nộp ngân sách bằng bút toán đỏ:
Nợ TK 716 - Thu thuế
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
+ Nhận được thông báo của Bộ Tài chính về số thuế, số thu chênh lệch giá ngân sách đã hoàn cho người nộp thuế, kế toán ghi (ghi đỏ):
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách (ghi đỏ)
Có TK 314- Thanh toán với đối tượng nộp thuế (ghi đỏ)
(3141 - Tiền thuế)
- Nếu số thuế thu bằng séc hoặc thu bằng tiền mặt nhưng cuối ngày Kho bạc chưa báo Có cho Hải quan (cán bộ thu ngân của Kho bạc chỉ xác nhận số tiền đã thu)
+ Căn cứ vào bảng tổng hợp biên lai có xác nhận của cán bộ thu ngân Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
+ Khi Kho bạc có chứng từ cho cơ quan Hải quan (báo Có, giấy nộp tiền vào ngân sách quay lại), kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 113 - Tiền đang chuyển
II - Thu thuế xuất nhập khẩu hàng phi mậu dịch và thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới
1- Nếu do cán bộ Hải quan thu:
a- Căn cứ vào bảng kê tổng hợp biên lai (thuế xuất nhập khẩu của cư dân liền kề biên giới), lập phiếu thu nhập quỹ:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
b- Căn cứ vào bảng kê tổng hợp biên lai phản ánh số thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới đã thu phải nộp ngân sách.
Nợ TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
c- Căn cứ vào bảng kê tổng hợp biên lai, viết giấy nộp tiền thuế vào ngân sách, lập phiếu chi xuất quỹ nộp tiền vào Kho bạc, sau khi nộp tiền căn cứ vào chứng từ của Kho bạc (báo Có hoặc 1 liên giấy nộp tiền quay lại)
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 111 - Tiền mặt
d- Trường hợp số thuế xuất nhập khẩu của cư dân biên giới thu được nộp ngay vào Kho bạc trong ngày, căn cứ vào tổng hợp biên lai viết giấy nộp tiền vào ngân sách. Sau khi nộp tiền, căn cứ vào liên giấy nộp tiền quay lại, kế toán ghi:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
2- Nếu do cán bộ thu ngân của Kho bạc thu trực tiếp tại cửa khẩu:
a- Trường hợp thu thuế xong, cuối ngày Kho bạc có chứng từ chuyển cho Hải quan (báo Có hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách quay lại), kế toán ghi:
- Phản ánh số thuế XNK hàng phi mậu dịch và thuế XNK của cư dân biên giới đã nộp vào ngân sách:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
- Phản ánh số thuế XNK hàng phi mậu dịch và thuế XNK của cư dân biên giới đã thu nộp ngân sách
Nợ TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
b- Trường hợp số thuế thu trong ngày nhưng cuối ngày Kho bạc chưa có chứng từ chuyển cho Hải quan (chưa có báo Có hoặc liên giấy nộp tiền quay lại).
- Phản ánh số thuế XNK hàng phi mậu dịch và thuế XNK của cư dân biên giới đã thu.
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
- Căn cứ bảng kê tổng hợp biên lai, phản ánh số thuế XNK hàng phi mậu dịch và thuế XNK của cư dân liền kề biên giới phải nộp ngân sách.
Nợ TK 716 - Thu thuế (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
- Khi nhận được chứng từ của Kho bạc về số tiền thuế XNK hàng phi mậu dịch và thuế XNK của cư dân biên giới đã vào ngân sách (báo Có hoặc 1liên giấy nộp tiền vào ngân sách)
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 113 - Tiền đang chuyển
TÀI KHOẢN 717 - TRUY THU THUẾ ẨN LẬU
Tài khoản này phản ánh số thuế ẩn lậu đã truy thu và việc xử lý số thuế ẩn lậu đã truy thu được.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 717- Truy thu thuế ẩn lậu
Bên Nợ:
- Số thuế ẩn lậu đã truy thu được phải nộp ngân sách
- Số thuế ẩn lậu đã truy thu được trích thưởng
Bên Có:
- Số thuế ẩn lậu phải truy thu
Số dư bên Có:
Số thuế ẩn lậu đã có quyết định truy thu nhưng chưa thu được hoặc đã thu được nhưng làm thủ tục để nộp ngân sách và trích thưởng
Tài khoản này có 2 tài khoản cấp 2:
Tài khoản 7171 - Doanh nghiệp Nhà nước: Tài khoản này phản ánh số thuế ẩn lậu đã thu được ở các doanh nghiệp Nhà nước.
Tài khoản 7172 - Doanh nghiệp thuộc các thành phần khác: Tài khoản này phản ánh số thuế ẩn lậu đã thu được ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Khi có quyết định truy thu số thuế ẩn lậu:
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
Có TK 717 - Truy thu thuế ẩn lậu
(tài khoản cấp 2 phù hợp với đối tượng nộp thuế)
2- Khi đối tượng nộp tiền truy thu thuế ẩn lậu vào tài khoản tạm giữ của Hải quan.
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1125 - Tiền gửi thuế ẩn lậu)
Có TK 314 -Thanh toán với đối tượng nộp thuế
3- Khi có quyết định phân phối số tiền truy thu thuế ẩn lậu đã thu được.
Nợ TK 717 - Truy thu thuế ẩn lậu
(tài khoản cấp 2 phù hợp với đối tượng bị truy thu thuế)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(số phải nộp ngân sách)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số được trích thưởng cho đơn vị)
4- Cơ quan Hải quan làm thủ tục nộp tiền vào ngân sách và chuyển tiền sang đơn vị dự toán để chi thưởng
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách (số tiền đã nộp ngân sách)
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số tiền được trích thưởng)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1125 - Tiền gửi thuế ẩn lậu)
TÀI KHOẢN 718- THU LỆ PHÍ HẢI QUAN
Tài khoản này phản ánh một số lệ phí Hải quan thu được và việc phân phối số lệ phí đó.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 718 - Thu lệ phí Hải quan
Bên Nợ:
- Số lệ phí Hải quan đã thu phải nộp ngân sách
- Số lệ phí Hải quan được trích lại cho ngành, đơn vị
Bên Có:
Số lệ phí Hải quan đã thu được
Số dư bên Có:
Số lệ phí Hải quan đã thu nhưng chưa được phân phối
Tài khoản này có 5 tài khoản cấp 2
Tài khoản 7181 - Lệ phí thủ tục
Tài khoản 7182 - Lệ phí hàng ký gửi lưu kho lưu bãi.
Tài khoản 7183 - Lệ phí quá cảnh mượn đường
Tài khoản 7184 - Lệ phí áp tải niêm phong kẹp chì
Tài khoản 7188 - Lệ phí khác
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Khi thu lệ phí Hải quan, căn cứ vào biên lại lập phiếu thu nhập quỹ
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
2- Nếu chủ hàng nộp lệ phí bằng séc
a- Khi nộp séc vào Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển
Có TK 718 - Thu lệ phí Hải quan (tài khoản cấp 2 phù hợp)
b- Khi nhận được báo Có của Kho bạc về số lệ phí nộp bằng séc đã vào tài khoản của đơn vị.
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1121 - Tiền gửi lệ phí Hải quan)
Có TK 113 - Tiền đang chuyển
4- Khi có quyết định phân phối số lệ phí Hải quan thu được
Nợ TK 718 - Thu lệ phí Hải quan
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(số nộp ngân sách) (tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(3432 - Lệ phí Hải quan)
(số lệ phí được trích lại cho ngành Hải quan)
5- Làm thủ tục nộp tiền thu lệ phí vào ngân sách
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(tài khoản cấp 2 phù hợp)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
(1121 - Tiền gửi về lệ phí Hải quan)
6- Chuyển tiền sang tài khoản đơn vị dự toán để sử dụng cho ngành
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(3432 - Lệ phí Hải quan)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc
(1121 - Tiền gửi lệ phí Hải quan)
TÀI KHOẢN 719 - THU PHẠT
Tài khoản này phản ánh số thu phạt về truy thu thuế ẩn lậu, phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế và việc xử lý số tiền thu phạt.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 719 - Thu phạt
Bên Nợ:
- Kết chuyển số tiền thu phạt chậm thuế, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế vào ngân sách
- Điều chỉnh giảm số thuế miễn phạt phải nộp ngân sách (ghi đỏ số miễn phạt)
- Hải quan chuyển tiền phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính.
Bên có:
- Ghi số tiền theo Thông báo phạt chậm nộp thuế
- Ghi số tiền theo Quyết định miễn phạt nộp chậm thuế (ghi đỏ)
- Số tiền đã thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và ngoài lĩnh vực thuế
Số dư bên Có:
- Phản ánh số thu phạt chậm thuế chưa thu được
- Số thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và ngoài lĩnh vực thuế đã thu nhưng chưa có quyết định xử lý
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
I - Phạt chậm nộp thuế:
1- Khi có Thông báo phạt chậm nộp thuế với các đối tượng chậm thuế
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(3142 - Tiền phạt chậm thuế)
Có TK 719 - Thu phạt (7191 - Phạt chậm thuế)
2- Khi có quyết định miễn phạt chậm nộp thuế, căn cứ quyết định miễn phạt, kế toán ghi:
Nợ TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế (ghi đỏ)
Có TK 719 - Thu phạt (7191 - Phạt chậm thuế ) (ghi đỏ)
3- Khi đối tượng nộp tiền phạt chậm thuế
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi thu phạt)
Có TK 314 - Thanh toán với đối tượng nộp thuế
(3141 - Tiền phạt)
4- Kết chuyển số tiền thu phạt nộp chậm thuế vào ngân sách
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(3337 - Phạt chậm nộp thuế)
5- Điều chỉnh giảm số miễn phạt nộp ngân sách (đối với những đối tượng đã nộp tiền phạt vào ngân sách)
Nợ TK 719 - Thu phạt (7191 - Phạt nộp chậm thuế)
(ghi đỏ số miễn phạt)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(ghi đỏ số miễn phạt)
II- Phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
1- Khi thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi thu phạt)
Có TK 719 - Thu phạt
(7192 - Thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế)
2- Căn cứ vào quyết định phân phối số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế:
Nợ TK 719 - Thu phạt (7192 - Phạt hành chính trong lĩnh vực thuế)
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(số phải nộp với ngân sách)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số tiền thu phạt trích lại cho ngành Hải quan)
3- Khi chuyển tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế nộp ngân sách hoặc chuyển tiền sang tài khoản đơn vị dự toán
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi thu phạt)
III - Phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế
1- Khi thu tiền phạt ngoài lĩnh vực thuế:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền gửi thu phạt)
Có TK 719 - Thu phạt
(71893 - Phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế)
2- Khi làm thủ tục chuyển tiền thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế sang tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính
Nợ TK 719 - Thu phạt
(7193 - Phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế)
Có TK 112 - Tiền gửi Kho bạc (1122 - Tiền thu phạt hành chính)
3- Khi nhận được quyết định phân phối của Sở Tài chính về số tiền thu phạt vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế.
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(số tiền trích nộp ngân sách)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số tiền trích thưởng cho đơn vị)
4- Khi nhận được chứng từ của Sở Tài chính về số tiền đã nộp ngân sách và trích thưởng cho đơn vị:
Nợ TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
Nợ TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán
(số tiền trích thưởng cho đơn vị)
Có TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính.
TÀI KHOẢN 720 - THU BÁN HÀNG TỊCH THU
Tài khoản này phản ánh số tiền thu về bán hàng hoá, tiền, ngoại tệ, tịch thu tại các đơn vị Hải quan và việc xử lý số tiền này của cơ quan tài chính
Kết cấu nội dung phản ánh của Tài khoản 720 - Thu bán tiền, hàng tịch thu
Bên Nợ:
- Số phải nộp ngân sách về tiền bán hàng hoá, ngoại tệ tịch thu.
- Số được thanh toán kinh phí kiểm soát và trích thưởng cho đơn vị
Bên Có:
Căn cứ vào chứng từ bán hàng của Sở Tài chính phản ánh số thu về bán hàng hoá, ngoại tệ bị tịch thu
Số dư Có:
Số thu về bán ngoại tệ, hàng hoá tịch thu chưa được phân phối.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1- Thu tiền bán ngoại tệ và tiền mặt tịch thu sung công quỹ
a- Đối với tiền mặt tịch thu của các đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan
Khi chuyển sang Sở Tài chính
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
Đồng thời ghi Nợ TK 005 “Giá trị hàng hoá, tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính”.
b- Đối với ngoại tệ: Căn cứ vào số tiền bán ngoại tệ do Sở Tài chính bán, phản ánh số tiền bán ngoại tệ.
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
c- Đối với hàng hoá tịch thu chuyển sang Sở Tài chính.
- Căn cứ vào giá trị hàng hoá thu (giá hạch toán) chuyển sang Sở Tài chính ghi Nợ tài khoản 005 “Giá trị hàng hoá, tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính”.
- Căn cứ số tiền bán hàng tịch thu (theo hoá đơn bán hàng sung công quỹ của Sở Tài chính), kế toán ghi:
Nợ TK 344 - Vãng lai với Sở Tài chính
Có TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
d- Khi có quyết định của Sở Tài chính về phân phối số thu bán hàng hoá, ngoại tệ tịch thu:
Nợ TK 720 - Thu bán hàng tịch thu
Có TK 333 - Thanh toán thu nộp với ngân sách
(số phải nộp ngân sách)
Có TK 343 - Vãng lai với đơn vị dự toán)
(số tiền thanh toán kinh phí kiểm soát và trích thưởng)
- Đồng thời sau khi Sở Tài chính xử lý xong ghi có tài khoản 005 “Giá trị hàng hoá, tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính”.
LOẠI TÀI KHOẢN 0
CÁC TÀI KHOẢN NGOÀI BẢNG
Các tài khoản ngoài Bảng Cân đối dùng để phản ánh những tài sản tạm thời để ở đơn vị nhưng không thuộc quyền sở hữu của đơn vị hàng hoá tạm giữ. Giá trị tiền hàng đã chuyển sang Sở Tài chính. Ngoài ra các tài khoản này còn phản ánh một số chỉ tiêu kinh tế đã được phản ánh ở các tài khoản trong Bảng Cân đối nhưng đơn vị cần phải theo dõi để phục vụ yêu cầu quản lý như: Các khoản thu bằng ngoại tệ, ấn chỉ không thu tiền.
Các tài khoản ngoài bảng cân đối được ghi theo phương pháp ghi “Đơn” nghĩa là khi ghi vào một tài khoản này thì không ghi quan hệ đối ứng với một tài khoản khác.
Khi tính giá trị để ghi Nợ, ghi Có trên các tài khoản ngoài bảng phải theo cùng một giá trị. Giá trị của hàng hoá ghi theo giá trị ghi trong biên bản hoặc phiếu xuất kho, ấn chỉ không thu tiền căn cứ vào giá ghi trên phiếu xuất kho của Tổng cục, ngoại tệ tính theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng công bố tại thời điểm thu ngoại tệ.
Tất cả các hàng hoá, vật tư, tài sản phản ánh trên các tài khoản ngoài Bảng đều phải được bảo quản chu đáo và phải tiến hành kiểm kê thường kỳ như tài sản thuộc sở hữu của đơn vị
Loại tài khoản 0 có 4 tài khoản:
Tài khoản 002 - Hàng tạm giữ
Tài khoản 003 - ấn chỉ không thu tiền
Tài khoản 005 - Giá trị hàng hoá, tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính
Tài khoản 007 - Ngoại tệ các loại
Tài khoản 002 - Hàng tạm giữ
Tài khoản này phản ánh giá trị hàng hoá tạm giữ của các đối tượng vi phạm hành chính về hải quan trong thời gian lưu giữ hàng hoá tại kho Hải quan chờ xử lý
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 002 - Hàng tạm giữ
Bên Nợ: Giá trị hàng tạm giữ chờ xử lý của các đối tượng vi phạm hành chính về Hải quan.
Bên Có:
- Giá trị hàng hoá tạm giữ đã xử lý.
Số dư bên Nợ:
Giá trị hàng hoá còn tạm giữ chờ xử lý
TÀI KHOẢN 003 - ẤN CHỈ KHÔNG THU TIỀN
Tài khoản này sử dụng cho các đơn vị để phản ánh giá trị các loại ấn chỉ không thu tiền.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 003 - ấn chỉ không thu tiền
Bên Nợ: Giá trị ấn chỉ không thu tiền nhập kho
Bên Có: Giá trị ấn chỉ không thu tiền xuất kho
Số dư bên Nợ: Giá trị ấn chỉ không thu tiền còn tồn kho.
TÀI KHOẢN 005 - GIÁ TRỊ HÀNG HOÁ, TIỀN TỊCH THU CHUYỂN SANG SỞ TÀI CHÍNH
Tài khoản này phản ánh giá trị hàng hoá, tiền và ngoại tệ có quyết định tịch thu chuyển sang Sở Tài chính để bán nộp ngân sách, thanh toán kinh phí kiểm soát, trích thưởng.
Bên Nợ:
Phản ánh số tiền mặt và giá trị hàng hoá, ngoại tệ tịch thu chuyển Sở Tài chính xử lý tiếp
Bên Có:
Giá trị tiền, hàng hoá tịch thu chuyển sang Sở Tài chính đã bán và xử lý phân phối
Số dư bên Nợ:
Phản ánh giá trị hàng hoá và tiền tịch thu đã chuyển sang Sở Tài chính nhưng chưa bán, chưa xử lý phân phối.
TÀI KHOẢN 007 - NGOẠI TỆ CÁC LOẠI
Tài khoản 007 phản ánh tình hình thu, chi, còn lại theo nguyên tệ của các loại ngoại tệ ở đơn vị.
Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 007 - Ngoại tệ các loại
Bên Nợ: Số ngoại tệ thu vào (nguyên tệ)
Bên Có: Số ngoại tệ xuất ra (nguyên tệ)
Số dư bên Nợ: Số ngoại tệ còn lại (nguyên tệ)
Trên tài khoản này không quy đổi các đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam.
Kế toán chi tiết tài khoản 007 theo từng loại nguyên tệ.
HẠCH TOÁN ẤN CHỈ LOẠI BÁN THU TIỀN TẠI CỬA KHẨU
(ở những cửa khẩu đã tổ chức hạch toán đầy đủ)
Sơ đồ số 1
Sơ đồ số 2
KẾ TOÁN THU THUẾ VÀ CHÊNH LỆCH GIÁ
Sơ đồ số 3
SỐ NỘP NGÂN SÁCH CHUYỂN ĐI KHẤU TRỪ
SỐ NỘP NGÂN SÁCH CHUYỂN ĐẾN KHẤU TRỪ VÀO SỐ THUẾ PHẢI NỘP
Sơ đồ số 4
Sơ đồ số 5
KẾ TOÁN TẠM THU
KẾ TOÁN THU PHẠT CHẬM NỘP THUẾ
Sơ đồ số 6
KẾ TOÁN TIỀN TẠM GIỮ XỬ LÝ
Sơ đồ số 7
KẾ TOÁN TIỀN BÁN HÀNG TỊCH THU
Sơ đồ số 8
KẾ TOÁN THU TIỀN PHẠT NGOÀI LĨNH VỰC THUẾ
Sơ đồ số 9
KẾ TOÁN THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Sơ đồ số 10
Sơ đồ số 11
KẾ TOÁN THU LỆ PHÍ HẢI QUAN
Sơ đồ số 12
KẾ TOÁN TRUY THU THUẾ ẨN LẬU
STT | Tên sổ | Ký hiệu | Hình thức kế toán | ||||
Trên máy tính | Chứng từ ghi sổ | Nhật ký - Sổ cái | Phạm vi áp dụng | ||||
Cửa khẩu | Cục HQ | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
1 | Chứng từ ghi sổ | 01/SKT-2001 |
| X |
| X | X |
2 | Sổ đăng ký chứng từ ghi sổ | 02/SKT-2001 |
| X |
| X | X |
3 | Sổ đăng ký các nghiệp vụ KT phát sinh | 03/SKT-2001 | X |
|
| X | X |
4 | Sổ cái | 04/SKT-2001 | X | X |
| X | X |
5 | Nhật ký - Sổ cái | 05/SKT-2001 |
|
| X | X | X |
6 | Bảng kê thông báo thuế | 06/SKT-2001 | X |
|
| X |
|
7 | Bảng kê số thuế đã thu | 07/SKT-2001 | X |
|
| X |
|
8 | Sổ quỹ tiền mặt | 08/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
9 | Sổ theo dõi tiền gửi | 09/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
10 | Sổ giao nhận séc | 10/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
11 | Sổ theo dõi thu thuế tiểu ngạch - phi mậu dịch | 11/SKT-2001 | X | X | X | X |
|
12 | Sổ thanh toán với đối tượng nộp thuế | 12/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
13 | Sổ thanh toán với đối tượng nộp thuế tạm thu | 14/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
14 | Sổ thu và sử dụng lệ phí Hải quan | 15/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
15 | Sổ chi tiết thu vi phạm HC trong lĩnh vực thuế | 16/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
16 | Sổ chi tiết thu vi phạm HC ngoài lĩnh vực thuế và bán hàng tịch thu | 17/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
17 | Sổ chi tiết thanh toán thu nộp ngân sách | 18/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
18 | Sổ chi tiết tài khoảnSổ chi tiết tài khoản | 19/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
19 | Sổ kho hàng tạm giữ | 20/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
20 | Sổ thanh toán loại ấn chỉ cấp phát | 21a/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
21 | Sổ thanh toán loại ấn chỉ cấp phát | 21b/SKT-2001 |
|
|
| X |
|
22 | Tổng hợp tình hình biên lai | 22a/SKT-2001 | X |
|
| X | X |
23 | Sổ tổng hợp tình hình biên lai | 22b/SKT-2001 |
| X |
| X |
|
24 | Sổ theo dõi sử dụng biên lai tại bộ phận trực tiếp thu | 23/SKT-2001 |
| X |
| X |
|
25 | Sổ kho ấn chỉ | 24/SKT-2001 | X | X |
| X | X |
26 | Sổ thanh toán loại ấn chỉ bán thu tiền với cấp dưới | 25/SKT-2001 | X | X | X |
| X |
27 | Bảng tổng hợp luân chuyển loại ấn chỉ bán thu tiền | 26/SKT-2001 | X |
|
| X | X |
28 | Sổ thanh toán tiền bán ấn chỉ với cấp trên | 27/SKT-2001 | X | X | X | X | X |
29 | Sổ theo dõi chi phí phát hành | 28/SKT-2001 | X | X |
|
| X |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
(Dùng cho hình thức chứng từ ghi sổ)
Số.........................
Ngày....... tháng.........năm 200.......
Trích yếu (Nội dung chứng từ) | Số hiệu TK | Số tiền | Ghi chú | |
Nợ | Có | |||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
|
|
|
|
|
Cộng: |
|
|
|
|
NGƯỜI LẬP | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
(Dùng cho kế toán trên máy vi tính theo hình thức chứng từ ghi sổ)
Ngày, tháng ghi sổ | Chứng từ ghi sổ | Số tiền | Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ ghi sổ | Số tiền | ||
Số | Ngày tháng | Số hiệu | Ngày tháng | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
NGƯỜI LẬP | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
BẢNG ĐĂNG KÝ CÁC NGHIỆP VỤ KINH TẾ PHÁT SINH
(Dùng cho kế toán trên máy vi tính)
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải | Đã ghi sổ cái | Số hiệu TK đối ứng | Số phát sinh | Chữ ký của người kiểm tra, đối chiếu | |||
| Số | Ngày |
|
| Nợ | Có | Nợ | Có |
|
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
|
|
| Mang sang |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cộng: - Luỹ kế |
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI LẬP | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
(Dùng cho hình thức kế toán chứng từ ghi sổ)
Tài khoản cấp I………
Tài khoản cấp II………
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải | Số hiệu TK đối ứng | Số tiền | Ghi chú | |||
Số | Ngày, tháng | Nợ | Có | Nợ | Có | |||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cộng phát sinh tháng - Luỹ kế từ đầu quý - Số dư cuối kỳ |
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
(Dùng cho các đơn vị kế toán bằng tay)
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải | Định khoản | Số phát sinh | Thứ tự dòng | Tài khoản... | Tài khoản... | Tài khoản... | Tài khoản... | ||||||
Số | Ngày tháng |
| Nợ | Có |
|
| Nợ | Có | Nợ | Có | Nợ | Có | Nợ | Có | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | … | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | ... | … |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cộng phát sinh tháng - Phát sinh các tháng trước - Luỹ kế từ đầu quý - Luỹ kế từ đầu năm - Số dư cuối kỳ
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
Số:….
Ngày........ tháng........ năm 200.......
STT | Số thông báo thuế | Tờ khai | Tên đối tượng nộp thuế | Mã số | Số thuế phải nộp | ||||||||||
| Số | Ngày | Số | Ngày |
|
| Tổng số | Trong đó tiền thuế | |||||||
|
|
|
|
|
|
| Xuất khẩu | Nhập khẩu | GTGT | Thu nhập | Tiêu thụ đặc biệt | Chênh lệch giá | …. | ….. | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
|
|
|
|
| -Cộng ngày - Lũy kế từ đầu tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
Ngày........ tháng........ năm 200....... | Số:............ |
STT | Tên đối tượng nộp thuế | Mã số | Tờ khai | Biên lai | Tổng số | Trong đó | |||||||
|
|
| Số | Ngày | Ký hiệu | Số | Ngày |
| Xuất khẩu | Nhập khẩu | GTGT | ….. | Phạt nộp chậm thuế |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | ….. | 17 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cộng ngày - Luỹ kế từ đầu tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
Ngày tháng | Số phiếu | Diễn giải | Số tiền | |||
Thu | Chi |
| Thu | Chi | Tồn quĩ | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
|
|
| Số dư đầu tháng: |
|
|
|
|
|
| - Cộng số phát sinh trong tháng - Luỹ kế đầu quý - Luỹ kế đầu năm - Số dư cuối tháng |
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
- Tài khoản........................
- Loại tiền gửi:....................
- Số hiệu tài khoản tại Kho bạc
Chứng từ | Diễn giải | Số tiền | |||
Số | Ngày, tháng | Gửi vào | Rút ra | Còn lại | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
|
| Số dư đầu tháng: |
|
|
|
|
| - Cộng số phát sinh trong tháng - Luỹ kế đầu quý - Luỹ kế đầu năm - Số dư cuối tháng |
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
Trang số:.....................
Ngày tháng ghi sổ | Séc | Tên đơn vị nộp séc | Số tiền ghi trên séc | Chữ ký người nhận séc mang nộp Kho bạc | |
Số hiệ | Ngày, tháng | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
|
|
| ……….. | ……….. | ………… |
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
SỔ THEO DÕI THU THUẾ TIỂU NGẠCH - PHI MẬU DỊCH
Ngày ghi sổ | Tên đói tượng nộp thuế | Biên lai | Tờ khai | Số thuế đã thu | Đã nộp NS | Ghi chú | ||||||||
Số | Ngày | Số | Ngày | Tổng | XK | NK | GTGT | TTĐB | Thu nhập | CL giá | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cộng thu ngày - Luỹ kế thu tháng - Số đã nộp NS ngày - Luỹ kế số nộp NS |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
SỔ THANH TOÁN VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ
Đối tượng nộp thuế:.............................. Mã số:....................................
Địa chỉ:.................................................. Số điện thoại.........................
Ngày, Tháng ghi số | Chứng từ | Diễn giải | Tờ khai | Ngày đến hạn nộp thuế | Tổng số | Trong đó | |||||||||||||
Số | Ngày | Số | Ngày | Thuế xuất khẩu | Thuế NK | Thuế TTĐB | Thuế GTGT | Thuế … | Phạt chập thuế | ||||||||||
Phải thu | Đã thu | Phải thu | Đã thu | Phải thu | Đã thu | Phải thu | Đã thu | Phải thu | Đã thu | Phải thu | Đã thu | ||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| -Cộng phát sinh tháng -Lũy kế từ đầu năm -Số dư cuối kỳ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:..............................................
SỔ THANH TOÁN VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ TẠM THU
Đối tượng nộp thuế:.............................. Mã số:....................................
Địa chỉ:.......................................... Loại hình XNK: ...............TN-THị XÃ
Tờ khai | Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải | Sắc thuế | Ghi chú | ||||||||
Số | Ngày | Số | Ngày | XK | NK | TTĐB | GTGT | Chênh lệch giá | Phạt chậm NT | Cộng | |||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
|
|
|
|
| - Phải thu - Không thu - Đã thu: + Lần 1 + Lần 2 - Đã hoàn: + Lần 1 + Lần 2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Phải thu - Không thu - Đã thu: + Lần 1 + Lần 2 - Đã hoàn: + Lần 1 + Lần 2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
SỔ THU VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ HẢI QUAN
Chứng từ | Diễn giải | Tổng số lệ phí đã thu | Trong đó | Ghi chú | |||||
Số | Ngày tháng | Lệ phí làm thủ tục | Lệ phí ký gửi lưu kho... | Lệ phí quá cảnh | Lệ phí áp tải - niêm phong | Lệ phí khác | |||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
|
| - Cộng phát sinh thu tháng + Nộp NS + Chuyển sang dự toán - Luỹ kế từ đầu năm + Nộp NS + Chuyển sang dự toán - Số dư cuối tháng |
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
SỔ CHI TIẾT
THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải (Tên, địa chỉ người nộp phạt) | Số tiền thu phạt | Số kết chuyển | ||
Số | Ngày, tháng | Đã nộp ngân sách | Chuyển sang đơn vị dự toán | |||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
SỔ CHI TIẾT
THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH NGOÀI LĨNH VỰC THUẾ
VÀ BÁN HÀNG TỊCH THU
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải (Tên, địa chỉ người vi phạm, nội dung vi phạm) | Số tiền thu được | Số đã chuyển sang Sở Tài chính | ||||
Số | Ngày, tháng | Tổng số | Đã thanh toán | |||||
Nộp ngân sách | Kinh phí kiểm soát | Trích thưởng | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
SỔ CHI TIẾT
THANH TOÁN THU NỘP NGÂN SÁCH
Tên tài khoản:..........................
Ngày tháng ghi số | Chứng từ | Diễn giải | Số tiền | ||||
Số đã nộp ngân sách | |||||||
Số | Ngày, tháng | Phải nộp ngân sách | Tổng số | Trong đó | |||
Qua biên giới đất liền | Không qua biên giới đất liền | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
(Dùng cho các tài khoản chưa có sổ chi tiết riêng)
Tên tài khoản:......................... Số hiệu:.......................... Trang số:...................
Đối tượng:....................................
Chứng từ | Diễn giải | Số phát sinh | Số dư | |||
Số | Ngày, tháng | Nợ | Có | Nợ | Có | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
|
| Số dư đầu tháng |
|
|
|
|
|
| - Cộng Số phát sinh trong tháng - Số luỹ kế từ đầu năm - Số dư cuối tháng |
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ.....
ĐƠN VỊ:...............................................
Đối tượng:
Chứng từ | Quy cách nhãn hiệu | Đơn vị tính | Số lượng | Ghi chú | |||||||
Phiếu nhập | Phiếu xuất | Nhập | Xuất | Tồn | |||||||
Số | Ngày | Số | Ngày |
| Lần 1 | Lần 2 | Lần 3 | ||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố ..........
Đơn vị:.................................
SỔ THANH TOÁN LOẠI ẤN CHỈ CẤP PHÁT VỚI CẤP TRÊN
(Dùng cho cấp Cục)
Tên ấn chỉ:................................ Số hiệu:.......................... Đơn vị tính:.......................
Ngày, tháng | Chứng từ | Diễn giải | Số lượng nhập | Số lượng xuất | Còn lại | |||
| Số | Ngày |
|
| Sử dụng | Hỏng | Khác |
|
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị:..............................
SỔ THANH TOÁN LOẠI ẤN CHỈ CẤP PHÁT
(Dùng cho Hải quan cửa khẩu)
Tên cửa khẩu:..............................................................................................................
Tên ấn chỉ:................................ Số hiệu:.......................... Đơn vị tính:.......................
Ngày, tháng | Chứng từ | Diễn giải | Số lượng giao | Số đã thanh toán | Còn lại | ||||
Số | Ngày | Sử dụng | Hỏng | Trả lại | Khác | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị:..............................
(Dùng cho cấp dưới báo cáo lên cấp trên)
Tháng............. Năm............
TT | Loại biên lai | Ký hiệu | Đơn vị tính | Tồn đầu kỳ | Nhập trong kỳ | Số đã phát ra | Số lượng biên lai còn lại | |||||||||||
Số lượng quyển | Số lượng biên lai | Số lượng quyển | Số lượng biên lai | Tổng số biên lai | Trong đó số lượng biên lai | Ở cán bộ thu | Ở cửa khẩu | Trong kho | ||||||||||
Đã dùng | Xóa bỏ | Mất | Thiếu hạt | Số lượng quyển | Số lượng biên lai | Số lượng quyển | Số lượng biên lai | Số lượng quyển | Số lượng biên lai | |||||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị, bộ phận:................
SỔ TỔNG HỢP TÌNH HÌNH BIÊN LAI
(Dùng cho cửa khẩu)
Tháng............. Năm............
Loại biên lai:.....................
Đơn vị tính:......................... Trang số:.......................
Chứng từ | Diễn giải (Tên cán bộ thu) | Loại quyển (Sê ri) | Quyển số | Từ BL số … đến BL số… | Số lượng biên lai nhận | Số lượng biên lai phát ra | Số lượng biên lai đã thanh toán | Số lượng biên lai còn lại | ||||||||||||
Số hiệu | Ngày tháng | Đã dùng | Xóa bỏ | Mất | Thiếu hụt | Cộng | Còn ở cán bộ thu | Còn lại ở kho | Cộng số lượng | |||||||||||
Loại quyển | Từ BL số … đến BL số... | Số lượng | ||||||||||||||||||
Số Quyển | BL | Số Quyển | BL | Số Quyển | BL | |||||||||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
|
| Cộng số PS trong tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị, bộ phận:................
SỔ THEO DÕI SỬ DỤNG BIÊN LAI TẠI BỘ PHẬN TRỰC TIẾP THU
Tên cán bộ thu:.........................
Loại biên lai:..................... Đơn vị tính:......................... Số (3 liên)
Chứng từ | Diễn giải | Số nhận | Số đã sử dụng | Số còn lại | Chữ ký xác nhận | |||||||||||||
Số hiệu | Ngày tháng | Loại quyển (Sê ri) | Quyển số | Từ BL số … đến BL số… | Số lượng BL sử dụng | Từ BL số … đến BL số… | Số lượng BL sử dụng | Số tiền đã thu | Số lượng biên lai xóa bỏ | Số lượng biên lai mất | Số lượng biên lai thiếu hụt | Cộng | Từ BL số … đến BL số… | Số lượng biên lai còn lại | Người nhận BL | Người cấp biên lai | Thủ quỹ hx người nhận báo soát | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng số PS trong tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị, bộ phận:................
(Dùng cho thủ kho)
Tên ấn chỉ:.................... Đơn vị tính:......................... Trang số:.......................
Chứng từ | Diễn giải | Số lượng | Ghi chú | ||||
Số phiếu | Ngày tháng | Nhập | Xuất | Tồn | |||
Nhập | Xuất | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
|
|
| Số dư đầu tháng: |
|
|
|
|
|
|
| Cộng số phát sinh trong tháng - Số tồn kho cuối tháng |
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | KẾ TOÁN TRƯỞNG | THỦ TRƯỜNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị:..............................
SỔ THANH TOÁN CÁC LOẠI ẤN CHỈ BÁN THU TIỀN VỚI CẤP DƯỚI
(Dùng cho cấp Cục)
Tên cửa khẩu:.....................................................................
Tên ấn chỉ:.....................................Số hiệu:...........................
Đơn giá:....................................... Đơn vị tính:......................
Ngày tháng | Chứng từ | Diễn giải | Số giao | Số thanh toán | Còn lại | ||||||
| Số | Ngày |
| Số lượng | Thành tiền | Bán | Hoàn trả, hỏng | Số lượng | Thành tiền | ||
|
|
|
|
|
| Số lượng | Thành tiền | Số lượng | Thành tiền | ||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11=5-7-9 | 12=6-8-10 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP. |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị:.............................
BẢNG TỔNG HỢP LUÂN CHUYỂN LOẠI ẤN CHỈ BÁN THU TIỀN
Tháng...........(Quí....)....... Năm........
STT | Tên ấn chỉ | Số hiệu | Đơn vị tính | Đơn giá | Tồn đầu kỳ | Nhập trong kỳ | Xuất trong kỳ | Tồn cuối kỳ | ||||||
Số lượng | Thành tiền | Số lượng | Thành tiền | Xuất bán | Xuất hoàn trả, hỏng... | |||||||||
Số lượng | Thành tiền | Số lượng | Thành tiền | Số lượng | Thành tiền | |||||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP. |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị:.............................
SỔ THANH TOÁN TIỀN BÁN ẤN CHỈ VỚI CẤP TRÊN
(Dùng cho cấp Cục, cửa khẩu)
Tên ấn chỉ:............................... số hiệu:........................... Đơn giá:......................
Đơn vị tính:......................................................................
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải | Nhập | Xuất | Còn lại | ||||||
Số | Ngày |
| Số lượng | Thành tiền | Xuất bán | Xuất hoàn trả, hỏng | Số lượng | Thành tiền | |||
| Số lượng | Thành tiền | Số lượng | Thành tiền | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
|
|
| Tồn đầu tháng - Nhận của Tổng cục - Trả lại số hỏng - Số bán được + Cửa khẩu A + Cửa khẩu B |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP. |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, thành phố.........
Đơn vị:.............................
Ngày tháng ghi sổ | Chứng từ | Diễn giải | Số được trích | Số đã chi | Còn lại | ||||||
Số | Ngày | Tổng số | Trong đó | ||||||||
Vận chuyển, bốc xếp | Kho tàng, bảo quản | Vận chuyển, đóng gói | …. | ….. | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm 200......
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, TP. |
II- NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GHI SỔ
CHỨNG TỪ GHI SỔ
(Mẫu số 01/SKT-2001)
1- Mục đích:
Chứng từ ghi sổ là chứng từ tập hợp số liệu của một hoặc nhiều chứng từ gốc, có cùng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Chứng từ ghi sổ sử dụng cho hình thức kế toán bằng tay, trường hợp kế toán bằng máy không phải lập chứng từ ghi sổ.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung:
Căn cứ lập chứng từ ghi sổ là: các chứng từ gốc hoặc Bảng Tổng hợp chứng từ gốc.
Chứng từ ghi sổ do kế toán phần thành lập cho chứng từ gốc hoặc cho nhiều chứng từ gốc có nội dung kinh tế giống nhau hoặc có thể lập từ Bảng Tổng hợp chứng từ gốc. Chứng từ ghi sổ được lập hàng ngày hoặc định kỳ 3, 5 ngày một lần tuỳ thuộc vào số lượng nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
* Cách ghi:
- Số hiệu của chứng từ ghi sổ được đánh liên tục từ đầu tháng đến cuối tháng hoặc từ đầu năm đến cuối năm và được lấy theo số thứ tự trong Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ.
- Ngày, tháng của chứng từ ghi sổ là ngày lập Chứng từ ghi sổ và được đăng ký vào Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ.
- Cột 1: Tóm tắt nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên chứng từ gốc.
- Cột 2, 3: Ghi số hiệu của tài khoản ghi Nợ, số hiệu tài khoản ghi Có của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Cột 4: Ghi số tiền của nghiệp vụ kinh tế theo từng quan hệ đối ứng Nợ, Có.
- Dòng cộng: Ghi tổng số tiền ở cột 4 của tất cả các nghiệp vụ kinh tế phản ánh trên chứng từ ghi sổ.
- Dòng tiếp theo ghi số lượng chứng từ gốc đính kèm theo chứng từ ghi sổ.
- Chứng từ ghi sổ lập xong chuyển cho người phụ trách kế toán ký duyệt. Sau đó đăng ký vào Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ để lấy số và ghi ngày, tháng sau đó được sử dụng để ghi vào Sổ Cái và các sổ, thẻ kế toán chi tiết.
SỔ ĐĂNG KÝ CHỨNG TỪ GHI SỔ
(Mẫu số 02/SKT-2001)
1- Mục đích:
- Sổ đăng ký chứng từ ghi sổ dùng cho hình thức kế toán chứng từ ghi sổ, làm kế toán bằng tay.
- Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ là sổ kế toán tổng hợp dùng để đăng ký tất cả các Chứng từ ghi sổ theo trình tự thời gian.
- Sổ này vừa dùng để đăng ký các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, quản lý chứng từ ghi sổ vừa để kiểm tra, đối chiếu số liệu với Bảng Cân đối tài khoản.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung:
Căn cứ để ghi vào Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ là các Chứng từ ghi sổ đã được lập trong ngày.
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi số hiệu của chứng từ ghi sổ. Số của Chứng từ ghi sổ được lấy từ sổ này. Số hiệu trên sổ này được đánh số liên tục từ đầu tháng đến cuối tháng hoặc từ đầu năm đến cuối năm.
- Cột 2: Ngày, tháng của Chứng từ ghi sổ (ngày, tháng đăng ký vào sổ)
- Cột 3: Ghi tổng số tiền của Chứng từ ghi sổ.
Cuối trang sổ phải cộng sổ để chuyển sang trang sau. Đầu trang sổ phải ghi số cộng luỹ kế trang trước chuyển sang. Cuối tháng, cuối quý phải cộng tổng số tiền phát sinh trên Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ (số tiền ở cột 3) số liệu này phải bằng tổng số phát sinh Nợ và bằng tổng số phát sinh Có trên Bảng Cân đối tài khoản.
BẢNG ĐĂNG KÝ CÁC NGHIỆP VỤ KINH TẾ PHÁT SINH
(Mẫu số 03/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ này sử dụng cho các đơn vị thực hiện kế toán trên máy vi tính để đăng ký các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong ngày, làm căn cứ kiểm tra đối chiếu trước khi kết chuyển các số liệu đã nhập vào máy sang sổ chi tiết, sổ cái và các báo cáo.
2- Nội dung và cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ
- Cột 2, 3: Ghi số hiệu, ngày tháng của chứng từ.
- Cột 4: Tóm tắt nội dung chứng từ.
- Cột 5: Đánh dấu (x) những chứng từ đã được ghi vào sổ Cái.
- Cột 6, 7: Ghi số hiệu tài khoản đối ứng.
- Cột 8, 9: Ghi số tiền phát sinh Nợ, Có của từng nghiệp vụ.
Cuối ngày, sau khi ghi hết các chứng từ trong ngày, tiến hành in ra giấy để kiểm tra, đối chiếu với từng chứng từ về định khoản Nợ, Có và số tiền. Sau đó chuyển (bảng đăng ký và các chứng từ kèm theo) cho các bộ phận có liên quan để kiểm tra, đối chiếu với số liệu của các bộ phận đó.
Sau khi đảm bảo đối chiếu khớp đúng sẽ chuyển số liệu trên vào sổ chi tiết, Sổ cái và các chỉ tiêu trong báo cáo.
SỔ CÁI
Mẫu số 04/SKT-2001)
1- Mục đích:
Mẫu sổ này dùng cho các đơn vị áp dụng hình thức kế toán trên máy vi tính và kế toán bằng tay theo hình thức Chứng từ ghi sổ.
Sổ Cái là sổ kế toán tổng hợp dùng để tập hợp và hệ thống hoá các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế quy định trong hệ thống tài khoản kế toán nhằm kiểm tra, giám đốc sự biến động của từng loại vốn, nguồn vốn, nguồn kinh phí trong đơn vị.
Số liệu trên Sổ Cái được đối chiếu với số liệu trên các sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng Tổng hợp chi tiết. Số liệu trên Sổ cái dùng để lập Bảng Cân đối tài khoản và các báo cáo kế toán.
2. Nội dung và cách ghi:
* Nội dung:
- Đối với kế toán trên máy vi tính căn cứ vào bảng đăng ký các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đã được kiểm tra đối chiếu.
- Đối với kế toán bằng tay là Chứng từ ghi sổ đã được ký duyệt và đã đăng ký trên Sổ Đăng ký chứng từ ghi sổ.
- Sổ Cái được đóng thành quyển để ghi cho cả năm và mở riêng cho từng tài khoản, mỗi tài khoản được mở một trang hoặc một số trang tuỳ theo số lượng ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhiều hay ít của từng tài khoản.
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ
- Cột 2, cột 3: Ghi số, ngày, tháng của Chứng từ ghi sổ
- Cột 4: Ghi tóm tắt nội dung của Chứng từ ghi sổ.
- Cột 5, 6: Ghi số hiệu tài khoản đối ứng Nợ hoặc đối ứng Có với tài khoản này.
- Cột 7, 8: Ghi số tiền ghi Nợ hoặc số tiền ghi Có của tài khoản.
- Cuối tháng cộng sổ để tính ra số phát sinh Nợ, số phát sinh Có và số dư của từng tài khoản.
NHẬT KÝ - SỔ CÁI
(Mẫu số 05/SKT-2001)
1- Mục đích:
- Nhật ký sổ cái sử dụng cho đơn vị làm kế toán theo hình thức Nhật ký - sổ cái.
- Nhật ký - Sổ cái là sổ kế toán tổng hợp dùng cho hình thức Nhật ký - Sổ cái để phản ánh tất cả các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo trình tự thời gian và hệ thống hoá theo các nội dung kinh tế phản ánh trong các tài khoản kế toán. Trên cơ sở đó kiểm tra, giám đốc sự biến động từng loại vốn, nguồn vốn làm căn cứ đối chiếu với các sổ kế toán chi tiết và lập Báo cáo tài chính.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung:
- Nhật ký - Sổ cái có hai phần:
+ Phần “Nhật ký” gồm các cột từ cột “Ngày, tháng ghi sổ” đến cột “Số hiệu tài khoản đối ứng” (định khoản).
+ Phần “Sổ Cái” chia làm nhiều cột, mỗi tài khoản sử dụng 2 cột, một cột ghi Nợ, một cột ghi Có, số lượng cột nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng tài khoản cần sử dụng. Để thuận tiện cho việc ghi sổ, phần Sổ Cái có thể dùng tờ đệm.
- Hàng ngày căn cứ vào chứng từ gốc phát sinh tiến hành kiểm tra các yếu tố của chứng từ, sau đó xác định số hiệu tài khoản ghi Nợ, số hiệu tài khoản ghi Có để ghi vào Nhật ký - Sổ cái. Mỗi chứng từ gốc được ghi vào Nhật ký - Sổ cái một dòng, đồng thời ở cả hai phần Nhật ký và Sổ cái. Đối với những chứng từ gốc cùng loại phát sinh nhiều lần trong một ngày (như phiếu thu, phiếu chi, phiếu xuất vật tư, phiếu nhập vật tư...) có thể căn cứ vào chứng từ gốc để lập Bảng Tổng hợp chứng từ gốc theo từng loại; Sau đó căn cứ vào số tổng cộng của Bảng Tổng hợp chứng từ gốc ghi vào Nhật ký - Sổ cái 1 dòng.
* Cách ghi:
+ Đầu kỳ kế toán ghi số dư cuối kỳ trước của tất cả các tài khoản.
+ Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ.
+ Cột 2, 3: Ghi số, ngày, tháng chứng từ gốc hoặc Bảng Tổng hợp chứng từ gốc.
+ Cột 4: Tóm tắt nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
+ Cột 5: Ghi tổng số tiền phát sinh trên chứng từ hoặc Bảng Tổng hợp chứng từ gốc.
+ Cột 6, 7: Ghi số hiệu tài khoản đối ứng của nghiệp vụ kinh tế.
+ Từ cột 8 trở đi: Ghi số tiền phát sinh ở mỗi tài khoản theo quan hệ đối ứng đã được định khoản ở cột 5, 6.
- Cuối trang: Cộng số phát sinh mang sang đầu trang sau.
- Cuối mỗi tháng phải cộng số phát sinh ở phần Nhật ký và số phát sinh Nợ, số phát sinh Có của từng tài khoản, số phát sinh luỹ kế từ đầu quý, đầu năm tới cuối tháng. Căn cứ vào số dư đầu tháng tính ra số dư cuối tháng của từng tài khoản.
Dòng cộng sổ và dòng số dư là căn cứ để đối chiếu trên sổ chi tiết hoặc Bảng Tổng hợp chi tiết. Sau khi đã đối chiếu khớp đúng, số liệu trên Nhật ký - Sổ cái sử dụng lập Bảng cân đối tài khoản và các Báo cáo tài chính khác.
BẢNG KÊ THÔNG BÁO THUẾ
(Mẫu số 06/SKT-2001)
1- Mục đích:
Bảng kê thông báo thuế là bảng tổng hợp tất cả các thông báo thuế và phạt chậm thuế đã phát đi trong ngày nhằm tổng hợp số thuế, số phạt chậm thuế phải thu trong ngày, làm cơ sở để ghi vào Sổ Tổng hợp thu tại Hải quan cửa khẩu và chuyển số liệu về Cục Hải quan để hạch toán.
2- Nội dung và cách ghi:
- Bảng kê thông báo thuế do bộ phận ra thông báo thuế lập cuối ngày.
- Cột 1, 2, 3: Ghi số thứ tự, số, ngày tháng của tờ thông báo thuế.
- Cột 4, 5: Ghi số, ngày, tháng của tờ khai.
- Cột 6, 7: Ghi tên đối tượng và mã số của từng đối tượng nộp thuế.
- Cột 8: Ghi tổng số tiền trên thông báo.
- Từ cột 9 trở đi phản ánh số phải thu theo thông báo và từng sắc thuế và từng nội dung thu.
- Sau khi kê hết số thông báo trong ngày tiến hành cộng ngày và cộng luỹ kế.
- Số liệu trên bảng kê được ghi vào Sổ Tổng hợp thu nộp tại Hải quan cửa khẩu và được truyền số liệu về Cục Hải quan. Sau đó bảng kê và thông báo thuế của từng ngày được đóng lại, trưởng Hải quan cửa khẩu ký tên đóng dấu và chuyển bảng kê về Cục Hải quan.
BẢNG KÊ SỐ THUẾ ĐÃ THU
(Mẫu số 07/SKT-2001)
1- Mục đích:
Bảng kê này kê số thuế đã thu tại Hải quan cửa khẩu trong ngày nhằm tổng hợp và phân tích số thuế đã thu trên cơ sở đó để ghi vào Sổ Tổng hợp thu nộp tại cửa khẩu và chuyển số liệu về Cục Hải quan.
2- Nội dung và cách ghi:
Bảng này do Hải quan cửa khẩu lập hàng ngày dựa vào các biên lai thu thuế, thu phạt, chậm thuế... đã thu trong ngày.
- Cột 1, 2, 3: Ghi số thứ tự tên đối tượng, mã số đối tượng nộp thuế (đối với đối tượng nộp thuế tiểu ngạch không có mã số).
- Cột 4, 5: Ghi số, ngày của tờ khai.
- Cột 6, 7: Ghi ký hiệu, số hiệu, ngày của biên lai.
- Cột 9: Ghi tổng số tiền trên biên lai thu thuế.
- Từ cột 10 - cột 17: ghi chi tiết theo từng sắc thuế.
- Sau khi ghi hết các biên lai trong ngày cộng bảng kê.
Số liệu của bảng kê này ghi vào Sổ Tổng hợp thu nộp tại cửa khẩu và chuyển số liệu trên bảng kê này về Cục Hải quan.
SỔ QUỸ TIỀN MẶT
(Mẫu số 08/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ dùng để phản ánh tình hình thu chi và tồn quỹ tiền mặt (tiền Việt Nam và Ngoại tệ) làm căn cứ để kiểm tra, đối chiếu thu chi, tồn quỹ giữa kế toán và thủ quỹ.
2- Nội dung và cách ghi sổ
* Nội dung:
- Sổ quỹ tiền mặt dùng cho thủ quỹ.
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày, tháng của phiếu thu, phiếu chi.
- Cột 2: Ghi số của phiếu thu.
- Cột 3: Ghi số của phiếu chi.
- Cột 4: Ghi nội dung thu hoặc chi.
- Cột 5: Số tiền nhập quỹ.
- Cột 6: Số tiền xuất quỹ.
Cuối ngày sau khi đã ghi hết chứng từ thu, chi (đã thực hiện) rút số dư tồn quỹ cuối ngày ghi vào Cột 7. Số tồn quỹ trên sổ được đối chiếu với số tiền mặt tồn quỹ trong két.
Định kỳ kế toán tiến hành đối chiếu giữa số liệu trên sổ kế toán với số liệu trên sổ quỹ.
Sổ quỹ chỉ ghi những khoản tiền thực tế nhập xuất qua quỹ. Không ghi vào sổ quỹ những khoản tiền mặt thu được nộp ngay vào Kho bạc hoặc do cán bộ Kho bạc đến thu trực tiếp tại cửa khẩu.
SỔ TIỀN GỬI
(Mẫu số 09/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ dùng để theo dõi chi tiết từng loại tiền gửi ở Kho bạc về tiền thuế tạm thu, tiền gửi về thu phạt vi phạm hành chính về Hải quan, tiền gửi lệ phí...
2- Nội dung và cách ghi sổ:
* Nội dung:
- Số tiền gửi do kế toán theo dõi tài khoản tiền gửi kho bạc giữ và ghi.
- Sổ đóng thành quyển, mỗi loại tiền gửi theo dõi riêng một quyền và phải ghi rõ số hiệu tài khoản của đơn vị tại kho bạc.
- Đầu năm hoặc đầu tháng ghi số dư tiền gửi.
- Căn cứ để ghi vào sổ là các chứng từ kho bạc: giấy báo Nợ, báo Có và các chứng từ nộp tiền vào Kho bạc.
* Cách ghi:
- Cột 1, 2: ghi số, ngày tháng của chứng từ nộp tiền vào hoặc rút tiền ra, chuyển tiền đi.
- Cột 3: ghi nội dung chứng từ
- Cột 4, 5: ghi số tiền gửi vào, rút ra khỏi Kho bạc.
- Cột 6: ghi số tiền còn gửi tại Kho bạc.
Cuối tháng cộng tổng số tiền đã gửi vào, số tiền đã rút ra khỏi Kho bạc, trên cơ sở đó tính ra số tiền còn gửi ở Kho bạc để chuyển sang tháng sau. Số dư trên sổ được đối chiếu với số dư tại Kho bạc.
GIAO NHẬN SÉC
(Mẫu số 10/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ dùng cho các bộ phận thu để theo dõi việc nhận séc của khách hàng và giao séc cho người mang séc nộp vào Kho bạc.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung: Sổ theo dõi cho từng loại séc thu được; séc nộp thuế, séc nộp tiền lệ phí... Mỗi khi có khách hàng đến nộp séc, người giữ sổ phải ghi vào Sổ Giao nhận séc.
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ (ngày, tháng nhận séc)
- Cột 2, 3: Ghi số hiệu, ngày tháng của séc.
- Cột 4: Ghi tên đơn vị nộp séc.
- Cột 5: Ghi số tiền ghi trên séc.
Hàng ngày người trực tiếp thu séc mang sổ và séc đến giao cho thủ quỹ hoặc người có trách nhiệm nộp séc vào Kho bạc. Người nhận séc sẽ ký vào cột 6 và trả lại sổ cho người giao séc. Căn cứ vào số lượng séc nhận được kế toán sẽ lập giấy nộp tiền bằng chuyển khoản kèm theo bảng kê nộp séc để nộp vào Kho bạc.
Cuối kỳ báo cáo cộng sổ cột số tiền để lấy số liệu đối chiếu với các bộ phận liên quan.
SỔ THEO DÕI THU THUẾ TIỂU NGẠCH - PHI MẬU DỊCH
(Mẫu số 11/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ này dùng để theo dõi số thuế tiểu ngạch - phi mậu dịch đã thu của từng đối tượng nộp thuế và việc nộp số thuế đã thu vào ngân sách.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung: Sổ này theo dõi đối tượng nộp thuế tiểu ngạch - phi mậu dịch và số thuế đã thu theo từng ngày.
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày tháng ghi sổ
- Cột 2: Ghi tên đối tượng nộp thuế
- Cột 3, 4: Ghi số, ngày của biên lai
- Cột 5, 6: Ghi số, ngày của tờ khai.
- Cột 7: Ghi tổng số thuế đã thu.
- Từ cột 8 đến cột 13 ghi chi tiết số thuế đã thu theo từng sắc thuế.
- Cột 14: Ghi tổng số thuế đã nộp ngân sách trong ngày.
Cuối ngày cộng số đã thu và ghi số luỹ kế thu tháng.
Số thu đã nộp ngân sách theo từng ngày, luỹ kế số thu nộp ngân sách.
SỔ THANH TOÁN VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ
(Mẫu số 12/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ theo dõi thanh toán với đối tượng nộp thuế nhằm theo dõi các khoản phải thu, đã thu, còn nợ đọng của từng đối tượng nộp thuế.
2- Nội dung và cách ghi sổ:
* Nội dung:
Sổ được theo dõi cho từng đối tượng nộp thuế.
Mỗi đối tượng nộp thuế mở riêng một sổ hoặc một số trang sổ;
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi số, ngày, tháng của chứng từ (thông báo thuế, biên lai thu...)
- Cột 4: Ghi nội dung của chứng từ
- Cột 5, 6: Số, ngày tháng của từng tờ khai.
- Cột 7: Ghi ngày, tháng đến hạn phải nộp thuế của từng tờ khai.
- Cột 8: Ghi tổng số thuế, phạt chậm thuế phải nộp theo thông báo.
- Cột 9, 11, 13, 15, 17: Căn cứ vào giấy thông báo thuế để ghi số thuế phải nộp, trường hợp có miễn giảm, căn cứ vào chứng từ miễn giảm thuế ghi đỏ vào các cột trên.
- Cột 10, 12, 14, 16, 18: Căn cứ vào biên lai thu thuế (và các chứng từ của Kho bạc) để ghi số thuế đã thu. Trường hợp được hoàn lại số thuế đã nộp, căn cứ vào chứng từ hoàn thuế của Bộ Tài chính ghi đỏ số thuế đã nộp vào các cột thích hợp.
- Cột 19: Ghi số tiền phạt chậm nộp thuế. Số tiền phạt chậm thuế đã tính khi chủ hàng đến nộp thuế sau thời hạn phải nộp. Số liệu ghi cột này căn cứ vào thông báo thu phạt chậm thuế.
- Cột 20: Căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để ghi số tiền phạt chậm nộp thuế vào cột này.
Cuối tháng khoá sổ cộng phát sinh trong tháng, tính ra số luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng và số dư cuối tháng.
SỔ THANH TOÁN VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ TẠM THU
(Mẫu số 14/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ này để theo dõi và thanh toán với đối tượng nộp thuế tạm thu về số thuế tạm thu phải thu, số thuế tạm thu đã thu, số thuế tạm thu đã hoàn, số thuế tạm thu còn phải hoàn của từng đối tượng theo từng tờ khai.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung: Mỗi đối tượng nộp thuế tạm thu ghi riêng một sổ hoặc một số trang. Mỗi tờ khai theo dõi riêng một phần trang sổ từ khi ra thông báo thuế đến khi hoàn tất việc hoàn thuế cho đối tượng (thanh khoản tờ khai).
* Cách ghi:
- Cột 1, 2: Ghi số, ngày tháng của tờ khai.
Cột 3: Ghi số, ngày, tháng ghi sổ.
- Cột 4, 5: Ghi số, ngày tháng chứng từ (thông báo thuế, biên lai thu thuế...)
- Cột 6: Ghi cố định một số chỉ tiêu:
+ Số phải thu: Căn cứ vào thông báo thuế.
+ Không thu: Ghi số thuế đã ra thông báo nay không phải thu nữa (căn cứ vào chứng từ của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không thu).
+ Đã thu: Ghi số thuế tạm thu đã thu theo từng lần thu.
+ Đã hoàn: Ghi số thuế tạm thu đã hoàn lại cho đối tượng theo tiến độ thanh toán đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu.
- Từ cột 7 đến cột 10: Ghi số thuế tạm thu theo từng sắc thuế.
- Cột 11: Ghi số thu chênh lệch giá.
- Cột 12: Ghi số tiền phạt chậm nộp thuế.
- Cột 13: Ghi tổng số thuế tạm thu.
SỐ THU LỆ PHÍ HẢI QUAN
(Mẫu số S 15- SKT/HQ)
1- Mục đích: Sổ dùng để phản ánh số thu các loại lệ phí Hải quan.
2- Nội dung và cách ghi:
- Cột 1, 2: Ghi số, ngày tháng của chứng từ.
- Cột 3: Ghi nội dung của chứng từ
- Cột 4: Ghi tổng số các lệ phí Hải quan đã thu.
- Cột 5 đến cột 9: Ghi chi tiết từng loại lệ phí, thu lệ phí nào cho vào cột của lệ phí đó.
Cuối tháng cộng số phát sinh thu trong tháng và số thu luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng. Sau đó tính ra số dư cuối tháng.
SỔ CHI TIẾT THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ
(Mẫu số 16/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng để phản ánh số thu tiền phạt vi phạm hành chính về Hải quan trong lĩnh vực thuế.
2. Nội dung và cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi số, ngày của chứng từ thu phạt, chứng từ chuyển tiền.
- Cột 4: Ghi tên, địa chỉ của người nộp phạt.
- Cột 5: Ghi số tiền thu phạt.
- Cột 6, 7: Ghi số kết chuyển trong đó tiền thu phạt đã nộp ngân sách hoặc số tiền được trích thưởng chuyển sang đơn vị dự toán.
Đầu tháng chuyển số dư cuối tháng trước sang, hàng ngày căn cứ vào các chứng từ có liên quan để ghi sổ. Cuối tháng cộng số phát sinh trong tháng và tính ra số dư cuối tháng, luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng.
SỔ CHI TIẾT THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH NGOÀI LĨNH VỰC THUẾ VÀ BÁN HÀNG TỊCH THU
(Mẫu số 17/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng để phản ánh số thu phạt vi phạm hành chính về Hải quan ngoài lĩnh vực thuế và thu từ các khoản bán hàng tịch thu do cơ quan Tài chính đã thực hiện.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung: Sổ này theo dõi cả 2 khoản thu từ vi phạm hành chính ngoài lĩnh vực thuế và bán hàng tịch thu.
* Cách ghi: Căn cứ vào quyết định xử lý hàng tịch thu và các chứng từ liên quan khác để ghi vào các cột.
- Cột 1: Ghi ngày, tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi số, ngày tháng chứng từ.
- Cột 4: Ghi tên, địa chỉ người vi phạm, nội dung vi phạm.
- Cột 5: Ghi số tiền thu được về phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu.
- Cột 6 đến cột 9: Theo dõi số tiền đã chuyển sang Sở Tài chính để xử lý, cụ thể như sau:
+ Cột 6: Ghi tổng số tiền đã chuyển sang Sở Tài chính;
+ Cột 7: Ghi số tiền Sở Tài chính đã nộp ngân sách.
+ Cột 8, 9: Số kinh phí kiểm soát, trích thưởng được cơ quan Tài chính chuyển tiền thanh toán.
Đầu tháng chuyển số dư cuối tháng trước sang, hàng ngày căn cứ vào các chứng từ có liên quan để ghi sổ. Cuối tháng cộng số phát sinh trong tháng và tính ra số dư cuối tháng, luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng.
SỔ CHI TIẾT THANH TOÁN THU NỘP NGÂN SÁCH
(Mẫu số 18/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng cho các đơn vị Hải quan để theo dõi số thu đã nộp ngân sách trên cơ sở đó xác định mức hoàn thành kế hoạch thu của đơn vị.
2- Nội dung và cách ghi:
* Nội dung: Căn cứ ghi sổ là các báo Có của Kho bạc (hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách đã được Kho bạc xác nhận).
* Cách ghi: Sổ được theo dõi cho từng khoản thu (từng sắc thuế, từng khoản thu).
- Cột 1: Ghi ngày tháng ghi sổ
- Cột 2, 3: Ghi số, ngày tháng của chứng từ (báo Có hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách).
- Cột 4: Ghi nội dung chứng từ.
- Cột 5: Ghi số tiền phải nộp ngân sách.
- Cột 6: Ghi tổng số tiền đã nộp ngân sách (theo chứng từ của Kho bạc). Trong đó chia ra:
- Cột 7: Ghi số thu qua biên giới đất liền.
- Cột 8: Ghi số thu không qua biên giới đất liền.
SỔ CHI TIẾT TÀI KHOẢN
(Mẫu số 19/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ này dùng để theo dõi số phát sinh, số dư của tài khoản (dùng cho các tài khoản chưa có sổ chi tiết riêng).
2- Nội dung và cách ghi: Sổ được theo dõi cho từng tài khoản, từng đối tượng và cách ghi như sau:
- Cột 1, 2: Ghi số, ngày tháng của chứng từ.
- Cột 3: Ghi nội dung chứng từ.
- Cột 4, 5: Ghi số phát sinh của tài khoản.
- Cột 6, 7: Ghi số dư nợ của tài khoản
Đầu tháng chuyển số dư của tháng trước sang.
Cuối tháng tiến hành cộng số phát sinh trong tháng, số luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng và tính số dư của tháng đó.
SỔ KHO HÀNG TẠM GIỮ
(Mẫu số 20/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ kho hàng tạm giữ dùng để phản ánh tình hình xuất, nhập, tồn của hàng tạm giữ hoặc tịch thu theo từng kho nhằm quản lý chặt chẽ hàng tạm giữ.
2. Nội dung và cách ghi:
* Nội dung: Sổ theo dõi cho từng đối tượng, từng loại mặt hàng. Sổ này do thủ kho giữ và ghi sổ. Kế toán có trách nhiệm kiểm tra việc ghi chép sổ của thủ kho.
* Cách ghi: Căn cứ vào quyết định tạm giữ hoặc tịch thu, phiếu nhập, xuất kho hàng tạm giữ, tịch thu để ghi vào các cột.
- Cột 1, 2: Ghi số, ngày của phiếu nhập kho.
- Cột 3, 4: Ghi số, ngày của phiếu xuất kho.
- Cột 5: Ghi quy cách, nhãn hiệu của mặt hàng nhập kho, xuất kho.
- Cột 6: Ghi đơn vị tính của từng loại mặt hàng.
- Cột 7: Ghi số lượng nhập kho từng mặt hàng.
- Cột 8, 9, 10: Căn cứ vào phiếu xuất, thủ kho ghi số lượng các lần xuất kho của mỗi loại mặt hàng vào các cột tương ứng.
- Cột 11: Ghi số lượng hàng hoá còn tồn trong kho của mỗi một mặt hàng sau khi đã trừ đi số lượng xuất kho ở lần cuối.
Số lượng tồn trên sổ được đối chiếu với hàng hoá thực tế trong kho.
SỔ THANH TOÁN LOẠI ẤN CHỈ CẤP PHÁT VỚI CẤP TRÊN
(Mẫu số 21a/SKT-2001)
1- Mục đích: Dùng cho Cục HQ thanh toán loại ấn chỉ cấp phát với cấp trên về số lượng ấn chỉ nhập của Tổng cục, số lượng xuất tiêu dùng, số còn lại trong kho của từng loại ấn chỉ nhằm quản lý chặt chẽ việc xuất nhập kho và làm căn cứ để lập báo cáo.
2. Nội dung ghi chép:
- Cột 1: Ngày tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi số ngày của chứng từ.
- Cột 4: Ghi tóm tắt nội dung chứng từ.
- Cột 5: Ghi số lượng nhập.
- Cột 6, 7, 8: Ghi số lượng đã sử dụng, hỏng, và các thất thoát khác.
- Cột 9: Số lượng còn lại ở kho ấn chỉ.
SỔ THANH TOÁN LOẠI ẤN CHỈ CẤP PHÁT
(Mẫu số 21b/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng cho Cục Hải quan để theo dõi tình hình thanh toán biên lai, ấn chỉ loại cấp phát với các cửa khẩu về số lượng đã giao, số đã sử dụng, số hỏng, số hoàn trả của từng loại ấn chỉ nhằm quản lý chặt chẽ biên lai, ấn chỉ đã xuất cho cửa khẩu và làm căn cứ lập báo cáo tình hình sử dụng biên lai ấn chỉ cấp phát với Tổng cục.
2- Nội dung và cách ghi chép:
* Nội dung:
- Sổ thanh toán ấn chỉ loại cấp phát sử dụng được theo dõi cho từng cửa khẩu và kho tên từng ấn chỉ, mỗi ấn chỉ sử dụng một số trang riêng.
- Căn cứ ghi sổ là các phiếu nhập kho và các phiếu xuất kho kiêm hoá đơn.
* Cách ghi sổ:
- Cột 1: Ghi ngày tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi số, ngày tháng của chứng từ.
- Cột 4: Ghi nội dung của chứng từ: Giao cho ai, bao nhiêu quyển, ký hiệu các quyển, thanh toán bao nhiêu số...
- Cột 5: Ghi số lượng ấn chỉ giao cho cửa khẩu (bao nhiêu sổ)
- Cột 6, 7, 8, 9: Ghi số lượng ấn chỉ đã thanh toán với các cửa khẩu trong đó có số đã sử dụng, số hỏng, số trả lại.
- Cột 10: ghi số lượng ấn chỉ còn lại dưới cửa khẩu chưa thanh toán.
Số còn lại cuối kỳ trước chuyển thành số dư đầu kỳ sau.
Sổ theo dõi cho từng tháng, đầu tháng chuyển số dư cuối tháng trước sang, cuối tháng cộng số phát sinh trong tháng và tính ra số còn lại cuối tháng.
SỔ TỔNG HỢP TÌNH HÌNH BIÊN LAI
(Mẫu số 22a/SKT-2001)
1- Mục đích:
Sổ tổng hợp tình hình biên lai dùng cho cấp cửa khẩu và cấp Cục để tổng hợp tình hình toàn bộ các loại biên lai ấn chỉ cấp phát ở đơn vị làm căn cứ lập báo cáo tình hình biên lai ấn chỉ với cấp Cục và Tổng cục.
2- Nội dung và cách ghi chép:
Sổ được tổng hợp theo từng tháng cho tất cả các loại biên lai, ấn chỉ cấp phát. Kết cấu của sổ có các phần số lượng tồn đầu ký, số lượng biên lại nhận, số phát ra, số đã sử dụng, số còn lại.
a. Đối với Cục Hải quan
Căn cứ ghi: Dựa vào số liệu trên sổ kho biên lai, ấn chỉ loại cấp phát để ghi số nhận được từ Tổng cục và số biên lai, ấn chỉ cấp phát đã giao cho các cửa khẩu.
- Cột 2- Loại biên lai: Mỗi loại biên lai, ấn chỉ ghi 1 dòng.
- Cột 3: Ghi ký hiệu của loại biên lai ấn chỉ cấp phát.
- Cột 4- đơn vị tính: Ghi đơn vị tính của biên lai, ấn chỉ cấp phát (quyển hoặc số biên lai).
- Cột 5, 6- Tồn đầu kỳ: Ghi số lượng tồn đầu ký tại kho tại Cục (dựa vào cột 18, 19 của sổ này ở tháng trước).
b. Các cửa khẩu
- Căn cứ vào dòng cộng của số tổng hợp tình hình biên lai (mẫu số 22b dùng cho cửa khẩu) để lấy số liệu ghi vào bảng tổng hợp.
- Cột 2- Loại biên lai: Mỗi loại biên lai ghi 1 dòng.
- Cột 5, 6- Tồn đầu kỳ: lấy số liệu cột 19, 20, 21 của sổ tổng hợp biên lai tại cửa khẩu (mẫu số 22b) để ghi vào cột 5, 6.
- Cột 7, 8 - Nhập trong kỳ: Phản ánh số lượng quyền và số lượng biên lai đã nhận từ Cục về.
- Cột 9- Tổng số biên lai phát ra: Ghi số biên lai phát ra ở cột 9 của Mẫu số 22b.
- Cột 10 đến cột 13: Căn cứ số liệu từ cột 10 đến cột 13 trên Mẫu số 22b để ghi.
- Cột 14, 15 - Còn lại trong kho: Số quyển, số lượng biên lai còn trong kho cửa khẩu (số chưa xuất dùng).
- Cột 16, 17: Ghi số lượng quyển biên lai và số lượng biên lai còn để ở cửa khẩu chưa đem sử dụng.
- Cột 18, 19: Ghi số lượng quyển biên lai và số lượng biên lai còn tồn kho.
SỔ TỔNG HỢP TÌNH HÌNH BIÊN LAI
(Mẫu số 22b/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng cho kế toán cửa khẩu để tổng hợp tình hình sử dụng biên lai của từng cán bộ thu ở cửa khẩu. Giúp cho kế toán tại cửa khẩu nắm được chi tiết từng quyền, từng số biên lai để có căn cứ thanh toán với Cục Hải quan.
2- Nội dung và cách ghi chép:
- Căn cứ vào loại biên lai nhận của Hải quan tỉnh để ghi vào sổ theo loại biên lai thích hợp, ghi cụ thể tên từng cán bộ thu vào cột 3.
- Số lượng biên lai nhận được ghi vào cột 7, 8. Căn cứ vào chứng từ xuất kho để ghi vào cột 9 “ Số lượng biên lai đã phát ra”.
- Dựa vào sổ theo dõi sử dụng biên lai do các bộ phận thu trực tiếp báo lên để lấy số liệu ghi vào các cột 10, 11, 12, 13. Căn cứ vào số lượng phát ra và số đã sử dụng, tính ra số lượng biên lai còn lại chưa sử dụng ở các bộ phận trực tiếp thu để ghi vào các cột 15, 16, 17. Số còn lại ở kho (Cột 18) được tính như sau:
- Số lượng biên lai còn lại ở kho = số lượng biên lai còn lại cuối tháng trước + số lượng biên lai nhận trong tháng - số lượng biên lai phát ra trong tháng.
- Số lượng biên lai còn lại của Hải quan cửa khẩu (cột 18) bao gồm: Còn lại ở kho và còn lại ở các bộ phận thu trực tiếp. Nhờ có số liệu này mà Hải quan cửa khẩu có kế hoạch dự trù số lượng biên lai cần lĩnh cho kỳ tới và lập báo cáo quyết toán biên lai cho cấp trên được chính xác, kịp thời.
SỔ THEO DÕI SỬ DỤNG BIÊN LAI TẠI BỘ PHẬN TRỰC TIẾP THU
(Mẫu số 23/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng cho cán bộ thu để ghi chép tình hình nhận, sử dụng và thanh quyết toán biên lai với kế toán cửa khẩu.
2- Nội dung và cách ghi chép:
* Nội dung:
- Các bộ phận trực tiếp thu được giữ và ghi sổ này.
- Mỗi loại biên lai (Sêry) sử dụng riêng một số trang để theo dõi.
* Cách ghi: Mỗi khi nhận biên lai của kế toán Hải quan cửa khẩu, cán bộ thu phải ghi đầy đủ các cột:
- Cột 1, 2: Ghi số hiệu, ngày tháng của chứng từ nhận.
- Cột 3: Ghi nội dung chứng từ.
- Cột 4: Ghi số Sêry của loại biên lai nhận.
- Cột 5: Ghi số ký hiệu của quyển biên lai.
- Cột 6, 7: Ghi số biên lai từ số..... đến số...... của số biên lai nhận và số lượng biên lai thực nhận.
- Cột 8, 9, 10: Ghi số lượng biên lai đã sử dụng và số tiền thuế, lệ phí, phạt đã thu được kèm theo số lượng biên lai đã sử dụng.
- Cột 11, 12, 13: Ghi số lượng biên lai bị hỏng (do in hỏng, viết hỏng, rách nát) phải huỷ, số lượng bị mất, thiếu hụt.
- Cột 15, 16: Ghi số biên lai và số lượng biên lai còn lại.
- Người nhận biên lai ký vào cột 17.
- Người cấp biên lai ký vào cột 18.
- Thủ quỹ sau khi nhận tiền của cán bộ thu hoặc người nhận báo soát ký vào cột.
SỔ KHO ẤN CHỈ
(Mẫu số 24/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ kho dùng cho thủ kho để theo dõi số lượng nhập, xuất, tồn của từng loại ấn chỉ bao gồm loại biên lai ấn chỉ cấp phát và loại ấn chỉ bán thu tiền.
2- Nội dung và cách ghi chép:
* Nội dung:
- Loại biên lai ấn chỉ cấp phát theo dõi riêng 1 quyển.
- Loại biên lai ấn chỉ bán thu tiền theo dõi riêng 1 quyển.
- Mỗi loại ấn chỉ được theo dõi một số trang.
* Cách ghi: Căn cứ để ghi sổ là các phiếu nhập, phiếu xuất kho ấn chỉ. Đầu tháng (hoặc đầu năm), ghi số lượng tồn kho vào cột 7.
- Cột 1, 2, 3: Ghi số hiệu, ngày tháng của chứng từ nhập (hoặc chứng từ xuất).
- Cột 4: Ghi nội dung chứng từ nhập, xuất (nhập của ai, xuất cho ai gồm quyển nào, số liệu quyển, số sêry hoặc số lượng biên lai...).
- Cột 5, 6: Ghi số lượng nhập kho, xuất kho.
- Cột 7: Ghi số lượng tồn kho. Sau mỗi lần nhập, xuất ấn chỉ phải tính ra số lượng tồn kho ấn chỉ để ghi vào cột 7.
Cuối tháng sau khi vào sổ hết các phiếu nhập kho, phiếu xuất kho ấn chỉ phải cộng tổng số lượng nhập, tổng số lượng xuất và tính ra số lượng tồn kho cuối tháng của từng loại ấn chỉ.
Định kỳ thủ kho phải đối chiếu số liệu với kế toán ấn chỉ để xác định chính xác số liệu nhập, xuất, tồn; kế toán ấn chỉ ký xác nhận vào sổ kho.
SỔ THANH TOÁN LOẠI ẤN CHỈ BÁN THU TIỀN VỚI CẤP DƯỚI
(Mẫu số 25/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng cho các Cục Hải quan để theo dõi việc thanh toán loại ấn chỉ bán thu tiền ở đơn vị cấp dưới.
2- Nội dung và cách ghi chép:
* Nội dung: Sổ thanh toán loại ấn chỉ bán thu tiền sử dụng theo dõi cho từng loại cửa khẩu và theo dõi từng loại ấn chỉ bán thu tiền. Mỗi ấn chỉ sử dụng riêng ghi riêng một số trang trong quyển.
Kết cấu của sổ gồm có 3 phần chính:
- Số được giao.
- Số đã thanh toán.
- Số còn lại.
Ba chỉ tiêu này phản ánh cả số lượng và giá trị.
* Cách ghi:
- Căn cứ vào phiếu xuất kho ấn chỉ loại bán thu tiền, kế toán ghi vào cột 5 cột 6 số lượng giá trị loại ấn chỉ đã giao cho các cửa khẩu.
- Căn cứ vào bảng tổng hợp luân chuyển loại ấn chỉ bán thu tiền do các cửa khẩu gửi lên để ghi vào các cột 7 đến 12.
BẢNG TỔNG HỢP LUÂN CHUYỂN LOẠI ẤN CHỈ BÁN THU TIỀN
(Mẫu số 26/SKT-2001)
1- Mục đích: Bảng tổng hợp này dùng để tổng hợp tình hình nhập, xuất và còn lại của tất cả các loại ấn chỉ bán thu tiền trong kỳ của đơn vị.
2- Nội dung và cách ghi: Bảng dùng để tổng hợp loại ấn chỉ bán thu tiền để xác định số ấn chỉ đã bán, đã trả và còn tồn cuối kỳ làm căn cứ thanh toán tiền bán ấn chỉ với cấp trên. Cách ghi như sau:
- Cột 1: Ghi số thứ tự.
- Cột 2: Ghi tên từng loại ấn chỉ bán thu tiền.
- Cột 3, 4, 5: Ghi số hiệu, đơn vị tính và đơn giá của từng loại ấn chỉ bán thu tiền.
- Cột 6, 7: Ghi số lượng và giá trị ấn chỉ còn tồn đầu kỳ: căn cứ vào cột 14, 15 của bảng này kỳ trước hoặc cột 11, 12 của mẫu sổ số 27.
- Cột 8, 9: Ghi số lượng ấn chỉ và giá trị ấn chỉ nhập trong kỳ.
- Cột 10, 11: Ghi số lượng và số tiền ấn chỉ đã bán được trong kỳ.
- Cột 12, 13: Ghi số lượng và giá trị ấn chỉ được hoàn trả do bị hỏng hoặc không bán được phải điều lên chuyển cho nơi khác.
- Cột 14, 15: Ghi số lượng ấn chỉ và giá trị ấn chỉ còn tồn cuối kỳ.
(Cột này được tính = số ấn chỉ tồn đầu kỳ + số ấn chỉ nhập trong kỳ - số ấn chỉ xuất trong kỳ).
SỔ THANH TOÁN TIỀN BÁN ẤN CHỈ VỚI CẤP TRÊN
(Mẫu số 27/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ dùng cho Hải quan tỉnh, Thành phố và Hải quan cửa khẩu để theo dõi số lượng và giá trị của ấn chỉ đã giao, số lượng và số tiền ấn chỉ đã thanh toán làm căn cứ lập bảng tổng hợp luân chuyển ấn chỉ loại bán thu tiền để gửi cấp trên.
2- Nội dung và cách ghi chép:
- Sổ do bộ phận kế toán ấn chỉ giữ và ghi chép. Mỗi đơn vị trực thuộc Hải quan tỉnh, thành phố được theo dõi riêng một quyển hoặc một số trang.
- Cột 1: Ghi ngày tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi số hiệu, ngày tháng của chứng từ bán ấn chỉ.
- Cột 4: Ghi nội dung của chứng từ: Nhận của ai, số đã thanh toán, đã bán cho ai, cửa khẩu nào đã thanh toán.
- Cột 5, 6: Ghi số lượng, giá trị ấn chỉ đã nhập trong kỳ.
- Các cột 7, 8, 9, 10: Ghi số lượng, giá trị ấn chỉ đã thanh toán (đã bán hoặc đã hoàn trả).
- Cột 11, 12: Ghi số lượng và giá trị số tiền ấn chỉ còn tồn chưa thanh toán.
SỔ THEO DÕI CHI PHÍ PHÁT HÀNH
(Mẫu số 28/SKT-2001)
1- Mục đích: Sổ được dùng cho Cục Hải quan để theo dõi số chi phí phát hành được trích lại và đã sử dụng để làm căn cứ cho việc báo cáo tình hình chi phí phát hành tại đơn vị.
2 - Nội dung và cách ghi:
* Nội dung ghi sổ: là số tiền 5% được trích lại về thu tiền bán ấn chỉ và các chứng từ đã chi từ sử dụng số tiền 5% được trích lại để dùng cho việc bốc vác, vận chuyển, đảo kho, bồi dưỡng theo nội dung quy định về phát hành ấn chỉ.
* Cách ghi:
- Cột 1: Ghi ngày tháng ghi sổ.
- Cột 2, 3: Ghi ngày tháng của chứng từ.
- Cột 4: Ghi nội dung chứng từ.
- Cột 5: Ghi số tiền 5% được trích theo từng cột thanh toán tiền bán ấn chỉ với Tổng cục.
- Cột 6: Ghi tổng số tiền đã chi cho việc phát hành ấn chỉ.
- Từ cột 7 đến cột 11: Ghi chi tiết số tiền chi về việc gì theo nội dung báo cáo phát hành.
- Cột 12: Ghi số tiền còn lại sau khi trừ đi chi phí.
HỆ THỐNG BÁO CÁO KẾ TOÁN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
STT | Tên biểu báo cáo | Ký hiệu | Thời hạn lập | Đơn vị lập | ||
HQ CKH | Cục HQ | TCHQ | ||||
I | Báo cáo nhanh |
|
|
|
|
|
1 | Báo cáo nhanh số thu thuế và thu khác | 01/BCN-2001 | 1 ngày | X | X |
|
2 | Báo cáo nhanh số thu định kỳ | 02/BCN-2001 | 15 ngày |
|
| X |
II | Báo cáo định kỳ |
|
|
|
|
|
1 | Bảng cân đối tài khoản kế toán | 01/BCKT-2001 | tháng |
| X |
|
2 | Bảng đối chiếu với kho bạc số nộp ngân sách | 02/BCKT-2001 | tháng | X | X |
|
3 | Báo cáo số nộp ngân sách bằng ngoại tệ | 03/BCKT-2001 | tháng | X | X |
|
4 | Báo cáo chi tiết nợ thuế hàng kinh doanh – XNK | 04/BCKT-2001 | tháng | X | X |
|
5 | Báo cáo tình hình thuế tạm thu | 05/ BCKT-2001 | tháng | X | X |
|
6 | Báo cáo tổng hợp nợ thuế hàng kinh doanh – XNK | 06/ BCKT-2001 | tháng |
|
| X |
7 | Báo cáo số thu nộp ngân sách | 07/ BCKT-2001 | tháng |
|
| X |
8 | Báo cáo chi tiết nợ quá hạn thuế tạm thu | 08/ BCKT-2001 | tháng | X | X |
|
9 | Báo cáo hoàn thuế tạm thu | 09/ BCKT-2001 | tháng |
|
| X |
10 | Báo cáo tình hình sử dụng ấn chỉ cấp phát | B02-ACĐV | quí | X | X |
|
11 | Báo cáo tình hình sử dụng ấn chỉ bán thu tiền | B03-ACĐV | quí | X | X |
|
12 | Báo cáo tình hình tiêu thụ ấn chỉ | B04-ACĐV | quí | X | X |
|
13 | Báo cáo tình hình thanh toán tiền bán ấn chỉ và chi phí phát hành ấn chỉ | B05-ACĐV |
| X | X |
|
14 | Báo cáo kiểm kê kho ấn chỉ | B06-ACĐV | năm | X | X |
|
Biểu số 01/BCN-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ | BÁO CÁO NHANH SỐ THU THUẾ VÀ THU KHÁC Từ ngày…../…../…. đến ngày….../….../….... |
TT | Loại hình thu | Mục | Tiểu mục | Số thu nộp NS trong ngày | Luỹ kế từ đầu tháng đến ngày báo cáo |
1 | Thuế XK (trừ thuế XK qua BGĐL) | 19 | O1 |
|
|
2 | Thuế XK qua BGĐL | 19 | O2 |
|
|
3 | Thuế NK (trừ thuế NK qua BGĐL) | 20 | O1 |
|
|
4 | Thuế NK qua BGĐL | 20 | O2 |
|
|
5 | Thuế TTĐB | 15 |
|
|
|
6 | Thuế GTGT | 14 |
|
|
|
7 | Thuế thu nhập | O1 |
|
|
|
8 | Phạt chậm nộp thuế |
| 15 |
|
|
9 | Thu chênh lệch giá | 26 |
|
|
|
10 | Phạt vi phạm HC về Hải quan | 51, 52 |
|
|
|
11 | Lệ phí Hải quan | 44 |
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
| Lũy kế từ đầu năm đến ngày b/c |
|
|
|
|
| PHÒNG KIỂM TRA THU THUẾ XNK |
Biểu số 02/BCN-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO NHANH SỐ THU ĐỊNH KỲ
Từ ngày….../…... /….. Đến ngày …...../…..../…....
STT | Loại thuế đã thu | Số thu | Ghi chú |
1 | 2 | 3 | 4 |
| Tổng số |
|
|
1 | Thuế xuất khẩu |
|
|
2 | Thuế nhập khẩu |
|
|
3 | Thuế giá trị gia tăng |
|
|
4 | Thuế tiêu thụ đặc biệt |
|
|
5 | Thuế Thu nhập |
|
|
6 | Thu chênh lệch giá |
|
|
7 | Khác |
|
|
…..... Ngày….... tháng…..... năm….....
Người lập biểu | Thủ trưởng đơn vị |
Biểu số 01/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HẢI QUAN ......................
BẢNG CÂN ĐỐI TÀI KHOẢN KẾ TOÁN
Ngày…........ tháng…..... năm….....
A-PHẦN SỐ LIỆU
Số hiệu | Tên tài khoản, tiểu khoản | Số dư đầu năm | Số dư đầu kỳ | Số phát sinh trong kỳ | Số dư cuối kỳ | ||||||
Trong tháng | Luỹ kế | ||||||||||
Nợ | Có | Nợ | Có | Nợ | Có | Nợ | Có | Nợ | Có | ||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
111 | Tiền mặt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1111- Tiền Việt Nam |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1112- Ngoại tệ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
112 | Tiền gửi Kho bạc |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1121- Lệ phí Hải quan |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1122- Tiền thu phạt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1123- Tiền tạm giữ chờ xử lý |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1124- Tiền gửi thuế tạm thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1125- Tiền gửi thuế ẩn lậu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1126- Tiền gửi ấn chỉ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1128- Tiền gửi khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
113 | Tiền đang chuyển |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
152 | Ấn chỉ bán thu tiền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1521- ấn chỉ trong kho |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1522- ấn chỉ trong kho |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
314 | Thanh toán với đối tượng nộp thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3141- Tiền thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3142- Tiền phạt chậm nộp thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
315 | Phải thu về thuế tạm thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
333 | Thanh toán thu nộp với Ngân sách |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3331- Thuế xuất khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33311- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33312- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3332- Thuế nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33321- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33322- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3333- Thuế giá trị gia tăng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33331- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33332- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3334- Thuế Tiêu thụ đặc biệt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33331- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33342- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3335- thuế thu nhập |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3336- Thu chênh lệch giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3337- Phạt chậm nộp thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3338- Lệ phí Hải quan |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3339 - Phạt vi phạm hành chính |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 33310- Thu khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
335 | Phải hoàn về thuế tạm thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
338 | Tiền tạm giữ chờ xử lý |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
342 | Thanh toán tiền bán ấn chỉ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
343 | Vãng lai với đơn vị dự toán |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3431- Tiền bán hàng tịch thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3432- Lệ phí Hải quan |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3433- Tiền truy thu thuế ẩn lậu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3434- Tiền phạt VPHC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3435- Tiền bán ấn chỉ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3438- Các khoản khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
344 | Vãng lai với Sở Tài chính |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
354 | Số nộp ngân sách chuyển đi khấu trừ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
355 | Số nộp ngân sách chuyển đến khấu trừ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
715 | Thuế tạm thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7151- Tạm nhập tái xuất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7152- Tạm xuất tái nhập |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7153- Nhập nguyên liệu SX hàng xuất khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7158- Tạm thu khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
716 | Thu thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7161- Thuế xuất khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71611- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71612- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7162- Thuế nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71621- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71622- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7163- Thuế Giá trị gia tăng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71631- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71632- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7164- Thuế tiêu thụ đặc biệt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71641- Qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 71642- Không qua biên giới đất liền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7165- Thuế thu nhập |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7166- Thu chênh lệch giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7168 - Thuế khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
717 | Truy thu thuế ẩn lậu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7171- Doanh nghiệp nhà nước |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7172- DN thuộc các thành phần khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
718 | Thu lệ phí Hải quan |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7181- Lệ phí làm thủ tục |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7182- Lệ phí hàng hoá ký gửi lưu kho HQ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7183- Lệ phí quá cảnh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7184- Lệ phí áp tải - Niêm phong |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7185- Lệ phí xác nhận chứng từ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7188- Lệ phí khác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
719 | Thu phạt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7191- Phạt chậm nộp thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7192- Phạt VP hành chính trong lĩnh vực thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7193- Phạt VP hành chính ngoài lĩnh vực thuế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
720 | Thu tiền bán hàng tịch thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| CÁC TÀI KHOẢN NGOÀI BẢNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
OO2 | Hàng tạm giữ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
OO3 | Ấn chỉ không thu tiền |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
OO5 | Giá trị hàng hoá, tiền tịch thu chuyển sang Sở TC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
OO7 | Ngoại tệ các loại |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
B/PHẦN GIẢI THÍCH VÀ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT CỦA ĐƠN VỊ
(Đơn vị đánh giá khái quát những vấn đề nổi lên khác thường so với tháng trước và những ý kiến đề xuất lên Tổng cục Hải quan nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính ở đơn vị)
Ngày..... tháng...... năm......
Người lập bảng | Kế toán trưởng Hải quan | Thủ trưởng đơn vị |
NHẬN XÉT CỦA TỔNG CỤC
Ngày..... tháng...... năm......
Phòng kế toán thuế | Trưởng phòng kế toán thuế | T/L Tổng cục trưởng TCHQ Cục trưởng Cục kiểm tra thu thuế XNK |
Biểu số 02/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN HẢI QUAN:…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:….. |
|
BẢNG ĐỐI CHIẾU VỚI KHO BẠC SỐ NỘP NGÂN SÁCH
Tháng........... năm...........
STT | Nội dung thu | Mục | Tiểu mục | Số nộp Kho bạc | Ghi chú | |
Trong tháng | Luỹ kế | |||||
1 | Thuế XK (trừ thuế XK qua BGĐL) | 19 | O1 |
|
|
|
2 | Thuế XK qua BGĐL |
| O2 |
|
|
|
3 | Thuế NK (trừ thuế NK qua BGĐL) | 20 | O1 |
|
|
|
4 | Thuế NK qua BGĐL |
| O2 |
|
|
|
5 | Thuế TTĐB (trừ thuế TTĐB qua BGĐL) | 15 | O2 |
|
|
|
6 | Thuế TTĐB qua BGĐL |
| O3 |
|
|
|
7 | Thuế GTGT (trừ thuế GTGT qua BGĐL) | 14 | O2 |
|
|
|
8 | Thuế GTGT qua BGĐL |
| O3 |
|
|
|
9 | Thuế thu nhập | O1 |
|
|
|
|
10 | Thu chênh lệch giá | 26 |
|
|
|
|
11 | Phạt chậm nộp thuế | 4, 15, 19, 10 | 15 |
|
|
|
12 | Phạt vi phạm HC về Hải quan | 51 | 03, 04 |
|
|
|
13 | Thu từ bán hàng tịch thu | 52 | 03, 04 |
|
|
|
14 | Lệ phí Hải quan | 44 |
|
|
|
|
15 | Thu khác | 62 | O5 |
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm..... Xác nhận của Kho bạc địa phương (Ký tên, đóng dấu) | Người lập (Ký tên) | Ngày...... tháng..... năm..... Cục trưởng Cục HQ tỉnh thành phố (Ký tên, đóng dấu) |
Biểu số 03/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN HẢI QUAN ............. Số:................ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO THU, NỘP NGÂN SÁCH BẰNG NGOẠI TỆ
Tháng........... năm 200...........
I - Tình hình thu nộp
TT | Nội dung thu | Loại ngoại tệ | Ghi chú | |||||
USD | Fr | ... |
| |||||
Tr. tháng | Luỹ kế | Tr. tháng | Luỹ kế | Tr. tháng | Luỹ kế | |||
1 | Thuế xuất khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
2 | Thuế nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
3 | Thuế TTĐB |
|
|
|
|
|
|
|
4 | Thuế GTGT |
|
|
|
|
|
|
|
5 | Lệ phí HQ |
|
|
|
|
|
|
|
…. | …. |
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: Đã nộp: Hoàn trả: Tồn: |
|
|
|
|
|
|
|
II - Số ngoại tệ đã nộp ngân sách:
TT | Nội dung thu | Ngoại tệ | Nguyên tệ | Tính ra đồng Việt Nam | Ghi chú | ||
Tr. tháng | Luỹ kế | Tr. tháng | Luỹ kế | ||||
1 | Thuế xuất khẩu |
|
|
|
|
|
|
2 | Thuế nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
3 | Thuế TTĐB |
|
|
|
|
|
|
4 | Thuế GTGT |
|
|
|
|
|
|
5 | Lệ phí HQ |
|
|
|
|
|
|
… | … |
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
| Ngày.... tháng.... năm... | Ngày.....tháng.... năm... |
Người lập biểu (Ký tên) | Phụ trách kế toán | Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) | Xác nhận của Kho bạc (Ký tên, đóng dấu)
|
Biểu số 04/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO CHI TIẾT NỢ THUẾ HÀNG KINH DOANH - XNK
Tháng........... năm...........
TT | Mã thuế | Tên doanh nghiệp | Thuế trong hạn chưa thu | Nợ quá hạn | Ghi chú | ||||||
XK | NK | TTĐB | GTGT | C/L giá | Ph. chậm | Cộng nợ | |||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày...... tháng..... năm.....
Người lập (Ký tên, đóng dấu) | Trưởng phòng kiểm tra TT XNK (Ký tên) | Cục trưởng Cục HQ tỉnh thành phố (Ký tên, đóng dấu) |
Biểu số 05/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THUẾ TẠM THU
Tháng........... năm ...........
Số TT | Loại hình | Dư đầu năm | Số thu | Số không thu | Số hoàn | Dư cuối tháng | |||||||
Phải thu | Đã thu | Phải hoàn | Đã hoàn | ||||||||||
Tr. tháng | Lũy kế | Tr. tháng | Lũy kế | Tr. tháng | Lũy kế | Tr. tháng | Lũy kế | Tr. tháng | Lũy kế | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
I | Tạm nhập - Tái xuất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - TTĐB |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| -Giá trị gia tăng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Chênh lệch giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | Tạm xuất - Tái nhập |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - TTĐB |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| -Giá trị gia tăng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Chênh lệch giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| .... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III | Nhập sản xuất - xuất khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhập khẩu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - TTĐB |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| -Giá trị gia tăng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Chênh lệch giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| ` |
| … |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngày...... tháng..... năm.... |
Người lập bảng | Kế toán Trưởng | Cục trưởng Cục HQ tỉnh thành phố |
Biểu số 06/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
BÁO CÁO TỔNG HỢP NỢ THUẾ HÀNG KINH DOANH XNK
Tháng........... năm ...........
Số TT | Loại thuế | Nợ thuế quá hạn | Thuế trong hạn chưa phải thu | Ghi chú |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
1 | Thuế XNK |
|
|
|
2 | Thuế TTĐB |
|
|
|
3 | Thuế GTGT |
|
|
|
4 | Thu chênh lệch giá |
|
|
|
5 | Phạt chậm nộp thuế |
|
|
|
| ..... |
|
|
|
| ...... |
|
|
|
| Tổng cộng: |
|
|
|
Người lập biểu | Ngày...... tháng..... năm..... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Biểu số 07/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
BÁO CÁO SỐ THU NỘP NGÂN SÁCH
Tháng........... năm ...........
STT | Cục Hải quan (tỉnh, TP) | Thuế XK | Thuế NK | Thuế GTGT | Thuế TTĐB | Thuế thu nhập | Thu CL giá | Phạt | .... | Tổng cộng | Luỹ kế từ đầu năm |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Xác nhận của Kho bạc Nhà nước | Người lập biểu | ....Ngày...... tháng..... năm..... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Biểu số 08/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN HẢI QUAN ............. Số:................ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BÁO CÁO CHI TIẾT NỢ QUÁ HẠN THUẾ TẠM THU
Tháng........... năm 200...........
Loại hình: TNTX ……..; SX - XK;........
TT | Mã thuế | Tên doanh nghiệp | Thuế XK | Thuế NK | Thuế TTĐB | Thuế GTGT | CLG | ... | .... | Cộng | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngày...... tháng..... năm..... |
NGƯỜI LẬP BIỂU | TRƯỜNG PHÒNG KIỂM TRA TT XNK | CỤC TRƯỞNG CỤC HQ TỈNH, THÀNH PHỐ |
Biểu số 09/BCTK-2001
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
BÁO CÁO HOÀN THUẾ TẠM THU
Tháng........... năm ...........
Số thứ tự | Loại thuế | Số đã thu | Số đã hoàn | Ghi chú | ||
Tháng... | Luỹ kế từ đầu năm | Tháng..... | Luỹ kế từ đầu năm | |||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
1 | Xuất khẩu |
|
|
|
|
|
2 | Nhập khẩu |
|
|
|
|
|
3 | Giá trị gia tăng |
|
|
|
|
|
| ..... |
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
XÁC NHẬN CỦA KHO BẠC NHÀ NƯỚC | NGƯỜI LẬP BIỂU | ....Ngày...... tháng..... năm..... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
TỔNG CỤC HẢI QUAN
HQ tỉnh, TP:.............
Đơn vị:.......................
BẢNG KÊ TÌNH HÌNH TIÊU THỤ ẤN CHỈ THU TIỀN
Tháng........... năm ...........
TT | Loại ấn chỉ | Dư đầu kỳ | Phát sinh trong kỳ | Dư cuối kỳ | Ghi chú | |||||||
Số lượng | Tiền | Nhập kho | Xuất kho | Huỷ (mất) | ||||||||
S. lượng | Tiền | S. lượng | Tiền | S. lượng | Tiền | S. lượng | Tiền | |||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cộng phát sinh tháng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Luỹ kế quý |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Luỹ kế từ đầu năm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
NGƯỜI GHI SỔ | TRƯỞNG PHÒNG THUẾ | ....Ngày...... tháng..... năm.... CỤC TRƯỞNG HQ TỈNH, THÀNH PHỐ |
B02-ACĐV
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Cục Hải quan tỉnh, (TP).....
BÁO CÁO TÌNH HÌNH ẤN CHỈ CẤP PHÁT
Quý............. Năm..............
TT | Loại ấn chỉ | Ký hiệu | Đơn vị tính | Số lượng tồn đầu kỳ | SL nhận của Tổng cục | SL thực sử dụng | SL xuất khác | SL tồn cuối kỳ | |||
Trong kỳ | Luỹ kế | Trong kỳ | Luỹ kế | Trong kỳ | Luỹ kế | ||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
KẾ TOÁN ẤN CHỈ | LÃNH ĐẠO PHÒNG | ....Ngày...... tháng..... năm.... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ. |
B03-ACĐV
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Cục Hải quan tỉnh, (TP).....
BÁO CÁO TÌNH HÌNH ẤN CHỈ BÁN THU TIỀN
Quý............. Năm..............
TT | Loại ấn chỉ | Ký hiệu | Đơn vị tính | Số lượng chưa bán tồn đầu kỳ | SL nhận của Tổng cục | SL thực bán | SL xuất khác | SL tồn chưa bán chuyển kỳ sau | |||
Trong kỳ | Luỹ kế | Trong kỳ | Luỹ kế | Trong kỳ | Luỹ kế | ||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
KẾ TOÁN ẤN CHỈ | LÃNH ĐẠO PHÒNG | ....Ngày...... tháng..... năm.... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ. |
B04-ACĐV
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Cục Hải quan tỉnh, (TP).....
BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIÊU THỤ ẤN CHỈ
Quý............. Năm..............
TT | Loại ấn chỉ | Ký hiệu | Đơn vị tính | Đơn giá bán | Ấn chỉ thực bán | PH phí được để lại | Tiền bán ấn chỉ phải nộp | Ghi chú | |||
Trong kỳ | Luỹ kế | Trong kỳ | Luỹ kế | Trong kỳ | Luỹ kế | ||||||
SL | Thành tiền | SL | Thành tiền | ||||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
KẾ TOÁN ẤN CHỈ | LÃNH ĐẠO PHÒNG | ....Ngày...... tháng..... năm.... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ. |
B05-ACĐV
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Cục Hải quan tỉnh, (TP).....
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THANH TOÁN TIỀN BÁN ẤN CHỈ VÀ CHI PHÍ PHÁT HÀNH BÁN ẤN CHỈ
Đơn vị tính: đồng
TT | Nội dung | Đơn vị báo cáo | Số kiểm tra | |
Trong kỳ | Luỹ kế | |||
I | Thanh toán tiền bán ấn chỉ với Tổng cục |
|
|
|
1 | Số chưa nộp kỳ trước chuyển sang |
|
|
|
2 | Thu tiền bán ấn chỉ trong kỳ |
|
|
|
3 | Phát hành phí được để lại |
|
|
|
4 | Số tiền phải nộp Tổng cục (2 - 3) |
|
|
|
5 | Thực nộp Tổng cục |
|
|
|
6 | Số chưa nộp chuyển kỳ sau (1 + 4 - 5) |
|
|
|
II | Tình hình chi phát hành phí tại đơn vị |
|
|
|
1 | Phát hành phí chưa chi hết kỳ trước |
|
|
|
2 | Phát hành phí được bổ sung trong kỳ |
|
|
|
3 | Thực chi về phát hành phí |
|
|
|
- | Chi phí kho tàng, cất giữ, bảo quản |
|
|
|
- | Chi vận chuyển, bốc xếp |
|
|
|
- | Chi phí bao bì đóng gói |
|
|
|
- | Chi tuyên truyền quản lý sử dụng |
|
|
|
- | Chi phí do hao hụt, thay đổi mầu, rách nát phải thanh huỷ |
|
|
|
- | Khen thưởng thành tích quản lý phát hành tốt |
|
|
|
- | Bồi dưỡng cho người trực tiếp làm công tác quản lý ấn chỉ |
|
|
|
- | Chi phí khác |
|
|
|
4 | Giảm nộp khác |
|
|
|
5 | Số dư chưa chi chuyển kỳ sau |
|
|
|
|
|
|
|
|
KẾ TOÁN ẤN CHỈ | LÃNH ĐẠO PHÒNG | ....Ngày...... tháng..... năm.... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ. |
B06-ACĐV
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Cục Hải quan tỉnh, (TP).....
BÁO CÁO KIỂM KÊ KHO ẤN CHỈ
Ngày 31 tháng 12 năm....
Tên kho:
Loại ấn chỉ:
TT | Tên ấn chỉ | Ký hiệu | Đơn vị tính | Số lượng theo sổ sách | Số lượng theo kiểm kê | Chênh lệch | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Cộng: |
|
|
|
|
|
|
KẾ TOÁN ẤN CHỈ | THỦ KHO | LÃNH ĐẠO PHÒNG | ....Ngày...... tháng..... năm.... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ. |
MỤC ĐÍCH, CĂN CỨ VÀ CÁCH LẬP BÁO CÁO
A- BÁO CÁO NHANH
I- Báo cáo nhanh số thu thuế và thu khác
1- Mục đích
Báo cáo nhanh được sử dụng cho tất cả các đơn vị trong ngành Hải quan có số thu nộp Ngân sách hàng ngày; Nhằm giúp cho cấp trên có được số liệu nhanh nhất về số thu nộp ngân sách của toàn ngành để có biện pháp chỉ đạo thích hợp đối với việc quản lý số thu thuế và thu khác trong ngành.
2- Căn cứ lập:
- Căn cứ vào chứng từ thu nộp kho bạc hàng ngày.
- Căn cứ mục lục Ngân sách hiện hành.
3- Phương pháp lập:
- Cột sắc thuế: Ghi đầy đủ tên thuế, mục, tiểu mục theo mục lục Ngân sách hiện hành.
- Cột số nộp trong ngày: Căn cứ vào số liệu của các chứng từ của Kho bạc hàng ngày về số thu nộp ngân sách của Hải quan trong ngày, kế toán tổng hợp theo các sắc thuế và đưa vào báo cáo hoặc lấy từ sổ chi tiết tài khoản thanh toán với Ngân sách các số liệu ghi theo ngày để lập báo cáo.
- Cột luỹ kế từ đầu tháng đến ngày báo cáo: Số liệu trên cột này theo từng sắc thuế được cộng dồn từ ngày 1 đến ngày báo cáo.
- Dòng luỹ kế từ đầu năm đến ngày báo cáo: Dòng này chỉ thể hiên luỹ kế tổng số thu nộp mà không chi tiết cho từng sắc thuế, số liệu được ghi vào cuối cột “luỹ kế từ đầu tháng đến ngày báo cáo”.
Báo cáo nhanh với thu thuế và thu khác được lập hàng ngày (hoặc sẽ có hướng dẫn riêng đối với từng đơn vị) và gửi cấp trên theo quy định.
II- Báo cáo nhanh số thu định kỳ
Báo cáo này do Tổng cục Hải quan lập. Căn cứ vào báo cáo nhanh về thu thuế và thu khác của các địa phương, Tổng cục tập hợp và lập báo cáo gửi Bộ Tài chính theo định kỳ 15 ngày.
B- BÁO CÁO ĐỊNH KỲ
I- Bảng cân đối tài khoản kế toán thuế:
1-Mục đích:
Bảng cân đối kế toán được lập tại tất cả các đơn vị trong toàn ngành Hải quan có hoạt động thu thuế và thu khác, nhằm mục đích:
- Làm căn cứ để kiểm tra việc ghi chép, hạch toán kế toán trên sổ kế toán tổng hợp.
- Nhằm phản ánh một cách khái quát tình hình thu nộp các khoản thuế, phụ thu chênh lệch và tình hình nợ đọng các khoản thu đó; Phản ánh tình hình thu Lệ phí Hải quan, thu phạt vi phạm hành chính, thu bán hàng tịch thu và việc nộp ngân sách, trích thưởng, chi phí kiểm soát của các khoản thu này trong ngành Hải quan.
2- Căn cứ lập:
- Sổ tổng hợp ( Sổ cái, Nhật ký - Sổ cái)
- Bảng cân đối kế toán tháng trước.
3- Phương pháp lập:
Bảng cân đối kế toán được chia thành 12 cột và gồm có hai phần: Phần số liệu và phần giải thích.
a. Phần số liệu
Trước khi lập bảng cân đối kế toán phải hoàn thành việc ghi chép, khoá sổ hàng tháng của sổ tổng hợp và sổ kế toán chi tiết theo quy định. Phải kiểm tra đối chiếu khớp đúng giữa các số liệu có liên quan trên các sổ. Số liệu vào bảng Cân đối kế toán chia làm 2 loại
* Loại số liệu phản ánh số dư bao gồm: Số dư đầu năm, số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ.
- Số dư đầu năm (cột 3, 4) là số dư cuối kỳ của năm trước chuyển sang và cũng là số dư đầu kỳ của tháng đầu tiên trong năm. Số dư đầu năm được định hình suốt một năm có tác dụng để người kiểm tra dễ thấy được kết quả hoạt động trong năm mà không cần phải lấy lại bảng Cân đối từ tháng đầu năm để kiểm tra .
- Số dư đầu kỳ: là số dư tại thời điểm đầu tháng (cột 5, 6).
- Số dư cuối kỳ: là số dư tại thời điểm cuối tháng (cột 11, 12).
Số liệu phản ánh trên các cột số dư: các tài khoản có số dư “nợ” ghi vào cột “nợ”, tài khoản có số dư “có” được ghi vào cột “có”.
* Loại số liệu phản ánh số phát sinh: Loại này phản ánh số phát sinh của các tài khoản (tiểu khoản) từ ngày đầu tháng đến ngày cuối tháng báo cáo (cột phát sinh trong tháng) hoặc số phát sinh từ ngày đầu năm đến ngày cuối tháng báo cáo cột luỹ kế của phát sinh trong kỳ).
Trong bảng Cân đối tài khoản kế toán: tổng cộng số liệu cột nợ phải bằng tổng cộng số liệu cột có của mỗi tiêu thức.
* Cách ghi trên các cột:
- Cột số hiệu tài khoản có 3 cột ghi 3 cấp tài khoản (cấp 1, cấp 2, cấp 3) chỉ số hiệu của tất cả các tài khoản.
- Cột tên tài khoản: Ghi toàn bộ tên tài khoản trong hệ thống tài khoản kế toán.
- Cột số dư đầu năm: phản ánh toàn bộ số dư cuối năm trước chuyển sang trên tất cả các tài khoản.
- Số dư đầu kỳ: phản ánh số dư đầu tháng trên các tài khoản các cấp.
- Cột phát sinh trong kỳ: được chia ra trong tháng và luỹ kế.
+ Cột trong tháng: Phản ánh tổng phát sinh “nợ” và phát sinh “có” của tất cả các tài khoản có phát sinh từ đầu tháng đến cuối tháng báo cáo. Số liệu phản ánh tại cột này là căn cứ vào dòng cộng phát sinh tháng của từng tài khoản tương ứng trên sổ tổng hợp và các sổ kế toán chi tiết.
+ Cột luỹ kế: phản ánh tổng phát sinh “nợ” và tổng phát sinh “có” của các tài khoản cấp 1, 2, 3 từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo. Số liệu ghi trên cột này căn cứ vào dòng cộng luỹ kế từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo trên sổ tổng hợp và sổ chi tiết, hoặc lấy luỹ kế phát sinh của tháng trước cộng số phát sinh tháng báo cáo.
- Cột số dư cuối kỳ: Phản ánh số dư ngày cuối cùng của tháng báo cáo, số liệu được phản ánh trên tất cả các tài khoản. Số liệu ghi trên các cột này căn cứ vào số dư trên các tài khoản của sổ kế toán tổng hợp và các sổ kế toán chi tiết; hoặc được tính dựa trên số liệu phản ánh của báo cáo, có 2 cách tính như sau:
Cách 1:
Số dư cuối kỳ | = | Số dư đầu kỳ | + | Số phát sinh tăng trong kỳ | - | Số phát sinh tháng giảm trong kỳ |
Cách 2:
Số dư cuối kỳ | = | Số dư đầu năm | + | Phát sinh luỹ kế tăng trong kỳ | - | Phát sinh luỹ kế giảm trong kỳ |
Số dư cuối kỳ được sử dụng để làm số dư đầu kỳ để lập bảng cân đối kế toán tháng sau:
Sau khi ghi đủ các số liệu có liên quan đến tài khoản cấp 1, 2, 3 trong bảng Cân đối kế toán phải thực hiện tổng cộng bảng cân đối kế toán. Số liệu tổng cộng trên bảng Cân đối kế toán phải đảm bảo tính cân đối bắt buộc sau đây:
- Số dư đầu năm: cột 3 = cột 4.
- Số dư đầu kỳ: cột 5 = cột 6.
- Số phát sinh trong tháng: cột 7 = cột 8
- Số phát sinh trong luỹ kế : cột 9 = cột 10.
- Số dư cuối kỳ: cột 11 = cột 12.
Đối với bảng cân đối kế toán tháng 1 hàng năm thì số liệu:
+ Cột 3 = cột 4 = cột 5 = cột 6.
+ Cột 7 = cột 8 = cột 9 = cột 10.
Ngoài việc phản ánh các tài khoản trong bảng cân đối kế toán, báo cáo này còn phản ánh số dư, số phát sinh của các tài khoản ngoài bảng như: TK 002: hàng tạm giữ; TK 005: Giá trị bằng tiền, hàng hoá và tiền tịch thu chuyển sang Sở Tài chính quản lý; TK 007: Ngoại tệ các loại.
b. Phần giải thích và ý kiến đề xuất của các đơn vị:
- Phần này ghi ý kiến nhận định, đánh giá khái quát những vấn đề nổi lên tháng này so với tháng trước về công tác thu nộp thuế, nợ đọng thuế và những ý kiến đề xuất của đơn vị phản ánh lên cấp trên nhằm tăng cường công tác quản lý thu thuế của đơn vị.
- Cơ quan cấp trên sau khi xét duyệt báo cáo ghi ý kiến nhận xét và biện pháp giải quyết những ý kiến của đơn vị gửi trả đơn vị một bản làm hồ sơ lưu và 1 bản làm chứng từ tổng hợp chung và lưu báo cáo.
II- Bảng đối chiếu với Kho bạc số nộp ngân sách
1- Mục đích:
“Bảng đối chiếu số nộp Kho bạc” được sử dụng cho tất cả các đơn vị có số thu và nộp Kho bạc về thuế và thu khác, nhằm đối chiếu giữa Hải quan và Kho bạc nhà nước để xác định chính thức số tiền đã thực nộp vào Ngân sách theo mục lục ngân sách hiện hành. Trên cơ sở đó đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thu nộp Ngân sách hàng tháng, từ đó toàn ngành và từng đơn vị có các biện pháp chỉ đạo thích hợp để hoàn thành kế hoạch được giao.
2- Căn cứ lập:
- Căn cứ sổ tổng hợp.
- Căn cứ sổ kế toán chi tiết thanh toán thu nộp Ngân sách.
3- Phương pháp lập:
Trước khi lập “Bảng đối chiếu số tiền nộp Kho bạc” phải kiểm tra mọi chứng từ nộp tiền vào Ngân sách theo mục lục ngân sách hiện hành đã được ghi đầy đủ, chính xác vào sổ kế toán chưa. Sổ tổng hợp và sổ chi tiết thanh toán thu nộp Ngân sách đã cân chưa.
- Mẫu “Bảng đối chiếu số tiền nộp Kho bạc” được sử dụng phản ánh chung cho các loại thuế và thu khác, được chi tiết theo mục lục Ngân sách hiện hành và theo yêu cầu của quản lý.
- Số liệu ghi trong bảng đối chiếu được thể hiện ở 2 cột: số nộp Kho bạc trong tháng và luỹ kế.
- Số liệu các dòng được ghi tương ứng với từng loại thuế và thu khác đã được quy định. Số liệu này được lấy từ các sổ chi tiết các khoản thanh toán thu nộp Ngân sách (TK loại 3, TK 333): Thu nộp ngân sách) vào ngày cuối tháng.
Sau khi ghi xong số liệu ở các dòng, tiến hành cộng tổng để biết số tiền đã nộp vào Kho bạc trong tháng và từ năm đến cuối tháng báo cáo.
“Bảng đối chiếu số tiền nộp Kho bạc” về số thu thuế và thu khác ngành Hải quan hàng tháng được lập thành 2 bản. Sau khi đối chiếu với Kho bạc; 1 bản gửi cấp trên để báo cáo, 1 bản lưu tại đơn vị. Nếu đơn vị nào có nhiều bảng đối chiếu thì phải lập bảng tổng hợp gửi cấp trên đính kèm các bản đối chiếu gốc.
III- Báo cáo thu nộp ngân sách bằng ngoại tệ
1- Mục đích:
Báo cáo thu nộp Ngân sách bằng ngoại tệ nhằm phản ánh toàn bộ số ngoại tệ đã thu về thuế và thu khác do ngành Hải quan thực hiện và tình hình nộp các khoản đó vào Ngân sách Nhà nước theo từng nội dung thu. Căn cứ tỷ giá hiện hành quy đổi ra đồng Việt Nam cho từng kỳ nộp.
2- Căn cứ lập:
Theo số liệu khoá sổ cuối tháng của sổ theo dõi các khoản thu bằng ngoại tệ.
3- Phương pháp lập:
Báo cáo thu nộp Ngân sách bằng ngoại tệ được chia ra làm 2 phần:
* I- Tình hình thu nộp: Phần này phản ánh số thu bằng ngoại tệ được chi tiết theo từng loại ngoại tệ và từng khoản thu như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... Dòng cộng của phần này được chi tiết theo cột dọc về số đã nộp, số hoàn trả và số còn tồn chưa nộp Ngân sách. Số liệu của phần này được lấy từ Sổ theo dõi các khoản thu nộp bằng ngoại tệ của ngày cuối cùng tháng báo cáo.
* II- Số ngoại tệ đã nộp Ngân sách: Phản ánh số ngoại tệ đã quy đổi thành tiền Việt Nam chính thức nộp vào Ngân sách. Số liệu ghi tại phần này là căn cứ vào các chứng từ đã nộp Ngân sách, được đối chiếu với Kho bạc và có xác nhận của Kho bạc về số thực nộp này.
Báo cáo số thu nộp ngân sách bằng ngoại tệ được lập hàng tháng sau khi lập xong tiến hành đối chiếu xác nhận với Kho bạc số ngoại tệ đã quy đổi thực nộp ngân sách. Báo cáo này đơn vị lập hàng tháng, phải gửi cấp trên để báo cáo và lưu tại đơn vị.
IV- Báo cáo chi tiết nợ thuế hàng kinh doanh - XNK
1-Mục đích:
Báo cáo này được áp dụng cho tất cả các đơn vị có thu thuế và thu khác đối với hàng hoá XNK, nhằm phản ánh tình hình nợ thuế đến từng đối tượng nộp thuế tại thời điểm cuối tháng. Trên cơ sở báo cáo này các đơn vị đề xuất các biện pháp để đôn đốc thu hồi nợ thuế.
2- Căn cứ lập:
- Căn cứ vào số liệu trên các sổ chi tiết của tài khoản thanh toán với đối tượng nộp thuế (314).
- Căn cứ vào mục lục Ngân sách hiện hành.
3 - Phương pháp lập:
- Trước khi lập “Báo có chi tiết nợ thuế hàng kinh doanh XNK” mọi công việc như kiểm tra chứng từ thu nộp, tính toán, ghi chép phản ánh trên sổ kế toán thu thuế phải được khoá sổ đúng thời hạn là ngày cuối cùng tháng báo cáo.
- Cột mã thuế và tên đối tượng nộp thuế: Căn cứ vào đăng ký mã số thuế và tên đối tượng trên đăng ký kinh doanh của đối tượng.
- Cột thuế trong hạn chưa thu chỉ thể hiện tổng số vì số này không được coi là một khoản nợ thuế mà chỉ tổng hợp để dự đoán số thuế sẽ thu được trong kỳ tới. Số liệu ở cột này căn cứ vào số dư cuối tháng trên sổ tài khoản thu thuế của từng đối tượng.
Phần “nợ thuế quá hạn”: Đây là số thuế đã hết thời hạn cho phép theo luật mà đối tượng nộp thuế chưa nộp. Khoản nợ thuế này cơ quan Hải quan có trách nhiệm đôn đốc thu hồi cho Ngân hàng Nhà nước, phần này được chi tiết cho từng sắc thuế theo mục lục Ngân sách hiện hành. Số liệu để ghi trên các cột này được lấy từ số dư cuối tháng trên sổ chi tiết của tài khoản thanh toán với đối tượng nộp thuế (TK 314).
V- Báo cáo tình hình thuế tạm thu:
1-Mục đích:
“Báo cáo tình hình thuế tạm thu” nhằm phản ánh toàn bộ số thuế phải thu khi đối tượng mở tờ khai, số thuế không phải thu khi đối tượng nộp thuế đã thanh khoản các hợp đồng trong hạn, số thuế đã thu hồi với các đối tượng đã thanh khoản hợp đồng quá hạn và số hoàn thuế cho các đối tượng đã thu sau khi thanh khoản hợp đồng. Loại hình XNK phải báo cáo thuế tạm thu là: Tạm nhập - Tái xuất, tạm xuất tái nhập, hàng nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, hàng gia công hàng xuất khẩu, hàng liên doanh đầu tư nhập máy móc thiết bị vào để phục vụ sản xuất sau đó tái xuất theo quy định của cấp có thẩm quyền. Báo cáo này để nắm tình hình hoạt động XNK các loại hình nêu trên và đảm bảo không bị thất thu thuế đồng thời đề xuất những biện pháp hữu hiệu để quản lý đối với các loại hình này.
2- Căn cứ lập:
- Căn cứ vào sổ chi tiết tài khoản thuế tạm thu (175)
- Mục lục ngân sách hiện hành.
3- Phương pháp lập:
Trên báo cáo này cột dọc thể hiện loại hình XNK và các thuế phải theo dõi, cột ngang thể hiện các tiêu thức cần quản lý. Cụ thể như sau:
- Cột loại hình, loại thuế: Ghi tên loại hình XNK theo quy định và loại thuế theo mục lục Ngân sách hiện hành.
- Cột dư đầu năm: Là dư cuối kỳ tháng 12 năm trước chuyển sang.
- Cột số thu: được chia thành phải thu, đã thu. Số liệu này lấy từ sổ chi tiết tài khoản thuế tạm thu.
- Cột không thu: Đây là số thuế không thu theo các quyết định không thu thuế đối với loại hình này trong trường hợp đối tượng đã thanh khoản tờ khai đúng kỳ hạn. Số liệu được rút ra từ sổ chi tiết tài khoản thuế tạm thu.
- Cột số hoàn: chia thành phải hoàn, đã hoàn thể hiện số hoàn thuế cho các đối tượng đã nộp thuế tạm thu vào tài khoản tạm thu của cơ quan Hải quan. Số liệu cột này được lấy từ sổ tài khoản thuế tạm thu.
- Các số dư cuối tháng. Cách tính như sau:
Số dư cuối tháng | = | Dư đầu năm | + | Luỹ kế phải thu trong tháng | - | Luỹ kế đã thu trong tháng | - | Luỹ kế không thu |
“Báo cáo tình hình thuế tạm thu” được lập hàng tháng có đầy đủ chữ ký theo mẫu biểu sau đó gửi cấp trên và lưu tại đơn vị theo quy định.
VI- Báo cáo tổng hợp nợ thuế hàng kinh doanh XNK:
Báo cáo này do Tổng cục Hải quan lập. Căn cứ vào báo cáo chi tiết nợ thuế hàng kinh doanh của Hải quan các địa phương, Tổng cục tổng hợp và lập báo cáo gửi Bộ Tài chính theo định kỳ hàng tháng.
VII- Báo cáo số thu nộp ngân sách:
Báo cáo ngày do Tổng cục Hải quan lập. Căn cứ vào bảng đối chiếu số nộp Kho bạc của Hải quan địa phương gửi về tổng hợp và lập báo cáo này gửi Bộ Tài chính theo định kỳ hàng tháng.
VIII- Báo cáo chi tiết nợ quá hạn thuế tạm thu
1-Mục đích:
Báo cáo này được lập cho tất cả các đơn vị có theo dõi nợ thuế của các loại hình XNK như: Tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập, nhập NVL về sản xuất hàng xuất khẩu. Báo cáo này nhằm phản ánh tình hình nợ thuế tạm thu của các đối tượng nộp thuế đã quá hạn nhưng chưa nộp thuế mà không đến thanh khoản tờ khai hoặc hợp đồng theo luật định.
2- Căn cứ lập:
- Sổ kế toán chi tiết tài khoản thuế tạm thu.
- Mục lục Ngân sách hiện hành.
3- Phương pháp lập:
- Cột mã số thuế và tên doanh nghiệp: được ghi theo đăng ký của doanh nghiệp đối với cơ quan Hải quan.
- Số liệu các cột nợ thuế theo các sắc thuế được lấy từ sổ chi tiết tài khoản thuế tạm thu.
Báo cáo này được lập hàng tháng theo mẫu quy định gửi cấp trên để báo cáo và lưu 01 bản tại đơn vị lập.
IX- Báo cáo hoàn thuế tạm thu:
Báo cáo này do Tổng cục Hải quan lập. Căn cứ báo cáo tình hình thuế tạm thu của Hải quan địa phương, Tổng cục lập báo cáo gửi Bộ Tài chính theo định kỳ hàng tháng.
X- Báo cáo tình hình ấn chỉ cấp phát
Hàng quý Cục Hải quan các tỉnh căn cứ vào số liệu tài khoản ngoài bảng (TK 003) để lập báo cáo gửi Tổng cục.
XI- Báo cáo tình hình ấn chỉ bán thu tiền
Hàng quý Cục Hải quan các tỉnh căn cứ vào số liệu tài khoản 152 và các tài khoản liên quan để lập báo cáo gửi Tổng cục.
XII- Báo cáo tình hình tiêu thụ ấn chỉ
Hàng quý Cục Hải quan các tỉnh căn cứ vào số liệu tài khoản 152 và các tài khoản liên quan để lập báo cáo gửi Tổng cục.
XIII- Báo cáo tình hình thanh toán tiền bán ấn chỉ và chi phí phát hành ấn chỉ
Hàng quý Cục Hải quan các tỉnh căn cứ vào số liệu tài khoản 152, tài khoản thanh toán nội bộ và các tài khoản liên quan để lập báo cáo gửi Tổng cục.
XIV- Báo cáo kiểm kê kho ấn chỉ
Hàng năm căn cứ vào số liệu các báo cáo ấn chỉ trên và số liệu kiểm kê kho thực tế, các đơn vị lập báo cáo gửi Tổng cục.
MỤC LỤC
| Lời nói đầu |
| Quyết định số 559/QĐ-KTTT ngày 15/11/2000 của Tổng cục trưởng |
| Tổng cục Hải quan ban hành Chế độ Kế toán thuế XK , thuế NK |
PHẦN THỨ NHẤT NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG | |
Chương I: | Những quy định chung về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu |
Chương II: | Tổ chức công tác kế toán và bộ máy kế toán |
| I - Nhiệm vụ kế toán thuế của Cục kiểm tra thu thuế XNK |
| II- Nhiệm vụ của kế toán thu thuế cấp cơ sở |
Chương III: | Chứng từ kế toán |
Chương IV: | Tài khoản kế toán |
Chương V: | Sổ kế toán và hình thức sổ kế toán |
Chương VI: | Báo cáo kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu. |
Chương VII: | Tổ chức thực hiện |
PHẦN THỨ II HỆ THỐNG CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THU THUẾ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU | |
| I. Danh mục chứng từ kế toán thu thuế XNK. |
| II. Hướng dẫn, căn cứ, phương pháp lập và trình tự luân chuyển chứng từ |
PHẦN THỨ BA: HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU | |
| A. Hệ thống tài khoản kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng thống nhất trong ngành Hải quan |
| B. Giải thích nội dung, kết cấu và phương pháp ghi chép hệ thống tài khoản thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. |
| Loại tài khoản 1 |
| Loại tài khoản 3 |
| Loại tài khoản 7 |
| Loại tài khoản 0 |
PHẦN THỨ TƯ HỆ THỐNG SỔ KẾ TOÁN THU THUẾ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU | |
| I - Danh mục sổ kế toán |
| II- Nội dung và phương pháp ghi sổ |
PHẦN THỨ NĂM HỆ THỐNG BÁO CÁO KẾ TOÁN THU THUẾ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU | |
| I. Danh mục báo cáo kế toán |
| II. Mục đích, căn cứ và cách lập báo cáo |
- 1 Thông tư 32/2006/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Quyết định 1632/QĐ-KTTT năm 2001 về sửa đổi nội dung của chế độ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 559/QĐ-KTTT do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Quyết định 1632/QĐ-KTTT năm 2001 về sửa đổi nội dung của chế độ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 559/QĐ-KTTT do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 1 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi 1998
- 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 1998
- 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 1997
- 4 Nghị định 16-CP năm 1994 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan
- 5 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu sửa đổi 1993
- 6 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 1991
- 7 Pháp lệnh Hải quan năm 1990
- 8 Pháp lệnh Kế toán và thống kê năm 1988 do Chủ tịch Hội đồng nhà nước ban hành