Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 668/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 01 tháng 4 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

“V/V BAN HÀNH QUY CHẾ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995;

- Căn cứ vào Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính v/v ban hành quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này quy chế bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chánh – Vật giá, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




 Trần Văn Cồn

 

QUY CHẾ

BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Quyết định số: 668/QĐ-UB ngày 01-4-1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Điều 1. Thành lập Hội đồng định giá bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước gọi tắt là Hội đồng bán đấu giá theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Đối tượng và điều kiện tham gia đấu giá.

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân có đăng ký sản xuất kinh doanh các sản phẩm phù hợp với mặt hàng được bán đấu giá và các cá nhân có nhu cầu sử dụng (gọi là khách hàng).

Khách hàng tham gia đấu giá phải nộp tiền ký quỹ cho Hội đồng bán đấu giá với mức là 10% trên giá khởi điểm. Số tiền ký quỹ nộp bằng tiền Việt Nam và được xử lý như sau:

- Sử dụng để thanh toán tiền mua hàng nếu trúng thầu;

- Được hoàn lại nếu không trúng thầu;

- Không được trả lại nếu trúng thầu nhưng từ chối mua hàng hoặc vi phạm các quy định về hợp đồng mua hàng tại điều 5 của quy chế này. Số tiền này được sung quỹ Nhà nước.

Trước khi tổ chức cuộc bán đấu giá, nếu khách hàng không nộp đủ số tiền ký quỹ sẽ không được dự thầu.

Khách hàng tham gia đấu giá phải đăng ký trước đúng thời gian quy định. Nếu muốn điều chỉnh số lượng đã đăng ký thì phải đăng ký lại trước khi tổ chức cuộc đấu giá với Hội đồng bán đấu giá.

Điều 3. Nguyên tắc đấu giá.

Tổ chức bán đấu giá lô hàng này theo hình thức trả giá bằng miệng.

Giá khởi điểm được Hội đồng định giá xác định và được niêm yết công khai cho khách hàng xem.

Giá khởi điểm được xác định là giá thị trường nơi để hàng tại thời điểm đấu giá. Biên bản định giá được lập trước khi thực hiện bán đấu giá và phải có đầy đủ chữ ký của những người tham gia định giá.

Khách hàng tham gia đấu giá tiến hành trả giá bằng miệng, người điều hành bán đấu giá lần lượt gọi từng người trả giá và chậm nhất không quá 3 giây cho một người và sau mỗi vòng đấu số tiền sẽ được nâng cách nhau từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng do Hội đồng đấu giá công bố trước khi đấu giá.

Số lượng khách hàng cho một lượt đấu giá tối thiểu từ 03 người trở lên.

Người đứng tên tham gia đấu giá sẽ là người chủ tài sản khi trúng thầu, Hội đồng bán đấu giá không giải quyết chuyển tên người khác sau khi đã trúng thầu.

Giá trúng thầu là mức giá trả cao nhất trong các mức giá đặt thầu và không thấp hơn mức giá khởi điểm được công bố.

Trường hợp số lượng mua trúng thầu nhỏ hơn số lượng hàng bán đấu giá, thì số hàng còn lại được chuyển sang đợt đấu thầu kế tiếp.

Trường hợp tất cả các mức giá đặt thầu nhỏ hơn giá khởi điểm thì cuộc đấu giá xem như không thành. Hội đồng bán đấu giá sẽ tiến hành các thủ tục để tổ chức cuộc bán đấu giá khác vào thời điểm thích hợp, ngay trong ngày hoặc do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

Điều 4. Trình tự tổ chức đấu giá.

Hội đồng bán đấu giá tiến hành công bố trên báo, đài địa phương hoặc các phương tiện thông tin đại chúng 03 số hay 03 ngày liên tiếp. Nội dung thông báo gồm: mặt hàng, số lượng, thời gian, địa điểm đăng ký tham gia đấu giá và một số điều cần thiết có liên quan để người tham gia đấu giá biết.

Trước khi tổ chức bán đấu giá, Hội đồng bán đấu giá phổ biến quy chế bán đấu giá cho khách hàng biết và hoàn tất các thủ tục cuối cùng để tổ chức cuộc bán đấu giá.

Tổ chức cuộc bán đấu giá, sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết và kiểm tra tư cách người tham gia đấu giá tiến hành trả giá bằng miệng.

Điều 5. Quy định về thanh toán và giao hàng.

Khách hàng trúng thầu làm thủ tục ký hợp đồng mua hàng với Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá. Trong hợp đồng phải quy định rõ các điều kiện về thanh toán và giao hàng.

Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày kể từ khi ký hợp đồng phải hoàn tất thủ tục mua hàng. Sau thời hạn này khách hàng không nộp đủ tiền hoặc từ chối mua sẽ không giao hàng và số tiền ký quỹ sẽ được sung quỹ Nhà nước.

Sau khi trả đủ tiền mua hàng, Hội đồng bán đấu giá tổ chức giao hàng cho người mua. Sau khi nhận hàng xong tiến hành làm thủ tục thanh lý hợp đồng.

Việc giao hàng được thực hiện tại kho bãi chứa hàng, đơn vị mua hàng phải tự lo mọi phương tiện bốc xếp, vận chuyển khi nhận hàng. Hàng nhận rồi sẽ không được trả lại.

Hội đồng bán đấu giá phải cung cấp đầy đủ cho người mua mọi chứng từ theo quy định của Nhà nước liên quan đến hàng hóa được lưu hành trên thị trường.

Điều 6. Về quản lý số tiền thu được từ bán đấu giá.

Toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tiền thu do vi phạm quy chế bán đấu giá tài sản (nếu có), nộp 100% vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chánh mở tại Kho bạc Nhà nước sau khi trừ đi các khoản chi phí có chứng từ hợp lệ và hợp lý:

 Chi trả cho cơ quan quyết định tịch thu tài sản hoặc cấp trình cấp trên theo thẩm quyền ra quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước những tài khoản chi thực tế phát sinh: chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ, xử lý vi phạm, chi phí khai quật, trục vớt và phí bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, kiểm nghiệm, giám định tài sản và bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan tài sản sung quỹ Nhà nước (nếu có) tới thời điểm chuyển giao cho cơ quan Tài chánh quản lý, xử lý và tổ chức bán.

- Trường hợp cơ quan ra quyết định đã được Nhà nước bố trí kho bãi, biên chế, phương tiện vận tải, kinh phí thường xuyên thì cơ quan Tài chánh không phải thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc vận chuyển, bảo quản những tài sản đó.

Chi phí bảo quản, lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, bốc xếp từ khi tiếp nhận bàn giao tài sản sung quỹ Nhà nước về cơ quan Tài chánh tới khi số tài sản đó được xử lý và tổ chức bán đấu giá.

Chi bổ sung, kinh phí mua sắm phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác bảo quản hàng hóa cho cơ quan ra quyết định và cơ quan bảo quản xử lý do cấp có thẩm quyền quyết định.

Chi cho công tác tổ chức định giá và bán đấu giá tài sản sung quỹ Nhà nước bao gồm: chi phí kiểm kê, giao nhận, chi phí tổ chức định giá, tổ chức thông tin, quảng cáo, tổ chức trưng bày tài sản và cho xem tài sản đấu giá, chi cho tổ chức cuộc bán đấu giá… theo đúng chế độ Nhà nước quy định.

Chi bồi dưỡng, chi thưởng cho các tổ chức, cá nhân tham gia và có thành tích trong việc phát hiện, xử lý các tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo chế độ hiện hành của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Chi thuê giám định kỹ thuật, định giá tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước (nếu cần).

Chi cho sửa chữa tài sản sung quỹ Nhà nước để bán (nếu có).

Số tiền thu do bán tài sản thu được sau khi trừ chi phí, trích thẳng theo chế độ, số còn lại phải chuyển toàn bộ từ tài khoản tạm giữ vào ngân sách Nhà nước. Nếu số tiền thu từ cuộc bán tài sản không đủ để trang trải các khoản chi nói trên hoặc xử lý không có tiền thu, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung thêm theo đúng chế độ, phân cấp ngân sách hiện hành.

Quy chế này được áp dụng kể từ ngày ban hành, Phòng Tài chánh Kế hoạch các huyện, thị, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quy chế này./.