Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 713/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/v BAN HÀNH KẾ HOẠCH SẢN XUẤT GIỐNG LÚA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG GIAI ĐOẠN 2014-2015

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững";

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch sản xuất giống lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2014-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT GIỐNG LÚA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG GIAI ĐOẠN 2014-2015
(Kèm theo Quyết định số 713/QB-BNN-TT ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. MỤC TIÊU

1. Xác định được cơ cấu giống lúa phù hợp cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng gạo xuất khẩu;

2. Nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống lúa; phấn đấu đến năm 2015 đạt 50% diện tích được gieo trồng bằng giống lúa xác nhận 1 (XN1) hoặc xác nhận 2 (XN2), tăng 10% so với năm 2012, trong đó:

- Hệ thống giống chính quy: sản xuất đủ lượng giống siêu nguyên chủng (SNC) và nguyên chủng (NC) cho toàn vùng; đồng thời cung cấp giống XN1, XN2 cho 20% diện tích gieo trồng;

- Hệ thống giống nông hộ: cung cấp giống XN1, XN2 cho 30% diện tích gieo trồng.

3. Diện tích, sản lượng giống các cấp

Để đạt mục tiêu đề ra, diện tích và sản lượng giống lúa các cấp của Hệ thống giống chính quy và Hệ thống giống nông hộ cần sản xuất như sau:

3.1. Hệ thống giống chính quy

Năm

ĐVT

SNC

NC

XN1

XN2

2014

tấn

120

10.000

60.000

10.000

ha

50

2.000

10.000

1.600

2015

tấn

140

12.000

70.000

10.000

ha

60

2.400

12.500

1.600

Tổng số

tấn

260

22.000

130.000

20.000

ha

100

4.400

22.500

3.200

3.2. Hệ thống giống nông hộ

Hệ thống giống nông hộ cần sử dụng giống nguyên chủng từ hệ thống giống chính quy để nhân giống XN1 hoặc dùng giống XN1 để nhân giống XN2, trong đó giống XN2 khoảng 70% và giống XN1 khoảng 30% là phù hợp.

Năm

ĐVT

XN1

XN2

2014

tấn

48.000

96.000

ha

8.000

16.000

2015

tấn

60.000

108.000

ha

10.000

18.000

Tổng số

tấn

108.000

204.000

ha

18.000

34.000

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng cơ cấu giống lúa hợp lý, phù hợp thị trường xuất khẩu, giảm số lượng giống, giảm tỷ lệ gieo trồng giống chất lượng trung bình - thấp.

a) Hàng năm, trước vụ Đông xuân, Hiệp hội xuất khẩu gạo cần đưa ra dự kiến cơ cấu xuất khẩu của năm tiếp theo đối với các nhóm lúa gạo để làm định hướng sản xuất.

b) Cục Trồng trọt trên cơ sở dự kiến thị trường của Hiệp hội xuất khẩu gạo, bộ giống lúa hiện có, điều kiện các tiểu vùng sinh thái đưa ra cơ cấu giống lúa cho vùng ĐBSCL theo hướng mỗi vụ cần xác định 6-8 giống chủ lực cho toàn vùng, mỗi tiểu vùng sinh thái có từ 4-6 giống chủ lực; trước mắt xác định 4-5 giống chủ lực chất lượng cao, phục vụ ổn định cho các dự án "Cánh đồng lớn" toàn vùng trong giai đoạn từ 2014-2015.

c) Sở Nông nghiệp và PTNT cần xác định từ 3-4 giống chủ lực trên địa bàn.

d) Việc quản lý cơ cấu giống phải gắn với hệ thống sản xuất, cung ứng giống lúa trong vùng và từng địa phương.

2. Tăng cường năng lực, gắn kết Hệ thống giống chính quy và Hệ thống giống nông hộ.

a) Từng bước chuyển đổi các Trung tâm giống cây trồng thành các Công ty Cổ phần ở những nơi có đủ điều kiện; tiếp tục đầu tư hỗ trợ các Trung tâm, Công ty giống hoạt động có hiệu quả thông qua hỗ trợ từ Chương trình giống, nguồn đầu tư của trung ương, địa phương.

b) Đề cao vai trò của Hệ thống sản xuất giống nông hộ, có chính sách hỗ trợ, tổ chức lại Hệ thống sản xuất giống nông hộ phù hợp với từng địa phương; ưu tiên tập trung cải thiện chất lượng hạt giống.

3. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc khảo nghiệm, công nhận, bảo hộ quyền tác giả giống lúa, quản lý chất lượng hạt giống; thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống lúa.

4. Đẩy mạnh liên kết thực hiện "Cánh đồng lớn", xây dựng vùng nguyên liệu lúa giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu năm 2014 đạt 300 ngàn ha, năm 2015 đạt 500 ngàn ha nhằm từng bước sử dụng giống theo yêu cầu thị trường và chất lượng đạt cấp xác nhận.

5. Giảm lượng giống sử dụng bình quân từ 150 kg/ha xuống còn khoảng 100-120 kg/ha; tại "Cánh đồng lớn" và vùng nguyên liệu xuống 80 kg/ha.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Trồng trọt

a) Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường giống lúa vùng ĐBSCL, xử lý nghiêm theo Nghị định 114/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

b) Thực hiện điều tra định kỳ (3-5 năm/1 lần) về cơ cấu giống lúa, sản xuất kinh doanh và chất lượng giống lúa làm cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, định hướng đầu tư, nghiên cứu khoa học và loại bỏ giống không còn trong sản xuất ra khỏi Danh mục giống lúa.

c) Trong năm 2014 tổ chức đánh giá các nguồn SNC khác nhau của các giống lúa chủ lực (Jasmine 85, IR50404, OM4900, VNĐ95-20...), xác định nguồn giống chuẩn, đồng nhất để thống nhất sử dụng toàn vùng ĐBSCL.

d) Sửa đổi, bổ sung quy trình sản xuất giống lúa, đặc biệt giảm bớt chỉ tiêu đo đếm đối với giống SNC nhằm tiết kiệm thời gian và hạ giá thành sản xuất giống SNC; có thể cho phép gieo thẳng hoặc cấy nhiều dảnh trong sản xuất giống NC, XN...

đ) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; phổ biến các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật giống lúa cho các đối tượng liên quan biết, thực hiện, kể cả cho các đại lý bán giống ở các địa phương.

e) Xem xét, sửa đổi Thông tư 79/2011/TT-BNNPTNT nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức chứng nhận hợp quy, hướng dẫn rõ ràng hơn về công bố hợp quy, nghiên cứu đề xuất đưa cấp giống NC phải chứng nhận hợp quy...; sửa đổi Quyết định 95/2007/QĐ-BNN để trình Bộ trưởng ban hành Thông tư mới về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng; hoàn thiện các biểu mẫu đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT .

g) Tổng hợp tình hình bảo hộ giống lúa trên vùng ĐBSCL; tăng cường nhận thức, tổ chức triển khai bảo hộ giống lúa mới theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ. Giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên ngành thực hiện tư vấn, điều tra, xác định chứng cứ vi phạm về quyền tác giả giống lúa trên địa bàn.

h) Tổ chức đào tạo đội ngũ cấp chứng chỉ cho người kiểm định giống lúa trên đồng ruộng, người lấy mẫu giống lúa; kiểm tra toàn bộ diện tích sản xuất giống SNC theo quy định và diện tích NC theo yêu cầu của các đơn vị chưa có điều kiện tự kiểm định, kiểm nghiệm;

i) Phối hợp với Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình Bộ phê duyệt, điều chỉnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề tài chọn tạo giống, dự án sản xuất giống lúa, dự án khuyến nông sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL, đảm bảo các dự án có hiệu quả tích cực phục vụ kế hoạch sản xuất giống lúa của toàn vùng.

k) Đầu mối tổng hợp, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ kết quả thực hiện Kế hoạch này.

2. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt trình Bộ phê duyệt các đề tài chọn tạo giống lúa thuộc Đề án sản phẩm quốc gia lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao và Dự án khuyến nông sản xuất lúa giống vùng ĐBSCL 2014-2016.

- Thẩm định, trình Bộ phê duyệt kinh phí giao Cục Trồng trọt trong năm 2014 xác định nguồn SNC chuẩn của các giống lúa chủ lực (Jasmine 85, IR50404, OM4900, VNĐ 95-20...) và đánh giá toàn diện về cơ cấu giống lúa đang sử dụng ở ĐBSCL.

3. Vụ Kế hoạch

Chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt trình Bộ phê duyệt, điều chỉnh; kiểm tra, giám sát Dự án sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL 2011-2015 theo hướng ưu tiên kinh phí để góp phần đạt được các mục tiêu của Kế hoạch này.

4. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL, các Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức các mô hình sản xuất giống lúa thuộc hệ thống giống nông hộ; các mô hình sử dụng giống lúa tiết kiệm và đẩy mạnh chuyển giao cho nông dân.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố

a) Thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá, phân loại A, B, C các cơ sở sản xuất kinh doanh theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở bị loại C; Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện công bố chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Xem xét, đề xuất UBND tỉnh chuyển đổi các Trung tâm giống có điều kiện thành Công ty giống hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với hệ thống sản xuất giống chính quy thực sự trở thành hệ thống chủ lực sản xuất giống trong vùng; hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn xây dựng dự án giống lúa trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong Chương trình giống cây trồng quốc gia đến năm 2020.

c) Tổ chức xây dựng, phát triển Hệ thống giống nông hộ trên địa bàn với các giải pháp cụ thể sau đây:

- Tổng hợp tình hình sản xuất giống nông hộ; xây dựng đề án sản xuất giống nông hộ hoặc kế hoạch sản xuất giống nông hộ trên địa bàn giai đoạn 2014-2015 và các năm tiếp theo với mục tiêu, nội dung, chính sách cụ thể trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt;

- Phối hợp với Trung tâm KKN giống cây trồng Nam Bộ tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia sản xuất giống nông hộ về văn bản quản lý, quy trình sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng giống lúa;

- Phối hợp với Viện lúa ĐBSCL triển khai Dự án khuyến nông sản xuất giống lúa, dự án sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL trên địa bàn. Đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ hạt giống lúa NC đầu vào; hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn, kiểm nghiệm mẫu từ ngân sách của địa phương.

c) Tổ chức các mô hình trình diễn giảm lượng giống gieo xuống còn trung bình 100-120kg/ha, trên cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu còn 80 kg/ha (làm phẳng mặt ruộng bằng laser, gieo bằng dụng cụ sạ hàng, áp dụng máy cấy và các biện pháp kỹ thuật đồng bộ khác...) nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực đối với hệ thống sản xuất giống, dần xóa bỏ tình trạng sử dụng thóc thịt làm giống.

6. Viện Lúa ĐBSCL

a) Chủ trì tổ chức thực hiện hiệu quả Dự án sản xuất giống lúa đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015, trong đó tập trung một số nội dung sau:

- Hỗ trợ cho các Trung tâm giống các tỉnh sản xuất giống SNC; đào tạo tập huấn cấp chứng nhận cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chọn lọc làm giống SNC; cung cấp giống gốc; hỗ trợ kinh phí theo quy định của Dự án giống đối với những Trung tâm giống có đủ điều kiện sản xuất giống SNC; đảm bảo cung cấp 60-70% nhu cầu giống lúa SNC cho vùng ĐBSCL.

- Tổ chức sản xuất, cung cấp hạt giống NC cho Hệ thống giống nông hộ để sản xuất giống XN1, XN2.

b) Chủ trì thực hiện hiệu quả Dự án khuyến nông sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL, trong đó tập trung hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ Hệ thống giống nông hộ.

c) Hàng năm rà soát tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt, đề xuất điều chỉnh, bổ sung mở rộng các dự án nếu có hiệu quả./.