Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 821/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 294/QĐ-BNV ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2013 - 2015 với các nội dung chính sau:

1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng:

Cán bộ, công chức xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND xã;

b) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã;

c) Người đứng đầu các tổ chức chính trị- xã hội xã;

d) Công chức chuyên môn xã:

- Trưởng Công an;

- Chỉ huy trưởng Quân sự;

- Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường;

- Tư pháp - Hộ tịch;

- Tài chính - Kế toán;

- Văn hóa - Xã hội;

- Văn phòng - Thống kê;

2. Mục tiêu của kế hoạch:

a) Bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho cán bộ, công chức xã, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

b) Trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực xây dựng hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiên tiến, hiện đại;

c) Tổ chức 36 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và 12 lớp đào tạo tin học; đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và tin học.

3. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:

a) Tổ chức bồi dưỡng theo vị trí chức vụ, chức danh trên cơ sở 13 bộ tài liệu Bộ Nội vụ chuyển giao, tổ chức biên soạn, cập nhật các văn bản quy định mới đưa vào chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương.

b) Đào tạo tin học:

Tổ chức các lớp bồi dưỡng tin học trình độ A, trình độ B; bồi dưỡng công nghệ thông tin theo chương trình, tài liệu của Bộ Nội vụ ban hành.

4. Đội ngũ giảng viên: Lựa chọn đội ngũ giảng viên nguồn là giáo viên, giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh; cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ngành có kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt và có chuyên môn phù hợp với 13 bộ tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã do Bộ Nội vụ chuyển giao. Cử giảng viên nguồn đi tập huấn và nhận chuyển giao tài liệu bồi dưỡng theo kế hoạch tổ chức tập huấn của Bộ Nội vụ.

5. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí bồi dưỡng cán bộ, công chức xã lấy nguồn kinh phí thực hiện Đề án phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn kinh phí khác của tỉnh.

Dự kiến kinh phí: 5.749.967.000 đồng (Năm tỷ, bảy trăm bốn mươi chín triệu, chín trăm sáu mươi bảy nghìn đồng)

(có biểu chi tiết kèm theo)

Điều 2. Phân công tổ chức thực hiện

1. Sở Nội vụ:

a) Chủ trì phối hợp với sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã hàng năm theo đúng tiến độ của kế hoạch;

b) Phối hợp với các sở, ngành liên quan lựa chọn giảng viên nguồn và đội ngũ giảng viên trực tiếp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

c) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan thống nhất chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với từng đối tượng cán bộ, công chức xã, bố trí giảng viên giảng dạy theo chương trình đã được Bộ Nội vụ tổ chức tập huấn;

d) Lập dự toán kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo Thông tư số 139/2010/TT- BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

đ) Tổ chức triệu tập cán bộ, công chức xã để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo thời gian quy định;

e) Tổ chức quản lý các lớp học, ký hợp đồng giảng dạy với các giảng viên của các sở, ban, ngành;

g) Chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tốt các lớp học. Kết thúc khóa học thanh, quyết toán kinh phí đào tạo với Sở Tài chính và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện mở các lớp bồi dưỡng về UBND tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến phân bổ kinh phí hàng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã từ nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Kiểm tra, giám sát việc thanh, quyết toán mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng trên theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.

3. Các sở, ngành có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Nội vụ lựa chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, chuyên môn phù hợp tham gia tập huấn giảng viên nguồn (theo kế hoạch của Bộ Nội vụ). Tổ chức biên soạn lại tài liệu theo chương trình tài liệu của Bộ Nội vụ chuyển giao và làm giảng viên bồi dưỡng cho CBCC xã theo các chương trình do Bộ Nội vụ ban hành.

4. Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh: Phối hợp với Sở Nội vụ lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã hàng năm; tổ chức biên soạn lại tài liệu theo chương trình tài liệu của Bộ Nội vụ chuyển giao và làm giảng viên bồi dưỡng cho CBCC xã theo các chương trình do Bộ Nội vụ ban hành.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm quyết định cử cán bộ, công chức xã đi dự các lớp bồi dưỡng theo giấy triệu tập của Sở Nội vụ đảm bảo nguyên tắc vừa làm vừa học, không ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ nhân dân của chính quyền xã.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa