Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2010/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC SINH BÁN TRÚ VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này Quy định về một số chính sách hỗ trợ đối với:

- Học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học trong các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng này;

- Trường phổ thông dân tộc bán trú.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Trường phổ thông dân tộc bán trú là trường chuyên biệt, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này bao gồm trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 25% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú.

2. Học sinh bán trú là học sinh đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng này, được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt cho phép ở lại trường để học tập trong tuần do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

3. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là vùng được quy định tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II); Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định số 1105/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách các xã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo và các Quyết định khác của Thủ tướng bổ sung (nếu có).

Điều 3. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ

1. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ

a) Học sinh bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường tiểu học, trường trung học cơ sở công lập khác ở vùng này do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày;

b) Trường phổ thông dân tộc bán trú được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quyết định này.

2. Mức hỗ trợ

a) Học sinh bán trú được hỗ trợ:

- Hỗ trợ tiền ăn: học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;

- Hỗ trợ nhà ở: học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;

- Đối với học sinh bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu có nhiều mức hỗ trợ cho cùng một chính sách thì học sinh bán trú chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

b) Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm:

- Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành;

- Hằng năm nhà trường được mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho học sinh bán trú với mức 100.000đ/học sinh bán trú/năm học;

- Hằng năm, nhà trường lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, có các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000đ/học sinh bán trú/năm học.

Điều 4. Nguồn, quản lý và sử dụng kinh phí

1. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và hỗ trợ xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị cho trường phổ thông dân tộc bán trú do ngân sách nhà nước đảm bảo được cân đối trong nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao trong kế hoạch hằng năm theo nguyên tắc ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nói trên cho các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương và các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 5% trở xuống. Các địa phương còn lại chủ động tự cân đối ngân sách địa phương để thực hiện.

2. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;

b) Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện trên phạm vi cả nước, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính:

a) Bố trí kinh phí chi thường xuyên hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú quy định tại quyết định này trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí của địa phương.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Bố trí nguồn kinh phí xây dựng cơ bản để thực hiện chính sách hỗ trợ trường phổ thông dân tộc bán trú trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc bán trú của địa phương.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện quy hoạch mạng lưới, xây dựng kế hoạch phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn;

b) Phê duyệt chỉ tiêu học sinh bán trú hằng năm, làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán kinh phí và thực hiện chính sách;

c) Huy động nguồn lực của địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú;

d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 02 năm 2011.

Chế độ hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú quy định tại Quyết định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân