Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 869/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 24 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13/CT-TTG NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại văn bản số 785/STP-KSTTHC ngày 17/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT/Tỉnh ủy, TT/HĐND Tỉnh;
- Cục KSTTHC-BTP;
- Cục Công tác phía Nam –BTP;
- Các PCT/UBND Tỉnh;
- LĐVP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, STP, T (HC).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13/CT-TTG NGÀY 10/6/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 869/QĐ-UBND ngày 24 /8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp)

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nhằm xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.

2. Yêu cầu:

- Xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm thực hiện của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thời hạn hoàn thành, kết quả công việc.

- Tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM, THỜI HẠN THỰC HIỆN

Stt

Nhiệm vụ

Trách nhiệm thực hiện

Thời hạn thực hiện

1

Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định tại: Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 - 2016; Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 và Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08//6//2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.

Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

2

Tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của thủ tục hành chính, xác định chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý; trên cơ sở đó cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

3

Đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính.

Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

4

Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính thông qua việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến đó trong tờ trình trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản. Tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về công bố, công khai, minh bạch thủ tục hành chính và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Trong đó, Sở Tư pháp giữ vai trò chủ đạo.

Hàng năm

5

Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Triển khai vận hành hệ thông theo dõi, đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

6

Xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất về đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý; đẩy mạnh tiến độ thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sở Tư pháp

Hàng năm

7

Xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm công bố, công khai, niêm yết thủ tục hành chính hoặc thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm và thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo UBND Tỉnh; Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

8

Định kỳ tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Lãnh đạo UBND Tỉnh; Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

9

Phối hợp chặt chẽ với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong việc khảo sát, đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Kịp thời chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Lãnh đạo UBND Tỉnh; Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

10

Bố trí và bảo đảm đầy đủ kinh phí để triển khai các hoạt động cải cách thủ tục hành chính.

Lãnh đạo UBND Tỉnh; Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Trong đó, Sở Tài chính giữ vai trò chủ đạo.

Hàng năm

11

Xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.

Lãnh đạo UBND Tỉnh; Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Sở Nội vụ chủ trì.

Hàng năm

12

Nghiên cứu những mô hình mới, cách làm hay trong cải cách thủ tục hành chính để báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh xem xét, triển khai nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những mô hình mới, cách làm hay.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan; Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

13

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về cải cách thủ tục hành chính trong phạm vi của ngành, địa phương.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

14

Tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện. Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

15

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp thực hiện. Giám đốc sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Hàng năm

16

Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh kết quả thực hiện.

Sở Tư pháp

Hàng năm

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Sở Tài Chính hướng dẫn cụ thể các đơn vị trong việc lập dự toán và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch và tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh tình hình, kết quả thực hiện./.