Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 904/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 30 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TNNH 1 THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU ÁP DỤNG TẠI SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH QUẢNG BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 02/07/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy chế công bố, công khai thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình;

Căn cứ Quyết định số 1811/QĐ-BKHĐT ngày 30/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc công bố danh mục và nội dung thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 494/TTr-KHĐT ngày 18/3/2016  và  đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu áp dụng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ tư pháp-Cục kiểm soát TTHC;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Website tỉnh;
- Lưu: VT,KTN, NC.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hoàng

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG TY TNHH 1 THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU ÁP DỤNG TẠI SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ QUẢNG BÌNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

PHẦN I: DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

STT

Tên thủ tục hành chính

Thẩm quyền giải quyết

Trang

1

Thành lập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập

UBND tỉnh

 

2

Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý

UBND tỉnh

 

3

Chia, tách công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý

UBND tỉnh

 

4

Tạm ngừng kinh doanh công ty TNHH một thành viên

Sở KH & ĐT

 

5

Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)

Sở KH & ĐT

 

 

PHẦN II: NỘI DUNG CỦA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG TY TNHH 1 THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU

1. Thành lập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập

* Trình tự thực hiện:

- UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị thành lập công ty TNHH một thành viên theo quy định và chủ trì lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ quản lý ngành.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thành lập công ty TNHH một thành viên, các cơ quan liên quan gửi văn bản tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đến UBND cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, UBND cấp tỉnh lập báo cáo thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập công ty TNHH một thành viên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

- Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày Đề án được phê duyệt.

* Cách thức thực hiện:

- Thông qua hệ thống bưu chính;

- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.

*  Thành phần hồ sơ:

- Tờ trình đề nghị thành lập công ty TNHH một thành viên.

- Đề án thành lập công ty TNHH một thành viên.

- Dự thảo Điều lệ của công ty TNHH một thành viên.

* Số lượng hồ sơ:

05 bộ hồ sơ gốc

* Thời hạn giải quyết:

- Tối đa không quá 20 ngày làm việc (kể từ khi các cơ quan liên quan nhận được hồ sơ) để UBND cấp tỉnh thực hiện thủ tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

- Tối đa không quá 30 ngày làm việc (kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án), Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên.

* Cơ quan thực hiện:

UBND cấp tỉnh.

* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

UBND cấp tỉnh

* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hoặc không phê duyệt) Đề án thành lập.

- Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định thành lập công ty.

* Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí):

Không có

* Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 172/2013/NĐ-CP, Đề án thành lập và Điều lệ hoạt động của công ty TNHH một thành viên cần đảm bảo các nội dung chủ yếu, cụ thể:

- Đề án thành lập công ty TNHH một thành viên phải có các nội dung chủ yếu sau:

+ Căn cứ pháp lý, sự cần thiết thành lập công ty;

+ Tên gọi, mô hình tổ chức quản lý công ty và thời hạn hoạt động;

+ Địa điểm trụ sở chính của công ty, địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh và diện tích đất sử dụng; chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty;

+ Nhiệm vụ do Nhà nước giao; ngành, nghề kinh doanh; danh mục sản phẩm, dịch vụ do công ty cung ứng;

+ Đánh giá tác động kinh tế - xã hội và sự phù hợp của việc thành lập công ty với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế;

+ Tình hình thị trường, nhu cầu và triển vọng thị trường về từng loại sản phẩm, dịch vụ do công ty cung ứng; công nghệ dự kiến áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm sau khi thành lập;

+ Dự kiến tổng vốn đầu tư; mức vốn điều lệ; nguồn và hình thức huy động số vốn còn lại ngoài nguồn vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước; phương án hoàn trả vốn huy động; nhu cầu và biện pháp tạo vốn lưu động đối với công ty;

+ Khả năng cung ứng nguồn lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, công nghệ và các điều kiện cần thiết khác để công ty hoạt động sau khi thành lập.

- Dự thảo Điều lệ của công ty gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên, địa chỉ, trụ sở chính của công ty; hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân của công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);

+ Mục tiêu hoạt động; nhiệm vụ do Nhà nước giao và ngành, nghề kinh doanh;

+ Vốn điều lệ, cách thức điều chỉnh vốn điều lệ;

+ Người đại diện theo pháp luật của công ty;

+ Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty;

+ Quyền, nghĩa vụ của công ty;

+ Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty;

+ Quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc và các chức danh quản lý khác của công ty;

+ Cơ chế hoạt động tài chính, nguyên tắc sử dụng lợi nhuận và xử lý lỗ trong kinh doanh của công ty; căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;

+ Các trường hợp tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu và thủ tục thanh lý tài sản của công ty;

+ Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

+ Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

+ Các quy định khác do cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty quyết định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:

- Thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập công ty TNHH một thành viên, gồm:

+ Ngành, lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ;

+ Truyền tải hệ thống điện quốc gia; nhà máy thủy điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh;

+ Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; các cảng hàng không; cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế;

+ Quản lý điều hành bay; điều hành vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;

+ Bảo đảm hàng hải;

+ Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;

+ Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm);

+ In, đúc tiền;

+ Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển;

+ Hậu cần biển đảo;

+ Quản lý, duy tu công trình đê điều, phân lũ và phòng chống thiên tai;

+ Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

+ Những ngành, lĩnh vực, địa bàn phục vụ cho việc ổn định và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ hoặc các ngành, lĩnh vực, địa bàn khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định:

+ Công ty TNHH một thành viên khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

+ Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện nêu trên, vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

+ Đối với công ty TNHH một thành viên hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn đặc thù hoặc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì vốn điều lệ có thể thấp hơn mức quy định nếu có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

- Có Hồ sơ hợp lệ theo quy định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Việc thành lập công ty TNHH một thành viên phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

* Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013.

 

2. Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý

* Trình tự thực hiện:

- Các công ty TNHH một thành viên phối hợp, thống nhất lập hồ sơ đề nghị hợp nhất, sáp nhập theo quy định trình cơ quan hoặc cá nhân quyết định thành lập công ty xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp nhất, sáp nhập, cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hồ sơ và ra quyết định hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên.

- Sau khi có Quyết định hợp nhất, sáp nhập, các công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án hợp nhất, sáp nhập. Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do các cơ quan hoặc cá nhân khác nhau quyết định thành lập, sau khi hồ sơ hợp nhất, sáp nhập được phê duyệt, người đại diện theo pháp luật của các công ty TNHH một thành viên cùng ký vào Hợp đồng hợp nhất, sáp nhập.

Công ty nhận sáp nhập và công ty TNHH một thành viên được thành lập trên cơ sở hợp nhất thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

* Cách thức thực hiện:

- Thông qua hệ thống bưu chính;

- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.

*  Thành phần hồ sơ:

- Tờ trình đề nghị hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên;

- Đề án hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên;

- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của công ty đã được kiểm toán và báo cáo tài chính quý gần nhất thời điểm hợp nhất, sáp nhập;

- Dự thảo Điều lệ của công ty TNHH một thành viên mới;

- Hợp đồng sáp nhập, hợp nhất theo quy định tại Luật doanh nghiệp.

- Các tài liệu khác có liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên.

* Số lượng hồ sơ:

01 bộ hồ sơ gốc.

* Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp nhất, sáp nhập.

* Cơ quan thực hiện:

Cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP

* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Các công ty TNHH một thành viên thực hiện hợp nhất, sáp nhập.

* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Quyết định hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền.

* Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí):

Không có

* Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 172/2013/NĐ-CP, các nội dung chủ yếu phải có trong Đề án hợp nhất, sáp nhập bao gồm:

- Tên, địa chỉ các công ty TNHH một thành viên trước và sau khi hợp nhất, sáp nhập;

- Sự cần thiết hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên; sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và trên toàn quốc;

- Mức vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên sau khi hợp nhất, sáp nhập;

- Phương án sắp xếp, sử dụng lao động;

- Phương án xử lý tài chính, chuyển đổi, bàn giao vốn, tài sản và giải quyết các quyền, nghĩa vụ của các công ty TNHH một thành viên liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập;

- Thời hạn thực hiện hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên.

* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:

- Việc hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc sáp nhập, hợp nhất công ty TNHH một thành viên chưa được quy định tại Đề án tổng thể, cơ quan quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Việc sáp nhập, hợp nhất không làm giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên.

* Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013.

 

3. Chia, tách công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý

* Trình tự thực hiện:

- Công ty TNHH một thành viên lập Hồ sơ đề nghị chia, tách gửi UBND cấp tỉnh thẩm định.

- Sau khi nhận đủ Hồ sơ đề nghị chia, tách công ty TNHH một thành viên,  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ quản lý ngành.

-Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ, các cơ quan liên quan gửi văn bản tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đến UBND cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, UBND cấp tỉnh lập báo cáo thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị chia tách công ty TNHH một thành viên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương.

- Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chia, tách, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định chia, tách công ty TNHH một thành viên trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt chủ trương.

- Sau khi có quyết định chia, tách công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án chia, tách.

Công ty TNHH một thành viên được thành lập trên cơ sở chia, tách thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

* Cách thức thực hiện:

- Thông qua hệ thống bưu chính;

- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.

*  Thành phần hồ sơ:

- Tờ trình đề nghị chia, tách công ty TNHH một thành viên;

- Đề án chia, tách công ty TNHH một thành viên;

- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của công ty đã được kiểm toán và báo cáo tài chính quý gần nhất thời điểm tổ chức lại;

- Dự thảo Điều lệ của công ty TNHH một thành viên mới;

- Các tài liệu khác có liên quan đến việc tổ chức lại công ty TNHH một thành viên.

* Số lượng hồ sơ:

06 bộ Hồ sơ gốc

* Thời hạn giải quyết:

- Tối đa không quá 20 ngày làm việc (kể từ khi các cơ quan liên quan nhận được Hồ sơ) để  UBND cấp tỉnh thực hiện thủ tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương.

- Tối đa không quá 30 ngày làm việc (kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương), Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định chia, tách công ty TNHH một thành viên.

* Cơ quan thực hiện:

 UBND cấp tỉnh.

* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Công ty TNHH một thành viên.

* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

- Văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hoặc không phê duyệt) chủ trương.

- Trong trường hợp được phê duyệt chủ trương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định chia, tách. 

* Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí):

Không có

* Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 172/2013/NĐ-CP, các nội dung chủ yếu phải có trong Đề án chia, tách bao gồm:

- Tên, địa chỉ các công ty TNHH một thành viên trước và sau khi chia, tách;

- Sự cần thiết chia, tách công ty TNHH một thành viên; sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và trên toàn quốc;

- Mức vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên sau khi chia, tách;

- Phương án sắp xếp, sử dụng lao động;

- Phương án xử lý tài chính, chuyển đổi, bàn giao vốn, tài sản và giải quyết các quyền, nghĩa vụ của các công ty TNHH một thành viên liên quan đến việc chia, tách;

- Thời hạn thực hiện chia, tách công ty TNHH một thành viên;

Trường hợp chia, tách công ty TNHH một thành viên để hình thành công ty TNHH một thành viên mới thì Đề án chia, tách công ty TNHH một thành viên phải có thêm các nội dung nêu tại Đề án thành lập công ty TNHH một thành viên (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên).

* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:

- Việc chia, tách công ty TNHH một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc sáp nhập, hợp nhất công ty TNHH một thành viên chưa được quy định tại Đề án tổng thể, cơ quan quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Các công ty TNHH một thành viên mới hình thành sau khi chia, tách công ty TNHH một thành viên phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập công ty TNHH một thành viên (i) Thuộc ngành, lĩnh vực địa bàn được xem xét thành lập (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên); (ii) Đảm bảo đủ vốn điều lệ (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên); (iii) Phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

- Việc chia, tách không làm giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên.

* Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013.

 

4. Tạm ngừng kinh doanh công ty TNHH một thành viên

* Trình tự thực hiện:

- Người quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên ra quyết định tạm ngừng kinh doanh.

- Công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.

Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm báo cáo người quyết định thành lập công ty để ra quyết định tạm ngừng kinh doanh.

* Cách thức thực hiện:

- Thông qua hệ thống bưu chính;

- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.

* Thành phần hồ sơ:

Thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh

* Số lượng hồ sơ:

01 bộ hồ sơ gốc

* Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

*Cơ quan thực hiện:

- Người quyết định thành lập quyết định tạm ngừng kinh doanh;

- Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục.

*Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Công ty TNHH một thành viên.

*Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận thông báo của doanh nghiệp, nhập thông tin vào Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để theo dõi.

*Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí):

Không có

*Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp/chi nhánh/văn phòng đại diện.

Kèm theo thông báo phải có quyết định của chủ sở hữu công ty về việc tạm ngừng kinh doanh.

*Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tạm ngừng kinh doanh trong các trường hợp sau:

- Do yêu cầu của người quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

- Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

* Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013.

 

Phụ lục II-21

(Ban hàm kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT)

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………..

……, ngày…… tháng…… năm ……

 

THÔNG BÁO

Về việc tạm ngừng kinh doanh/tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của doanh nghiệp/ chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh

Kính gửi: Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố……………

Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): .................................................................

Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế: ...........................................................................

Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chỉ kê khai nếu không có mã số doanh nghiệp/mã số thuế):       

1. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh:

a) Đối với doanh nghiệp:

Đăng ký tạm ngừng kinh doanh từ ngày….tháng….năm…… cho đến ngày….tháng….năm……

Lý do tạm ngừng: .................................................................................................

.............................................................................................................................

b) Đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh:

Đăng ký tạm ngừng hoạt động từ ngày … tháng … năm … cho đến ngày … tháng … năm … đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh sau:

Tên chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (ghi bằng chữ in hoa) ............

Mã số/Mã số thuế của chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh: ...............

Số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (trường hợp không có mã số chi nhánh/mã số thuế):

Lý do tạm ngừng: .................................................................................................

.............................................................................................................................

Chi nhánh chủ quản (chỉ kê khai đối với trường hợp đăng ký tạm ngừng hoạt động địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh):

Tên chi nhánh: .......................................................................................................

Mã số chi nhánh/Mã số thuế của chi nhánh: ............................................................

Số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh (trường hợp không có mã số chi nhánh/mã số thuế của chi nhánh):       

Do Phòng Đăng ký kinh doanh: .............................................................................

cấp ngày: ................... /............ /.................

2. Trường hợp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo:

a) Đối với doanh nghiệp:

Đăng ký tiếp tục kinh doanh từ ngày….tháng….năm……

b) Đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh:

Đăng ký tiếp tục hoạt động từ ngày….tháng….năm…… đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh sau:

Tên chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (ghi bằng chữ in hoa) ............

Mã số/Mã số thuế của chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh: ...............

Số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (trường hợp không có mã số chi nhánh/mã số thuế):

Chi nhánh chủ quản (chỉ kê khai đối với trường hợp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh):

Tên chi nhánh: .......................................................................................................

Mã số chi nhánh/Mã số thuế của chi nhánh: ............................................................

Số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh (trường hợp không có mã số chi nhánh/mã số thuế của chi nhánh):       

Do Phòng Đăng ký kinh doanh: .............................................................................

cấp ngày: ................... /............ /.................

Doanh nghiệp cam kết về tính chính xác, trung thực và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của Thông báo này.

 


Các giấy tờ gửi kèm:
-……………………..

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
CỦA DOANH NGHIỆP/

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHI NHÁNH

(Ký, ghi họ tên)[1]

 

5. Giải thể công ty TNHH một thành viên

* Trình tự thực hiện:

- Trong trường hợp công ty có đủ các điều kiện giải thể hoặc có văn bản đề nghị giải thể công ty từ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định giải thể công ty thành lập Hội đồng giải thể để thẩm định đề nghị giải thể công ty. Trường hợp không quyết định giải thể công ty, người có thẩm quyền quyết định giải thể phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị.

- Người có thẩm quyền ra quyết định giải thể công ty TNHH một thành viên theo các nội dung đã được quy định.

- Sau khi có quyết định giải thể:

+ Công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

+ Hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

+ Cơ quan thuế trực tiếp quản lý việc thu thuế công ty có trách nhiệm ban hành văn bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của công ty trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của công ty.

* Cách thức thực hiện:

- Thông qua hệ thống bưu chính;

- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.

*  Thành phần hồ sơ:

Văn bản đề nghị giải thể công ty.

* Số lượng hồ sơ:

01 bộ hồ sơ

* Thời hạn giải quyết:

Tối đa không quá 30 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định giải thể công ty thành lập Hội đồng giải thể để thẩm định đề nghị giải thể công ty.

* Cơ quan thực hiện:

Người quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên là người quyết định giải thể công ty.

* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Công ty TNHH một thành viên hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Quyết định giải thể công ty TNHH một thành viên

* Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí):

Không có

* Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Không có.

* Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:

- Công ty TNHH một thành viên bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau:

+ Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+ Kinh doanh thua lỗ 03 năm liên tiếp và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản;

+ Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 02 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;

+ Việc tiếp tục duy trì công ty là không cần thiết.

- Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

- Việc giải thể công ty TNHH một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc giải thể công ty chưa được quy định tại Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 * Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013.

 

 



[1]

Trường hợp tạm ngừng kinh doanh/đăng ký hoạt động trở lại trước thời hạn đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trực tiếp vào phần này.

Trường hợp tạm ngừng kinh doanh/đăng ký hoạt động trở lại trước thời hạn đối với địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu chi nhánh ký trực tiếp vào phần này.