Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 26 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG BÌNH, GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 3150/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Bình đến năm 2010 và 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 tỉnh Quảng Bình và Chương trình hành động số 05/CTr-TU ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 418/TTr-SCN ngày 14 tháng 11 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Giao cho Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đồng Hới tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đồng Hới và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy; (b/c)
- TT HĐND tỉnh; (b/c)
- Chủ tịch, các PCT; (b/c)
- Bộ CN, Bộ KH - ĐT; (b/c)
- Lưu VT, CVTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2006/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình )

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

I. Kết quả đạt được

1. Về giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) năm 2005 đạt 1.580 tỷ đồng, tăng 2,26 lần so với năm 2000, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 17,74%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra. Trong đó: Công nghiệp Quốc doanh (CNQD) tăng 14,05%; công nghiệp ngoài quốc doanh (CNNQD) tăng 21,1%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng thấp, có xu hướng giảm.

Các sản phẩm chủ yếu của ngành CN - TTCN như: Xi măng, gạch men, thanh nhôm định hình, chế biến nhựa thông, cao su mủ khô, gỗ xẻ, bia, nước khoáng…đều tăng khá, năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị CN - XD trong GDP của tỉnh ngày càng cao. Năm 1995 chiếm 19,13% GDP, năm 2000 chiếm 24,81% GDP, đến năm 2005 là 32,05% GDP.

Cơ cấu trong nội bộ Ngành cũng được chuyển dịch đúng hướng, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế của tỉnh: Ngành sản xuất vật liệu xây dựng ngày càng chiếm ưu thế, năm 2000 tỷ trọng chiếm 31,35% trong giá trị sản xuất toàn ngành, đã tăng lên 39,14% vào năm 2005.

Sản xuất TTCN và NNNT có bước phát triển khá, ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường, linh hoạt và chủ động trong lựa chọn các hình thức đầu tư, tổ chức sản xuất và cơ cấu mặt hàng…trong đó một số huyện, thành phố đạt tốc độ phát triển bình quân hàng năm khá cao: Bố Trạch 20,35%, Quảng Ninh 22,6%, Tuyên Hóa 16,8%...

(Xem chi tiết Phụ lục 1)

2. Về đầu tư phát triển sản xuất

Các đơn vị công nghiệp quốc doanh đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển sản xuất, cải tiến thiết bị công nghệ, đồng thời tích cực chuyển hướng kinh doanh đa ngành, đa nghề, chú trọng sử dụng có hiệu quả đồng vốn, thiết bị, lao động, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất được xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương như: các nhà máy xi măng: Áng Sơn, Thanh Trường, Sông Gianh, bia Hà Nội - Quảng Bình, nước khoáng Bang; các nhà máy chế biến gỗ: Việt - Ý, Phương Anh, Phú Quý và Ba Đồn; Nhà máy đóng tàu Quán Hàu, Xí nghiệp may Hà Quảng, Xí nghiệp sản xuất bao bì COSEVCO Quảng Liên, các nhà máy thủy sản đông lạnh xuất khẩu…

Tình hình phát triển sản xuất khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh trong thời gian qua đã có chuyển biến đáng kể, một số doanh nghiệp cổ phần hóa đã bắt đầu làm ăn có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nhiều nghề TTCN, làng nghề truyền thống đã được khôi phục phát triển như: Mây tre xuất khẩu, chế biến hải sản, mộc mỹ nghệ, chiếu cói... Một số dự án đã đi vào sản xuất có hiệu quả như: Đóng và sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản tại xã Cảnh Dương, sản xuất dây đai nẹp nhựa (Quảng Trạch), chế biến mây nguyên liệu Phương Bắc, tơ tằm (Tuyên Hóa), rượu Vạn Lộc, nước mắm Quy Đức (Bố Trạch), sản xuất mộc mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, thêu ren (Đồng Hới), sản xuất ở HTX mộc mỹ nghệ cao cấp Tân Tiến, mây tre xuất khẩu của Công ty Vĩnh An (Quảng Ninh), chiếu cói An Xá, rượu Lộc Thủy (Lệ Thủy)... đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Công tác khuyến công đã đạt được một số kết quả như: Tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển TTCN và NNNT; hướng dẫn lập dự án đầu tư, tổ chức đào tạo nghề, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, các mô hình làm ăn giỏi, tư vấn về công nghệ sản xuất, lựa chọn phát triển ngành nghề, thị trường tiêu thụ... Đồng thời vận động các chủ doanh nghiệp, hộ gia đình mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, vốn khuyến công đã hỗ trợ cho gần 80 dự án đầu tư phát triển sản xuất, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các tỉnh, tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn nghiệp vụ với tổng số tiền là 1.509 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn khuyến công Trung ương đã hỗ trợ cho 2 dự án để đầu tư máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với số tiền là 180 triệu đồng.

3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm, điểm CN - TTCN

3.1. Công tác xây dựng quy hoạch

Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Quảng Bình đến năm 2010; Quy hoạch tổng thể phát triển cụm, điểm TTCN và NNNT tỉnh Quảng Bình đến năm 2005 và 2010 và triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN đến năm 2010 và năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và đang từng bước triển khai thực hiện các quy hoạch trên.

3.2. Đầu tư xây dựng các khu, cụm, điểm CN - TTCN và làng nghề

Khu công nghiệp: Hiện nay về cơ bản đã đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng KCN Tây Bắc Đồng Hới và tổ chức thu hút đầu tư khoảng 80% diện tích sử dụng. Đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La.

Về cụm điểm TTCN và làng nghề: Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển tổng thể cụm điểm TTCN và NNNT đến 2010, từ năm 2004 Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng dự án điểm làng nghề Cảnh Dương - huyện Quảng Trạch với mức vốn đầu tư 3 tỷ đồng, đã hoàn thành bàn giao cho xã Cảnh Dương quản lý sử dụng, hiện đã thu hút 17 dự án đang làm thủ tục triển khai đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2005 - 2006 tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề Đức Trạch - Bố Trạch, làng nghề Thuận Đức, Tân Sơn - Đồng Hới, đồng thời thực hiện các bước để tiếp tục đầu tư cụm điểm TTCN Cam Liên - Lệ Thủy, Quảng Thọ - Quảng Trạch, tiểu khu Lưu Thuận - Tuyên Hóa và một số cụm điểm TTCN, làng nghề khác.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm, điểm CN, TTCN, làng nghề bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, sinh thái.

4. Về cơ sở sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động

4.1. Cơ sở sản xuất và lượng lao động

Theo xu hướng phát triển và điều tiết của cơ chế thị trường các cơ sở sản xuất CN - TTCN và NNNT của tỉnh tuy có giảm về số lượng, nhưng về quy mô, hiệu quả kinh doanh và thu hút lao động của các cơ sở sản xuất đều tăng.

Lao động làm việc trong ngành Công nghiệp trong thời gian qua tăng cả về số lượng và chất lượng, năm 2005 có 43.129 người, tăng 4.902 người so với năm 2000, tuy mức tăng bình quân hàng năm chưa cao (980 người/năm - chưa tính số lao động theo thời vụ) nhưng đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho một bộ phận đáng kể người lao động đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn.

4.2. Công tác đào tạo nghề

Công tác đào tạo nghề đã được chú ý, ngoài số lao động được đào tạo trong các trường, các trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện, thành phố và tự đào tạo, ngành Công nghiệp đã tổ chức đào tạo được hơn 50 lớp học cho hơn 1.000 học viên với các nghề sản xuất mây tre đan, mây xiên, mộc mỹ nghệ, thêu ren, may đo quần áo... Phần lớn các học viên sau khi học nghề đều có việc làm và thu nhập ổn định trong các cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh.

II. Một số tồn tại, hạn chế

- Kết quả phát triển công nghiệp trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển công nghiệp, làm đòn bẩy để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, mức tăng trưởng chậm và thiếu tính vững chắc;

- Hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô còn nhỏ, công nghệ máy móc thiết bị lạc hậu, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh còn yếu. Một số dự án đầu tư do chưa tính toán kỹ các yếu tố về vốn, công nghệ, thiết bị, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm…nên chưa khai thác hết công suất máy móc thiết bị, hiệu quả đầu tư thấp, thậm chí thua lỗ phải giải thể;

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các công trình xây dựng lớn của tỉnh triển khai chậm, thiếu đồng bộ, như: Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm điểm TTCN, đặc biệt một số công trình trọng điểm: Sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La, đường 12A, cầu Kiến Giang…cùng với môi trường đầu tư chưa được cải thiện đầy đủ đã làm hạn chế lớn đến nhu cầu và kết quả đầu tư, chưa thực sự là nhân tố hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

- Về TTCN và NNNT: Các ngành nghề TTCN chuyển biến chậm, sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát; chủ yếu là thủ công, quy mô, sản lượng còn nhỏ, mặt hàng đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu đặc thù và truyền thống của địa phương. Việc lựa chọn, tổ chức học tập du nhập phát triển nghề mới còn nhiều khó khăn. Hiệu quả thực hiện Chương trình phát triển TTCN và NNNT còn thấp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất TTCN và NNNT chưa phù hợp với tình hình hiện nay, khi triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập, kinh phí dành cho khuyến công chưa nhiều, tác động của khuyến công chưa cao.

- Tình hình thu hút các dự án đầu tư vào các khu cụm điểm CN - TTCN và làng nghề chuyển biến chậm, phần lớn các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ còn hạn chế, hiệu quả đầu tư chưa cao.

- Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu, năng lực một số cán bộ còn hạn chế, chưa thích ứng kịp với cơ chế thị trường, lực lượng lao động tuy đông nhưng trình độ tay nghề thấp, phần lớn chưa qua đào tạo, số lượng lao động kỹ thuật, thợ bậc cao rất ít.

III. Nguyên nhân

1. Nguyên nhân của những kết quả

- Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua Nhà nước và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nên đã có tác động tích cực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa.

- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã đầu tư nâng cấp xây dựng hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút và thực hiện được một số dự án đầu tư phát triển sản xuất.

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ gia đình, đặc biệt là trong khu vực dân doanh đã từng bước trưởng thành, ngày càng năng động hơn trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, tổ chức sản xuất phù hợp và có hiệu quả. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu, cung cấp dịch vụ, tổ chức chế biến các loại nông, lâm, hải sản sau thu hoạch… làm giàu cho mình và xã hội, thực sự là nòng cốt làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn.

2. Nguyên nhân của những tồn tại

- Một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo địa phương chưa nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức và có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất CN - TTCN và NNNT; nhận thức của một bộ phận các doanh nghiệp và người dân còn mang nặng tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chưa chịu khó tìm tòi phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

- Xuất phát điểm ngành Công nghiệp tỉnh ta còn thấp, quy mô còn nhỏ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, các ngành công nghiệp bổ trợ chưa phát triển; năng suất, chất lượng lao động và trình độ công nghệ còn thấp, chậm đổi mới, chi phí sản xuất cao. Ngoài ra các yếu tố tiêu cực bên ngoài như giá cả không ổn định, luôn biến động theo chiều hướng tăng, đặc biệt là: Xăng dầu, thép, xi măng, điện, nước, tiền lương của người lao động, trong lúc đó giá bán của sản phẩm phải hạ để cạnh tranh trên thị trường đã tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất.

- Tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và cải cách hành chính trong ngành còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý Nhà nước về CN - TTCN và NNNT ở tỉnh và các huyện, thành phố còn thiếu, chất lượng chưa cao.

- Thiếu tính chủ động trong quá trình chỉ đạo và điều hành thực hiện. Tư tưởng chủ quan, tự hài lòng với thành tích đã đạt được làm giảm ý chí phấn đấu. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức, do vậy các giải pháp điều hành chậm thực hiện, hiệu quả chưa cao.

Phần thứ hai

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CN - TTCN VÀ NNNT TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. Dự báo tình hình phát triển CN - TTCN trong thời gian tới

1. Những thuận lợi cơ bản

Trong những năm tới Chương trình Phát triển CN - TTCN và NNNT triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi: Đây là thời kỳ mà toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh ra sức thi đua đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Về phát triển kinh tế - xã hội: Cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh có nhiều thay đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; sự hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm TTCN, làng nghề, khu du lịch; cơ sở hạ tầng và dịch vụ được cải thiện; thị trường từng bước được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, dịch vụ phát triển.

Tiềm năng về nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trong đó có các mỏ đá vôi để sản xuất xi măng, cát thạch anh, cao lanh…là những tài nguyên có trữ lượng lớn, chất lượng tốt; nguồn nguyên liệu từ nông, lâm, thủy sản dồi dào và đa dạng; lực lượng lao động đông đảo với đức tính cần cù, chịu khó sẽ là những thế mạnh để phát triển CN - TTCN và NNNT...

Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn 2001-2005, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nhất là khi nước ta gia nhập WTO… là những cơ sở, tiền đề quan trọng, đồng thời cũng mở ra những cơ hội để phát huy nội lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển CN - TTCN và NNNT trong giai đoạn 2006 - 2010.

2. Những khó khăn thách thức

Ngoài những khó khăn tồn tại đã nêu trên, trong giai đoạn 2006 - 2010, sản xuất CN - TTCN và NNNT tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do giá các loại nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao như: Thép, xi măng, than, điện, nước, lương của người lao động, đặc biệt là giá xăng dầu liên tục tăng cao, trong lúc đó giá bán của sản phẩm phải hạ để cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác với việc khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện hiệp định AFTA thì mức độ cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt hơn, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Tình hình đó đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tăng cường phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Chương trình Phát triển TTCN và NNNT giai đoạn 2006 - 2010.

II. Phương hướng, mục tiêu

1. Phương hướng

Tập trung khai thác có hiệu quả các cơ sở sản xuất hiện có, đồng thời đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu, thị trường và lao động sẵn có ở địa phương, trước hết là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí...; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, ít ô nhiễm môi trường; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; khôi phục và phát triển các ngành nghề TTCN, làng nghề, làng nghề truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất CN - TTCN và NNNT góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, chuẩn bị các điều kiện cho sự tăng trưởng cao trong những giai đoạn tiếp theo.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp với tốc độ cao để công nghiệp thực sự đóng vai trò trọng tâm làm đòn bẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển TTCN và NNNT nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN, các ngành nghề và dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Từ nay đến năm 2010, phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản sau:

* Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành (giá CĐ 1994) đạt 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,53 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 20 - 21%.

Trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 24 - 25%; giá trị sản xuất TTCN và NNNT đạt 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 16 - 17%.

* Đưa từ 2 - 3 dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, mức đóng góp ngân sách cao vào hoạt động, đồng thời chuẩn bị các bước đầu tư từ 2 - 3 dự án cho giai đoạn sau 2010. Hàng năm, mỗi huyện, thành phố phát triển từ 3 - 5 doanh nghiệp, HTX sản xuất TTCN và NNNT có quy mô thu hút từ 10 lao động trở lên. Tạo và giải quyết việc làm khoảng 1.500 lao động/năm (chưa kể lao động có việc làm theo thời vụ ở nông thôn).

* Đầu tư xây dựng mới từ 1 - 2 Khu công nghiệp; đầu tư xây dựng, phát triển các cụm, điểm TTCN và khu làng nghề theo quy hoạch, cụ thể: Các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới hình thành mỗi địa phương 2 - 3 cụm, các huyện còn lại hình thành từ 1 - 2 cụm.

* Về phát triển làng nghề: Hàng năm xây dựng, hình thành và công nhận 2 - 3 làng nghề theo tiêu chí ban hành.

III. Nội dung chương trình

1. Phát triển các ngành CN - TTCN và NNNT

1.1. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện công nghệ, cải tạo, nâng cấp và khai thác tối đa công suất các cơ sở sản xuất hiện có, tập trung xúc tiến đầu tư một số nhà máy xi măng công suất lớn trên địa bàn. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng gốm sứ, thủy tinh, gạch không nung, ngói chống rêu, các loại vật liệu trang trí nội thất chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng trên địa bàn, tạo nguồn hàng vững chắc, ổn định hướng đến xuất khẩu.

- Các dự án ưu tiên:

Xây dựng mới Nhà máy xi măng Áng Sơn theo công nghệ lò quay, công suất 50 vạn tấn/năm; di chuyển trạm nghiền xi măng số 1 ra khỏi nội thành Đồng Hới, đồng thời cải tạo dây chuyền thiết bị nâng công suất lên khoảng 20 vạn tấn/năm;

Tập trung khai thác có hiệu quả công suất của Nhà máy xi măng Sông Gianh, đồng thời chuẩn bị các bước để triển khai đầu tư giai đoạn 2 nhằm nâng công suất nhà máy;

Đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ thiết bị và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường các Nhà máy xi măng lò đứng Áng Sơn, Thanh Trường; ổn định và từng bước nâng công suất các Nhà máy gạch Tuynel Đồng Lê (Tuyên Hóa), Phú Thủy (Lệ Thủy), Thọ Lộc (Bố Trạch); đầu tư chuyển đổi công nghệ lò đốt từ dầu sang than đá và nâng công suất Nhà máy gốm sứ COSEVCO lên 2 triệu m2/năm; tạo điều kiện xây dựng mới, nâng cấp một số cơ sở sản xuất gốm sứ, VLXD mới ở thành phố Đồng Hới, Bố Trạch và các địa phương khác;

Xúc tiến đầu tư Nhà máy xi măng công suất lớn tại Thanh Hà (Bố Trạch); kêu gọi đầu tư Nhà máy tấm lợp tôn màu (Đồng Hới), Nhà máy khai thác và chế biến cát thủy tinh xây dựng và dân dụng (Quảng Trạch).

- Về TTCN: Quy hoạch và tổ chức tốt các hoạt động khai thác VLXD khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi các lò gạch ngói thủ công sang công nghệ lò gạch Tuynel; phát triển sản xuất các loại vật liệu trang trí nội thất có tính mỹ nghệ cao, các loại gạch lát nền, vỉa hè, bó vỉa, gạch Blốc, ngói chống rêu…nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

1.2. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản

- Về chế biến nông sản, thực phẩm: Huy động tối đa công suất các nhà máy đã có, đầu tư mới và đầu tư mở rộng một số dự án có điều kiện thuận lợi. Phát triển các cơ sở chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch, sản xuất các sản phẩm truyền thống như: Bún bánh các loại, đồ uống, giải khát... nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch.

- Các dự án ưu tiên:

Xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm từ thịt lợn siêu nạc (liên doanh với công ty VISAN TP Hồ Chí Minh); mở rộng Nhà máy chế biến tinh bột sắn hiện có, đảm bảo thu mua hết nguyên liệu đã quy hoạch trong dân, đồng thời đầu tư chiều sâu để có nhiều sản phẩm giá trị cao từ tinh bột sắn;

Tiếp tục khai thác có hiệu quả Nhà máy nước khoáng Bang, đồng thời có phương án xây dựng mới nhà máy công suất cao hơn (khoảng 20 triệu lít/năm) gần khu vực mỏ. Nâng công suất Nhà máy Bia rượu Hà Nội - Quảng Bình đạt 20 triệu lít/năm năm 2008 và 30 triệu lít/năm năm 2010;

Khuyến khích các cơ sở ngoài quốc doanh phát triển: Chế biến đồ hộp, thức ăn đóng gói, thức ăn sẵn, sản xuất bia nhà hàng theo dây chuyền mini; chế biến các loại bún, bánh có chất lượng cao, các loại rượu đặc sản và các sản phẩm truyền thống của địa phương: Dưa, cà, kiệu… phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, khách du lịch và xuất khẩu; đồng thời có quy hoạch và hỗ trợ đầu tư chế biến thức ăn gia súc, lò giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương của thành phố Đồng Hới và các trung tâm đô thị, công nghiệp khác.

- Về chế biến thủy sản: Tập trung đầu tư chiều sâu, khai thác hết công suất các nhà máy đông lạnh hiện có; thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là các sản phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu, giảm dần các sản phẩm chế biến thô để nâng cao giá trị gia tăng.

- Các dự án ưu tiên:

Xây dựng phương án cụ thể về cải tiến công nghệ, tổ chức sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả các Nhà máy đông lạnh Sông Gianh, Nhà máy đông lạnh Đồng Hới, Xí nghiệp đông lạnh chế biến nông thủy sản Đồng Hới;

Đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến thủy sản ăn liền Thanh Trạch, Bố Trạch, công suất (giai đoạn I) 300 tấn SP/năm;

Kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản, công suất 5.000 tấn SP/năm;

Khuyến khích chế biến các sản phẩm truyền thống như: Nước mắm, hải sản khô, các loại ruốc, mắm, dút... trong các cơ sở, hộ gia đình ở các xã ven biển, ven sông phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu. Có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản của địa phương. Hình thành một số cơ sở làm vệ tinh sơ chế nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản. Tổ chức các cơ sở hoạt động dịch vụ thủy sản phù hợp, đáp ứng nhu cầu đánh bắt, sơ chế, bảo quản nguyên liệu tại các cảng cá, cửa lạch.

- Về chế biến lâm sản: Tập trung khai thác hết công suất và tiếp tục đầu tư chiều sâu các nhà máy chế biến gỗ đã xây dựng; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ các loại lâm sản, nguyên liệu rừng trồng như: Ván ép tre, giấy nguyên liệu, gỗ bóc ép, mủ cao su cốm, chế biến song mây. Khôi phục và phát triển các cơ sở, làng nghề sản xuất các mặt hàng từ: Gỗ, mây, tre, lá nón, cói, lác, các cây dược liệu...

- Các dự án ưu tiên:

Khai thác có hiệu quả năng lực hiện có, từng bước nâng công suất các nhà máy chế biến đồ gỗ Phú Quý, Phương Anh, Ba Đồn, Việt - Ý lên 5.000 m³/năm, hình thành cụm chế biến đồ gỗ xuất khẩu nhằm tăng lợi thế đầu tư;

Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến mủ cao su đã có và xây dựng mới một số điểm chế biến mủ cao su tiểu điền làm vệ tinh cho các nhà máy; tích cực tìm kiếm, liên doanh để chế biến các sản phẩm sau colophan;

Khôi phục và phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến các loại lâm sản, dược liệu: Mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, gỗ ván ép, chiết suất các loại tinh dầu tràm, chổi, dầu sả...;

Khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm từ: Mây, tre, lá nón, cói... khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở, các hộ sản xuất đầu tư thêm máy móc thiết bị, đào tạo nâng cao tay nghề để vươn lên sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu.

1.3. Công nghiệp cơ khí, điện tử

Đổi mới công nghệ thiết bị của các cơ sở sản xuất hiện có nhằm chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, thu hút một số dự án đóng mới các phương tiện vận tải sông, biển. Phát triển các cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ và vừa để đảm bảo sản xuất đủ công cụ phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Ưu tiên phát triển các cơ sở sửa chữa, bảo hành các loại phương tiện máy móc cơ khí, hàng điện tử, điện lạnh ở các trung tâm thành phố, huyện lỵ và các trung tâm, cụm, vùng hoặc tại các xã nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ của nhân dân trên địa bàn.

- Các dự án ưu tiên:

Đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động Dự án đóng mới và sửa chữa tàu thuyền VINASHIN Đồng Hới; khai thác và nâng cao hiệu quả Nhà máy sản xuất thanh nhôm (dây chuyền 1), đưa dây chuyền 2 vào hoạt động trong năm 2007; xây dựng phương án khai thác có hiệu quả Nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy VINASIAM; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ, mở rộng nâng cấp Nhà máy sửa chữa cơ khí ô tô và máy công trình;

Xúc tiến đầu tư Nhà máy đóng mới các loại tàu, xà lan sông biển; Nhà máy lắp ráp và sản xuất điện tử gia dụng, Nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ công nghiệp xi măng và sản xuất VLXD của tỉnh;

Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất và sửa chữa các sản phẩm cơ khí, điện tử phục vụ nông nghiệp nông thôn như: Máy động lực nhỏ, máy bơm nước, máy phục vụ cơ giới hóa khâu canh tác, thiết bị chế biến nông lâm thủy sản và dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị công trình, các cơ sở nhôm kính, rèn, đồ sắt xây dựng…tại các cụm điểm TTCN và những địa phương có nhu cầu.

1.4. Công nghiệp dệt may, da giày

Khai thác có hiệu quả công suất Nhà máy may xuất khẩu hiện có, đẩy nhanh tốc độ các dự án đang đầu tư, đồng thời xúc tiến đầu tư các dự án may nhằm hình thành cụm công nghiệp sản xuất may tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và các dự án giày da nhằm thu hút lao động địa phương.

- Các dự án ưu tiên:

Đầu tư nâng công suất Nhà máy may Hà Quảng lên công suất 5 triệu sản phẩm/năm;

Xúc tiến đầu tư các nhà máy may xuất khẩu; Nhà máy may Jacket xuất khẩu; Nhà máy Giày da xuất khẩu;

Khuyến khích phát triển các cơ sở may đo, giày da, dệt lưới…phục vụ nhu cầu tại chỗ trên các địa bàn.

1.5. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

Đẩy nhanh tốc độ các dự án khai thác và chế biến khoáng sản đang đầu tư xây dựng. Chú trọng công tác điều tra, thăm dò và phân tích khoáng sản để làm rõ quy mô hàm lượng, chất lượng để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý khai thác và kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.

- Các dự án ưu tiên:

Đẩy nhanh tiến độ khảo sát thăm dò và lập dự án khả thi khai thác Vàng Xà Khía; hình thành bộ máy quản lý và từng bước đầu tư vững chắc. Hoàn thành việc khảo sát, thăm dò để đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Mănggan; thúc đẩy Dự án khai thác và chế biến caolanh tinh của công ty KVK;

Xúc tiến đầu tư các dự án khai thác chế biến cát thủy tinh, chế biến cao lanh, chế biến vàng…;

Hỗ trợ phát triển các cơ sở khai thác và chế biến VLXD làm vệ tinh cho Nhà máy xi măng Sông Gianh, xi măng Áng Sơn và các nhà máy khác nhằm giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

1.6. Công nghiệp điện, nước

Triển khai thực hiện quy hoạch điện lực Quảng Bình đến 2010 đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt; khảo sát lập quy hoạch bậc thang thủy điện thượng nguồn sông Gianh và sông Long Đại; đồng thời tiến hành làm thủ tục bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực để làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư, tiến tới chuẩn bị đầu tư nhà máy nhiệt điện công suất lớn, 1 đến 2 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và một số dự án điện năng lượng mới trên địa bàn. Tiến hành cải tạo lưới điện trung và hạ áp ở 30 xã thuộc Dự án RE II. Triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng một số nhà máy cấp nước dân sinh và nước phục vụ sản xuất công nghiệp.

- Các dự án ưu tiên:

Hoàn thành và đưa vào khai thác Nhà máy thủy điện Hố Hô, công suất 13 MW;

Chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện La Trọng, Kim Hóa đồng thời tiếp tục quy hoạch các bậc thang thủy điện khác ở đầu nguồn sông Gianh, sông Long Đại… làm cơ sở kêu gọi đầu tư;

Xúc tiến để đưa vào quy hoạch, đồng thời kêu gọi đầu tư Nhà máy Nhiệt điện công suất lớn tại Khu kinh tế Hòn La, điện từ năng lượng gió; tiếp tục triển khai Dự án Điện mặt trời cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) và các dự án nhỏ sử dụng năng lượng mới nhằm cung cấp điện cho các thôn bản điện lưới không đến được;

Xây dựng mới Nhà máy nước Việt Trung, công suất 2.000m³/ng/đêm; Nhà máy nước Sông Thai cung cấp nước cho nông nghiệp, dân sinh và nước sản xuất cho Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La;

Mở rộng và khai thác có hiệu quả các Nhà máy nước Phú Vinh, Ba Đồn, Đồng Lê, Quy Đạt; chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng nhà máy nước Hoàn Lão và một số nhà máy nước phục vụ cho các khu công nghiệp, các dự án cung cấp nước sạch ở địa bàn nông thôn.

1.7. Công nghiệp hóa chất

Đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, khai thác tốt công suất các nhà máy hiện có, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống mà nhu cầu thị trường đang cần. Nghiên cứu sản xuất và kêu gọi đầu tư một số loại sản phẩm từ vật liệu mới.

- Các dự án ưu tiên:

Khai thác hết công suất và phát huy hiệu quả các nhà máy sản xuất phân vi sinh đã đầu tư;

Hoàn thiện và khai thác hết công suất dây chuyền sản xuất thuốc viên, chuẩn bị điều kiện để triển khai đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc ống theo tiêu chuẩn GMP (công suất khoảng 10 triệu sản phẩm/năm);

Đầu tư nâng công suất dây chuyền sản xuất các sản phẩm: Bột làm sạch môi trường nuôi tôm, đolomit, men biologia, phụ gia sơn (khoảng 6.000 tấn sản phẩm/năm);

Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy: Sản xuất muối i-ốt tại Roòn (Quảng Trạch); sản xuất composit; sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật, nhựa dân dụng và công nghiệp; đồ trang sức và trang trí nội thất và các loại vật liệu mới...

Hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất các sản phẩm hóa chất như: Men vệ sinh, nước tẩy rửa và các sản phẩm mới khác phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh.

2. Phát triển khu, cụm điểm CN - TTCN

2.1. Khu công nghiệp

- Tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới; tiếp tục đầu tư đồng bộ Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La để thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ sở hình thành Khu kinh tế Hòn La trong thời gian tới.

- Triển khai Quy hoạch chi tiết, phân giai đoạn đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới.

- Quy hoạch chi tiết, cắm mốc chỉ giới các khu công nghiệp: Tiến Hóa (Tuyên Hóa), Áng Sơn (Quảng Ninh) và KCN Bang (Lệ Thủy).

2.2. Cụm điểm TTCN

Các huyện, thành phố, tổ chức đầu tư xây dựng các cụm điểm TTCN theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 3277/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 12 tháng 01 năm 2004. Cụ thể như sau:

- Thành phố Đồng Hới: Xây dựng 3 cụm, quy mô khoảng 39 ha. Theo thứ tự ưu tiên: Cụm Thuận Đức, Đức Ninh Đông, Bắc Nghĩa và Bảo Ninh.

- Huyện Quảng Trạch: Tổ chức quản lý có hiệu quả cụm Cảnh Dương. Đầu tư hình thành thêm 3 cụm với diện tích mặt bằng là 30 ha. Theo thứ tự ưu tiên: Cụm Quảng Thọ; Quảng Hòa; Quảng Phú.

- Huyện Bố Trạch: Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng cụm Đức Trạch. Đầu tư xây dựng thêm 2 cụm với quy mô 30 ha. Theo thứ tự ưu tiên: Cụm Phú Định và cụm Troóc.

- Huyện Quảng Ninh: Đầu tư xây dựng 2 cụm với diện tích mặt bằng 15 ha. Theo thứ tự ưu tiên: Cụm Trung tâm thị trấn Quán Hàu và cụm Áng Sơn.

- Huyện Lệ Thủy: Đầu tư xây dựng 2 cụm với diện tích mặt bằng 20 ha. Theo thứ tự ưu tiên: Cụm Cam Liên và cụm Bang - Ngã tư Thạch Bàn.

- Huyện Tuyên Hóa: Đầu tư xây dựng 1 cụm tại tiểu khu Lưu Thuận (TT Đồng Lê), quy mô 10 ha.

- Huyện Minh Hóa: Đầu tư xây dựng 1 cụm tại trung tâm thị trấn Quy Đạt với quy mô 10 ha.

3. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư

Dự ước tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình: 7.192,765 tỷ đồng

- Xây dựng CSHT khu, cụm, điểm, làng nghề: 442,000 tỷ đồng

- Triển khai thực hiện các dự án công nghiệp:  6.684,000 tỷ đồng

- Triển khai thực hiện các dự án TTCN; đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ công nhận làng nghề: 66,765 tỷ đồng

Trong đó: Vốn ngân sách hỗ trợ triển khai thực hiện: 461,815 tỷ đồng

- Xây dựng CSHT khu, cụm điểm, làng nghề: 442,000 tỷ đồng

- Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất Công nghiệp:  12,000 tỷ đồng

- Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất TTCN và NNNT: 4,420 tỷ đồng

- Kinh phí đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý: 3,000 tỷ đồng

- Hỗ trợ đăng ký thương hiệu các sản phẩm TTCN:  0,240 tỷ đồng

- Hỗ trợ các làng nghề được công nhận đạt tiêu chí: 0,155 tỷ đồng

(chi tiết tại Phụ lục 5, 6, 7, 8, 9, 10 kèm theo)

III. Các giải pháp thực hiện

Để đạt mục tiêu của Chương trình Phát triển CN - TTCN và NNNT giai đoạn 2006 - 2010, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Giải pháp về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và của từng địa phương, Quy hoạch phát triển CN - TTCN, Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, Quy hoạch phát triển các cụm điểm TTCN và NNNT đã phê duyệt, tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế; triển khai cắm mốc Quy hoạch các khu cụm điểm CN - TTCN, tổ chức tuyên truyền, công bố rộng rãi để quần chúng nhân dân, các cơ sở sản xuất biết và thực hiện.

- Đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh các nguồn lực của tỉnh làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Triển khai lập và bổ sung quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu như: Vùng nguyên liệu sắn, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng dâu nuôi tằm; phân vùng khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới các loại song mây, giang, tre nứa, lồ ô, lá nón, cây lấy gỗ, các loại cây dược liệu... để chủ động cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất và chế biến công nghiệp.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khai thác có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tính chiến lược của tỉnh như: Khu cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới, đường tránh Đồng Hới, các khu công nghiệp, khu cụm điểm TTCN, làng nghề... để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

2. Giải pháp về xúc tiến đầu tư

Lấy năm 2007 là năm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tập trung vào các nội dung:

- Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất CN - TTCN, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, ngắn hạn để mọi người dân, các cơ sở sản xuất biết và tham gia thực hiện.

- Đổi mới các hình thức xúc tiến kêu gọi đầu tư, lựa chọn hình thức phù hợp và có trọng tâm nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư trực tiếp, liên kết liên doanh, hợp tác đầu tư khai thác các tiềm năng của tỉnh, tạo ra những đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp.

- Huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong dân, trong các thành phần kinh tế, trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng các hình thức đầu tư: Xây dựng kinh doanh (BO), xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT); chú trọng nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn tín dụng, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA)...

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa và công khai các thủ tục hành chính, phân công, phân cấp, phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm từng bước cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, thu hút mạnh các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất.

3. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm

- Tiếp tục củng cố các thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống, xúc tiến thương mại, du lịch tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất CN - TTCN được tiếp cận, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được mở các quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại các điểm tham quan, khu du lịch, các trung tâm thương mại dịch vụ của thành phố, thị trấn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000...). Nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại sản phẩm, chuẩn bị tốt các điều kiện khi Việt Nam gia nhập AFTA, WTO.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất CN - TTCN liên kết, liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt sự liên kết "Bốn nhà" giữa Nhà nước, nhà khoa học, người nuôi trồng nguyên liệu với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo xây dựng hình thành các doanh nghiệp đầu mối chuyên lo cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất CN -TTCN, nhất là các ngành nghề có lực lượng lao động tham gia nhiều như mây tre xuất khẩu, nón lá, thêu ren...

4. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực

- Tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho cán bộ, đội ngũ công nhân kỹ thuật các doanh nghiệp với nhiều hình thức: Đào tạo tập trung tại các trường đào tạo của Trung ương, Trường công nhân kỹ thuật, Trường dạy nghề của tỉnh, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề... kèm cặp truyền nghề, dạy nghề tại cơ sở sản xuất để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức đào tạo nghề trực tiếp theo nhu cầu nhất là những dự án thu hút nhiều lao động. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và các nghệ nhân tham gia phổ cập kiến thức, đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động. Hàng năm tổ chức các cuộc hội thi tay nghề, thi thợ giỏi về sản xuất các mặt hàng công nghiệp - TTCN, hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc... để công nhận danh hiệu nghệ nhân, "Bàn tay vàng" nhằm khuyến khích lao động kỹ thuật địa phương.

- Có kế hoạch đào tạo, hỗ trợ cán bộ trẻ, có năng lực được đi đào tạo ở các nước phát triển; tổ chức các đoàn công tác cho cán bộ quản lý, kỹ thuật ra nước ngoài để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật các thông tin về thị trường, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

5. Giải pháp về khoa học công nghệ và công tác khuyến công

- Khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất CN - TTCN đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến hiện đại với kinh nghiệm truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và tăng sức cạnh tranh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm và dịch vụ.

- Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công như: Tổ chức tập huấn, đào tạo, du nhập nghề mới, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất về lập dự án đầu tư, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm... Thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, xây dựng các mô hình trình diễn, đúc rút các kinh nghiệm về phát triển sản xuất và quản lý tiên tiến, đồng thời tổ chức công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo điều kiện cho các chủ cơ sở sản xuất và người lao động tiếp cận, nắm bắt thông tin về đầu tư phát triển sản xuất.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển TTCN và NNNT phù hợp với các loại hình sản xuất, quy trình và thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả.

6. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 41/NQ-TW, Chỉ thị số 36/CT-TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước".

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Tiến hành đánh giá hiện trạng môi trường, kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm chính trong các khu công nghiệp, cụm điểm TTCN, làng nghề và các cơ sở sản xuất hiện có. Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án đầu tư mới. Định kỳ và thường xuyên kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; có kế hoạch cụ thể để di dời các nhà máy, cơ sở đã gây ô nhiễm nặng trong các khu dân cư và vùng nhạy cảm.

- Mở rộng mô hình doanh nghiệp dân doanh và tổ chức cộng đồng cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải cho các khu dân cư, xử lý môi trường các khu công nghiệp, cụm điểm TTCN và làng nghề.

7. Các giải pháp về tổ chức, quản lý

- Hoàn thành Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao năng lực doanh nghiệp Nhà nước địa phương đã được Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã... tạo điều kiện cho nhiều loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, trang trại...) ra đời và hoạt động kinh doanh theo định hướng phát triển của tỉnh và các địa phương, phù hợp với lợi ích của từng doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cùng có lợi;

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất CN - TTCN và NNNT. Các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố Đồng Hới, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, Ban ngành ở Trung ương trong việc định hướng quy hoạch, hỗ trợ các nguồn vốn, chương trình dự án, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, đào tạo nhân lực... cho các cơ sở sản xuất;

- Củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp - TTCN và NNNT ở cấp tỉnh và các huyện, thành phố cả về số lượng và chất lượng để đủ sức quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả. Đề cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các xã, phường, thị trấn đối với các cơ sở, doanh nghiệp. Mỗi xã, phường, thị trấn cần phải phân công 1 cán bộ chuyên trách trực tiếp phụ trách công tác phát triển CN - TTCN và NNNT theo hình thức hợp đồng, hưởng lương từ nguồn kinh phí khuyến công;

- Tổ chức thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất CN - TTCN và NNNT, các hội ngành nghề và các hình thức hiệp hội phù hợp ở tỉnh và các địa phương; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, suy tôn các doanh nghiệp, nghệ nhân, cá nhân có nhiều thành tích.

8. Các giải pháp về chính sách

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CN - TTCN và NNNT giai đoạn 2006 - 2010 với các nội dung chủ yếu:

- Bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích phát triển công nghiệp - TTCN và NNNT trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2010, Quyết định số 44/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế với thủ tục thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với yêu cầu đổi mới;

- Quy chế quản lý cụm điểm TTCN trên địa bàn của tỉnh và chính sách khuyến khích đầu tư vào các cụm điểm TTCN và khu làng nghề;

- Quy định tiêu chí công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, nghệ nhân và các chính sách kèm theo;

- Xây dựng và bổ sung một số chính sách về phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất CN - TTCN và NNNT;

Về nguồn vốn khuyến công: Hàng năm trích từ nguồn ngân sách 0,5% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh, huyện và thành phố Đồng Hới (theo cơ chế, chính sách đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt) để hình thành nguồn vốn khuyến công tỉnh, khuyến công huyện, thành phố.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình Phát triển CN - TTCN và NNNT, giai đoạn 2006 - 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm cho các ngành và địa phương như sau:

1. Giao cho Sở Công nghiệp là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện Chương trình, Sở Công nghiệp có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển CN - TTCN và NNNT trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định hiện hành của Nhà nước;

- Phối hợp với các ngành chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Phát triển TTCN và NNNT giai đoạn 2006 - 2010 của từng địa phương; đồng thời theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện chương trình ở các huyện, thành phố;

- Định kỳ hàng năm và 5 năm tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công nghiệp và các ngành liên quan:

- Rà soát lại Quyết định số 44/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh để bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; đồng thời tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện quy định trên địa bàn;

- Xây dựng cơ chế đầu tư xây dựng các khu, cụm điểm công nghiệp - TTCN trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Hàng năm cân đối bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu kinh tế, khu cụm điểm CN - TTCN và làng nghề theo quy hoạch đã phê duyệt.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công nghiệp cân đối ngân sách hàng năm bố trí nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho các địa phương và cơ sở sản xuất triển khai thực hiện Chương trình; hướng dẫn quản lý tài chính, thanh quyết toán các nguồn vốn, công trình XDCB.

4. Ban quản lý các khu công nghiệp, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư và giới thiệu, kêu gọi thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vào địa bàn tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thủy sản phối hợp với Sở Công nghiệp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức xây dựng và thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển nuôi trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản và những nội dung khác có liên quan để phục vụ phát triển sản xuất CN - TTCN và NNNT, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức giải quyết nhanh các thủ tục về cấp đất, cấp mỏ, đánh giá tác động môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất CN - TTCN; đồng thời kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm về bảo vệ môi trường theo Luật định.

7. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các cơ sở sản xuất CN - TTCN chính sách của Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa...

8. Sở Thương mại và Du lịch cập nhật, cung cấp các thông tin về thị trường, giá cả; quảng bá giới thiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất CN - TTCN trên địa bàn.

9. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất CN - TTCN trong việc cung cấp và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng để thực hiện Chương trình.

10. Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh các HTX theo chức năng nghiên cứu đề xuất tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến công ở các cấp, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề cho người lao động; vận động các thành viên tham gia hưởng ứng đầu tư phát triển sản xuất CN - TTCN.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Chương trình Phát triển CN - TTCN và NNNT của tỉnh, giai đoạn 2006 - 2010 để xây dựng Chương trình Phát triển TTCN và NNNT của địa phương mình; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả triển khai và thực hiện Chương trình Phát triển TTCN và NNNT trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp và các ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công nghiệp để tổng hợp báo cáo).

12. Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng của mình phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, giúp đỡ các cơ sở sản xuất CN - TTCN và NNNT triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả./.


PHỤ LỤC 1

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2001 - 2005, KẾ HOẠCH 2006 - 2010

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Thực hiện

Tốc độ tăng BQ 5 năm (%)

Kế hoạch

Tốc độ tăng BQ 5 năm

(%)

2000

2001

2005

2006

2007

2008

2009

2010

A

Giá trị SXCN (CĐ 1994)

Tỷ.đ

698

785

1.580

17,7

2.141

2.550

3.000

3.450

4.000

20,4

1

CN Quốc doanh

Tỷ.đ

499

556

963

14,1

1.363

1.623

1.909

2.195

2.380

19,8

1.1

Quốc doanh TW

Tỷ.đ

153

154

703

35,7

1.160

1.382

1.625

1.868

1.930

22,4

1.2

Quốc doanh Địa phương

Tỷ.đ

346

402

260

-5,6

233

241

284

327

450

11,6

2

CN có vốn đầu tư NN

Tỷ.đ

-

-

98

-

130

198

230

249

420

33,8

3

CN ngoài Quốc doanh

Tỷ.đ

199

229

518

21,1

648

729

861

1.006

1.200

18,3

3.1

DN NN CP hóa chuyển sang

Tỷ.đ

0

0

108

-

132

162

199

234

300

22,7

 

* Thành phố Đồng Hới

Tỷ.đ

0

0

76

-

-

-

-

-

-

 

 

* Huyện Lệ Thủy

Tỷ.đ

0

0

32

-

-

-

-

-

-

 

3.2

Giá trị TTCN và NNNT

Tỷ.đ

199

229

410

15,6

486

567

662

772

900

17,0

B

Giá trị TTCN và NNNT phân theo huyện, thành phố

Tỷ.đ

199

229

410

15,6

486

567

662

772

900

17,0

1

Thành phố Đồng Hới

Tỷ.đ

65

72

127,2

14,4

148

173

201

235

275

16,7

2

Huyện Minh Hóa

Tỷ.đ

4,1

4,7

7,1

11,6

9

10

12

14

16

17,6

3

Huyện Tuyên Hóa

Tỷ.đ

9,4

12,5

20,4

16,8

24

28

32

38

45

17,1

4

Huyện Quảng Trạch

Tỷ.đ

62,2

68,5

116,5

13,4

141

165

193

226

255

17,0

5

 Huyện Bố Trạch

Tỷ.đ

31,2

38,6

78,5

20,3

92

107

125

145

173

17,1

6

Huyện Quảng Ninh

Tỷ.đ

8,5

10,5

23,5

22,6

28

32

38

44

52

17,2

7

Huyện Lệ Thủy

Tỷ.đ

18,6

22,2

36,8

14,6

45

52

61

72

84

17,9

* Ghi chú: Trong KH 2006 - 2010 giá trị SXCN khu vực quốc doanh bao gồm cả các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa.

 

PHỤ LỤC 2

SẢN PHẨM CHỦ YẾU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2001 - 2005 VÀ KẾ HOẠCH 2006 - 2010

TT

Tên sản phẩm

Đơn vị tính

Thực hiện

So sánh 2005/00 (lần)

Kế hoạch

So sánh 2010/05 (lần)

2000

2001

2005

2006

2007

2008

2009

2010

1

Quặng Titan, mangan

1.000 tấn

-

-

1,2

-

-

12

13

14

15

12,50

2

Đá hộc

1.000 m3

332

359

787

2,37

800

1.300

950

1.000

1.100

1,40

3

Cát, sỏi, sạn

1.000 m3

600

908

1.444

2,41

1.500

1.600

1.550

1.600

1.700

1,18

4

Cao lanh tinh

Tấn

2.696

2.500

1.282

0,48

10.000

17.000

65.000

80.000

100.000

78,00

5

Thủy sản đông lạnh

Tấn

867

320

191

0,22

1.700

1.500

1.900

2.000

2.100

10,99

6

Nước mắm

1.000 lít

1.109

947

1.770

1,60

1.800

1.900

2.100

2.300

2.500

1,41

7

Gạo, ngô xay xát

1.000 tấn

124

112

216

1,74

250

262

210

215

220

1,02

8

Bia các loại

1.000 lít

1.374

1.908

2.873

2,09

7.000

13.000

17.000

19.000

20.000

6,96

9

Nước khoáng

1.000 lít

1.898

2.678

8.539

4,50

8.500

9.500

9.000

13.000

15.000

1,76

10

May quần áo

1.000 cái

1.037

1.063

2.188

2,11

3.000

3.680

4.000

4.500

5.000

2,29

11

Chế biến gỗ

1.000 m3

18

16

38,1

2,12

40

40

25

23

20

0,52

12

Trang in

Triệu trang

500

517

909

1,82

800

1.900

900

950

1.000

1,10

13

Phân lân

1.000 tấn

68,9

48,7

71,2

1,03

80

85

77

79

80

1,12

14

Thuốc ống

Triệu ống

8,9

9,7

-

-

8

8,5

9

9,5

10

-

15

Thuốc viên

Triệu viên

245,9

330,2

390

1,59

430

450

370

380

390

1,00

16

Thanh nhôm định hình

Tấn

2.105

2.413

2.655

1,26

3.400

2.600

5.000

6.000

6.200

2,34

17

Gạch men

1.000 m2

886

909

939

1,06

1.050

1.100

1.100

1.100

1.100

1,17

18

Sứ dân dụng

1.000 cái

1.279

1.232

 

0,00

1.300

1.350

1.400

1.400

1.500

-

19

Gạch nung các loại

Triệu viên

77,1

83,7

169,8

2,20

160

180

180

190

200

1,18

20

Xi măng

1.000 tấn

162

176

521

3,22

1.100

1.280

1.600

1.700

1.800

3,45

21

Vôi nung

Tấn

821

1.471

3.145

3,83

2.300

2.400

2.500

2.600

2.700

0,86

22

Đóng mới tàu thuyền

Chiếc

103

67

211

2,05

300

300

150

200

250

1,18

23

Lắp ráp xe máy

Chiếc

-

-

20.443

-

30.000

20.000

33.100

33.150

33.200

1,62

24

Nước máy

1000 m3

1.350

1.610

2.508

1,86

2.700

3.000

2.900

3.200

3.500

1,40

25

Chế biến cát

1000 m3

-

-

-

-

-

-

-

-

10

-

26

Súc sản đông

1000 tấn

-

-

-

-

-

-

1

3

4

-

27

Dăm giấy

1000 tấn

-

-

-

-

 

10

50

90

100

-

28

Mây, tre đan

1000 SP

-

-

-

-

50

70

90

120

150

-

29

Sản lượng điện tiêu thụ

Triệu Kwh

120,72

-

202

1,67

235

235

233

236

239,68

1,19

 

PHỤ LỤC 3

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Thực hiện

Tăng hàng năm (cơ sở)

Kế hoạch

Tăng hàng năm (cơ sở)

2000

2001

2005

2006

2007

2008

2009

2010

A

Cơ sở sản xuất CN

Cơ sở

17.540

16.291

16.675

-172

16.794

16.914

17.030

17.153

17.269

119

I

Cơ sở quốc doanh

Cơ sở

16

16

14

0

14

14

14

14

14

0

1

Quốc doanh TW

Cơ sở

5

9

6

0

6

5

5

5

4

0

2

Quốc doanh địa phương

Cơ sở

11

7

5

-1

5

4

4

4

4

0

3

Công ty cổ phần NN

Cơ sở

0

0

3

1

3

5

5

5

6

1

II

Cơ sở có vốn đầu tư NNg

Cơ sở

0

1

1

0

2

2

2

3

3

0

III

Cơ sở NQD

Cơ sở

17.524

16.274

16.660

-173

16.778

16.898

17.014

17.136

17.252

118

1

Cty TNHH, CP, tư nhân

Cơ sở

10

71

83

15

90

95

110

150

170

17

2

Hợp tác xã

Cơ sở

16

20

23

1

24

25

27

30

32

2

3

Cá thể

Cơ sở

17.498

16.183

16.554

-189

16.664

16.778

16.877

16.956

17.050

99

B

Cơ sở CN NQD chia theo huyện, thành phố

Cơ sở

17.524

16.274

16.660

-173

16.778

16.898

17.014

17.136

17.252

118

2.1

Đồng Hới

Cơ sở

1.327

1.449

1.541

43

1.566

1.591

1.616

1.641

1.666

25

2.2

Minh Hóa

Cơ sở

479

355

368

-22

373

378

383

388

393

5

2.3

Tuyên Hóa

Cơ sở

727

669

677

-10

687

697

707

717

727

10

2.4

Quảng Trạch

Cơ sở

7.685

6.862

6.982

-141

7.010

7.038

7.066

7.094

7.122

28

2.5

Bố Trạch

Cơ sở

3.131

3.601

3.716

117

3.733

3.750

3.767

3.784

3.801

17

2.6

Quảng Ninh

Cơ sở

1.248

1.065

1.040

- 42

1.054

1.068

1.082

1.096

1.110

14

2.7

Lệ Thủy

Cơ sở

2.917

2.273

2.336

-116

2.355

2.374

2.393

2.412

2.431

19

* Ghi chú: Số cơ sở SXCN ngoài quốc doanh năm 2005 không tính 115 HTX dịch vụ điện (vì loại hình HTX này từ năm 2005 được xếp vào ngành Dịch vụ - Thương mại).

PHỤ LỤC 4

LAO ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2001 - 2005 VÀ KẾ HOẠCH 2006 - 2010

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Thực hiện

Tăng hàng năm (người)

Kế hoạch

Tăng hàng năm (người)

2000

2001

2005

2006

2007

2008

2009

2010

A

Lao động sản xuất CN

Người

38.227

39.031

43.129

980

44.831

46.331

47.831

49.331

50.831

1.500

I

 Nhà nước

Người

5.699

6.124

7.203

301

7.633

8.063

8.493

8.923

9.353

430

1

Nhà nước TW

Người

2.189

2.321

4.531

468

4.861

5.191

5.521

5.851

6.181

330

2

Nhà nước địa phương

Người

3.510

3.803

2.076

-287

2.116

2.156

2.196

2.236

2.276

40

3

Công ty cổ phần NN

Người

0

0

596

119

656

716

776

836

896

60

II

Khu vực có vốn đầu tư NNg

Người

0

0

202

40

272

342

412

482

552

70

III

Ngoài quốc doanh

Người

32.528

32.907

35.724

639

36.926

37.926

38.926

39.926

40.926

1.000

1

Cty TNHH, cổ phần, tư nhân

Người

229

327

3.131

580

3.751

4.371

4.991

5.611

6.231

620

2

Hợp tác xã

Người

489

509

503

3

785

865

945

1.025

1.105

80

3

Cá thể

Người

31.810

32.071

32.090

56

32.390

32.690

32.990

33.290

33.590

300

B

Lao động CN NQD chia theo các huyện, thành phố

Người

32.528

32.907

35.724

639

36.724

37.724

38.724

39.724

40.724

1.000

2.1

Đồng Hới

Người

3.392

3.723

5.114

344

5.434

5.754

6.074

6.394

6.714

320

2.2

Minh Hóa

Người

782

867

714

-14

764

814

864

914

964

50

2.3

Tuyên Hóa

Người

1.299

1.222

1.709

82

1.779

1.849

1.919

1.989

2.059

70

2.4

Quảng Trạch

Người

16.472

14.497

15.013

-292

15.273

15.533

15.793

16.053

16.313

260

2.5

Bố Trạch

Người

4.421

5.276

6.902

496

7.022

7.142

7.262

7.382

7.502

120

2.6

Quảng Ninh

Người

1.533

1.746

1.595

12

1.675

1.755

1.835

1.915

1.995

80

2.7

Lệ Thủy

Người

4.629

5.576

4.677

10

4.777

4.877

4.977

5.077

5.177

100

* Ghi chú: Số lao động SXCN ngoài quốc doanh năm 2005 không tính 801 lao động của 115 HTX dịch vụ điện.

 

PHỤ LỤC 5

DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

(Khu vực Công nghiệp)

TT

Tên dự án

(phân theo huyện, thành phố)

Địa điểm xây dựng

Chủ đầu tư

Mặt hàng và công suất

Vốn đầu tư (Tỷ đồng)

Thời gian thực hiện

Tổng số

TĐ: Vốn ngân sách

I

CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG

4.010

 

 

1

Đầu tư dây chuyền xi măng lò quay tại NM xi măng Áng Sơn

Áng Sơn, Quảng Ninh

Công ty COSEVCO

4 vạn tấn xi măng/năm

500

0

2006 - 2008

2

Dự án đầu tư Nhà máy xi măng Sông Gianh giai đoạn 2 hoặc XM Thanh Hà

Tuyên Hóa, Bố Trạch

Công ty XM Sông Gianh hoặc các DN khác

3,7 triệu tấn/năm

3.000

0

2007 - 2010

3

Đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ 2 Nhà máy xi măng Áng Sơn, Thanh Trường

Áng Sơn, Quảng Ninh; Quảng Trường, Quảng Trạch

Công ty COSEVCO

2 vạn tấn/ năm/nhà máy

300

0

2007 - 2009

4

Di chuyển NM xi măng số 1 và nâng công suất lên 10 vạn tấn

KCN Bắc Đồng Hới

Công ty xi măng số I

20 vạn tấn/năm

150

0

2007 - 2009

5

Nâng công suất các nhà máy gạch tuynel Đồng Lê (Tuyên Hóa), Phú Thủy (Lệ Thủy), Thọ Lộc (Bố Trạch)

Tuyên Hóa; Lệ Thủy; Bố Trạch

Các doanh nghiệp

30 triệu viên/nhà máy

60

0

2007 - 2008

II

CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG LÂM THỦY SẢN

284

 

 

1

Đầu tư NM chế biến thủy sản ăn liền Thanh Trạch

Thanh Trạch, Bố Trạch

Công ty TNHH Đại Thủy

GĐ1: 300 tấn sản phẩm/năm

21

0

2008 - 2010

2

Nâng công suất các Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Bình lên 30 triệu lít

Đồng Hới

Công ty Cổ phần Bia Hà Nội Quảng Bình

30 triệu lít bia chai/năm

100

0

2008 - 2010

3

Di chuyển Nhà máy nước khoáng Bang đến KCN Bang

KCN Bang, ngã tư Thạch Bàn

Công ty XDTH Trường Thịnh

20 triệu lít/năm

30

0

2007 - 2008

4

Xây dựng Nhà máy chế biến súc sản xuất khẩu Lệ Ninh

Lệ Thủy

Công ty Lệ Ninh liên doanh Công ty VISSAN

6.000 tấn SP/năm

45

0

2009 - 2010

5

Nhà máy sản xuất bột giấy

Lệ Thủy

Các doanh nghiệp

5.000 tấn sản phẩm/năm

23

0

2007 - 2008

6

Đầu tư chiều sâu, nâng công suất các Nhà máy chế biến gỗ Phú Quý, Phương Anh, Ba Đồn, Việt - Ý

KCN Tây Bắc Đồng Hới;

Ba Đồn, Quảng Trạch

Công ty gỗ Phú Quý, Công ty Trường Thịnh, XN gỗ Ba Đồn, Công ty Long Đại

5.000 m3/năm/nm

60

0

2008 - 2010

7

Dự án Nhà máy chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản Đồng Hới

Đồng Hới

Kêu gọi đầu tư

5.000 tấn sản phẩm/năm

5

0

2007 - 2010

III

CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ ĐIỆN TỬ

320

0

 

1

Nhà máy đóng và sửa chữa tàu thuyền, xà lan

Đồng Hới

VINASHIN Quảng Bình

Đóng mới, S/c tàu đến 3000

50

0

2008 - 2010

Quảng Trạch

VINASHIN Quảng Bình

Đóng mới, S/c tàu đến 100,000 DWT

200

 

 

2

Nhà máy sản xuất và lắp ráp đồ điện gia dụng

KCN Tây Bắc Đồng Hới

Kêu gọi đầu tư

500.000 sản phẩm/năm

70

0

2008 - 2010

IV

CÔNG NGHIỆP DỆT MAY DA GIÀY

80

0

 

1

Đầu tư giai đoạn 2, 3 Nhà máy may Hà Quảng

KCN Tây Bắc Đồng Hới

Công ty May 10

5 triệu SP/năm

50

0

2007 - 2008

2

Nhà máy giày da xuất khẩu

KCN Tây Bắc Đồng Hới

Kêu gọi đầu tư

1 triệu đôi/năm

15

0

2006 - 2010

3

Nhà máy may áo Jacket xuất khẩu

KCN Tây Bắc Đồng Hới

Kêu gọi đầu tư

0,5 triệu chiếc/năm

15

0

2006 - 2010

V

CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN

320

 

 

1

Nhà máy chế biến cao lanh

KCN Tây Bắc Đồng Hới

Kêu gọi đầu tư

100.000 tấn/năm

200

0

2007 - 2010

2

Nhà máy chế biến khoáng sản Mănggan

KCN Hòn La

Kêu gọi đầu tư

10.000 tấn/năm

20

0

2006 - 2010

3

Nhà máy chế biến các sản phẩm từ cát thủy tinh

KCN Hòn La

Kêu gọi đầu tư

1 triệu tấn SP/năm

100

0

2007 - 2010

VI

CÔNG NGHIỆP ĐIỆN NƯỚC

620

0

 

1

Đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Hố Hô

Tuyên Hóa

Tổng công ty Điện lực VN

13 MW

150

0

2007 - 2010

2

Đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện La Trọng

Minh Hóa

CT TNHH Trường Thịnh

20 MW

320

0

2007 - 2010

3

Đầu tư xây dựng Nhà máy nước Việt Trung

TT Nông trường Việt Trung

Công ty TNNH cấp thoát nước Quảng Bình

2.000 m³/ng/đêm

50

0

2007 - 2008

4

NM chế biến Vàng Xà Khía

Lệ Thủy

Liên doanh nước ngoài

150 Kg/năm

100

0

2007 - 2010

VII

CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT

50

0

 

1

Đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc tân dược

Đồng Hới

CTCP Dược phẩm Quảng Bình

10 triệu sản phẩm/năm

10

0

2006 - 2008

2

Đầu tư dây chuyền sản xuất muối i-ốt tại Roòn

Quảng Phú, Quảng Trạch

CTCP Dược phẩm Quảng Bình

6000 tấn/năm

10

0

2007 - 2008

3

Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Composit

KCN Hòn La

Kêu gọi đầu tư

50.000 tấn SP/năm

30

0

2007 - 2010

VIII

Các dự án khác

Các huyện, thành phố

Các doanh nghiệp

 

1.000

 

 

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

6.684

 

 

 

PHỤ LỤC 6

DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

(Khu vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn)

TT

Tên dự án

(phân theo huyện, thành phố)

Địa điểm xây dựng

Chủ đầu tư

Mặt hàng và công suất

Dự kiến thu hút lao động

Vốn đầu tư (Triệu đồng)

Thời gian thực hiện

Tổng số

TĐ: Vốn KC hỗ trợ

 

 

 

 

 

6.060

63.200

4.420

 

I

TP Đồng Hới

620

15.200

600

 

1

Xây dựng cơ sở SX nước nắm Bảo Ninh

Xã Bảo Ninh

Làng nghề nước nắm

300.000 lít/năm

100

650

50

2006 - 2007

2

Cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu

Xã Quang Phú

Ông: Hoàng Quang

100 tấn SP/năm

70

2.000

50

2006 - 2007

3

Cơ sở thêu ren xuất khẩu

Phường Hải Đình

Hội Phụ nữ TP Đồng Hới

250 bộ SP/năm

100

550

100

2006 - 2007

4

Cơ sở gạch Blốc chống rêu

Phường Bắc Nghĩa

Công ty TNHH Hoàng Gia

200.000 m2/năm

70

5.000

100

2006 - 2007

5

Mở rộng cơ sở mỹ nghệ gốc cây

Xã Đức Ninh

DNTN Quảng Hà

50 bộ SP/năm

30

500

50

2006 - 2007

6

Đầu tư mới cơ sở sứ dân dụng

Phường Bắc Lý

DNTN sứ Đức Huấn

1,5 triệu SP/năm

100

2.000

100

2007 - 2008

7

Cơ sở sản xuất sứ mỹ nghệ XK

Xã Thuận Đức

DNTN Minh Dương

300.000 SP/năm

150

4.500

150

2008 - 2010

II

Huyện Lệ Thủy

920

4500

300

 

1

Cơ sở SX nón lá làng nghề Quy Hậu

Xã Liên Thủy

Làng nghề nón lá

500.000 SP/năm

700

350

50

2006 - 2007

2

Mở rộng cơ sở chế biến thực phẩm đồ hộp

TT Kiến Giang

Cơ sở CB Hương Giang

50 tấn SP/năm

20

750

70

2006 - 2007

3

Cơ sở SX chiếu cói

Xã Lộc Thủy

Làng nghề nón An Xá

50.000 chiếc/năm

50

500

50

2007 - 2008

4

Cơ sở SX sản phẩm gỗ dán

TT Kiến Giang

Cty TNHH Thanh Vân

3.000 SP/năm

100

2.500

80

2008 - 2009

5

Mở rộng HTX làng nghề Rượu Tuy Lộc

Xã Lộc Thủy

HTX rượu làng nghề

50.000 lít/năm

50

400

50

2009 - 2010

III

Huyện Quảng Ninh

590

7000

330

 

1

DN đầu mối mây tre XK

Xã Vĩnh Ninh

Cty TNHH Vĩnh An

200.000 SP/năm

300

750

150

2006-2007

2

Mở rộng HTX đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp

Xã Vạn Ninh

HTX mộc mỹ nghệ Tân Tiến

2.500 SP/năm

100

900

80

2008-2010

3

Cơ sở rượu làng nghề Võ Xá

Xã Võ Xá

Tổ rượu Võ Xá

50.000 lít/năm

70

350

50

2006-2007

4

Cơ sở sản xuất gạch Tuynel

Vĩnh Ninh Duy Ninh

Các công ty, DNTN

10 triệu viên/năm

120

5.000

50

2007-2008

IV

Huyện Bố Trạch

470

16.550

420

 

1

Mở rộng cơ sở SX nước mắm Quy Đức

Xã Đồng Trạch

HTX đánh cá Thượng Đức

200.000 lít/năm

100

800

60

2006-2007

2

Cơ sở SX sản phẩm gỗ mỹ nghệ

Xã Sơn Trạch

Cty TNHH Tràng An

2.000 SP/năm

70

1.600

100

2009-2010

3

HTX rượu làng nghề Vạn Lộc

Xã Vạn Trạch

Tổ rượu Vạn Lộc

50.000 lít/năm

50

350

50

2008 - 2009

4

Cơ sở chế biến hải sản

Xã Thanh Trạch

Bà: Võ Thị Mận

100 tấn SP/năm

70

1.000

50

2006 - 2007

5

Cơ sở chế biến cao su tiểu điền

Xã Tây Trạch

Công ty TNHH TMXD Lân Thành

630 tấn SP/năm

30

2.800

80

2007 - 2008

6

Cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu

Xã Thanh Trạch

Công ty TNHH Đại Thủy

1.000 tấn SP/năm

150

10.000

80

2006 - 2007

V

Huyện Quảng Trạch

1.030

5.350

420

 

1

Cơ sở chế biến thủy - hải sản

Xã Cảnh Dương

DNTN Thắng Lợi

150 tấn SP/năm

100

2.500

80

2006 - 2007

2

Cơ sở nón lá làng nghề Quảng Thuận

Xã Quảng Thuận

Trần Văn Định

1 triệu chiếc/năm

600

350

50

2006 - 2007

3

Cơ sở CB bánh mè xát Tân An

Xã Quảng Thanh

Nguyễn Tiến Thược

 1 triệu bó/năm

50

450

50

2007 - 2009

4

Cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ

Xã Quảng Minh (Quảng Hòa)

Hoàng Minh Thảo

150 SP/năm

50

850

70

2008 - 2009

5

DN đầu mối mây tre XK

Xã Quảng Phương

HTX Quảng Phương

150.000 SP/năm

200

500

100

2007 - 2008

6

Cơ sở sản xuất nước đóng chai

TT Ba Đồn

Ông: Nguyễn Văn Ân

100.000 lít/năm

30

700

70

2007 - 2008

VI

Huyện Tuyên Hóa

400

1.800

270

 

1

Mở rộng cơ sở dâu tằm tơ

Xã Tiến Hóa

DNTN Dâu tằm tơ Tây Trúc

30 tấn tơ sợi/năm

100

850

100

2006 - 2007

2

Cơ sở SX hàng mây tre XK

TT Đồng Lê

DNTN Phương Bắc

100.000 SP/năm

150

500

70

2007 - 2008

3

Cơ sở sản xuất hàng mây tre XK

Xã Mai Hóa

Doanh nghiệp Long Đô

200.000 SP/năm

150

450

100

2008 - 2009

VII

Huyện Minh Hóa

30

800

80

 

1

Xây dựng cơ sở chế biến thức ăn gia súc

 Xã Hồng Hóa

Các DN trên địa bàn huyện

3.000 tấn/năm

30

800

80

2008 - 2009

VIII

Các dự án khác

2.000

12.000

2.000

 

1

Xây dựng mới một số dự án

 

Các DN trên địa bàn tỉnh

 

2.000

12.000

2.000

2007 - 2009

 

PHỤ LỤC 7

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CSHT KHU, CỤM, ĐIỂM CN - TTCN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

TT

Tên khu, cụm, điểm CN - TTCN

Địa điểm xây dựng

Quy mô (Ha)

Dự kiến thu hút lao động

Dự kiến vốn đầu tư

Thời gian thực hiện

A

Khu công nghiệp

150

1.500

300

 

1

Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới

Lý Trạch - Bố Trạch

150

1.500

300

2007 - 2010

B

Cụm, điểm CN - TTCN

142

7100

142

 

I

Thành phố Đồng Hới

27

1.350

27

 

1

Cụm Thuận Đức

Xã Thuận Đức

10

500

10

2007 - 2008

2

Cụm Đức Ninh Đông

Phường Đức Ninh Đông

7

350

7

2007 - 2008

3

Cụm Bắc Nghĩa

Xã Bắc Nghĩa

10

500

10

2008 - 2010

II

Huyện Quảng Trạch

30

1500

30

 

1

Cụm Quảng Thọ

Xã Quảng Thọ

15

750

15

2007 - 2009

2

Cụm Quảng Hòa

Xã Quảng Hòa

5

250

5

2008 - 2009

4

Cụm Quảng Phú

Xã Quảng Phú

10

500

10

2009 - 2010

III

Huyện Bố Trạch

35

1.750

35

 

1

Cụm Phú Định

Xã Phú Định

30

1.500

30

2009 - 2010

2

Cụm Troóc

Xã Phúc Trạch

5

250

5

2009 - 2010

IV

Huyện Quảng Ninh

15

750

15

 

1

Cụm Áng Sơn, Vạn Ninh

Xã Vạn Ninh

5

250

5

2007 - 2009

2

Cụm trung tâm thị trấn Quán Hàu

Nam TT Quán Hàu

10

500

10

2008 - 2010

V

Huyện Lệ Thủy

15

750

15

 

1

Cụm Cam Liên, Cam Thủy

Xã Cam Liên

5

250

5

2007 - 2008

2

Cụm Bang-Thanh Sơn

 Xã Phú Thủy

10

500

10

2007 - 2009

VI

Huyện Tuyên Hóa 

10

500

10

 

1

Cụm tiểu khu Lưu Thuận

TT Đồng Lê

10

500

10

2008 - 2008

VII

Huyện Minh Hóa 

10

500

10

 

1

Cụm trung tâm huyện

Phía Bắc TT Quy Đạt

10

500

10

2008 - 2010

 

Tổng cộng (A B)

 

292

8600

442

 

 

PHỤ LỤC 8

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ, XÂY DỰNG ĐĂNG KÝ THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM TTCN VÀ NNNT GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

TT

Tên dự án, ngành nghề đào tạo

Địa bàn triển khai

Đơn vị thực hiện

Mặt hàng và công suất

Dự kiến người tham gia

Vốn đầu tư (Triệu đồng)

Thời gian thực hiện

Tổng số

TĐ: Vốn KC hỗ trợ

A

Đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý 

2.250

3.000

3.000

 

1

Đào tạo cán bộ quản lý (3 - 5 lớp)

Các huyện và TP Đồng Hới

Trung tâm Khuyến công phối hợp với các đơn vị

Nâng cao năng lực quản lý

200

150

150

2006 - 2010

2

Đào tạo nghề mây tre XK (50 lớp/ 5năm)

Các huyện

Trung tâm Khuyến công và các địa phương, đơn vị

Mây tre mỹ nghệ XK

1.500

1.250

1.250

2006 - 2010

3

Đào tạo nghề SX SP gỗ mỹ nghệ (5 lớp/5 năm)

 Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy

Trung tâm Khuyến công và các địa phương, đơn vị

SP gỗ mỹ nghệ phục vụ du lịch và XK

150

400

400

2006 - 2010

4

Đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu (8 - 10 lớp/5 năm)

TP Đồng Hới và các huyện

Trung tâm Khuyến công và các địa phương, đơn vị

Sản phẩm thêu mỹ nghệ XK

200

300

300

2006 - 2010

5

Đào tạo nghề cơ khí và nghề khác (10 lớp/5năm)

Các huyện và TP Đồng Hới

Trung tâm Khuyến công và các địa phương, đơn vị

Cơ khí, sửa chữa điện lạnh và nghề khác

200

400

400

2006 - 2010

6

Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các tỉnh và ngoài nước (1 - 2 đoàn/năm)

Các huyện và TP Đồng Hới

Trung tâm Khuyến công và các địa phương, đơn vị

Tìm hiểu du nhập nghề mới

-

500

500

2006 - 2010

B

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

1.400

410

240

 

1

 Thương hiệu nước mắm

Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới

UBND xã, cơ sở sản xuất và các làng nghề

Nước mắm Cảnh Dương, Quy Đức, Bảo Ninh

400

105

60

2007 - 2009

2

Thương hiệu rượu đặc sản

Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch

UBND xã, cơ sở sản xuất và các làng nghề

Rượu Lộc Thủy, Võ Xá, Vạn Lộc

400

105

60

2006 - 2008

3

Xây dựng thương hiệu các sản phẩm khác (5 - 6 sản phẩm)

Các huyện và TP Đồng Hới

UBND xã, cơ sở sản xuất và các làng nghề

Sản phẩm khác

600

200

120

2007 - 2010

 

Tổng cộng (A B)

 

3.650

3.410

3.240

 

 

PHỤ LỤC 9

CÁC LÀNG NGHỀ ĐƯỢC KHÔI PHỤC VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐẠT TIÊU CHÍ LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

TT

Tên làng nghề

Số lượng (làng)

Địa điểm

Ngành nghề

Thu hút lao động

Doanh thu từ nghề

(Tr. đồng)

Thời gian thực hiện

Ghi chú

I

Thành phố

Đồng Hới

03

 

 

550

14.000

 

 

1

Làng đa nghề

01

Xã Thuận Đức

Đa nghề (VLXD, CBLS)

150

5.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

2

Làng nghề chế biến hải sản

01

Xã Bảo Ninh

Nước nắm, mắm CL

200

3.000

2006 - 2007

Khôi phục phát triển

3

Làng sản xuất đồ gỗ

01

Xã Đức Ninh

Các mặt hàng gỗ

200

6.000

2009 - 2010

Phát triển mới

II

Huyện

Quảng Trạch

09

 

 

2.470

32.000

 

 

1

Làng nón

02

Quảng Thuận, Quảng Hải

Nón lá các loại

1.000

10.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

2

Làng tre đan

01

Quảng Thọ

Hàng tre đan các loại

200

2.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

3

Làng mây tre xuất khẩu

02

Quảng Tiến, Quảng Văn

Mặt mây xuất khẩu, nón lá

600

6.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

4

Làng mây tre mỹ nghệ XK

01

Quảng Phương

Mây tre mỹ nghệ XK

300

5.000

2008 - 2010

Phát triển mới

5

Làng rèn

01

Quảng Hòa

Nông cụ cầm tay

70

1.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

6

Làng chế biến hải sản

01

Cảnh Dương

Hải sản các loại

150

5.000

2007 - 2008

Khôi phục phát triển

7

Làng bún, bánh

01

Quảng Thanh

Bánh, bún các loại

150

3.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

III

Huyện Bố Trạch

04

 

 

790

20.000

 

 

1

Làng rèn, đúc

01

Xã Đồng Trạch

Nông cụ, đúc đồng CL

140

6.000

2006 - 2007

Điều tra, làm thủ tục công nhận

2

Làng chế biến hải sản

02

Xã Đức Trạch, Thanh Trạch,

Nước mắm, hải sản CL

500

12.000

2007 - 2008

Khôi phục phát triển

3

Làng rượu

01

Vạn Lộc, Xã Vạn Trạch

Rượu trắng các loại

150

2.000

2006 - 2007

Khôi phục phát triển

IV

Huyện Quảng Ninh

03

 

 

350

3.500

 

 

1

Làng nghề mây tre mỹ nghệ xuất khẩu

01

Vĩnh Ninh (Hàm Ninh)

Mây tre mỹ nghệ xuất khẩu

150

1.500

2006 - 2010

Phát triển mới

2

Làng rượu

01

Xã Võ Ninh

Rượu trắng các loại

100

1.000

2006 - 2007

Khôi phục phát triển

3

Làng bún bánh

01

Dinh Mười, Xã Gia Ninh

Bánh bún các loại

100

1.000

2006 - 2007

Khôi phục phát triển

V

Huyện Lệ Thủy

04

 

 

1.200

9.500

 

 

1

Làng nón

01

Xã Liên Thủy

Nón lá các loại

700

5.000

2006

Điều tra, làm thủ tục công nhận

2

Làng chiếu cói

01

An Xá xã Lộc Thủy

Chiếu cói các loại

150

1.500

2007-2008

Khôi phục phát triển

3

Làng rượu

01

Xã Lộc Thủy

Rượu trắng các loại

200

2.000

2006-2007

Khôi phục phát triển

4

Làng tre đan, chổi đót

01

Xuân Thủy (Mai Thủy)

Tre đan (chổi đót)

150

1.000

2007-2008

Khôi phục phát triển

VI

Huyện Tuyên Hóa

02

 

 

250

6.000

 

 

1

Làng đa nghề

02

Xã Tiến Hóa, Thuận Hóa

Đa ngành nghề (VLXD, CBLS...)

250

6.000

2008-2009

Khôi phục phát triển

 

Tổng

25

 

 

5.610

85.000

 

 

 

PHỤ LỤC 10

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

TT

Nội dung

Vốn đầu tư (Triệu đồng)

Tổng

Vốn ngân sách

I

Triển khai thực hiện các dự án công nghiệp

6.684.000

 12.000

II

Chuẩn bị đầu tư, xây dựng CSHT khu, cụm điểm TTCN

442.000

442.000

III

Triển khai thực hiện các dự án TTCN

63.200

4.420

IV

Chương trình đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu

3.410

3.240

V

Hỗ trợ các làng nghề đạt tiêu chí

155

155

 

Tổng cộng

7.192.765

461.815