Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140/VP

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1957

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM SỐ 140/VP NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 1957 VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH CẤM XUẤT, NHẬP KHẨU BẠCH KIM VÀ ĐÁ QUÝ

Nghị định số 631/TTg ngày 13-12-1955 và Điều lệ tạm thời quản lý ngoại hối số 709/TTg ngày 21-3-1956 của Thủ tướng Chính phủ đã có một tác dụng nhất định trong việc quản lý ngoại hối vàng, bạc, ngăn ngừa buôn bán lậu, xuất nhập trái phép và bảo vệ tài sản của quốc dân.

Nhưng gần đây trên thị trường quốc tế do tình hình bất thường, các loại bạch kim, đá quý ngày càng lên giá so với thị trường nội địa của ta. Vì thế trong thời gian vừa qua, bên cạnh những thương nhân tích cực góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thổ, hải sản để nhập hàng cần thiết cho việc khôi phục và phát triển kinh tế thì lại có một số người đi vơ vét các loại kim khí và đá qúy xuất khẩu trục lợi, phá rối thị trường trong nước.

Do đó tình trạng lậu liêm phát triển và gây nhiều tác hại:

- Có người đi tìm kiếm các loại kim khí và đá quý xuất lén lút để thanh toán bằng nhập hay đổi ngoaị tệ.

- Nâng giá trị kim cương và các loại đá quý ngày càng cao vọt, ảnh hưởng không tốt đến thị trường tiền tệ của ta.

- Một số tài sản của quốc dân bị lọt ra ngoài.

Để kịp thời bài trừ những hành động phá hoại ấy và hạn chế những tác hại đến sản xuất, đến nền kinh tế chung Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/TTg ngày 20-4-1957 cấm xuất, nhập khẩu các loại bạch kim và đá qúy.

Nói chung, việc cất giữ bạch kim và đá quý trong nội địa đều được tự do. Tuy nhiên, mỗi khi vận chuyển và mua bán đều phải xin phép cơ quan Ngân hành nơi mình ở.

Về xuất, nhập khẩu thì quy định như sau:

XUẤT KHẨU

Cấm xuất khẩu bạch kim (platine) và các loại đá quý như: kim cương, ngọc trai, ngọc thạch, ngọc bích, ngọc lam, ngọc hồng hảo, ngọc xatphia (saphir),v.v... trừ những trường hợp thật đặc biệt được Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cho phép.

Những trường hợp đặc biệt này cũng được Ngân hàng xác nhận là tư trang hợp lý vơí số lượng thông thường và theo những điều kiện sau đây:

-Có giấy chứng nhận của Ngân hàng (hoặc Hải quan đối với những nơi không có cán bộ Ngân hàng) là trước đây đã nhập từ ngoài vào;

-Những người lúc ra vì cần thiết phải mang theo và cam đoan khi về sẽ mang trở vào đồng thời phải ký quỹ bảo đảm.

NHẬP KHẨU

Trường hợp và điều kiện nhập khẩu quy định như sau:

- Những người mang vào để luôn trong nước thì lúc đến cửa khẩu xuất trình tại Ngân hàng hoặc hải quan ở đó để xin giấy chứng nhận mang đi.

- Những người mang vào nhưng khi trở ra muốn mang theo thì lúc đến cửa khẩu, sau khi trình phải xin giấy chứng nhận và đến lúc ra thì nộp giấy ấy lại cho cơ quan kiểm soát ở cửa khẩu.

Các loại bạch kim và đá quý được phép mang vào trong nước đến lúc mang trở ra hoặc những trường hợp ngược lại đều không được thay đổi về số lượng, trọng lượng, phẩm chất và đặc điểm của lúc đầu mang đi.

CẤP GIẤY PHÉP

Việc chứng nhận và cho phép nhập khẩu bạch kim và các loại đá quý do các đơn vị Ngân hàng ở cửa khẩu phụ trách. Những nơi không có cán bộ Ngân hàng thì cán bộ Hải quan được uỷ nhiệm làm thay.

Việc cho phép xuất khẩu đối với bạch kim và đá quý đã có giấy chứng nhận mang vào hoặc giấy cam đoan xin mang ra đến lúc về sẽ mang trở vào thì do các đơn vị Ngân hàng ( hoặc Hải quan được uỷ nhiệm) phụ trách đối với những người lúc đi và lúc về đều qua một cửa khẩu.

Nhưng nếu lúc về đi cửa khẩu khác thì phải có giấy phép của các chi nhánh Ngân hàng Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai hoặc Sở Quản lý ngoại hối Trung ương xét lại giấy chứng nhận lúc vào để cho phép mang trở ra.

Tất cả những người xuất cảnh với giấy hộ chiếu của Bộ Ngoại giao cấp, nếu xin mang bạch kim và đá quý ra để luôn ở ngoài thì phải do Sở Quản lý ngoại hối Trung ương xét và cấp giấy phép.

XỬ LÝ

Việc khen thưởng những người có công tố cáo kẻ phạm pháp, trừng phạt đối với những vụ vi phạm thể lệ xuất nhập khẩu bạch kim và các loại đá quý nói trên sẽ xử lý theo các điều 15, 16 và 17 của Điều lệ tạm thời quản lý ngoại hối số 709/TTg ngày 21-3-1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trương quản lý bạch kim và các loại đá quý xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, nhằm ngăn ngừa những sự lậu liêm, bảo vệ tài sản của quốc dân khỏi lọt ra ngoài, góp phần giữ vững giá trị tiền tệ của ta đồng thời bảo đảm được quyền tự do dân chủ của nhân dân trong việc cất giữ cũng như dùng bạch kim và các loại đá quý để trang sức.

Cán bộ và nhân dân cần nhận thức rõ mục đích và ý nghĩa của chủ trương trên để nhắc nhở lẫn nhau chấp hành đúng đắn, thường xuyên có ý thức giúp đỡ cho các nhà chức trách tố giác những kẻ vì quyền lợi riêng mà đi ngược lại quyền lợi của nhân dân.

Lê Viết Lương

(Đã ký)