Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1569-TCHQ/PC

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1986

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1569-TCHQ/PC NGÀY 22-10-1986 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 104-HĐBT NGÀY 8-9-1986 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH SỐ 46-HĐBT NGÀY 10-5-1983 QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU, LÀM HÀNG GIẢ, KINH DOANH TRÁI PHÉP

Thi hành Nghị định số 104-HĐBT ngày 8-9-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi Nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 quy định việc xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép;

Căn cứ Nghị định số 139-HĐBT ngày 20-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Tổng cục Hải quan;

Căn cứ Thông tư số 1090-TCHQ/TH ngày 19-10-1985 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thi hành Nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng;

Sau khi thống nhất với Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan hướng dẫn để các cấp Hải quan thực hiện thống nhất việc xử lý bằng biện pháp hành chính đối với các vi phạm nhỏ về buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, như sau:

1. Sửa đổi mức tiền quy định trong Thông tư số 1090-TCHQ/TH ngày 19- 10-1985 của Tổng cục Hải quan.

a) Tại điểm 2, phần I, nay quy định lại là: "dưới hai mươi nghìn (20.000) đồng (tiền ngân hàng mới)".

b) Tại điểm 1.1, phần II, nay quy định lại là : "Nhiều nhất là một nghìn (1.000) đồng (tiền ngân hàng mới)".

c) Tại điểm 1.2 phần II, nay quy định lại là : "Dưới một nghìn đồng (1.000) đồng (tiền ngân hàng mới)".

d) Tại điểm 2.2, phần II, nay quy định lại là : "Dưới hai mươi nghìn đồng (20.000) đồng (tiền ngân hàng mới)".

2. Từ nay đối với các vụ phạm pháp hải quan có trị giá trên hai mươi nghìn (20.000) đồng (tiền ngân hàng mới) và đối với các vụ tuy trị giá hàng phạm pháp dưới hai mươi nghìn (20.000) đồng (tiền ngân hàng mới) nhưng có đủ những yếu tố cấu thành tội phạm như xuất nhập lậu các loại tân dược giả, thuốc phiện, các loại ma tuý và các mặt hàng quốc cấm khác; buôn lậu qua biên giới có tổ chức tinh vi, có liên quan đến an ninh chính trị; người vi phạm đã có tiền án, tiền sự, hoặc khi bị phát hiện có hành vi chống lại cán bộ, chiến sĩ hải quan làm nhiệm vụ, v.v... thì Hải quan làm công văn và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong các trường hợp này đều đồng gửi một bản về Tổng cục Hải quan để báo cáo.

3. Đối với các vụ khó xác định là vi phạm nhỏ hay là tội phạm về buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thì Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Nếu Viện kiểm sát nhân dân xét thấy không cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát có văn bản trả lời cho phép Hải quan xử lý hành chính. Nếu Viện kiểm sát thấy cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hải quan phải chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật phạm pháp cho Viện kiểm sát nhân dân để giải quyết.

4. Về thủ tục xử lý hành chính, phải tuân theo đúng những nguyên tắc và thủ tục tố tụng của ngành Hải quan và quy định của Thông tư liên Bộ số 1-TTLB ngày 25-1-1984 của Liên Bộ Tư pháp và Tài chính.

5. Sau khi xử lý hành chính phải gửi một bản quyết định xử lý cho cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi việc thi hành các mặt có liên quan, một bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và một bản về Tổng cục Hải quan để báo cáo.

6. Những điểm khác trong Thông tư số 1090-TCHQ/TH ngày 19-10-1985 của Tổng cục Hải quan vẫn có giá trị thi hành.

Những vụ vi phạm luật lệ hải quan xảy ra trước khi ban hành Thông tư này mà chưa xử lý thì nay xử lý theo tinh thần Thông tư này.

Nguyễn Tài

(Đã ký)