Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 239/2000/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2000

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/1999/NĐ-CP NGÀY 4/9/1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

Căn cứ Điều 40 của Nghị định số 92/1999/NĐ-CP ngày 4/9/1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải ( sau đây gọi tắt là Nghị định), Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết để thống nhất thực hiện một số điều khoản của Nghị định này như sau:

1. Tàu thuyền nói trong Nghị định được hiểu là tàu biển, tàu sông và tất cả các loại phương tiện thuỷ khác của Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc các khu vực hàng hải ở Việt Nam.

2. Thời gian theo quy định nói tại điểm đ, khoản 2, Điều 7 của Nghị định là thời gian quy định tại Điều 13 của Thể lệ bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá tại cảng biển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải số 2106/QĐ-GTVT ngày 23/8/1997.

3. Cảng hoặc vùng nước chưa được công bố cho tàu ra vào hoặc neo đậu nói tại khoản 3, Điều 7 của Nghị định theo quy định được hiểu là cảng hoặc vùng nước chưa được cơ quan chức trách có thẩm quyền công bố bằng văn bản cho phép được tiếp nhận tàu ra vào hoạt động.

4. Giấy phép rời cảng cuối cùng quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 13 của Nghị định được hiểu là Giấy phép rời cảng cuối cùng do cơ quan chức trách có thẩm quyền cấ\p. Đối với các thương cảng của Việt Nam, Cơ quan chức trách có thẩm quyền là Cảng vụ hàng hải và Cảng vụ thuỷ nội địa cấp.

5. Các dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn cần thiết ở những nơi dễ cháy, dễ nổ nói tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Nghị định được hiểu là theo quy định có liên quan của Quy phạm Việt Nam hiện hành và Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974 và các quy định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực của Công ước đối với Việt Nam.

6. Sơ đồ hệ thống cứu hỏa, bảng phân công cứu hoả và bảng chỉ dẫn thao tác trên tàu nói tại điểm c, khoản 2, Điều 15 của Nghị định được hiểu là theo quy định có liên quan của Quy phạm Việt Nam hiện hành và Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974 và các quy định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực của Công ước đối với Việt Nam.

7. Các trang thiết bị cứu hoả theo quy định của pháp luật Việt Nam nói tại điểm a, khoản 3, Điều 15 của Nghị định được hiểu là quy định về số lượng, chất lượng các thiết bị và trang bị phòng chống cháy phù hợp với Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị và danh mục trang thiết bị trên tàu theo Quy phạm Việt Nam và Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974 và các quy định sửa đổi bổ sung có hiệu lực của Công ước đối với Việt Nam, được cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền cấp.

8. Quy định về trang thiết bị lọc dầu, nước la canh theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia nói tại điểm a, khoản 2, Điều 16 của Nghị định được hiểu là theo Quy phạm của Việt Nam và Công ước quốc tế về ô nhiễm biển do tàu gây ra 1973 và các quy định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực của Công ước đối với Việt Nam.

9. Quy định về số lượng khách nói tại điểm đ, khoản 1, Điều 17 của Nghị định được hiểu là số lượng ghi trong Giấy chứng nhận chở khách hoặc Giấy chứng nhận an toàn tầu khách và danh mục trang thiết bị của tàu.

10. Quy định về số lượng thuyền viên nói tại điểm c, khoản 2, Điều 17 của Nghị định được hiểu là số lượng thuyền viên bố trí đảm nhiệm chức danh trên tàu không ít hơn số lượng ghi trong Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu và không quá số lượng thuyền viên quy định trong Giấy chứng nhận trang thiết bị an toàn của tàu. Số thuyền viên bố trí đảm nhiệm chức danh trên tàu có ghi trong Sổ Danh bạ thuyền viên của tàu.

11. Quy định về chở hàng quá trọng tải cho phép nói tại điểm c, khoản 3, Điều 17 của Nghị định được hiểu là tàu thuyền có đường mớn nước thực chở ngập quá đường mớn nước chuyên chở cho phép của tàu.

12. Vi phạm quy định về tìm kiếm - cứu nạn nói tại khoản 1, Điều 23 của Nghị định được hiểu là các hành vi vi phạm hành chính đối với quy định tại Điều 48 Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Các Điều 37, 38, 39 của “Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam” ban hành theo Nghị định số 13/CP ngày 25/2/1994 và các sửa đổi, bổ sung; Các quy định có liên quan tại Điều 15 “Điều lệ chức trách thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam” ban hành theo Quyết định số 174/QĐ-PCVT ngày 5/2/1994 của Bộ Giao thông vận tải.

13. Vi phạm quy định về hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm ở biển nói tại Điều 24 của Nghị định được hiểu là hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định tại Chương XII “Trục vớt tài sản chìm đắm” của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, quy định của Nghị định số 39/1998/NĐ-CP ngày 10/6/1998 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển và các quy định có liên quan của “Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam” ban hành theo Nghị định số 13/CP ngày 25/2/1994.

14. Thông báo không đúng thực tế các “Thông báo hàng hải” và “lắp đặt sai báo hiệu hàng hải” theo quy định nói tại điểm a, b, khoản 1, Điều 25 của Nghị định được hiểu là hành vi vi phạm quy định của “Quy tắc báo hiệu hàng hải Việt Nam” ban hành theo Quyết định số 49/QĐ-VT ngày 9/1/1993 của Bộ Giao thông vận tải.

15. Trường hợp các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thụ lý có mức phạt tiền không thuộc thẩm quyền quy định tại Điều 27 của Nghị định thì Cơ quan thụ lý đó phải lập hồ sơ và chuyển cho cấp có thẩm quyền xử phạt như sau:

a. Thanh tra viên an toàn hàng hải lập hồ sơ và chuyển cho Chánh Thanh tra an toàn hàng hải khu vực xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 27 của Nghị định đối với các hành vi vi phạm hành chính có mức phạt tiền trên 200.000 đồng;

b. Giám đốc Cảng vụ hàng hải và Chánh Thanh tra an toàn hàng hải khu vực lập hồ sơ và chuyển cho Chánh Thanh tra an toàn hàng hải Trung ương xử phạt theo quy định tại khoản 4, Điều 27 của Nghị định đối với các hành vi vi phạm hành chính có mức phạt tiền trên 10.000.000 đồng;

c. Trường hợp các hành vi vi phạm hành chính có mức phạt tiền trên 20.000.000 đồng thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Chánh Thanh tra an toàn hàng hải khu vực lập hồ sơ và chuyển cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương tại nơi xảy ra vi phạm hành chính xử phạt theo quy định tại Điều 30 của Nghị định; Đồng thời, phải báo cáo cho Chánh Thanh tra an toàn hàng hải Trung ương biết.

16. Trường hợp chức danh cấp trưởng theo quy định tại các Điều 27, 28, 29, 30 của Nghị định vắng mặt hoặc được uỷ quyền của họ thì cấp phó của các chức danh đó có thẩm quyền xử phạt như cấp trưởng.

17. Khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải nói tại khoản 1, Điều 37 của Nghị định được quy định như sau:

a. Đối với các khiếu nại có liên quan đến các quyết định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải thì người khiếu nại có thể khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của Giám đốc Cảng vụ hàng hải là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

b. Đối với các khiếu nại liên quan đến các quyết định của Thanh tra an toàn hàng hải thì người khiếu nại thực hiện theo quy định tại Điều 17, 18, 19 của Quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 204/TTg ngày 28/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ.

c. Trong trường hợp người khiếu nại vẫn không đồng ý với ý kiến giải quyết khiếu nại Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thì có thể khiếu nại lên cơ quan cấp trên Cục Hàng hải Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là ý kiến cuối cùng.

18. Biên bản và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được sử dụng theo các mẫu từ số 1 đến số 9 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

19. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm:

a. Triển khai thực hiện Nghị định và các Thông tư hướng dẫn;

b. Chỉ đạo Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Chánh Thanh tra an toàn hàng hải, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị Trung ương, địa phương và các cá nhân có liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải thực hiện đúng quy định của Nghị định và Thông tư hướng dẫn.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ các hướng dẫn trước đay trái với Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Cục Hàng hải Việt Nam và tổ chức, cá nhân có liên quan cần phản ánh kịp thời để Bộ Giao thông vận tải xem xét, bổ sung, giải quyết.

Nơi nhận:
- VPCP
- UBND các tỉnh, TP
- Các Bộ: QP, CA,TM, CN
TS, KHCNMT, NN-PTNT
- TCHQ
- Cục Hàng hải Việt Nam
- Công báo
- Lưu: VP, PCVT

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT
THỨ TRƯỞNG




Lã Ngọc Khuê