Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29 TT

Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 1990

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI HỌC SINH CẤP II PHỔ THÔNG CƠ SỞ, PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

Đánh giá, xếp loại trình độ được đào tạo của học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường phổ thông, góp phần đảm bảo quá trình giáo dục theo đúng mục tiêu đào tạo đã được xác định theo quyết định số 305/QĐ và 329/QĐ. Việc đánh giá xếp loại trình độ được đào tạo của học sinh phải thể hiện rõ tính toàn diện, thống nhất từ cấp I đến cấp THPT, đồng thời từng bước cải tiến, nâng cao làm cho việc đánh giá xếp loại ngày một chính xác, cụ thể, khách quan và tương đối dễ làm.

Từ năm học 1990-1991 học sinh các trường phổ thông được đánh giá, xếp loại theo hai mặt: Hạnh kiểm (thể hiện phẩm chất của con người học sinh) và học lực (thể hiện kết quả học các bộ môn văn hóa khoa học, lao động - kỹ thuật, rèn luyện thân thể... của học sinh) để phù hợp với điều kiện và thực tế giáo dục trong tình hình hiện nay.

Bộ hướng dẫn cụ thể việc đánh giá, xếp loại như sau:

A. ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI VỀ HẠNH KIỂM.

I. Những căn cứ để đánh giá về hạnh kiểm.

1. Căn cứ vào mục tiêu và kế hoạch đào tạo được Bộ quy định theo các quyết định số: 305/QĐ và 329/QĐ ngày 31-3-1990.

2. Căn cứ vào việc thực hiện nhiệm vụ học sinh từng cấp học ban hành theo quyết định số 1118/QĐ ngày 2-12-1987, tập trung vào các điểm chủ yếu sau:

- Nhận thức, tình cảm làm nền tảng cho hành động đẹp đẽ.

- Hành động cụ thể biểu hiện qua các hoạt động học tập, lao động, rèn luyện thân thể vui chơi...

- Tác dụng của cá nhân học sinh đối với tập thể.

- Ý thức tự phê bình, thái độ tự giác đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm của chính mình.

3. Hạnh kiểm của học sinh chủ yếu được đánh giá qua những hành vi, thái độ cư xử trong phạm vi nhà trường và phải phù hợp với thời gian, điều kiện được giáo dục, với trình độ phát triển về nhận thức, về tâm lý, sinh lý của học sinh.

4. Xem xét một cách đúng mức, khách quan những biểu hiện về hành vi đạo đức và thái độ cư xử trong các mối quan hệ xã hội và gia đình.

II. Tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại về hạnh kiểm.

Về mặt hạnh kiểm, học sinh được đánh giá xếp loại thành 5 loại: tốt, khá, trung bình, yếu, kém. Tiêu chuẩn cụ thể của từng loại như sau:

1.Loại tốt: Được xếp hạnh kiểm về loại tốt là những học sinh có nhận thức đúng và thực hiện khá đầy đủ nhiệm vụ học sinh; có ý thức trách nhiệm cao đối với học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, nếp sống và rèn luyện thân thể..., có tiến bộ không ngừng, đạt kết quả cao về tất cả các mặt.

Những biểu hiện chính của tiêu chuẩn trên là:

1) Xác định được mục đích học tập, chuyên cần ham học, trung thực trong học tập và đạt kết quả ngày càng tiến bộ. Luôn khiêm tốn và sẳn sàng giúp bạn cùng học tập tiến bộ. Mạnh dạn đấu tranh chống thói lười biếng, ỷ lại , thiếu trung thực trong học tập.

2) Tham gia đầy đủ và thực hiện tốt các buổi lao động, hoạt động hướng nghiệp, học nghề. Có ý thức và thực hành tiết kiệm; quí trọng và bảo vệ tài sản chung của nhà trường, của lớp học. Sẵn sàng tham gia lao động góp phần xây dựng địa phương do nhà trường tổ chức.

3) Tích cực rèn luyện thân thể và tham gia các buổi luyện tập quân sự. Luôn giữ vệ sinh cá nhân, giữ sạch đẹp trường lớp.

4) Có nhiều cố gắng rèn luyện nếp sống lành mạnh, có văn hóa có kỷ luật. Trung thực đúng mức trong quan hệ giao tiếp đối với thầy giáo, cô giáo, bạn bè, với gia đình và những người xung quanh.

5) Có ý thức thực hiện tốt pháp luật và các chính sách có liên quan đến bản thân. Có thái độ rõ ràng ủng hộ cái đúng, cái tốt, không đồng tình với những biểu hiện sai trái trong và ngoài xã hội.Tích cực tham gia các hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức ,sẵn sàng giúp bạn,các em nhỏ,người già ,những người tàn tật khi gặp khó khăn.Có ý thức đoàn kết quốc tế ,vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc ,lịch sự và không có hành động,thái độ thiếu văn hóa với người nước ngoài.

2.Loại trung bình: Được xếp loại trung bình về hạnh kiểm là những học sinh có ý thức thực hiện nhiệm vụ học sinh, có tiến bộ nhất định về hạnh kiểm nhưng còn chậm, không đều, chưa vững chắc, kết quả nói chung ở mức trung bình. Còn mắc một số khuyết điểm nhưng ít nghiêm trọng, chưa thành hệ thống, khi được góp ý kiến biết nhận ra khuyết điểm nhưng sửa chữa còn chậm.

Những biểu hiện chính của tiêu chuẩn trên là:

1) Thực hiện được những quy định tối thiểu về nề nếp, kỷ luật học tập như: đi học tương đối đều, có học và làm bài, nghỉ học có xin phép, ra vào lớp theo đúng quy định...; đôi khi còn bị nhắc nhỡ về học bài, làm bài , đôi khi còn quay cóp hoặc bàn bạc trao đổi với bạn khi làm bài kiểm tra, còn nói chuyện riêng hoặc làm việc khác trong giờ học. V v...

2) Tham gia tương đối đủ các buổi lao động, hoạt động hướng nghiệp, học nghề do nhà trường tổ chức. Hoàn thành những phần việc được giao, chấp hành sự phân công trong hoạt động, song chưa tỏ rõ sự cố gắng, hoặc còn có những thiếu sót về thái độ và kỷ luật trong khi lao động, học nghề.

3) Có cố gắng nhất định về rèn luyện thân thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao và văn hóa văn nghệ... của lớp, của trường, nhưng nói chung ở mức bình thường.

4) Không mắc những khuyết điểm nghiêm trọng trong các quan hệ với thầy và bạn, chưa chủ động tích cực rèn luyện nếp sống lành mạnh, có văn hóa, trong cách cư xử còn có lúc chưa đúng mức. Chưa vững vàng trước sự phân định giữa tốt và xấu, đúng và sai do vậy không thể hiện rõ thái độ ủng hộ cái đúng, cái tốt, phê phán cái xấu, cái sai, có lúc còn bị lôi cuốn theo những việc làm chưa tốt.

5) Có tham gia các hoạt động xã hội do nhà trường, Đoàn, Đội tổ chức, tuân theo luật pháp và những chính sách liên quan đến bản thân.

3- Loại khá: Những học sinh đạt trên mức trung bình nhưng chưa đạt mức tốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ học sinh thể hiện qua các mặt: rèn luyện đạo đức, học tập, lao động, rèn luyện thân thể, hoạt động xã hội.V... hoặc trong các mặt trên có mặt đạt tốt nhưng cũng có mặt khác đạt chỉ tới mức trung bình đều được xếp hạnh kiểm loại khá. Những học sinh này có thể còn mắc những khuyết điểm nhỏ, được góp ý kiến thì sửa chữa tương đối nhanh và không tái phạm.

4- Loại yếu: Xếp loại hạnh kiểm yếu những học sinh: không đạt tới mức trung bình theo tiêu chuẩn trên, có những biểu hiện yếu kém, chậm tiến bộ trong những điểm đã quy định cho loại trung bình.

Những biểu hiện của loại yếu về hạnh kiểm là:

1) Có hành động vô lễ, xúc phạm tương đối nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của thầy giáo, cô giáo ở trong hay ở ngoài nhà trường.

2) Quá lười học, được nhắc nhỡ nhiều lần nhưng không tiến bộ, nhiều lần quay cóp hoặc có hành động thô bạo để được quay cóp trong giờ kiểm tra.

3) Nhiều lần trốn lao động và hoạt động tập thể, tự tiện bỏ học nhiều tiết, nhiều buổi.

4) Lấy cắp ở trong lớp, trong trường, hoặc tham gia vào lấy cắp tài sản XHCN, tài sản riêng của công dân...

5) Tham gia gây rối, đánh nhau làm mất trật tự trị an một cách tương đối nghiêm trọng.

6) Có hành động xấu, thiếu văn hóa đối với phụ nữ, người già, người tàn tật, các em nhỏ và người nước ngoài, được phê bình góp ý nhiều lần nhưng sự tiếp thu và sửa chữa rất chậm.

7) Những học sinh bị kỷ luật cảnh cáo hoặc đuổi học 1 tuần ở học kỳ nào thì xếp loại hạnh kiểm yếu ở học ấy.

5- Loại kém: Học sinh có những biểu hiện sai trái nghiêm trọng và bị kỷ luật ở mức đuổi học 1 năm đều xếp hạnh kiểm loại kém.

III. Cách thức đánh giá xếp, loại:

Để làm tốt việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp cần thực hiện:

1- Tổ chức tốt quá trình giáo dục trước khi đánh giá xếp loại:

- Vào đầu năm học nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tổ chức tốt việc học tập nhiệm vụ học sinh đã được quy định trong các quyết định 305/QĐ, 329/QĐ và 1118/QĐ; thường xuyên nhắc nhỡ học sinh thực hiện theo các nhiệm vụ đó.

- Nắm tình hình xếp loại hạnh kiểm ở năm học trước, sơ bộ phân loại đối tượng, phân tích những ưu điểm, khuyết điểm từ đó định ra phương pháp giáo dục thích hợp với từng học sinh.

- Luôn gợi mở, hướng dẫn nêu gương tốt để thúc đẩy sự vươn lên, mong muốn tiến bộ của cá nhân. Thường xuyên theo dõi uốn nắn, phê phán kịp thời, đúng mức những biểu hiện chưa tốt. Có những biện pháp tích cực phát hiện nhằn ngăn chặn những hành động hay khuynh hướng xấu có thể xảy ra, loại bỏ những điều kiện làm nảy sinh hiện tượng xấu.

- Xây dựng mối quan hệ giáo dục với gia đình và Đoàn, Đội thống nhất các biện pháp giáo dục học sinh, tăng cường thông tin về quá trình giáo dục giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh.

2- Thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại:

- Vận dụng đúng đắn và phù hợp các tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại hạnh kiểm:

Tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại về mặt hạnh kiểm là tiêu chuẩn chung cho cả hai cấp học. Vì vậy khi thực hiện giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào tiêu chuẩn và thực tế của quá trình giáo dục để vận dụng vào việc đánh giá, xếp loại cho học sinh trong lớp; chú ý kết hợp chặt chẽ quá trình tiếp thu và phát triển của nhận thức với những hành vi cụ thể của học sinh ở lớp cuối cấp 2 THPT và các lớp THPT.

Khi vận dụng các tiêu chuẩn, cần lưu ý: động cơ của hành động diễn biến và tính chất của hành động, tác dụng và hậu quả của hành động. Có như vậy mới đánh giá chính xác, công bằng và có tác dụng giáo dục.

- Thực hiện đúng qui trình đánh giá, xếp loại: Căn cứ vào tiêu chuẩn và quá trình tiếp thu giáo dục của học sinh, cuối mỗi học kỳ và cuối năm học giáo viên chủ nhiệm dự kiến và lập danh sách xếp loại hạnh kiểm. Bảng danh sách này được đưa lấy ý kiến của giáo viên bộ môn, cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội. Các giáo viên bộ môn và cán bộ lớp cán bộ Đoàn, Đội có trách nhiệm cho ý kiến đồng ý với hay không đồng ý với bản dự kiến xếp loại hạnh kiểm này, nêu lý do và có chữ ký, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Trên cơ sở tham khảo những ý kiến đóng góp đó giáo viên chủ nhiệm cân nhắc và quyết định danh sách xếp loại hạnh kiểm đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng và báo cáo với Hiệu trưởng.

Giáo viên chủ nhiệm chỉ chính thức công bố danh sách xếp loại hạnh kiểm sau khi đã được Hiệu trưởng duyệt y.

Nói chung kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm ở học kỳ II của học sinh được lấy làm kết quả đánh giá, xếp loại cả năm. Tuy nhiên nếu có học sinh hạnh kiểm được xếp vào loại tốt hoặc khá ở học kỳ I, nhưng do mắc sai lầm đột xuất mà hạnh kiểm bị xếp vào loại yếu ở học kỳ II, thì có thể đưa ra Hội đồng giáo dục xem xét quá trình rèn luyện cả năm và quyết định xếp loại hạnh kiểm vào loại yếu hoặc trung bình.

B. ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI VỀ HỌC LỰC.

Từ năm học 1990-1991 trở đi việc đánh giá xếp loại về học lực của học sinh được thực hiện theo cách tính điểm trung bình của tất cả các môn học.

I. Những căn cứ để đánh giá, xếp loại về học lực.

1- Kết quả các môn học theo qui chế cho điểm trên 10 được quy định trong chương trình từng lớp, từng cấp đổ Bộ ban hành:

A- Đối với các lớp cấp 2 THPT gồm các môn:

Tiếng Việt và Văn, Sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Nghệ thuật, Thể dục-Quân sự, Lao động-kỹ thuật.

B- Đối với các lớp THPT:

Ở các lớp không phân ban: Gồm các môn: Văn và Tiếng Việt, Sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, kỹ thuật, Thể dục-Quốc phòng, Ngoại ngữ.

Ở các lớp phân ban:Theo hướng dẫn riêng.

2- Chế độ cho điểm và điểm trung bình các môn học của học sinh.

II. Chế độ cho điểm, hệ số các loại điểm kiểm tra, và hệ số các môn học.

1- Chế độ cho điểm: Chế độ cho điểm ở các cấp học được quy định chung như sau:

A. Số lần kiểm tra cho từng môn học: trong một học kỳ, mỗi học sinh được kiểm tra ít nhất:

- Các môn học có từ 2 tiết/1 tuần trở xuống: 4 lần.

- Các môn học có từ 2,5 đến 3 tiết/1 tuần: 6 lần.

- Các môn học có từ 4 tiết/1 tuần trở lên: 7 lần.

B- Các loại điểm kiểm tra: Số lần kiểm tra quy định cho từng môn như trên bao gồm: kiểm tra miệng, kiểm tra viết 15 phút, kiểm tra viết 1 tiết trở lên (theo phân phối chương trình), kiểm tra cuối học kỳ.

- Nếu học sinh thiếu điểm kiểm tra miệng, phải được thay bằng điểm kiểm tra viết 15 phút. Nếu thiếu điểm kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên (theo phân phối chương trình) phải được kiểm tra bù.

- Ở những môn trong phân phối chương trình không quy định kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên, phải thay bằng kiểm tra viết 15 phút, cho đủ số lần kiểm tra đã quy định.

- Các loại điểm kiểm tra theo quy định trên sẽ thực hiện theo hướng dẫn của từng bộ môn.

2- Hệ số các loại điểm kiểm tra.

- Kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút: hệ số 1.

- Kiểm tra từ một tiết trở lên: hệ số 2.

- Điểm kiểm tra học kỳ không tính hệ số mà tham gia trực tiếp vào tính điểm trung bình môn theo hướng dẫn phần dưới.

3- Hệ số các môn học

Các môn Văn-Tiếng Việt và toán của cấp 2 và THPT không phân ban được tính hệ số 2 khi tham gia tính điểm trung bình học kỳ hoặc cả năm.

III. Cách tính điểm và tiêu chuẩn xếp loại về học lực.

1- Cách tính điểm:

A- Điểm trung bình học kỳ (ĐTBHK)

- Điểm trung bình các bài kiểm tra (ĐTBKt): Là trung bình cộng của từng điểm các bài kiểm tra sau khi đã tính hệ số (không tính điểm kiểm tra học kỳ).

- Điểm trung bình môn học kè (ĐTBmhk): Là trung bình cộng của ĐTBKt và điểm trung bình học kỳ (ĐKTHK):

- Điểm trung bình các môn học kè (ĐTBHK): là trung bình cộng của các điểm ĐTBmhk sau khi đã tính hệ số.

B- Điểm trung bình cả năm: (ĐTBCN)

- Điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn): Là trung bình cộng của điểm Trung bình môn học kè I với 2 lần trung bình môn học kè II.

-Điểm trung bình các môn cả năm (ĐTBCN):

-Các điểm trung bình chỉ lấy đến một chữ số thập phân.

IV. Cách thức tiến hành.

1- Giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm cho điểm theo chế độ quy định ở trên, và tính điểm trung bình môn của từng học kỳ, cả năm.

Sau khi đã tính điểm trung bình, giáo viên bộ môn ghi vào sổ điểm, học bạ học sinh và phê vào học bạ về môn mình phụ trách.

2- Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm tính điểm trung bình các môn từng học kỳ, cả năm học, và xếp loại học lực theo tiêu chuẩn quy định. Giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả vào sổ điểm, học bạ cho từng học sinh.

3- Để làm tốt phần việc này giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm cần phải nắm vững chế độ cho điểm, cách tính điểm, tiêu chuẩn xếp loại học lực để thực hiện tốt, tránh những sai sót,đảm bảo cho học sinh không bị thiệt thòi.

C. SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI.

I. Sử dụng kết quả đánh giá , xếp loại để xét cho học sinh lên lớp:

1- Cho lên thẳng : những học sinh có đủ các điều kiện sau:

A- Nghỉ học không quá 45 ngày trong một năm học.

B- Được xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm từ trung bình trở lên.

2- Cho ở lại lớp:

Cho ở lại lớp hẳn những học sinh phạm vào một trong những điều kiện sau:

A- Nghỉ học quá 45 ngày trong một năm học.

B- Có học lực cả năm xếp loại kém.

C- Có hạnh kiểm và học lực cả năm xếp loại yếu.

3- Thi lại các môn học và rèn luyện thêm trong hè về hạnh kiểm:

Những học sinh không thuộc diện ở lại lớp hẳn được nhà trường xét cho thi lại các môn học hoặc rèn luyện thêm trong hè về hạnh kiểm để được xét cho lên lớp vào sau hè. Nhà trường chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh thi lại và rèn luyện thêm về hạnh kiểm.

A- Thi lại các môn học:

- Học sinh xếp loại yếu về học lực được cho phép để lựa chọn thi lại các môn có điểm trung bình cả năm dưới 5,0 sao cho sau khi thi lại có đủ điều kiện để lên lớp.

- Điểm bài thi lại của môn nào được dùng để thay thế cho điểm trung bình môn cả năm của môn đó khi tính lại điểm trung bình các môn cả năm học. Sau khi đã tính lại, những học sinh có điểm trung bình các môn cả năm đạt từ 5,0 trở lên sẽ được lên lớp.

Học sinh phải đăng ký môn thi lại cho nhà trường chậm nhất 7 ngày trước khi tổ chức thi lại.

B- Rèn luyện thêm về hạnh kiểm:

Những học sinh xếp loại yếu về hạnh kiểm sẽ phải rèn luyện thêm trong hè. Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm đặt những yêu cầu nội dung cụ thể để giao cho học sinh rèn luyện, đồng thời có biện pháp tổ chức theo dõi, đánh giá mức độ thực hiện những nội dung đó của học sinh. Sau hè căn cứ vào sự tiến bộ của học sinh Hội đồng giáo dục xét và xếp loại lại hạnh kiểm cho những học sinh này. Nếu được xếp loại trung bình sẽ được lên lớp.

4- Kết quả đánh giá xếp loại về hạnh kiểm và học lực cả năm ở lớp cuối cấp được dùng làm điều kiện để xét cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT, THPT (sẽ nói rõ ở qui chế thi tốt nghiệp THPT và THPT).

5- Ngoài việc đánh giá xếp loại các môn đã nêu trên, tùy theo yêu cầu và điều kiện để đẩy mạnh và khuyến khích việc học tập, Bộ sẽ quy định việc thi lấy chứng chỉ và các chứng chỉ này sẽ được xem xét để đánh giá xếp loại , hoặc hướng ưu tiên khi xét tuyển, xét tốt nghiệp.

II. Sử dụng kết quả đánh giá xếp loại để khen thưởng:

1- Tặng danh hiệu học sinh tiên tiến cho những học sinh được xếp loại từ khá trở lên về cả hai mặt: Hạnh kiểm và học lực.

2- Tặng danh hiệu học sinh giỏi cho những học sinh được xếp loại giỏi về học lực và xếp loại khá trở lên về mặt hạnh kiểm.

D. TRÁCH NHIỆM TRONG ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI CÁC MẶT GIÁO DỤC.

I. Giáo viên chủ nhiệm:

1-Chịu trách nhiệm chính về việc đánh giá, xếp loại các mặt giáo dục của học sinh lớp mình phụ trách. Thực hiện đúng theo qui trình đánh giá các mặt như quy định ở trên một cách công bằng, chính xác, khách quan, công khai.

2-Sau khi được duyệt, tổ chức công bố kết quả đánh giá, xếp loại cho học sinh và cha mẹ học sinh.

3-Tiếp nhận và giải quyết những khiếu nại của học sinh về đánh giá, xếp loại trong phạm vi quyền hạn của mình báo cáo hiệu trưởng những khiếu nại ngoài quyền hạn đã quy định. Thông báo kết quả giải quyết các khiếu nại đó đến học sinh trong thời gian đã quy định.

4-Hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm, học bạ học sinh từng học kỳ, cả năm theo đúng quy định. Chú ý ghi cả kết quả thi lại và rèn luyện về hạnh kiểm sau hè (nếu có)

II. Trách nhiệm của hiệu trưởng.

1-Tổ chức học tập chu đáo thông tư này cho giáo viên và học sinh.Phổ biến rộng rãi đến cha mẹ học sinh để cùng phối hợp giáo dục, đến học sinh để học sinh tự đánh giá xếp loại và kiểm tra sự đánh giá và xếp loại của nhà trường đối với mình.

2-Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chế độ cho điểm, đánh giá xếp loại của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên phụ trách từng việc được giao.

3-Chỉ đạo và tổ chức rút kinh nghiệm việc đánh giá xếp loại để áp dụng thống nhất trong từng khối lớp và toàn trường.

4-Duyệt và chuẩn y các kết quả đánh giá, xếp loại của các lớp, đôn đốc việc hoàn chỉnh sổ điểm học bạ.

5-Tổ chức việc thi lại và xếp loại về hạnh kiểm của học sinh sau hè.

6-Xây dựng và đảm bảo quan hệ thông tin 2 chiều giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.

7-Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của học sinh về đánh giá xếp loại thuộc phạm vi và quyền hạn của mình.

III- Trách nhiệm và quyền được khiếu nại của học sinh.

1- Học sinh có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ học sinh, cố gắng rèn luyện theo tiêu chuẩn các mặt giáo dục để đạt kết quả cao. Luôn khiêm tốn, tiếp thu sự giáo dục của thầy giáo, cô giáo, và tập thể lớp tích cực giúp bạn cùng tiến bộ.

2-Học sinh có quyền được khiếu nại bằng lời hoặc bằng đơn đến giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng nhà trường và các trên khi thấy mình chưa được đánh giá xếp loại chính xác, công bằng.

Thông tư này được áp dụng từ năm học 1990-1991, thay thế cho các thông tư và hướng dẫn đánh giá học sinh cấp II và cấp THPT Bộ đã ban hành trước đây. Các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm phổ biến và tổ chức các nhà trường trong địa phương mình thực hiện tốt thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần phải điều chỉnh điều gì, các Sở giáo dục cần báo cáo ngay để Bộ xem xét và giải quyết kịp thời.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Lương Ngọc Toản