Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 84/2002/TT-BTC NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

Thi hành Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24/5/2001 của Chính phủ về bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001, Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

- Hộ gia đình, cá nhân thường trú ở các địa bàn nông thôn, có hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Tổ nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoạt động sản xuất kinh doanh và có trụ sở chính ở các địa bàn nông thôn.

Các tổ chức và cá nhân nói trên (dưới đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn) sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ sản phẩm thuộc các ngành nghề theo quy định tại Mục 1 Điều 1 Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, môi trường), kho bãi cho các khu vực dân cư có ngành nghề nông thôn, hỗ trợ chi phí đào tạo, xúc tiến thương mại cho các cơ sở ngành nghề nông thôn để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Về cơ sở hạ tầng:

Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn theo quy định tại Thông tư số 79/2001/TT-BTC ngày 28/9/2001 của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.

2. Đất đai:

Cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai sau đây:

2.1. Được hưởng ưu đãi về giá thuê đất với mức giá cho thuê đất thấp nhất quy định tại Điều 2 Quyết định số 1357/QĐ-BTC ngày 30/12/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định khung giá cho thuê đất đối với các tổ chức trong nước được Nhà nước cho thuê đất: bằng 0,5% giá 1m2 đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về quy định khung giá các loại đất.

2.2. Cơ sở ngành nghề nông thôn đã được chính quyền địa phương có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối sang dùng cho sản xuất kinh doanh thì không phải chuyển sang thuê đất mà tiếp tục được sử dụng và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước trong thời hạn quy định đối với loại đất đó theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11/2/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Sau thời hạn quy định phải chuyển sang thực hiện theo chế độ hiện hành về thuê đất theo đúng mục đích sử dụng.

2.3. Trường hợp Cơ sở ngành nghề nông thôn di chuyển mặt bằng sản xuất ra khỏi khu dân cư thì được hưởng chế độ miễn tiền thuê đất 3 năm kể từ ngày hoàn thành xong việc xây dựng cơ sở sản xuất trên diện tích mặt bằng mới, hoặc được hưởng chế độ ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 5 Mục III Phần I Thông tư số 35/2001/TT-BTC ngày 25/5/2001 về hướng dẫn nộp tiền thuê đất, góp đất liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước (nếu có).

2.4. Tiền cho thuê đất thu được từ các hợp đồng thuê đất của Cơ sở ngành nghề nông thôn được để lại ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước. Hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ưu tiên lồng ghép, bố trí vốn để chi đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực dân cư có làng nghề, ngành nghề nông thôn của địa phương.

3. Về ưu đãi tín dụng đầu tư:

Cơ sở ngành nghề nông thôn có dự án đầu tư có hiệu quả, được Quỹ hỗ trợ phát triển cho vay tín dụng đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29/6/1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các văn bản quy định khác hiện hành.

4. Về ưu đãi thuế và lệ phí:

- Cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các mức ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/ 07/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10, Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29/3/2002 về sửa đổi bổ sung danh mục A, B và C ban hành tại phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ; Thông tư số 22/2001/TT-BTC ngày 03/ 04/ 2001 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 146/1999/TT-BTC ngày 17/ 12/1999 hướng dẫn thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế cho các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác hiện hành.

- Cơ sở ngành nghề nông thôn nếu được phép khai thác tài nguyên phục vụ sản xuất, chế biến được miễn, giảm thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/ 09/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi). Trình tự, thủ tục giải quyết việc miễn giảm thuế tài nguyên thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/1998/TT-BTC ngày 26/ 11/ 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/ 09/ 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi).

- Các nghệ nhân được miễn các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao) phát sinh trong hoạt động truyền dạy nghề.

- Cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện đóng các khoản phí và lệ phí theo quy định tại Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/UBTVQH ngày 28/8/2001 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 2/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn khác hiện hành.

5. Về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm:

Nhà nước sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu để hỗ trợ một phần chi phí cho các Cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện hoạt động phát triển thị trường đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm như sau:

5.1 Cơ sở ngành nghề nông thôn được giảm 50% chi phí thuê diện tích gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở trong nước.

Doanh nghiệp kinh doanh hội chợ, triển lãm có trách nhiệm giảm 50% chi phí thuê gian hàng cho các Cơ sở ngành nghề nông thôn. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thanh toán khoản giảm giá này cho doanh nghiệp kinh doanh hội chợ, triển lãm.

Kết thúc hội chợ, triển lãm doanh nghiệp kinh doanh hội chợ, triển lãm lập hồ sơ đề nghị Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thanh toán khoản giảm giá cho thuê gian hàng đối với Cơ sở ngành nghề nông thôn. Hồ sơ bao gồm:

+ Công văn đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh hội chợ, triển lãm;

+ Hợp đồng và biên bản thanh lý hợp đồng thuê gian hàng giữa bên cho thuê và bên thuê;

+ Bản kê danh sách Cơ sở ngành nghề nông thôn đã thuê gian hàng tham gia hội trợ, triển lãm.

5.2 Cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động phát triển thị trường đẩy mạnh xúc tiến thương mại quy định tại Thông tư số 61/2001/TT-BTC ngày 1/8/2001 của Bộ Tài chính và các quy định khác hiện hành.

Khi nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước Cơ sở ngành nghề nông thôn hạch toán giảm chi phí kinh doanh.

5.3 Cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất khẩu và các văn bản hiện hành khác.

5.4 Cơ sở ngành nghề nông thôn được thưởng khi có kim ngạch xuất khẩu theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 65/2001/QĐ-BTC ngày 29/6/2001 về việc thưởng theo kim ngạch xuất khẩu cho các mặt hàng gạo, cà phê, thịt lợn, rau quả hộp trong năm 2001 và Quyết định số 63/2002/ QĐ-BTC ngày 21/5/2002 về thưởng kim ngạch xuất khẩu cho các mặt hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

Các khoản tiền thưởng nói trên Cơ sở ngành nghề nông thôn hạch toán vào thu nhập kinh doanh.

6. Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động:

- Các cơ sở đào tạo của Nhà nước ưu tiên dành chỉ tiêu đào tạo nghề cho các Cơ sở ngành nghề nông thôn trong phạm vi kế hoạch kinh phí hàng năm Nhà nước cấp cho cơ sở dạy nghề.

- Nghệ nhân làng nghề được phối hợp với các cơ sở đào tạo của nhà nước để tổ chức các lớp đào tạo hoặc tự tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với ngành nghề sản xuất của Cơ sở ngành nghề nông thôn và được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền nghề. Chi phí tổ chức các lớp đào tạo được bù đắp từ các nguồn:

+ Tiền thu học phí của học viên hoặc người sử dụng lao động đóng góp trên cơ sở thoả thuận;

+ Hỗ trợ của các trung tâm đào tạo của huyện, của tỉnh, thành phố (nếu có);

+ Hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước;

Nếu các nguồn trên không đủ bù đắp chi phí đào tạo, thì phần còn thiếu cơ sở được hạch toán vào chi phí kinh doanh.

- Các lớp đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm thì chi phí đào tạo tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của Cơ sở ngành nghề nông thôn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ Hỗ trợ phát triển có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với cơ sở ngành nghề nông thôn.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các ngành, các địa phương, Cơ sở ngành nghề nông thôn phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn giải quyết.

Trần Văn Tá

(Đã ký)