Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-LN/KL

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1986

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP SỐ 9-LN/KL NGÀY 12-4-1986 QUY ĐỊNH THỦ TỤC VẬN CHUYỂN GỖ VÀ LOẠI LÂM SẢN, ĐẶC SẢN RỪNG

Căn cứ Nghị quyết số 188-HĐBT ngày 23-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường; Quyết định số 78-CT ngày 27-2-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về đặt các trạm kiểm soát trên các đường giao thông; Nghị định số 160 - HĐBT ngày 10- 12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về thống nhất quản lý các loại đặc sản rừng và các văn bản pháp luật hiện hành khác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng về lâm nghiệp;
Nhằm tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường vật tư gỗ, lâm sản, đặc sản rừng; bảo đảm việc lưu thông gỗ, lâm sản, đặc sản rừng về nơi tiêu thụ được thuận tiện, nhanh chóng.
Bộ Lâm nghiệp quy định cụ thể thủ tục vận chuyển các mặt hàng trên như sau:

I. VẬN CHUYỂN GỖ VÀ CÁC LOẠI LÂM SẢN, ĐẶC SẢN RỪNG TRONG CHI TIÊU KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC.

1. Gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại lâm sản khác (tre, nứa, vầu, luồng...) do các cơ quan cung ứng lâm sản ngành lâm nghiệp phân phối, khách hàng vận chuyển trên đường về nơi sử dụng. Thủ tục gồm có:

- Phiếu cấp vật tư lâm sản hoặc phiếu uỷ nhiệm nhận vật tư lâm sản, do các cơ quan cung ứng lâm sản cấp. Trường hợp có khối lượng lớn vật tư lâm sản không thể vận chuyển gọn trong một chuyến, khách hàng chỉ phải đăng ký phiếu trên lần vận chuyển đầu tiên tại trạm kiểm soát cuối tỉnh, thành phố (viết tắt là tỉnh) có gỗ và lâm sản xuất phát;

- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho vật tư lâm sản, do đơn vị xuất vật tư lâm sản cấp (trong đó liên 1 khách hàng giữ, liên 2 khách hàng giao trạm kiểm soát trên, liên 3 và liên 4 lưu đơn vị xuất vật tư lâm sản).

- Lý lịch gỗ trò hoặc bảng kê gỗ xẻ của từng chuyến phương tiện vận tải;

- Lệnh điều động phương tiện.

2. Vận chuyển gỗ và các loại lâm sản khác do các Sở Lâm nghiệp, các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường trực thuộc Bộ, giao thẳng cho khách hàng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước (quy định tại Chỉ thị số 34/ CNR ngày 28 - 12 - 1985 của Bộ Lâm nghiệp về chấn chỉnh việc khai thác, cung ứng lâm sản) thủ tục như quy định tại điểm 1, mục I riêng phiếu phân phối vật tư lâm sản do các đơn vị trên cấp.

3. Vận chuyển các loại đặc sản rừng quy định tại Nghị định số 160-HĐBT ngày 12-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Thủ tục gồm có:

- Hoá đơn kiểm phiếu xuất kho vật tư lâm sản do các Liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường, công ty lâm sản - đặc sản xuất khẩu, tổng công ty xuất nhập khẩu lâm sản và các công ty, chi nhánh lâm sản đặc sản xuất khẩu vùng và địa phương cấp;

- Lệnh điều động phương tiện.

II. VẬN CHUYỂN GỖ VÀ CÁC LOẠI LÂM SẢN, ĐẶC SẢN RỪNG NGOÀI CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

1. Gỗ và các loại lâm sản khác được Bộ Lâm nghiệp (đối với các đơn vị trực thuộc) hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh (đối với các đơn vị lâm nghiệp địa phương) cho phép bán, trao đổi vật tư bổ sung để sản xuất nhằm hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh được cân đối và duyệt kế hoạch từ đầu năm (quy định tại Thông tư số 12-TCCB ngày 9-5-1985 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 52-HĐBT ngày 23-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý lâm trường quốc doanh). Thủ tục vận chuyển gồm có:

- Giấy phép vận chuyển của chi cục kiểm lâm nhân dân tỉnh cấp;

- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho vật tư lâm sản, do đơn vị xuất vật tư lâm sản cấp;

- Lý lịch gỗ tròn hoặc bảng kê gỗ xẻ của từng chuyến phương tiện vận tải;

- Lệnh điều động phương tiện.

2. Gỗ, lâm sản trao đổi vật tư kỹ thuật, bán lại cho bên B trong các hoạt động liên doanh liên kết kinh tế (quy định tại Thông tư số 10-VKT ngày 3-5-1985 của Bộ Lâm nghiệp và Thông tư số 14-CNR ngày 17-4-1986 của Bộ Lâm nghiệp), thủ tục vận chuyển như quy định tại điểm 1 mục II, thêm hợp đồng và biên bản thanh lý hợp đồng trao đổi vật tư kỹ thuật, lao động do Giám đốc Sở lâm nghiệp hoặc Tổng giám đốc các liên hiệp lâm - nông - công nghiệp, lâm trường trực thuộc duyệt ký.

3. Gỗ, lâm sản tập thể, cá nhân được phân phối lẻ thuộc kế hoạch của địa phương. Thủ tục vận chuyển ra ngoài tỉnh như quy định tại điểm 1 mục II, thêm phiếu phân phối vật tư lâm sản do Sở Lâm nghiệp cấp.

4. Gỗ và các lâm sản khác, tập thể và cá nhân khai thác trong rừng hoặc vườn rừng do Nhà nước giao để kinh doanh, bảo vệ (phần được để lại sử dụng theo quy định tại Quyết định số 184-HĐBT ngày 6-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng); hoặc tự trồng trong vườn nhà, các nơi công cộng khác thì người trồng được tự do lưu thông trong thị trường địa phương (tỉnh, thành phố, đặc khu - viết tắt là tỉnh). Trường hợp vận chuyển ra ngoài tỉnh thủ tục gồm có:

- Giấy xác nhận của Uỷ ban Nhân dân phường, xã sở tại về cây tự trồng hoặc gỗ, lâm sản khai thác trong rừng, vườn rừng Nhà nước giao, phần được để lại sử dụng.

- Giấy phép vận chuyển của hạt kiểm lâm nhân dân sở tại.

5. Gỗ tận dụng kể cả các sản phẩm chế biến từ gỗ tận dụng. Thủ tục vận chuyển gồm có:

- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho vật tư lâm sản, do đơn vị xuất vật tư lâm sản cấp.

- Biên bản kiểm tra, nghiệm thu xác nhận là gỗ tận dụng (trường hợp vận chuyển gỗ tận dụng còn nguyên dạng) hoặc các sản phẩm chế biến từ gỗ tận dung nguyên dạng đã kiểm tra nghiệm thu của hạt kiểm lâm nhân dân sở tại.

- Hợp đồng khai thác, trao đổi gỗ tận dụng.

6. Vận chuyển các loại đồ mộc thông dụng (giường, ghế, bàn, tủ...) còn mới, làm bằng gỗ rừng, người chủ tài sản mang theo hoá đơn bán hàng của mậu dịch quốc doanh hoặc của các lâm trường, xí nghiệp chế biến thuộc ngành lâm nghiệp. Trường hợp các loại đồ mộc làm bằng gỗ rừng còn mới không thuộc các đơn vị nói trên bán, nếu nguồn gốc gỗ hợp pháp, khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, người chủ tài sản phải có giấy phép vận chuyển của hạt kiểm lâm nhân dân sở tại cấp.

7. Vận chuyển các loại đặc sản rừng của các cơ quan, đơn vị ngoài ngành lâm nghiệp và của tập thể cá nhân, Thủ tục gồm có giấy phép vận chuyển của chi cục kiểm lâm nhân dân tỉnh cấp.

8. Vận chuyển các loại động vật rừng trong mọi trường hợp. Thủ tục gồm có:

- Giấy phép vận chuyển của chi cục kiểm lâm nhân dân tỉnh cấp.

- Lý lịch động vật rừng: tên loại động vật; đặc điểm; nguồn gốc: mua, bán, dụ, bắt.

III. VẬN CHUYỂN GỖ LÂM SẢN ĐIỀU ĐỘNG NỘI BỘ

1. Vận chuyển gỗ lâm sản từ kho II (quy định tại Quyết định số 456 - CNR ngày 15-6-1985 của Bộ Lâm nghiệp, về địa điểm kho II tổng kho giao nhận gỗ và lâm sản cho Trung ương trong cả nước) về tổng kho. Thủ tục gồm có:

- Phiếu di chuyển vật tư lâm sản do các trạm, công ty, xí nghiệp lâm sản cấp.

- Lý lịch gỗ tròn hoặc bảng kê gỗ xẻ của từng chuyến phương tiện vận tải.

- Lệnh điều động phương tiện.

2. Vận chuyển gỗ, lâm sản điều động giữa các xí nghiệp, công ty, tổng kho thuộc một liên hiệp chế biến cung ứng lâm sản hoặc công ty gỗ mỏ; giữa các liên hiệp chế biến cung ứng lâm sản. Thủ tục gồm có:

- Kế hoạch lệnh điều động (do các liên hiệp chế biến cung ứng lâm sản hoặc công ty gỗ mỏ cấp) đăng ký lần vận chuyển đầu tiên tại trạm kiểm soát cuối tỉnh có gỗ, lâm sản xuất phát.

- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho vật tư lâm sản điều động nội bộ, do đơn vị xuất vật tư lâm sản cấp.

- Lý lịch gỗ tròn hoặc bảng kê gỗ xẻ của từng chuyến phương tiện vận tải;

- Lệnh điều động phương tiện.

IV. DANH MỤC VÀ ĐỊNH LƯỢNG CÁC MẶT HÀNG LÂM SẢN THUỘC NHU CẦU SỬ DỤNG CỦA NHÂN DÂN, SAU KHI NỘP TIỀN NUÔI RỪNG ĐƯỢC PHÉP LƯU THÔNG, KHÔNG PHẢI GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN.

1. Nâu 10 kilôgam (mười kilôgam)

2. Măng khô 3 kilôgam (ba kilôgam) hoặc măng tươi 10 kilôgam (mười kilôgam)

3. Nấm hương, mộc nhĩ mỗi loại 0,50 kilôgam (nửa kilôgam)

4. Củi cành, nhánh khô 100 kilogam (một trăm kilôgam)

5. Tre rừng các loại 50 cây (năm mươi cây)

6. Nứa các loại 50 cây (năm mươi cây)

7. Than hoa hoặc than hầm 20 kilôgam (hai mươi kilôgam)

Tư nhân không được lợi dụng quy định này để vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản. Những trường hợp lợi dụng buôn bán sẽ bị xử lý theo pháp luật.

V. VỀ QUY ĐỊNH VIỆC KIỂM SOÁT LÂM SẢN VẬN CHUYỂN CHUYẾN TRÊN ĐƯỜNG.

1. Chỉ có các trạm, đội kiểm soát liên ngành, chuyên ngành do chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định thành lập mới được kiểm soát lâm sản đang vận chuyển trên đường về nơi tiêu thụ.

2. Thủ tục vận chuyển gỗ, lâm sản, đặc sản rừng đã được quy định tại Thông tư này: gỗ phải có dấu búa kiểm lâm quy định tại Quyết định số 69-QĐKL ngày 17-1- 1986 của Bộ Lâm nghiệp. Các đơn vị kiểm soát không được yêu cầu bất cứ một loại giấy tờ nào khác. Gỗ và lâm sản, đặc sản rừng vận chuyển trên đường, người áp tải hàng phải là cán bộ, nhân viên của đơn vị nhận hàng và phải theo mang đầy đủ giấy tờ theo quy định về việc kiểm soát được nhanh, gọn. Trường hợp không có đủ các loại giấy tờ trên là vận chuyển trái phép lâm sản, các cơ quan kiểm soát lâm sản xử lý theo pháp luật hiện hành.

3. Đơn vị kiểm lâm nhân dân, kiểm soát nào bắt, giữ, xử lý, cấp phép vận chuyển lâm sản trái pháp luật hoặc đơn vị khai thác, chế biến cung ứng lâm sản nào bán, trao đổi, phân phối vật tư lâm sản trái với các quy định hiện hành, người thủ trưởng và cán bộ, nhân viên giải quyết các trường hợp ấy phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc công dân; ngoài ra còn tuỳ theo lỗi nhẹ, nặng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Cán bộ nhân viên kiểm lâm nhân dân trong khi làm nhiệm vụ kiểm soát lâm sản phải mang đầy đủ phù hiệu, cấp hiệu, số hiệu kiểm lâm nhân dân.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Để có căn cứ kiểm soát lại gỗ, lâm sản vận chuyển trên đường và thống kê tổng hợp được khối lượng gỗ và lâm sản thực tế khai thác từ rừng ra hàng năm, từ năm 1986 trở đi, hàng năm các đơn vị khai thác, cung ứng gỗ, lâm sản của Trung ương, địa phương trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ đầu năm kế hoạch thông báo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh khai thác, giao nộp, cung ứng, vận chuyển điều động gỗ và lâm sản (kể cả khối lượng gỗ, lâm sản được phép bán, trao đổi vật tư) cho chi cục kiểm lâm nhân dân sở tại biết, theo dõi.

2. Mẫu các loại ấn chỉ cung ứng vật tư lâm sản quy định tại các mục I, II, III trên ban hành kèm theo Thông tư này và áp dung thống nhất cho tất cả các đơn vị sản xuất, cung ứng lâm sản trong cả nước từ ngày 16 tháng 5 năm 1986. Sau mốc thời gian quy định trên, các loại ấn chỉ trái với quy định tại Thông tư này là không hợp pháp.

3. Giao cho Vụ trưởng Vụ kế toán tài chính, Bộ Lâm nghiệp quản lý thống nhất các loại ấn chỉ cung ứng lâm sản, Cục trưởng Cục kiểm lâm nhân dân hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc thực hiện Thông tư này.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của Bộ Lâm nghiệp về thủ tục vận chuyển gỗ, lâm sản trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Phan Thanh Xuân

(Đã ký)