Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:16/2006/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 08 tháng 9 năm 2006

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH, NHẰM GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC"

Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chủ trương để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt là Chỉ thị số 19/2005/CT-UBND ngày 21/7/2005 về việc “Hạn chế các qui, hoạt động mang tính hình thức, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành giáo dục - đào tạo”, Chỉ thị số 20/2005/CT-UBND ngày 21/10/205 về việc "Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2005-2010".

Thực hiện các chủ trương nêu trên, công tác thi cử, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên đã được thực hiện khá nghiêm túc, được Bộ Giáo dục-Đào tạo đánh giá cao. Một số quy định trong quản lí dẫn đến tình trạng chạy theo thành tích ảo đã từng bước được sửa đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế như sau :

1. Các hoạt động để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học đã được các cấp lãnh đạo, quản lí rất quan tâm; đặc biệt là chống các tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích ảo. Trong thời gian qua ngành giáo dục-đào tạo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thi cử nghiêm túc, vận động đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá giáo viên, học sinh, sinh viên; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…Tuy nhiên, việc truyền thụ kiến thức của đa số giáo viên còn nặng về “đọc chép”, “học từ chương”; nội dung ôn tập vẫn hướng đến “học tủ”, “giới hạn kiến thức”; cách ra đề kiểm tra còn làm cho học sinh, sinh viên “học vẹt”… Việc cải tiến công tác thi đua còn chậm, nhất là còn các chỉ tiêu thi đua khiến cho cán bộ quản lí, giáo viên đối phó, chạy theo thành tích ảo.

2. Một bộ phận cha mẹ học sinh vẫn còn nặng tư tưởng thành tích, đánh giá chưa chính xác khả năng học tập của con cái, dẫn đến tình trạng “chạy trường” mỗi đầu năm học, “chạy điểm” trong học tập, gò ép con cái học thêm tràn lan.

3. Một số cán bộ và nhân dân chưa quán triệt và chấp hành tốt chủ trương thi cử nghiêm túc, vẫn còn hiện tượng gian lận trong thi cử ở các trường, lớp phi chính qui (phổ cập, bổ túc, vừa học vừa làm, từ xa…), đã bị phát hiện và xử lí.

4. Việc triển khai thực hiện tinh thần Chỉ thị số 20/2005/CT-UBND ngày 21/10/2005 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2005-2010 chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, tổ chức thực hiện không đồng bộ, chủ yếu phát động và thực hiện trong ngành giáo dục. Việc triển khai thực hiện tinh thần Chỉ thị số 19/2005/CT-UBND ngày 21/7/2005 của UBND tỉnh về việc hạn chế những quy định, hoạt động mang tính hình thức, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành giáo dục - đào tạo đã bước đầu có chuyển biến nhưng chưa nhiều.

Để chấn chỉnh những hạn chế nêu trên và thực hiện Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2006 của Bộ Giáo dục - Đào tạo về ban hành kế hoạch tổ chức vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, UBND tỉnh chỉ thị :

1. Phát động trong các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh : Thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”. Ngành giáo dục và đào tạo có vai trò nòng cốt thực hiện cuộc vận động nầy.

2. Ủy ban nhân dân các cấp :

- Tổ chức quán triệt rộng rãi và chỉ đạo triển khai cuộc vận động nầy trong cán bộ, nhân dân địa phương bằng kế hoạch cụ thể. Vận động thường xuyên để tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện trong cả hệ thống chính trị.

- Có biện pháp và hình thức tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi thầy cô giáo nhận thức, đồng tình và quyết tâm hưởng ứng cuộc vận động.

- Thực hiện tốt qui chế dân chủ cơ sở. Phát hiện kịp thời những hạn chế, yếu kém trong nhận thức và hoạt động giáo dục ở địa phương và chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục. Xử lí nghiêm, nhanh chóng các trường hợp tiêu cực theo thẩm quyền; bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người có công sức đóng góp chống tiêu cực, chống bệnh thành tích.

3. Ngành giáo dục - đào tạo :

- Có kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động trong toàn ngành. Tổ chức phát động, kí cam kết hưởng ứng thực hiện cuộc vận động trong nội bộ ngành. Từng cấp quản lí giáo dục-đào tạo, từng trường, cơ sở giáo dục - đào tạo phải tự rà soát lại xem có những biểu hiện tiêu cực, chạy theo thành tích ảo không. Từ đó có kế hoạch điều chỉnh các hoạt động dạy và học cho hợp lí, trong đó cần tập trung thực hiện chống tiêu cực trong các hoạt động: chấm điểm, thi cử, cấp bằng, dạy thêm, học thêm, quản lí tài chính, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản…

- Nâng cao năng lực của cán bộ quản lí các trường học, cơ sở giáo dục - đào tạo, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các hoạt động giáo dục - đào tạo theo hướng chống tiêu cực, chống bệnh hình thức trong đơn vị mình.

- Đổi mới công tác kiểm tra, thi cử, thi đua, bỏ những tiêu chí thi đua dẫn đến chạy theo thành tích ảo, quan tâm phát động các đợt thi đua ngắn hạn, thi đua từng mặt. Có biện pháp để toàn ngành thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học một cách có hiệu quả. Từng bước đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng sử dụng kiến thức tổng hợp, áp dụng hình thức trắc nghiệm, xây dựng ngân hàng đề thi. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Kiên quyết chống tình trạng cho học sinh "lên lớp non", "ngồi nhầm lớp".

- Tăng cường công tác thanh tra, nhất là thanh tra đột xuất. Từng cơ sở giáo dục phát huy tốt qui chế dân chủ cơ sở, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; nhanh chóng xác minh, làm rõ những biểu hiện tiêu cực trong ngành do nhân dân, báo, đài phát hiện; xử lý kịp thời, nghiêm những sai phạm, tiêu cực theo thẩm quyền.

- Vận dụng qui chế đánh giá học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục - Đào tạo (Thông tư số 29/TT ngày 06/10/1990 về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh cấp II phổ thông cơ sở, phổ thông trung học; Thông tư số 23/TT ngày 07/3/1991 về việc bổ sung và điều chỉnh một số quy định về đánh giá, xếp loại học sinh cấp II và cấp trung học phổ thông; Quyết định số 04/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 16/02/2005 về việc ban hành Qui chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở; Quyết định số 30/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/9/2005 về việc ban hành quy định đánh và xếp loại học sinh tiểu học ...), để hướng dẫn các đơn vị đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Đề xuất Bộ Giáo dục - Đào tạo sửa đổi những điểm chưa phù hợp.

4. Các cơ quan thông tấn, báo chí :

- Tuyên truyền để mọi người hiểu biết và hưởng ứng cuộc vận động nầy. Phổ biến các chủ trương có liên quan đến các nội dung của cuộc vận động. Tổ chức các hình thức như diễn đàn, đối thoại… để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh nguyện vọng của mình về các hoạt động giáo dục, học tập.

- Biểu dương những thành tựu trong công tác giáo dục, những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong cuộc vận động. Phát hiện, phê phán những hoạt động chạy theo thành tích ảo, những biểu hiện tiêu cực trong các hoạt động giáo dục - đào tạo.

5. Ủy ban mặt trận tổ quốc, đoàn thể, hội các cấp:

Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc, đoàn thể, hội khuyến học, hội cựu giáo chức các cấp tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc vận động này. Thực hiện kí kết liên tịch với ngành giáo dục - đào tạo và giám sát việc thực hiện cuộc vận động ở các trường học, cơ sở giáo dục-đào tạo.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì triển khai rộng rãi, thông suốt tinh thần Chỉ thị này đến các ngành, các cấp, cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, sinh viên để tạo sự đồng thuận, chuyển biến mạnh mẽ trong việc chống tiêu cực trong thi cử, bệnh hình thức, chạy theo thành tích ảo, để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tổ chức thực hiện sơ kết từng học kì, năm học, báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục-Đào tạo - báo cáo;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp  luật- Bộ Tư pháp;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh - báo cáo;
- Ban Tuyên giáo TU, UBMTTQ tỉnh;
- Liên đoàn LĐ tỉnh, Hội LH phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn TNCS.HCM  tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu  Giáo chức tỉnh;
- Sở GD-ĐT(2b), Trường Đại học AG, Sở  VHTT, Đài PTTH, Báo AG, Phân xã  AG, Sở Tư pháp;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng VHXH, TH, XDCB;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng