Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08/NQ-CP NGÀY 24/01/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 126-KH/TU NGÀY 05/4/2018 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 25/10/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch số 126-KH/TU ngày 05/4/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; được sự thống nhất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch thực hiện, như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

Giảm mạnh đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Giảm chi và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

II. Yêu cầu

1. Đến năm 2021

- Giảm tối thiểu 10% ĐVSNCL (106 đơn vị) so với năm 2018; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 (2.503 biên chế). Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các ĐVSNCL (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).

- Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính (92 đơn vị) so với tổng số ĐVSNCL; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011 - 2015. Hoàn thành cơ bản chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học).

- Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

2. Đến năm 2025

- Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% ĐVSNCL (92 đơn vị) và 10% biên chế sự nghiệp (2.252 biên chế) hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính (164 đơn vị) so với tổng số ĐVSNCL; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).

- Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 - 2020.

3. Đến năm 2030

Tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025 (2.027 biên chế). Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 - 2025.

B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền

1. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL đến đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, các ngành, các địa phương, các ĐVSNCL trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL

II. Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL

1. Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp

a) Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch/Đề án điều chỉnh quy mô lớp học, số học sinh/lớp hợp lý bậc Trung học phổ thông.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2019.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nhất là các khoa sư phạm.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Trường Đại học Phạm Văn Đồng;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ;

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2018.

c) Xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bổ sung một số chính sách đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Tài chính;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2019.

d) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình trường Trung học phổ thông từ công lập sang trường Trung học phổ thông công lập tự chủ ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2019.

đ) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sáp nhập Trường trung cấp Kỹ thuật Quảng Ngãi, Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi vào Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2019.

e) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (bằng 62) đơn vị so với năm 2018; hình thành trường nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và địa bàn có điều kiện.

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thành phố;

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Phòng Nội vụ và các phòng, ban chức năng liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý II/2019.

g) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thành phố;

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nội vụ và các phòng, ban chức năng liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2019.

h) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổ chức lại và giải thể các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở các huyện hoạt động không hiệu quả.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: UBND các huyện, thành phố;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2019.

2. Về lĩnh vực y tế

a) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Y tế;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý II/2018.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển Trường Cao đẳng y tế Đặng Thùy Trâm trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc Sở Y tế, tiến đến trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (sau năm 2020).

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Y tế;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý II/2019.

c) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sáp nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trung tâm Truyền thông sức khỏe tỉnh vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; sáp nhập Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 14 huyện, thành phố vào Trung tâm Y tế 14 huyện, thành phố.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Y tế;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý III/2018.

d) Giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực:

* Thực hiện việc giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực: Ba Vì (huyện Ba Tơ), Trà Tân (huyện Tây Trà).

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Y tế;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2019.

* Thực hiện việc giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực Tịnh Bắc (huyện Sơn Tịnh) và Phòng khám Đa khoa khu vực Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi).

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Y tế;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Trong giai đoạn 2021 - 2025.

3. Về lĩnh vực khoa học và công nghệ

Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trung tâm Thông tin - ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Khoa học và Công nghệ;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2019.

4. Về lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao

a) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao tỉnh và Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể dục thể thao tỉnh.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2019.

c) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thông tin/Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể dục thể thao/Trung tâm Thể dục thể thao của 07 huyện, thành phố (Sơn Tịnh, Trà Bồng, Mộ Đức, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Lý Sơn, thành phố Qung Ngãi) và Đài Truyền thanh/Đài Truyền thanh - Truyền hình/Đài Truyền thanh - Phát lại truyền hình thành Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao và chuyển bộ phận nghiệp vụ văn hoá, thể thao tại Phòng Văn hóa - Thông tin về Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện, thành phố quản lý.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: UBND các huyện, thành phố;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Từ Quý I/2019.

5. Về lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thực hiện việc sắp xếp theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị khoá XI thông qua.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Thông tin và Truyền thông;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Các sở, ngành, đơn vị liên quan;

- Thời gian thực hiện: Quý II/2020.

6. Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

a) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND các huyện, thành phố; đồng thời chuyển một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ở các đơn vị này về các phòng chuyên môn trực thuộc UBND các huyện, thành phố.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý IV/2018.

b) Xây dựng Đề án kiện toàn các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý II/2019.

7. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

a) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2021.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Ban Quản lý cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: UBND các huyện miền núi và huyện Lý Sơn;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Từ Quý I/2019.

c) Xây dựng Đề án hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Ban Quản lý cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: UBND các huyện đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Từ Quý I/2021.

8. Xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các Quỹ của tỉnh bảo đảm hoạt động hiệu quả.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Nội vụ;

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan;

- Thời gian hoàn thành: Quý I/2019.

III. Quản lý, sử dụng biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

1. Quản lý, sử dụng biên chế

a) Thực hiện cắt giảm biên chế trong các ĐVSNCL: Đến năm 2021: cắt giảm tối thiểu 10% (bằng 2.503) so với biên chế giao năm 2015. Đến năm 2025: cắt giảm tối thiểu 10% (bằng 2.252) so với biên chế giao năm 2021. Đến năm 2030: cắt giảm tối thiểu 10% (bằng 2.027) so với biên chế giao năm 2025.

b) Thực hiện cắt giảm hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP: Đến năm 2021: cắt giảm tối thiểu 10% so với năm 2018. Đến năm 2025: cắt giảm tối thiểu 10% so với năm 2021. Đến năm 2030: cắt giảm tối thiểu 10% so với năm 2025.

c) Sắp xếp, điều chuyển, chuyển đổi biên chế sự nghiệp đang làm việc trong cơ quan hành chính để hướng đến không còn biên chế sự nghiệp trong cơ quan hành chính: Đến năm 2021, thực hiện tối thiểu 40%; đến năm 2025 thực hiện hoàn thành việc sắp xếp, điều chuyển, chuyển đổi biên chế sự nghiệp đang làm việc trong cơ quan hành chính.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Nội vụ.

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Các sở, ban, ngành có ĐVSNCL; ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2018.

d) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động vượt quá số biên chế được giao (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính).

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành có ĐVSNCL; ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2018.

2. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các ĐVSNCL ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) trong ĐVSNCL sau khi có hướng dẫn của Trung ương.

b) Xây dựng tiêu chí đánh giá chi tiết để đánh giá, phân loại viên chức hàng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

c) Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ngành có ĐVSNCL; các ĐVCNCL trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

IV. Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công

1. Đối với các ĐVSNCL do cấp tỉnh quản lý

a) Thực hiện chuyển 09 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên thành loại hình công ty cổ phần theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Trong năm 2018: Chuyển 01 đơn vị sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; chuyển ít nhất 02 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên).

c) Đến năm 2020: Chuyển ít nhất 07 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ 100% chỉ thường xuyên).

d) Đến năm 2022: Tiếp tục chuyển 04 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên).

đ) Đến năm 2025: tăng tỷ lệ % tự bảo đảm chi thường xuyên của 07 đơn vị (đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên) lên 70% ; chuyển 07 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên).

e) Đối với các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực y tế (hệ điều trị): Thực hiện cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế - Tài chính.

f) Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để:

- Thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

- Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp.

h) Thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công. Minh bạch hoá các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư, nhất là ở các đơn vị thuộc lĩnh vực do Nhà nước cấp phép hoạt động; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Tài chính.

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Các sở, ngành có ĐVSNCL; các ĐVCNCL trực thuộc UBND tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Theo lộ trình tại Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 (ban hành kèm Quyết định s449/QĐ-UBND ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh).

2. Đối với các ĐVSNCL do cấp huyện quản lý

Giảm chi từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của đơn vị. Sắp xếp, đổi mới cơ chế tài chính để giảm số lượng loại hình đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tăng số lượng loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, hướng đến tự bảo đảm chi thường xuyên.

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thành phố.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Phòng Tài chính - Kế hoạch.

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Các phòng, ban, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Từ Quý II/2018.

V. Về nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL

Thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị theo quy định. Ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Thực hiện cơ chế hội đồng trường trong trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành có ĐVSNCL; các ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh; Trường Đại học Phạm Văn Đồng; UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ Quý II/2018.

VI. Hoàn thiện cơ chế tài chính

1. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước theo kết quả hoạt động. Theo đó, trong năm 2018 hoàn thành các nhiệm vụ sau đây tại các ĐVSNCL:

- Xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

- Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp không xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật thì xây dựng định mức chi phí).

- Lập và phê duyệt phương án tự chủ về tài chính cho từng cơ quan, đơn vị làm cơ sở cấp kinh phí theo quy định.

2. Thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo lộ trình quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

- Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Tài chính.

- Cơ quan phối hợp tham mưu: Các sở, ban, ngành có ĐVSNCL; các ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ Quý II/2018

VII. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

1. Thực hiện rà soát, hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các ĐVSNCL gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng địa phương; chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường.

2. Thực hiện phân loại, xếp hạng các ĐVSNCL, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực. Lấy kết quả thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế hằng năm là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy đảng, ĐVSNCL.

3. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực sự nghiệp. Quy định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu ĐVSNCL. Hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

- Cơ quan tham mưu: Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

C. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.

2. Chỉ đạo, đôn đốc cấp trực thuộc xây dựng Đề án, Kế hoạch về sắp xếp tổ chức, biên chế, tài chính cụ thể theo quy định pháp luật hiện hành, trình cấp thẩm quyền quyết định đúng tiến độ thời gian.

Đề án sắp xếp, đổi mới, tổ chức lại của từng đơn vị phải xác định thật cụ thể bộ máy sau khi sắp xếp, nhân sự dôi dư và hướng giải quyết đầu ra; cơ sở vật chất dôi dư và hướng sắp xếp, xử lý; phương án tự chủ tài chính của từng đơn vị sự nghiệp.

Đối với Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đến năm 2021 (giảm tối thiểu 10% đơn vị so với năm 2018), UBND các huyện, thành phố gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ có ý kiến thẩm định trước khi quyết định theo thẩm quyền.

3. Xây dựng Đề án tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giải quyết chế độ đối với viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định và đảm bảo thời gian theo lộ trình đã phê duyệt.

4. Xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước và thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của từng ngành, lĩnh vực theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

5. Tiếp tục xác định đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp gửi Sở Tài chính và cấp có thẩm quyền theo quy định.

II. Sở Nội vụ

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định Đề án sáp nhập, hợp nhất, giải thể của các đơn vị sự nghiệp công lập; Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp; Đề án tỉnh giản biên chế; thẩm định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; thông báo biên chế theo quy định.

2. Xây dựng Kế hoạch cắt giảm biên chế sự nghiệp giai đoạn 2015 - 2021 của tỉnh Quảng Ngãi, đảm bảo tỷ lệ biên chế giảm theo quy định.

3. Theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình tổ chức thực hiện Kế hoạch đối với lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, viên chức; hàng năm có đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu biên chế sự nghiệp đối với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

III. Sở Tài chính

1. Căn cứ vào phương án, lộ trình và giai đoạn thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm trình cấp có thẩm quyền phân bổ ngân sách đúng phương án và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

2. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động về tài chính của các đơn vị để đổi mới chính sách và phương thức quản lý tài chính, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ công có khả năng xã hội hoá cao.

3. Đối với việc thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ:

a) Đối với 09 đơn vị SNCL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục chuyển thành Công ty cổ phần. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các ĐVSNCL xây dựng Phương án cổ phần hóa, các thủ tục liên quan để chuyển thành Công ty cổ phần theo quy định.

b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát các ĐVSNCL đủ điều kiện chuyển thành Công ty cổ phần báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

4. Theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình tổ chức thực hiện Kế hoạch đối với lĩnh vực tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh định kỳ và báo cáo đột xuất khi cấp có thẩm quyền yêu cầu.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 126-KH/TU ngày 05/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ và Sở Tài chính) để chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (b/cáo);
- Văn phòng Chính phủ (b/cáo);
- Bộ Nội vụ (b/cáo);
- Bộ Tài chính (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị SNCL trực thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, các phòng N/cứu, CBTH;
- Lưu: VT, NC, Vi309.

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng