Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2012/NQ-HĐND

Ninh Bình, ngày 17 tháng 4 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO VÀ NGƯỜI PHỤC VỤ HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO CỦA TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2012- 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg ngày 26/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 07/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 28/TTr-UBND ngày 22/3/2012 về việc Quy định chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2012- 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Quy định về chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2012- 2015 (Có Quy định kèm theo).

Điều 2. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 17/4/2012 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO VÀ NGƯỜI PHỤC VỤ HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO CỦA TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2012- 2015
(Kèm theo Nghị quyết số 08/2012/NQ-HĐND ngày 17/4/2012 của HĐND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về chế độ tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp, dinh dưỡng, tiền ngủ, tiền tầu xe đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao; chính sách hỗ trợ tiền công đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao; chính sách hỗ trợ khác đối với vận động viên bóng chuyền, vận động viên khi không tiếp tục làm vận động viên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Huấn luyện viên, vận động viên thể thao được Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình ký hợp đồng về tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu cho các đội tuyển thể thao cấp tỉnh của tỉnh Ninh Bình.

2. Những người trực tiếp phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao các đội tuyển thể thao cấp tỉnh của tỉnh Ninh Bình.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Ban huấn luyện Đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh Ninh Bình bao gồm: Huấn luyện viên trưởng, Huấn luyện viên phó, Trợ lý huấn luyện viên và Cố vấn kỹ thuật.

2. Vận động viên đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh Ninh Bình, bao gồm:

a) Vận động viên là người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam.

b) Vận động viên được Ban huấn luyện chỉ định là Đội trưởng.

c) Vận động viên bậc 1: Là thành viên đội tuyển quốc gia và thường xuyên được tham gia thi đấu tại giải bóng chuyền hạng mạnh.

d) Vận động viên bậc 2: Là vận động viên thường xuyên được tham gia thi đấu tại giải bóng chuyền hạng mạnh.

đ) Vận động viên bậc 3: Là vận động viên chỉ được tham gia thi đấu một số trận tại giải bóng chuyền hạng mạnh.

e) Vận động viên bậc 4: Là vận động viên có tên trong đội hình tham gia thi đấu tại giải bóng chuyền hạng mạnh nhưng chưa được tham gia thi đấu.

g) Vận động viên bậc 5: Là vận động viên dự bị đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh.

3. Đội tuyển 1: Là đội tuyển gồm các vận động viên đạt huy chương tại các giải thi đấu quốc tế chính thức, đạt huy chương vàng tại giải vô địch quốc gia.

4. Đội tuyển 2: Là đội tuyển gồm các vận động viên đạt huy chương bạc, huy chương đồng tại giải vô địch quốc gia và những vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng. Riêng đối với vận động viên quần vợt, cầu lông, bóng bàn phải đạt đẳng cấp từ cấp 1 trở lên.

5. Đội tuyển trẻ: Là đội tuyển gồm các vận động viên có năng khiếu thể thao được đào tạo tập trung từ 02 năm trở lên.

6. Đội năng khiếu tập trung: Là đội tuyển gồm các vận động viên có năng khiếu thể thao được đào tạo tập trung đến dưới 24 tháng.

7. Vận động viên tạm tuyển: Là vận động viên có năng khiếu thể thao được đào tạo tập trung đến dưới 12 tháng để làm nguồn chọn làm vận động viên năng khiếu tập trung.

8. Vận động viên năng khiếu nghiệp dư: Là thiếu niên, nhi đồng có năng khiếu thể thao.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. CHẾ ĐỘ TIỀN CÔNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, TRỢ CẤP, DINH DƯỠNG VÀ TIỀN NGỦ, TIỀN TẦU XE ĐỐI VỚI HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN

Điều 4. Chế độ tiền công, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trợ cấp

Huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình là người Việt Nam trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu được hưởng chế độ tiền công, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với vận động viên là người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam chỉ được hưởng theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 8 của Quy định này.

Điều 5. Chế độ dinh dưỡng

1. Huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tập trung tập luyện và thi đấu được hưởng chế độ dinh dưỡng tính bằng tiền với mức quy định cụ thể sau:

a) Trong thời gian tập trung tập luyện ở trong nước:  

Đơn vị tính: đồng/người/ngày

STT

Huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển

Mức ăn hàng ngày

1

 Đội tuyển của tỉnh

150.000

2

 Đội tuyển trẻ của tỉnh

120.000

3

 Đội tuyển năng khiếu của tỉnh

90.000

b) Trong thời gian tập trung thi đấu:

Đơn vị tính: đồng/người/ngày

STT

Huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển

Mức ăn hàng ngày

1

Đội tuyển của tỉnh

200.000

2

Đội tuyển trẻ của tỉnh

150.000

3

Đội tuyển năng khiếu của tỉnh

150.000

2. Huấn luyện viên, vận động viên năng khiếu nghiệp dư

a) Huấn luyện viên lớp năng khiếu nghiệp dư được hưởng chế độ dinh dưỡng với mức 1.000.000 đồng/người/tháng.

b) Vận động viên năng khiếu nghiệp dư được hưởng chế độ bồi dưỡng 600.000 đồng/người/tháng.

3. Vận động viên tạm tuyển: áp dụng như quy định chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên đội tuyển năng khiếu của tỉnh trong thời gian tập trung tập luyện ở trong nước (90.000 đ/người/ngày).

4. Ngoài chế độ dinh dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều này, các huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh còn được hưởng chế độ thuốc bổ tăng lực theo tính chất đặc thù của từng môn thi đấu do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Điều 6. Chế độ tiền ngủ, tiền tầu xe

Huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước khi đi công tác và thi đấu tại các giải thể thao tổ chức ở trong nước được hưởng chế độ tiền ngủ và tiền tầu xe như huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Mục 2. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN CÔNG ĐỐI VỚI HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN VÀ NGƯỜI PHỤC VỤ HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN

Điều 7. Chính sách hỗ trợ tiền công đối với huấn luyện viên

1. Huấn luyện viên thể thao của tỉnh Ninh Bình ngoài mức tiền công quy định tại Điều 4 của Quy định này còn được hỗ trợ tiền công như sau:

a) Huấn luyện viên đội tuyển 1: Mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/người/tháng.

b) Huấn luyện viên đội tuyển 2: Mức hỗ trợ tối đa 4.000.000 đồng/người/tháng.

c) Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh:

- Huấn luyện viên trưởng: Mức hỗ trợ tối đa bằng tiền Việt Nam tương đương 3.000 USD/người/tháng theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán.

- Huấn luyện viên phó: Mức hỗ trợ tối đa 13.000.000 đồng/người/tháng.

- Trợ lý huấn luyện viên: Mức hỗ trợ tối đa 7.000.000 đồng/người/tháng.

- Cố vấn kỹ thuật: Mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/người/tháng.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Huấn luyện viên thể thao của tỉnh Ninh Bình là người Việt Nam trong thời gian được triệu tập để huấn luyện cho đội tuyển quốc gia được hưởng nguyên tiền công và tiền hỗ trợ.

Điều 8. Chính sách hỗ trợ tiền công đối với vận động viên

1. Vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình ngoài mức tiền công quy định tại Điều 4 của Quy định này còn được hỗ trợ tiền công như sau:

a) Vận động viên đội tuyển 1:

- Vận động viên đạt huy chương vàng tại giải vô địch quốc gia, huy chương vàng tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc hoặc huy chương bạc, huy chương đồng tại giải vô địch Đông Nam Á (hoặc tại Seagames): Mức hỗ trợ tối đa 5.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên đạt huy chương vàng tại giải vô địch Đông Nam Á hoặc tại Seagames hoặc huy chương bạc, huy chương đồng tại giải vô địch Châu Á hoặc tại Asiads: Mức hỗ trợ tối đa 13.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên đạt huy chương vàng tại giải vô địch Châu Á hoặc tại Asiads hoặc huy chương bạc, huy chương đồng tại giải vô địch Thế giới hoặc tại Olympic: Mức hỗ trợ tối đa 18.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên đạt huy chương vàng tại giải vô địch Thế giới hoặc tại Olympic: Mức hỗ trợ tối đa 50.000.000 đồng/người/tháng.

Thời gian tối đa vận động viên được hưởng hỗ trợ kể từ ngày vận động viên đạt huy chương đến kỳ tiếp theo của giải đấu vô địch (giải vô địch quốc gia, giải vô địch Đông Nam Á, giải vô địch Châu Á, giải vô địch Thế giới) hoặc kỳ tiếp theo của Đại hội (Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Seagames, Asiads, Olympic).

b) Vận động viên đội tuyển 2: Mức hỗ trợ tối đa 3.500.000 đồng/người/tháng.

c) Vận động viên đội tuyển trẻ: Mức hỗ trợ tối đa 850.000 đồng/người/tháng.

d) Vận động viên năng khiếu tập trung: Mức hỗ trợ tối đa 650.000 đồng/người/tháng.

e) Đối với vận động viên đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh:

- Vận động viên là người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam: Được hỗ trợ 5.000.000 đồng/người/tháng để tập luyện ở nước ngoài; được hỗ trợ kinh phí tối đa bằng tiền Việt Nam tương đương 3.000 USD/người/tháng theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán trong thời gian tập luyện và thi đấu cùng đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh.

- Đội trưởng: Mức hỗ trợ tối đa 23.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên bậc 1: Mức hỗ trợ tối đa 18.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên bậc 2 : Mức hỗ trợ tối đa 13.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên bậc 3: Mức hỗ trợ tối đa 5.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên bậc 4: Mức hỗ trợ tối đa 3.500.000 đồng/người/tháng.

- Vận động viên bậc 5: Mức hỗ trợ tối đa 2.000.000 đồng/người/tháng.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình trong thời gian được triệu tập vào đội tuyển quốc gia được hưởng nguyên tiền công và tiền hỗ trợ.

Điều 9. Chính sách hỗ trợ đối với người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên

Viên chức, lao động làm các nhiệm vụ: y tế, quản sinh, phục vụ nhà ăn của huấn luyện viên, vận động viên được hưởng chế độ bồi dưỡng 50.000 đồng/người/ngày làm việc thực tế.

Mục 3. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHÁC ĐỐI VỚI VẬN ĐỘNG VIÊN BÓNG CHUYỀN, VẬN ĐỘNG VIÊN KHI KHÔNG TIẾP TỤC LÀM VẬN ĐỘNG VIÊN

Điều 10. Chính sách hỗ trợ khác đối với vận động viên bóng chuyền

1. Vận động viên là người Việt Nam thuộc đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh Ninh Bình (Không áp dụng đối với vận động viên là người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam) đảm bảo một trong các điều kiện, tiêu chuẩn quy định dưới đây được hỗ trợ một lần số kinh phí tối đa bằng 20 (hai mươi) lần thu nhập một tháng hiện hưởng của vận động viên (bao gồm tiền công, hỗ trợ tiền công theo quy định tại Điều 4, Điều 8 của Quy định này) để ổn định cuộc sống lâu dài (đối với vận động viên chuyển nhượng thì khoản hỗ trợ này chính là kinh phí chuyển nhượng):

- Được triệu tập đi thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền quốc gia.

- Được công nhận là vận động viên kiện tướng từ 06 (sáu) năm (cộng dồn) trở lên.

- Vận động viên chuyển nhượng (từ đơn vị khác hoặc vận động viên tự do) về thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh Ninh Bình.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 11. Chính sách hỗ trợ các vận động viên khi không tiếp tục làm vận động viên thể thao

Vận động viên đội tuyển bóng chuyền hạng mạnh của tỉnh; vận động viên thuộc các môn thể thao khác của tỉnh Ninh Bình đạt huy chương tại giải Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và giải quốc tế không còn khả năng thi đấu mà thôi không làm vận động viên thể thao, nếu tham gia các lớp đào tạo thì ngoài khoản kinh phí được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ còn được hỗ trợ kinh phí bằng 100% học phí của một khóa đào tạo theo quy định của cơ sở đào tạo với mức tối đa bằng với học phí của một khóa học đại học tại Trường Đại học Thể dục thể thao Trung ương.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách theo Quy định này do Ngân sách tỉnh đảm bảo.

2. Cơ quan được giao chủ trì bảo đảm chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao; người phục vụ các huấn luyện viên, vận động viên thể thao có trách nhiệm lập dự toán kinh phí, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung Quy định

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh để giải quyết; những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.