Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2006/NQ-HĐND

Gia Nghĩa, ngày 03 tháng 8 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN "QUY ĐỊNH CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP, GIAO THÔNG, THỦY LỢI VÀ LƯỚI ĐIỆN HẠ ÁP NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010"

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP , ngày 16 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN , ngày 25 tháng 9 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện kiên cố hóa kênh mương;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg , ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 1232/TTr- UBND, ngày 23 tháng 6 năm 2006 về việc đề nghị thông qua Đề án quy định cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục công lập, giao thông, thủy lợi và lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra số 25/BC-KTNS, ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu tham dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án "Quy định cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở giao dục công lập, giao thông, thủy lợi và lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 2006 - 2010" (Có đề án kèm theo).

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông khóa I, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2006.

 

 

CHỦ TỊCH




K’Beo

 

ĐỀ ÁN

QUY ĐỊNH CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP, GIAO THÔNG, THỦY LỢI VÀ LƯỚI ĐIỆN HẠ ÁP NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND, ngày 03 tháng 8 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Phần I

THỰC TRẠNG CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG 2 NĂM 2004 - 2005

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ CƠ CẤU VỐN ĐẦU TƯ.

Tỉnh Đăk Nông có diện tích tự nhiên là 651.344 ha và dân số gần 400.000 người, bao gồm 6 huyện và 1 thị xã. Xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, trung tâm tỉnh lỵ là một thị trấn nhỏ của huyện đặc biệt khó khăn, gần 50% số xã trong tỉnh thuộc diện xã vùng III, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người tỉnh Đăk Nông còn quá thấp so với bình quân chung cả nước. Do đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của Tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về đầu tư và xây dựng, ngày 17 tháng 3 năm 2004, UBND lâm thời tỉnh Đăk Nông đã ra Quyết định số 29/2004/QĐ-UB và Quyết định số 30/2004/QĐ-UB về việc ban hành quy định tạm thời cơ cấu vốn đầu tư xây dựng trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên và giao thông. Về cơ chế huy động vốn đầu tư Chương trình kiên cố hóa kênh mương, điện hạ áp vẫn áp dụng theo Quyết định số 1081/2001/QĐ-UB ngày 23 tháng 04 năm 2001 và Công văn số 1894/CV-UB ngày 09 tháng 10 năm 2000 của UBND tỉnh Đăk Lăk.

Qua thời gian triển khai các Quyết định trên, kết quả đầu tư và thanh toán vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, lưới điện hạ áp nông thôn, trường học - trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Đăk Nông trong 2 năm 2004 và 2005 như sau:

1. Về xây dựng các cơ sở giáo dục công lập.

Tổng dự toán các công trình thực hiện theo cơ cấu trên là: 35.582 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư 30.432 triệu đồng chiếm 85,5%; ngân sách huyện - xã và huy động 5.160 triệu đồng chiếm 14,5%; ngân sách huyện và vốn huy động đã thanh toán 2.743 triệu đồng, chiếm 53% phần đóng góp của ngân sách huyện xã và huy động, tương ứng 8% tổng vốn đầu tư.

2. Về xây dựng các công trình giao thông.

Tổng kinh phí đầu tư các công trình giao thông thực hiện theo cơ cấu trên là 151.664 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh: 132.253 triệu đồng; ngân sách huyện, xã và huy động 19.411 triệu đồng. Đến nay, ngân sách huyện xã và nguồn huy động nhân dân đã bố trí: 3.200 triệu đồng đạt 17% phần ngân sách huyện xã và huy động nhân dân tham gia vào dự án, tương ứng 2,1% tổng vốn đầu tư.

3. Về thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Đăk Nông là tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, suất đầu tư cho thuỷ lợi lớn, trong đó có những công trình thuỷ lợi mà kinh phí đầu tư cho phần kiên cố hoá kênh mương chiếm tỷ lệ lớn dẫn đến khó khăn cho việc bố trí vốn đầu tư (kể cả nguồn huy động trong nhân dân) để đầu tư. Qua 2 năm 2004 - 2005 tổng kinh phí đầu tư cho thuỷ lợi là 43.685 triệu đồng; trong đó, phần tham gia cơ cấu từ ngân sách huyện, xã và huy động là 5.179 triệu đồng chiếm 11,8% tổng dự toán. Đến nay, nguồn vốn này còn nợ gần 4.000 triệu đồng tương đương 80% phần đóng góp của ngân sách huyện xã và huy động trong nhân dân.

4. Về đầu tư phần điện hạ áp nông thôn.

Trong 2 năm 2004 và 2005 trên địa bàn tỉnh đã đầu tư chuyển tiếp và mở mới 9 công trình điện sinh hoạt nông thôn có cơ cấu vốn đầu tư phần hạ áp theo Công văn số 1894/CV-UB ngày 09 tháng 10 năm 2000 của UBND tỉnh Đăk Lăk (cũ). Với tổng dự toán là 8.247 triệu đồng, trong đó phần đóng góp của ngân sách huyện, xã và huy động trong nhân dân là 2.445 triệu đồng chiếm 30%. Đến cuối năm 2005 đã thanh toán 1.561 triệu đồng đạt 64% phần đóng góp của ngân sách huyện xã và huy động nhân dân, tương ứng 19% tổng vốn đầu tư.

II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG CÁC QUY ĐỊNH CƠ CẤU VỐN ĐẦU TƯ TỈNH ĐĂK NÔNG ĐÃ ÁP DỤNG TRONG 2 NĂM 2004 VÀ 2005.

1. Ưu điểm.

Các Quyết định số 29/QĐ-UB và số 30/QĐ-UB, ngày 17 tháng 3 năm 2004 của UBND lâm thời tỉnh Đăk Nông ban hành kịp thời đã giải quyết nhu cầu cấp bách về tính pháp lý để các địa phương chủ động bố trí ngân sách và tổ chức huy động các thành phần kinh tế và người hưởng lợi tham gia vốn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương, đặc biệt là xây dựng trường học và phần điện hạ áp nông thôn, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Trong quá trình thực hiện cũng đã có một số xã, huyện tích cực và đã thực hiện được tương đối tốt cơ cấu này.

2. Hạn chế, tồn tại.

Trong điều kiện nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh còn rất lớn, khả năng đóng góp của ngân sách huyện, xã và huy động nhân dân hạn chế, do nguồn thu ngân sách của huyện, xã phần lớn phụ thuộc tỉnh cân đối, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt, suất đầu tư cao so với mặt bằng chung của cả nước… Trong khi, quy định mức đóng góp của ngân sách huyện, xã và huy động khá cao vì thế việc thực hiện các quy định về cơ cấu nguồn vốn trên không được đầy đủ. Từ đó dẫn đến nợ phần ngân sách huyện, xã và nguồn huy động trong nhân dân với các đơn vị thi công sau khi công trình nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tính đến cuối năm 2005 theo báo cáo của UBND các huyện và thị xã Gia Nghĩa thì nợ vốn xây dựng cơ bản và đền bù giải phóng mặt bằng là 37.654 triệu đồng, trong đó nợ vốn xây dựng cơ bản thuộc phần đóng góp của ngân sách huyện xã và khoản huy động người hưởng lợi là: 22.654 triệu đồng, nợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng là 15.000 triệu đồng.

Mặt khác, sự tích cực, chủ động của nhiều chủ đầu tư trong việc tạo thêm nguồn thu ngân sách và huy động đóng góp xây dựng các công trình cũng còn hạn chế, còn ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của ngân sách cấp trên; việc thực hiện dân chủ cơ sở trong đầu tư, việc quản lý, sử dụng các công trình đã đầu tư còn nhiều hạn chế vv…làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định trên trong thời gian qua. Qua kiểm tra cho thấy nhiều UBND huyện chưa lập được phương án huy động vốn, chưa giao trách nhiệm huy động vốn cho UBND các xã từng công trình cụ thể, nhiều công trình thủy lợi của tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong những năm qua chưa có chủ quản lý sử dụng công trình, như: Công ty khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thuỷ nông cơ sở, hợp tác xã, hội dùng nước...mà hầu hết chỉ giao cho ủy viên phụ trách thủy lợi của xã quản lý chung, chính từ đó công trình thủy lợi xuống cấp nhanh, không thu được thuỷ lợi phí để tích luỹ tái đầu tư; các công trình giao thông cũng tương tự như vậy.

Phần II

SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Để có cơ sở pháp lý huy động nguồn nội lực trong nhân dân, nguồn ngân sách các cấp trong việc đầu tư xây dựng: Giao thông, thủy lợi, đường dây hạ áp; các cơ sở giáo dục công lập… đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 24/1999/NĐ-CP , ngày 16 tháng 04 năm 1999 của Chính phủ. Các Quy định trên đến nay không còn phù hợp với các chính sách của Nhà nước đang áp dụng về việc hỗ trợ các khoản đóng góp xây dựng trường học, thuỷ lợi phí ở vùng III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời việc thực hiện các Quy định tạm thời trong thời gian dài là không hợp lý.

Nhằm khắc phục một số vướng mắc trong quá trình thực hiện các Quyết định nêu trên nhất là khả năng huy động vốn trong nhân dân, khả năng đầu tư từ ngân sách cấp huyện và xã vào đầu tư các công trình đường giao thông huyện, đường xã, chương trình kiên cố hóa kênh mương. Thống nhất lại quy định về cơ cấu các nguồn vốn đầu tư của các công trình cơ sở hạ tầng nói trên.

Mặt khác, việc xây dựng và áp dụng các Quyết định trong thời gian qua còn rời rạc, một số quy định chưa đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý. Do đó, cần phải hệ thống hoá lại các Quyết định và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh để đảm bảo tính pháp lý trong đầu tư xây dựng.

Với những lý do trên việc xây dựng Đề án quy định cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục công lập, giao thông, thuỷ lợi và điện hạ áp nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 là rất cần thiết để làm cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành và người hưởng lợi có trách nhiệm tham gia và quản lý vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh.

II. MỤC TIÊU.

Huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân, nguồn ngân sách của các cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác; đồng thời để nâng cao tinh thần trách nhiệm và tạo sự chủ động cho các cấp các ngành trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các xã có hệ thống giáo dục mầm non, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên được xây dựng kiên cố; hoàn thiện các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện, đầu tư hoàn chỉnh các trục đường giao thông trong đô thị Gia Nghĩa; đảm bảo đủ nước tưới cho hơn 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhu cầu tưới; 100% thôn, buôn/bon có điện lưới quốc gia.

III. CĂN CỨ PHÁP LÝ.

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002.

Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP , ngày 16/04/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;

Căn cứ Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN , ngày 25 tháng 9 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và PTNN về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện kiên cố kênh mương;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg , ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quy định về phạm vi áp dụng.

Áp dụng cho các công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh (không áp dụng các công trình đầu tư theo các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình theo các quyết định riêng của Chính phủ và các chương trình có cơ cấu nguồn vốn riêng của HĐND tỉnh). Tập trung các công trình cơ sở giáo dục công lập (Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung học phổ thông, trung học cơ sở, mầm non, tiểu học), giao thông (đường huyện, đường xã, đường đô thị, cầu của đường nội thôn buôn, khối phố), thuỷ lợi (kênh mương loại III) và điện (lưới điện hạ áp nông thôn). Thời gian từ năm 2006 - 2010.

2. Quy định về phân loại huyện:

Phân loại huyện theo Quyết định số 190/2005/QĐ-TTg , ngày 28/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Huyện đặc biệt khó khăn: Huyện Đăk Glong, Krông Nô, Đăk Song và thị xã Gia Nghĩa.

- Huyện khó khăn: Huyện Đăk R’lấp, Đăk Mil và Cư Jút.

3. Quy định về loại hình cơ sở giáo dục công lập.

Cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên (tỉnh, huyện), trường trung học phổ thông, trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non là các cơ sở giáo dục do Nhà nước thành lập, bổ nhiệm cán bộ quản lý và giao chỉ tiêu biên chế, Nhà nước quản lý đầu tư về cơ sở vật chất và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

4. Quy định về loại đường.

- Đường huyện: Là đường nối từ trung tâm hành chính huyện tới trung tâm hành chính xã hoặc cụm xã của huyện, đường nối trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính của huyện lân cận;

- Đường xã: Là đường nối từ trung tâm hành chính xã đến các thôn, xóm, bon, buôn hoặc đường nối giữa trung tâm hành chính của xã lân cận với nhau nhằm phục vụ giao thông công cộng trong phạm vi xã;

- Đường đô thị: Là đường giao thông nằm trong nội thị thuộc phạm vi địa giới hành chính của thị xã, thị trấn;

- Đường nội thôn, buôn/bon, tổ dân phố: Là đường giao thông nằm trong nội thôn, buôn/bon hoặc đường hẻm đô thị có mặt cắt ngang ≤ 4m.

5. Quy định về kênh mương.

a) Đối tượng áp dụng:

Vùng khan hiếm nước, các tuyến kênh nổi, đất thấm nước lớn, kênh qua vùng đất kết cấu không ổn định, vùng có địa hình chia cắt phức tạp, công trình đầu mối là hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, kênh đi qua vùng ven đô thị, thôn, buôn/bon.

Đối tượng chưa áp dụng vào kiên cố hoá kênh mương:

- Kênh tiêu và kênh tưới tiêu kết hợp.

- Kênh tưới thuộc các hệ thống có nguồn nước tương đối đảm bảo, trong các năm qua không bị thiếu nước do hạn hán.

b) Phân loại kênh mương.

- Kênh loại I: Gồm các kênh trục chính thuộc các công trình thuỷ lợi vừa và lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư và một số tuyến kênh liên huyện, liên xã quan trọng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư trực tiếp hoặc thông qua tỉnh.

- Kênh loại II: Gồm các kênh trục chính liên huyện, liên xã còn lại (không thuộc kênh loại I) hoặc nằm trong một xã nhưng có quy mô phụ trách tưới từ 50ha lúa nước hoặc 150ha cà phê trở lên.

- Kênh loại III: Là những kênh nằm trong một xã, kênh liên thôn, buôn/bon, hoặc kênh trục chính đảm nhận diện tích tưới dưới 50ha lúa nước hoặc dưới 150ha cà phê.

(Đối với kênh tưới cả lúa và cà phê thì quy đổi 1ha lúa tương đương với 3ha cà phê; đối với kênh tưới cho bắp, rau, đậu, cây ăn quả, chăn nuôi thuỷ sản...thì quy mô tính theo diện tích tương ứng với lượng nước quy đổi với mức tưới cho một ha lúa nước).

II. QUY ĐỊNH VỀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ.

A. XÂY DỰNG CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP.

1. Trung tâm giáo dục thường xuyên: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

2. Trường trung học phổ thông.

a) Huyện đặc biệt khó khăn: Ngân sách tỉnh 80% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 20% tổng mức đầu tư;

b) Huyện khó khăn: Ngân sách tỉnh 70% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 30% tổng mức đầu tư;

3. Trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

3.1. Trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (áp dụng không phải trường đạt chuẩn Quốc gia).

a) Xã khu vực III: Ngân sách tỉnh 90% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 10% tổng mức đầu tư;

b) Xã khu vực II: Ngân sách tỉnh 70% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 30% tổng mức đầu tư;

c) Xã khu vực I: Ngân sách tỉnh 60% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 40% tổng mức đầu tư;

3.2. Trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia: Ngân sách tỉnh đầu tư tăng thêm 10% so với quy định tại mục 2 và 3.1 nêu trên;

B. XÂY DỰNG GIAO THÔNG.

1. Đường huyện.

a) Huyện đặc biệt khó khăn (Huyện Đăk Glong, Krông Nô, Đăk Song): Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

b) Huyện khó khăn: Ngân sách tỉnh 90% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 10% tổng mức đầu tư;

c) Công trình cầu: Cầu vĩnh cửu và có nhịp cầu lớn hơn 6m, ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư; cầu có tổng chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 6m theo cơ cấu nguồn vốn như mục 1, khoản a, b nêu trên;

2. Đường đô thị.

a) Đường nội thị trấn huyện:

- Huyện đặc biệt khó khăn: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

- Huyện khó khăn: Ngân sách tỉnh 90% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 10% tổng mức đầu tư;

- Công trình cầu: Thực hiện theo mục 1, khoản c nêu trên;

b) Đường và cầu thị xã Gia nghĩa:

- Đường và cầu do tỉnh quản lý: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

- Đường và cầu do Thị xã quản lý: Ngân sách tỉnh 70% tổng mức đầu tư; ngân sách thị xã, phường (xã) và huy động 30% tổng mức đầu tư;

UBND thị xã tổ chức huy động vốn đối với các hộ ở 2 bên đường do ngân sách tỉnh đầu tư. Mức huy động bằng mức huy động đóng góp của các hộ dân ở 2 bên các trục đường giao thông liền kề do UBND thị xã quản lý.

3. Đường xã.

a) Xã khu vực III: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

b) Xã khu vực II: Ngân sách tỉnh 90% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 10% tổng mức đầu tư;

c) Xã khu vực I: Ngân sách tỉnh 80% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 20% tổng mức đầu tư;

d) Công trình cầu: Thực hiện theo mục 1, khoản c nêu trên;

4. Đường nội thôn buôn/bon, tổ dân phố.

- Đường nội buôn/bon (vùng đồng bào dân tộc): Ngân sách tỉnh 80% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 20% tổng mức đầu tư;

- Đường nội thôn, tổ dân phố: Ngân sách huyện, xã và huy động 100% tổng mức đầu tư;

- Công trình cầu vĩnh cửu: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

C. XÂY DỰNG KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG THUỶ LỢI.

1. Kênh loại I: Ngân sách Trung ương 100% tổng mức đầu tư;

2. Kênh loại II: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

3. Kênh loại III:

Mức vốn hỗ trợ ngân sách tỉnh xác định như sau:

a) Xã khu vực III:

- Kênh lấy nước từ trạm bơm điện; Kênh lấy nước từ hồ, đập và các nguồn khác: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư.

b) Xã khu vực II và I:

- Kênh lấy nước từ trạm bơm điện: Ngân sách tỉnh 60% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 40% tổng mức đầu tư;

- Kênh lấy nước từ hồ, đập và các nguồn khác: Ngân sách tỉnh 50% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 50% tổng mức đầu tư.

D. XÂY DỰNG PHẦN HẠ ÁP LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng đường dây trung áp và trạm biến áp do ngành điện đầu tư. Phần lưới điện hạ áp do ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và huy động trong nhân dân để đầu tư, cụ thể như sau:

1. Các thôn, buôn/bon là khu căn cứ cách mạng, có công với cách mạng; các thôn, buôn/bon đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn, buôn thuộc khu vực III của tỉnh: Ngân sách tỉnh 100% tổng mức đầu tư;

2. Các thôn, buôn/bon thuộc khu vực II: Ngân sách tỉnh 80% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 20% tổng mức đầu tư;

3. Các đối tượng còn lại: Ngân sách tỉnh 70% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện, xã và huy động 30% tổng mức đầu tư;

E. CHI PHÍ ĐỀN BÙ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CANH - ĐỊNH CƯ.

Ngân sách giải quyết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP , ngày 03/12/2004 của Chính phủ.

Kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định canh - định cư được đưa vào tổng mức đầu tư. Mức thiệt hại của người dân cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được tính vào khoản đóng góp của họ vào dự án.

Các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án và định kỳ có sơ, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện cho Hội đồng nhân dân tỉnh.