Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/2018/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 07 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI SẢN VĂN HÓA DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH, CA TRÙ, TRUYỆN KIỀU, MỘC BẢN TRƯỜNG HỌC PHÚC GIANG VÀ HOÀNG HOA SỨ TRÌNH ĐỒ, GIAI ĐOẠN 2018 - 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Sau khi xem xét Tờ trình số 232/TTr-UBND, ngày 09 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng

a) Các di sản văn hóa gồm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ;

b) Các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Trò Kiều trên địa bàn Hà Tĩnh;

c) Các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực di sản văn hóa của tỉnh. Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trực tiếp hoặc liên quan trong lĩnh vực di sản văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh.

2. Phạm vi, thời gian

a) Phạm vi: Trong phạm vi tỉnh Hà Tĩnh.

b) Thời gian: Giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo.

Điều 2. Mục tiêu chung

Bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng nhân cách con người, phát huy những giá trị truyền thông tốt đẹp. Khai thác và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, trở thành những sản phẩm văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Điều 3. Mục tiêu cụ thể

1. Đối với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

a) Trên 90% đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn có Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hoạt động hiệu quả. Mỗi Câu lạc bộ có số lượng tối thiểu 10 thành viên;

b) 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đưa nội dung Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào truyền dạy; 100% giáo viên âm nhạc được đào tạo, tập huấn về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh;

c) Tổ chức liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp huyện, các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trong trường học theo ngành, và cấp tỉnh; tham gia liên hoan với tỉnh Nghệ An;

d) Xuất bản ít nhất từ 03 - 05 ấn phẩm về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh;

đ) Phục dựng từ 05 - 07 không gian diễn xướng Dân ca Ví, Giặm, gắn với việc khai thác, phát triển du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.

2. Đối với Ca trù

a) Duy trì và tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm và Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ. Thành lập mới từ 02 - 05 câu lạc bộ Ca trù ở các huyện, thành phố, thị xã. Mỗi năm đào tạo ít nhất 05 ca nương, kép đàn Ca trù;

b) Định kỳ tổ chức Liên hoan Ca trù tại huyện Nghi Xuân và tham gia đầy đủ liên hoan Ca trù toàn quốc.

3. Đối với Truyện Kiều

a) 100% trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trong tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa về Truyện Kiều, khuyến khích các trường học tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du hàng năm.

b) Duy trì và tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ Trò Kiều hiện có và phát triển thêm ít nhất 01-03 Câu lạc bộ Trò Kiều; tổ chức thi lẩy Kiều, ngâm Kiều, đọc thuộc Kiều... Tổ chức Festival Nguyễn Du - Truyện Kiều vào năm 2020;

c) Xuất bản các ấn phẩm về Nguyễn Du, Truyện Kiều và tác phẩm của các danh nhân dòng họ Nguyễn - Tiên Điền;

4. Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ

a) Phục chế 100% phiên bản mộc bản nhằm phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày và giới thiệu rộng rãi cho công chúng.

b) Xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và các di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Huy-Trường Lưu.

c) Xây dựng và thực hiện quy hoạch làng văn hóa - du lịch Trường Lưu, trong đó có Trung tâm giới thiệu, quảng bá, phát huy Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ...

Điều 4. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá, trao truyền các di sản văn hóa nhằm phát huy các di sản để trở thành những sản phẩm đặc trưng riêng của quê hương, dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh..

2. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác, quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện đối với lĩnh vực di sản văn hóa; kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với các Câu lạc bộ, các nghệ nhân, các thiết chế văn hóa.

3. Tổ chức tập huấn cho các nghệ nhân và các chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Trò Kiều. Tăng cường đào tạo đội ngũ nghệ nhân kề cận; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Trò Kiều (và các câu lạc bộ có nội dung, hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp) hiện có. Thành lập mới các câu lạc bộ tại các địa phương.

4. Khảo sát, điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật, hội thảo; xuất bản, tái bản các ấn phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ.

5. Chủ động phối hợp và khuyến khích các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cá nhân có khả năng và tâm huyết trong và ngoài nước tham gia các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá... giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của quê hương Hà Tĩnh, trong đó có Ví, Giặm, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ.

6. Xem xét bổ sung vào tiêu chí văn hóa các xã về đích nông thôn mới phải có ít nhất một Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hoặc Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tổng hợp hoạt động có hiệu quả.

7. Phục dựng các không gian diễn xướng Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Trò Kiều, gắn với các đình, làng, như: Đình Hội Thống, huyện Nghi Xuân; đình Chợ Trổ, Khu lưu niệm Nguyễn Du; đình Trung, huyện Đức Thọ; đình Tương Nịu, huyện Thạch Hà; đình Trường Lưu, huyện Can Lộc...

8. Xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh tại vị trí mới, trong đó có không gian trưng bày Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ... Xây dựng nhà biểu diễn và đầu tư trang thiết bị cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương.

9. Trùng tu, tôn tạo Khu di tích Nguyễn Công Trứ, Đền Xứ Ca trù Cổ Đạm và các di tích lịch sử liên quan đến Ca trù.

10. Xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu gắn với Trung tâm giới thiệu, quảng bá, phát huy Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và các tác phẩm của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu.

11. Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2169/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 12 năm 2015.

12. Thực hiện các chính sách ưu đãi về mặt bằng, hỗ trợ lãi suất tín dụng, chi phí đào tạo nhân lực... nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ. Hỗ trợ kinh phí thành lập đoàn nghệ thuật tư nhân, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thông của các doanh nghiệp.

13. Thực hiện việc thu hút các tài năng về nghệ thuật, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực di sản văn hóa, đặc biệt là ở các chuyên ngành như Hán Nôm, Nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa dân gian về công tác trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã bố trí cán bộ phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa đúng chuyên môn, chuyên ngành.

Điều 5. Về cơ chế, chính sách

1. Bố trí 100% kinh phí tư liệu hóa, số hóa các làn điệu, lời cổ, bản cổ về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Trò Kiều, các bản Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ.

2. Bố trí kinh phí hoạt động hàng năm cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy, tập huấn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều; kinh phí quảng bá, phổ biến, tuyên truyền Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ; kinh phí sưu tầm, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn trong nước.

3. Đối với các Ca nương, kép dàn trong lĩnh vực Ca trù, nghệ nhân Trò Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều... khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh thì được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí.

4. Các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mới thành lập, năm đầu được hỗ trợ: 30.000.000đ/Câu lạc bộ; những năm tiếp theo hoạt động thiết thực, bền vững thì hỗ trợ: 5.000.000đ/Câu lạc bộ/năm.

5. Các Câu lạc bộ Ca trù, Trò Kiều thành lập mới: Hỗ trợ 100.000.000đ/Câu lạc bộ cho năm đầu tiên đi vào hoạt động, những năm tiếp theo hoạt động thiết thực, bền vững thì hỗ trợ 30.000.000đ/Câu lạc bộ /năm.

6. Hỗ trợ trên 50% kinh phí sưu tầm, xuất bản các ấn phẩm về Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và các tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du và các tác giả tiêu biểu của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, Nguyễn Huy - Trường Lưu. Ủy ban nhân dân tỉnh quy định định mức cụ thể và cơ chế hỗ trợ đối với từng ấn phẩm.

7. Về kinh phí phục dựng không gian diễn xướng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hoạt động đối với Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ, Làng văn hóa Trường Lưu, các di tích lịch sử - văn hóa liên quan: Căn cứ quy mô, mức độ, nhu cầu thiết yếu và khả năng ngân sách, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các ngành liên quan tính toán mức kinh phí phù hợp, trong đó ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để đầu tư thực hiện các dự án đã xác định hoàn thành trước năm 2022.

8. Các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ: Được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh đã ban hành.

9. Khen thưởng cho các Nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các tiết mục và các CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Trò Kiều khi tham gia liên hoan khu vực và quốc gia được thực hiện theo chính sách quy định của tỉnh.

10. Ngoài việc chi trả phụ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân đã được phong tặng là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, tỉnh hỗ trợ cho một nghệ nhân ưu tú 1.000.000đ/người/tháng, nghệ nhân nhân dân 1.500.000đ/người/tháng.

11. Kinh phí động viên, khuyến khích cho các tài năng, nghệ nhân trẻ: Được áp dụng theo Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND, ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Các chính sách, quy định trước đây của tỉnh trái với Nghị quyết này đều bị bãi bỏ.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện có nội dung cần thiết điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo - tin học VP UBND tỉnh;
- Trung tâm thông tin VP HĐND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn