Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1040/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 19 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC TƯ PHÁP; LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI; NỘI VỤ; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/08/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Thực hiện Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 25/01/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2018;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tuyên Quang năm 2018.

Điều 2. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệc lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở; Thủ trưởng Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục KSTTHC-VPCP (báo cáo);
- Các Bộ: Tư pháp; LĐTB&XH; Nội vụ; NN&PTNT (báo cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học - Công báo;
- Như Điều 3 (thực hiện);
- Lưu VT, KSTTHC (H).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hải Anh

 

PHƯƠNG ÁN

ĐƠN GIẢN HÓA 19 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (TTHC) LĨNH VỰC TƯ PHÁP; LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI; NỘI VỤ; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1040/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

I. LĨNH VỰC TƯ PHÁP (13 thủ tục)

I.1. Thủ tục hành chính cấp tỉnh (03 thủ tục)

* Lĩnh vực quốc tịch (01 thủ tục)

1. Thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam ở trong nước

a) Nội dung đơn giản hóa: Về trình tự, thủ tục giải quyết, cụ thể:

Đề nghị sửa đổi bước: "... đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp và gửi đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư phápthành "... đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam gửi đăng trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp".

Lý do: Tại khoản 2 Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, quy định: “Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp và gửi đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp”. Tuy nhiên, việc đăng báo viết thì số lượng người được tiếp cận thông tin ít, nhiều Báo địa phương không phát hành hàng ngày; chi phí đăng báo cao (vì cơ quan Báo thu theo mức thu quảng cáo) trong khi lại phải đăng ba số liên tiếp, cơ quan Báo không có chuyên mục riêng về vấn đề quốc tịch nên thông tin đăng báo không đầy đủ, không tạo được thói quen cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân trong việc khai thác hoặc cung cấp thông tin, Vì vậy, việc sửa đổi quy định đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp đảm bảo sự công khai việc xin thôi quốc tịch Việt Nam, tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo thói quen cho các cơ quan, tổ chức khai thác thông tin trên môi trường mạng Internet.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

Việc sửa đổi trình tự một bước nêu trên tạo một kênh thông tin chính thức về xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Website Tỉnh/Sở Tư pháp/Bộ Tư pháp, từ đó góp phần công khai việc xin thôi quốc tịch Việt Nam, tạo thói quen cho các cơ quan, tổ chức khai thác thông tin trên môi trường mạng Internet, giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền nắm bắt được thông tin kịp thời, thuận tiện; góp phần giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính (giảm chi phí đăng báo, văn phòng phẩm, nhân lực thực hiện). Cụ thể:

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 993.750 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 328.125 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 665.625 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 33 %.

* Lĩnh vực Tư vấn pháp luật (01 thủ tục)

2. Thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh

a) Nội dung đơn giản hóa: Về thành phần hồ sơ

Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Giấy xác nhận trụ sở mới của Trung tâm, Chi nhánh trong trường hợp thay đổi trụ sở” đối với trường hợp Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh thay đổi trụ sở.

Lý do:

- Điều 15 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định:

“Điều 15. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh

Trong trường hợp thay đổi trụ sở, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư, thì Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.”

- Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định:

“Điều 7. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh

1. Chậm nhất là mười ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thay đổi trụ sở hoặc Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư, thì Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải gửi thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động về việc thay đổi, kèm theo bản chính Giấy đăng ký hoạt động và các giấy tờ sau đây:

a) Giấy xác nhận trụ sở mới của Trung tâm, Chi nhánh trong trường hợp thay đổi trụ sở;

b) Quyết định về việc cử Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh trong trường hợp thay đổi Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh;

c) Hồ sơ đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, hồ sơ của luật sư trong trường hợp bổ sung tư vấn viên pháp luật, luật sư. Sở Tư pháp xem xét, cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người được đề nghị”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp thay đổi trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh quy định thành phần hồ sơ bao gồm Giấy xác nhận trụ sở mới của Trung tâm, Chi nhánh trong trường hợp thay đổi trụ sở” không cần thiết. Bởi lẽ, trong quá trình thay đổi trụ sở, Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải được sự đồng ý của tổ chức chủ quản và có giấy tờ chứng minh về việc thay đổi đó. Nên việc thay đổi này, chỉ cần có thông báo bằng văn bản và bản chính Giấy đăng ký hoạt động để Sở Tư pháp ghi nhận sự thay đổi và vào sổ theo dõi.

b) Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

Tạo thuận lợi, linh hoạt cho Trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh trong việc thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động; giảm chi phí xác nhận, văn phòng phẩm, nhân lực...

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 4.543.710 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.607.770 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 935.940 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 21 %.

* Lĩnh vực Trọng tài thương mại (01 thủ tục)

3. Thủ tục cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

a) Nội dung đơn giản hóa: Về thành phần hồ sơ

Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Giấy xác nhận về việc bị mất Giấy đăng ký hoạt động của công an cấp xã nơi mất giấy tờ (trong trường hợp bị mất)”.

Lý do: Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy đinh:

“Điều 12. Cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động

1. Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam mà Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động bị mất, rách, nát, cháy hoặc bị tiêu hủy có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp lại đến cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động để được cấp lại. Hồ sơ đề nghị cấp lại gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;

b) Giấy xác nhận về việc bị mất Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của công an cấp xã nơi mất giấy tờ”.

Tuy nhiên, việc quy định thành phần hồ sơ bao gồm “Giấy xác nhận về việc bị mất Giấy đăng ký hoạt động của công an cấp xã nơi mất giấy tờ (trong trường hợp bị mất)” là không cần thiết, mang tính chất hình thức, làm phát sinh thêm thủ tục xin xác nhận, tốn kém thời gian, chi phí của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính. Vì hầu hết các trường hợp Công an cấp xã không thể biết việc mất giấy đăng ký hoạt động là có xảy ra thật hay không.

Đồng thời, tại Mẫu Đơn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài/Chi nhánh Trung tâm trọng tài/Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (Mẫu số 12/TP-TTTM) đã có đầy đủ các nội dung kê khai cần thiết về việc đăng ký hoạt động và cam kết của tổ chức trọng tài về tính trung thực và chính xác của nội dung đơn đề nghị.

b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:

+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 4.543.710 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.607.770 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm: 935.940 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 21 %.

I.2. Thủ tục hành chính cấp huyện (06 thủ tục)

* Lĩnh vực hộ tịch: Nhóm 04 thủ tục, gồm:

- Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

- Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.

- Thủ tục đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài.

- Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.

a) Nội dung đơn giản hóa: Về cách thức thực hiện, cụ thể:

Đề nghị sửa đổi cách thức thực hiện việc nộp hồ sơ: Từ "Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch ... " thành "Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký hộ tịch ... ".

Lý do: Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: "Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch ... ". Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài không yêu cầu bắt buộc các bên phải có mặt, mà chỉ một bên cũng có thể thực hiện việc nộp hồ sơ, chỉ khi tiến hành đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn mới bắt buộc các bên phải có mặt để thể hiện sự tự nguyện và ký vào sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con. Ngoài ra, trên thực tế khi nộp hồ sơ vẫn có cách thức thực hiện khác tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý (như: nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích kèm theo các thành phần hồ sơ có chứng thực, …). Vì vậy, việc quy định về cách thức thực hiện chỉ một hình thức là nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch là không cần thiết, không tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

b) Kiến nghị thực thi

Sửa đổi khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

Việc sửa đổi cách thức nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn nhằm đảm bảo thuận tiện cho người yêu cầu khi thực hiện thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân.

* Thủ tục Đăng ký lại khai sinh

a) Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị bỏ quy định "người yêu cầu đăng ký lại khai sinh phải cam đoan đã nộp đủ các loại giấy tờ mình có" tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ.

Lý do: Quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 15/2015/TT-BTP đã yêu cầu người đăng ký lại khai sinh phải nộp đủ các loại giấy tờ được cấp hợp lệ (bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực) nhưng người đăng ký lại khai sinh lại phải cam đoan đã nộp đủ, như vậy lại làm phát sinh thêm giấy tờ phải nộp gây phiền hà cho người dân.

b) Kiến nghị thực thi

Sửa đổi khoản 3 Điều 9 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ theo hướng nên quy định nội dung cam đoan đã nộp đủ các loại giấy tờ trong tờ khai đăng ký lại việc sinh.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 5.000.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 2.500.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 2.500.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 50 %.

* Thủ tục Đăng ký khai tử

a) Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị sửa đổi điểm đ, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ: "Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử".

Lý do: Theo quy định nêu thì UBND cấp xã nơi có người chết sẽ phải thực hiện 02 TTHC với cùng một nội dung, cùng một đối tượng đó là thủ tục cấp giấy báo tử và thủ tục đăng ký khai tử, quy định này sẽ tạo ra phiền hà cho người đi đăng ký và sự chồng chéo trong giải quyết thủ tục hành chính.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi nội dung quy định tại điểm đ, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ theo hướng chỉ thực hiện 01 TTHC là thủ tục đăng ký khai tử hoặc thủ tục cấp giấy báo tử.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 20.000.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 10.000.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 10.000.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 50 %.

I.3. Thủ tục hành chính cấp xã (04 thủ tục)

* Lĩnh vực hộ tịch: Nhóm 04 thủ tục, gồm:

- Thủ tục đăng ký kết hôn.

- Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

- Thủ tục đăng ký lại kết hôn.

- Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con.

a) Nội dung đơn giản hóa: Về cách thức thực hiện, cụ thể:

Đề nghị sửa đổi cách thức thực hiện việc nộp hồ sơ:

Từ " … trực tiếp nộp hồ sơ ... " thành " … nộp hồ sơ đến ... ".

Lý do:

- Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: "Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch ...";

- Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: "Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này; trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã...";

- Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: "Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã...".

Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn không yêu cầu bắt buộc các bên phải có mặt, mà chỉ một bên cũng có thể thực hiện việc nộp hồ sơ, chỉ khi tiến hành đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn mới bắt buộc các bên phải có mặt để thể hiện sự tự nguyện và ký vào sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con. Ngoài ra, trên thực tế khi nộp hồ sơ vẫn có cách thức thực hiện khác tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý (như: nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích kèm theo các thành phần hồ sơ có chứng thực, …). Vì vậy, việc quy định về cách thức thực hiện chỉ một hình thức là nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch là không cần thiết, không tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

b) Kiến nghị thực thi

Sửa đổi khoản 1 Điều 3; khoản 2 Điều 18; khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

Việc sửa đổi cách thức nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn nhằm đảm bảo thuận tiện cho người yêu cầu khi thực hiện TTHC và tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân.

II. LĨNH VỰC LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI (02 thủ tục)

Thủ tục hành chính cấp huyện

1. Thủ tục đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng

a) Nội dung đơn giản hóa

Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ 03 thành phần hồ sơ trong trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định.

03 thành phần hồ sơ đề nghị bãi bỏ, gồm:

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 20 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;

- Bản sao Sổ hộ khẩu quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 20 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;

- Bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 20 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.

Lý do:

* Tại khoản 1, Điều 20, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội, bao gồm:

- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

- Bản sao Sổ hộ khẩu;

- Bản sao Giấy khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân;

- Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;

- Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

* Tại khoản 2, Điều 20, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng, bao gồm:

- Tờ khai thông tin hộ gia đình theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

- Bản sao Sổ hộ khẩu;

- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

Như vậy, khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đối với trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì trong hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội đã có 03 thành phần hồ sơ đề nghị bãi bỏ nêu trên.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi khoản 2, Điều 20, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

Hiện nay, tại địa phương đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tương đối lớn (trên 2000 trường hợp) nên khi cắt giảm được các thành phần hồ sơ nêu trên là giảm được nhiều về thời gian và kinh phí thực hiện, cụ thể:

- Chi phí tuân thủ TTHC ước tính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trước khi đơn giản hóa: 13.264.400 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 7.589.600 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 5.674.800 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 43%.

2. Thủ tục đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng

a) Nội dung đơn giản hóa

Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ 04 thành phần hồ sơ trong trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định.

04 thành phần hồ sơ đề nghị bãi bỏ, gồm:

- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao Sổ hộ khẩu của hộ gia đình người khuyết tật, nếu có;

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

- Bản sao Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

Lý do:

* Tại khoản 1, Điều 20, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội, bao gồm:

- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

- Bản sao Sổ hộ khẩu;

- Bản sao Giấy khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân;

- Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;

- Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

* Tại khoản 3, Điều 20, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng, bao gồm:

- Đơn của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) về đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;

- Tờ khai thông tin người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc;

- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao Sổ hộ khẩu của hộ gia đình người khuyết tật, nếu có;

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

- Bản sao Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

Như vậy, khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng đối với trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì trong hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội đã có 04 thành phần hồ sơ đề nghị bãi bỏ nêu trên.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi khoản 3, Điều 20, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

Hiện nay, tại địa phương đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tương đối lớn (trên 2000 trường hợp) nên khi cắt giảm được các thành phần hồ sơ nêu trên là giảm được nhiều về thời gian và kinh phí thực hiện, cụ thể:

- Chi phí tuân thủ TTHC ước tính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trước khi đơn giản hóa: 13.264.400 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 7.589.600 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 5.674.800 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 43%.

III. LĨNH VỰC NỘI VỤ (01 thủ tục)

Thủ tục hành chính cấp tỉnh

Thủ tục tiếp nhận các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức

a) Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị rút ngắn về trình tự thực hiện và phân cấp thẩm quyền quyết định TTHC.

Lý do:

Điểm d Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV quy định về gửi hồ sơ đề nghị thống nhất việc tiếp nhận như sau: “Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có văn bản gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương thống nhất ý kiến trước khi quyết định tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức”.

Tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 05/2012/TT-BNV bổ sung Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV như sau: “Đối với trường hợp là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV và cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Sau đó có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền”. Như vậy, UBND cấp tỉnh được phân cấp xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển với đối tượng là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với trường hợp tiếp nhận người từ doanh nghiệp nhà nước vào công chức không qua thi tuyển, UBND cấp tỉnh chưa được phân cấp xem xét, quyết định tuyển dụng.

b) Kiến nghị thực thi

Sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

Nhằm tạo cho UBND cấp tỉnh chủ động trong việc tiếp nhận người từ doanh nghiệp nhà nước vào công chức không qua thi tuyển, cắt giảm 01 bước trong thực hiện quy trình TTHC.

IV. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (03 thủ tục)

Thủ tục hành chính cấp tỉnh

1. Thủ tục Cấp chứng nhận đăng ký tàu cá không thời hạn (đối với tàu cá nhập khẩu)

a) Nội dung đơn giản hóa

Kiến nghị cắt giảm thành phần hồ sơ: Ảnh của tàu cá nhập khẩu (02 ảnh màu cỡ 9 x 12), chụp theo hướng dọc hai bên mạn tàu.

Lý do: Tại điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, tàu cá phải được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam có thẩm quyền cấp sổ đăng kiểm và các biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam, do đó đề nghị cắt giảm thành phần hồ sơ ảnh của tàu cá nhập khẩu (02 ảnh màu cỡ 9 x 12), chụp theo hướng dọc hai bên mạn tàu.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị bãi bỏ Điểm e, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 3.559.578 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.421.619 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 137.959 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 3,876 %.

2. Thủ tục Cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời (đối với tàu cá nhập khẩu)

a) Nội dung đơn giản hóa

Kiến nghị cắt giảm thành phần hồ sơ: Ảnh của tàu cá nhập khẩu (02 ảnh màu cỡ 9 x 12), chụp theo hướng dọc hai bên mạn tàu.

Lý do: Tại điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, tàu cá phải được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam có thẩm quyền cấp sổ đăng kiểm và các biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam, do đó đề nghị cắt giảm thành phần hồ sơ ảnh của tàu cá nhập khẩu (02 ảnh màu cỡ 9 x 12), chụp theo hướng dọc hai bên mạn tàu.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị bãi bỏ Điểm e, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 3.496.619 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.358.660 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 137.959 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 3,945 %.

3. Thủ tục Cấp chứng nhận đăng ký tàu cá đóng mới

a) Nội dung đơn giản hóa

Kiến nghị cắt giảm thành phần hồ sơ: Ảnh tàu cỡ 9 x 12 (ảnh màu, chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu).

Lý do: Tại điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, tàu cá phải hoàn tất việc đăng kiểm, do đó đề nghị cắt giảm thành phần hồ sơ ảnh của tàu cá nhập khẩu (02 ảnh màu cỡ 9 x 12), chụp theo hướng dọc hai bên mạn tàu.

b) Kiến nghị thực thi

Đề nghị bãi bỏ Điểm d, khoản 1, Điểu 5 Thông tư số 24/2011/TT-BNNPTNT ngày 06/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 2.718.865 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 2.580.906 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 137.959 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 5,074 %.