Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 13/2008/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 07 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ ĐƠN GIÁ LẬP LƯỚI ĐỊA CHÍNH, ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ (CÁC TỶ LỆ: 1/200, 1/500, 1/1.000, 1/2.000 VÀ 1/5.000) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung;
Căn cứ Thông tư liên lịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập dự toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai;
Căn cứ Quyết định số 05/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc bản đồ;
Căn cứ Quyết định số 12/2007/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ địa chính bằng phương pháp đo vẽ trực tiếp;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 485/TTr-STNMT ngày 23 tháng 11 năm 2007 và của Ban Xây dựng đơn giá xây dựng cơ bản tỉnh tại Tờ trình số 1863/SXD-KTKH ngày 27 tháng 9 năm 2007 về việc quyết định ban hành Bộ đơn giá đo đạc lập lưới địa chính, bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200, 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bộ đơn giá đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, gồm:

1. Đơn giá đo đạc lưới địa chính.

2. Đơn giá đo đạc bản đồ địa chính các tỷ lệ: 1/200, 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000.

Điều 2. Bộ đơn giá đo đạc bản đồ lập lưới địa chính, lập bản đồ địa chính là cơ sở để các cá nhân, tổ chức được phép hoạt động đo đạc, lập bản đồ và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đo đạc làm căn cứ để thu và trả phí dịch vụ khi thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đối với các công trình đo đạc đặc thù, cần lập đơn giá riêng hoặc các loại hình đo đạc, lập các bản đồ khác chưa có trong Bộ đơn giá này thì chủ đầu tư công trình phải lập đơn giá và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng và quản lý thực hiện Bộ đơn giá đo đạc bản đồ kèm theo Quyết định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh hoặc biến động về tiền lương tối thiểu, tiền công lao động phổ thông hoặc có biến động lớn về giá máy, trang thiết bị, vật tư liên quan đến Bộ đơn giá thì Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Bộ đơn giá đo đạc địa chính (phần lập lưới, đo đạc bản đồ và chỉnh lý bản đồ) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

BỘ ĐƠN GIÁ

ĐO ĐẠC LẬP LƯỚI ĐỊA CHÍNH, BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH
(Tỷ lệ: 1/200, 1/500, 1/1.000, 1/2.000 và 1/5.000)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận)

THUYẾT MINH

XÂY DỰNG ĐƠN GIÁ ĐO ĐẠC LƯỚI ĐỊA CHÍNH

ĐƠN GIÁ ĐO ĐẠC LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH

(Tỷ lệ: 1/200, 1/500, 1/1.000, 1/2.000 và 1/5.000)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

- Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ;

- Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước;

- Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung;

- Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Thông tư Liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập dự toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai;

- Quyết định số 05/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc bản đồ;

- Quyết định số 12/2007/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ địa chính bằng phương pháp đo vẽ trực tiếp;

- Công văn số 3673/BTNMT-KHTC ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chuyển xếp lương khi tính chi phí nhân công trong sản phẩm đo đạc bản đồ;

- Công văn số 3279/STC-QLCS ngày 10 tháng 7 năm 2006 của Sở Tài chính Bình Thuận về quy định mức đơn giá lao động thuê ngoài.

II. CHI PHÍ:

1. Chi phí trực tiếp:

Là những chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất sản phẩm địa chính. Bao gồm chi phí: nhân công, dụng cụ, vật liệu và thiết bị.

2. Chi phí nhân công:

Gồm chi phí lao động kỹ thuật và chi phí lao động phổ thông trong quá trình sản xuất sản phẩm địa chính.

Chi phí lao động kỹ thuật

=

Số công lao động kỹ thuật theo định mức

x

Đơn giá ngày công lao động kỹ thuật

- Đơn giá tiền lương công nhân bao gồm:

+ Lương cơ bản = hệ số lương x lương tối thiểu;

+ Các khoản phụ cấp theo lương tối thiểu: phụ cấp lưu động 0,4 (tính theo công tác ngoại nghiệp); phụ cấp trách nhiệm 0,2 (nhóm 05 người), phụ cấp độc hại nguy hiểm 0,3.

* Phụ cấp lưu động = 0,4 x mức lương tối thiểu;

* Phụ cấp trách nhiệm = 0,2 x mức lương tối thiểu;

* Phụ cấp độc hại, nguy hiểm = 0,3 x mức lương tối thiểu.

+ Các khoản phụ cấp theo lương cơ bản: lương phụ = 11% lương cấp bậc:

* Lương phụ = 0,11 x mức lương cơ bản;

* Bảo hiểm xã hội 15%, bảo hiểm y tế 2% của lương cơ bản + lương phụ;

* Bảo hiểm xã hội = 15% x (mức lương cơ bản + lương phụ);

* Bảo hiểm y tế =   2% x  (mức lương cơ bản + lương phụ);

* Kinh phí công đoàn =   2% x  (mức lương cơ bản + lương phụ).

+ Hệ số ngành 1,25 áp dụng cho ngoại nghiệp do ảnh hưởng của thời tiết đến thi công.

- Định mức lao động đo vẽ lưới địa chính, bản đồ địa chính lấy theo định mức Quyết định số 12;

- Công lao động phổ thông tính cho địa bàn Bình Thuận 35.000đ/công.

3. Chi phí vật tư:

- Đơn giá vật tư đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí vận chuyển (vật liệu đã tính hao hụt 8% và công cụ dụng cụ 5%);

- Định mức vật tư đo vẽ lưới địa chính, bản đồ địa chính lấy theo định mức Quyết định số 12.

4. Chi phí khấu hao máy:

- Nguyên giá máy, tính theo Công văn số 1905/STC-QLCS ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Sở Tài chính Bình Thuận về việc cung cấp giá cả của máy móc thiết bị, dụng cụ và vật tư để làm cơ sở lập dự toán tính khấu hao;

- Thời gian sử dụng và số ca sử dụng một năm như sau: Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC;

- Giá tiêu thụ điện năng tính theo giá khu vực sản xuất là 3.000đ/Kw/giờ.

5. Chi phí chung:

- Áp dụng theo Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập dự toán công tác đo đạc bản đồ và quản lý đất đai. Cụ thể như sau:

+ Ngoại nghiệp 25% chi phí trực tiếp (chi phí trực tiếp gồm: chi phí nhân công, vật tư, khấu hao máy);

+ Nội nghiệp 20% chi phí trực tiếp.

6. Chi phí khác:

Áp dụng theo Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập dự toán công tác đo đạc bản đồ và quản lý đất đai.

III. CƠ CẤU ĐƠN GIÁ:

- Đơn giá sản phẩm lưới địa chính, bản đồ địa chính gồm các chi phí: công lao động kỹ thuật, công lao động phổ thông, chi phí vật tư, chi phí khấu hao, chi phí chung;

- Chưa tính vào đơn giá gồm: phụ cấp khu vực; chi phí khảo sát, thiết kế, dự toán; chi phí kiểm tra nghiệm thu, chi phí bồi thường thiệt hại; chi phí thuê tàu thuyền, chi phí ăn định lượng, chi phí mua nước ngọt, thu nhập chịu thuế tính trước. Các chi phí này sẽ được tính cụ thể cho từng khu đó.

IV. THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN:

1. Mảnh bản đồ:

- Mảnh bản đồ tỷ lệ 1/200: 01ha;

- Mảnh bản đồ tỷ lệ 1/500: 6,25ha;

- Mảnh bản đồ tỷ lệ 1/1.000: 25,00ha;

- Mảnh bản đồ tỷ lệ 1/2.000: 100,00ha;

- Mảnh bản đồ tỷ lệ 1/5.000: 900,00ha.

V. KẾT CẤU CỦA BỘ ĐƠN GIÁ:

Phần I: Đơn giá đo đạc lưới địa chính.

Phần II: Đơn giá đo đạc bản đồ địa chính.

 

Phần I

ĐƠN GIÁ ĐO ĐẠC LƯỚI ĐỊA CHÍNH

1. Nội dung công việc:

Lập lưới địa chính: chuẩn bị; chọn điểm trên thực địa, chôn mốc, vẽ sơ họa vị trí điểm; tiếp điểm; đo bằng GPS; tính toán bình sai; phục vụ kiểm tra nghiệm thu.

2. Phân loại khó khăn:

Phân loại khó khăn lập lưới địa chính:

- Loại 1: khu vực đồng bằng, ít cây; khu vực đồi trọc, thấp vùng trung du. Giao thông thuận tiện;

- Loại 2: khu vực đồng bằng nhiều cây; khu vực đồi vùng trung du thưa cây. Giao thông tương đối thuận tiện;

- Loại 3: vùng núi cao từ 50m đến 200m; vùng đồng lầy; vùng đồng bằng dân cư đông, nhiều kênh rạch. Giao thông không thuận tiện;

- Loại 4: vùng núi cao từ 200m đến 800m; vùng thủy triều, sình lầy, đầm lầy, thụt sâu; vùng thành phố lớn, đông dân cư, phải đo đếm, nhiều ngõ, hẻm cụt. Giao thông khó khăn;

- Loại 5: vùng hải đảo, biên giới và núi cao trên 800m. Giao thông rất khó khăn.

(Kèm biểu mẫu )

Phần II

ĐƠN GIÁ ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH

(Tỷ lệ: 1/200, 1/500, 1/1.000, 1/2.000 và 1/5.000)

1. Nội dung công việc:

1.1. Ngoại nghiệp:

a) Công tác chuẩn bị: chuẩn bị vật tư, tài liệu, kiểm nghiệm thiết bị, xác định ranh giới hành chính cấp xã với Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Lập lưới đo vẽ: thiết kế, chọn điểm, chôn mốc, đo nối, tính toán;

c) Xác định ranh giới thửa đất: xác định ranh giới thửa đất, đóng mốc giới thửa đất ở thực địa (đối với đất ở), xác định tên chủ sử dụng đất, loại đất;

d) Đo vẽ chi tiết: chuẩn bị tư tài liệu, máy đo, dụng cụ, đo vẽ chi tiết, vẽ sơ họa hiện trạng tạm đo; điều tra ghi tên người sử dụng đất, loại đất; kiểm tra, đo vẽ bổ sung sau kiểm tra;

đ) Phục vụ kiểm tra nghiệm thu.

1.2. Nội nghiệp:

a) Vẽ bản đồ gốc: chuyển kết quả đo vẽ chi tiết vào máy vi tính, lập bản gốc, tiếp biên, đánh số thửa, tính diện tích;

b) Nhập thông tin thửa đất: nhập thông tin thửa đất vào bản đồ số;

c) Lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất: lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất (đối với đất ở);

d) Xác nhận diện tích (hiện trạng) với chủ sử dụng đất;

đ) Lập sổ mục kê: lập sổ mục kê tạm theo tờ bản đồ gốc, theo tờ bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính cấp xã, tổng hợp diện tích mảnh (cả số lượng thửa, số lượng nhà);

e) Phục vụ kiểm tra nghiệm thu, giao nộp sản phẩm;

g) Biên tập bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính cấp xã;

h) Biên tập bản đồ: nhận bản đồ gốc, kiểm tra nội dung, biên tập mảnh bản đồ theo phạm vi đơn vị hành chính cấp xã;

i) Nhân bản phục vụ giao nhận diện tích, loại đất, đăng ký đất đai: chuẩn bị, in bằng máy in phun khổ Ao, phục vụ kiểm tra nghiệm thu.

2. Phân loại khó khăn:

Phân loại khó khăn lập lưới đo vẽ, xác định ranh giới thửa đất, đo vẽ chi tiết, công việc nội nghiệp.

- Khi phân loại khó khăn, ngoài căn cứ vào các nội dung quy định chung cho từng tỷ lệ bản đồ phân loại, cần xét thêm các yếu tố (tiêu chí) cụ thể ở từng khu vực như sau:

+ Nhiều thửa đất không rõ ràng, bị thực phủ che khuất: số thửa đất trung bình trên 1ha được giảm 10% so với quy định;

+ Khu sình lầy ảnh hưởng nước thủy triều, có nhiều nhà làm trên mặt nước: số thửa đất trung bình trên 1ha được giảm 20% so với quy định;

+ Khu đang quy hoạch, đất có biến động, có nhiều người sử dụng không ở tại địa phương: số thửa đất trung bình trên 1ha được giảm 20% so với quy định.

- Trong trường hợp khu vực đo vẽ chịu ảnh hưởng của cả 2 hay 3 yếu tố trên, số thửa đất trung bình trên 1ha được giảm tối đa là 25% so với quy định;

- Đối với những khu vực có các yếu tố đặc biệt khó khăn, mà các quy định về phân loại khó khăn chưa nêu được thì cơ quan chủ đầu tư công trình lập báo cáo khảo sát, trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

- Đối với đất dân cư đo vẽ tỷ lệ 1/1000 và 1/2000, khi số thửa trung bình trên 1ha chỉ đạt trên 70% so với quy định thì mức vẫn được tính bằng mức quy định; nếu số thửa trung bình trên 1ha chỉ đạt 60% đến 70% so với quy định thì mức tính bằng 0,75 mức quy định.

2.1. Phân loại khó khăn bản đồ tỷ lệ 1/200:

- Loại 1: đất dân cư nông thôn kiểu đô thị, thị trấn, ven thị xã, thành phố có cấu trúc xây dựng dạng khu phố; khu vực thị xã, thành phố có quy hoạch, mới phát triển. Trung bình dưới 50 thửa đất trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1ha phải đo vẽ trên 50 nhà thì các mức lao động đo chi tiết, lập bản vẽ được tính thêm 20% mức quy định;

- Loại 2: đất dân cư nội thị xã, nội thành phố, nhà cửa dày, quy hoạch không rõ ràng. Trung bình 51 thửa đất đến 61 thửa đất trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1ha phải đo vẽ trên 50 nhà thì các mức lao động đo chi tiết, lập bản vẽ được tính thêm 20% mức quy định;

- Loại 3: khu vực phố cũ, phố cổ: khu vực nội thành phố đã được phát triển nhưng không theo quy hoạch. Trung bình 62 thửa đến 72 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1ha phải đo vẽ trên 50 nhà thì các mức lao động đo chi tiết, lập bản vẽ được tính thêm 20% mức quy định;

- Loại 4: khu vực đô thị như loại 3 song có nhiều phố cụt, ngõ cụt, đi lại khó khăn, không thông thoáng giữa các nhà trong một ô phố. Trung bình trên 72 thửa đến dưới 90 thửa trên 1ha.

Khi số thửa trên 90 thửa, cứ 10 thửa (của số thửa vượt) được tính thêm 0,10 mức loại khó khăn 4.

Nếu số lượng nhà trên 1ha phải đo vẽ trên 60 nhà thì các mức lao động đo chi tiết, lập bản vẽ được tính thêm 20% mức quy định.

2.2. Phân loại khó khăn bản đồ tỷ lệ 1/500:

- Loại 1: đất dân cư  nông thôn vùng đồng bằng ven thị xã và thị trấn. Giao thông thuận tiện, nhà thưa, ít cây. Trung bình dưới 35 thửa trên 1ha;

- Loại 2: đất dân cư thị trấn, ven thị xã, ven thành phố, đất dân cư nông thôn nhà cửa dày đặc. Giao thông tương đối thuận tiện. Nhiều cây khi số nhà thưa hơn. Trung bình 36 thửa đến 42 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1 ha phải đo vẽ trên 40 nhà thì các mức lao động được tính thêm 10% mức quy định;

- Loại 3: đất dân cư nông thôn, thị trấn, ven thị xã, thành phố có cấu trúc xây dựng dạng khu phố; khu vực thị xã, thành phố có quy hoạch, mới phát triển. Trung bình 43 thửa đến 51 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1 ha phải đo vẽ trên 50 nhà thì các mức lao động được tính thêm 20% mức quy định;

- Loại 4: đất dân cư nội thị xã, nội thành phố, nhà cửa dày. Quy hoạch không rõ ràng. Trung bình 52 thửa đến 61 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1ha phải đo vẽ trên 50 nhà thì các mức lao động được tính thêm 20% mức quy định;

- Loại 5: khu vực phố cũ, phố cổ; khu vực nội thành phố đã phát triển nhưng không theo quy hoạch. Trung bình 62 thửa đến 70 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng nhà trên 1ha phải đo vẽ trên 50 nhà thì các mức lao động được tính thêm 20% mức quy định;

- Loại 6: khu vực đô thị như loại 5 song có nhiều phố cụt, ngõ cụt, đi lại khó khăn, không thông thoáng giữa các nhà trong một ô phố. Trung bình trên 70 thửa đến dưới 90 thửa trên 1ha.

Khi số lượng thửa trên 90 thửa, cứ 10 thửa (của số thửa vượt) được tính thêm 0,10 mức loại khó khăn 6.

Nếu số lượng nhà trong thửa phải đo vẽ trên 60 nhà thì các mức lao động được tính thêm 20% mức quy định.

2.3. Phân loại khó khăn bản đồ tỷ lệ 1/1000:

- Loại 1: đất dân cư vùng trung du, miền núi. Trung bình từ 9 thửa đến 11 thửa trên 1ha;

- Loại 2: đất dân cư vùng trung du, miền núi. Trung bình từ 12 thửa đến 15 thửa trên 1ha;

- Loại 3: đất dân cư nông thôn, nhà cửa tương đối dày đặc; đất dân cư thị trấn, ngoại thị xã vùng trung du, miền núi. Giao thông thuận tiện. Trung bình từ 16 thửa đến 23 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng các công trình xây dựng, ao gắn liền với thửa đất được đo vẽ khép kín trên 20 thì các mức lao động được tính thêm 15%;

- Loại 4: đất dân cư thị xã, thành phố vùng trung du, miền núi; đất dân cư thị trấn, ngoại thị xã, thành phố vùng đồng bằng. Trung bình từ 24 thửa đến 33 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng các công trình xây dựng, ao gắn liền với thửa đất được đo vẽ khép kín trên 24 thì các mức lao động được tính thêm 15%;

- Loại 5: đất dân cư thị trấn, thị xã, thành phố. Trung bình từ 34 thửa đến 44 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng các công trình xây dựng, ao gắn liền với thửa đất được đo vẽ khép kín trên 30 các mức lao động được tính thêm 15%;

- Loại 6: đất dân cư thị trấn, thị xã, thành phố. Trung bình trên 45 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng các công trình xây dựng, ao gắn liền với thửa đất được đo vẽ khép kín trên 40 thì các mức lao động được tính thêm 15%.

2.4. Phân loại khó khăn bản đồ tỷ lệ 1/2000:

- Loại 1: đất canh tác vùng đồng bằng, đất vườn rừng. Trung bình từ 4 thửa đến 12 thửa trên 1ha;

- Loại 2: đất canh tác vùng đồng bằng, vùng trung du, đất vườn rừng. Trung bình từ 13 thửa đến 15 thửa trên 1ha;    

- Loại 3: đất canh tác vùng đồng bằng, vùng trung du, vùng núi. Trung bình từ 16 thửa đến 22 thửa trên 1ha;  

- Loại 4: đất canh tác vùng đồng bằng, vùng trung du, vùng núi. Trung bình từ 23 thửa đến 29 thửa trên 1ha.

Nếu số lượng thửa đất ở trung bình chiếm dưới 50% tổng số thửa quy định thì mức lao động xác định ranh giới thửa, tên chủ sử dụng, loại đất, đo chi tiết, vẽ bản đồ gốc được tính thêm 10% mức quy định; số thửa đất ở trung bình chiếm từ 50% đến 80% tổng số thửa quy định thì mức lao động xác định ranh giới thửa, tên chủ sử dụng, loại đất, đo chi tiết, vẽ bản đồ gốc được tính thêm 20% mức quy định; số thửa đất ở trung bình chiếm trên 80% tổng số thửa quy định thì mức lao động xác định ranh giới thửa, tên chủ sử dụng, loại đất, đo chi tiết, vẽ bản đồ gốc được tính thêm 30% mức quy định.

2.5. Phân loại khó khăn bản đồ tỷ lệ 1/5000:

- Loại 1: đất canh tác vùng đồng bằng. Đất lâm trường, nông trường, thửa ổn định, rõ ràng. Trung bình tới 2 thửa trên 1ha;

- Loại 2: đất canh tác cây công nghiệp vùng đồi núi thấp, chưa quy hoạch thửa. Thửa chưa ổn định. Trung bình tới 3 thửa trên 1ha;

- Loại 3: đất trồng rừng xen kẽ, tầm nhìn không thông thoáng (dưới 50%). Trung bình tới 2 thửa trên 1ha;

- Loại 4: đất trồng rừng xen kẽ nhiều, tầm nhìn không thông thoáng (trên 50%). Trung bình tới 3 thửa trên 1ha.

(Kèm biểu mẫu)