Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 177/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 29 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP, ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg, ngày 10/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;
Căn cứ Văn bản số 577/BBCVT-KHTC, ngày 30/3/2006 của Bộ Bưu chính Viễn thông về việc xây dựng quy hoạch bưu chính viễn thông và quy hoạch công nghệ thông tin tại địa bàn các tỉnh, thành phố;
Căn cứ Biên bản cuộc họp thẩm định ngày 18/11/2009 của Hội đồng thẩm định dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 37/TTr-STTTT, ngày 21 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Bưu chính

1.1. Quan điểm phát triển:

Phổ cập dịch vụ trong toàn tỉnh, đến mọi tầng lớp trong xã hội;

Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và Bưu chính trở thành ngành kinh tế hoạt động độc lập có hiệu quả trên địa bàn tỉnh;

Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ Bưu chính và chuyển phát thư trong môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch;

Phát triển đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ người tiêu dùng để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững.

1.2. Mục tiêu phát triển:

Đến năm 2015, giảm chỉ tiêu số dân/điểm phục vụ bình quân xuống dưới 1.500 người/điểm, bán kính phục vụ bình quân 1,5km/điểm phục vụ, và đến năm 2020 chỉ tiêu số dân/điểm phục vụ bình quân xuống dưới 1.000 người/điểm, bán kính phục vụ bình quân dưới 1,0 km/điểm phục vụ.

Phát triển nhiều hình thức phục vụ: Bưu cục, đại lý, điểm bưu điện văn hóa xã, đại lý đa dịch vụ; 100% số xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ Bưu chính với đủ các dịch vụ cơ bản.

Phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, thu tiền điện, điện thoại, nước…). Phát triển các dịch vụ làm đại lý cho Viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ.

Mở thêm các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống tài liệu, sách báo kỹ thuật nông nghiệp đến 100% các điểm bưu điện văn hóa xã.

Mở rộng mạng vận chuyển để nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian phát báo và công văn xuống cấp xã.

Ứng dụng công nghệ mới nhằm đổi mới hệ thống quản lý, khai thác như: ứng dụng mã vạch trong việc chia chọn, các hệ thống truy tìm, định vị và các hệ thống thông tin quản lý Bưu chính. Việc ứng dụng công nghệ trong Bưu chính phải kết hợp được điểm mạnh về mạng phục vụ rộng khắp của Bưu chính với sự linh hoạt và tốc độ của phương tiện điện tử để cung cấp các dịch vụ Bưu chính lai ghép mới như: Lập hóa đơn và thanh toán điện tử, dịch vụ tra cứu thông tin, email.

Triển khai áp dụng chuẩn hóa các loại bao bì Bưu chính như phong bì, túi gói Bưu chính để đảm bảo khả năng chia chọn tự động, phổ biến và hoàn thiện áp dụng mã địa chỉ Bưu chính, sử dụng mã vạch trong khai thác các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện.

2. Viễn thông

2.1. Quan điểm phát triển:

Là ngành quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng, cần phát triển Viễn thông đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác của tỉnh Đăk Nông, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sản xuất, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng cao đời sống xã hội của người dân. Góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển Viễn thông trên cơ sở kế thừa mạng lưới hiện có, bổ sung, đổi mới phát triển theo xu hướng hội nhập với khu vực và thế giới. Xây dựng và phát triển hạ tầng Viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ rộng, thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát huy mọi nguồn nội lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng Viễn thông trong môi trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập các dịch vụ Viễn thông cơ bản và Internet, ưu tiên phát triển dịch vụ mới, dịch vụ gia tăng giá trị đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển kinh tế. Sử dụng có hiệu quả Quỹ viễn thông công ích cho việc phát triển hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành việc phổ cập dịch vụ Viễn thông đến mọi người dân.

2.2. Mục tiêu phát triển:

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trong toàn tỉnh với dung lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ Viễn thông và Internet với chất lượng tốt, giá cước hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ.

Xây dựng mạng Viễn thông đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin rộng khắp toàn tỉnh, là công cụ thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử ở địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt nông nghiệp, thương mại, du lịch, đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao mức sống nhân dân.

Phát huy mọi nguồn lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Phát triển Viễn thông và Internet trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao.

Tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường dịch vụ Viễn thông và Internet. Phổ cập dịch vụ Viễn thông cơ bản và Internet, đồng thời ưu tiên phát triển nhanh các dịch vụ mới, dịch vụ gia tăng giá trị đến các xã; đặc biệt là các xã miền núi.

Phát triển mạng Viễn thông đảm bảo sự phát triển Kinh tế - Xã hội của toàn tỉnh, các vùng miền, trong đó có các khu, cụm công nghiệp; đồng thời đẩy nhanh việc phổ cập Viễn thông và Internet, rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ và phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai của tỉnh.

Nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển mạng Viễn thông là vốn của các doanh nghiệp, đồng thời sử dụng hiệu quả Quỹ dịch vụ viễn thông công ích phục vụ cho việc phổ cập dịch vụ Viễn thông.

Các doanh nghiệp bình đẳng trong phát triển mạng lưới, ứng dụng các công nghệ tiên tiến theo định hướng phát triển lên mạng NGN, kết nối giữa các thiết bị viễn thông của các doanh nghiệp theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung hạ tầng trong phát triển mạng lưới để tiết kiệm trong đầu tư.

Phấn đấu các chỉ tiêu viễn thông đạt cao hơn so với bình quân của cả nước. Mở rộng phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet dưới nhiều hình thức.

100% xã có cáp quang đến trung tâm, 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao, thực hiện đúng các chỉ tiêu chất lượng công bố; ngầm hóa 90% mạng cáp.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

1. Mạng Bưu chính

1.1. Bưu cục và điểm phục vụ:

Về cơ bản, mạng lưới bưu cục vẫn được tổ chức theo 3 cấp như hiện nay, tuy nhiên thực tế cho thấy tại các xã vùng sâu vùng xa, hình thức bưu cục mang lại hiệu quả thấp nên trong thời kỳ quy hoạch tiếp tục phát triển thêm bưu cục cấp II đến các huyện mới (đến 2015 là huyện Đức Xuyên, đến 2020 thị xã Đức Lập và thị xã Kiến Đức), đến năm 2015 phát triển bưu cục cấp III tại các thị trấn và phường nội thị (đến năm 2015 là thị xã Gia Nghĩa, đến 2020 là thị xã Đức Lập và thị xã Kiến Đức). Tiếp tục xây dựng Bưu điện văn hóa xã ở tất cả các xã (kể cả các xã mới chia tách). Mở rộng mạng lưới điểm phục vụ như các đại lý bưu điện, đại lý đa dịch vụ và kiốt tại các điểm dân cư đô thị và các thị tứ tại vùng nông thôn.

Đến năm 2015, sẽ có 446 điểm phục vụ, tăng 191 điểm so với năm 2008 bao gồm: 1 bưu cục cấp II ở huyện mới Đức Xuyên từ việc chia tách huyện Krông Nô; 10 Bưu cục cấp III ở các phường nội thị xã Gia Nghĩa và một số xã dọc các tuyến quốc lộ 14, 28; 22 Bưu điện văn hóa xã ở tất cả các xã chưa có Bưu điện văn hóa xã và các xã dự kiến chia tách thành lập đơn vị hành chính mới; 200 đại lý và ki ốt ở vùng dân cư tập trung trong nội thị xã, thị trấn và các thị tứ trên các trục đường tỉnh, đường huyện đang nâng cấp, mở mới và khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch.

Giai đoạn 2016 - 2020, sẽ có 824 điểm phục vụ, tăng 378 điểm so với năm 2015 bao gồm: 3 bưu cục cấp II ở Gia Nghĩa (nâng cấp đô thị loại 2 từ thị xã Gia Nghĩa); thị xã Đức Lập (tách từ huyện Đăk Mil), thị xã Kiến Đức (tách từ Đăk R’Lấp); 9 Bưu cục cấp III ở các phường nội thành phố Gia Nghĩa mở rộng và một số phường mới thành lập ở thị xã Đức Lập, thị xã Kiến Đức; 9 Bưu điện văn hóa xã ở các xã dự kiến chia tách thành lập đơn vị hành chính mới; 123 đại lý và kiốt ở vùng dân cư tập trung trong các đô thị mới.

1.2. Mạng vận chuyển:

Tuyến đường thư cấp I: Từ nay đến năm 2020, duy trì 1 tuyến đường thư cấp I như hiện nay, tăng số phương tiện vận chuyển thư báo theo nhu cầu phát triển dịch vụ.

Tuyến đường thư cấp II: Tăng số đường thư phù hợp với việc hình thành các huyện, thị xã mới để rút ngắn hành trình, thời gian vận chuyển, tăng tần suất vận chuyến lên 2 - 3 chuyến/ngày để đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng các dịch vụ chuyển phát nhanh. Kết hợp với trung tâm chia chọn tự động quốc gia tự động hóa khai thác bưu phẩm đến cấp huyện chiều đến. Đến năm 2015 có 8 tuyến đường thư cấp I, thêm 1 tuyến từ Gia Nghĩa đến huyện mới Đức Xuyên, đến năm 2020 có 10 tuyến đường thư cấp I, thêm 1 tuyến từ Gia Nghĩa đến thị xã Đức Lập và 1 tuyến đến thị xã Kiến Đức.

Tuyến đường thư cấp III: Tăng tuyến đường thư phù hợp với việc hình thành các đơn vị hành chính xã, thị trấn mới cùng với toàn bộ 100% các tuyến cấp III có tần suất 1 chuyến/ngày.

Đến năm 2015, toàn tỉnh có 48 tuyến trong đó thị xã Gia Nghĩa có 6 tuyến; huyện Cư Jút có 6 tuyến; huyện Krông Nô có 4 tuyến; huyện Đức Xuyên có 4 tuyến; huyện Đăk Mil có 8 tuyến; huyện Đăk Song có 8 tuyến; huyện Đăk R’Lấp có 6 tuyến; huyện Đăk Glong có 3 tuyến; huyện Tuy Đức có 3 tuyến.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 53 tuyến trong đó Thành phố Gia Nghĩa có 6 tuyến; huyện Cư Jút có 8 tuyến; huyện Krông Nô có 4 tuyến; huyện Đức Xuyên có 5 tuyến; huyện Đăk Mil có 6 tuyến; thị xã Đức Lập có 3 tuyến; huyện Đăk Song có 8 tuyến; huyện Đăk R’Lấp có 4 tuyến; thị xã Kiến Đức có 2 tuyến; huyện Đăk Glong có 3 tuyến; huyện Tuy Đức có 4 tuyến.

1.3. Dịch vụ Bưu chính:

Phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ tài chính: Chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm bưu điện, EMS đến hầu hết các vùng đô thị và trung tâm các xã, kể cả vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc. Nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian phát báo và công văn xuống xã, các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, chuyển phát nhanh, bưu kiện sẽ có mặt trên toàn mạng bưu cục và cung cấp dịch vụ chuyển tiền, bưu kiện đến từng điểm văn hóa xã và các đại lý bưu điện.

Chú trọng các dịch vụ công ích và dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn. Năm 2010 kết hợp với các ban ngành liên quan xây dựng nguồn tư liệu hướng dẫn sản xuất và chế biến nông sản tại các điểm bưu điện văn hóa xã. Đến năm 2015 hoàn thành triển khai cung cấp thông tin thương mại nông nghiệp. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện kỹ thuật nông nghiệp tại các điểm bưu điện văn hóa xã, trước mắt tại các xã đặc biệt khó khăn và đến năm 2020 triển khai đến tất cả các Bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh. Để thực hiện đồng bộ cần đầu tư mở rộng diện tích một số bưu điện văn hóa xã để tăng khả năng phục vụ.

Phát triển mạng chuyển phát an toàn, tin cậy đồng bộ với các dịch vụ hoàn thiện hàng hoá (lựa chọn, đóng gói, sắp xếp), dịch vụ kho bãi, dịch vụ quản lý chu trình cung cấp hàng hóa, dịch vụ tài chính Bưu chính tạo ra kênh phân phối và thanh toán hàng hóa phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại của đất nước và góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong tương lai (mỗi bưu cục phấn đấu trở thành một nút mạng Internet phục vụ nhu cầu tìm kiếm, mua bán và giao nhận hàng hoá trong thương mại điện tử).

Phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, thu tiền điện, điện thoại, nước)…

Phát triển các dịch vụ làm đại lý cho Viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ...

1.4. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh:

Thực hiện lộ trình theo chiến lược và quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam, trong thời gian đến, ngành Bưu chính hướng đến việc hoạt động độc lập có hiệu quả, giảm lệ thuộc vào Viễn thông, năm 2010 tự cân đối thu chi. Cùng với việc mở cửa thị trường chuyển phát thư cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

1.5. Phát triển nguồn nhân lực:

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất; làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại; vững vàng về quản lý kinh tế. Để đạt mục tiêu mở rộng cung cấp dịch vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh yêu cầu đào tạo bổ sung kiến thức tin học ứng dụng và kinh doanh. Đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh Bưu chính theo hướng đa thành phần kinh tế, xã hội hóa dịch vụ Bưu chính và có chế độ tuyển dụng hợp lý trên cơ sở hiệu quả, xây dựng chế độ sát hạch, thưởng phạt để khuyến khích tăng năng suất lao động.

Tuy định hướng chung của ngành Bưu chính Viễn thông là không tăng lao động, nhưng do đặc thù của tỉnh Đăk Nông nguồn nhân lực về Bưu chính vừa yếu lại vừa thiếu nên cần chú trọng phát triền nguồn nhân lực thông qua tuyển dụng và đào tạo.

1.6. Phát triển thị trường chuyển phát thư:

Xã hội hóa lĩnh vực chuyển phát thư theo hướng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát thư, trang thiết bị, công nghệ hiện đại và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chú trọng ứng dụng tin học và tự động hóa làm tăng thị phần khai thác các dịch vụ chuyển phát thư trong tương lai. Ưu đãi các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cung cấp nhiều dịch vụ phong phú đa dạng.

2. Mạng Viễn thông

2.1. Hạ tầng mạng Viễn thông:

2.1.1. Mạng chuyển mạch:

Năm 2010: Nâng cấp tổng đài vệ tinh tại Gia Nghĩa thành tổng đài trung tâm. Không phát triển hệ thống các tổng đài chuyển mạch cũ, triển khai các dịch vụ mới gồm dịch vụ Internet băng rộng và các dịch vụ ứng dụng của hệ thống Call Center và tiếp tục nâng cấp hệ thống tổng đài và lắp đặt các thiết bị cổng đa phương tiện Media Gateway tại mỗi huyện, thị xã để đáp ứng đủ nhu cầu tăng thêm thuê bao điện thoại cố định theo dự báo số thuê bao phát triển đến năm 2010 là 78.400 thuê bao.

Giai đoạn 2011 - 2015: Tiến hành thay thế toàn bộ các tổng đài hiện có trên mạng bằng các tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ Multiservice Access. Ngoài việc thay thế mới các điểm chuyển mạch để chuyển đổi các thuê bao cũ, cần phát triển các điểm chuyển mạch mới (MSA) tại các tổng đài để đáp ứng dung lượng theo dự báo số thuê bao phát triển đến năm 2015 là 158.000 thuê bao và thay thế tổng đài trung tâm bằng tổng đài đa dịch vụ băng rộng Multiservice Switch.

Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục nâng cấp dung lượng mạng đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao, dự báo đến năm 2020 có 335.200 thuê bao điện thoại cố định.

2.1.2. Mạng truyền dẫn:

Năm 2010: Tăng dung lượng các tuyến cáp quang hiện có để tăng dung lượng truyền dẫn liên tỉnh từ 10 đến 20Gbps, tuyến cáp quang nội tỉnh dung lượng từ 155 hoặc 622 Mbps và xây dựng mới các tuyến cáp quang đến tất cả các huyện để đáp ứng các nhu cầu ứng dụng CNTT, các dịch vụ băng rộng. Xây dựng mới các tuyến cáp quang: Gia Nghĩa - Quảng Sơn - Nâm N’Dir - Krông Nô. Quảng Tín - Đăk Ru - Quảng Trực. Đăk Song - Nâm N’Dir, nối vòng Gia Nghĩa - Krông Nô - Đăk Song - Gia Nghĩa. Gia Nghĩa - Đăk Nia - Quảng Khê. Krông Nô - Đăk Mil - Đăk Song, nối mạch vòng Krông Nô - Đăk Mil - Đăk Song - Krông Nô. Cư Jút - Nam Dong. Đăk Buk So (Tuy Đức) - Thuận Hạnh - Đăk Song - Gia Nghĩa, nối mạch vòng Gia Nghĩa - Đăk Buk So - Đăk Song - Gia Nghĩa.

Giai đoạn 2011 - 2020: Cáp quang hóa toàn tỉnh, tiếp tục nâng cấp dung lượng mạng cáp quang, tăng số lượng cores cáp quang, hoàn thành các tuyến cáp quang đến trung tâm các huyện, thị xã mới thành lập và tất cả các trung tâm xã hiện chưa có đường cáp quang kể cả các xã mới thành lập, đảm bảo 100% số xã có mạng cáp quang đến trung tâm xã, tăng số lượng các mạch vòng kín ở những khu vực cho phép nhằm giảm thiểu các sự cố rủi ro trong quá trình truyền dẫn.

Xây dựng tuyến cáp quang chạy dọc theo quốc lộ 14C, là tuyến cáp quang phòng thủ cho đường biên giới, đảm bảo thông tin liên lạc giữa các Đồn Biên phòng với Bộ Chỉ huy quân sự. Đồng thời vẫn giữ nguyên các tuyến VIBA làm dự phòng truyền dẫn khi có sự cố xảy ra.

Xây dựng mạng cáp quang đến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ban, ngành để kết nối mạng diện rộng Intranet phục vụ chính quyền toàn tỉnh.

2.1.3. Mạng ngoại vi:

Phát triển mạng ngoại vi phải đồng bộ với quy hoạch chung của khu vực và địa phương. Tại thị xã Gia Nghĩa và các thị trấn trung tâm huyện thực hiện ngầm hóa tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới cần có sự phối hợp giữa các ngành để đồng bộ các hạng mục công trình hạ tầng; năm 2010, tiến hành ngầm hóa khu vực thị xã Gia Nghĩa, các thị trấn trung tâm huyện và các khu công nghiệp đang xây dựng. Giai đoạn 2011 -2015 mở rộng việc ngầm hóa ra khu vực lân cận, đến năm 2020, hoàn thành ngầm hóa hoàn toàn các tuyến cáp ngoại vi tại thành phố Gia Nghĩa, các thị xã mới thành lập và trung tâm các huyện kể cả huyện mới thành lập, những khu vực không thể ngầm hóa thì có thể sử dụng cáp treo với độ dài không quá 500m, tại vùng nông thôn chiều dài cáp treo không quá 2km.

Mạng ngoại vi được phát triển theo các tiêu chí: Bảo đảm đủ dung lượng truyền dẫn để phát triển thuê bao trên 5 năm, áp dụng công nghệ xây dựng cống bể hiện đại để tăng khoảng cách bể và nâng cao khả năng chịu tải của nắp bể.

2.2. Thông tin di động:

Thông tin di động phát triển theo hướng mở rộng vùng phủ sóng, năm 2010 phủ sóng 100% trên địa bàn tỉnh bằng cách tăng thêm các vị trí phát sóng, mở rộng dung lượng các trạm BTS, tăng máy thu phát tại các trạm đã lắp đặt để nâng cao chất lượng phục vụ mạng. Năm 2010, số lượng BTS đạt 570 trạm; năm 2015 đạt 700 trạm; năm 2020 đạt 755 trạm.

2.3. Internet:

Năm 2010 phát triển mạnh ở khu vực thị xã Gia Nghĩa và thị trấn trung tâm các huyện, giai đoạn 2011 - 2015 phát triển mạnh ở khu vực nông thôn. Căn cứ vào dự báo số thuê bao Internet phát triển toàn tỉnh, quy hoạch thêm các cổng Internet đến năm 2020 như sau:

Số cổng băng rộng đến năm 2015: 53.800 cổng. Trong đó: Thị xã Gia Nghĩa: 4.700; huyện Cư Jút: 10.900; huyện Krông Nô: 4.300; huyện Đức Xuyên: 2.800; huyện Đăk Mil: 10.400; huyện Đăk Song: 5.800; huyện Đăk R’Lấp: 8.200; huyện Đăk Glong: 3.600; huyện Tuy Đức: 3.100.

Số cổng băng rộng đến năm 2020: 130.700. Trong đó: Thành phố Gia Nghĩa: 19.000; huyện Cư Jút: 21.200; huyện Krông Nô: 10.300; huyện Đức Xuyên: 7.800; huyện Đăk Mil: 8.900; thị xã Đức Lập: 10.300; huyện Đăk Song: 13.100; huyện Đăk R’Lấp: 11.200; thị xã Kiến Đức: 7.800; huyện Đăk Glong: 9.400; huyện Tuy Đức: 11.700.

2.4. Dịch vụ Viễn thông:

2.4.1. Các dịch vụ trên mạng cố định: Mở rộng lĩnh vực tư vấn, giải đáp thông tin xã hội, thị trường, tư vấn giáo dục, kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, các dịch vụ chuyển mạng giữ số và dịch vụ phân tách mạch vòng nội hạt để mở rộng sự lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Dịch vụ giải trí (1900), thương mại (1800). Phối hợp với ngân hàng mở dịch vụ thanh toán qua điện thoại.

2.4.2. Các dịch vụ trên mạng di động: Tra cứu thông tin trực tuyến bản đồ, thông tin kinh tế - xã hội, đào tạo. Thanh toán, mua bán trực tuyến, đăng ký, đặt chỗ. Giải trí online, game, xem phim, nghe nhạc, thảo luận nhóm. Roaming các mạng di động cùng công nghệ. Truyền dữ liệu, truy nhập Internet. Các dịch vụ công ích: Cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh…

2.4.3. Các dịch vụ Internet: Truy nhập Internet băng rộng, truy nhập Internet không dây. Các ứng dụng công nghệ thông tin về hành chính, thương mại điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa.

2.4.4. Dịch vụ Viễn thông công ích: Với mục tiêu thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng lưới Viễn thông cung ứng và hỗ trợ sử dụng dịch vụ Viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tạo điều kiện cho người dân tại các xã, thôn, bon được hưởng các loại hình dịch vụ Viễn thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Năm 2010 đạt các tiêu chí: Mật độ điện thoại đạt trên 5 máy/100 dân; 100% số xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng; 70% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng; 100% người sử dụng dịch vụ được truy nhập miễn phí các dịch vụ Viễn thông bắt buộc.

III. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp phát triển thị trường

1.1. Phát triển thị trường Bưu chính:

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường chuyển phát, phát hành báo chí. Cộng tác với các tổ chức, đoàn thể tại các xã vùng nông thôn tham gia phổ cập dịch vụ Bưu chính. Sở Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, thời gian thẩm định để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Tăng cường việc phổ biến cơ chế chính sách về phát triển Bưu chính trong toàn tỉnh. Hỗ trợ phát triển dịch vụ Bưu chính công ích, tạo điều kiện thuận lợi các điều kiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho các doanh nghiệp Bưu chính xây dựng phát triển mạng điểm phục vụ Bưu chính công ích. Thực hiện công khai giá cước và chất lượng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả của mạng điểm phục vụ.

1.2. Phát triển thị trường Viễn thông:

Tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp tham gia cung cấp hạ tầng mạng, đặc biệt thông tin di động trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: Phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn, duy trì và mở rộng kinh doanh. Tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn có, tránh đầu tư chồng chéo nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên Viễn thông và nguồn lực quốc gia.

Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phí và cước phí cho các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lụt theo quy định của nhà nước. Khuyến khích các hình thức khuyến mại dịch vụ Viễn thông trên địa bàn tỉnh, thực hiện xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đưa dịch vụ kém chất lượng ra thị trường, thanh tra việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, tính cước và hợp chuẩn thiết bị, thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu dịch vụ và quyền lợi của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ và thực hiện đúng các quy định về giá cước theo quy định của pháp luật. Người sử dụng dịch vụ Viễn thông có quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và có quyền yêu cầu các doanh nghiệp, đại lý, nhà bán lại dịch vụ tính cước công khai, minh bạch.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường thúc đẩy các hình thức bán lại dịch vụ Viễn thông và Internet nhằm huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để phát triển Viễn thông, cụ thể hóa việc triển khai các quy định về kỹ thuật nghiệp vụ liên quan đến bán lại dịch vụ. Hỗ trợ thành lập Hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Viễn thông trên địa bàn tỉnh tạo diễn đàn thông tin, tư vấn và bảo vệ lợi ích chung của các doanh nghiệp.

2. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Vốn đầu tư từ ngân sách: Là nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển các dịch vụ công ích. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện kỹ thuật nông nghiệp tại các bưu điện văn hóa xã. Xây dựng hệ thống thư viện tại các điểm bưu điện văn hóa xã, giai đoạn đầu cung cấp miễn phí cho người dân, về lâu dài có thể thu phí với mức phù hợp để duy trì và mở rộng việc cung cấp thông tin về thương mại, thị trường, giải trí.

Sử dụng hiệu quả quỹ dịch vụ Viễn thông công ích, xây dựng kế hoạch và các đề án phát triển và cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích. Trước mắt cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ phổ cập cho các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng có mật độ người sử dụng dịch vụ thấp, ít được tiếp cận dịch vụ. Tiếp theo là các dự án cung cấp dịch vụ hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin cho nông dân về kỹ thuật nông nghiệp, thị trường nông sản, phối hợp với mạng chuyển phát bưu chính cung cấp vật tư nông nghiệp.

Vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và dân cư: Tăng cường thu hút nguồn vốn này bằng việc đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông tại địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng công trình hạ tầng viễn thông, thúc đẩy các hình thức bán lại dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia đầu tư phát triển viễn thông.

Huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế và dân cư đầu tư vào Bưu chính Viễn thông, thực hiện xã hội hóa việc đầu tư phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ Bưu chính Viễn thông. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của các doanh nghiệp viễn thông tái đầu tư cho phát triển từ nguồn vốn tích lũy.

Vốn đầu tư nước ngoài: Là một phần quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển Bưu chính Viễn thông. Để thu hút nguồn vốn này cần thực hiện tốt Luật Đầu tư cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù riêng của tỉnh bằng các giải pháp: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch; đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ; tích cực hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài.

3. Phát triển nguồn nhân lực

Điều tra khảo sát, phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông của tỉnh và phân tích, dự báo nhu cầu cán bộ trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó sắp xếp bố trí công tác phù hợp và có kế hoạch đào tạo lực lượng lao động tại chỗ một cách thiết thực phù hợp với định hướng phát triển Bưu chính Viễn thông trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu.

Bố trí một phần từ nguồn ngân sách của tỉnh để đầu tư cho đào tạo, đồng thời huy động mọi nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông hình thành quỹ đào tạo và phát triển nhân lực Viễn thông - CNTT.

Gắn kết giữa cơ sở đào tạo và tổ chức sử dụng lao động, huy động mọi tiềm năng và nguồn lực, người được đào tạo có việc làm phù hợp với chuyên môn nguyện vọng, liên kết giữa các trường Đại học, Trung học nghề, cơ sở đào tạo với các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo nhân lực: Công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên, chuyên viên, sau đại học.

Khuyến khích phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ và nhân tài trong hàng ngũ cán bộ, nhân viên công tác quản lý nhà nước và quản lý kỹ thuật. Xây dựng qui hoạch, kế hoạch đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người nắm trọng trách điều hành quản lý.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nhân tố con người bằng chính cơ chế phân phối lợi ích. Thực hiện dân chủ, công khai, công bằng gắn với lợi ích kinh tế, tạo động lực kích thích con người phát huy sức lực, trí tuệ cho công việc nhằm đem lại hiệu quả cao. Xây dựng cơ chế thu hút nhân tài bên ngoài, các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ chuyên gia quản lý, kinh tế, kỹ thuật giỏi, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực Viễn thông để thu hút lao động có chất lượng.

Điều chỉnh cơ cấu lao động giảm số lượng lao động hợp đồng dài hạn, tăng cường sử dụng lao động qua các hình thức đại lý, bán lại dịch vụ, thuê mướn thời vụ để tận dụng lực lượng lao động nhàn rỗi trong xã hội và tăng năng suất lao động. Chú trọng đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân viên ở các điểm Bưu điện Văn hóa xã.

Các nhà quản lý doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông cần nâng cao trình độ, kỷ năng và nghệ thuật quản lý, đổi mới phương pháp quản lý nhằm theo kịp kiến thức hiện đại của đội ngũ quản lý các doanh nghiệp ngày càng cao để phù hợp với môi trường hoạt động kinh tế hiện nay của khu vực và thế giới.

4. Triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch

Xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội và các ngành khác. Thực hiện đầu tư một lần đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị. Đặc biệt gắn kết việc thực hiện lộ trình ngầm hóa hệ thống truyền dẫn mạng viễn thông với lộ trình thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật điểm dân cư đô thị, điểm dân cư nông thôn, các khu - cụm công nghiệp, cũng như các dự án nâng cấp cải tạo và đầu tư mới hệ thông giao thông, cấp điện, cấp nước và vệ sinh môi trường theo quy hoạch nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, giảm chi phí và đảm bảo mỹ quan. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý việc triển khai thực hiện theo quy hoạch và đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch cơ sở hạ tầng.

5. Tăng cường quản lý Nhà nước

Khuyến khích các hình thức khuyến mại cho người sử dụng dịch vụ Viễn thông trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông tại địa phương, hạn chế những thiếu sót, chậm trễ hay cố tình làm sai quy hoạch, việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, tính cước và hợp chuẩn thiết bị trong địa bàn tỉnh. Bảo đảm bí mật đối với thông tin riêng chuyển qua mạng Viễn thông cho mọi tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quản lý việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bưu chính Viễn thông phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội và các ngành khác. Thực hiện đầu tư một lần đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị… giảm chi phí giải tỏa và đảm bảo mỹ quan.

Bộ máy quản lý nhà nước về Thông tin Truyền thông tại địa phương phải được xây dựng để đảm bảo nguyên tắc: “Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”, trong đó tập trung việc xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý về bưu chính, viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện và an toàn an ninh thông tin.

Thực hiện công tác thống kê định kỳ, cập nhật số liệu kịp thời và chính xác nhằm đánh giá và phân tích đúng tình hình để tham mưu cho công tác điều hành phát triển bưu chính, viễn thông trên địa bàn.

6. Tăng cường hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế

Mạnh dạn tìm kiếm các đối tác là các công ty, tổ chức và cá nhân, chuyên gia hàng đầu về Viễn thông trong nước và ngoài nước để thiết lập quan hệ phục vụ cho quá trình phát triển và ứng dụng thiết bị mới. Tranh thủ sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin và tri thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, sản xuất, kinh doanh, đào tạo của các tổ chức trong nước và quốc tế, các công ty đa quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm tư vấn, các chuyên gia, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài.

Tăng cường liên kết với ngành dọc từ Trung ương. Các cơ quan ngành dọc địa phương cần tranh thủ nhận chuyển giao trang thiết bị, phần mềm quản lý chuyên ngành để ứng dụng vào trong công tác quản lý của ngành. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương nâng cao năng lực sử dụng thiết bị cho cán bộ.

Khuyến khích các ngành trong việc lập dự án gọi vốn đầu tư của các tổ chức trong nước, cũng như viện trợ, đầu tư của các tổ chức nước ngoài.

7. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin

Tăng cường công tác quản lý nhà nước để thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động Bưu chính và trên mạng Viễn thông và Internet.

Nâng cao năng lực của hệ thống ứng cứu, khắc phục sự cố máy tính và phòng chống tội phạm trên mạng. Áp dụng các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mật mã làm tăng độ tin cậy, an toàn cho các giao dịch trên mạng Viễn thông và Internet.

8. Giải pháp về môi trường

Là giải pháp thực hiện đồng bộ với việc lựa chọn công nghệ để đầu tư phát triển, nhất là trong lĩnh vực viễn thông. Công nghệ càng mới, càng hiện đại thì tác động tiêu cực đến môi trường sống và môi trường sinh thái càng được giảm thiểu. Ngoài việc khuyến khích áp dụng công nghệ mới, trong quá trình thực hiện đầu tư và khai thác dịch vụ bưu chính - viễn thông của các doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng sóng điện từ của các trạm thu phát sóng điện thoại di động và các loại sóng siêu cao tần khác tới sức khỏe của người dân trong khu vực phủ sóng. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về khoảng cách an toàn với sức khỏe con người.

Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở dự án quy hoạch được duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Phối hợp với các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch. Tranh thủ đầu tư xây dựng hạ tầng mạng Bưu chính, Viễn thông theo hướng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng mạng và cung cấp đa dịch vụ. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh quy hoạch địa điểm cung cấp dịch vụ. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham gia phổ cập dịch vụ và thực hiện các dự án đào tạo người dân sử dụng dịch vụ. Phối hợp với Công an tỉnh đảm bảo an ninh trong sử dụng dịch vụ.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn tỉnh, triển khai Chương trình quốc gia phát triển nguồn nhân lực cho Bưu chính, Viễn thông; Cân đối các nguồn lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho các dự án phát triển ngành Bưu chính Viễn thông trên địa bàn. Xây dựng các giải pháp triển khai chính sách huy động các nguồn vốn trong nước và nước ngoài cho ứng dụng và phát triển CNTT; Tạo điều kiện ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án phát triển đúng tiến độ trên địa bàn tỉnh; Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện theo quy hoạch và tiến hành rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông căn cứ vào quy hoạch để xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển phù hợp với định hướng phát triển của ngành và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển Bưu chính, Viễn thông nói riêng.

Điều 2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa Quy hoạch phát triển mạng lưới Bưu chính, Viễn thông với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với quy hoạch các ngành, lĩnh vực của tỉnh, của vùng và của cả nước. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phương