Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1933/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 14 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 256/TTr-STTTT ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Kiên Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020:

1. Tên dự án: rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Kiên Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

2. Chủ dự án: Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang.

3. Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang.

4. Mục tiêu tổng quát: mục tiêu của quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Kiên Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là phát triển lĩnh vực bưu chính, viễn thông theo định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng vùng khó khăn và nhu cầu của người dân.

5. Các mục tiêu và định hướng phát triển chủ yếu:

a) Mục tiêu định hướng phát triển bưu chính:

Mục tiêu đến năm 2010:

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm từ 7-8%;

- Tổng doanh thu từ bưu chính đạt trên 17 tỷ;

- Tỷ trọng doanh thu các dịch vụ bưu chính truyền thống chiếm 40%;

- Giảm chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân xuống khoảng 2km, giảm chỉ tiêu số dân phục vụ bình quân 1 điểm phục vụ xuống dưới 3.700 người.

Mục tiêu đến năm 2015:

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm đạt 10%;

- Tổng doanh thu bưu chính là trên 25 tỷ;

- Tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính truyền thống 20%;

- Giảm bán kính phục vụ bình quân xuống khoảng 1,8km, số dân phục vụ bình quân 1 điểm phục vụ còn dưới 3.000 người.

Mục tiêu đến năm 2020:

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm >15%;

- Doanh thu từ các dịch vụ như bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, phát hành báo chí, chuyển phát nhanh, tiết kiệm bưu điện đạt gần 40 tỷ;

- Tỷ trọng dịch vụ bưu chính truyền thống còn dưới 10%;

- Giảm bán kính phục vụ bình quân xuống 1,5km, số dân phục vụ bình quân xuống 1.500 người.

b) Mục tiêu định hướng phát triển viễn thông:

Mục tiêu đến năm 2010: Kiên Giang phấn đấu các chỉ tiêu viễn thông đạt mức cao của cả nước (mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 64 thuê bao/100 dân, trong đó mật độ điện thoại cố định là 21 thuê bao/100 dân, di động là 43 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao internet đạt trên 8 thuê bao/100 dân, số dân sử dụng internet đạt 30%).

Mục tiêu đến năm 2015: Kiên Giang đạt chỉ tiêu viễn thông nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về viễn thông, mật độ thuê bao toàn tỉnh đạt 114 thuê bao/100 dân, trong đó thuê bao cố định đạt 32 thuê bao/100 dân, thuê bao di động đạt 82 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao internet đạt 24 thuê bao/100 dân, số dân sử dụng Internet đạt 50%.

Mục tiêu đến năm 2020: đến năm 2020 có sự hội tụ của các thuê bao viễn thông. Thời điểm này việc phân biệt thuê bao di động, thuê bao cố định và thuê bao internet chỉ là tương đối, với một thiết bị viễn thông người dân có thể sử dụng các dịch vụ của thuê bao cố định, thuê bao di động và truy cập và sử dụng dịch vụ internet mọi lúc mọi nơi.

6. Quy mô phát triển quy hoạch:

a) Quy mô phát triển quy hoạch bưu chính:

- Mạng bưu cục:

Giai đoạn đến năm 2010: phát triển 100 điểm phục vụ bưu chính, trong đó:

Thành phố Rạch Giá : 14 điểm phục vụ;

Thị xã Hà Tiên : 6 điểm phục vụ;

Huyện Kiên Lương : 11 điểm phục vụ;

Huyện Hòn Đất : 6 điểm phục vụ;

Huyện Tân Hiệp : 10 điểm phục vụ;

Huyện Châu Thành : 8 điểm phục vụ;

Huyện Giồng Riềng : 6 điểm phục vụ;

Huyện Gò Quao : 6 điểm phục vụ;

Huyện An Biên : 4 điểm phục vụ;

Huyện An Minh : 5 điểm phục vụ;

Huyện Vĩnh Thuận : 6 điểm phục vụ;

Huyện Phú Quốc : 9 điểm phục vụ;

Huyện Kiên Hải : 2 điểm phục vụ;

Huyện U Minh Thượng: 7 điểm phục vụ.

Đặc biệt chú trọng tại các khu vực như sau:

- Khu vực phát triển du lịch: Hòn Chông, Chùa Hang, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, rừng U Minh Thượng, đảo Phú Quốc, Kiên Hải;

- Khu vực sân bay tại thành phố Rạch Giá, Phú Quốc;

- Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, trung tâm các huyện.

Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân năm 2010 là 2,09km.

Giai đoạn 2011-2015: phát triển 120 điểm phục vụ bưu chính.

Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân đến năm 2015 là 1,8km.

- Mạng vận chuyển:

Đối với mạng đường thư cấp II: nâng tần suất các tuyến đường thư sau lên thành 2 chuyến 1 ngày:

- Tuyến trung tâm bưu điện Rạch Giá - Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao;

- Tuyến trung tâm bưu điện Rạch Giá - Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên;

- Tuyến trung tâm bưu điện Rạch Giá - An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng;

- Tuyến trung tâm bưu điện Rạch Giá - Phú Quốc;

- Tuyến trung tâm bưu điện Rạch Giá - Kiên Hải.

Đặc biệt đối với 2 tuyến tới đảo Phú Quốc và Kiên Hải cần nghiên cứu giải pháp kết hợp với các phương tiện vận chuyển xã hội, đảm bảo giảm chi phí cho 2 tuyến này.

Đối với mạng đường thư cấp III:

- Kết hợp với trung tâm chia chọn vùng phân chia thư, bưu phẩm, bưu kiện đến cấp xã;

- Nâng tần suất tuyến đường thư cấp III đảm bảo 100% tuyến có tần suất 2 chuyến/ngày;

- Phát triển thêm các tuyến đường thư mới tới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế mới ngay khi có kế hoạch xây dựng. Đảm bảo tần suất 2 chuyến/ngày.

b) Quy mô phát triển quy hoạch viễn thông:

- Mạng chuyển mạch:

Đến năm 2010 tỉnh Kiên Giang có 210 khu vực có điểm chuyển mạch, tổng dung lượng lắp đặt là 455.000 lines, sử dụng 380.000 lines, đạt hiệu suất sử dụng mạng chuyển mạch đạt 80%.

Giai đoạn 2011 - 2015:

Lắp đặt tại trung tâm thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, huyện Kiên Lương, huyện đảo Phú Quốc tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ Multiservice Switch, thay thế các tổng đài Host khu vực này.

Dung lượng các trạm chuyển mạch TDM và NGN phải đạt tối thiểu 733.000 lines, duy trì hiệu suất sử dụng 80%, đảm bảo khả năng dự phòng của mạng.

Giai đoạn 2016 - 2020: tiến hành nâng cấp các thiết bị chuyển mạch đa dịch vụ, thay thế toàn bộ các tổng đài chuyển mạch theo công nghệ cũ bằng các điểm chuyển mạch đa dịch vụ. Tổng số lines của hệ thống NGN phải đảm bảo hiệu suất sử dụng 80 - 85% cho hệ thống.

- Mạng truyền dẫn:

Giai đoạn đến năm 2010:

Xây dựng mạng cáp quang theo các tuyến quốc lộ sẽ được xây dựng mới.

Tổng chiều dài cáp xây dựng mới khoảng 100km.

Giai đoạn 2011 - 2015:

Tổng chiều dài các tuyến cáp quang nội tỉnh xây dựng mới giai đoạn này khoảng 400 km.

Giai đoạn 2016 - 2020:

Tổng chiều dài các tuyến cáp quang nội tỉnh xây dựng mới giai đoạn này khoảng 400 km.

- Mạng ngoại vi:

Giai đoạn đến năm 2010: tỷ lệ ngầm hóa đạt 70% tại trung tâm huyện, thị xã và 100% ngầm hóa tại khu đô thị, khu công nghiệp mới.

Giai đoạn 2011 - 2015: ngầm hóa 100% mạng cáp tại thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện đảo Phú Quốc và các trung tâm huyện, các thị trấn, các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu đô thị mới. Tiến độ xây dựng các tuyến cáp ngầm đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

Giai đoạn 2016 - 2020: ngầm hóa toàn bộ mạng cáp trên toàn tỉnh.

- Mạng di động:

Giai đoạn đến năm 2010: phát triển nhanh về trạm BTS, tăng vùng phủ sóng toàn tỉnh, đảm bảo chỉ tiêu 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng với chất lượng tốt. Trong đó ưu tiên cho các phường, thị trấn, các vùng kinh tế - thương mại, khu công nghiệp, khu tập trung dân cư.

Giai đoạn 2011 - 2015: phát triển dịch vụ truy nhập vô tuyến, tăng chất lượng các dịch vụ cũ, cung cấp các dịch vụ mới, đáp ứng xu hướng hội tụ của thiết bị truy nhập. 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng.

Giai đoạn 2016 - 2020: thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng Wimax. Cấu trúc mạng di động sẽ là mạng di động với truy nhập vô tuyến WCDMA và Wimax, phần chuyển mạch và các ứng dụng của mạng di động sẽ được tích hợp với mạng lõi NGN.

- Mạng truy nhập internet:

Thực hiện triển khai các thiết bị truy nhập mạng DSLAM/DSLAM-HUB đến tất cả các trung tâm huyện và thực hiện mở rộng dung lượng các vị trí trạm thu phát. Đảm bảo đến năm 2010 các thuê bao phát triển là các thuê bao băng rộng.

Truy nhập internet băng rộng sẽ được phát triển theo 2 phương thức qua mạng cáp nội hạt và vô tuyến:

Giai đoạn đến năm 2015: phát triển chủ yếu theo hướng truy nhập internet qua mạng nội hạt, bước đầu xây dựng mạng NGN.

Giai đoạn 2016 - 2020: phát triển chủ yếu theo công nghệ NGN và công nghệ kết nối vô tuyến băng thông rộng Wimax với tốc độ truyền dữ liệu cao, có thể lên tới 100Mbps, khu vực phủ sóng rộng hơn 50km, khả năng bảo mật cao. Wimax sẽ phủ sóng internet vô tuyến trên một phạm vi rộng cả thành phố hoặc nhiều thành phố giống như phủ sóng điện thoại di động.

Số cổng lắp đặt đến năm 2010 là 83.078 ports.

Số cổng lắp đặt đến năm 2015 là 211.194 ports.

7. Phát triển nguồn nhân lực:

- Bưu chính:

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử đòi hỏi nguồn nhân lực có đủ kiến thức để đảm đương và phát triển công việc này, vì vậy việc kế hoạch hóa nguồn nhân lực là yếu tố thiết yếu trong quá trình đổi mới bưu chính.

Chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực mỗi năm tăng 1% tổng số lao động.

Cơ cấu lao động bưu chính đến năm 2010: 10% lao động trình độ đại học và trên đại học, 60% lao động trình độ cao đẳng và trung cấp, 30% lao động phổ thông nhưng đã qua các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ bưu chính.

Cơ cấu lao động bưu chính đến năm 2015: 15% lao động trình độ đại học và trên đại học, 65% lao động còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp, 20% lao động phổ thông.

Cơ cấu lao động bưu chính đến năm 2020: vẫn với cơ cấu trên nhưng các lao động phải được tin học hóa, trình độ ngoại ngữ thành thạo tùy thuộc vào yêu cầu công việc.

- Viễn thông:

Nguồn nhân lực viễn thông tăng bình quân 2%/1 năm. Về chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đến 2015 đạt 40% có trình độ đại học và trên đại học, chủ yếu là trình độ viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh… lao động trình độ cao đẳng chiếm 30%, còn lại là trình độ trung cấp và không có lao động phổ thông.

Tổng nguồn nhân lực dự báo đến năm 2010 là 790 lao động, năm 2015 là 873 lao động, năm 2020 là 964 lao động.

8. Tổng vốn đầu tư ước khoảng:

Tổng vốn đầu tư cho bưu chính, viễn thông đến năm 2020 là 2.720 tỷ đồng.

Trong đó: chủ yếu là đầu tư cho viễn thông bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

Đầu tư cho bưu chính:

- Đầu tư cho bưu chính giai đoạn đến năm 2010: 5.119 triệu đồng;

- Đầu tư cho bưu chính giai đoạn 2011 - 2015: 13.855 triệu đồng;

- Đầu tư cho bưu chính giai đoạn 2016 - 2020: 1.600 triệu đồng.

Đầu tư cho viễn thông:

- Đầu tư cho viễn thông giai đoạn đến năm 2010: 646.451 triệu đồng;

- Đầu tư cho viễn thông giai đoạn 2011 - 2015: 1.154.103 triệu đồng;

- Đầu tư cho viễn thông giai đoạn 2016 - 2020: 898.908 triệu đồng.

9. Nguồn vốn:

- Vốn ngân sách tỉnh;

- Vốn doanh nghiệp;

- Vốn từ nước ngoài.

10. Kế hoạch thực hiện: năm 2009 - 2010.

11. Tổ chức thực hiện:

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Kiên Giang để các tổ chức, cá nhân biết thực hiện;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện đúng quy hoạch; theo dõi đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch và kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức triển khai thực hiện dự án theo Luật Đấu thầu, kế hoạch vốn, đảm bảo trình tự và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương