Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2482/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG VEN BIỂN THANH HOÁ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc: “ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 “;

Căn cứ Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 05/4/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc: “ Phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 “;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 1417/SKHĐT - QH ngày 18/7/2011 về việc “ Xin phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng ven biển Thanh Hoá giai đoạn đến năm 2020 ”; kèm theo Biên bản hội nghị ngày 24/6/2011 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng ven biển Thanh Hoá đến năm 2020 và hồ sơ quy hoạch kèm theo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ( KT –XH ) Vùng ven biển Thanh Hoá giai đoạn đến năm 2020; với các nội dung chủ yếu sau:

I. Tên dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng ven biển Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020.

II. Chủ đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá.

III. Phạm vi dự án: Bao gồm lãnh thổ 5 huyện và 1 thị xã: Huyện Nga Sơn, huyện Hậu Lộc, huyện Hoằng Hoá, huyện Quảng Xương, huyện Tĩnh Gia và Thị Xã Sầm Sơn.

IV. Nội dung chủ yếu của dự án:

1. Quan điểm phát triển.

- Khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của vùng, phát huy nội lực kết hợp với các nguồn lực bên ngoài; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá về kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng Vùng ven biển thành vùng động lực, đầu tầu kinh tế của cả tỉnh và khu vực ven biển Nam Vịnh Bắc Bộ.

- Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển nhanh các ngành kinh tế có lợi thế như cảng và dịch vụ hàng hải, công nghiệp hoá dầu và sản phẩm từ dầu, công nghiệp điện, đóng và sửa chữa tàu biển, du lịch biển đảo, thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá an toàn và bền vững ...

- Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của dân cư vùng biển; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Phát triển Vùng ven biển đặt trong mối quan hệ liên vùng với khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ. Kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.

2. Mục tiêu phát triển.

Mục tiêu tổng quát: Xây dựng và phát triển Vùng ven biển Thanh Hóa trở thành địa bàn giàu mạnh từ kinh tế biển, một trong ba trung tâm kinh tế công nghiệp, hàng hải, du lịch và dịch vụ lớn nhất ở khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ, phát huy vai trò địa bàn đầu tầu, phát triển nhanh kinh tế - xã hội của Tỉnh, phấn đấu GDP ( giá so sánh ) của Vùng tăng gấp 3 lần sau mỗi giai đoạn kế hoạch 5 năm, đến 2020 chiếm trên 50,0% GDP của Tỉnh.

2.1. Về kinh tế.

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 23,5- 24,0% thời kỳ 2011- 2020; trong đó giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 29,0 - 29,5%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 18,0 - 18,5%.

- Cơ cấu GDP đến năm 2015: Nông lâm thủy sản 8,3%; Công nghiệp - xây dựng 63,4%; Dịch vụ 28,3%. Năm 2020: Nông - lâm - thủy sản 4,5%; Công nghiệp - xây dựng 62,0% ; Dịch vụ 33,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt 2.700,0 USD vào năm 2015 và trên 6.000,0 USD vào năm 2020.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 37,0 – 38,0% và 25,0 – 26,0% trong các giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

2.2. Về xã hội.

- Thu nhập thực tế đầu người hàng năm của dân cư tăng gấp 2,0 - 2,2 lần sau mỗi giai đoạn 5 năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4,0% trở lên.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,0% và 70,0% trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 40,0% và 50,0% vào năm 2015 và 2020.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 21,0% năm 2015 và dưới 15,0% năm 2020.

- Tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,0% vào năm 2015 và 100% năm 2020.

2.3. Bảo vệ môi trường.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 18,5 – 19,0% năm 2020.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường rác thải công nghiệp, rác thải y tế đạt 100% vào năm 2015; rác thải sinh hoạt ở nông thôn đạt 40,0% vào 2015 và trên 90,0% vào 2020.

- Tỷ lệ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải theo quy định môi trường đạt 100% vào 2015.

3. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.

3.1. Phát triển công nghiệp - xây dựng.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp gắn với biển, có lợi thế cảng biển; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng ( giá 94 ) đạt 47,0 – 48,0 nghìn tỷ đồng năm 2015 và 114,0 – 116,0 nghìn tỷ đồng vào năm 2020.

3.1.1. Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu.

a) Công nghiệp lọc hoá dầu: Tập trung xây dựng Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 1, đưa vào hoạt động trước 2015. Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm hóa dầu như: Hoá chất, chất dẻo tổng hợp, hóa mỹ phẩm, nhựa tổng hợp, khí hóa lỏng,... Phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn thành một trong các trung tâm lọc hóa dầu và chế biến các sản phẩm sau lọc hóa dầu lớn nhất cả nước.

b) Công nghiệp điện, nước: Hoàn thành nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn I, nhiệt điện Công Thanh trước năm 2015; thu hút đầu tư nhiệt điện Nghi Sơn II. Xây dựng nhà máy nước tại KKT Nghi Sơn ( giai đoạn II ); đầu tư xây dựng, nâng cấp một số nhà máy nước tại thị trấn, thị xã, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.

c) Công nghiệp kim loại và cơ khí: Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất thép phục vụ cho công nghiệp cơ khí, đóng tàu, sản xuất ô tô. Đẩy nhanh tiến độ 2 dự án luyện cán thép Nghi Sơn, POMIDO. Phát triển công nghiệp cơ khí theo hướng công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, lắp ráp. Phát triển công nghiệp điện - điện tử, thiết bị viễn thông.

d) Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển: phát triển công nghiệp đóng, sửa tàu biển ở KKT Nghi Sơn, có khả năng đóng mới được tàu 50.000,0 DWT và sửa chữa tàu 100.000,0 DWT. Khuyến khích đầu tư các cơ sở đóng, sửa tàu biển dưới 10.000,0 tấn, tàu đánh bắt, tàu dịch vụ khai thác hải sản công suất lớn ( đến 1.000 CV ) tại các khu vực cửa lạch gắn với phát triển cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền. Phát triển một số cơ sở đóng, sửa tàu nhỏ đường sông dọc các sông lớn.

e) Công nghiệp vật liệu xây dựng: Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD cao cấp, vật liệu xây dựng công nghiệp có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu như xi măng, gạch men, đá ốp lát, sứ xây dựng. Hoàn thành đầu tư nhà máy xi măng Công Thanh giai đoạn II, đưa tổng công suất sản xuất xi măng của Vùng lên 8,6 triệu tấn vào 2015.

g) Công nghiệp chế biến nông thủy sản và thực phẩm: Đầu tư các nhà máy chế biến thuỷ sản ở trung tâm nghề cá Lạch Hới, Lạch Bạng, Lạch Trường và tại KKT Nghi Sơn; nhà máy chế biến thịt, chế biến rau quả ở Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Nga Sơn; chế biến nước giải khát, thực phẩm ăn liền ở các cụm công nghiệp; chế biến gỗ, bột giấy ở KKT Nghi Sơn.

f) Công nghiệp hàng tiêu dùng, xuất khẩu, dệt - may - giày dép: thu hút các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt, may, giày dép ở các khu, cụm công nghiệp, thị trấn hoặc đầu tư các cơ sở sản xuất phân tán về các khu vực nông thôn để tạo việc làm cho lao động.

h) Tiểu thủ công nghiệp: Khuyến khích phát triển các ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn; tập trung vào các nghề truyền thống, nghề mới có thế mạnh, có thị trường tiêu thụ ổn định và phục vụ du lịch như chế biến cói mỹ nghệ, thêu ren mầu, khâu bóng, chế biến hải sản, thảm xơ dừa, mộc, thêu tranh mầu nghệ thuật...

3.1.2. Phát triển ngành xây dựng.

 Đầu tư xây dựng đi trước một bước tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho phát triển các ngành kinh tế, đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới; phấn đấu giá trị sản xuất xây dựng có nhịp tăng bình quân hàng năm 24,0 – 25,0% thời kỳ 2011 - 2020.

3.1.3. Phát triển khu kinh tế, KCN và cụm công nghiệp ven biển

a) Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn: Phát triển KKT Nghi Sơn thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu chức năng; Phấn đấu đến 2015, cơ bản lấp đầy diện tích đất quy hoạch dành cho công nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 lấp đầy hầu hết các khu chức năng của Khu kinh tế.

b) Phát triển các khu công nghiệp ( KCN ), cụm công nghiệp ( CCN ): Đến năm 2020, vùng Ven biển phát triển 1 khu công nghệ cao, 2 KCN, và 13 CCN:

- Khu công nghệ cao: Dự kiến xây dựng tại huyện Quảng Xương, quy mô diện tích khoảng 1.000,0 ha.

- Khu công nghiệp Hoàng Long ( 380,0 – 400,0 ha ): Thu hút dự án sản xuất, lắp ráp máy điện - cơ, sản xuất thiết bị điện, điện tử, thiết bị viễn thông, điện lạnh. Khu công nghiệp Hậu Lộc ( 100,0 – 120,0 ha ): Thu hút đầu tư công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí, sản xuất lắp ráp phương tiện vận tải, ô tô, máy kéo.

- Phát triển 13 cụm công nghiệp: CCN Quảng Tiến ( TX.Sầm Sơn ); CCN liên xã thị trấn, CCN làng nghề Tư Sy và CCN Tam Linh ( huyện Nga Sơn ); CCN Hòa Lộc, CCN thị trấn Hậu Lộc ( huyện Hậu Lộc ); CCN Tào Xuyên dọc QL1A, CCN Hoằng Phụ, CCN Nam Gòng, CCN Thái Thắng ( huyện Hoằng Hóa ); CCN Tiên Trang, CCN Quảng Nham - Quảng Thạch, CCN Bắc Ghép ( huyện Quảng Xương ).

3.2. Phát triển Nông lâm thủy sản.

3.2.1. Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Phát triển nuôi thủy sản mặn, lợ theo hướng đầu tư thâm canh sản phẩm sạch và an toàn dịch bệnh. Đến năm 2015 diện tích nuôi mặn, lợ 7.400,0 ha, nuôi ngọt 3000,0 ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 28.200,0 tấn và 40.000,0 tấn vào 2015 và 2020. Đóng mới tàu thuyền công suất lớn ( 90 - 500CV ), chuyển đổi nghề khơi, mở rộng ngư trường khai thác; nâng sản lượng khai thác thủy sản lên 76.000,0 tấn và 80.000,0 tấn, trong đó sản lượng đánh bắt xa bờ chiếm 35,0% và 40,0% vào năm 2015 và 2020.

3.2.2. Phát triển nông nghiệp.

- Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành vùng lúa chất lượng cao, vùng rau quả xuất khẩu; ổn định diện tích gieo trồng lúa khoảng 64,5 nghìn ha; tăng diện tích rau đậu thực phẩm lên 13,0 - 13,5 nghìn ha vào năm 2020. Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 446,0 nghìn tấn.

- Phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại công nghiệp và bán công nghiệp; tổng đàn lợn khoảng 550 nghìn con và 700 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 40 triệu con và 60 triệu con, sản lượng thịt hơi 65,0 nghìn tấn và 80,0 nghìn tấn vào năm 2015 và năm 2020.

3.3. Phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu.

3.3.1. Dịch vụ vận chuyển và dịch vụ cảng biển.

Phát triển các dịch vụ cảng biển, hàng hải, vận tải biển tại cảng Nghi Sơn, cảng Lễ Môn mở rộng, cảng đảo Mê, cảng Quảng Nham và một số bến cảng hàng hóa; khối lượng hàng hoá thông qua các cảng trong Vùng hàng năm đạt khoảng 15,0 triệu tấn và 30,0 – 32,0 triệu tấn vào 2015 và 2020. Từng bước hình thành đội tàu trên các tuyến đường biển nội địa và quốc tế; phấn đấu có đội tàu biển vận tải hàng rời, hàng bách hóa có tổng trọng tải khoảng 200.000,0 - 250.000,0 DWT với cỡ tàu 1.000,0 - 10.000,0 DWT vào năm 2020.

3.3.2. Dịch vụ du lịch.

Ngoài Đô thị du lịch Sầm Sơn, ưu tiên phát triển các Khu du lịch sinh thái Nghi Sơn, Trường Lệ, Khu du lịch biển Hải Tiến, Quảng Vinh, Hải Hòa và phụ cận, Khu du lịch Động Từ Thức, Đền thờ Mai An Tiêm, Đền thờ Bà Triệu, ... Phát triển du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, giải trí, du lịch cao cấp như sân Golf, Casino; đạt chuẩn quốc tế ở ven biển và ngoài đảo. Phấn đấu năm 2015 đón 3,1 - 3,2 triệu lượt khách, 2020 đón 5,5 – 6,0 triệu lượt khách.

3.3.3. Dịch vụ thương mại.

Đầu tư hạ tầng thương mại tại KKT Nghi Sơn như kho trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan, trung tâm hội chợ, phát triển KKT Nghi Sơn trở thành trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ từ chợ đầu mối đến chợ xã và hệ thống các kho lạnh chứa thủy sản ở các khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 26,0 - 27,0%/năm và đạt 75,0 – 76,0 nghìn tỷ đồng vào năm 2020.

3.3.4. Dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng như: hệ thống ngân hàng thương mại, kiểm toán, bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính, giao dịch bất động sản. Nâng tỷ trọng các dịch vụ tài chính - ngân hàng chiếm khoảng 4,5% và 5,0% trong cơ cấu GDP của Vùng vào 2015 và 2020. Doanh số cho vay tăng bình quân 27,0 – 28,0% và 23,0 – 24,0% trong các giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

3.3.5. Dịch vụ thông tin và truyền thông.

Đến năm 2015, 100% số hộ có máy điện thoại, 30,0% số hộ có máy tính và truy cập Internet băng thông rộng, 50,0% số hộ xem truyền hình số, mật độ điện thoại đạt 61 máy/100 dân, 100% số xã được cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng bằng cáp quang. Đến năm 2020, có 50,0 – 60,0% số hộ có máy tính và 100% số hộ truy cập Internet băng thông rộng, mật độ điện thoại đạt 75 máy/100 dân, mật độ thuê bao Internet đạt 15 - 20 máy/100 dân.

3.4. Phát triển các lĩnh vực Khoa học - Giáo dục - Môi trường.

3.4.1. Khoa học và công nghệ.

Xúc tiến đầu tư xây dựng, từng bước hình thành khu công nghệ cao, các mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong nhân diện giống mới đã chọn lọc, giống đặc sản trong nuôi trồng thuỷ sản, nâng tỷ lệ sản phẩm chủ yếu từ cây trồng, vật nuôi được chọn nhân giống và áp dụng kỹ thuật thâm canh đạt 80,0% GTSX vào 2020.

3.4.2. Giáo dục và đào tạo.

Mở rộng xã hội hoá giáo dục, đào tạo; ưu tiên đầu tư cho giáo dục Mầm non, nhà trẻ ở khu vực nông thôn; phấn đấu, năm 2015 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm trên 64,0%, năm 2020 trên 80,0%. Khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng và dạy nghề; đến 2020, có 4 - 5 trường Đại học ( cả phân hiệu ), tỷ lệ lao động qua đào tạo 55,0% năm 2015 và 70,0% năm 2020.

3.4.3. Tài nguyên môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

- Tổ chức quản lý, giám sát, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, môi trường vùng ven biển. Tiếp tục tiến hành điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên, môi trường. Tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thuỷ văn; tập trung đầu tư cho các dự án kè bờ sông, bờ biển nhằm ứng phó lũ lụt, lở đất, mực nước biến dâng và biến đổi khí hậu; thực hiện các dự án tái định cư, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ở các xã ven biển, ven sông chịu ảnh hưởng thiệt hại từ thiên tai.

- Lập, rà soát quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã và chi tiết cấp xã. Dự kiến cơ cấu sử dụng đất đến 2020: Đất nông nghiệp 59,5 – 60,0%; Đất phi nông nghiệp 35,0 - 35,5%; Đất chưa sử dụng 2,5%; Đất có mặt nước ven biển 2,5%.

3.5. Phát triển các lĩnh vực Y tế - Văn hóa - Xã hội.

3.5.1. Y tế và chăm sức khỏe cộng đồng.

Xây dựng hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Hoàn thành xây dựng bệnh viện đa khoa Nghi Sơn ( quy mô 500 giường ) và các bệnh viện ngoài công lập, 6 trung tâm y tế dự phòng; nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, thị; đầu tư trang thiết bị và bổ sung đội ngũ bác sỹ cho tuyến y tế xã. Phấn đấu, đến năm 2015 bình quân đạt 17 giường bệnh/vạn dân và 7 - 8 bác sĩ/vạn dân, năm 2020 đạt 21 giường bệnh/vạn dân, 9 - 10 bác sỹ/vạn dân; 100% xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

3.5.2. Văn hoá - thể thao.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao (TDTT). Phấn đấu, đạt 76,0% và 100% xã, phường có thiết chế văn hoá - thể thao đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa chiếm 83,0% và 87,0%; tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường văn hoá là 26,0% và 50,0%; tỷ lệ dân số thường xuyên tham gia tập luyện TDTT là 36,6% và trên 40,0% năm 2015 và 2020.

3.5.3. Thực hiện chính sách xã hội.

- Huy động nguồn lực thực hiện chương trình giải quyết việc làm ( hướng nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp,...), đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 20,0 – 21,0 nghìn lao động.

- Lồng ghép các chương trình mục tiêu đầu tư giảm nghèo nhanh, bền vững, tập trung cho các xã bãi ngang có tỷ lệ hộ nghèo lớn; phấn đấu giai đoạn 2011- 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,0%/năm trở lên.

3.6. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

3.6.1. Giao thông.

- Giao thông đường bộ: Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại ( QL1A, QL10, đường cao tốc bắc nam, đường ven biển ); các tuyến nối khu vực miền núi với vùng biển ( QL47, QL217, Nghi Sơn - Bãi Trành ); tuyến nối các huyện ven biển với vùng đồng bằng ( đường Bỉm Sơn - Nga Sơn - đảo Nẹ, đường Voi - Sầm Sơn ); hoàn thiện các tuyến đường tỉnh, đường huyện; từng bước thực hiện kiên cố hoá đường xã.

- Giao thông thủy: Phát triển giao thông đường thuỷ kết hợp chặt chẽ với hệ thống cảng; ưu tiên đầu tư cải tạo luồng lạch và nâng cấp, xây dựng bến, cảng tại các sông chính trên địa bàn như sông Mã, sông Tào, sông Yên, Sông Bạng, Kênh Nga, Kênh De, Kênh Choán,... Lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống phao tiêu, đèn hiệu, biển báo trên các tuyến sông, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đi lại.

- Cảng biển: Đến 2015, hoàn thành cơ bản hệ thống cảng biển trong Vùng đi kèm với phát triển các dịch vụ cảng biển, kho bãi, hàng hải. Tập trung hoàn thiện cảng tổng hợp Nghi Sơn và các bến chuyên dụng; xây dựng cảng đảo Mê, cảng Quảng Châu (mở rộng cảng Lễ Môn), Quảng Nham; nghiên cứu đầu tư cảng đảo Nẹ. Phấn đấu đến 2020 khối lượng hàng hoá qua cảng đạt 32,0 triệu tấn.

- Cảng hàng không: xây dựng và đưa vào hoạt động sân bay cấp 3C chuyên chở hành khách nội địa ( 250.000 lượt/năm ), hàng hóa ( 10.000,0 tấn/năm ) và thực hiện dịch vụ khác kết hợp an ninh quốc phòng như tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, cháy rừng, bảo vệ môi trường.

3.6.2. Hệ thống cấp điện.

- Mạng cao thế: xây dựng mới một số tuyến cao thế 220 KV, 110 KV, nâng cấp các trạm biến thế 220 KV, 110KV phục vụ cung cấp điện cho KKT Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các huyện, thị xã trong Vùng.

- Mạng trung thế, hạ thế: cải tạo các tuyến 10 KV thành 22 KV, xây dựng các tuyến 22 KV trên cơ sở các tuyến trục từ trạm 110 KV, lắp đặt bổ sung các trạm biến áp 100 KVA, 160 KVA, 250 KVA cho các xã, thị trấn và các trạm 250 KVA, 400 KVA, 630 KVA cho các khu dân cư, cụm công nghiệp, dịch vụ.

- Nâng cấp hệ thống trạm phân phối điện 2 cấp 10/0,4 và 22/0,4KV trên địa bàn, tiến tới chuyển sang vận hành với mức điệp áp 22/0,4KV. Đầu tư mới 651 trạm phân phối điện trong Vùng với tổng công suất đến năm 2015 đạt khoảng 341.715 KVA.

 3.6.3. Hạ tầng mạng thông tin - truyền thông.

Xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông - Internet công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng, đồng bộ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực. Đến năm 2015, hoàn thành mạng băng thông rộng đến các xã, phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến 70,0% dân cư. Đến 2020, hoàn thành mạng băng thông rộng và phủ sóng thông tin di động đến các thôn, đảm bảo thông tin duyên hải.

3.6.4. Hệ thống cấp nước sạch.

Hoàn thành nhà máy nước Bình Minh giai đoạn 1 công suất 30.000m3/ ngày, nhà máy nước Nghi Sơn ( giai đoạn 2 ) 60.000,0 m3/ngày. Nâng cấp các nhà máy nước đã có tại các thị trấn; xây dựng mới một số nhà máy nước tại các thị trấn, thị xã, khu dịch vụ - đô thị, khu du lịch, khu dịch vụ hậu cần nghề cá; đến 2020, có 10 - 12 nhà máy nước, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 100% dân số đô thị, một phần lớn dân số nông thôn và cấp đủ nước cho các hoạt động kinh tế.

3.6.5. Hệ thống công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai.

- Hoàn thiện hệ thống thủy lợi trong Vùng theo hướng đa mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp với cấp, thoát nước sinh hoạt và giao thông đường thủy. Đẩy nhanh tốc độ kiên cố hoá các tuyến đê, kè xung yếu và hệ thống kênh mương tưới, tiêu trên địa bàn. Ưu tiên đầu tư giải quyết tưới cho các huyện vùng phía Bắc sông Mã ( huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa ); hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Càn ( huyện Nga Sơn ); hệ thống cấp nước tưới và sinh hoạt cho các xã vùng Đông kênh De ( huyện Hậu Lộc ); hệ thống tưới đầu mối huyện Tĩnh Gia; hệ thống tiêu Lưu - Phong - Châu ( huyện Hoằng Hóa ), hệ thống tiêu kênh Than ( huyện Tĩnh Gia ).

- Triển khai đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các công trình phân lũ, công trình đê, kè phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, củng cố hệ thống đê bao trên địa bàn. Huy động đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo, phòng chống thiên tai khu vực ven biển, các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ven biển nhằm nâng cao khả năng ứng cứu khi có mưa lũ, ngập lụt.

4. Định hướng phát triển kinh tế xã hội theo lãnh thổ.

4.1. Phát triển các trục kinh tế động lực và khu vực lãnh thổ đầu tầu.

4.1.1. phát triển các trục kinh tế có tính lan toả.

- Phát triển theo tuyến Quốc lộ 10, đường ven biển:

+ Xây dựng các cơ sở kinh tế dọc theo tuyến QL10, hình thành trục kinh tế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng bên trong huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương hình thành các trục kinh tế có sức lan tỏa mạnh ở khu vực bắc sông Mã.

+ Xây dựng các trung tâm kinh tế gắn với các khu chức năng như cảng biển, khu du lịch, khu dịch vụ - đô thị,... dọc theo tuyến đường ven biển; xây dựng cụm kinh tế - quốc phòng đảo Mê, đảo Nẹ và một số đảo gần bờ; 5 cụm kinh tế biển tại các cửa Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng.

- Phát triển theo tuyến QL1A:

Phát triển kinh tế theo tuyến QL1A đoạn qua các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Phát triển các trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại các thị trấn, thị tứ, cụm công nghiệp như Triệu Lộc ( huyện Hậu Lộc ), Hoằng Quỳ, Hoằng Lý, Tào Xuyên ( huyện Hoằng Hóa ), Quảng Ninh, Quảng Bình, bắc Ghép ( huyện Quảng Xương ), Hải An, Ninh Hải ( huyện Tĩnh Gia ) và Thị trấn Quảng Xương, Tĩnh Gia.

- Phát triển theo tuyến QL47 ( TX. Sầm Sơn - TP.Thanh Hóa ):

Phát triển kinh tế theo tuyến QL47, trung tâm là TX.Sầm Sơn, đồng thời với sự lan toả của thành phố Thanh Hoá, hình thành khu công nghệ cao, một số cụm công nghiệp sạch, xây dựng các khu dịch vụ - đô thị, đô thị sinh thái mới; từng bước phát triển thành chuỗi đô thị kết nối Sầm Sơn với TP.Thanh Hóa.

- Phát triển theo tuyến đường Bỉm Sơn - Nga Sơn - đảo Nẹ, kết nối với QL1A, đường Hồ Chí Minh.

- Tuyến đường Nghi Sơn - Bãi Trành, kết nối KKT Nghi Sơn và KCN Bãi Trành, đường Hồ Chí Minh.

- Khu vực Tĩnh Gia: ( KKT Nghi Sơn và huyện Tĩnh Gia ):

Phát triển khu kinh tế Nghi Sơn gắn với khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ, ưu tiên đầu tư cảng tổng hợp Nghi Sơn, các dự án trọng điểm như nhiệt điện, lọc hoá dầu; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến,... tạo đà phát triển mạnh dịch vụ - thương mại. Kết hợp phát triển khu kinh tế với phát triển mạng lưới đô thị; phấn đấu đến năm 2020 khu vực huyện Tĩnh Gia trở thành khu kinh tế động lực, là đầu tầu lôi kéo sự phát triển của tỉnh và trung tâm công nghiệp - đô thị lớn ở ven biển Vịnh Bắc Bộ.

- Khu vực Sầm Sơn và phụ cận:

Tập trung phát triển Khu vực Sầm Sơn và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia với các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái nghĩ dưỡng cao cấp; đồng thời tập trung phát triển khai thác và chế biến thuỷ, hải sản và là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn ở khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ; từng bước xây dựng TX.Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch, dịch vụ loại III.

4.4.2. Phát triển đô thị và nông thôn.

a) Phát triển mạng lưới đô thị.

Đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hoá của Vùng đạt 25,0 – 26,0%, năm 2020 đạt 35,0 – 40,0%, với 20 đô thị gồm: 02 đô thị loại III ( thành phố du lịch Sầm Sơn và Thành phố công nghiệp Nghi Sơn ); 06 đô thị loại IV ( thị trấn Tào Xuyên - Hoằng Hóa và 05 thị trấn trung tâm huyện ); 12 đô thị loại V, gồm các thị trấn mới: Thị trấn Nga Liên, thị trấn Điền Hộ ( huyện Nga Sơn ); thị trấn Hòa Lộc, thị trấn Triệu Lộc, thị trấn Diêm Phố ( huyện Hậu Lộc ); thị trấn Nghĩa Trang, thị trấn Chợ Vực, thị trấn Hải Tiến, thị trấn Hoằng Trường ( huyện Hoằng Hóa ); thị trấn Hải Ninh, thị trấn Hải Thanh ( huyện Tĩnh Gia); thị trấn Tiên Trang ( huyện Quảng Xương ).

b) Phát triển nông thôn và địa bàn còn khó khăn.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trước mắt thực hiện trên một số xã điểm làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn vùng. Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ( theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ) chiếm trên 25,0% và trên 65,0%. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế nông thôn cho các xã bãi ngang; lồng ghép các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội các xã nghèo.

5. Quốc phòng - An ninh.

Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ven biển gắn với hệ thống công trình phòng thủ trên địa bàn. Nâng cấp cơ sở vật chất cho các đồn biên phòng; tăng cường lực lượng, trang thiết bị và phương tiện hiện đại cho các đơn vị làm công tác tuần tra trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

6. Các dự án ưu tiên đầu tư. ( có phụ lục kèm theo ).

7. Giải pháp thực hiện quy hoạch.

7.1. Giải pháp phát huy vai trò quản lý Nhà nước ở các cấp, các ngành.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trên 4 lĩnh vực, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cải cách hành chính công nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư phát triển.

7.2. Giải pháp huy động vốn đầu tư.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 ước tính trên 520,0 nghìn tỷ đồng ( 2011 - 2015 khoảng 200,0 nghìn tỷ đồng, 2016 - 2020 trên 320,0 nghìn tỷ đồng ); trong đó huy động nguồn vốn từ khu vực Nhà nước chiếm 19,0%, vốn ngoài Nhà nước 38,0 – 39,0%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 42,0 – 43,0%.

Tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế; đa dạng hoá các hình thức đầu tư BT, BOT, BTO và các hình thức khác để thu hút vốn đầu tư.

7.3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ lao động.

Ưu tiên đào tạo lao động cho phát triển các ngành kinh tế biển và đào tạo nghề cho thanh niên ở nông thôn. Tăng cường mở rộng hợp tác với các trung tâm đào tạo nghề, đào tạo đại học ở trong nước và nước ngoài. Xây dựng chính sách thu hút nhân tài trong các ngành nghề gắn với kinh tế biển như: ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt, thu nhập.

7.4. Giải pháp phát triển doanh nghiệp.

Đổi mới môi trường chính sách phát triển doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh như: hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, tạo điều kiện mặt bằng, hỗ trợ xây dựng nguồn nguyên liệu, hỗ trợ xúc tiến thị trường; khuyến khích xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại.

7.5. Giải pháp phát triển thị trường.

Bổ sung đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển các loại thị trường tại Vùng ven biển bao gồm: thị trường hàng hoá và dịch vụ, lao động, công nghệ, tài chính. Đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, xây dựng hệ thống thông tin thị trường, sàn giao dịch và phát triển các dịch vụ trung gian tài chính, kiểm toán, môi giới tài chính và bất động sản tại Vùng ven biển.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và các huyện ven biển tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 cho đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, các chương trình, dự án ưu tiên cho các nhà đầu tư; thành lập ban chỉ đạo trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định để chỉ đạo thực hiện quy hoạch.

2. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện ven biển căn cứ quy hoạch được đuyệt, chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương cụ thể hoá các mục tiêu của quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, xúc tiến đầu tư thuộc ngành, địa phương quản lý.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày từ ngày ký.

Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 QĐ ( để thực hiện );
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ( để báo cáo );
- Chủ tịch, Các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các huyện vùng biển Thanh Hóa;
- Lưu: VT, KTTC Thn2011163 ( 50 ).

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 


BIỂU: DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU VÙNG VEN BIỂN THỜI KỲ 2011 - 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2482 /QĐ - UBND ngày 01 /8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

STT

Danh mục dự án

Địa điểm xây dựng

Quy mô đầu tư

Thời gian KC - HT

Dự kiến mức đầu tư ( tỷ đồng )

A

B

C

1

2

3

 

TỔNG SỐ:

 

 

 

316.409

I

CÔNG NGHIỆP.

 

 

 

208.575

1

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

9,6 triệu tấn dầu thô/năm

2008 - 2014

124.000

2

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II.

KKT Nghi Sơn

1.200 MW

2013 - 2016

40.000

3

Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh.

KKT Nghi Sơn

300 MW

2011 - 2014

7.000

4

Dây chuyền 2 - Nhà máy Xi măng Công Thanh.

KKT Nghi Sơn

4,5 triệu tấn/năm

2010 - 2012

6.700

5

Nhà máy Thép Pomido.

KKT Nghi Sơn

65,0 vạn tấn/năm

2008 - 2012

1.400

6

Nhà máy Thép Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

75,0 vạn tấn/năm

2013 - 2016

1.500

7

Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Poly Terephthelat Acrilic ( PTA ).

KKT Nghi Sơn

30,0 – 40,0 vạn tấn/năm

2014 - 2016

4.500

8

Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp ( PET ).

KKT Nghi Sơn

30,0 vạn tấn/năm

2014 - 2017

3.900

9

Nhà máy Benzen, Xylen ( BTX ).

KKT Nghi Sơn

40,0 vạn tấn/năm

2014 - 2017

3.240

10

Xây dựng trạm LNG.

KKT Nghi Sơn

30,0 vạn tấn/năm

2014 - 2016

1.600

11

Dự án sản xuất Polyethylen ( PE ).

KKT Nghi Sơn

45,0 vạn tấn/năm

2014 - 2017

3.760

12

Dự án sản xuất Polypropylen ( PP ).

KKT Nghi Sơn

30,0 vạn tấn/năm

2014 - 2016

2.800

13

Nhà máy sản xuất Bio - Butanol.

KKT Nghi Sơn

30,0 vạn tấn/năm

2013 - 2016

3.500

14

Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Thanh Hóa.

Huyện Hậu Lộc

5 vạn tấn bột giấy/năm; 6 vạn tấn bao bì xi măng/năm.

2006 - 2013

4.675

II

GIAO THÔNG.

 

 

 

63.920

14

Đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.

Đoạn qua các huyện: Hoằng Hóa, Tĩnh Gia

Đường cấp I, 6 làn xe, 110,0 km

2013 - 2018

22.000

15

Đường sắt cao tốc đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.

Đoạn qua các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia

 

2015 - 2020

7.000

16

Xây dựng QL 1A từ dốc Xây đến khe nước Lạnh.

Đoạn qua các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia

96,6 km

2011 - 2015

8.300

17

Xây dựng đường bộ ven biển Nga Sơn, Quảng Xương.

Nga Sơn, Quảng Xương

110,0 km

2012 - 2018

4.000

18

Nâng cấp, mở rộng QL 47 đoạn Km0-Km31+260.

Đoạn từ TX. Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa

31,0 km

2010 - 2014

1.200

19

Đại lộ Nam Sông Mã.

TP. Thanh Hóa, TX. Sầm Sơn, huyện Quảng Xương

17,3 km

2009 - 2015

2.500

20

Xây dựng sân bay dân dụng tỉnh Thanh Hóa.

Huyện Tĩnh Gia

200,0 ha

2014 - 2017

3.000

21

Đường từ ngã ba Voi đi thị xã Sầm Sơn.

TP. Thanh Hóa, TX. Sầm Sơn, huyện Quảng Xương

11,5 km

2010 - 2015

1.500

22

Cải tạo, nâng cấp QL 10 từ Ninh Bình đến cầu Ghép.

Đoạn qua các huyện, thị xã trong vùng

64,0 km

2013 - 2017

4.200

23

Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn các huyện.

TX. Sầm Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia

40,0 km

2011 - 2018

2.000

24

Xây dựng cảng tại đảo Nẹ.

Huyện Hậu Lộc

Cho tàu đến 1.000 - 2.000 DWT ra vào

2012 - 2015

1.500

25

Đường Thạch Quảng - Bỉm Sơn - Nga Sơn - đảo Nẹ.

TX. Bỉm Sơn, huyện Nga Sơn

70,0 km

2012 - 2017

3.500

26

Đường từ phà Thắm đi cầu Đò Đại.

huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa

21,5 km

2011 - 2016

1.000

27

Cầu qua sông Ghép nối Quảng Nham - Hải Châu; Cầu Thắm - Cầu Bút ( trên QL 10 ); Cầu Đò Đại; Cầu Hoằng Khánh.

Các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia

 

2011 - 2016

1.500

28

Đường cứu hộ, cứu nạn ven biển từ Hải Châu đi Hải Hòa.

Huyện Tĩnh Gia

38,0 km

2011 - 2014

300

29

Đường cứu hộ ven biển từ đò Càn ( Nga Thái ) đến đò Gảnh ( Nga Thủy ).

Huyện Nga Sơn

 

2013 - 2016

300

30

Đường giao thông từ xã Phú Sơn đi Các Sơn.

Huyện Tĩnh Gia

17,0 km

2011 - 2014

120

III

NÔNG - LÂM - THỦY SẢN.

 

 

 

7.339

31

Đập Lèn.

Huyện Hà Trung

Tưới 24.700,0 ha

2013 - 2016

560

32

Nạo vét sông Lạch Trường đoạn từ Cầu Tào đến cửa Lạch Sung.

Các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc

24,5 km

2011 - 2014

400

33

Cảng Quảng Châu (cảng Lễ Môn mới).

Huyện Quảng Xương

2 bến cho tàu đến 1.000 tấn ra vào

2013 - 2015

300

34

Các dự án đê, kè biển.

6 huyện ven biển

86,5 km

2011 - 2015

1.200

35

Cảng cá đảo Mê.

Huyện Tĩnh Gia

4.0000,0 tấn/năm

2012 - 2015

150

36

Cảng cá Lạch Bạng ( giai đoạn 2 ).

Huyện Tĩnh Gia

 

2010 - 2012

160

37

Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng, Lạch Trường.

Các huyện: Tĩnh Gia, Hậu Lộc

 

2011 - 2013

230

38

Nạo vét hệ thống kênh và sông Lý.

Huyện Quảng Xương

13.800,0 ha

2011 - 2014

200

39

Hệ thống tưới Tĩnh Gia.

Huyện Tĩnh Gia

5.800,0 ha

2011 - 2013

170

40

Xây dựng công trình đầu mối và hệ thống kênh trạm bơm Đại Lộc, huyện Hậu Lộc.

Huyện Hậu Lộc

Tưới 5.000,0 ha

2011 - 2013

175

41

Hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Càn xã Nga Điền, huyện Nga Sơn.

Xã Nga Điền, huyện Nga Sơn

XD đập cao su 60,0 m; gia cố mái thư­ợng, hạ l­ưu

2011-2015

29,0

42

Nâng cấp đê, kè biển, xã Hoằng Trường.

H. Hoằng Hoá

Chiều dài 3,5 km

2013 - 2017

65

43

Tu bổ, nâng cấp đê sông Lèn.

Huyện Hậu Lộc, Nga Sơn

Chiều dài 40,0 km

2012 - 2016

600

44

Tu bổ, nâng cấp đê sông Lạch Trường.

H. Hoằng Hóa, Hậu Lộc

Chiều dài 34,7 km

2012 - 2016

540

45

Tu bổ, nâng cấp đê địa phương.

Các huyện

Chiều dài 200,0 km

2011 - 2020

400

46

Nạo vét, cải tạo các tuyến kênh tiêu chính liên xã phía Bắc và Tây Bắc, huyện Tĩnh Gia.

Huyện Tĩnh Gia

Tiêu 10.610,8 ha và giữ nước tưới cho 2.360,0 ha

2012 - 2017

118

47

Kiến cố hóa kênh mương nội đồng.

Các huyện

Chiều dài 2.000,0 km

2011 - 2020

1.000

48

Trạm bơm tiêu Lưu Phong Châu.

Huyện Hoằng Hóa

Tiêu cho 3.172,0 ha đất canh tác

2015 - 2020

32

49

Nâng cấp cảng cá Lạch Hới thị xã Sầm Sơn.

Thị xã Sầm Sơn

40.000,0 tấn/năm

2011 - 2015

120

50

Nâng cấp cảng cá Hoằng Trường, Hoằng Hoá.

Huyện Hoằng Hóa

8.000,0 tấn/năm

2011 - 2015

50

51

Bến cá Nga Bạch, Nga Sơn.

Huyện Nga Sơn

3.000,0 tấn/năm

2012 - 2016

20

52

Đầu tư xây dựng các khu đô thị nghề cá: Hoà Lộc, Ghép, Lạch Bạng, Quảng Tiến ( Sầm Sơn ).

Hhuyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia.

 

2013 - 2017

800

53

Nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Hải Lộc, Hoà Lộc ( Hậu Lộc ).

Huyện Hậu Lộc

 

2011 - 2015

20,0

IV

THƯƠNG MẠI - DU LỊCH.

 

 

 

10.415

54

Nâng cấp, xây dựng mới chợ đầu mối hải sản Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Hậu Lộc.

TX. Sầm Sơn, các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc

10.000,0 m2/chợ

2011 - 2015

162

55

Xây dựng mới chợ chuyên doanh hải sản Nga Tiến, Hoằng Trường, Quảng Nham, Hải Nhân.

Huyện Nga Sơn, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia

5.000,0 m2 /chợ

2012 - 2015

40

56

Xây dựng mới, nâng cấp chợ 37 xã bãi ngang.

Các xã bãi ngang

74.000,0 m2

2011 - 2015

22

57

Xây dựng Trung tâm thương mại thị xã Sầm Sơn.

TX. Sầm Sơn

75.000,0 m2

2011 - 2015

525

58

Xây dựng Trung tâm thương mại Quảng Tâm.

Huyện Quảng Xương

30.000,0 m2

2016 - 2020

210

59

Xây dựng Trung tâm thương mại Trúc Lâm.

Huyện Tĩnh Gia

34.000,0 m2

2011 - 2015

204

60

Xây dựng Trung tâm thương mại Tân Trường.

Huyện Tĩnh Gia

60.000,0 m2

2016 - 2020

420

61

Xây dựng siêu thị Trường Sơn, Triệu Lộc, Còng, Trúc Lâm, Trường Lâm.

TX. Sầm Sơn và các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia

2.000,0 m2/siêu thị

2011 - 2015

52

62

Xây dựng kho đầu mối xăng dầu Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

50.000,0 m3/01 bể chứa

2011 - 2015

500

63

Xây dựng kho khí đốt hoá lỏng.

KKT Nghi Sơn

50.000,0 m3/01 bể chứa

2011 - 2015

500

64

XD kho ngoại quan cảng thương mại Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

50,0 ha

2011 - 2015

400

65

Xây dựng Kho trung chuyển hàng hoá cảng Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

103,0 ha

2011 - 2015

800

66

Xây dựng Kho chứa hàng khu vực miễn thuế.

KKT Nghi Sơn

50,0 ha

2011 - 2015

300

67

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Quảng Cư, TX Sầm Sơn.

TX. Sầm Sơn

500,0 ha

2012 - 2017

2.000

68

Khu du lịch biển Hải Hòa.

Huyện Tĩnh Gia

85,0 ha

2011 - 2015

1.000

69

Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến.

Huyện Hoằng Hóa

178,0 ha

2011 - 2015

1.480

70

Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn

Huyện Tĩnh Gia

106,0 ha

2013 - 2020

1.800

V

HẠ TẦNG ĐÔ THỊ, KHU KINH TẾ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP.

 

 

 

19.700

71

Khu đô thị trung tâm KKT Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

1.500,0 ha

2011 - 2018

3.400

72

Hạ tầng đô thị du lịch Sầm Sơn.

TX. Sầm Sơn

 

2011 - 2015

2.000

73

Đê chắn sóng; nạo vét cảng dầu khí.

KKT Nghi Sơn

 

2012 - 2016

2.000

74

Đường vận chuyển thiết bị phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

4,2 km

2010 - 2012

600

75

Cảng tổng hợp và cảng container Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

11 bến cảng tổng hợp và 6 bến cảng container cho tàu đến 30.000 - 50.000 DWT.

2012 - 2018

7.900

76

Đường Bắc Nam 2 kéo dài ( đoạn từ QL1A đến đường cao tốc và từ đường Đông Tây 1 đến QL1A).

KKT Nghi Sơn

 

2013 - 2017

800

77

Đường Đông Tây 1.

KKT Nghi Sơn

4,5 km

2011 - 2014

550

78

Đường Đông Tây 4.

KKT Nghi Sơn

4,5 km

2013 - 2016

450

79

Xây dựng trạm bơm hệ thống cung cấp nước thô công suất 90.000m3/ngày đêm.

KKT Nghi Sơn

9 vạn m3/ ngày đêm

2011 - 2014

300

80

Các khu tái định cư: Xuân Lâm - Nguyên Bình (giai đoạn 2 ); Trường Lâm; Tân Trường; Tùng Lâm; Trúc Lâm ( mở rộng ).

KKT Nghi Sơn

700,0 ha

2010 - 2015

1.200

81

Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu đô thị Nghi Sơn.

KKT Nghi Sơn

 

2012 - 2015

300

82

Cấp nước sinh hoạt cho huyện Nga Sơn, Hậu Lộc.

Các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc

 

2011 - 2014

200

VI

GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA - XÃ HỘI.

 

 

 

6.460

83

Cải tạo, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, khu vực; trung tâm y tế dự phòng huyện và trạm y tế xã.

5 huyện ven biển và các xã vùng biển

 

2011 - 2017

1.000

84

Kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho GV.

Các huyện ven biển

 

2010 - 2012

1.200

85

Hạ tầng trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp vùng ven biển.

Các huyện ven biển

 

2011 - 2015

500

86

Khu nhà ở sinh viên.

Huyện Tĩnh Gia

 

2016 - 2019

200

87

Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa Nghi Sơn.

Tĩnh Gia

500 giường bệnh

2011 - 2015

210

88

Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa Tâm Phúc.

Quảng Xương

100 giường

2011 - 2015

50

89

Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh(Cơ sở Thanh Hóa).

Quảng Xương

12.000 sinh viên

2011 - 2015

200

90

Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương

Sầm Sơn

600 học sinh

2011 - 2020

20

91

Trường Cao đẳng nghề Licogi.

Tĩnh Gia

5.000 hs

2011 - 2014

200

92

Trường trung cấp nghề Nghi Sơn.

Tĩnh Gia

5.000 sinh viên

2011 - 2015

450

93

Trum tâm đào tạo lao động đi làm việc ở Trung Đông.

Quảng Xương

1.500 sinh viên

2011 - 2015

400

94

Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Nghi Sơn

Tĩnh Gia

15.000 sinh viên

2015 - 2020

500

95

Đầu tư cơ sở vật chất 29 trường THPT ở các huyện vùng biển.

các huyện

 

2011 - 2020

300

96

Đầu tư cơ sở vật chất các trường mầm non, Tiểu học và THCS ở các xã vùng biển (kiên cố các phòng học; xây dựng các phòng chức năng)

các huyện

 

2011 - 2015

960

97

Tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa nữ tướng Lê Thị Hoa, danh tướng Trịnh Minh, huyện Nga Sơn.

Nga Sơn

 

2012 - 2015

70

98

Trang thiết bị cho cứu hộ, cứu nạn và tuần tra biển.

Các huyện trong vùng + C51

 

2011 - 2020

200