Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1584/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG, NHIỆM VỤ VÀ DỰ TOÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 148/2005/QĐ-TTg ngày 17/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến 2015;

Căn cứ Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 50/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/03/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cơ chế tài chính và mức kinh phí lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 23/01/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc Ban hành Chương trình công tác năm 2013;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 190/TTr-SKHĐT ngày 06/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với các nội dung chính như sau:

1. Tên công trình: Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

2. Chủ đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Phạm vi nghiên cứu và quy mô:

- Phạm vi nghiên cứu: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam và khu vực lân cận.

- Quy mô:

+ Diện tích tự nhiên toàn tỉnh Quảng Nam: 10.438 km2.

+ Dân số khoảng: 1.444.563 người.

4. Nội dung thực hiện

4.1. Nội dung lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

a) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển, khả năng khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh trong vùng và so sánh với các tỉnh lân cận:

- Phân tích, đánh giá và dự báo khả năng huy động các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, vào mục tiêu phát triển của tỉnh trong vùng và cả nước.

- Phân tích, dự báo ảnh hưởng của các yếu tố trong nước và quốc tế đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam; tác động của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

- Đánh giá về các lợi thế so sánh, hạn chế và cơ hội cùng các thách thức đối với phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ quy hoạch.

b) Luận chứng mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng; xác định vị trí, vai trò của tỉnh đối với nền kinh tế của vùng và cả nước, từ đó luận chứng mục tiêu và quan điểm phát triển của tỉnh. Tác động của chiến lược và quy hoạch cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đối với tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Luận chứng mục tiêu phát triển (gồm cả mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể).

- Đối với mục tiêu kinh tế: Tăng trưởng GDP, tổng GDP, giá trị xuất khẩu và tỷ trọng đóng góp của tỉnh đối với vùng và cả nước, đóng góp vào ngân sách, GDP/người, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh có so sánh với bình quân chung của vùng và cả nước.

- Đối với mục tiêu xã hội: Mức tăng việc làm, giảm thất nghiệp, giảm đói nghèo, mức độ phổ cập về học vấn, tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo, mức giảm bệnh tật và tệ nạn xã hội.

- Đối với mục tiêu môi trường: Giảm mức độ ô nhiễm môi trường và bảo đảm các yêu cầu về môi trường trong sạch theo tiêu chuẩn môi trường (tiêu chuẩn Việt Nam).

- Đối với mục tiêu quốc phòng an ninh: Ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế gắn với anh ninh quốc phòng.

c) Xác định nhiệm vụ để đạt mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng. Luận chứng phát triển cơ cấu kinh tế, luận chứng các phương án phát triển; xác định hướng phát triển ngành, lĩnh vực then chốt, các sản phẩm chủ lực, trong đó xác định chức năng, nhiệm vụ và vai trò đối với tỉnh và vùng của các trung tâm đô thị và tiểu vùng trọng điểm.

Lựa chọn phát triển cơ cấu kinh tế, luận chứng và lựa chọn phương án phát triển; phương hướng phát triển và phân bố các ngành, các sản phẩm chủ yếu và lựa chọn cơ cấu đầu tư (kể cả đề xuất các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm trong giai đoạn 5 năm đầu và cho thời kỳ quy hoạch).

Luận chứng phát triển nguồn nhân lực và các giải pháp phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

d) Luận chứng phương án tổng hợp về tổ chức kinh tế, xã hội trên lãnh thổ tỉnh (lựa chọn phương án tổng thể khai thác lãnh thổ).

Tổ chức lãnh thổ hệ thống đô thị và khu công nghiệp; phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế thương mại, các khu kinh tế đặc thù khác.

Tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phát triển các vùng cây trồng, vật nuôi hàng hoá; phát triển làng nghề.

Xác định phương hướng phát triển cho những lãnh thổ đang kém phát triển và những lãnh thổ có vai trò động lực; phát triển các vùng khó khăn gắn với ổn định dân cư, xoá đói, giảm nghèo.

Xác định biện pháp giải quyết chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư.

e) Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo yêu cầu trước mắt và lâu dài của các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh và gắn với các tỉnh khác trong vùng và cả nước. Lựa chọn phương án phát triển: mạng lưới giao thông của tỉnh trong tổng thể mạng lưới giao thông của cả vùng; thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông; mạng lưới chuyển tải điện gắn với mạng lưới chuyển tải điện của cả vùng; các công trình thủy lợi, cấp nước; hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và phúc lợi công cộng; mạng lưới giáo dục - đào tạo (cả đào tạo nghề), hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe và các cơ sở văn hoá - xã hội.

f) Định hướng dự báo các phương án sử dụng đất trên cơ sở định hướng phát triển ngành, lĩnh vực.

g) Luận chứng danh mục dự án đầu tư ưu tiên.

h) Luận chứng bảo vệ môi trường; xác định những lãnh thổ đang bị ô nhiễm trầm trọng, những lãnh thổ nhạy cảm về môi trường và đề xuất giải pháp thích ứng để bảo vệ hoặc sử dụng các lãnh thổ này.

i) Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu quy hoạch; đề xuất các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có tính toán cân đối nguồn vốn để bảo đảm thực hiện và luận chứng các bước thực hiện quy hoạch; đề xuất phương án tổ chức thực hiện quy hoạch. Các giải pháp về: huy động vốn đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, môi trường; cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện.

k) Thể hiện phương án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trên bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/250.000 và 1/100.000 đối với các khu vực kinh tế trọng điểm. Thành phần bản đồ theo quy định tại Điểm d, Điều 29, Mục 4, Chương IV - Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội.

4.2. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược:

- Mô tả tóm tắt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

- Quá trình tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; mô tả phạm vi nghiên cứu của đánh giá môi trường chiến lược và các vấn đề môi trường chính liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

- Mô tả diễn biến trong quá khứ và dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

- Đánh giá sự phù hợp của các quan điểm, mục tiêu của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường; đánh giá, so sánh các phương án phát triển của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

- Đánh giá tác động đến các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

- Tham vấn các bên liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

- Đề xuất điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;

- Chỉ dẫn nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu và phương pháp đánh giá;

- Lập bản đồ phục vụ ĐMC quy hoạch phát triển.

5. Tổng giá trị dự toán: 2.784.507.020 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, bảy trăm tám mươi bốn triệu, năm trăm lẻ bảy ngàn, không trăm hai mươi đồng). Trong đó:

- Kinh phí thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là: 2.246.006.620 đồng. Bao gồm:

+ Chi phí chuẩn bị đề cương quy hoạch : 33.690.099 đồng.

+ Chi phí lập quy hoạch :1.931.565.693 đồng.

+ Chi phí quản lý, điều hành : 280.750.828 đồng.

- Kinh phí thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược (hình thức báo cáo riêng) là: 538.500.400 đồng. Bao gồm:

+ Khảo sát thực địa : 94.907.500 đồng.

+ Các chuyên đề và báo cáo tổng hợp : 330.000.000 đồng.

+ Bản đồ : 60.000.000 đồng.

+ Chi khác : 27.950.000 đồng.

+ Thuế VAT 5% : 25.642.900 đồng.

6. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước.

7. Thời gian đầu tư: Từ tháng 5 năm 2013.

Điều 2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các ngành, địa phương liên quan, căn cứ đề cương, nhiệm vụ và dự toán được duyệt tổ chức triển khai Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tham mưu UBND Tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT UBND Tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTTH, KTN, VX, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu