BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2497/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 4 tháng 12 năm 2017 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2016;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KT/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Đề án), bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
1.1.1. Thực thi Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) trong ngành Tài chính.
1.1.2. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp và toàn thể cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân về việc tôn trọng, chấp hành pháp luật, nhằm góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, trật tự, văn minh, nề nếp và thân thiện.
1.1.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính về phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và tiếp thu có chọn lọc các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
1.1.4. Làm rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập.
1.1.5. Xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân với ngành Tài chính.
1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
1.2.1. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an toàn cộng đồng; tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia...
1.2.2. Đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; phấn đấu đến sau năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ vi phạm hành chính, so vụ vi phạm hình sự so với giai đoạn 2016 - 2020.
1.2.3. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng cơ bản yêu cầu về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
1.2.4. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa toàn ngành Tài chính. Phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính đạt trên 80%. Giữ vững và cải thiện chỉ số đánh giá cải cách hành chính của Bộ Tài chính trong nhóm các Bộ, ngành dẫn đầu.
1.2.5. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của ngành đảm bảo thống nhất, phân định rõ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn giữa các cơ quan tài chính. Xây dựng bộ máy hiện đại, hiệu quả và hiệu lực, đáp ứng yêu cầu là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
1.3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030
1.3.1. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; giảm vi phạm ở các địa bàn trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng thu cho NSNN, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
1.3.2. Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, văn minh, để mọi doanh nghiệp, công dân đều có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật về tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa...
1.3.3. Chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
1.3.4. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; đảm bảo xử lý “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
2. Nội dung thực hiện
2.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
2.1.1. Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến công tác hải quan theo từng giai đoạn, đảm bảo nội luật hóa đầy đủ, kịp thời, phù hợp, hài hòa với các Điều ước quốc tế và Hiệp định thương tự do đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
2.1.2. Tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Quản lý thuế đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
2.1.3. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Luật trò chơi có thưởng trình Quốc hội ban hành.
2.1.4. Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thị trường kinh doanh trò chơi có thưởng.
2.1.5. Sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.
2.1.6. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2.1.7. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
2.1.8. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đối với lĩnh vực kinh doanh mới như casino, đặt cược.
2.1.9. Hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật chung về chứng khoán, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, an toàn, hỗ trợ công tác quản lý giám sát hiệu quả đối với thị trường.
2.1.10. Hoàn thiện khung pháp lý về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chứng khoán.
2.1.11. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, lãng phí.
2.2. Cải cách hành chính, hiện đại hóa
2.2.1. Cải cách hành chính
a) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong ngành Tài chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh:
a1) Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cải cách tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm 2017 về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.
a2) Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, góp phần thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4.
a3) Mở rộng triển khai hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc; tăng cường phối hợp thu với ngân hàng; phấn đấu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao hơn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để những cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
a4) Thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong ngành thuế mà trọng tâm là: tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
a5) Sửa đổi chế độ về in, phát hành, sử dụng hóa đơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chống gian lận thuế.
b) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng:
b1) Các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - Ngân sách Nhà nước, đảm bảo các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định.
b2) Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.
b3) Yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định, nhất là các khoản chi xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền.
2.2.2. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyên nghiệp minh bạch trong triển khai hoạt động nghiệp vụ
a) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính:
a1) Xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.
a2) Triển khai hệ thống thông tin GFMIS góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công quản lý tài chính công.
a3) Công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị.
a4) Thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 (100% khai, nộp và hoàn thuế điện tử), vận hành ổn định hệ thống VINACCS/VCIS, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Đến năm 2020, thực hiện mô hình hải quan một cửa quốc gia (NWS) trên toàn hệ thống các đơn vị ngành hải quan và hoàn thành đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hệ thống TABMIS của Kho bạc Nhà nước.
b) Ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, trọng tâm là vận hành, đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của Phòng Giám sát hải quan trực tuyến và đưa vào vận hành hệ thống seal định vị GPS container; hệ thống theo dõi hoạt động tàu biển vận chuyển xăng, dầu; hệ thống xe chỉ huy giám sát.
c) Áp dụng sâu rộng kỹ thuật quản lý rủi ro trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải quan, gồm kiểm tra, giám sát hải quan, thanh tra chuyên ngành; triển khai hiệu quả quản lý tuân thủ thông qua các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp đối tượng, mục tiêu quản lý; áp dụng các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tuân thủ tự nguyện, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
d) Quản lý và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
e) Đẩy mạnh triển khai hoạt động kiểm tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng trên cơ sở áp dụng đầy đủ mô hình quản lý tuân thủ, kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
f) Nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
g) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm tra, nâng cao chất lượng phân tích hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan Thuế. Chú trọng sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra, kiểm tra thuế gắn với xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Triển khai việc áp dụng kỹ năng thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng đối tượng thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đạt hiệu quả cao trong công tác thanh tra, kiểm tra.
h) Giám sát chặt chẽ việc thí điểm cho phép người Việt Nam vào chơi tại các casino và đặt cược bóng đá quốc tế; thực hiện hiệu quả các văn bản, chính sách đối với các lĩnh vực mới như đặt cược, casino.
2.3. Chính quy lực lượng
2.3.1. Nâng cao chất lượng, năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức ngành Tài chính:
a) Thực hiện nghiêm quy định trong công tác cán bộ, cụ thể: về quản lý công chức, viên chức, về đánh giá cán bộ; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cấp ủy trong công tác cán bộ, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
b) Phân cấp thẩm quyền quản lý công chức, viên chức gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
c) Rà soát và có biện pháp khắc phục tình trạng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn khép kín, chưa bảo đảm cơ cấu về tuổi, giới tính như hiện nay; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020.
d) Thực hiện nghiêm việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức trong từng đơn vị và toàn ngành theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.
e) Đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên gia, cán bộ cấp cơ sở và thực hiện đúng lộ trình phát triển các cơ sở đào tạo thuộc Bộ theo Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2012 - 2020.
f) Tiếp tục triển khai “Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án vị trí việc làm và xây dựng cơ cấu ngạch công chức, viên chức hợp lý gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
g) Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức; xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của công chức, viên chức ngành Tài chính.
h) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong ngành tài chính.
i) Tiếp tục thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ.
j) Từng bước hiện đại hóa công sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị theo tiêu chuẩn của Chính phủ về hiện đại hóa nền hành chính và điều kiện thực tế của Bộ.
2.3.2. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của các đơn vị. Trên cơ sở kết quả rà soát xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức theo hướng tập trung đầu mối theo lĩnh vực, thực hiện chuyên môn hóa, tránh chồng chéo đảm bảo sự thống nhất về đầu mối quản lý, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hội nhập trong hiện tại.
2.3.3. Tiếp tục triển khai Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020; Đề án đầu tư trang bị và quản lý tàu, thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2020, hướng tới đầu tư, mua sắm, sửa chữa đội tàu đủ mạnh phục vụ kịp thời nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu trên tuyến đường biển.
2.3.4. Xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan Thuế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
2.3.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
2.4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng
2.4.1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành Tài chính. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chuyển giá, lĩnh vực ngân hàng, gian lận thương mại, trốn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế... Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi tiêu từ NSNN, đảm bảo đúng chính sách, chế độ.
2.4.2. Tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý của từng đơn vị, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật được phát hiện.
2.5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp
2.5.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế; nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế kết hợp với hỗ trợ người nộp thuế trong tuân thủ pháp luật thuế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giáo dục phổ biến pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; Triển khai các chương trình tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng.
2.5.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, người dân biết về chính sách, pháp luật trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; đồng thời nhận thức rõ tác hại của hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả; từ đó không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, không tiêu thụ, sử dụng hàng lậu, hàng giả.
2.5.3. Chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với lĩnh vực mới của hoạt động tài chính ngân hàng và dịch vụ tài chính, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, đa dạng và nhiều chiều đến người dân và doanh nghiệp.
2.6. Phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế
2.6.1. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và các cơ quan có liên quan như cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... trong các công tác:
a) Tham mưu, đề xuất, kiến nghị cho Đảng, Nhà nước các biện pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
b) Xây dựng để ký kết các quy chế phối hợp, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cần thiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng.
c) Xây dựng văn bản chung để chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ; Thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phối hợp tại các đơn vị, địa bàn.
d) Cập nhật tình hình vi phạm, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng; Thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; Trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể để phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị.
e) Tuần tra kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm; Tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, đối tượng phạm tội theo quy định.
f) Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; Quản lý cán bộ, bảo vệ nội bộ, thông báo kịp thời cho nhau về dấu hiệu tiêu cực hoặc hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, chiến sỹ của mỗi bên để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
g) Tư vấn trang bị, huấn luyện sử dụng những phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị mới cho cán bộ, chiến sỹ của mỗi lực lượng để góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
h) Tuyên truyền, vận động quần chúng và phổ biến pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của mỗi bên.
2.6.2. Tăng cường và chủ động hội nhập tài chính quốc tế:
a) Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC... Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế.
b) Tiếp tục điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết thuế quan trong các FTAs đã ký kết; đàm phán thuế quan và dịch vụ tài chính trong các Hiệp định FTAs đang đàm phán; đồng thời đàm phán gói cam kết Vòng VIII về dịch vụ tại chính ASEAN.
c) Chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, hải quan các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
3. Kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện
3.1. Kinh phí thực hiện Đề án này được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3.2. Đối với các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án có Quyết định phê duyệt riêng, kinh phí đảm bảo thực hiện theo Quyết định phê duyệt riêng.
4. Lộ trình thực hiện: 2017-2030 (Chi tiết theo Phụ lục Nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện của Đề án).
1. Giao Tổng cục Hải quan là đơn vị chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ:
1.1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện các nội dung của Đề án và các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Trình Bộ Tài chính điều chỉnh mục tiêu, nội dung Đề án trong trường hợp cần thiết.
1.2. Tổng hợp báo cáo thực hiện Đề án định kỳ: 06 tháng, năm và cuối mỗi giai đoạn thực hiện Đề án.
2. Giao Cục Kế hoạch - Tài chính chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Bộ đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án.
3. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án:
3.1. Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Đề án và Phụ lục Nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện kèm theo Đề án.
3.2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6) và hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để Tổng cục Hải quan tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) (trước ngày 30/6 và 31/12 hàng năm).
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tài chính, quốc phòng, an ninh, đặc biệt, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
| KT. BỘ TRƯỞNG |
(Kèm theo Quyết định số: 2497/QĐ-BTC ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính)
Những năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình vi phạm pháp luật đã được kiềm chế nhưng vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực.
Phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo điều hành thống nhất của Nhà nước.
Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tội phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và chống thất thu ngân sách.
Thực hiện điểm b, khoản 4, Điều 1, Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1972/QĐ-BTC ngày 14/9/2016 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch xây dựng Chương trình thực hiện Đề án Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính xây dựng “Đề án phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp” với nội dung cơ bản là:
Phần I. Đánh giá thực trạng công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
Phần II. Mục tiêu và giải pháp.
Phần III. Tổ chức thực hiện.
Với chủ trương mở cửa hội nhập, trong những năm qua, nền kinh tế nước ta từng bước hội nhập, thực hiện tốt các cam kết khi gia nhập WTO. Quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng cũng như thế giới ngày càng mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... Cùng với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật đã và đang diễn biến ngày một phức tạp với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; phạm vi hoạt động rộng, diễn ra với tính chất, mức độ nghiêm trọng; đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý. Trong đó, nổi lên một số tình hình như sau:
Hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên cả ba tuyến, đường biển, đường bộ và đường hàng không. Đối tượng vi phạm rất đa dạng, từ thương nhân đến lái xe, tiếp viên, thuyền viên, cư dân biên giới và các đối tượng đã có tiền án, tiền sự. Hàng hóa vi phạm tập trung vào các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, động thực vật hoang dã quý hiếm; một số mặt hàng chiến lược như tiền, vàng, xăng, dầu, khoáng sản; hàng có mức thuế suất cao; hàng bách hóa tiêu dùng... với phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Các hành vi vi phạm thường được các đối tượng thực hiện thông qua lợi dụng việc tạo điều kiện của chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy trình thủ tục hải quan. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tập trung vào các lĩnh vực như hoàn thuế giá trị gia tăng, đầu tư gia công, sản xuất xuất khẩu, nhập đầu tư, tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh... Thủ đoạn chủ yếu là gian lận về số lượng, trọng lượng, kim ngạch, định mức, danh mục máy móc thiết bị, khấu hao tài sản, chủng loại, mã số hàng hóa (mã HS), chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)... để được miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và trốn thuế.
Trong lĩnh vực thuế nội địa, vi phạm phổ biến thường gặp là: Người nộp thuế (NNT) thường sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế. Hành vi bỏ ngoài sổ sách kế toán này thường xảy ra ở các doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, ăn uống, khách sạn, xây dựng dân dụng và sản xuất nhỏ. Đây chính là một kiểu hoạt động kinh tế mà môi trường thuận lợi của nó là nền kinh tế tiền mặt. Việc xác định được số thuế thất thu do hành vi trốn thuế này gây ra là rất khó.
Các doanh nghiệp còn có hành vi tạo giao dịch mua hàng giả mạo. Doanh nghiệp thực tế không có khoản chi này nhưng đã tự tạo ra chứng từ để hợp pháp hóa khoản chi không có thực, vì thế có thể gọi đây là chi khống. Chi khống thể hiện qua những bảng kê thanh toán giả mạo với chữ ký giả, hợp đồng lao động giả mạo (có trường hợp tên người lao động không có thật; có trường hợp tên người lao động là có thật nhưng thực sự không làm việc cho doanh nghiệp đó) và thể hiện ở những hóa đơn đi mua của cơ sở kinh doanh khác. Bằng hành vi này, doanh nghiệp không chỉ trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà còn trốn cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào.
Một thủ đoạn gian lận nổi cộm khác là việc doanh nghiệp ghi giá bán thấp hơn giá thực tế, còn được gọi là “down” giá. Đây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi này thường gặp ở các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy, hàng trang trí nội thất... Hành vi gian lận này làm giảm thuế GTGT và thuế TNDN phải nộp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách hàng năm.
Tại các doanh nghiệp lỗ, các doanh nghiệp quan hệ giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá đã xuất hiện một số hành vi vi phạm như: Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua việc góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam bằng máy móc, thiết bị và công nghệ mang tính đặc thù, đã bị lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng lại được đẩy lên rất cao so với giá trị thực của nó, nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN) và bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam; thông qua bán hàng hóa, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết; thông qua chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền...
Trong lĩnh vực chứng khoán, các doanh nghiệp chủ yếu có những vi phạm như: Vi phạm về nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin; vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán; vi phạm quy định về cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ và một số hành vi giao dịch thao túng giá chứng khoán...
Ngoài ra, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi; số tiền thiệt hại xảy ra trong các vụ án kinh tế ngày càng lớn; các vi phạm về trốn tránh nghĩa vụ đóng góp đối với NSNN vẫn còn tồn tại... Nguyên nhân của những tình hình nêu trên có một phần từ yếu tố khách quan như tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời một phần do hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa xã hội chưa phát huy được tác dụng cần thiết; tổ chức bộ máy, phân công, phân cấp ở các cơ quan bảo vệ pháp luật còn bất cập, trùng lắp chưa phát huy được hết vai trò trong phòng, chống vi phạm pháp luật.
Trước diễn biến tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, Bộ Tài chính đã quán triệt triển khai quyết liệt chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đồng thời, chủ động triển khai nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc thù của từng lĩnh vực; tích cực đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy; xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ; đẩy mạnh hiện đại hóa trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng tuyên truyền chính sách pháp luật của ngành tài chính tới người dân, doanh nghiệp; nắm chắc diễn biến, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực và thế giới để chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án tham mưu, chỉ đạo đảm bảo điều hành hiệu quả nền kinh tế vĩ mô, phòng chống tội phạm trong ngành tài chính; đồng thời đảm bảo nguồn thu NSNN và xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh để các doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2014-2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
Một số kết quả, chiến công, thành tích nổi bật trên mặt trận phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp cụ thể như sau:
1. Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách
1.1. Xây dựng, ban hành Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động hải quan trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ; triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN... đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật hải quan, vừa quản lý tuân thủ, kiểm soát hiệu quả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
1.2. Ban hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13, trong đó có quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch; tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của NNT; thúc đẩy công tác hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan theo hướng thực hiện cơ chế quản lý rủi ro, đẩy mạnh quản lý thuế điện tử, tăng cường vai trò của tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu NSNN, giảm nợ thuế.
1.3. Xây dựng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi đáp ứng yêu cầu đảm bảo thực thi cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; tạo tiền đề pháp lý để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; khuyến khích và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết; đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế.
1.4. Hoàn thiện cơ bản, đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, từng bước chính quy việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đảm bảo thực thi hoạt động nghiệp vụ ngày càng hiệu quả. Nổi bật đã tham mưu xây dựng, ban hành: Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/1/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả; Thông tư số 442/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 Quy định về chế độ đảm bảo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Hiện nay đang hoàn thiện dự thảo Thông tư Quy định về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, sổ tay hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, quy trình công tác điều tra hình sự, đảm bảo việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ được thống nhất, đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật.
1.5. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; hướng dẫn phát hành tín phiếu Kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để cải tiến về quy trình và thủ tục phát hành, nâng cao hiệu quả công tác phát hành tín phiếu kho bạc qua NHNN; nghiên cứu đánh giá sửa đổi cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu, tăng cường vấn đề minh bạch hóa và công khai thông tin... Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ tài chính như dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Về cơ bản, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này đã được ban hành đầy đủ, trong đó quy định cụ thể về quy trình thủ tục cấp, cấp lại và điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đảm bảo đầy đủ, công khai, minh bạch và rõ ràng trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan.
1.6. Sửa đổi, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài. Nổi bật, đã trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về chế độ tài chính của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kinh doanh dịch vụ kinh doanh đòi nợ, chế độ tài chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thị trường mua bán nợ nhằm hỗ trợ để hệ thống ngân hàng thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, thông qua đó mở rộng tín dụng góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời phòng, chống các vi phạm trong quản lý tài chính đối với các lĩnh vực nêu trên.
1.7. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức, hoạt động 02 Ngân hàng Chính sách của Nhà nước (Ngân hàng Phát triển Việt Nam - NHPTVN và Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH) và các Quỹ tài chính Nhà nước. Hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý, cơ chế hoạt động cho các ngân hàng và các Quỹ tài chính Nhà nước, trong đó đã hoàn thiện một số cơ chế, chính sách nổi bật như: Nâng mức vay vốn đối với học sinh, sinh viên, bổ sung đối tượng là sinh viên trường Y tốt nghiệp trong thời gian thực hành được vay vốn từ NHCSXH, hoàn thiện cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, cơ chế xử lý nợ xấu của NHPT, cơ chế bảo lãnh và hỗ trợ lãi suất đối với các hợp tác xã, tiếp tục bổ sung nguồn lực cho nông dân thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển nông dân, hoàn thiện cơ chế cho vay, lãi suất và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách về an sinh xã hội nhằm hỗ trợ ngư dân; hỗ trợ vùng bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường; hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; hỗ trợ nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ lãi suất khác góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, hiệu quả, có ý nghĩa giúp ngư dân bám biển, góp phần đảm bảo mục tiêu bảo vệ an ninh quốc phòng.
1.8. Ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực kinh doanh xổ số từ cấp Nghị định của Chính phủ tới các Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính hướng dẫn về nghiệp vụ phát hành, cơ chế tài chính, cơ chế giám sát của Hội đồng xổ số các tỉnh, thành phố, cơ chế đánh giá, xếp loại, xếp hạng doanh nghiệp hàng năm, quy chế hoạt động của Kiểm soát viên, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính...
1.9. Tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định về kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài (năm 2013), Nghị định về kinh doanh casino và kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (năm 2017). Các cơ chế, chính sách được ban hành góp phần đảm bảo mục tiêu quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này từ việc cấp phép, tổ chức hoạt động kinh doanh, phòng, chống rửa tiền, điều kiện người được phép tham gia chơi, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Ngoài ra, đã tham mưu ban hành Nghị định về kinh doanh casino quy định việc thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại một số điểm kinh doanh casino đáp ứng đầy đủ điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của một bộ phận người dân có thu nhập chính đáng, góp phần đấu tranh với các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp tác động tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội và tình trạng chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài để tham gia hoạt động đánh bạc trái phép.
1.10. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án làm cơ sở xây dựng, phát triển và quản lý giám sát đối với thị trường chứng khoán như: Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam; Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về thị trường chứng khoán phái sinh, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật chứng khoán, Nghị định số 86/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán,... cùng nhiều Thông tư hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế. Các văn bản pháp luật đã tạo điều kiện cho hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng minh bạch, lành mạnh; góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý giám sát đối với thị trường. Đặc biệt, để tăng cường răn đe, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán, đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung, sửa đổi nhiều chế tài và hành vi vi phạm hành chính mới nhằm đảm bảo thực thi các văn bản pháp luật về chứng khoán mới được ban hành. Về xử lý hình sự, đã đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với các tội danh về chứng khoán tại Bộ luật Hình sự 2015, theo đó sửa đổi 03 tội danh hiện hành theo hướng làm rõ các yếu tố định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, định khung hình phạt, làm rõ ranh giới giữa vi phạm hành chính - hình sự, tạo thuận lợi cho việc xử lý tội phạm; đề xuất bổ sung 01 tội danh “Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán” để tăng cường răn đe, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động chào bán, niêm yết chứng khoán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính công khai minh bạch của thị trường, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
2. Về cải cách hành chính
2.1. Tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số xếp hạng cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tài chính tăng từ vị trí thứ 8 năm 2012 lên vị trí thứ 2 năm 2014, phản ánh sự nỗ lực, quyết tâm cao trong việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
2.2. Đến năm 2016, ban hành mới 07 thủ tục hành chính (TTHC) về thuế, bãi bỏ 92 TTHC. Tính đến 31/12/2016, số TTHC giảm từ 385 xuống còn 300 TTHC, giảm 85 TTHC so với thời điểm 31/12/2015; sửa đổi, bổ sung 51/70 quy trình, quy chế về quản lý thuế; thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 99,7% số doanh nghiệp đang thuộc diện quản lý thuế; Cùng với đó, đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan Thuế đạt tỷ lệ 96,7%. Số lượng doanh nghiệp thực tế sử dụng dịch vụ NTĐT bình quân đạt trên 93%.
2.3. Công khai các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính lên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính như: (i) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số; (ii) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài... Đồng thời, thường xuyên định kỳ thực hiện rà soát, thống kê đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và dịch vụ tài chính để đề xuất các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính theo chương trình công tác của Bộ, Chính phủ.
2.4. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, thay thế và ban hành mới các thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tiếp cận, giải quyết các dịch vụ công. Chuẩn hóa quy trình thủ tục đáp ứng yêu cầu mở rộng, nâng cấp Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và các hệ thống liên quan, tiếp tục điện tử hóa hồ sơ hải quan, tiến dần đến mục tiêu phi giấy tờ trong bộ hồ sơ hải quan.
2.5. Đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Nâng cấp, phát triển Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối với các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia để xử lý các thủ tục hành chính, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng thông tin của các nước thành viên ASEAN để trao đổi các thông tin được thỏa thuận theo Hiệp định ASEAN.
3. Về kiện toàn bộ máy, chính quy lực lượng
3.1. Thường xuyên chú trọng tinh nhuệ - chính quy lực lượng trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy theo ngành dọc của lực lượng kiểm soát hải quan theo hướng tinh gọn, giảm bớt các đầu mối trung gian, tránh chồng chéo, trùng lặp nhưng không bỏ trống nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tình hình mới. Nổi bật, đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tra chống buôn lậu trực thuộc Tổng cục Hải quan và Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/9/2016 của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3.2. Quan tâm, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác kiểm soát hải quan. Đảm bảo trang bị đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát hải quan trong công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Hải quan. Từ năm 2014 đến năm 2016, chủ trì, phối hợp tổ chức hàng chục lớp đào tạo và tập huấn cho cán bộ, công chức trong toàn ngành; gồm lớp bồi dưỡng tập huấn công tác kiểm soát hải quan, lớp tập huấn công tác kiểm soát ma túy, lớp tập huấn công tác quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ, lớp tập huấn về công tác chống buôn lậu và thu thập, xử lý thông tin... Hàng năm, tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Điều tra tội phạm cho lực lượng kiểm soát hải quan tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Ngoài ra, đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc hiệu chỉnh, hiệu đính 02 bộ giáo trình bồi dưỡng nghiệp vụ Điều tra tội phạm cho lực lượng kiểm soát hải quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ điều tra tội phạm.
3.3. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg ngày 08/10/2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) trực thuộc Bộ Tài chính (thay thế Quyết định số 112/2009/QĐ-TTg). Trên cơ sở đó, ban hành các quyết định quy định về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị thuộc UBCKNN, góp phần kiện toàn cơ cấu tổ chức của UBCKNN, các đơn vị của UBCKNN.
4. Về các hoạt động nghiệp vụ
4.1. Thường xuyên đẩy mạnh công tác chỉ đạo, cảnh báo tình hình, xác định trọng điểm, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm đảm bảo kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu; phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời, triệt để hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016, đã chủ động xây dựng 22 kế hoạch định kỳ, kế hoạch chống buôn lậu trong các giai đoạn cao điểm, tại những tuyến địa bàn nổi cộm, tập trung vào những mặt hàng trọng điểm như Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận hàng giả dịp Tết Nguyên đán; Kế hoạch đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; Kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất tại khu vực biên giới phía Bắc; Kế hoạch đấu tranh phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và buôn lậu tiền chất; Kế hoạch triển khai một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã trái pháp luật... Xây dựng hơn 90 văn bản cảnh báo trong toàn ngành, giúp cho các đơn vị chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung vào các mặt hàng: thuốc lá; xăng dầu; xe máy điện, xe đạp điện, mũ bảo hiểm và các phụ tùng, phụ kiện; dược phẩm, thực phẩm chức năng và sản phẩm y tế giả; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm; phôi thép; thịt gà nhập lậu; ma túy; động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã; gỗ...
4.2. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đảm bảo kịp thời phân tích thông tin, xác định trọng điểm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Hệ thống camera giám sát được triển khai lắp đặt tại các cảng biển, cảng hàng không trọng điểm và kết nối trực tuyến với Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện thí điểm hệ thống ứng dụng công nghệ định vị GPS trong giám sát hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu và quá cảnh vận chuyển bằng container, cho phép cảnh báo khi niêm phong hải quan bị phá hủy, container bị mở và theo dõi toàn bộ lộ trình của container để có thông tin cảnh báo khi đi sai lộ trình, dừng đỗ quá thời gian.
4.3. Thành lập địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung để thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Đến nay đã thành lập được 08 địa điểm tại 07 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Việc kiểm tra chuyên ngành trực tiếp tại cửa khẩu bước đầu đã tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra chuyên ngành, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành (tại cảng Hải Phòng đã rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm từ 10-15 ngày xuống còn 7-10 ngày) đồng thời bảo đảm quản lý hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chặt chẽ hơn. Hiện tại, đã trình Chính phủ ban hành Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, để giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích hoạt động xuất khẩu hàng hóa, bảo đảm hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
4.4. Hoàn thiện và nâng cao một bước công tác quản lý rủi ro của ngành Hải quan trở thành nghiệp vụ cơ bản và trọng tâm trong quản lý hải quan hiện đại với bước đầu được triển khai trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và định hướng sẽ triển khai trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Hiện tại đã triển khai thành công chương trình quản lý rủi ro phục vụ kiểm tra bằng biện pháp soi chiếu qua máy soi đối với hàng hóa đang trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển, lưu giữ tại kho, bãi, cảng, khu vực cửa khẩu tại sân bay và cảng biển tại 03 Cục Hải quan tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
4.5. Chỉ đạo điều hành công tác kiểm tra sau thông quan đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, đạt được kết quả nhất định góp phần quản lý hải quan hiệu quả. Triển khai nhiều chuyên đề đạt kết quả cao như kiểm tra xuất xứ hàng hóa mặt hàng xăng dầu nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, kiểm tra trị giá mặt hàng xe ô tô, rà soát các mặt hàng thay đổi mã số... Kết quả, năm 2014, đã thực hiện kiểm tra 2.006 cuộc, thực thu vào NSNN 1.110 tỷ đồng. Năm 2015 đã thực hiện kiểm tra 7.561 cuộc (gấp 3,77 lần so với cùng kỳ năm 2014), thực thu vào NSNN 2.160 tỷ đồng (gấp 1,94 lần so với cùng kỳ năm 2014). Năm 2016 đã thực hiện kiểm tra 10.587 cuộc (gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2015), thực thu vào NSNN 2.594 tỷ đồng (gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2015)
4.6. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống thất thu NSNN. Kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2014-2016, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 53.672 vụ (giảm 19% so với giai đoạn 2011-2013), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1.279 tỷ 945 triệu đồng (giảm 26% so với giai đoạn 2011-2013), thu nộp NSNN 529 tỷ 185 triệu đồng (giảm 3% so với giai đoạn 2011-2013), xác lập 55 chuyên án có hiệu quả. Trong đó có 3.073 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; 709 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy; 47.515 vụ vi phạm hành chính; 58 vụ liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả và 2.317 vụ vi phạm khác. Nổi bật, trong giai đoạn này, cơ quan Hải quan đã khởi tố 106 vụ án hình sự (tăng 86% so với giai đoạn 2011-2013), chuyển cơ quan khác khởi tố 256 vụ (tăng 38% so với giai đoạn 2011-2013).
4.7. Đạt những kết quả toàn diện và căn bản trong nhiệm vụ công tác thuế giai đoạn 2014-2016 từ việc triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu, tích cực thu hồi nợ đọng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN. Cụ thể, thu nội địa năm 2014 đạt 693.641 tỷ đồng, bằng 111,1% so với dự toán, bằng 100,8% so với cùng kỳ, năm 2015 đạt 817.071 tỷ đồng, bằng 111,7% so với dự toán, bằng 117,8% so với cùng kỳ, năm 2016 đạt 919.546 tỷ đồng, bằng 109,5% so với dự toán, bằng 112,5% so với cùng kỳ.
4.8. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, chống gian lận hoàn thuế GTGT, trốn thuế như: Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013; Công văn số 9345/BTC-TCT ngày 19/7/2013; Công văn số 9976/BTC-TCT ngày 31/7/2013; Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền; Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013; Công văn số 875/BTC-TCT ngày 17/01/2014 về việc hướng dẫn hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền; Công văn số 1752/BTC-TCT ngày 10/2/2014 về việc tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; Công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 về một số biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền; Công văn số 11797/BTC-TCT ngày 22/8/2014 về việc hướng dẫn và bổ sung nội dung công văn số 1752/BTC-TCT ; Công văn số 14094/BTC-TCT ngày 7/10/2014 hướng dẫn rủi ro liên quan đến thanh toán hàng hóa từ tài khoản vãng lai trong việc phân loại, giải quyết hoàn thuế; Công văn số 875/BTC-TCT ngày 17/01/2015 hướng dẫn hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền...
4.9. Chỉ đạo các cơ quan chức năng trong ngành thuế phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực, kịp thời xử lý những vụ việc lợi dụng “kẽ hở” của chính sách thuế để chiếm đoạt tiền thuế. Điển hình là vụ việc lợi dụng quy định về thuế nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 1 năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập 1 xe ô tô và 1 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng quy định tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/9/2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể, đã ban hành các công văn chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu, đôn đốc Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực thực hiện giải quyết dứt điểm các trường hợp nhập khẩu xe ô tô theo hình thức quà biếu, tặng đã phát sinh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để rà soát, thu thập dữ liệu, trao đổi thông tin và thực hiện báo cáo định kỳ về Tổng cục Thuế. Đối với các Cục Thuế có phát sinh trường hợp các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng xe ô tô có nguồn gốc là quà biếu, quà tặng nhưng thông báo giải thể, không thực hiện quyết toán thuế hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, đã yêu cầu Cục Thuế thực hiện rà soát, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế có liên quan và các cơ quan chức năng để xác định rõ số thuế các đối tượng này không kê khai nộp thuế, định danh chi tiết các loại xe này, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu Chương trình Quản lý ân chỉ và Trang thông tin điện tử của ngành thuế để thực hiện công khai danh sách doanh nghiệp kinh doanh không nộp thuế, trốn thuế cùng toàn bộ danh sách những chứng từ, hóa đơn đã phát hành của doanh nghiệp này nhưng chưa hoặc không nộp thuế. Trên cơ sở đó chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
4.10. Thông qua việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế; thanh tra các doanh nghiệp có khả năng có số thu điều tiết Ngân sách Trung ương lớn (NSTW); tập trung xử lý các khoản thu NSTW như: Lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp về NSNN theo hướng dẫn tại Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 và Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016 của Bộ Tài chính; doanh nghiệp có trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nhưng thực tế 05 năm không sử dụng; chú trọng thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn có số thuế hoàn lớn; thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; thanh tra về công tác xử lý hóa đơn nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nhằm trốn thuế, gian lận thuế; ưu đãi thuế; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với NNT có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế... Đồng thời tăng cường công tác phối hợp với cơ quan địa phương thực hiện có hiệu quả công tác chống thất thu NSNN. Kết quả, từ năm 2014 đến năm 2016, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 230.822 doanh nghiệp; tăng thu 41.739,3 tỷ đồng; giảm lỗ 61.909,7 tỷ đồng; nộp ngân sách 30.716,5 tỷ đồng. Riêng đối với công tác thanh tra chống chuyển giá, năm 2015, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 545 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 1.400,2 tỷ đồng; giảm lỗ 7.491,39 đồng; giảm khấu trừ 79,3 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 3.941,89 tỷ đồng. Năm 2016, sau khi thành lập bộ phận thanh tra chống chuyển giá (tại Tổng cục Thuế và 04 Cục Thuế), đã thanh tra chống chuyển giá đối với 329 doanh nghiệp truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162,21 tỷ đồng.
4.11. Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh, thông qua việc: (i) Giao chỉ tiêu thu nợ từ cấp Tổng cục Thuế cho đến từng bộ phận tham gia trực tiếp thực hiện quy trình quản lý nợ, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp cũng như các bộ phận trong cơ quan thuế đối với công tác quản lý nợ; (ii) Đẩy mạnh việc phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ với các bộ phận thực hiện các chức năng khác như kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế. Phối hợp với NNT, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước để điều chỉnh kịp thời đối với việc hạch toán nhầm các chỉ tiêu trên chứng từ nộp tiền, hạn chế “nợ sai” phát sinh; (iii) Hàng tháng thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ để các Cục Thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế thông qua các hình thức: phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng..., yêu cầu cơ quan thuế các cấp phân công cụ thể việc đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế đến từng bộ phận, cán bộ. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Thuế tổ chức giám sát các Cục Thuế trong công tác quản lý nợ, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức thu kịp thời các khoản nợ thuế có khả năng thu hồi; (iv) Thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý nợ thuế cho công chức làm công tác quản lý nợ tại cơ quan thuế các cấp.
4.12. Điều hành lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp, đồng bộ với diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ trên cơ sở trao đổi thông tin thường xuyên với NHNN và tham vấn các thành viên thị trường, để vừa tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN vừa huy động được vốn trái phiếu Chính phủ, góp phần vào kết quả thành công của công tác huy động vốn trái phiếu Chính phủ qua các năm cả về khối lượng phát hành, kỳ hạn phát hành và chi phí huy động và vừa thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.
4.13. Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống các tổ chức tín dụng góp phần để thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu an toàn vốn, góp phần quản lý vốn Nhà nước an toàn, hiệu quả, đã theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính của NHNN, số thu nộp NSNN của các Ngân hàng thương mại; tập trung triển khai đoàn kiểm tra đôn đốc thực hiện nghĩa vụ với NSNN tại 4 Ngân hàng thương mại cổ phần phía Nam, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đôn đốc thu NSNN; thanh tra, kiểm tra định kỳ về nghiệp vụ in, đúc và tiêu hủy tiền tại NHNN; quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước tại NHNN.
4.14. Chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tái cơ cấu NHPTVN; thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc theo dõi, đôn đốc, giám sát tài chính, xử lý kịp thời các vấn đề của NHCSXH; đồng thời tăng cường giám sát hoạt động tài chính của các quỹ trong phạm vi quản lý thông qua công tác giám sát từ xa và kiểm tra trực tiếp để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về mặt tài chính đối với các Quỹ: Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Bảo vệ môi trường; kịp thời tham mưu trong triển khai thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân về một số chính sách phát triển thủy sản...
4.15. Thực hiện quản lý điều hành thị trường xổ số truyền thống nhằm đảm bảo thị trường phát triển, ổn định và hiệu quả, đóng góp nguồn thu cho NSNN để đầu tư cho các công trình phúc lợi, xã hội quan trọng của địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo Công ty XSĐT Việt Nam lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh phù hợp, đáp ứng kinh nghiệm và năng lực tài chính theo đúng quy định đảm bảo công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan. Kịp thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai phát hành sản phẩm xổ số mới (xổ số tự chọn số điện toán) tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công nghệ hiện đại, thiết bị đầu cuối góp phần đa dạng sản phẩm trên thị trường xổ số, thêm sự lựa chọn vui chơi có thưởng cho khách hàng và hạn chế tệ nạn số đề, làm giả vé số. Trong thời gian từ năm 2014-2016, đã chỉ đạo các cơ quan địa phương (Sở Tài chính, Cục Thuế) tổ chức kiểm tra tại 06 Công ty XSKT miền Bắc và miền Trung. Thực hiện thanh tra chuyên đề tại 04 Công ty XSKT miền Nam, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện việc chấp hành pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, về hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết, chấp hành nghĩa vụ thuế và các khoản nộp NSNN, về kế toán thống kê và chế độ pháp luật khác đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai kiểm tra tại 23 doanh nghiệp để thẩm định hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung kiểm tra về đáp ứng đủ điều kiện về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống rửa tiền.
4.16. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Trong 03 năm 2014-2016, đã triển khai tổng cộng hơn 200 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất, theo chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. Ban hành hơn 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt hơn 34 tỷ đồng dựa trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra cũng như kết quả giám sát thường xuyên, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC). Bên cạnh việc xử phạt hành chính, cũng yêu cầu các đối tượng vi phạm chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, thiếu sót, có biện pháp phù hợp để phòng ngừa tái phạm. Qua thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng..., đã phát hiện các vi phạm chủ yếu, từ đó có các kiến nghị chấn chỉnh và ra quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đồng thời đưa ra những kiến nghị xử lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
4.17. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tài chính theo đúng kế hoạch và tiến độ được phê duyệt, vừa thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện theo đối tượng để đánh giá việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách, vừa tổ chức các cuộc thanh tra theo chuyên đề, chuyên sâu, nhằm phục vụ kịp thời công tác điều hành quản lý của Bộ, của ngành Tài chính. Đẩy mạnh thanh tra theo rủi ro, đồng thời hoạt động thanh tra cũng luôn theo sát tình hình thực tế, phục vụ kịp thời nhiệm vụ, yêu cầu quản lý tài chính - ngân sách, đóng góp quan trọng trong bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, kiến nghị, khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách và làm tốt vai trò tham mưu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng. Giai đoạn 2014-2016, đã triển khai 262.788 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó: 12.642 cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ gồm: Cơ quan Thuế 6.281 cuộc, cơ quan Hải quan 835 cuộc, Kho bạc Nhà nước 5.217 cuộc...). Kết quả thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 65.907 tỷ đồng và 6.241.443 USD; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.936 cá nhân có vi phạm (chủ yếu là cán bộ, công chức vi phạm quy trình, nghiệp vụ, quy chế nội bộ...). Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính và công tác phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng. Những vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan pháp luật để điều tra, xử lý, truy tố theo thẩm quyền.
Công tác phối hợp lực lượng luôn được Bộ Tài chính chú trọng để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực biên giới cửa khẩu tới nội địa. Trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị trong ngành trong việc phối hợp với các cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án, các lực lượng chức năng và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phòng, chống vi phạm pháp luật; cử những giám định viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm lâu năm về tài chính tham gia công tác giám định tư pháp về tài chính, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, trong đó có các vụ án lớn, phức tạp. Một số kết quả nổi bật trong công tác này có thể kể đến như:
1. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389). Trong đó, Bộ Tài chính được giao là cơ quan chủ trì, thường trực giúp việc Ban chỉ đạo. Từ khi Ban chỉ đạo 389 được thành lập tới nay, Bộ Tài chính luôn làm tốt vai trò, nhiệm vụ là đơn vị nòng cốt tham mưu, giúp việc cho Phó Trưởng ban thường trực, Chính phủ chỉ đạo điều hành các lực lượng chức năng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát Biển... trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính. Trên cơ sở các quy chế phối hợp, đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc trong việc trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, phát hiện, bắt giữ, xử lý và chuyển giao vụ việc, đối tượng vi phạm pháp luật; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung được Đảng, Nhà nước giao cho mỗi Bộ, Ngành. 100% các đơn vị trực thuộc đều đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai quy chế phối hợp phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn. Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành cũng đã phối hợp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo tạo điều kiện cho nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các bên. Kết quả, theo thống kê sơ bộ, trong giai đoạn 2014 - 2016, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.608 vụ vi phạm/1.208 đối tượng. Trong đó, có 127 vụ/114 đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh trật tự; 1.165 vụ/740 đối tượng liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; 303 vụ/351 đối tượng liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; 13 vụ/3 đối tượng liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả.
3. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong công tác cung cấp, trao đổi thông tin; đào tạo, tập huấn; tổ chức các cuộc họp, hội thảo; thực hiện các chiến dịch, dự án nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan. Bộ Tài chính cũng chú trọng đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Theo đó, tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành nghề... với mục đích trao đổi, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý Nhà nước về hải quan. Đồng thời tiếp nhận, xử lý những thông tin phản ánh, tố giác tội phạm..., qua đó tăng cường công tác kiểm soát, phát hiện, bắt giữ vụ việc vi phạm.
4. Thực hiện Quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31/10/2007 ký kết giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát, năm 2016, Bộ Tài chính đã chuyển sang cơ quan Công an 3.261 vụ. Trong đó: 62 vụ có hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế; 85 vụ có dấu hiệu trốn thuế; 199 vụ đề nghị phối hợp đôn đốc nợ đọng thuế; 1 vụ có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế; 121 vụ mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; 219 vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu và 2.574 vụ vi phạm khác. Kết quả, năm 2016, cơ quan Công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu hồi 1.159 tỷ, số tiền đã thu hồi là 4 tỷ; khởi tố điều tra 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; chuyển lại Bộ Tài chính xử lý hành chính 324 vụ; Bộ Tài chính đã xử lý 95 vụ, số tiền kiến nghị thu hồi là 75 tỷ, số tiền đã thu hồi là 8,9 tỷ; 229 vụ không xử lý do người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh.
5. Ban hành Quyết định số 568/QĐ-BTC ngày 26/3/2015 về việc ban hành quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại cơ quan Thuế các cấp nhằm giám sát cũng như nâng cao hiệu quả trong việc xử lý thông tin do cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chuyển tới; tiếp theo đó ngày 11/5/2015, đã ký Quy chế phối hợp số 1319/QCPH-CQTTGSNH-TCT giữa Tổng cục Thuế và cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để nâng cao công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với cơ quan Thuế. Trên cơ sở thực hiện quy chế phối hợp, hai cơ quan đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định cho từng cơ quan để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, tạo điều kiện cho cơ quan Thuế tiếp nhận thông tin được nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn được thời gian xử lý thông tin.
6. Xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA ngày 20/6/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính; Chỉ đạo Công ty XSĐT Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp với Cục An ninh Tài chính tiền tệ và đầu tư (A84) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) để phối hợp, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh xổ số.
7. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an, trong việc xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xổ số, casino, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; thực hiện giám sát nghiệp vụ quay số mở thưởng đối với sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán của Công ty XSĐT Việt Nam, đảm bảo quá trình quay số diễn ra công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác phát hành sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán góp phần phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực này nói riêng và ổn định thị trường xổ số nói chung; cung cấp thông tin, điều tra, thanh tra, kiểm tra, giải quyết KNTC và xử lý vi phạm pháp luật; chuyển giao các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an, Công an các tỉnh thành trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý tội phạm, vi phạm trên TTCK; cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ phục vụ điều tra, xác minh dấu hiệu tội phạm theo yêu cầu của cơ quan Công an (Cục An ninh điều tra, Cục An ninh tài chính tiền tệ đầu tư, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an; Công an thành phố Hà Nội, Công an TP. Hồ Chí Minh...) liên quan đến hoạt động chào bán cổ phiếu, niêm yết, giao dịch cổ phiếu, hoạt động kinh doanh, quản trị điều hành của một số công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, cổ đông nội bộ của tổ chức niêm yết, nhà đầu tư trên TTCK. Điển hình, đã tiến hành xác minh, thu thập thông tin và lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 01 vụ việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (là tổ chức đăng ký giao dịch trên HNX với mã cổ phiếu: MTM); vụ việc đã được cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngoài ra, đã đề nghị cơ quan Công an phối hợp xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phát hành, giao dịch thao túng giá cổ phiếu... Từ năm 2014-2016, đã chuyển cho cơ quan Công an 07 vụ việc (cơ quan Công an đã chuyển lại để xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cá nhân có hành vi vi phạm về thao túng với tổng số tiền phạt là 1,7 tỷ đồng, tiếp tục phối hợp làm rõ vi phạm của một số đối tượng khác); phối hợp cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin phục vụ điều tra, xác minh dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật trong hàng chục vụ việc khác liên quan đến các tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhà đầu tư, người nội bộ của tổ chức niêm yết...
10. Chỉ đạo sát sao việc thực hiện phối hợp các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết KNTC. Khi nhận được đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay của các Bộ, ngành, đã kịp thời chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo cho công dân biết cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC của họ. Đối với các vụ việc KNTC phức tạp do Chính phủ giao hoặc liên quan đến lĩnh vực quản lý, Bộ Tài chính đã tiếp nhận, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh, ban hành kết luận (quyết định) giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật, chấm dứt KNTC. Bố trí cử cán bộ có năng lực tham gia các đoàn giải quyết KNTC liên ngành hoặc cử Giám định viên tư pháp theo các quyết định trưng cầu của các lực lượng chức năng. Khi tiếp nhận đơn thư KNTC hoặc sau khi giải quyết KNTC, đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an theo quy định pháp luật. Để công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành hiệu quả, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tổ chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính (kèm theo Quyết định số 3127/QĐ-BTC ngày 09/12/2014).
III. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Tình hình vi phạm pháp luật ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quyền lợi của doanh nghiệp, người dân. Nguyên nhân của tình hình trên phát sinh từ nhiều yếu tố như tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường; hội nhập quốc tế; đời sống cư dân một số vùng còn gặp nhiều khó khăn; hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa xã hội chưa phát huy được tác dụng cần thiết trong phòng, chống vi phạm pháp luật. Trong ngành Tài chính, một số bất cập còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ tại một vài lĩnh vực, cụ thể:
1. Về cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách
1.1. Do có những tác động khách quan nên trong những giai đoạn nhất định, có một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
1.2. Thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định cho cơ quan Hải quan khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với một số tội danh như ma túy, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, sở hữu trí tuệ...
1.3. Văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành liên quan quá nhiều, thường xuyên thay đổi, còn chồng chéo, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi. Mặt khác, chưa có sự tương thích giữa một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc thực tế công tác kiểm tra chuyên ngành với Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành nên một số quy định chưa phát huy hết vai trò tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
1.4. Chế độ, chính sách đối với công chức làm nhiệm vụ kiểm soát hải quan vẫn chưa được đảm bảo, cụ thể là các thuyền viên làm nhiệm vụ chống buôn lậu tại các Hải đội kiểm soát hải quan trên biển và huấn luyện viên chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy vẫn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nên về lâu dài sẽ không yên tâm công tác, cống hiến cho ngành.
1.5. Hệ thống chính sách thuế vẫn còn lồng ghép nhiều chính sách xã hội, còn nhiều mức miễn, giảm thuế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lách thuế, dễ phát sinh tiêu cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý; chính sách thuế liên tục thay đổi, giữa các sắc thuế trong hệ thống chính sách thuế còn thiếu sự kết hợp hài hòa, giữa mục tiêu số thu cho ngân sách và mục tiêu kích thích sản xuất phát triển và điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua từng sắc thuế. Một số chế độ chính sách pháp luật về thuế có thay đổi; các doanh nghiệp, cá nhân tự kê khai thuế do chưa nắm rõ quy định pháp luật hoặc chế độ chính sách còn bất cập, chưa rõ... nên việc tự kê khai thuế của các đơn vị còn lúng túng, chưa chuẩn xác. Khi cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về thuế hoặc truy thu thuế thường phát sinh khiếu nại, kiến nghị.
1.6. Chức năng và quyền hạn của thanh tra thuế còn bị bó hẹp chưa trở thành công cụ có hiệu lực để thống nhất thu ngân sách và răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế. Chức năng điều tra các hành vi trốn thuế, gian lận tiền thuế chưa được quy định là một chức năng của cơ quan Thuế.
1.7. Một số lĩnh vực kinh doanh mới như casino, đặt cược, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài cần được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động kinh doanh đối với lĩnh vực kinh doanh này mới được ban hành. Việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh casino, đặt cược đua ngựa, đua chó thời gian qua chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
1.8. Thao túng, nội gián (giao dịch sử dụng thông tin nội bộ) trong lĩnh vực chứng khoán là các hành vi có tính chất nghiêm trọng, xâm hại đến các nguyên tắc hoạt động của TTCK, đi ngược lại với lợi ích chung của thị trường, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường cần phải được xử lý nghiêm minh. Bản chất của hành vi thao túng giá và giao dịch nội gián là sự cấu kết, thông đồng giữa các đối tượng mà chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân nên việc giám sát, phát hiện, kiểm tra và đặc biệt là chứng minh hành vi vi phạm cần phải làm rõ được sự cấu kết, thông đồng giữa các đối tượng liên quan, việc chuyển tiền giữa các đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài chính không có quyền yêu cầu, buộc đối tượng đến làm việc để đối chất; cũng không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan liên quan như ngân hàng, bưu điện, cơ quần và tổ chức khác phải cung cấp các thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn, về thông tin trao đổi giữa đối tượng nghi vấn, về danh tính, nhân thân đối tượng để xác minh, làm rõ mối liên hệ giữa các đối tượng, sự móc nối, thông đồng giữa các đối tượng trong việc thực hiện hành vi vi phạm. Thực tế, trong thời gian qua, các cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính đã phối hợp hết sức chặt chẽ với cơ quan Công an để điều tra, xác minh những trường hợp nghi vấn, do vậy cũng đã góp phần xử lý những vụ việc nổi cộm, tạo tính răn đe trên thị trường.
2. Về hoạt động nghiệp vụ chuyên môn
2.1. Các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan thực tế rất phức tạp, khó thực hiện, do vậy, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn sâu, đúng sở trường và phải có kinh nghiệm mới thực hiện thành thục, hiệu quả. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa của lực lượng kiểm soát hải quan. Áp lực về thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại cũng là thách thức đối với cơ quan Hải quan nói chung và lực lượng kiểm soát hải quan nói riêng.
2.2. Việc ứng dụng, vận hành Hệ thống thông quan tự động nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại luôn bị các đối tượng lợi dụng triệt để để thực hiện hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
2.3. Công tác khai thuế qua mạng mặc dù đã đạt chỉ tiêu nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra. Các phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thuế đang trong quá trình hoàn thiện nên vẫn còn lỗi và chậm được điều chỉnh, nâng cấp mỗi khi có chính sách mới; đường truyền còn chậm và hay bị nghẽn, lỗi mạng, nhất là vào những ngày cao điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách về thuế được sửa đổi, bổ sung nhiều, mặt khác, việc xây dựng chương trình ứng dụng bị điều chỉnh bởi các quy định đấu thầu nên việc xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin đi theo văn bản chính sách chưa đáp ứng kịp thời.
2.4. Mặc dù đã được nâng lên về mặt số lượng nhưng chất lượng các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp chưa cao, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do số lượng ý kiến đề nghị giải đáp và trao đổi tại chỗ của NNT còn ít, chưa phản ánh hết các vướng mắc về chính sách, pháp luật thuế trong quá trình thực hiện. Việc phối hợp với các cơ quan ngôn luận trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đôi lúc chưa thực sự chủ động và kịp thời.
2.5. Công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, bên cạnh những kết quả tích cực, quan trọng đạt được vẫn còn một số hạn chế trong giải đáp vướng mắc của người nộp thuế về chính sách, thủ tục thuế hoặc giải đáp vướng mắc của cơ quan thuế cấp trên với cơ quan thuế cấp dưới đôi lúc còn chưa kịp thời. Thủ tục hành chính tuy được công khai, nhưng số lượng thủ tục quá lớn, còn phức tạp làm ảnh hưởng đến thời gian của NNT.
2.6. Công tác giám sát, nắm bắt đối tượng cũng như trong quản lý phân tích rủi ro còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo sát đúng đối tượng; dẫn đến trong năm phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhiều lần; chất lượng, hiệu quả một số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao. Việc tự rà soát phát hiện tham nhũng trong nội bộ ngành đã được chú ý hơn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao. Công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện hành vi tham nhũng và chứng minh người có hành vi tham nhũng đã vụ lợi.
3. Về phối hợp lực lượng
3.1. Ở một số đơn vị cơ sở, việc phối hợp trao đổi thông tin chưa nề nếp, chưa đầy đủ nên công tác phối hợp chưa chặt chẽ, thống nhất. Trong khi đó, công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ cụ thể mới chỉ thực hiện khi có yêu cầu, dẫn đến việc các lực lượng chưa phối hợp hiệu quả với nhau trong chủ động xây dựng xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá những đường dây, ổ nhóm tội phạm lớn, phức tạp.
3.2. Ở một số lĩnh vực kinh doanh mới được Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý như casino và đặt cược, việc phối hợp trong kiểm tra, giám sát hàng năm và định kỳ về việc chấp hành chế độ quy định đối với các lĩnh vực này giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả. Doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong công tác quản lý nội bộ, xây dựng và ban hành các quy trình, quy chế về phòng, chống rửa tiền, theo dõi, giám sát người tham gia chơi...
3.3. Đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an như xổ số, casino, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Công an hiện đang thực hiện độc lập, chưa có sự phối hợp đồng bộ trên mọi mặt, do đó chưa phát huy được tối đa hiệu quả phối hợp trong việc phòng, chống tội phạm.
4. Về tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
4.1. Khối lượng, quy mô triển khai hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành ngày một gia tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực của nhiều đơn vị trong ngành Tài chính còn thiếu, điển hình là các đơn vị thực hiện công tác kiểm soát hải quan; quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; thanh tra chuyên ngành chứng khoán. Cụ thể:
4.1.1. Phạm vi, địa bàn hoạt động hải quan trải dài trên phạm vi toàn quốc, một số nơi địa hình hiểm trở, ranh giới quốc gia giữa nước ta và nước có chung đường biên giới liền nhau, trong khi đó, biên chế của một số đơn vị Hải quan còn ít cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác kiểm soát hải quan.
4.1.2. Với số lượng doanh nghiệp được quản lý thuế hàng năm đều tăng cao, trong khi cán bộ làm công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra thuế gần như là không tăng. Theo đó, nguồn nhân lực cho ngành thuế còn thiếu nhiều, khối lượng công việc hiện tại được giao quá lớn, nguồn nhân lực cũng đã được quan tâm bổ sung, tuy nhiên vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu công việc.
4.1.3. Khối lượng công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán là rất lớn, tính chất phức tạp với số lượng tổ chức, cá nhân tham gia thị trường ngày càng đông, các sản phẩm dịch vụ trên thị trường ngày càng phức tạp, đa dạng. Hàng năm, Bộ Tài chính phải triển khai nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thực hiện giám sát phát hiện và xử lý vi phạm hành chính, giải quyết đơn thư cũng như nhiều công việc khác liên quan trên hoạt động chứng khoán của hàng nghìn tổ chức (công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán...), rất nhiều cá nhân (1,6 triệu nhà đầu tư có tài khoản giao dịch chứng khoán, hàng nghìn người hành nghề chứng khoán tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, kiểm toán viên được chấp thuận, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan tại các công ty đại chúng...). Tuy nhiên, hiện nay số lượng cán bộ thanh tra chuyên ngành chứng khoán còn rất mỏng, mới có khoảng 30 người với nhiều chuyên môn khác nhau, số lượng cán bộ có chuyên ngành luật, kế toán, kiểm toán còn ít.
4.2. Vẫn còn một số ít cán bộ công chức ngành thuế chưa thật sự nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; chưa chấp hành đúng nội quy, kỷ cương, kỷ luật; không thường xuyên cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức, nhất là cập nhật những nội dung về chính sách, quản lý thuế mới để tự bồi dưỡng bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
4.3. Chế độ, định mức, tiêu chuẩn mặc dù đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên hơn, nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế, nhất là chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức...
4.4. Đối với một số lĩnh vực mới như casino, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, cán bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần được đào tạo, cập nhật kiến thức trong việc tổ chức, điều hành thị trường, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra và giám sát.
4.5. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, còn sự thiếu theo dõi, chỉ đạo sát sao của các cán bộ quản lý; tâm lý “cấp phát, xin cho”, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp của một số cán bộ tín dụng dẫn đến phát sinh một số vụ án tại Ngân hàng Phát triển liên quan đến việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hiệu quả nghiêm trọng.
5. Về tài chính đảm bảo và trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ
5.1. Cơ chế, chính sách tài chính phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cải cách hiện đại hóa mạnh mẽ, trong đó, kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả nói riêng vẫn còn hạn chế, việc thanh toán một số nội dung chi vẫn gặp khó khăn do phải đảm bảo yếu tố bí mật nghiệp vụ.
5.2. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ như đội tàu cao tốc đã cũ nên hiệu quả sử dụng không cao; hệ thống máy soi container chưa được trang bị đầy đủ, kịp thời cho các địa bàn trọng điểm, chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong tình hình mới.
PHẦN II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả khởi sắc trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao với tốc độ bình quân đạt khoảng 7-8%/năm; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, theo đó tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ được nâng cao chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%; thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010; khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư được thu hẹp... Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thông qua việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng kinh tế ASEAN; ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; hoàn tất đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Bên cạnh những thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại, nước ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những biến động khó lường của tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực như khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang, di cư trái phép, thiên tai, dịch bệnh, quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn trên thế giới, sự kiện Brexit quyết định Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, suy thoái kinh tế toàn cầu... Các thế lực thù địch, phần tử chống đối Nhà nước luôn lợi dụng sự mở rộng hợp tác quốc tế để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, tăng cường các hoạt động chống phá và kích động chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, tìm cách gây mất ổn định chính trị, chống đối chính quyền, phá hoại cách mạng nước ta.
Các băng nhóm tội phạm, các doanh nghiệp làm ăn bất chính lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, sự tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại để thực hiện hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn, gây mất ổn định an ninh chính trị, an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa trong nước, gây thất thu cho NSNN. Đặc biệt, cam kết cắt giảm các dòng thuế từ việc Việt Nam tham gia các hiệp định song phương, đa phương về tự do thương mại tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm lợi dụng ưu đãi về thuế quan và các biện pháp phi thuế quan để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tham gia cộng đồng kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam mở cửa thị trường cho cả hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh yếu và ở các ngành vốn được bảo hộ cao từ trước đến nay. Cùng với sự “cạnh tranh về thuế” để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là sự di chuyển tự do trong nội tại các khối kinh tế quốc tế, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Một trong những thách thức hiện nay trong công tác quản lý thuế là quá nhiều mức thuế và số lượng lớn các khoản miễn giảm, ưu đãi thuế. Khả năng linh hoạt di chuyển dòng vốn và các hoạt động ngày càng tăng của các công ty nước ngoài sẽ đòi hỏi loại bỏ gánh nặng về thuế gây ra đối với doanh nghiệp và cần phải đưa ra những biện pháp quản lý thuế quốc tế tốt hơn để tránh những hành vi chuyển giá trốn thuế. Những thách thức này sẽ lớn hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự mất ổn định kinh tế.
Việc mở cửa các ngành kinh tế, cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có khả năng phát sinh hình thức vi phạm, tội phạm về tài chính, chứng khoán mang tính xuyên biên giới. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có thể sẽ lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, những điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động thương mại, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, cơ sở hạ tầng trong nước và sự ra đời của các công cụ hỗ trợ (điện thoại thông minh, máy tính bảng...) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất trong nước và thu NSNN, đặc biệt là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức kinh doanh đánh bạc, cá cược bất hợp pháp qua mạng với quy mô và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi.
Thị trường chứng khoán phát triển về quy mô cũng như chiều sâu, với nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, cùng với phương thức giao dịch hiện đại cũng có nguy cơ làm phát sinh loại tội phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán với phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm gian lận, trục lợi, thao túng thị trường, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán cũng như sự ổn định, tính minh bạch, công bằng trên thị trường chứng khoán, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường cũng như hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý giám sát và chính sách vĩ mô của cơ quan quản lý.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ đòi hỏi ngành Tài chính phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tích cực phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
Để hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống thất thu cho NSNN theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, Bộ Tài chính đề ra các mục tiêu như sau:
1. Mục tiêu chung
1.1. Thực thi Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) trong ngành Tài chính.
1.2. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp và toàn thể cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân về việc tôn trọng, chấp hành pháp luật, nhằm góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, trật tự, văn minh, nề nếp và thân thiện.
1.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính về phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và tiếp thu có chọn lọc các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
1.4. Kịp thời làm rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập.
1.5. Xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân với ngành Tài chính.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
2.1. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an toàn cộng đồng; tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia...
2.2. Đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; phấn đấu đến sau năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ vi phạm hành chính, số vụ vi phạm hình sự so với giai đoạn 2016 - 2020.
2.3. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng cơ bản yêu cầu về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
2.4. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa toàn ngành Tài chính. Phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính đạt trên 80%. Giữ vững và cải thiện chỉ số đánh giá cải cách hành chính của Bộ Tài chính trong nhóm các Bộ, ngành dẫn đầu.
2.5. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của ngành đảm bảo thống nhất, phân định rõ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn giữa các cơ quan tài chính. Xây dựng bộ máy hiện đại, hiệu quả và hiệu lực, đáp ứng yêu cầu là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030
3.1. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; giảm vi phạm ở các địa bàn trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng thu cho NSNN, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
3.2. Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, văn minh, để mọi doanh nghiệp, công dân đều có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật về tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa...
3.3. Chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp.
3.4. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp; đảm bảo xử lý “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách tài chính góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách tài chính để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội đất nước. Trong giai đoạn 2016-2030, tập trung thực hiện các giải pháp chính sau:
1.1. Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến công tác hải quan theo từng giai đoạn, đảm bảo nội luật hóa đầy đủ, kịp thời, phù hợp, hài hòa với các Điều ước quốc tế và Hiệp định thương tự do đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Theo đó, cần bám sát vào nội dung phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Cụ thể, hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; công tác giám sát, quản lý về hải quan, quy trình thủ tục hải quan; quy trình triển khai các biện pháp thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro; chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; công tác quản lý thuế; kiểm định hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy trình nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan và công tác kiểm soát hải quan.
1.2. Tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Quản lý thuế đảm bảo thống nhất, đồng bộ với mục tiêu: Đổi mới cơ chế quản lý thuế theo hướng hiện đại; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý thuế; Quản lý thuế dựa trên quản lý rủi ro; Đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời vào NSNN, nâng cao tính tự giác tuân thủ của ĐTNT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, giảm nợ thuế.
1.3. Rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thuế, đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, quyết toán thuế, mẫu tờ khai... quy định tại các văn bản như Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, phục vụ cho tái thiết kế quy trình nghiệp vụ.
1.4. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Luật trò chơi có thưởng trình Quốc hội ban hành nhằm: tăng hiệu lực pháp lý, đồng bộ các quy định đang được điều chỉnh tại nhiều văn bản khác nhau (thuế, chế độ kế toán, kiểm toán,...); bổ sung các quy định còn thiếu, yếu về nghiệp vụ kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu chuẩn thiết bị, máy móc...; định hướng phát triển hài hòa lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của Đảng, Chính phủ, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, đấu tranh với hoạt động đánh bạc, cá cược trái phép và các tác động đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
1.5. Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thị trường kinh doanh trò chơi có thưởng, trong đó đánh giá cụ thể các tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp để điều hành thị trường, hoàn thiện cơ chế chính sách và công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong các lĩnh vực này.
1.6. Sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, trong đó góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm phòng, chống các hành vi vi phạm liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ.
1.7. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về chế độ quản lý tài chính đối với NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
1.8. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của NHPTVN, NHCSXH, tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của hai ngân hàng chính sách theo quy định của Luật tổ chức tín dụng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của hai ngân hàng chính sách, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua hai kênh tín dụng đầu tư và tín dụng cho các đối tượng chính sách, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
1.9. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đối với lĩnh vực kinh doanh mới (casino, đặt cược) vừa được Chính phủ ban hành đảm bảo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt như doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh, đối tượng tham gia chơi, đặc biệt các điều kiện đối với người Việt Nam được phép tham gia chơi tại các casino, trách nhiệm thực hiện và phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát đối với các cơ quan liên quan.
1.10. Hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật chung về chứng khoán, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, an toàn, hỗ trợ công tác quản lý giám sát hiệu quả đối với thị trường. Trong trung hạn, xây dựng và trình ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) để khắc phục các hạn chế, vướng mắc, bất cập hiện nay, đồng thời bao quát những vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ hướng dẫn Luật Chứng khoán. Về dài hạn, tiến hành nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới.
1.11. Hoàn thiện khung pháp lý về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chứng khoán:
1.11.1. Đề xuất bổ sung quyền thu thập thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm (quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm, quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm...) cho UBCKNN tại Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm đảm bảo năng lực thanh tra, cưỡng chế thực thi, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
1.11.2. Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính: tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định thay thế Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Nghị định 145/2016/NĐ-CP) để đảm bảo thực thi các quy định pháp luật mới được ban hành trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
1.11.3. Về chế tài xử lý tội phạm: tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về các tội danh về chứng khoán tại Bộ luật Hình sự 2015.
1.12. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhất là các định mức, tiêu chuẩn, chế độ về quản lý, sử dụng NSNN, quản lý sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài chính doanh nghiệp...
2. Cải cách hành chính, hiện đại hóa
Bộ Tài chính luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, trong thời gian tới cần triển khai quyết liệt, đồng bộ trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước được phân công, đảm bảo yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp:
2.1. Cải cách hành chính
2.1.1. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong ngành Tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh:
2.1.1.1. Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cải cách tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm 2017 về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.
2.1.1.2. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, góp phần thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4.
2.1.1.3. Mở rộng triển khai hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc; tăng cường phối hợp thu với ngân hàng; phấn đấu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao hơn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để những cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
2.1.1.4. Thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong ngành thuế mà trọng tâm là: tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
2.1.1.5. Sửa đổi chế độ về in, phát hành, sử dụng hóa đơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chống gian lận thuế đối với các nội dung: Quy định một số loại hình doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử; Quy định cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; Rút ngắn thời gian đăng ký sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp từ 05 ngày xuống 01 ngày làm việc (bao gồm cả doanh nghiệp mới thành lập); Doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn ngay trong ngày kể từ ngày Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu được gửi đến cơ quan Thuế quản lý trực tiếp đối với các Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu được lập đúng theo quy định.
2.1.2. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng:
2.1.2.1. Các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - Ngân sách Nhà nước, đảm bảo các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định không ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, đề án có sử dụng NSNN nhưng không hoặc chưa cân đối được nguồn. Tập trung chỉ đạo công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình, dự án hoàn thành.
2.1.2.2. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.
2.1.2.2. Yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định, nhất là các khoản chi xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền.
2.2. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyên nghiệp minh bạch trong triển khai hoạt động nghiệp vụ
2.2.1. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, các văn bản, tài liệu trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử; xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Theo đó, sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ sau:
2.2.1.1. Xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.
2.2.1.2. Triển khai hệ thống thông tin GFMIS góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công quản lý tài chính công.
2.2.1.3. Công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị.
2.2.1.4. Thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 (100% khai, nộp và hoàn thuế điện tử), vận hành ổn định hệ thống VINACCS/VCIS, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Đến năm 2020, thực hiện mô hình hải quan một cửa quốc gia (NWS) trên toàn hệ thống các đơn vị ngành hải quan và hoàn thành đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hệ thống TABMIS của Kho bạc Nhà nước.
2.2.2. Ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, trọng tâm là vận hành, đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của Phòng Giám sát hải quan trực tuyến và đưa vào vận hành hệ thống seal định vụ GPS container; hệ thống theo dõi hoạt động tàu biển vận chuyển xăng, dầu; hệ thống xe chỉ huy giám sát.
2.2.3. Áp dụng sâu rộng kỹ thuật quản lý rủi ro trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải quan, gồm kiểm tra, giám sát hải quan, thanh tra chuyên ngành; triển khai hiệu quả quản lý tuân thủ thông qua các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp đối tượng, mục tiêu quản lý; áp dụng các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tuân thủ tự nguyện, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
2.2.4. Quản lý và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình và quy chế về kiểm định, phân tích, giám định để phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau kiểm định, không để các đối tượng lợi dụng sự sơ hở trong công tác giám định, kiểm định hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại gây thất thu thuế, trốn thuế.
2.2.5. Đẩy mạnh triển khai hoạt động kiểm tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng trên cơ sở áp dụng đầy đủ mô hình quản lý tuân thủ, kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tăng cường kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, đảm bảo mục tiêu mỗi năm kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan tăng từ 5% đến 10% so với năm liền trước. Phấn đấu, đến năm 2020 mỗi năm kiểm tra sau thông quan khoảng 5% số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm phát hiện, xử lý và kéo giảm tỷ lệ vi phạm trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan so với trước đây.
2.2.6. Nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung kiểm soát các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, pháo, tiền; các mặt hàng chiến lược, hàng có thuế suất cao như xăng dầu, than, quặng, rượu, bia, thuốc lá...; hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường như: rác thải, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chức năng...
2.2.7. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm tra, nâng cao chất lượng phân tích hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan Thuế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra thuế. Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; Thanh tra các doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; chuyển giá; doanh nghiệp lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp hoàn thuế lớn; Các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài (xuất khẩu tại chỗ, bản quyền, chuyển giao công nghệ, dịch vụ bảo hành...); thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, kinh doanh trực tuyến; dược phẩm, thiết bị y tế; các doanh nghiệp xã hội hóa; Các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế (kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, cà phê xuất khẩu qua đường biên giới đất liền...). Chú trọng sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra, kiểm tra thuế gắn với xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm nội bộ theo quy định của pháp luật về thuế và thanh tra, kiểm tra về thuế (quy trình thanh tra, kiểm tra; quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra...). Triển khai việc áp dụng kỹ năng thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng đối tượng thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đạt hiệu quả cao trong công tác thanh tra, kiểm tra.
2.2.8. Giám sát chặt chẽ việc thí điểm cho phép người Việt Nam vào chơi tại các casino và đặt cược bóng đá quốc tế; thực hiện hiệu quả các văn bản, chính sách đối với các lĩnh vực mới như đặt cược, casino, đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương có doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh các lĩnh vực này.
3. Chính quy lực lượng
3.1. Nâng cao chất lượng, năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, theo đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
3.1.1. Thực hiện nghiêm quy định trong công tác cán bộ, cụ thể: về quản lý công chức, viên chức, về đánh giá cán bộ; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cấp ủy trong công tác cán bộ, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
3.1.2. Phân cấp thẩm quyền quản lý công chức, viên chức gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
3.1.3. Rà soát và có biện pháp khắc phục tình trạng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn khép kín, chưa bảo đảm cơ cấu về tuổi, giới tính như hiện nay; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020 (theo Chỉ thị 05/CT-BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính).
3.1.4. Thực hiện nghiêm việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức trong từng đơn vị và toàn ngành theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.
3.1.5. Đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên gia, cán bộ cấp cơ sở và thực hiện đúng lộ trình phát triển các cơ sở đào tạo thuộc Bộ theo Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài chính giai đoạn 2012 - 2020; đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức gắn với kế hoạch, quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ và lộ trình hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng mềm và năng lực tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách của công chức, viên chức.
3.1.6. Tiếp tục triển khai “Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án vị trí việc làm và xây dựng cơ cấu ngạch công chức, viên chức hợp lý gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
3.1.7. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức; xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của công chức, viên chức ngành Tài chính.
3.1.8. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong ngành tài chính.
3.1.9. Tiếp tục thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ.
3.1.10. Từng bước hiện đại hóa công sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị theo tiêu chuẩn của Chính phủ về hiện đại hóa nền hành chính và điều kiện thực tế của Bộ.
3.2. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của các đơn vị. Trên cơ sở kết quả rà soát xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức theo hướng tập trung đầu mối theo lĩnh vực, thực hiện chuyên môn hóa, tránh chồng chéo đảm bảo sự thống nhất về đầu mối quản lý, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hội nhập trong hiện tại. Nghiên cứu phương án kiện toàn một số đơn vị để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường tài chính, vốn đầu tư của nhà nước (tại một số đơn vị: Cục Tài chính doanh nghiệp thành Tổng cục Quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp, Vụ Chế độ kế toán - kiểm toán thành Cục Quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán, Vụ Đầu tư thành Cục Đầu tư), qua đó, đề xuất phương án sửa đổi, thay thế Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
3.3. Tiếp tục triển khai Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020; Đề án đầu tư trang bị và quản lý tàu, thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2020, hướng tới đầu tư, mua sắm, sửa chữa đội tàu đủ mạnh phục vụ kịp thời nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu trên tuyến đường biển.
3.4. Xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan Thuế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại theo nguyên tắc tập trung thống nhất; Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cán bộ thuế để nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế.
3.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong công tác ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong toàn ngành Tài chính.
4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng
4.1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành Tài chính. Thanh tra Bộ và các Tổng cục, Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những vấn đề đang được xã hội quan tâm, những quy định còn có sơ hở bất cập dễ lợi dụng để vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chuyển giá, lĩnh vực ngân hàng, gian lận thương mại, trốn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế... Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi tiêu từ NSNN, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, nhất là các khoản chi đầu tư xây dựng, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền.
4.2. Tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý của từng đơn vị, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật được phát hiện. Duy trì và sử dụng có hiệu quả đường dây nóng để người đứng đầu nắm bắt và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành. Chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tố cáo hành vi vi phạm, tham nhũng hoặc có biểu hiện tham nhũng, vi phạm trong các đơn vị thuộc Bộ. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng:
4.2.1. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra bám sát yêu cầu nhiệm vụ điều hành, quản lý tài chính - ngân sách trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, của Bộ Tài chính. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch hàng năm, lập kế hoạch chi tiết từng quý, từng tháng để triển khai, thực hiện kế hoạch; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra. Chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra.
4.2.2. Thực hiện tốt quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
4.2.3. Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện chưa triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.
4.2.4. Cải tiến phương pháp tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo kịp thời theo quy định; góp phần tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ, ngành và địa phương.
4.2.5. Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận.
4.2.6. Tiếp tục triển khai xây dựng các đề án, hoàn thiện các quy trình thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành tài chính làm cơ sở và tài liệu phục vụ đào tạo và áp dụng thống nhất trong hoạt động thanh tra ngành Tài chính.
5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp
Tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin các chủ trương, chính sách, pháp luật đến các đối tượng thực hiện. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước. Trong đó:
5.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế; nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế kết hợp với hỗ trợ người nộp thuế trong tuân thủ pháp luật thuế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giáo dục phổ biến pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; Triển khai các chương trình tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng (hội thảo về thuế đối với doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, các chương trình thuế học đường cho học sinh/sinh viên).
5.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, người dân biết về chính sách, pháp luật trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; đồng thời nhận thức rõ tác hại của hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả; từ đó không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, không tiêu thụ, sử dụng hàng lậu, hàng giả.
5.3. Chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với lĩnh vực mới của hoạt động tài chính ngân hàng và dịch vụ tài chính, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, đa dạng và nhiều chiều đến người dân và doanh nghiệp.
6. Phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế
6.1. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và các cơ quan có liên quan như cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... trong các công tác:
6.1.1. Tham mưu, đề xuất, kiến nghị cho Đảng, Nhà nước các biện pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
6.1.2. Xây dựng để ký kết các quy chế phối hợp, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cần thiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng.
6.1.3. Xây dựng văn bản chung để chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ; Thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phối hợp tại các đơn vị, địa bàn.
6.1.4. Cập nhật tình hình vi phạm, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng; Thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; Trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể để phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị.
6.1.5. Tuần tra kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm; Tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, đối tượng phạm tội theo quy định.
6.1.6. Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; Quản lý cán bộ, bảo vệ nội bộ, thông báo kịp thời cho nhau về dấu hiệu tiêu cực hoặc hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, chiến sỹ của mỗi bên để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
6.1.7. Tư vấn trang bị, huấn luyện sử dụng những phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị mới cho cán bộ, chiến sỹ của mỗi lực lượng để góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
6.1.8. Tuyên truyền, vận động quần chúng và phổ biến pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của mỗi bên; Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của các doanh nghiệp, tổ chức và công dân trong việc chấp hành pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật.
6.2. Tăng cường và chủ động hội nhập tài chính quốc tế, cụ thể:
6.2.1. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC... Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài, thu hút có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.
6.2.2. Tiếp tục điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết thuế quan trong các FTAs đã ký kết; đàm phán thuế quan và dịch vụ tài chính trong các Hiệp định FT As đang đàm phán; đồng thời đàm phán gói cam kết Vòng VIII về dịch vụ tài chính ASEAN.
6.2.3. Chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, hải quan các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong công tác thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh và đào tạo tập huấn, phục vụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
1. Giao Tổng cục Hải quan là đơn vị chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ:
1.1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện các nội dung của Đề án và các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Trình Bộ Tài chính điều chỉnh mục tiêu, nội dung Đề án trong trường hợp cần thiết.
1.2. Tổng hợp báo cáo thực hiện Đề án định kỳ: 06 tháng, năm và cuối mỗi giai đoạn thực hiện Đề án.
2. Giao Cục Kế hoạch - Tài chính chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Bộ đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án.
3. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án:
3.1. Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Đề án và Phụ lục Nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện kèm theo Đề án.
3.2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6) và hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để Tổng cục Hải quan tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) (trước ngày 30/6 và 31/12 hàng năm).
1. Kinh phí thực hiện Đề án này được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án có Quyết định phê duyệt riêng, kinh phí đảm bảo thực hiện theo Quyết định phê duyệt riêng.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
(Kèm theo Quyết định số: 2497/QĐ-BTC ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính)
STT | Nhiệm vụ trọng tâm | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian hoàn thành | Ghi chú |
I | Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật | ||||
1 | Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan | Tổng cục Hải quan | Các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan | 2017-2020 |
|
2 | Rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu; thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu | Tổng cục Hải quan | Các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan | 2017-2020 |
|
3 | Xây dựng Nghị định và Thông tư quy định về đại lý làm thủ tục hải quan, kho bãi, địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan trong đó quy định kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm kiểm tra tập trung cho nhiều Chi cục | Tổng cục Hải quan | Các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan | 2017-2020 |
|
4 | Xây dựng, triển khai đề án “Khu vực kiểm tra, kiểm soát và lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế” | Tổng cục Hải quan | Các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan | 2017-2019 |
|
5 | Xây dựng và thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền hỗ trợ, cung cấp thông tin hàng năm của ngành Hải quan | Tổng cục Hải quan | Các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan | Triển khai thực hiện hàng năm |
|
6 | Phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, Ngành liên quan rà soát, xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố | Tổng cục Hải quan chủ trì tổng hợp tham gia ý kiến về nội dung; Vụ Pháp Chế thẩm định | Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
7 | Tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Quản lý thuế | Vụ Pháp chế |
| 2017-2020 |
|
8 | Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...; xác định các nội dung không phù hợp, chồng chéo để đề xuất sửa đổi, bổ sung | Vụ Pháp chế | Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện rà soát, gửi Vụ Pháp chế tổng hợp chung | Triển khai thực hiện hàng năm |
|
9 | Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp | Vụ TCNH | VPCP, KBNN | 2017-2020 |
|
10 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội | Vụ TCNH | VPCP, NHNN, Bộ KH&ĐT, Bộ TP, Bộ Xây dựng | 2017-2020 |
|
11 | Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tài chính của NHNN | Vụ TCNH | VPCP, Bộ TP, Bộ KHĐT, NHNN | 2018 |
|
12 | Nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam | Vụ TCNH | VPCP, Bộ LĐTBXH, Bộ KHĐT, Bộ CA, Ủy ban Giám sát TC, Thanh tra CP | 2017-2020 |
|
13 | Quyết định của TTCP về cơ chế tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam | Vụ TCNH | NHPTVN, Bộ KHĐT, Bộ TP, Kiểm toán Nhà nước, NHNN | 2017-2020 |
|
14 | Quyết định của TTCP về Quy chế xử lý rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam | Vụ TCNH | VPCP, Bộ TP, Bộ KHĐT, NHPTVN | 2017-2020 |
|
15 | Quyết định TTCP sửa đổi, bổ sung Quyết định 246 Quỹ Hợp tác xã và Cơ chế bảo lãnh và hỗ trợ lãi suất | Vụ TCNH | VPCP, Liên minh Hợp tác xã, Bộ TP, NHNN | 2017-2020 |
|
16 | Quyết định của TTCP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hợp tác xã địa phương | Vụ TCNH | VPCP, Bộ TP, Bộ KHĐT, NHNN, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam | 2017-2020 |
|
17 | Nghị định của Chính phủ về cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNVVN | Vụ TCNH | VPCP, NHNN, Bộ KHĐT, Bộ TP | 2017-2020 |
|
18 | Quyết định sửa đổi Quyết định 50/2010/QĐ-TTg về cơ chế xử lý rủi ro của Ngân hàng chính sách xã hội | Vụ TCNH | NHCSXH, NHNN, Bộ TP | Quý IV/2018 |
|
19 | Thông tư thay thế Thông tư số 05/2013/NĐ-CP ngày 09/1/2013 về hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài | Vụ TCNH | NHNN, các Tổ chức tín dụng | 2017-2020 | Phụ thuộc vào tiến độ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ đối với tổ chức tín dụng |
20 | Thông tư thay thế Thông tư số 93/2013/NĐ-CP ngày 09/1/2013 về hướng dẫn chế độ tài chính đối với ngân hàng hợp tác xã | Vụ TCNH | NHNN, NH Hợp tác xã | 2017-2020 | Phụ thuộc vào tiến độ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ đối với tổ chức tín dụng |
21 | Thông tư thay thế Thông tư số 94/2013/NĐ-CP ngày 09/1/2013 về hướng dẫn chế độ tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân | Vụ TCNH | NHNN, các Quỹ tín dụng nhân dân | 2017-2020 | Phụ thuộc vào tiến độ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ đối với tổ chức tín dụng |
22 | Thông tư thay thế Thông tư số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/1/2013 về hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô | Vụ TCNH | NHNN, các tổ chức tài chính vi mô | 2017-2020 | Phụ thuộc vào tiến độ ban hành Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ đối với tổ chức tín dụng |
23 | Thông tư hướng dẫn giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước | Vụ TCNH | NHNN, các TCTD | 2017-2020 |
|
24 | Nghiên cứu xây dựng Luật chứng khoán (sửa đổi) | UBCKNN | VPQH, VPCP, BTP, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Vụ TCNH, 02 SGDCK, VSD...) | 2018 | Thời gian dự kiến trình |
25 | Nghiên cứu xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật chứng khoán (sửa đổi) | UBCKNN | VPCP, BTP, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Vụ TCNH, 02 SGDCK, VSD...) | 2018 | Thời gian dự kiến trình |
26 | Trên cơ sở Luật chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội vào năm 2018, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển TTCK và khung pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán | UBCKNN |
| Định hướng đến năm 2030 | Tiến độ thông qua các văn bản pháp lý liên quan (Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn) |
27 | Nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán | UBCKNN | VPCP, BTP, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Vụ TCNH, 02 SGDCK, VSD...) | 2019 | Thời gian dự kiến trình |
28 | Sửa đổi Luật Quản lý nợ công | Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại | Các Bộ, ngành, địa phương | 2017-2020 |
|
29 | Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số | Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm | Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
30 | Nghiên cứu sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2000/QH12 | Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm | Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2020 |
|
31 | Ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách bảo hiểm nông nghiệp | Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm | Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
32 | Ban hành Thông tư Hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm | Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm | Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
33 | Xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tích cực tham gia nhiều lượt ý kiến với các cơ quan có liên quan để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách | Thanh tra Bộ | Các tổ chức, đơn vị | Hàng năm |
|
II | Các nhiệm vụ trọng tâm khác | ||||
1 | Đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, xác định trọng điểm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, vi phạm; trọng tâm vào các mặt hàng cấm, các mặt hàng chiến lược, hàng có thuế suất cao, hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường | Tổng cục Hải quan | Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố | Thường xuyên |
|
2 | Tiếp tục tổ chức, thực hiện, triển khai Đề án thực hiện Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và nhân rộng mô hình tổ chức thực hiện NWS trên toàn hệ thống các đơn vị của ngành hải quan | Tổng cục Hải quan | Đơn vị có liên quan | 2017-2020 |
|
3 | Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra thuế và hiệu lực của các biện pháp cưỡng chế, xử lý vi phạm về thuế | Tổng cục Thuế |
| 2017-2020 |
|
4 | Tiếp tục tổ chức, thực hiện chiến lược cải cách hệ thống Thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng CP | Tổng cục Thuế | Vụ CST, TCHQ, Cục KHTC, Vụ PC và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
5 | Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quy chế 1319/QCPH-CQTTGSNH-TCT ngày 11/5/2015 quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Tổng cục Thuế | Tổng cục Thuế |
| 2017-2020 |
|
6 | Rà soát sửa đổi, bổ sung Quy trình nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến NNT để đổi mới cơ chế quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP | Tổng cục Thuế |
| 2017-2020 |
|
7 | Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quy chế số 568/QĐ-BTC ngày 26/3/2015 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại cơ quan thuế các cấp, từ đó đề xuất xây dựng phần mềm tích hợp nhận dữ liệu giữa các bên | Tổng cục Thuế |
| 2017-2020 |
|
8 | Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quy chế số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31/10/2007 Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an trong đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế; xây dựng dữ liệu quản lý thông tin trao đổi giữa 02 cơ quan nhằm thông tin chung được xử lý hiệu quả nhất | Tổng cục Thuế |
| 2017-2020 |
|
9 | Xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước; phát triển ứng dụng CNTT hỗ trợ các hoạt động quản lý thuế đảm bảo tính liên kết, tự động hóa cao, gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế và áp dụng thuế điện tử | Tổng cục Thuế |
| 2017-2020 |
|
10 | Tiếp tục triển khai Đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế đến năm 2020 theo kế hoạch đã được phê duyệt | Tổng cục Thuế | Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
11 | Xây dựng các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan khác có liên quan (cơ quan công an, thuế) để hỗ trợ công tác quản lý giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên TTCK | UBCKNN | Tổng cục An ninh - Bộ Công an, Tổng cục Thuế | 2017-2018 |
|
12 | Xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác: Kế hoạch cải cách hành chính định kỳ; Kế hoạch thanh tra định kỳ; Kế hoạch kiểm tra định kỳ; Kế hoạch thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật định kỳ; Kế hoạch/Đề án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành, quản lý giám sát đối với thị trường chứng khoán | UBCKNN | Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính (Thanh tra, Vụ PC, Cục THTKTC, Cục KHTC) | 2017-2020 | Xây dựng kế hoạch định kỳ hàng năm và theo giai đoạn |
13 | Đề án tái cơ cấu NHPT gắn với xử lý nợ xấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 | Vụ TCNH | NHPT, NHNN, Bộ KHĐT, Bộ CA, Ủy ban Giám sát TC, Thanh tra CP | 2017-2020 |
|
14 | Phối hợp với Bộ Công an thực hiện đầy đủ, hiệu quả Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA ngày 20/6/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh, quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội | Vụ Pháp chế | Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính | Thường xuyên |
|
15 | Xây dựng Kế hoạch Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính | Thanh tra Bộ | Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
16 | Xây dựng Định hướng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính hàng năm | Thanh tra Bộ | Các tổ chức, đơn vị trong ngành Tài chính | Hàng năm |
|
17 | Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành Tài chính nhằm đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện, xử lý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách còn sơ hở dễ dẫn đến vi phạm, lợi dụng | Thanh tra Bộ | Các tổ chức, đơn vị trong ngành Tài chính | Hàng năm |
|
18 | Tạo cơ chế phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân trong công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo | Thanh tra Bộ | Các tổ chức, đơn vị, cá nhân | 2020-2030 |
|
19 | Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra tốt để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính | Thanh tra Bộ | Các tổ chức, đơn vị | Hàng năm |
|
20 | Nghiên cứu xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của ngành tài chính giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025 | Cục Tin học và Thống kê tài chính | Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
21 | Tiếp tục triển khai “Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ | Vụ Tổ chức cán bộ | Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính | 2017-2020 |
|
22 | Tổ chức, triển khai thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức các đơn vị thuộc Bộ. | Vụ Tổ chức cán bộ | Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính | Hàng năm |
|
- 1 Thông tư 41/2019/TT-BTC bãi bỏ Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT/BTC-BCA hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Công văn 4661/VPCP-KTTH năm 2018 thông tin phản ánh về chuyển tiền trái phép do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 4 Quyết định 01/QĐ-BCNĐA12 năm 2018 về Quy chế hoạt động Ban Chủ nhiệm Đề án "Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet" do Ban chủ nhiệm đề án 12 ban hành
- 5 Công văn 03/TCHQ-TXNK năm 2018 về nhập khẩu hàng hóa trong ngành điện mặt trời do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6 Quyết định 559/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế thu thập, tiếp nhận, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7 Luật Quản lý nợ công 2017
- 8 Quy chế 3461/QCPH-TCCS-BHXH năm 2017 về phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
- 9 Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 10 Quyết định 1632/QĐ-BGTVT năm 2017 phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong huy động, sử dụng các nguồn vốn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 11 Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận 05-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 13 Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
- 14 Quyết định 1972/QĐ-BTC năm 2016 phê duyệt Kế hoạch xây dựng Chương trình thực hiện Đề án Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp theo Quyêt định 623/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 15 Quyết định 1919/QĐ-BTC năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 16 Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi
- 17 Nghị định 86/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán
- 18 Quyết định 1399/QĐ-BTC năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tra chống buôn lậu trực thuộc Tổng cục Hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 19 Thông tư liên tịch 85/2016/TTLT-BTC-BCA Quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành
- 20 Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 21 Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 22 Quyết định 623/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 23 Thông tư 61/2016/TT-BTC Hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 24 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016
- 25 Bộ luật hình sự 2015
- 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 27 Quyết định 2026/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 28 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
- 29 Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử do Chính phủ ban hành
- 30 Quyết định 48/2015/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 31 Thông tư 143/2015/TT-BTC về quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại do Bộ Tài chính ban hành
- 32 Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi
- 33 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 34 Quy chế 1319/QCPH-CQTTGSNH-TCT năm 2015 về phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng và Tổng cục Thuế
- 35 Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh
- 36 Quyết định 568/QĐ-BTC năm 2015 về Quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại cơ quan Thuế các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 37 Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 38 Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
- 39 Nghị định 01/2015/NĐ-CP quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
- 40 Quyết định 3127/QĐ-BTC năm 2014 về Quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính
- 41 Công văn 11797/BTC-TCT hướng dẫn và bổ sung nội dung công văn 1752/BTC-TCT về việc tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 42 Công văn 10024/BTC-TCT năm 2014 về biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành
- 43 Luật Hải quan 2014
- 44 Quyết định 366/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 45 Công văn 1752/BTC-TCT năm 2014 tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 46 Công văn 875/BTC-TCT năm 2014 hướng dẫn hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành
- 47 Nghị định 215/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 48 Thông tư 187/2013/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 204/2013/NĐ-CP về giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 49 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013
- 50 Công văn 13706/BTC-TCT năm 2013 hướng dẫn bổ sung công văn 7527/BTC-TCT do Bộ Tài chính ban hành
- 51 Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
- 52 Công văn 12485/BTC-TCT năm 2013 tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền do Bộ Tài chính ban hành
- 53 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số
- 54 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 55 Thông tư 93/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 56 Thông tư 94/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 57 Công văn 7527/BTC-TCT năm 2013 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 58 Quyết định 07/2013/QĐ-TTg về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 59 Nghị định 05/2013/NĐ-CP sửa đổi quy định về thủ tục hành chính của Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- 60 Thông tư 06/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 61 Luật quản lý thuế sửa đổi 2012
- 62 Quyết định 1557/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 63 Nghị định 57/2012/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- 64 Nghị quyết 30c/NQ-CP năm 2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 do Chính phủ ban hành
- 65 Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
- 66 Quyết định 732/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 67 Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010
- 68 Luật chứng khoán sửa đổi 2010
- 69 Luật thanh tra 2010
- 70 Quyết định 50/2010/QĐ-TTg ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 71 Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 72 Quyết định 112/2009/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 73 Quy chế 1527/QCPH/TCT-TCCS phối hợp trong đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính - Bộ Công an - Tổng cục Thuế - Tổng cục Cảnh sát ban hành
- 74 Luật quản lý thuế 2006
- 75 Luật Chứng khoán 2006
- 76 Luật phòng, chống tham nhũng 2005
- 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000
- 1 Thông tư 41/2019/TT-BTC bãi bỏ Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT/BTC-BCA hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Công văn 4661/VPCP-KTTH năm 2018 thông tin phản ánh về chuyển tiền trái phép do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 4 Quyết định 01/QĐ-BCNĐA12 năm 2018 về Quy chế hoạt động Ban Chủ nhiệm Đề án "Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet" do Ban chủ nhiệm đề án 12 ban hành
- 5 Công văn 03/TCHQ-TXNK năm 2018 về nhập khẩu hàng hóa trong ngành điện mặt trời do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6 Quyết định 559/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế thu thập, tiếp nhận, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7 Quy chế 3461/QCPH-TCCS-BHXH năm 2017 về phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
- 8 Quyết định 1632/QĐ-BGTVT năm 2017 phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong huy động, sử dụng các nguồn vốn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9 Quyết định 1972/QĐ-BTC năm 2016 phê duyệt Kế hoạch xây dựng Chương trình thực hiện Đề án Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp theo Quyêt định 623/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành