UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3946/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 26 tháng 9 năm 2011 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1405/TTr-LĐTBXH ngày 19 tháng 9 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3946/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH TÁC ĐỘNG ĐẾN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO.
- Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan không thuận lợi, song tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,7%, thu nhập bình quân năm 2010 đạt 14,16 triệu đồng/người, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2006, tạo điều kiện về nguồn lực cho thực hiện chương trình.
- Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị nông nghiệp giảm từ 34,4% đầu năm 2006 xuống 28,5%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,30% lên 33,5%; dịch vụ từ 36,29% lên 38,1% năm 2010.
- Nguồn lao động tăng cả về số lượng và chất lượng, kết quả giải quyết việc làm đạt khá, hàng năm toàn tỉnh tạo việc làm cho từ 3,2 -3,5 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 16,5% năm 2006 lên 33% năm 2010.
- Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chăm lo thường xuyên và có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như: Nghệ An đang là một tỉnh nghèo, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội phát triển của tỉnh. Địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng miền núi. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới bằng 70% mức bình quân chung cả nước.
II. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:
1. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác XĐGN:
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, nhất là người nghèo thấy được xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.
- Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và trở thành phong trào toàn dân trong công tác xoá đói giảm nghèo.
- Các cơ quan quản lý nhà nước, thông tấn, báo chí và truyền hình bằng nhiều hình thức khác nhau đã tiến hành phổ biến được những kinh nghiệm hay, cách làm tốt và những mô hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Cụ thể, trong thời gian qua đã tổ chức được 7 cuộc đối thoại trực tiếp, đăng tải 214 bài viết, phát 12 phóng sự chuyên đề giảm nghèo. Các cơ quan như: Nội vụ, Ban Dân tộc, Nông nghiệp và PTNT, Lao động - TB&XH, Hội Nông dân, Hội phụ nữ… đã phát hành các tài liệu thông tin “Cẩm nang xóa đói giảm nghèo, Tài liệu tập huấn” và tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho hàng chục ngàn hộ nghèo và cán bộ chủ chốt cơ sở.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
- Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh xác định xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, quyết định để triển khai thực hiện. Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2010 còn dưới 12%, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo;
- Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về xoá đói giảm nghèo, huy động được nhiều nguồn lực cho chương trình như: Chính sách hỗ trợ hộ ngèo đi xuất khẩu lao động, Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 42 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Chính sách đào tạo, dạy nghề cho đối tương người có công, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp…
- Việc chỉ đạo thực hiện được thống nhất từ tỉnh tới cơ sở; Ban chỉ đạo được củng cố, sáp nhập tập trung chỉ đạo tích cực các nội dung, chính sách giảm nghèo của Chính phủ như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg, Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Chương trình 135 - giai đoạn II theo Quyết định số 07/200/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Từ đó đã tạo được sự thống nhất trong việc lồng ghép các chính sách giảm xoá đói giảm nghèo đạt hiệu quả.
- Hàng năm tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các địa phương, trên cơ sở đó các huyện, thành phố, thị xã đã có Nghị quyết chuyên đề của cấp ủy, xây dựng chương trình, kế hoạch giải pháp giảm nghèo và phân công tổ chức thực hiện.
- Công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành được quan tâm thực hiện thường xuyên, những vướng mắc, sai sót đã đề ra được các giải pháp khắc phục kịp thời.
3. Huy động được sự tập trung chỉ đạo của các tổ chức chính trị xã hội vào công cuộc xoá đói giảm nghèo:
Với sự đồng thuận và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, xoá đói giảm nghèo còn huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội trên địa bàn, đó là: Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đã đưa công tác chỉ đạo thực hiện giảm nghèo thành nhiệm vụ chính trị của mình.
Bằng các hoạt động phù hợp với từng tổ chức, công tác XĐGN được diễn ra rộng khắp, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: vận động “Quỹ vì người nghèo”, “Ngày vì người nghèo”, xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, xây dựng “Quỹ tín dụng vay vốn hội viên nghèo”, phân công trách nhiệm cho hội viên của các tổ chức giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo,...
- Trong 5 năm, Uỷ ban Mật trận Tổ quốc tỉnh đã huy động gần 82 tỷ đồng Quỹ vì người nghèo, hàng ngàn ngày công từ sự đóng góp, giúp đỡ của anh em, gia đình, dòng tộc xây dựng 8.100 ngôi nhà “Đại đoàn kết” và hàng chục tỷ đồng từ các chương trình, dự án nhân đạo, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm… hỗ trợ cho các hộ nghèo về giống cây, con giúp phát triển sản xuất, hỗ trợ chữa bệnh, giúp học sinh nghèo vượt khó v.v...
- Hội phụ nữ đã huy động được 25 tỷ đồng vào “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” cho các chị em nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất, không thu lãi; phân công các hội viên khá và giàu giúp đỡ, hướng dẫn các chị em nghèo trong trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề phụ để tăng thu nhập…
- Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội đã tham gia, phối hợp quản lý tốt việc cho vay và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác từ Dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Hội Phụ nữ được ủy thác với nguồn vốn trên 572 tỷ đồng, cho gần 50.000 hội viên nghèo vay, Hội Nông dân tỉnh trên 523 tỷ đồng, xấp xỉ 46.000 hội viên nghèo được vay, Hội Cựu chiến binh tỉnh gần 258 tỷ đồng, cho vay đến 22.400 hội viên, Đoàn thanh niên trên 115 tỷ đồng, cho 9.981 đoàn viên nghèo.
Có thể nói rằng, Chương trình giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực, có hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội các cấp.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CỤ THỂ
1. Về tín dụng ưu đãi hộ nghèo phát triển sản xuất.
- Trong 5 năm (2006 - 2010), đã thực hiện cho hơn 220.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 2.066 tỷ đồng, mức vay bình quân được nâng dần từ 6,05 triệu đồng/ hộ năm 2006 lên 14,3 triệu đồng/hộ năm 2010. Tất cả các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đủ điều kiện đều được vay; thủ tục, phương thức cho vay đối với hộ nghèo đã tuân thủ đúng theo quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, thủ tục hành chính đơn giản, chặt chẽ.
- Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 251.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay với số vốn 1.784 tỷ đồng phục vụ cho việc học tập theo Quyết định số 157/QĐ-TTg, cho 3.690 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK vay theo Quyết định số 32/QĐ-TTg với doanh số 15,2 tỷ đồng, lãi suất 0%; xấp xỉ 25.000 lượt hộ vùng khó khăn vay vốn SXKD với doanh số 429 tỷ đồng v.v...
Việc thực hiện có hiệu quả Dự án tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện về vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần giảm số lượng hộ nghèo chung của toàn tỉnh.
2. Về xây dựng cơ sở hạ tầng xã nghèo.
- Trong 5 năm, Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư với số vốn hơn 424 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, trung tâm cụm xã và thôn bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kết quả đã đầu tư xây dựng được 758 công trình hạ tầng thiết yếu; bao gồm: 236 km đường giao thông, 21 cầu cống giao thông, 64 km kênh, mương, 51đập, 47 hệ thống thuỷ lợi, 110 km đường dây điện, 27 trạm biến áp, 600 phòng học kiên cố, 24 trạm y tế, 185 nhà sinh hoạt cộng đồng và 65 công trình cấp nước sinh hoạt.
- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã nghèo vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 257/QĐ-TTg thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã đầu tư 29.600 triệu đồng, triển khai xây dựng được 39 công trình hạ tầng tại 8 xã thuộc 4 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò.
- Ngoài ra, giai đoạn 2006 - 2008 các địa phương trên địa bàn tỉnh còn được thụ hưởng dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng tổ chức thực hiện tại 113 xã, trong đó gồm 24 xã biên giới, 97 xã miền núi và 11 xã bãi ngang ven biển thuộc 13 huyện với số kinh phí thực hiện hơn 92 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được 140 công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và dân sinh, góp phần thúc đẩy thực hiện giảm nghèo bền vững tại các địa bàn xã nghèo, vùng nghèo. Bên cạnh đó, Chương trình giảm nghèo còn nhận được sự viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài như: CIDA và CHF Canada, tổ chức CRS Mỹ, Oxfam Hồng Kông, GTV Italia, PYD Tây Ban Nha với các khoản viện trợ lên đến hàng triệu USD, nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện điều kiện và vệ sinh môi trường, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Có thể nói rằng với sự quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực, các công trình hạ tầng cơ sở như trường học, trạm y tế, giao thông, điện,... của các xã nghèo, vùng nghèo đã được cải thiện đáng kể, như: tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 63,9%, 75% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, hơn 99% số xã có đường giao thông vào trung tâm xã, 100% xã dùng điện, tỷ lệ hộ dân xem truyền hình đạt 95%... đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển ở các vùng nghèo.
3. Về đào tạo nghề và tập huấn cho cán bộ cơ sở.
- Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, đến nay toàn tỉnh có 62 cơ sở đào tạo nghề. Giai đoạn 2006-2010 đã tổ chức dạy nghề cho 138.426 lao động nông thôn và các đối tượng đặc thù; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh từ 16,5% đầu năm 2006 lên 33% năm 2010. Việc dạy nghề cho lao động nói chung và lao động nghèo nói riêng đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào thị trường lao động, để tìm và tự tạo được việc làm; gần 57% số lao động nghèo sau khi học xong đã có việc làm mới với mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng, góp phần thoát nghèo.
- Công tác khuyến nông, lâm, ngư được quan tâm. Trong 5 năm đã tổ chức 164 lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn… với 11.950 lượt người nghèo tham gia, triển khai xây dựng 35 mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật tại các địa phương. Kinh phí thực hiện là 6.600 triệu đồng.
- Đã tổ chức được 260 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo các cấp, với 23.309 lượt cán bộ tham gia; trong đó 95% là cán bộ cấp xã và xóm, bản. Việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở đã được tiến hành theo cụm, giảm bớt việc đi lại, tiết kiệm kinh phí. Nội dung tập huấn phong phú, tập trung vào hướng dẫn cách thức vận hành, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nghèo của các xã, phường; phổ biến, trao đổi rút kinh nghiệm những mô hình, hộ gia đình giảm nghèo có hiệu quả để áp dụng, nhân diện rộng.
- Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/8/2001 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề. Trong 5 năm đã phát triển thêm được 253 làng nghề và làng có nghề. Đưa tổng số làng nghề năm 2010 đạt 102 làng và 318 làng có nghề. Số lao động được chuyển đổi ngành nghề giai đoạn 2006 - 2010 từ 3 - 4 vạn người. Thông qua đó đã tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống lao động. Nhiều mô hình làng nghề, làng có nghề đã được nhân diện rộng và bước đầu đã được người nghèo áp dụng có kết quả.
4. Kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
- Trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ sữa chữa và xây dựng mới được 36.421 nhà ở cho hộ nghèo với số kinh phí thực hiện trên 497 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách nhà nước cấp 233 tỷ đồng, vay vốn ngân hàng 183 tỷ đồng, huy động cộng đồng, dòng họ và nguồn tự có của hộ nghèo trên 81 tỷ đồng.
- Chương trình nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng 40 công trình cấp nước cộng đồng tại 10 huyện miền núi, kinh phí thực hiện 68,7 tỷ đồng, 17.200 hộ nghèo dân tộc thiểu số được trực tiếp thụ hưởng. Ngoài ra, từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đã được Ngân hàng cho vay vốn với doanh số trên 200 tỷ đồng, với 36.500 hộ vay để tự tạo nguồn nước sinh hoạt.
- Đảm bảo 100% hộ nghèo được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế. Trong 5 năm, đã thực hiện mua và cấp phát hơn 3,55 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, kinh phí thực hiện trên 700 tỷ đồng.
- Đã hỗ trợ miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp cho 261.220 lượt học sinh nghèo; hỗ trợ 240.504 lượt học sinh các dụng cụ học tập, vở viết và sách giáo khoa. Kinh phí thực hiện 35,8 tỷ đồng.
- Đã có 9.584 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí, qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hoà giải và các hình thức trợ giúp pháp lý khác giúp người nghèo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật... kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng.
- Hơn 90.000 đối tượng chính sách người có công đã được chăm lo về đời sống vật chất tinh thần. Hàng năm tỉnh đã quan tâm thực hiện trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 90.333 đối tượng xã hội theo Nghị định số 67/NĐ-CP và Nghị định số 13/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật, cô đơn, tâm thần, người cao tuổi… Đồng thời, thực hiện cấp hàng nghìn tấn lương thực và hàng chục tỷ đồng để cứu trợ đột xuất cho đối tượng thiếu đói, gia đình gặp hoạn nạn do thiên tai, bão lụt...
Tóm lại: Thời gian qua các chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời; hộ nghèo, những người yếu thế đã được trợ giúp nhiều mặt, vượt qua khó khăn trong đời sống, từng bước hòa nhập cộng đồng; nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
5. Kết quả thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ
Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 3 huyện nghèo của tỉnh là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, với tổng nguồn vốn huy động được trên 835 tỷ đồng; bao gồm: Ngân sách nhà nước hỗ trợ, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay, hỗ trợ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các doanh nghiệp. Kết quả:
- Hỗ trợ xây dựng được 7.208 ngôi nhà cho hộ nghèo, đạt trên 98% nhu cầu khó khăn về nhà ở của hộ nghèo, xây dựng được 35 công trình hạ tầng cơ sở, bao gồm: Đường giao thông, các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện, trạm y tế xã, trường học, cầu, cống.
- Cấp gần 1.000 tấn gạo hỗ trợ cho 2.694 hộ nghèo với 15.043 nhân khẩu ở thôn, bản khu vực giáp biên giới thiếu lương thực.
- Thu hút 162 trí thức trẻ về làm việc tại các xã hưởng chính sách theo Quyết định số 70/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Đưa hơn 100 lao động đi xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với 49.095 lượt hộ nghèo. Bố trí trên 34,5 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nông lâm nghiệp như: hỗ trợ mua giống gia súc, làm chuồng trại, hỗ trợ khai hoang, phục hoá đất sản xuất, bảo vệ rừng ngoài dự án 661, vắc xin tiêm phòng gia súc.
- Tốc độ giảm nghèo của các huyện nghèo nhanh hơn so với trước thời điểm Nghị quyết 30a ban hành, hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%/năm (trước đây chỉ từ 2,5 - 3%/năm).
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm:
- Công tác giảm nghèo đã trở thành một phong trào sâu rộng, được sự tham gia tích cực của người dân và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội trên địa bàn góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
- Việc tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo đã đạt hiệu quả cao, bình quân mỗi năm giảm xấp xỉ 3% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 17.000 hộ; đến cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 12% (theo chuẩn cũ), đạt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh đề ra.
- Đã tạo được sự chuyển biến vượt bậc về hạ tầng cơ sở, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ nét, bộ mặt nông thôn trên mọi miền trong tỉnh có nhiều khởi sắc.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
a. Tồn tại, hạn chế.
- Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao hơn so với bình quân chung cả nước (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh 12%, cả nước 9%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi đang còn ở mức cao, hộ nghèo tập trung với tỷ lệ lớn ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao (xấp xỉ 10% số hộ nghèo).
- Nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, xã nghèo vẫn ít so với nhu cầu, nhất là: khuyến nông, lâm, ngư, phát triển ngành nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở...;
- Công tác chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt, chưa sát đúng. Công tác nghiên cứu, lựa chọn hỗ trợ xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân diện rộng chưa được quan tâm đúng mức, chưa kết hợp được việc đầu tư phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, lâm, ngư cho người dân.
- Một số chính sách ưu đãi hộ nghèo chưa phù hợp, chưa có tác dụng khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo phấn đấu vượt nghèo cho nên làm hạn chế kết quả xoá đói giảm nghèo.
b. Nguyên nhân.
* Về khách quan:
- Điểm xuất phát thấp, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh nghèo, ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo còn thấp, khả năng đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế để tạo mở việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nghèo còn hạn chế.
- Địa hình cách trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán còn lạc hậu… ở một số vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã làm hạn chế quá trình tổ chức thực hiện chương trình.
- Đại bộ phận hộ nghèo của tỉnh có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, giá cả vật tư, phân bón tăng cao làm hạn chế khả năng vươn lên thoát nghèo.
- Một số văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến việc thực hiện Chương trình giảm nghèo của các Bộ, ngành TW còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến việc tổ chức triển khai vướng mắc, lúng túng.
* Về chủ quan:
- Nhận thức của một số lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể về công tác giảm nghèo chưa thực sự sâu sắc và toàn diện, một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và trách nhiệm vươn lên thoát nghèo.
- Sự chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, kịp thời; thiếu sự chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Năng lực quản lý, điều hành chương trình giảm nghèo của cán bộ, nhất là cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) còn nhiều hạn chế. Định biên cán bộ chuyên trách làm công tác Lao động - TB&XH (trong đó có nhiệm vụ quản lý Chương trình giảm nghèo) chưa được bố trí làm ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành từ cơ sở.
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. DỰ BÁO NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN
1. Thuận lợi:
- Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Chương trình giảm nghèo tiếp tục được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân.
- Nhiều chương trình, dự án gắn với mục tiêu giảm nghèo được triển khai thực hiện như Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn… Các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, xã nghèo tiếp tục được bổ sung, tác động tích cực đến đời sống hộ nghèo. Đặc biệt là những chính sách mới ban hành như Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh đối với 42 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên. Do vậy, nguồn lực cho chương trình giảm nghèo tiếp tục được đầu tư cao hơn so với giai đoạn trước, được ưu tiên tập trung cho mục tiêu giảm nghèo và các vùng nghèo; tạo mọi điều kiện để giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Quá trình thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả và bài học kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành, huy động nguồn lực và chỉ đạo, thực hiện. Xóa đói giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng, mang tính xã hội hóa cao.
2. Khó khăn:
- Tác động của cơ chế kinh tế thị trường, tình hình lạm phát, chỉ số giá cả biến động khó lường tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, nhất là hộ nghèo và hộ cận nghèo, phân hoá giàu nghèo diễn ra ngày càng sâu sắc.
- Tiến trình đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp của tỉnh sẽ phát sinh những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư trở nên nghèo hoặc tái nghèo trở lại do bị thu hồi đất sản xuất.
- Cơ sở hạ tầng các xã nghèo tuy được tăng cường một bước, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đang đòi hỏi phải được tăng nhanh đầu tư và cải tạo để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, văn hóa,…
- Thiên tai, hạn hán, dịch bệnh cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; điều kiện vật chất cơ sở hạ tầng yếu kém, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu, đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số.
- Nhận thức của một bộ phận dân cư về công tác giảm nghèo còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
II. THỰC TRẠNG HỘ NGHÈO CỦA TỈNH ĐẦU NĂM 2011
1. Thực trạng hộ nghèo:
Theo số liệu điều tra hộ nghèo cuối năm 2010 theo chuẩn nghèo quy định tại Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011-2015; thực trạng hộ nghèo của tỉnh đầu năm 2011 như sau:
- Tổng số hộ nghèo cả tỉnh: 164.290 hộ, chiếm tỷ lệ 22,89%;
- Tổng số hộ cận nghèo: 96.538 hộ, chiếm tỷ lệ 13,45%;
- Số hộ nghèo Khu vực Thành thị: 6.430 hộ, chiếm tỷ lệ 5,36%;
- Số hộ nghèo Khu vực Nông thôn: 157.851 hộ, chiếm tỷ lệ 26,40%;
- Số hộ nghèo Vùng Đồng bằng: 69.543 hộ, chiếm tỷ lệ 15,22%;
- Số hộ nghèo Vùng Miền núi: 94.747 hộ, chiếm tỷ lệ 36,19%;
Tỷ lệ hộ nghèo của các xã (phường, thị trấn), phân theo các nhóm tỷ lệ phản ánh như sau: số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%: 29 xã, từ 5 đến dưới 10%: 65 xã, từ 10 đến dưới 20%: 154 xã, từ 20 đến dưới 30%: 89 xã, từ 30 đến dưới 40%: 38 xã, từ 40 đến dưới 50%: 24 xã, từ 50 đến dưới 60%: 21 xã, từ 60 đến dưới 70%: 17 xã, trên 70%: 42 xã.
Trong số 479 xã, phường, thị trấn có 142 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên, tập trung ở 10 huyện miền núi của tỉnh.
2. Nguyên nhân nghèo:
- Trong 3 nhóm chỉ tiêu điều tra về nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được phân tích cụ thể như sau:
+ Do thiếu tư liệu sản xuất: vốn, đất đai, tư liêu sản xuất khác, chiếm 55,63%.
+ Do thiếu lao động, đông người ăn theo, không có việc làm…, chiếm 24,64%.
+ Do ốm đau, bệnh tât, mắc các tệ nạn xã hội, chây lười…, chiếm 19,73%.
- Nguyện vọng được trợ giúp của hộ nghèo đó là:
+ Hỗ trợ vay vốn, tư liệu sản xuất: 56,67%.
+ Hỗ trợ học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, hướng dẫn cách làm ăn: 24,46%.
+ Trợ gúp xã hội: 17,87%.
III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015:
1. Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2006 - 2010, tập trung nguồn lực đầu tư tạo sự chuyển biến tích cực hơn về thu nhập, điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người nghèo. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm nhằm tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đảm bảo cho mọi người dân có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ những thành quả về hạ tầng cơ sở, văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2,5 - 3%, riêng đối với 3 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh giảm bình quân từ 4 - 5%/ năm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 22,89% đầu năm 2011 xuống còn 10% cuối năm 2015, giảm tương đương 88.800 hộ nghèo, bình quân hàng năm 17.800 hộ.
b) Tạo việc làm ổn định và đa dạng các hoạt động mang lại thu nhập cho người nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo lên 3 lần so với năm 2010.
c) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hoàn thành cơ bản trong năm 2011, năm 2012 kết thúc và tổng kết việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của tỉnh.
d) Đảm bảo 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí; 70% số người cận nghèo được mua thẻ BHYT, 100% học sinh con hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, con em hộ gia đình chính sách người có công được tiếp tục miễn giảm học phí và các khoản đóng góp.
VI. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
1. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo:
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xóa đói giảm nghèo cần tiếp tục được quan tâm hơn, cụ thể trên các nội dung:
- Tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước và xác định rõ bản thân người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo là chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng.
- Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đưa công tác giảm nghèo gắn với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và xoá đói giảm nghèo phải trở thành phong trào cách mạng chung của toàn xã hội, là tiêu chí để đánh giá sự đóng góp của cá nhân và tập thể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phải phát huy tinh thần và lòng tự hào quê hương giàu truyền thống cách mạng để lãnh đạo nhân dân, nhất là người nghèo vươn lên thoát nghèo, không tự ty, mặc cảm.
2. Phát triển kinh tế - xã hội, gắn giải quyết việc làm với giảm nghèo bền vững.
- Tập trung phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVII đề ra. Trong giai đoạn 2011 - 2015, cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án như: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ cao đến năm 2020, đề án phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An thời kỳ 2010 - 2020,…
- Cải thiện tốt môi trường và bổ sung cơ chế thu hút đầu tư để ngày càng có nhiều các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, nhất là địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo nhằm tạo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, vừa góp phần giảm nghèo bền vững. Trong thời kỳ 2011 - 2015, tập trung chỉ đạo, thu hút nguồn lực để thực hiện đúng kế hoạch 25 danh mục dự án trọng điểm đã có nhà đầu tư và 67 danh mục dự án xúc tiến, vận động đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn huy động từ nhà đầu tư trên 164.200 tỷ đồng; bình quân hàng năm xấp xỉ 33.000 tỷ đồng.
- Tổ chức thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm mới cho 5 vạn lao động, trong đó: xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở ngoài nước trên 10.000 người/năm. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả chính sách hỗ trợ XKLĐ ở 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và 42 xã nghèo theo chính sách của tỉnh; phấn đấu mỗi năm đưa lao động tại các huyện nghèo, xã nghèo đi xuất khẩu lao động 10 người/xã.
3. Tổ chức tốt chường trình đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo và cán bộ chủ chốt ở các xã nghèo.
- Thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh phê duyệt; áp dụng chính sách đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 33% năm 2010 lên 52% năm 2015, trong đó lao động thuộc các hộ nghèo từ 20% lên 50%. Dự báo lao động thuộc hộ nghèo được đào tạo trong 5 năm khoảng 122.500 người, bình quân hàng năm là 24.500 người.
- Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo, kết hợp xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững:
+ Các hoạt động khuyến nông, lâm, ngư nghiệp như: các lớp tập huấn ngắn ngày, hội nghị đầu bờ cho người nghèo phải tổ chức theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông lâm ngư phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong tỉnh để các hộ nghèo có thể áp dụng được, như: đối với vùng miền núi cao cần tập trung vào các lĩnh vực trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc; vùng miền núi thấp tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, cây công nghiệp; vùng đồng bằng thâm canh lúa, cây hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng ven biển nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản.
+ Ngoài việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo; căn cứ đặc thù điều kiện tự nhiên và tiềm năng của từng vùng, từng địa phương chỉ đạo xây dựng các mô hình khuyến nông, lâm, ngư kết hợp với các mô hình xoá đói giảm nghèo có hiệu quả. Phấn đấu trong 5 năm toàn tỉnh xây dựng 150 mô hình tại các xã, cho 25.000 hộ nghèo được hưởng lợi.
- Quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và xóm bản. Thông qua việc tổ chức tốt các lớp tập huấn ngắn ngày để hướng dẫn nội dung những kỹ năng trong việc xây dựng kế hoạch, dự án và tổ chức thực hiện đối với cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Nội dung tập huấn cải tiến theo hướng đơn giản và cụ thể cho từng đối tượng, phù hợp với trình độ người học và thực tiễn đòi hỏi của chương trình đề ra theo từng giai đoạn, không rập khuôn, máy móc. Phấn đấu số cán bộ được tập huấn hàng năm từ 5 người lên 15 người/ xã.
Ngoài ra, chương trình đào tạo cán bộ, công chức cấp xã cần ưu tiên bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt: Bí thư, Chủ tịch các xã thuộc các xã nghèo, các xã vùng miền núi của tỉnh về nghiệp vụ quản lý, điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương được tốt hơn.
4. Thực hiện tốt các chính sách, dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn.
4.1. Các chính sách, dự án tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập
a) Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo
- Đảm bảo cho 100% hộ nghèo được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; đồng thời, có sự hướng dẫn sử dụng vốn một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần rà soát các thủ tục, cơ chế cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay. Nâng dần mức cho vay bình quân của hộ nghèo đến năm 2015 lên 20 triệu đồng/hộ.
- Thực hiện cơ chế: Hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng đang trong thời gian thực hiện hợp đồng tín dụng thì tiếp tục được hưởng chính sách này đến hết hợp đồng. áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, chủ yếu là ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở hình thành các nhóm tín dụng - tiết kiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (phụ nữ, nông dân, thanh niên). Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
- Tiếp tục củng cố và phát triển “ Tổ vay vốn” tại cơ sở, đảm bảo tất cả hộ nghèo đều tham gia vào các tổ vay vốn để tiếp cận đầy dủ chính sách này. Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn cần đề cao trách nhiệm để thực hiện tốt hơn việc vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trên địa bàn.
- Chỉ tiêu: 252.200 lượt hộ nghèo được vay vốn, doanh số cho vay 4.255.850 triệu đồng.
b) Phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yều các xã nghèo
- Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở ở các xã đặc biệt khó khăn, các xã nghèo thuộc vùng bãi ngang ven biển về điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, … phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh. Kế hoạch 5 năm, đầu tư xây dựng khoảng 755 công trình hạ tầng cơ sở tại các xã nghèo, tổng mức đầu tư khoảng 755 tỷ đồng.
- Ngoài ra, trong danh mục các dự án hạ tầng quan trọng có sử dụng vốn ngân sách giai đoạn 2011 - 2015, cần tập trung ưu tiên xây dựng 38 cầu thay thế bến đò và cầu qua sông, suối không có bến đò phục vụ nhân dân, học sinh đi lại, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, với số vốn 1.345 tỷ đồng; Xây dựng 2.903 phòng học và 61.560 m2 nhà công vụ cho giáo viên theo Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, với số vốn 1.500 tỷ đồng; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống trạm y tế 128 xã và phòng khám đa khoa khu vực, với số vốn 2.000 tỷ đồng.
c) Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Tập trung chỉ đạo và huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước, vay vốn ngân hàng, hỗ trợ của các doanh nghiệp, của cộng đồng, dòng họ và nguồn tự có của hộ nghèo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành cơ bản trong năm 2011.
4.2. Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội
a) Về y tế, giáo dục cho người nghèo
- Hàng năm ngân sách Nhà nước mua và cấp thẻ BHYT cho 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân ở các xã vùng khó khăn; Hỗ trợ 80 - 90% mệnh giá BHYT cho nhân khẩu hộ cận nghèo. Huy động cộng đồng trong việc xây dựng quỹ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, khám chữa bệnh nhân đạo, khuyến khích các đội y tế lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa. Xác định rõ trách nhiệm của người nghèo trong công tác phòng bệnh, tự bảo vệ chăm lo sức khoẻ, vệ sinh môi trường sống và thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình.
- Chỉ tiêu: 3.160.000 lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT, kinh phí thực hiện 1.415.680 triệu đồng; 1.129.495 lượt người cận nghèo tham gia BHYT, kinh phí thực hiện 506.014 triệu đồng.
- Đảm bảo 100% học sinh nghèo các cấp học được miễn giảm học phí, học sinh - sinh viên nghèo có nhu cầu được vay vốn ưu đãi để học tập.
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, vận động các tổ chức, hội đoàn thể tạo điều kiện cho con hộ nghèo đến trường bằng nhiều hình thức: hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập, sách, vở, phương tiện đi lại...
- Chỉ tiêu: 504.000 lượt học sinh được hỗ trợ về giáo dục, kinh phí thực hiện 204.850 triệu đồng.
b) Trợ giúp pháp lý cho người nghèo
- Trợ giúp pháp lý miễn phí cho những hộ nghèo có nhu cầu về các lĩnh vực: đất đai, nhà ở, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, hôn nhân gia đình và các chế độ chính sách của nhà nước đối với hộ nghèo, người nghèo.
- Tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tư pháp xã, Tổ hòa giải, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã.
- Chỉ tiêu: 25.000 lượt người nghèo được hỗ trợ pháp lý miễn phí, kinh phí thực hiện 5.000 triệu đồng.
c) Về chính sách an sinh xã hội
- Thực hiện tốt chính sách người có công và các phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa”, đảm bảo 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của dân cư nơi cư trú.
- Trợ cấp đột xuất cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo; trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người nghèo đơn thân đang nuôi con nhỏ, theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2009/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
- Lồng ghép các chương trình, dự án của các đơn vị, hội đoàn thể giúp đỡ đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt quan tâm hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội.
5. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và 42 xã nghèo theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2010 của UBND tỉnh.
- Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 3 huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong theo mục tiêu Nghị quyết sô 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và tại 42 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2010 của UBND tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương này nhanh hơn bình quân chung các địa phương khác trong cùng khu vực. Trong đó, tổ chức tốt chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ và thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các xã nghèo. Ngoài 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP, đối với 42 xã nghèo theo quyết định 59/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh thực hiện tăng cường cho mỗi xã 1 cán bộ có đủ tiêu chuẩn về giữ chức danh Phó chủ tịch UBND theo kế hoạch đã được phê duyệt của Bộ Nội vụ.
- Chỉ tiêu phấn đấu:
+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 4 -5%/năm.
+ Nguồn lực thực hiện: Nghị quyết 30a: 1.500 tỷ đồng, 42 xã nghèo: 85,5 tỷ đồng.
6. Phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong việc thực hiện Chương trình ở các cấp. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh với Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo các cấp tập trung chỉ đạo giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo, hộ nghèo.
Đề nghị Uỷ ban mặt trận Tổ quốc cần tổ chức tuyên truyền vận động toàn dân ủng hộ người nghèo, tiếp tục phát động cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, kêu gọi tài trợ từ các doanh nghệp, tập đoàn kinh tế, các nhà hảo tâm để tăng thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp quản lý và sử dụng nguồn Quỹ đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả.
Các tổ chức đoàn thể xã hội tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực giúp đỡ những hội viên nghèo, yếu thế của tổ chức mình trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã được xác định.
- Phân công các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chịu trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn một xã nghèo thuộc 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong thực hiện kế hoạch giảm nghèo (Có phụ lục kèm theo); định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả về cơ quan thường trực BCĐ giảm nghèo tỉnh. Các huyện có xã nghèo theo Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2010 của UBND tỉnh phân công một phòng, ban hoặc tổ chức chính trị xã hội cấp huyện giúp đỡ một xã nghèo. Mỗi cán bộ đảng viên tại các xã nghèo được phân công giúp đỡ một hộ nghèo trên địa bàn.
7. Huy động nguồn lực cho Chương trình:
Dự kiến nhu cầu nguồn lực cho các chính sách, dự án giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 9.023 tỷ đồng, bình quân hàng năm: 1.804,6 tỷ đồng (Có phụ lục kèm theo); Trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 3.847 tỷ đồng;
- Ngân sách tỉnh: 170,5 tỷ đồng.
- Vốn lồng ghép: 429 tỷ đồng.
- Vốn vay ngân hàng: 4.256 tỷ đồng.
- Nguồn huy động xã hội hoá từ cộng đồng, người dân: 320,5 tỷ đồng.
V. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Là Cơ quan thường trực của Chương trình, giúp Ban chỉ đạo các Chương trình giảm nghèo tỉnh chỉ đạo thực hiện; chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình; tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Chủ trì tổ chức thực hiện một số dự án: Hỗ trợ xây dựng cơ sợ hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, dạy nghề cho người nghèo; mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo và truyền thông; hoạt động giám sát đánh giá;
c) Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình của các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - TB&XH và các đơn vị liên quan cân đối và phân bổ nguồn lực cho Chương trình; phối hợp với các sở, ngành liên quan lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản khác có liên quan; đồng thời, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật cho hộ nghèo.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo.
6. Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo.
7. Sở Xây dựng chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
8. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
9. Ban Dân tộc chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở ở các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng miền núi, các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.
10. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh; kết hợp giữa cho hộ nghèo vay vốn với hướng dẫn cách làm ăn, cho học sinh - sinh viên hộ nghèo học đại học, cao đẳng và học nghề vay vốn để học tập; chủ động đề xuất Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương bổ sung nguồn vốn vay. Thường xuyên giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay, chống thất thoát, nợ quá hạn...
11. Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo, giới thiệu các điển hình, mô hình giảm nghèo tiêu biểu để nhân rộng.
12. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Căn cứ Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, xây dựng Kế hoạch giảm nghèo của địa phương; chủ động huy động các nguồn lực. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; chỉ đạo UBND các xã, phường triển khai và theo dõi thực hiện chương trình một cách chặt chẽ, có hiệu quả.
Định kỳ 06 tháng, một năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình (qua cơ quan thương trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh).
13. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An tham gia thực hiện Chương trình và giám sát việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các địa phương; vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo; thông qua phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, vận động nhân dân hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế các tổ chức xã hội, nhân đạo tham gia huy động đóng góp nguồn lực với mục tiêu hỗ trợ người nghèo về nhà ở, học tập, khám chữa bệnh miễn phí, trợ cấp khó khăn….
14. Đề nghị các hội, đoàn thể tham gia thực hiện Chương trình, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo; đăng ký giúp đỡ hộ nghèo sớm thoát nghèo bền vững. Tổ chức các lớp tập huấn các lớp ngắn ngày hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo; chẩn chỉnh tổ chức và hoạt động của các Tổ tiết kiệm - Tín dụng, “Tổ tương trợ”, nhân rộng các mô hình điển hình.
15. Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo thời gian tới, để chương trình đạt được kế hoạch đã đề ra./.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- 1 Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
- 2 Nghị quyết 80/NQ-CP năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 3 Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 70/2010/QĐ-TTg sửa đổi Điều 4 của Quyết định 65/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 1752/CT-TTg năm 2010 về tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 59/2010/QĐ-UBND ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 7 Nghị định 13/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 8 Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 13 Quyết định 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiếu số đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14 Quyết định 20/2007/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17 Quyết định 257/2003/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 19 Luật Ngân sách Nhà nước 2002