Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 404/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND ngày 15/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XII - Kỳ họp thứ 2 về việc Thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1775/TTr-SXD ngày 10/8/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung cụ thể như sau:

I. Quan điểm phát triển nhà ở

1. Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở của người lao động nói riêng và nhân dân nói chung; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giàu bản sắc địa phương.

2. Chính sách phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng khả năng huy động mọi nguồn lực; huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và của cả xã hội tham gia phát triển nhà ở góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

3. Phát triển nhà ở phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phù hợp với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, bảo vệ môi trường, sinh thái; kiến trúc nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, đảm bảo thích ứng với điều kiện tự nhiên có xem xét yếu tố tác động về biến đổi môi trường, phù hợp với bản sắc của địa phương và cảnh quan môi trường.

4. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa về nhà ở, đồng thời gắn chính sách phát triển nhà ở với đảm bảo an sinh xã hội thông qua cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng và tạo lập chỗ ở.

5. Quan tâm phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp người thu nhập thấp tại đô thị; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng đặc biệt khó khăn... với cơ chế, chính sách phù hợp.

II. Các chỉ tiêu và nhu cầu phát triển nhà ở

1. Nhu cầu phát triển nhà ở

a) Nhu cầu về diện tích nhà ở tăng thêm

- Trong giai đoạn đến năm 2020, tổng nhu cầu nhà ở xây mới tăng thêm là 61.757 căn nhà ở, tương ứng với 6.216.153 m2 sàn. Diện tích nhà ở cải tạo, sửa chữa là 1.470.705 m2 sàn, bao gồm diện tích nhà ở do người dân tự cải tạo, sửa chữa và công tác cải tạo nhà ở theo đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công của Thủ tướng Chính phủ;

- Giai đoạn đến năm 2030, tổng nhu cầu phát triển nhà ở toàn tỉnh là 13.141.640 m2 sàn trong đó nhu cầu xây mới là 10.925.367 m2 sàn, sửa chữa cải tạo là 2.216.273 m2 sàn.

Đơn vị tính: m2 sàn

STT

Chỉ tiêu

Giai đoạn đến 2020

Giai đoạn đến 2030

Tổng cộng

Số nhà ở (căn)

Diện tích (m2)

Số nhà ở (căn)

Diện tích (m2)

Số nhà ở (căn)

Diện tích (m2)

I

Xây mới nhà ở

61.757

6.216.153

77.847

10.925.367

139.604

17.141.520

1

Nhà ở thương mại và dân tự xây dựng

48.324

5.664.407

63.671

9.952.927

111.995

15.617.334

a

- Nhà ở theo dự án

2.804

701.000

6.951

1.911.525

9.755

2.612.525

b

- Nhà ở dân tự xây

45.520

4.963.407

56.720

8.041.402

102.240

13.004.809

2

Nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội

11.143

432.635

7.600

545.000

18.743

977.635

a

- Nhà ở HS-SV

600

36.000

1.000

75.000

1.600

111.000

b

- Nhà ở công nhân

300

18.000

1.600

120.000

1.900

138.000

c

- Người nghèo khu vực nông thôn

6.120

214.200

-

-

6.120

214.200

d

- Nhà chống bão

1.144

22.880

-

-

1.144

22.880

e

- Hộ có công theo QĐ 22

2.479

111.555

-

-

2.479

111.555

g

- Nhà ở xã hội cho các nhóm ĐT khác

500

30.000

5.000

350.000

5.500

380.000

2

Nhà ở công vụ

281

8.616

126

8.190

407

16.806

i

- Nhà ở công vụ cán bộ CC-VC

52

3.120

126

8.190

178

11.310

k

- Nhà ở công vụ giáo viên

229

5.496

-

-

229

5.496

3

Nhà ở tái định cư

2.009

110.495

6.450

419.250

8.459

529.745

II

Cải tạo, sửa chữa nhà ở

19.970

1.470.705

20.409

2.216.273

40.379

3.686.978

1

- Nhà ở dân tự xây

16.913

1.333.140

20.409

2.216.273

37.322

3.549.413

2

- Hộ có công theo QĐ 22

3.057

137.565

-

-

3.057

137.565

3

- Nhà chống bão

-

-

-

-

-

-

 

TỔNG CỘNG

81.727

7.686.858

98.256

13.141.640

179.983

20.828.498

b) Nhu cầu về quỹ đất dành cho phát triển nhà ở (không tính đến đất xây dựng hạ tầng).

Giai đoạn 2016-2020: Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển nhà ở của tỉnh là 180,00 ha trong đó quỹ đất cho nhà ở thương mại và dân tự xây là 135,16 ha, nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội là 3,36 ha, nhà ở công vụ là 1,23 ha, nhà ở tái định cư là 40,18 ha.

Giai đoạn 2021- 2030: Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển nhà ở của tỉnh là 384,64 ha, trong đó quỹ đất dành cho nhà ở thương mại và dân tự xây là 274,39 ha, nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội là 35,13 ha, nhà ở công vụ là 1,17 ha, nhà ở tái định cư là 73,95 ha.

c) Nhu cầu vốn dành cho phát triển nhà ở

- Về tổng nguồn vốn:

+ Giai đoạn 2016-2020: Tổng nguồn vốn cần huy động trong giai đoạn này là 30.784,4 tỷ đồng, trong đó: vốn dành cho xây dựng và cải tạo nhà ở là 24.053,5 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 2.826,8 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng xã hội là 2.782,3 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng là 1.121,8 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2021-2030: Tổng nguồn vốn cần huy động trong giai đoạn này là 81.487,7 tỷ đồng, trong đó: vốn dành cho xây dựng và cải tạo nhà ở là 63.449 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 7.575,9 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng xã hội là 7.455,6 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng là 3.006,3 tỷ đồng.

- Phân bổ vốn ngân sách:

+ Giai đoạn 2016-2020: Tổng nguồn vốn ngân sách dùng cho phát triển nhà ở là 442,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 218,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 223,9 tỷ đồng.

+ Định hướng trong giai đoạn 2021-2030: Để đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở dự kiến vốn ngân sách cần huy động trong giai đoạn này là khoảng 900 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là khoảng 470 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là khoảng 430 tỷ đồng.

2. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở

a) Chỉ tiêu về dân số:

- Dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2020 đạt xấp xỉ 1,4 triệu người (1.399.857 người);

- Dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2030 đạt xấp xỉ 1,6 triệu người (1.582.270 người).

b) Chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân

- Đến năm 2020, phấn đấu chỉ tiêu bình quân diện tích nhà ở toàn tỉnh là 24,4 m2 sàn/người. Trong đó khu vực đô thị đạt 29,7 m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 22,6 m2 sàn/người;

- Đến năm 2030, phấn đấu chỉ tiêu bình quân diện tích nhà ở toàn tỉnh là 28,5 m2 sàn/người. Trong đó khu vực đô thị đạt 31,9 m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 26,7 m2 sàn/người.

c) Chỉ tiêu về diện tích nhà ở tối thiểu

- Đến năm 2020, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn/người;

- Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 12 m2 sàn/người.

d) Chỉ tiêu về nâng cao chất lượng nhà ở

- Đến năm 2020 nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn tỉnh lên mức khoảng 80%, giảm tỷ lệ nhà ở đơn sơ còn mức 0,4%;

- Đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nhà kiên cố đạt khoảng 90%, tỷ lệ nhà đơn sơ giảm còn 0,2%.

e) Chỉ tiêu giảm tỷ lệ số hộ không có nhà ở

Tại thời điểm khảo sát, tỷ lệ số hộ không có nhà ở trên toàn tỉnh là 0,78% trong đó chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ số hộ thiếu nhà ở này giảm còn dưới 0,5% và đến năm 2030 còn dưới 0,1%.

g) Chỉ tiêu về xây dựng nhà chung cư (chủ yếu ở thành phố Quảng Ngãi)

- Với thực tế về nhu cầu và thị hiếu của người dân thì dự kiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, không đặt ra chỉ tiêu về nhà ở chung cư mà chỉ khuyến khích phát triển loại hình nhà ở này tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Đến năm 2030, khuyến khích phát triển diện tích nhà chung cư, phấn đấu xây dựng 180.000 m2, bằng 10% tổng diện tích nhà ở thương mại tăng thêm, đặc biệt tại khu vực thành phố Quảng Ngãi (đô thị loại II), khuyến khích phát triển loại hình nhà ở chung cư tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

III. Các giải pháp trọng tâm

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Rà soát các chính sách đã ban hành và bãi bỏ các chính sách không hiệu quả; ban hành các cơ chế chính sách về phát triển nhà ở trong giai đoạn hiện nay phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

b) Đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian xét duyệt các dự án phát triển nhà để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, coi công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành để hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai nhanh các dự án.

2. Giải pháp về đất đai

a) Thực hiện xây dựng, rà soát quy hoạch sử dụng đất trong đó chú trọng đến diện tích đất phát triển nhà ở xã hội và đất xây dựng khu tái định cư tại thành phố Quảng Ngãi. Đối với khu vực đô thị hoặc khu vực được quy hoạch để phát triển đô thị chủ yếu phát triển nhà ở theo dự án trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt.

b) Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi đầu tư đường giao thông, chủ động điều tiết chênh lệch giá trị gia tăng từ đất do nhà nước đầu tư hạ tầng mà có; khắc phục được tình trạng xây dựng nhà ở tự phát bám theo quy hoạch giao thông, hạ tầng đô thị.

3. Giải pháp tài chính

a) Tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng - tài chính, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, vận động để được viện trợ hoặc vay với lãi suất thấp từ nước ngoài (ODA) để đầu tư xây dựng nhà ở.

g) Nghiên cứu, đề xuất các phương án, huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm về giao thông, hạ tầng, phát triển đô thị.

4. Giải pháp cho các nhóm đối tượng xã hội

a) Người nghèo và cận Nghèo khu vực nông thôn:

- Tập trung thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo giai đoạn 2011- 2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 của thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2).

- Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo bằng các hình thức như: hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, vật liệu, cộng đồng chung tay góp sức bằng nhân công giúp các hộ này xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

b) Người có công với cách mạng:

- Tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người có công; tạo mọi điều kiện để các hộ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện nhà ở.

c) Công nhân tại các khu công nghiệp:

- Tổ chức công tác điều tra, đánh giá và xác định nhu cầu về nhà ở của người lao động để có cơ sở bố trí quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng địa bàn khu công nghiệp sao cho hiệu quả, tiết kiệm và thuận lợi cho người lao động.

- Chú trọng công tác quy hoạch xây dựng nhà ở phục vụ nhu cầu phát triển các khu công nghiệp, huy động vốn từ các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng lao động kết hợp với đóng góp của người lao động để đầu tư xây dựng nhà ở.

d) Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp:

- Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó gắn với quy hoạch, phát triển khu nhà ở cho sinh viên.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các cá nhân, tổ chức, thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê.

e) Các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan:

Giải quyết theo hướng Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua theo quy định của pháp luật về nhà ở theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả dần và được vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.

g) Các hộ nghèo thuộc vùng bão, lũ:

- Tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo tại khu vực bão lũ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Khuyến khích và khai thác các nguồn vốn đầu tư dưới mọi hình thức từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà ở và công trình trong vùng ngập lũ.

h) Nhà ở tái định cư:

- UBND các huyện, thành phố căn cứ nhu cầu tái định cư của địa phương để lập quy hoạch, chương trình, kế hoạch xây dựng các khu tái định cư trong mỗi giai đoạn.

- Trên cơ sở quy hoạch các khu tái định cư được duyệt, chủ đầu tư phân kỳ đầu tư theo giai đoạn để bố trí chỗ ở cho các hộ bị giải tỏa trắng. Các dự án tái định cư phải có hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh theo quy hoạch đã được duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền trong quá trình thực hiện; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ vào giữa quý IV hằng năm;

- Chủ trì việc lập quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, thiết kế đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc nhà ở đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị và quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

- Chủ trì phối hợp các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm và 5 năm; lập kế hoạch thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở và thiết kế đô thị.

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội lập kế hoạch xây dựng nhà ở hàng năm cho các đối tượng xã hội.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng cân đối quỹ đất phát triển nhà ở đến 2020, tầm nhìn đến 2030 và chuẩn bị quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho sinh viên, công nhân... theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt.

- Phối hợp với các địa phương và các Ngành liên quan rà soát lại quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển nhà trên địa bàn để có điều chỉnh bố trí quỹ đất cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

- Phối hợp với các địa phương và các Ngành liên quan rà soát việc bàn giao 20% quỹ đất sạch từ các dự án nhà ở thương mại theo quy định của Chính phủ.

- Bố trí các khu đất dành để phát triển nhà ở xã hội ở gần với các khu dân cư đã hình thành hoặc các khu đất phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới để kết hợp khai thác sử dụng chung hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm chi phí đầu tư xây dựng từ ngân sách.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở chỉ đạo, điều hành và kiểm điểm kết quả thực hiện theo định kỳ trình UBND tỉnh quyết định.

- Nghiên cứu, bổ sung chính sách để đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhà ở, ban hành hướng dẫn cụ thể việc xây dựng nhà ở theo các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức hợp tác công tư (PPP).

- Lập kế hoạch bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho giáo viên, nhà ở nội trú học sinh hằng năm và từng thời kỳ.

4. Sở Tài chính

- Bố trí ngân sách hằng năm để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ theo kế hoạch trình UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, trước khi thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

- Phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ trình UBND tỉnh quyết định.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch vốn, cân đối, bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án về nhà ở và bất động sản.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Phối hợp cùng Ban chỉ đạo, Sở Xây dựng tiến hành triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ về xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở theo Chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi rà soát nhu cầu nhà ở của các hộ gia đình chính sách, hộ có công, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cần hỗ trợ nhà ở.

- Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, có công; người có thu nhập thấp... có khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Sở Nội vụ: Phối hợp với các sở, ban ngành trong việc thực hiện chính sách nhà ở công vụ, nhà ở cho giáo viên và nhà ở xã hội.

7. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập, thẩm định đề án quy hoạch bố trí tái định cư cho dân vùng thiên tai và xây dựng các chương trình, dự án nông thôn mới; xây dựng khu dân cư nông thôn.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức, chỉ đạo triển khai chương trình phát triển nhà ở và thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn. Tổng hợp kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ.

- Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, phối hợp với các Sở, Ban ngành thực hiện lập, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo các điều khoản được quy định trong luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật xây dựng và trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội.

- Rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn quản lý; xây dựng báo cáo định kỳ vào cuối Quý III hằng năm, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

10. Các cơ quan, các đơn vị liên quan

Các Sở, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh và xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển nhà ở trên phạm vi địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động - TB và XH, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMT TQVN và các Tổ chức hội đoàn thể Chính trị - xã hội tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PTTH Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP, các phòng Ng/cứu, CB;
- Lưu: VT, CNXD.tlsáng.353

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng