Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2014/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 28 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỊ TRÍ CỐNG ĐẦU KÊNH CỦA TỔ CHỨC HỢP TÁC DÙNG NƯỚC TRONG CÁC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI; PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

Căn cứ Thông tư số 40/2011/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 119/TTr-SNN ngày 09 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

VỊ TRÍ CỐNG ĐẦU KÊNH CỦA TỔ CHỨC HỢP TÁC DÙNG NƯỚC TRONG CÁC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI; PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước; phân cấp quản lý, khai thác các hệ thống công trình thủy lợi đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã đưa vào khai thác sử dụng và đưa vào khai thác sử dụng sau khi quy định này có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, thuộc phạm vi tỉnh quản lý theo quy định tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001 và Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống công trình thủy lợi: là tập hợp các công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau trong quản lý, vận hành và bảo vệ trong một lưu vực hoặc một khu vực nhất định, bao gồm: hồ chứa nước, đập dâng, cống, trạm bơm, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh.

2. Cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước: là công trình dẫn nước tưới hoặc tiêu nước cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi.

3. Phí dịch vụ thủy lợi nội đồng: là khoản kinh phí do các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sản xuất nông nghiệp hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi trong phạm vi từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến mặt ruộng phải nộp cho tổ chức hợp tác dùng nước để chi trả lương, tiền công dẫn nước, duy tu, sửa chữa công trình trên kênh, nạo vét, phát dọn kênh từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến mặt ruộng. Mức thu, thực hiện theo Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

4. Vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước: là vị trí phân chia ranh giới quản lý khai thác công trình giữa doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi (từ công trình đầu mối đến cống đầu kênh) và tổ chức hợp tác dùng nước (từ cống đầu kênh đến mặt ruộng) làm căn cứ xác định phạm vi miễn thu thủy lợi phí, phạm vi thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng.

5. Công trình đầu mối: là hạng mục công trình thủy lợi ở vị trí khởi đầu của hệ thống dẫn, thoát nước; làm chức năng cấp hoặc thoát nước, điều tiết, khống chế và phân phối nước.

6. Tổ chức hợp tác dùng nước: là hình thức hợp tác của những người cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi, làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh.

Điều 4. Nguyên tắc quy định vị trí cống đầu kênh

1. Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003; Điểm c Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Căn cứ diện tích tưới, tiêu thiết kế từng hệ thống công trình; điều kiện địa hình tại các khu vực có công trình; thực trạng công tác quản lý khai thác công trình tại các địa phương trong thời gian qua.

Điều 5. Nguyên tắc phân cấp quản lý, khai thác công trình

1. Đảm bảo tính hệ thống, kết hợp quản lý theo lưu vực; bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trong việc tưới, tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Công trình được phân cấp cho đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ, đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp theo quy định của Nhà nước. Phân cấp đảm bảo mỗi công trình, hệ thống công trình thủy lợi do một chủ thể trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ.

3. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, các tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân được phân cấp quản lý, khai thác công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại Thông tư số 40/2011/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

4. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, các tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, khai thác các công trình thủy lợi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 11, Điều 12 Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Quy định vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước

1. Vùng dân tộc và miền núi: cống lấy nước tưới, tiêu cho diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 30 ha.

Danh mục các xã vùng dân tộc và miền núi căn cứ Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015; theo đó, tỉnh Bình Thuận có 26 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi, gồm: Phong Phú (Tuy Phong), Bình An, Phan Điền, Sông Bình, Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến (Bắc Bình), Thuận Hòa, Thuận Minh, Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), Sông Phan, Tân Hà (Hàm Tân), Lạc Tánh, Đức Phú, Gia Huynh, Đức Bình, Đức Thuận, Măng Tố, La Ngâu (Tánh Linh), Đức Tín, Mê Pu, Trà Tân (Đức Linh).

2. Các vùng còn lại: cống lấy nước tưới, tiêu cho diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 50 ha. Đối với các hệ thống công trình thủy lợi chưa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, cống đầu kênh từ cấp 1 trở xuống, diện tích tưới, tiêu có thể lớn hơn 50 ha nhưng không vượt quá 200 ha.

3. Vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước được quy định cụ thể cho từng hệ thống công trình theo phụ lục đính kèm Quy định này.

Điều 7. Phân cấp quản lý khai thác công trình

1. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi:

Quản lý khai thác các hạng mục công trình đầu mối, hệ thống kênh và công trình trên kênh từ vị trí khởi đầu đến cống đầu kênh trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức hợp tác dùng nước:

Quản lý khai thác hệ thống kênh và công trình trên kênh từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Phân công nhiệm vụ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành, tổ chức bàn giao vị trí cống đầu kênh cho các tổ chức hợp tác dùng nước; căn cứ Quy định này và các quy định của pháp luật Nhà nước có liên quan, hướng dẫn các địa phương thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức hợp tác dùng nước để quản lý sử dụng công trình từ vị trí cống đầu kênh đến mặt ruộng;

b) Giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý khai thác công trình của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, các tổ chức hợp tác dùng nước tại các địa phương trong tỉnh;

c) Theo dõi nắm bắt những kiến nghị, trở ngại, vướng mắc của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn tỉnh khi thực hiện quy định vị trí cống đầu kênh; phân cấp quản lý, khai thác công trình theo Quy định này để báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

2. Sở Tài chính:

Hướng dẫn, giám sát doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi thực hiện quy định về chế độ tài chính kế toán đối với khoản kinh phí cấp bù thủy lợi phí.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, tổ chức bàn giao vị trí cống đầu kênh cho Ủy ban nhân dân xã và các tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn thuộc cấp huyện quản lý;

b) Thành lập, củng cố kiện toàn tổ chức hợp tác dùng nước để tiếp nhận quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi quy mô liên xã trên địa bàn; chỉ đạo các xã, thị trấn, thành lập, củng cố kiện toàn tổ chức hợp tác dùng nước để tiếp nhận quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi quy mô thôn, liên thôn trên địa bàn hoặc quy mô toàn xã; định mức các khoản chi phí để bảo đảm cho tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động có hiệu quả và bền vững;

c) Phối hợp với các sở, ngành liên quan, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước quy mô thôn, liên thôn, toàn xã, liên xã; hướng dẫn các tổ chức hợp tác dùng nước trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng để áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh;

d) Giám sát các tổ chức hợp tác dùng nước quy mô liên xã trên địa bàn trong việc cung cấp nước từ vị trí cống đầu kênh đến mặt ruộng cho các đối tượng sử dụng nước; thu, chi phí dịch vụ thủy lợi nội đồng.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, bàn giao vị trí cống đầu kênh cho các tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn thuộc cấp xã quản lý; tuyên truyền, phổ biến các quy định về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cho nhân dân địa phương biết và thực hiện;

b) Củng cố, thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước trong phạm vi thôn, liên thôn trên địa bàn xã hoặc toàn xã để tiếp nhận quản lý khai thác công trình thủy lợi tại địa phương theo quy mô quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Quyết định này;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn thuộc cấp xã quản lý thực hiện các công việc: quản lý, khai thác công trình; tu sửa công trình; thu, chi phí dịch vụ thủy lợi nội đồng;

d) Chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện các quy định về phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi.

5. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi:

a) Thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình theo quy định của Nhà nước; cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình trong phạm vi quản lý;

b) Hàng năm, xây dựng kế hoạch cấp nước; nâng cấp, tu sửa công trình; phát dọn, nạo vét kênh mương trong phạm quản lý trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt làm cơ sở sở thực hiện, đồng thời thực hiện thanh quyết toán nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí theo đúng quy định của Nhà nước. Vào đầu mỗi mùa vụ sản xuất, thông báo kế hoạch cấp nước, tiêu nước đến các tổ chức hợp tác dùng nước, các cơ quan quản lý Nhà nước biết để xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất hợp lý và thực hiện giám sát theo quy định;

c) Định kỳ và đột xuất báo cáo với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp có thẩm quyền khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình, tình hình quản lý, khai thác công trình trong phạm vi quản lý;

d) Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tuyên truyền, phổ biến các quy định về phân cấp quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cho nhân dân tại các địa phương có công trình thủy lợi do doanh nghiệp quản lý khai thác biết và thực hiện.

6. Tổ chức hợp tác dùng nước:

a) Thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình theo quy định của pháp luật Nhà nước; cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình trong phạm vi quản lý; căn cứ kế hoạch cấp nước của Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi báo cáo Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo tổ chức sản xuất, đồng thời thông báo cho các hộ dân biết để thực hiện;

b) Hàng năm, xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính; kế hoạch cấp nước; nạo vét, tu sửa kênh mương trình Ủy ban nhân dân xã phê duyệt làm cơ sở sở thực hiện;

c) Định kỳ và đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân xã và doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi biết khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình, tình hình quản lý, khai thác công trình trong phạm vi quản lý.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.