BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/TM-QLTT | Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 1996 |
Ngày 03-1-1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995. Bộ Thương mại hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Nghị định số 01/CP như sau:
I. VỀ PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Căn cứ vào tính chất, nội dung và đối tượng xử phạt vi phạm hành chính được Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định, Điều 1 Nghị định số 01/CP đã xác định cụ thể phạm vi và đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Những điểm cần chú ý khi áp dụng:
1. Hành vi bị xử phạt hành chính phải là hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại. Các quy định này đã được chế định trong các văn bản pháp luật có liên quan do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định đó thì mới bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 01/CP.
2. Các hành vi vi phạm nếu có dấu hiệu tội phạm thì không xử phạt hành chính theo Nghị định này, mà phải lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền điều tra hình sự để xem xét giải quyết. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hình chính cần căn cứ vào Thông tư số 11-TT/LB ngày 20-11-1990 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xử lý một số loại tội phạm, Thông tư số 01-TT/LB ngày 25-1-1996 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ về việc xử lý hình sự các vi phạm Chỉ thị 406-TTg đề xem xét hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm có một trong các dấu hiệu như: trị giá tiền, hàng vi phạm lớn, tính chất phức tạp, tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan xử phạt phải trao đổi ý kiến với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để quyết định việc xử lý vi phạm được đúng đắn.
Những vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại có quyết định đình chỉ điều tra hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự thì xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 01/CP.
3. Các vi phạn hành chính bị xử phạt theo Nghị định số 01/CP bao gồm 4 loại vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định. Các vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực thương mại hoặc liên quan đến hoạt động thương mại mà Nghị định số 01/CP không quy định như: vi phạm về sản xuất hoặc buôn bán hàng giả; vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường hàng hoá; vi phạm về vệ sinh phòng bệnh; vi phạm về biển hiệu, quảng cáo thương mại; vi phạm về sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ trong mua bán, vận chuyển hàng hoá; vi phạm thủ tục hải quan khi xuất, nhập khẩu hàng hoá; hành vi trốn thuế, lậu thuế... thì xử phạt hành chính theo các Nghị định hoặc quy định khác của Chính phủ.
4. Trường hợp các Luật có quy định khác thì việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng theo quy định của Luật, không xử phạt theo Nghị định này.
5. Đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 01/CP quy định là các tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm, không phân biệt là người kinh doanh hay không phải là người kinh doanh, không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài. Cụ thể bao gồm:
- Các tổ chức và cá nhân Việt Nam, kể các các doanh nghiệp được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Các văn phòng đại diện, chi nhánh văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (nếu vi phạm quy định về đặt và hoạt động văn phòng, chi nhánh văn phòng đại diện thì xử phạt theo quy định của Nghị định số 82/CP ngày 2-8-1994 của Chính phủ, nếu có các vi phạm khác trong lĩnh vực thương mại thì xử phạt theo Nghị định số 01/CP).
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài: Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, cán bộ và nhân viên của các cơ quan nói trên, người nước ngoài nhập cảnh cư trú, công tác hoặc tham quan du lịch tại Việt Nam. Trường hợp Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao có quy định khác thì không xử phạt hành chính theo Nghị định số 01/CP.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 2 Nghị định số 01/CP. Khi áp dụng các nguyên tắc này cần chú ý.
1. Chỉ những người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại mới được quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 01/CP. Các cơ quan Nhà nước khác nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại để tiến hành xử lý vi phạm.
2. Mọi hành vi vi phạm khi phát hiện được phải đình chỉ ngay vi phạm, lập biên bản theo đúng thủ tục và quyết định xử phạt kịp thời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản. Nếu vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp cần có thời gian thẩm tra, xác minh thời hạn xử lý không quá 30 ngày, nhưng phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp và thông báo cho đương sự biết.
3. Việc xử phạt theo quy định ở Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/CP như sau:
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ xử phạt một lần bằng một quyết định xử phạt.
- Một người cùng một lúc có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì người đó bị xử phạt hành chính về từng hành vi vi phạm theo hình thức, mức phạt đã được quy định đối với từng hành vi. Nếu các hành vi vi phạm này đều thuộc thẩm quyền xử lý của một người có thẩm quyềm xử phạt thì chỉ ra một quyết định xử phạt. Nếu một trong các hành vi vi phạm (cùng lĩnh vực thương mại) nói trên, xét thấy không thuộc thẩm quyền xử lý của cấp mình, thì người xử phạt phải chuyển toàn bộ các vi phạm này đến cơ quan có thẩm quyền cấp trên để xử lý.
Quyết định xử phạt đối với người có nhiều hành vi vi phạm hành chính phải ghi rõ từng hành vi vi phạm bị xử phạt, hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi. Nếu phạt tiền thì cộng các mức phạt tiền của từng hành vi vi phạm thành mức phạt tiền chung của quyết định xử phạt để người vi phạm thi hành. Mức phạt tiền chung này không phải là căn cứ để xác định thẩm quyền phạt tiền của từng cấp, mà căn cứ vào mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm để xác định thẩm quyền của người xử phạt.
- Nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện một vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt như sau:
+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện một vi phạm mà trong đó có sự liên quan chặt chẽ với nhau thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm đó. Người có thẩm quyềm xử phạt chỉ ra một quyết định xử phạt chung, nhưng ghi rõ tên, địa chỉ từng đối tượng bị xử phạt. Nếu phạt tiền thì mức phạt chung không được vượt quá khung phạt tiền đã được quy định trong từng điều khoản của Nghị định số 01/CP đối với hành vi vi phạm đó.
+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng có một hành vi vi phạm hành chính trong một vụ việc nhưng giữa họ không có sự liên quan với nhau trong việc thực hiện vi phạm thì mỗi tổ chức, cá nhân đều bị xử phạt bằng các quyết định xử phạt riêng. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của từng đối tượng vi phạm mà quyết định hình thức, mức xử phạt theo quy định tại từng điều khoản của Nghị định số 01/CP đối với hành vi vi phạm của người đó.
- Người xử phạt không được chia một vi phạm thành nhiều vi phạm nhỏ để xử phạt nhiều lần cho phù hợp với thẩm quyền xử phạt của cấp mình.
4. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định tại các Điều 7 và 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được áp dụng trong lĩnh vực thương mại như sau:
a. Về tình tiết giảm nhẹ:
- Đối tượng vi phạm đã tự nguyện ngăn chặn làm giảm bớt tác hại, tự giác khai báo, giao nộp hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm, tự giác khắc phục hậu quả vi phạm.
- Vi phạm trong trường hợp bị lôi kéo, mua chuộc để làm thuê, hoặc bị lợi dụng do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra.
- Vi phạm do trình độ lạc hậu.
b. Về tình tiết tăng nặng:
- Vi phạm có tổ chức: tập hợp nhiều người tham gia, móc nối với nhau, tổ chức đường dây... để cùng vi phạm.
- Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
- Xúi dục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị phụ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm.
- Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.
- Lợi dụng chức vụ quyền hạn để vi phạm.
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm.
- Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh hoặc che giấu vi phạm.
5. Trường hợp không xử phạt đối với người vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 của Nghị định số 01/CP thì phải được cơ quan y tế xác nhận người đó có mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
III. VỀ ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT
Nghị định số 01/CP đã quy định cụ thể các hình thức, mức xử phạt và các biện pháp khác đối với từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải áp dụng đúng hình thức xử phạt và biện pháp hành chính khác đã được quy định đối với từng hành vi vi phạm. Khi áp dụng các hình thức xử phạt hành chính cần chú ý.
1. Các hình thức xử phạt hành chính:
- Phạt cảnh cáo: Chỉ phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm có quy định hình thức phạt cảnh cáo và chỉ phạt cảnh cáo nếu vi phạm lần đó là lần đầu, vi phạm về thủ tục hành chính, có tình tiết giảm nhẹ, chưa gây hậu quả và chưa đến mức cần phải phạt tiền.
- Phạt tiền: Nghị định số 01/CP quy định các khung phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm. Khi áp dụng hình thức phạt tiền cần căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm (mặt hàng, ngành nghề, trị giá hàng hoá vi phạm, thân nhân, động cơ mục đích, thái độ của người vi phạm, hậu quả gây ra...) đề quyết định mức phạt tiền cụ thể trong khung phạt tiền đã được quy định đối với mỗi hành vi vi phạm.
Nếu hành vi vi phạm có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì việc giảm nhẹ hoặc tăng mức phạt tiền theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 01/CP.
Những hành vi vi phạm mà Nghị định số 01/CP có quy định khung xử phạt riêng đối với trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng (từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên) thì phải xử phạt theo khung phạt tiền có nhiều tình tiết tăng nặng.
2. Ngoài hình thức xử phạt chính tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm cụ thể hành vi vi phạm còn bị xử phạt một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp hành chính khác được quy định tại từng điều khoản của Nghị định số 01/CP.
- Chỉ phạt tịch thu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm mà Nghị định số 01/CP có quy định xử phạt tịch thu và chỉ được phép xử phạt tịch thu đối với những loại hàng hoá, tang vật, phương tiện mà pháp luật cho phép tịch thu. Không tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm thuộc sở hữu của người khác bị người vi phạm chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.
- Chỉ phạt tước quyền sử dụng Đăng ký kinh doanh, Giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động thương mại khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm trong trường hợp mà Nghị định số 01/CP có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng loại giấy phép đó. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà quyết định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng trong khung thời hạn đã được Nghị định số 01/CP quy định. Trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép tổ chức, cá nhân kinh doanh không được tiến hành hoạt động kinh doanh theo giấy phép đã bị tước.
Đối với các loại giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải thu hồi ngay, đồng thời báo cho cơ quan Nhà nước đã cấp giấy phép đó biết.
IV. VỀ XÁC ĐỊNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI
Nghị định số 01/CP từ Điều 4 đến Điều 23 quy định 20 nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, mỗi nhóm có nhiều hành vi vi phạm cụ thể. Khi xử phạt cần căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan để xác định đúng hành vi bị xử phạt. Cụ thể:
1. Các hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp (Điều 4): Căn cứ Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật Công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật phá sản doanh nghiệp... Các Nghị định số 221/HĐBT ngày 23-7-1991, số 222/HĐBT ngày 23-7-1991, số 361/HĐBT ngày 1/10/1992 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành.
2. Các vi phạm quy định về Giấy phép kinh doanh của cá nhân và nhóm kinh doanh (Điều 5): Căn cứ Nghị định số 66/HĐBT ngày 2-3-1992, Thông tư số 07/TMDL-QLTT ngày 18-5-1992 của Bộ Thương mại và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/HĐBT của các Bộ, ngành.
3. Các vi phạm quy định về hàng hoá dịch vụ cấm kinh doanh (Điều 6) và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện (Điều 7): Căn cứ Nghị định số 02/CP ngày 5-1-1995, Nghị định số 17/CP ngày 23/12/1992, Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995, Thông tư số 13/TM-CSTTTN ngày 21-6-1995 của Bộ Thương mại và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
4. Các vi phạm quy định về hàng hoá dịch vụ (Điều 8) Căn cứ Quyết định số 137/HĐBT ngày 27/4/1992 về quản lý giá và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành.
5. Các vi phạm về trụ sở doanh nghiệp, trụ sở văn phòng đại diện, cửa hàng, cửa hiệu thương mại (Điều 9): Căn cứ quy định tại các văn bản pháp luật nói ở điểm 1 và 2 trên đây.
6. Các vi phạm quy định về đại lý mua, bán hàng hoá (Điều 11 và 12): Căn cứ Quyết định số 30/NT-QĐ1 ngày 31-5-1989 của Bộ Nội thương (nay là Bộ Thương mại) và các văn bản quy định về đại lý mua bán một số hàng hoá cụ thể như xăng dầu, xi măng ... do các Bộ, ngành ban hành.
7. Các vi phạm quy định về đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (Điều 13): Căn cứ Nghị định số 82/CP ngày 2-4-1994, Thông tư số 03/TM-PC ngày 10-2-1995 của Bộ Thương mại.
8. Các vi phạm quy định về xuất nhập khẩu hàng hoá (Điều 14): Căn cứ Nghị định số 33/CP ngày 19-4-1994, Nghị định số 89/CP ngày 15-12-1995, Quyết định số 864/TTg ngày 30-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất khẩu năm 1996, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
9. Các vi phạm quy định về uỷ thác xuất nhập khẩu hàng hoá (Điều 15): Căn cứ Quyết định số 1172/TM-NXK ngày 22-9-1994 của Bộ Thương mại.
10. Các vi phạm quy định về chuyển khẩu và tạm nhập tái xuất hàng hoá (Điều 16 và 17): Căn cứ Quyết định số 1064/TM-CP ngày 18-8-1994 của Bộ Thương mại.
11. Các vi phạm quy định về tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 18): Căn cứ của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 18/CP ngày 16-4-1993, Nghị định số 29/CP ngày 27-5-1993, Thông tư số 1621/UB-LXT ngày 5-8-1993 của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư), Thông tư số 03/TM-ĐT ngày 2-7-1993 của Bộ Thương mại, các văn bản hướng dẫn khác và các giấy phép đầu tư cấp cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 12. Các vi phạm quy định về kinh doanh hàng hoá miễn thuế (Điều 19): Căn cứ Thông tư Liên Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan số 12/TT-LB ngày 13-11-1990, quy định về tổ chức, hoạt động của cửa hàng miễn thuế, Thông tư số 107/CT-TCT ngày 30-12-1993 của Bộ Tài chính.
13. Các vi phạm quy định về hội trợ triển lãm thương mại (Điều 20): căn cứ Quyết định số 390/TTg ngày 1-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hội trợ triễm lãm, Thông tư số 05/TM-XNK ngày 25-2-1995 của Bộ Thương mại.
14. Các vi phạm quy định khác đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 22) quy định về việc nhập khẩu và tái xuất khẩu ô tô và các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam, Thông tư của Tổng Cục Hải quan hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên.
V. VỀ THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI
1. Nghị định số 01/CP quy định các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại tại các Điều 24, 25 và 26 bao gồm:
- Uỷ ban nhân dân các cấp.
- Cơ quan quản lý thị trường các cấp.
- Các cơ quan cảnh sát nhân dân, Hải quan, Bộ đội biên phòng và Thanh tra Nhà nước chuyên ngành được quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại theo quy định tại các Điều 29, 30 và 34 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Khi xử phạt vi phạm hành chính những người có thẩm quyền của các cơ quan nói trên chỉ được quyền xử phạt trong phạm vi thẩm quyền đã được quy định. Hành vi vi phạm phải áp dụng hình thức và mức xử phạt vượt quá thẩm quyền của mình thì người xử phạt phải chuyển lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền xử lý, không được giữ lại để xử phạt.
2. Đối với cơ quan Quản lý thị trường, Điều 25 của Nghị định số 01/CP quy định cụ thể những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại gồm: Kiểm soát viên thị trường các cấp, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và Cục trưởng Cục quản lý thị trường.
Kiểm soát viên thị trường các cấp được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 01/CP bao gồm: Kiểm soát viên cao cấp thị trường, Kiểm soát viên chính thị trường, Kiểm soát viên thị trường và Kiểm soát viên trung cấp thị trường được Bộ Thương mại cấp thẻ kiểm tra thị trường để làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trường hợp Đội trưởng, Chi cục trưởng, Cục trưởng vắng mặt hoặc được sự uỷ quyền của cấp trưởng thì cấp phó của những người nói trên được quyền xử phạt như thẩm quyền của cấp trưởng.
3. Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự xử phạt quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54 và 56 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
4. Cơ quan Quản lý thị trường các cấp phải sử dụng đúng các loại ấn chỉ do Bộ Thương mại ban hành theo Quyết định số 05/TM-QLTT ngày 5-1-1996 trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt vi phạm hành chính.
5. Người xử phạt không được trực tiếp thu tiền phạt và phải hướng dẫn người bị xử phạt nộp tiền phạt tại nơi quy định ghi quyết định xử phạt.
Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt người ra quyết định xử phạt được quyền tạm giữ giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cho đến khi người vi phạm thi hành xong quyết định xử phạt.
6. Việc tiêu huỷ hàng hoá gây hại cho sức khoẻ con người và văn hoá phẩm độc hại phải theo đúng quy định ở khoản 2 Điều 52 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và không được làm ô nhiễm môi trường.
7. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính phải theo đúng quy định tại Điều 29 của Nghị định số 01/CP và các Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43 và 44 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
8. Việc tố cáo, khiếu nại và giải quyết tố cáo, khiếu nại xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo Điều 30 của Nghị định số 01/CP và các Điều 87, 88 và 90 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
1. Căn cứ Nghị định số 01/CP và hướng dẫn tại Thông tư này các Bộ, ngành có chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại cần tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, nhân viên trong ngành nắm vững và thực hiện đúng các quy định trong khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; thường xuyên phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có chức năng khác trong việc tổ chức thực hiện Nghị định số 01/CP.
2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại có trách nhiệm giúp Bộ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các sở thương mại, Chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt vi phạm hành chính theo đúng Nghị định số 01/CP và pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính; tổng hợp tình hình để báo cáo Bộ theo quy định.
3. Giám đốc Sở Thương mại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị định số 01/CP trong lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương; theo dõi, tổng hợp tình hình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường và các ngành có chức năng khác ở địa phương theo Nghị định số 01/CP để báo cáo Uỷ ban nhân dân và Bộ Thương mại; kịp thời đề xuất với Bộ những vướng mắc trong khi tổ chức thực hiện.
Trương Đình Tuyển (Đã Ký) |
- 1 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- 2 Nghị định 175/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 3 Công văn số 2123/TM-QLTT ngày 19/05/2003 của Bộ Thương mại về việc báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 4 Nghị định 01/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 5 Nghị định 87-CP năm 1995 về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng
- 6 Nghị định 02/CP năm 1995 quy định hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước
- 7 Nghị định 82-CP năm 1994 ban hành Quy chế Đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam
- 8 Nghị định 17-CP năm 1992 về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt
- 9 Nghị định 361-HĐBT năm 1992 sửa đổi quy định cụ thể hóa Luật doanh nghiệp tư nhân ban hành kèm theo Nghị định 221-HĐBT và 222-HĐBT năm 1991 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 10 Quyết định 137-HĐBT năm 1992 về quản lý giá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 11 Nghị định 66-HĐBT năm 1992 về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định 221-HĐBT năm 1991 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 12 Nghị định 221-HĐBT năm 1991 Quy định về cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 13 Nghị định 222-HĐBT năm 1991 Quy định về cụ thể hoá một số điều trong Luật công ty do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1 Công văn số 2123/TM-QLTT ngày 19/05/2003 của Bộ Thương mại về việc báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 2 Nghị định 01/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 3 Nghị định 175/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 4 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng