Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1396/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THANH HÓA

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 4022/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 454/STNMT-TNKS ngày 12/3/2012; của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 152/TTr-SNV ngày 21/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thanh Hóa; Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hình thức tổ chức và tư cách pháp nhân.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa là tổ chức tài chính Nhà nước, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Sở Tài chính Thanh Hóa. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập theo Quyết định số 4022/QĐ-UBND ngày 07/12/2011, hoạt động theo quy định tại Điều lệ này và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tên gọi, trụ sở và phạm vi hoạt động.

1. Tên gọi:

Tên tiếng Việt: Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa;

Tên giao dịch quốc tế: Thanh Hoa Environment Protection Fund;

Viết tắt là: THANHHOA EPF.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có trụ sở chính đặt tại trụ sở cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, số 14 Đường Hạc Thành, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

3. Điện thoại: 0376 256188;                    Fax: 0376 256188.

Email: quybvmt.thanhhoa@gmail.com.vn

Điều 3. Mục tiêu hoạt động.

Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án, các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh hoặc giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ nhưng phạm vi ảnh hưởng lớn.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức hoạt động.

1. Tổ chức của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, bao gồm: Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát và Cơ quan điều hành nghiệp vụ.

a) Hội đồng quản lý Quỹ gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các ủy viên là đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và một lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng thương mại Thanh Hóa do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định;

b) Ban Kiểm soát là cơ quan trực thuộc Hội đồng quản lý Quỹ, kiểm soát hoạt động của Quỹ; các thành viên Ban Kiểm soát do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm và miễn nhiệm.

c) Cơ quan điều hành nghiệp vụ gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và các phòng nghiệp vụ. Đứng đầu Cơ quan điều hành nghiệp vụ là Giám đốc do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ;

Giám đốc Quỹ là người đại diện theo pháp luật, chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện mọi hoạt động của Cơ quan điều hành nghiệp vụ.

2. Quỹ bảo vệ môi trường Thanh Hóa là đơn vị hạch toán độc lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Việc sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ phải đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 5. Hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quỹ hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều lệ và các quy định của Đảng.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội trong Quỹ hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ của tổ chức đó.

Chương 2.

NGUỒN VỐN HOẠT ĐỘNG

Điều 6. Vốn điều lệ.

1. Vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa là 20.000 000 000 đồng (Hai mươi tỷ đồng) do ngân sách tỉnh cấp đủ trong vòng 02 năm.

2. Việc thay đổi vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính.

3. Hàng năm, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường để bù đắp kinh phí tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm vốn hoạt động của Quỹ từ nguồn ngân sách duy trì thường xuyên ít nhất bằng 20 (Hai mươi) tỷ đồng.

Điều 7. Vốn hoạt động bổ sung hàng năm từ các nguồn khác.

1. Ngoài vốn điều lệ và nguồn do ngân sách cấp bổ sung hàng năm từ kinh phí chi sự nghiệp môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được tiếp nhận các nguồn vốn hoạt động bổ sung hàng năm, gồm:

a) Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản và các loại phí môi trường khác theo quy định của pháp luật;

b) Các khoản tiền đền bù thiệt hại về môi trường của các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

đ) Các nguồn vốn bổ sung khác theo quy định của pháp luật;

2. Việc tiếp nhận các nguồn vốn bổ sung hàng năm của Quỹ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính.

Chương 3.

HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THANH HÓA

Điều 8. Đối tượng được hỗ trợ tài chính và các hình thức hỗ trợ tài chính.

1. Đối tượng được hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa là tổ chức, cá nhân có các dự án đầu tư hoặc phương án đề nghị tài trợ thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; dự án đầu tư thực hiện việc phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh hoặc giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ nhưng có phạm vi ảnh hưởng lớn (sau đây gọi chung là các dự án đầu tư).

Hội đồng quản lý Quỹ đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư được hỗ trợ tài chính trong từng thời kỳ.

Đối tượng được hỗ trợ tài chính phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với từng phương thức hỗ trợ tài chính quy định tại Điều lệ này.

2. Các hình thức hỗ trợ tài chính:

a) Cho vay với lãi suất ưu đãi;

b) Hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vay vốn cho các dự án môi trường vay vốn từ các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

c) Tài trợ kinh phí cho việc xây dựng, triển khai các dự án huy động nguồn vốn của Quỹ nhằm thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố, thảm họa môi trường gây ra; cho các giải thưởng môi trường, các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, cho các chương trình dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được quy định tại Điều lệ này.

d) Hợp tác với các tổ chức tài chính, các Quỹ Bảo vệ môi trường khác để đồng tài trợ, cho vay vốn các dự án môi trường phù hợp với tiêu chí và chức năng của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa.

e) Chi hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về cơ chế phát triển sạch (sau đây gọi là CDM); thực hiện trợ giá cho các sản phẩm của dự án CDM theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Cho vay với lãi suất ưu đãi.

1. Đối tượng vay vốn lãi suất ưu đãi là các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, có nhu cầu và đề nghị vay vốn để thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục quy định tại Điều 8 của Điều lệ này.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cho vay theo nguyên tắc có hoàn trả và có lãi. Các đối tượng vay vốn phải bảo đảm các yêu cầu:

a) Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng tín dụng;

b) Có khả năng tài chính để hoàn trả đầy đủ và đúng hạn vốn vay.

3. Điều kiện, thủ tục, hồ sơ vay vốn, việc giám sát quá trình vay vốn, trả nợ thực hiện theo quy định của Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

4. Mức vốn cho vay và thẩm quyền quyết định mức cho vay:

a) Mức vốn vay của một dự án không được vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án và không quá 01 tỷ đồng.

b) Căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài chính, Giám đốc Quỹ quyết định cho vay trong phạm vi khả năng nguồn vốn cho phép và phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn, kế hoạch thu - chi tài chính hàng năm đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.

c) Giám đốc Quỹ quyết định mức vốn vay đối với từng đối tượng vay theo thẩm quyền được phân cấp. Với mức vốn vay trên 500 triệu đồng thì thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

5. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng nguồn vốn của Quỹ, điều kiện cụ thể của chương trình, dự án vay vốn và khả năng trả nợ của người vay, nhưng tối đa không quá 03 (ba) năm kể cả thời gian ân hạn. Trường hợp đặc biệt do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

6. Lãi suất cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do Giám đốc Quỹ quyết định đối với từng dự án vay vốn cụ thể thuộc đối tượng quy định tại Điều 8 Điều lệ này nhưng không vượt quá mức trần lãi suất áp dụng đối với các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do UBND tỉnh quy định.

7. Bảo đảm tiền vay:

a) Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cho vay trên cơ sở có tài sản bảo đảm. Trình tự, thủ tục bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định pháp luật có liên quan.

b) Trong trường hợp việc cho vay không có tài sản bảo đảm đối với từng dự án đầu tư do Giám đốc Quỹ xem xét, quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến của các thành viên Ban Điều hành Quỹ và xin ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

c) Trong thời gian chưa trả hết nợ, bên bảo đảm không được chuyển nhượng, bán, cho, tặng tài sản bảo đảm nợ vay; nhưng được phép dùng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ nợ khác tại Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, hoặc các tổ chức khác khi được Quỹ Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa chấp thuận.

8. Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay.

a) Hàng năm Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được trích lập Quỹ dự phòng rủi ro để xử lý bù đắp tổn thất rủi ro trong hoạt động cho vay.

b) Mức trích lập Quỹ dự phòng rủi ro của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

9. Xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro.

Đối với các trường hợp Chủ đầu tư có dự án đầu tư được vay vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa gặp phải rủi ro do nguyên nhân chủ quan làm tổn thất tài sản dẫn tới việc không trả nợ đúng hạn cho Quỹ thì tùy từng trường hợp cụ thể, sau khi đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ, Giám đốc Quỹ xem xét quyết định việc gia hạn nợ hoặc khởi kiện Chủ đầu tư ra tòa án.

Đối với các trường hợp khi Chủ đầu tư có dự án đầu tư được vay vốn của Quỹ gặp rủi ro từ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì được xử lý như sau:

a) Dự án gặp rủi ro từ nguyên nhân như: thiên tai, hỏa hoạn; làm tổn thất toàn bộ hay một phần tài sản, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận mức độ thiệt hại và chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ hoặc giảm khả năng trả nợ, thì chủ đầu tư sử dụng toàn bộ số tiền bảo hiểm được bồi thường từ cơ quan bảo hiểm (nếu có) để trả nợ cho Quỹ. Số nợ còn lại được xem xét gia hạn nợ, giảm hoặc miễn lãi tiền vay, xóa nợ một phần hoặc toàn bộ tùy theo mức độ thiệt hại của dự án và khả năng trả nợ thực tế của chủ đầu tư.

Giám đốc Quỹ kiểm tra, xác nhận khả năng trả nợ của Chủ đầu tư, trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, báo cáo UBND tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc xóa nợ một phần hay toàn bộ nợ vay của dự án cho Chủ đầu tư.

Đối với dự án đã được quyết định xóa nợ một phần, số nợ vay còn lại có thể được Hội đồng quản lý Quỹ xem xét theo thẩm quyền để miễn, giảm lãi tiền vay hoặc gia hạn nợ, khoanh nợ tùy thuộc vào khả năng trả nợ thực tế của chủ đầu tư;

b) Dự án gặp rủi ro do chính sách Nhà nước thay đổi thì được xem xét gia hạn nợ. Thời gian gia hạn nợ của một dự án không được vượt quá 1/3 thời hạn vay vốn ghi trong hợp đồng tín dụng. Giám đốc Quỹ quyết định việc gia hạn nợ trong khung thời gian quy định. Trường hợp đặc biệt, nếu Chủ đầu tư đề nghị gia hạn nợ vượt khung thời gian quy định, Giám đốc Quỹ có trách nhiệm kiểm tra xác nhận nhu cầu gia hạn nợ trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

Nếu sau khi đã gia hạn nợ mà dự án vẫn tiếp tục gặp khó khăn thì được xem xét giảm hoặc miễn lãi tiền vay. Hội đồng quản lý Quỹ quyết định việc giảm hoặc miễn lãi tiền vay trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.

Trường hợp đã áp dụng mọi biện pháp gia hạn nợ, miễn giảm lãi tiền vay mà Chủ đầu tư vẫn không có khả năng trả nợ, Hội đồng quản lý xem xét quyết định việc khoanh nợ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.

c) Quỹ dự phòng rủi ro được sử dụng để bù đắp thiệt hại rủi ro trong các trường hợp xóa nợ quy định tại Điều này. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp, Hội đồng quản lý Quỹ báo cáo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xin gia hạn nợ, miễn giảm lãi tiền vay, khoanh nợ, xóa nợ một phần hoặc toàn bộ nợ vay thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

Điều 10. Hỗ trợ lãi suất vay vốn.

1. Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quy định tại điểm 1, Điều 8 Điều lệ này, có nhu cầu vay vốn của tổ chức tín dụng khác thì được xem xét hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

2. Việc cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất vay vốn được tiến hành mỗi năm một lần trên cơ sở số nợ gốc và lãi vay đầu tư dự án mà Chủ đầu tư đã trả cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các khoản nợ quá hạn).

3. Điều kiện để các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét hỗ trợ lãi suất vay vốn:

a) Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và hoàn trả được vốn vay cho các tổ chức tín dụng;

b) Dự án được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường Trung ương hoặc tỉnh Thanh Hóa xác nhận đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường hoặc giải quyết được các vấn đề môi trường;

c) Dự án chưa được vay vốn hoặc tài trợ bằng nguồn vốn hoạt động từ Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

4. Mức hỗ trợ lãi suất vay vốn và thẩm quyền quyết định:

a) Mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tối đa không quá 50% lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng Chủ đầu tư đã ký với tổ chức tín dụng, đồng thời không vượt quá 50% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước thông báo tại thời điểm ký kết hợp đồng hỗ trợ lãi suất;

b) Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch bổ sung vốn Ngân sách nhà nước chi cho Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, Giám đốc Quỹ lập kế hoạch trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định hỗ trợ từng đối tượng.

Điều 11. Bảo lãnh vay vốn.

1. Trong một số trường hợp đặc biệt theo yêu cầu nhiệm vụ được Hội đồng quản lý thông qua, các đối tượng vay vốn của các tổ chức tín dụng khác ngoài Quỹ để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường được xem xét bảo lãnh vay vốn.

2. Điều kiện để Chủ đầu tư có dự án đầu tư được bảo lãnh vay vốn:

a) Dự án đã được tổ chức tín dụng khác thẩm định cho vay và có văn bản yêu cầu bảo lãnh gửi Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa;

b) Phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay được Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa chấp thuận;

c) Có tài sản bảo đảm bằng hình thức cầm cố, thế chấp được Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa chấp thuận.

3. Trình tự, thủ tục, hồ sơ xin bảo lãnh vay vốn, ký kết hợp đồng bảo lãnh và giám sát quá trình bảo lãnh vay vốn được thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

4. Mức bảo lãnh và thẩm quyền quyết định mức bảo lãnh:

a) Mức bảo lãnh vay vốn đối với một dự án không vượt quá mức vốn vay;

b) Giám đốc Quỹ quyết định mức bảo lãnh vay vốn đối với từng dự án trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp. Đối với mức bảo lãnh vay vốn trên 500 triệu đồng, Giám đốc Quỹ báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

5. Thời hạn bảo lãnh vay vốn được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thỏa thuận giữa Chủ đầu tư với tổ chức tín dụng cho vay thực hiện dự án, nhưng không quá khung thời gian cho vay quy định của Quỹ.

6. Chủ đầu tư được bảo lãnh vay vốn phải trả cho Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa một khoản phí bảo lãnh tính bằng phần trăm (%) trên tổng số tiền đang bảo lãnh. Mức phí bảo lãnh cụ thể thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

7. Trích lập dự phòng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn:

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được lập quỹ dự phòng cho vay bắt buộc tính bằng phần trăm (%) trên tổng số vốn vay được bảo lãnh để dự phòng trả cho các tổ chức tín dụng khi Chủ đầu tư được bảo lãnh không trả nợ đúng hạn, nếu cuối năm không sử dụng hết, thì số vốn này được chuyển thành nguồn vốn cho vay năm sau. Trường hợp số vốn dự phòng không đủ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì Hội đồng quản lý Quỹ đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Mức trích lập dự phòng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Sở Tài chính.

8. Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro:

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa trích lập Quỹ dự phòng rủi ro đối với hoạt động bảo lãnh vốn vay để bù đắp các tổn thất do không thu hồi được vốn đã trả cho các tổ chức tín dụng khi Chủ đầu tư được bảo lãnh vay vốn không trả nợ đúng hạn. Tỷ lệ trích lập Quỹ thực hiện trên 02 cơ sở:

- Quỹ dự phòng chung: Trích lập theo tỷ lệ (%) trên tổng số dư cho vay và bảo lãnh.

- Quỹ dự phòng cụ thể: Trích lập theo tỷ lệ % đối với chất lượng từng khoản nợ vay. Chất lượng nợ vay được xác định trên khả năng trả nợ đúng hạn của Chủ đầu tư, được phân nhóm và quy định tỷ lệ trích theo thời gian nợ quá hạn.

9. Xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro:

Khi Chủ đầu tư có dự án đầu tư được Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa bảo lãnh vay vốn của tổ chức tín dụng khác gặp phải rủi ro không trả nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng cấp vốn mà không được tổ chức tín dụng cho hoãn, gia hạn nợ và Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa phải trả nợ thay Chủ đầu tư theo cam kết ghi trong thư bảo lãnh, thì được xử lý như sau:

a) Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh, yêu cầu Chủ đầu tư nhận nợ vay bắt buộc đối với số tiền Quỹ Bảo vệ môi trường đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn; đồng thời tiến hành ngay các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn hoặc khởi kiện nếu Chủ đầu tư cố tình không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định việc tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm hoặc khởi kiện Chủ đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Quỹ dự phòng rủi ro đối với hoạt động bảo lãnh vay vốn được sử dụng để bù đắp các thiệt hại trong trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp sau khi xử lý vẫn không thu hồi đủ số tiền đã trả nợ thay. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp, Hội đồng quản lý Quỹ báo cáo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 12. Tài trợ và đồng tài trợ.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tài trợ cho tổ chức, cá nhân có các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường;

b) Xây dựng, triển khai các dự án huy động nguồn vốn của Quỹ nhằm thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố, thảm họa môi trường gây ra;

c) Các chương trình, kế hoạch, dự án về bảo vệ môi trường theo Quyết định của UBND tỉnh;

d) Tổ chức các giải thưởng môi trường, các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường theo Quyết định của UBND tỉnh;

e) Các dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Điều 8 Điều lệ này.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đồng tài trợ cho các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện để các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường được tài trợ và đồng tài trợ:

a) Chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường xác nhận thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đối với dự án đầu tư bảo vệ môi trường, Chủ đầu tư phải có vốn đối ứng ít nhất là 50% tổng kinh phí đầu tư để thực hiện dự án đó;

c) Hồ sơ xin tài trợ hoặc đồng tài trợ được Quỹ chấp thuận và tiến hành ký hợp đồng tài trợ hoặc đồng tài trợ.

4. Trình tự, thủ tục, hồ sơ xin tài trợ và đồng tài trợ, giám sát quá trình tài trợ và đồng tài trợ thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

5. Mức tài trợ và thẩm quyền quyết định mức tài trợ:

a) Mức vốn tài trợ tối đa bằng 50% tổng chi phí để thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường xin tài trợ và phải phù hợp với khả năng nguồn vốn của Quỹ cho phép;

b) Giám đốc Quỹ đề nghị mức tài trợ đối với từng dự án, trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

6. Quỹ được sử dụng vốn hoạt động bổ sung để tài trợ và đồng tài trợ. Việc sử dụng nguồn vốn bổ sung để tài trợ và đồng tài trợ thực hiện theo các quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài chính.

Điều 13. Nhận ủy thác và ủy thác hỗ trợ đầu tư hoặc tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường.

1. Nhận ủy thác:

a) Quỹ được nhận ủy thác cho vay, thu hồi nợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng nhận ủy thác;

b) Quỹ được hưởng mức phí dịch vụ nhận ủy thác. Mức phí dịch vụ nhận ủy thác do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng nhận ủy thác.

2. Ủy thác:

a) Quỹ được quyền ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính thực hiện cho vay và thu hồi nợ theo hợp đồng ủy thác;

b) Các tổ chức nhận ủy thác được hưởng mức phí dịch vụ nhận ủy thác. Mức phí dịch vụ nhận ủy thác do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng ủy thác.

Điều 14. Nhận ký quỹ phục hồi môi trường.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa nhận ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản với các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Trình tự, thủ tục nhận ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Điều 15. Mua trái phiếu Chính phủ.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được phép sử dụng vốn nhàn rỗi không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đồng ý của tổ chức, cá nhân cung cấp vốn đó.

2. Tổng mức vốn để mua trái phiếu Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều này không vượt quá 50% tổng số vốn nhàn rỗi.

3. Trường hợp Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa không mua trái phiếu Chính phủ thì nguồn tiền nhàn rỗi có thể được gửi tại một trong những ngân hàng thương mại có uy tín trên địa bàn.

Điều 16. Tham gia các chương trình, dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa huy động các nguồn lực cần thiết để tham gia điều phối, quản lý tài chính các chương trình, dự án bảo vệ môi trường trọng điểm theo phân công của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, chỉ đạo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh.

3. Hội đồng quản lý Quỹ chỉ đạo Giám đốc Quỹ tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và nhiệm vụ khác theo phân công của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 17. Giám sát, kiểm tra vốn cho vay, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vốn vay, tài trợ và đồng tài trợ.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn của Quỹ trong quá trình triển khai các hoạt động, nhiệm vụ và dự án bảo vệ môi trường để đảm bảo việc sử dụng vốn của Quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng đã được cam kết trong các hợp đồng, văn bản tài liệu đã ký kết giữa các tổ chức, cá nhân này và Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

2. Trường hợp phát hiện các Chủ đầu tư vi phạm cam kết với Quỹ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có quyền rút vốn vay, đình chỉ hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vốn vay, tài trợ và đồng tài trợ đối với các Chủ đầu tư và tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật.

3. Việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các Chủ đầu tư sử dụng vốn của Quỹ Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa được thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 18. Mời chuyên gia.

Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được mời các chuyên gia của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Sở, ban, ngành cấp tỉnh và tổ chức có liên quan tham gia Hội đồng thẩm định các hoạt động, nhiệm vụ và dự án bảo vệ môi trường xin tài trợ hoặc xin hỗ trợ đầu tư và phục vụ cho các hoạt động khác của Quỹ.

Điều 19. Tài trợ và đồng tài trợ.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tài trợ cho hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường cần thiết, đột xuất, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa, được quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kêu gọi, thu hút và tiếp nhận tài trợ hoặc đồng tài trợ vốn bổ sung cho Quỹ.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được hợp tác với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), các Quỹ môi trường nước ngoài, các Quỹ môi trường ngành, địa phương để thực hiện việc tài trợ và đồng tài trợ, cho vay vốn đối với các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

3. Giám đốc Quỹ quyết định việc hợp tác, tiếp nhận tài trợ hoặc huy động vốn bổ sung từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng quản lý Quỹ.

Chương 4.

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Mục 1: HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ

Điều 20. Hội đồng quản lý Quỹ.

1. Hội đồng quản lý Quỹ là tổ chức cao nhất của Quỹ, quyết định chủ trương, phương hướng và các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ có 05 (năm) thành viên như quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Quy chế này và do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nhiệm kỳ là 05 năm. Hết nhiệm kỳ, Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ có thể được bổ nhiệm lại.

3. Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:

a) Bị Tòa án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

b) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhiệm công việc được giao, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc người khác;

d) Vi phạm quy định của pháp luật và Điều lệ này.

4. Ủy viên Hội đồng quản lý được thay thế trong những trường hợp sau:

a) Xin từ chức;

b) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác;

c) Không đảm bảo sức khỏe đảm nhận công việc;

d) Bị miễn nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ.

1. Quản lý Quỹ theo quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Quyết định kế hoạch phát triển, định hướng các hoạt động của Quỹ.

3. Phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa theo đề nghị của Giám đốc Quỹ.

4. Trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Quỹ.

5. Ban hành các văn bản quy định về Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và Cơ quan điều hành nghiệp vụ.

6. Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành danh mục ưu tiên, tiêu chí lựa chọn các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường được sử dụng nguồn vốn của Quỹ trong từng thời kỳ.

7. Giám sát, kiểm tra Cơ quan điều hành nghiệp vụ trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tín dụng đầu tư, Điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa và các Quyết định, Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ.

8. Phê duyệt kế hoạch hoạt động của Ban Kiểm soát, xem xét các báo cáo kết quả kiểm soát và báo cáo thẩm định quyết toán tài chính của Ban Kiểm soát.

9. Xem xét, quyết định các báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính và quyết toán hàng năm của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

10. Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

11. Hội đồng quản lý Quỹ sử dụng bộ máy và con dấu của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ.

12. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

1. Chịu trách nhiệm về công việc của Hội đồng quản lý Quỹ, tổ chức phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Ký, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ, trình Chủ tịch UBND tỉnh và gửi các cơ quan có liên quan theo quy định tại Điều lệ này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Ký, ban hành các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ.

4. Triệu tập, chủ trì và phân công Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ.

5. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành để thẩm định và xét chọn các hoạt động, chương trình, nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường đề nghị hỗ trợ tài chính.

6. Ủy quyền cho Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy viên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ về các công việc được ủy quyền.

7. Phân cấp quản lý cho Giám đốc Quỹ về các hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

8. Chịu trách nhiệm về các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ trước Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 23. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ.

1. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số; 03 (ba) tháng họp một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quản lý Quỹ.

Khi cần thiết, Hội đồng quản lý Quỹ có thể họp bất thường theo đề nghị của bất kỳ Ủy viên nào của Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ. Trường hợp vắng mặt, Chủ tịch Hội đồng quản lý ủy quyền cho một Ủy viên trong Hội đồng quản lý Quỹ triệu tập và chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Ủy viên được ủy quyền có trách nhiệm gửi thông báo mời họp bằng văn bản chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày họp đến từng Ủy viên Hội đồng quản lý và Giám đốc Quỹ. Thông báo mời họp phải xác định cụ thể thời gian và địa điểm họp, chương trình họp, các vấn đề thảo luận và dự thảo quyết định. Kèm theo thông báo mời họp phải có những tài liệu sử dụng tại cuộc họp và phiếu biểu quyết của Ủy viên.

3. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ được coi là hợp lệ khi ít nhất có 3/4 thành viên có mặt. Thành viên không trực tiếp dự họp có quyền biểu quyết thông qua bỏ phiếu bằng văn bản. Phiếu biểu quyết phải đựng trong phong bì kín và phải được chuyển đến tay Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ chậm nhất là 01 (một) giờ trước giờ khai mạc cuộc họp.

Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ được ghi thành biên bản. Biên bản họp là căn cứ để Hội đồng quản lý Quỹ ban hành các nghị quyết và các văn bản theo quy định.

Nghị quyết của Hội đồng quản lý phải được trên 50% tổng số Ủy viên tham dự biểu quyết tán thành. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

4. Đối với những công việc có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ không có Ủy viên tham gia Hội đồng quản lý Quỹ thì mời đại diện có thẩm quyền của các tổ chức, cơ quan đó tham dự phiên họp. Đại diện của các cơ quan này có quyền phát biểu nhưng không có quyền tham gia biểu quyết.

5. Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ có tính chất bắt buộc thi hành đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa; Giám đốc Quỹ có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

6. Các Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm bảo vệ bí mật về thông tin theo quy định của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa và các quy định của pháp luật, kể cả khi đã thôi đảm nhiệm chức vụ hoặc chuyển cơ quan khác.

7. Chi phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ, kể cả tiền phụ cấp cho Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ được hạch toán vào chi phí quản lý của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Mục 2: BAN KIỂM SOÁT QUỸ

Điều 24. Ban kiểm soát Quỹ.

Ban Kiểm soát Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có 03 (ba) người, gồm Trưởng ban và 02 thành viên là các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực tài chính, tín dụng, đầu tư và bảo vệ môi trường, hiểu biết pháp luật làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trưởng ban kiểm soát Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Các thành viên khác của Ban Kiểm soát do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Kiểm soát.

Ban Kiểm soát Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, nhiệm kỳ hoạt động là 05 (năm) năm.

Kinh phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí hoạt động của Quỹ.

Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trình Hội đồng quản lý Quỹ và tổ chức thực hiện một cách độc lập.

2. Kiểm tra, giám sát các hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật, Điều lệ và các Quyết định, Nghị quyết của Hội đồng quản lý. Hoạt động của ban kiểm soát bao gồm: kiểm tra hoạt động tài chính và kiểm soát nội bộ hoạt động của Quỹ; thẩm định báo cáo tài chính hàng năm; báo cáo định kỳ hàng quý, năm hoặc đột xuất theo vụ việc về kết quả công tác giám sát, kiểm tra trước Hội đồng quản lý Quỹ và kiến nghị biện pháp xử lý.

3. Giúp Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, giải quyết các khiếu nại của tổ chức, cá nhân về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Quỹ.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác trong phạm vi chức năng của Ban do Hội đồng quản lý yêu cầu.

5. Trưởng ban Kiểm soát hoặc các thành viên của Ban Kiểm soát được Trưởng ban ủy quyền tham dự và phát biểu ý kiến tại các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ nhưng không có quyền biểu quyết.

6. Trưởng ban kiểm soát xây dựng Quy chế hoạt động của Ban trình Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

Mục 3: CƠ QUAN ĐIỀU HÀNH NGHIỆP VỤ QUỸ

Điều 26. Cơ cấu tổ chức của Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ.

1. Cơ cấu tổ chức của Cơ quan điều hành nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và các phòng nghiệp vụ.

2. Điều hành mọi hoạt động của Cơ quan điều hành nghiệp vụ là Giám đốc Quỹ, giúp việc Giám đốc có Phó Giám đốc và Kế toán trưởng.

3. Bộ máy Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ do cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hoạt động kiêm nhiệm.

Điều 27. Giám đốc Quỹ.

1. Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa là người đại diện theo pháp luật trong các hoạt động của Quỹ; là người đứng đầu Cơ quan điều hành nghiệp vụ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trước pháp luật về việc điều hành hoạt động của Quỹ theo nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều lệ này.

2. Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ trước pháp luật trong việc tố tụng, tranh chấp, thanh lý, giải thể và trong quan hệ liên quan đến hoạt động của Quỹ.

3. Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và hưởng chế độ phụ cấp theo quy định.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Quỹ.

1. Tổ chức điều hành hoạt động của Cơ quan điều hành nghiệp vụ của Quỹ bảo vệ môi trường Thanh Hóa; quyết định các vấn đề có liên quan đến các hoạt động của Quỹ theo Điều lệ, quy chế quản lý tài chính, Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ và theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của Quỹ.

2. Chủ trì xây dựng quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư được hỗ trợ tài chính trong từng thời kỳ và các văn bản khác có liên quan trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

3. Quyết định cho vay, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn, tài trợ và đồng tài trợ, các hoạt động nghiệp vụ khác theo các quy định tại Điều lệ này và trong phạm vi do Chủ tịch Hội đồng quản lý phân cấp.

4. Tiếp nhận vốn và các nguồn lực khác do UBND tỉnh giao.

5. Thuê tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

6. Quyết định thành lập các phòng nghiệp vụ; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Trưởng phòng nghiệp vụ (sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ) và các chức danh khác mà quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ quy định thuộc thẩm quyền của Giám đốc.

7. Quyết định việc tuyển dụng lao động của Quỹ; có quyền tăng, giảm, điều hành, bố trí, sắp xếp lao động hợp đồng theo yêu cầu công việc phù hợp với các quy định của Bộ luật Lao động.

8. Khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân của Quỹ theo quy định của pháp luật.

9. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình theo quy định của pháp luật.

10. Báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Điều lệ này và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ.

11. Ban hành các văn bản quy định về:

a) Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa;

b) Tổ chức hoạt động kiểm tra và kiểm soát nội bộ theo quy định của pháp luật;

c) Chế độ lương, thưởng và phúc lợi xã hội đối với người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật;

d) Các văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện các quy định của Nhà nước theo thẩm quyền và các văn bản khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

12. Trình Hội đồng quản lý:

a) Phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ;

b) Thông qua báo cáo tài chính gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính;

c) Đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Giám đốc, Kế toán trưởng;

d) Các văn bản khác theo quy định.

13. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Điều lệ này.

Điều 29. Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.

Phó Giám đốc, Kế toán Quỹ do Giám đốc Quỹ đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định về công tác cán bộ.

Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ bảo vệ môi trường Thanh Hóa giúp Giám đốc Quỹ điều hành một số lĩnh vực, nhiệm vụ theo phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Điều 30. Các phòng nghiệp vụ.

1. Các phòng nghiệp vụ do Giám đốc Quỹ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ do Giám đốc Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật.

3. Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên môn, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Quỹ và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

4. Các phòng nghiệp vụ có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ giao.

Chương 5.

LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG

Điều 31. Lao động và tuyển dụng lao động.

Việc tuyển dụng, sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động của Quỹ bảo vệ môi trường Thanh Hóa được thực hiện theo Bộ luật Lao động và hợp đồng lao động đã ký giữa Giám đốc (hoặc người được Giám đốc ủy quyền) với người lao động.

1. Giám đốc có quyền tuyển dụng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo yêu cầu hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa trên cơ sở phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tuyển dụng những người có năng lực, trình độ và khả năng hoàn thành công việc theo yêu cầu của Quỹ. Tiêu chuẩn tuyển dụng cho từng loại công việc được Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cụ thể hóa khi có nhu cầu tuyển dụng.

Điều 32. Tiền lương.

Tiền lương và các khoản phụ cấp, tiền thưởng đối với người lao động được thực hiện theo các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công như đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, đồng thời trả theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người lao động phù hợp với kết quả hoạt động của Quỹ.

Điều 33. Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.

1. Người lao động tại Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều lệ này; được thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Người lao động trong thời gian làm việc tại Quỹ được tham gia công tác, học tập, thăm quan và khảo sát ở trong nước và nước ngoài khi cần thiết theo sự phân công của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa và phù hợp với các quy định của pháp luật.

2. Người lao động phải chấp hành đầy đủ những nội quy, quy định của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa và các quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 6.

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN

Điều 34. Chế độ tài chính.

1. Hàng năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có trách nhiệm lập và xây dựng kế hoạch về vốn và sử dụng vốn, kế hoạch thu - chi tài chính (kèm theo thuyết minh chi tiết) báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa thực hiện cơ chế tài chính theo quy định hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và hướng dẫn của Sở Tài chính.

3. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý nhà nước về việc chấp hành chế độ tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

Điều 35. Chế độ kế toán.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa là tổ chức tài chính nhà nước hạch toán độc lập. Chi phí hoạt động quản lý và điều hành bộ máy được lấy từ các nguồn thu của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa.

2. Kết quả hoạt động tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa là chênh lệch thu, chi tài chính thực hiện trong năm, được xác định giữa tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí phát sinh trong năm.

3. Năm tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào cuối ngày 31 tháng 12 dương lịch của năm đó.

4. Chế độ kế toán của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động.

Điều 36. Báo cáo tài chính và phê duyệt báo cáo tài chính.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa thực hiện chế độ báo cáo tài chính, chế độ thống kê và báo cáo hoạt động nghiệp vụ định kỳ theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Sở Tài chính.

2. Kết thúc năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa phải lập báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do Cơ quan điều hành nghiệp vụ của Quỹ lập, trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và gửi Sở Tài chính xem xét, thẩm định.

3. Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo.

Điều 37. Kiểm toán.

Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tự tổ chức kiểm toán nội bộ về tài chính hoặc thuê kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.

Kết quả kiểm toán phải được báo cáo kịp thời với Giám đốc và Hội đồng quản lý Quỹ.

Điều 38. Phân phối chênh lệch thu chi tài chính.

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được trích lập quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ chênh lệch thu chi tài chính hàng năm của Quỹ. Mức trích lập cụ thể theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Mục đích sử dụng các quỹ:

a) Quỹ bổ sung vốn điều lệ được dùng để tăng vốn điều lệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

b) Quỹ đầu tư phát triển được sử dụng để đầu tư mua sắm tài sản, đổi mới công nghệ trang thiết bị, điều kiện làm việc theo kế hoạch được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt;

c) Quỹ khen thưởng được sử dụng để khen thưởng thường xuyên, đột xuất cho người lao động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiệp vụ mang lại hiệu quả cao; mức thưởng do Giám đốc Quỹ quyết định phù hợp với các quy định của tỉnh và của pháp luật.

Quỹ khen thưởng còn được dùng để thưởng cho các cá nhân, tập thể ngoài Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có quan hệ, đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Quỹ; mức thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định phù hợp với các quy định của tỉnh và của pháp luật.

d) Quỹ phúc lợi được sử dụng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa; góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo thỏa thuận; chi cho các hoạt động thể thao, văn hóa, phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ viên chức và người lao động Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa; chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho người lao động làm việc tại Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa; đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội và chi các hoạt động phúc lợi khác.

Chương 7.

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ BẢO MẬT THÔNG TIN

Điều 39. Chế độ thông tin.

Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa được trao đổi thông tin về hoạt động của Quỹ trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật về thông tin và bảo mật.

Điều 40. Bảo mật thông tin.

1. Cán bộ, nhân viên Quỹ và những người có liên quan không được tiết lộ bí mật các thông tin về hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.

2. Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Chương 8.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Tuân thủ pháp luật.

Các nội dung về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa không ghi trong bản Điều lệ này sẽ được thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Điều 42. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ.

1. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa do Hội đồng quản lý Quỹ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, trình UBND tỉnh quyết định.

2. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Thanh Hóa chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Điều lệ này./.