Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2021/2014/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 30 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI ĐẢM BẢO HÀNH LANG AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH BIỂN THUỘC LIÊN HỢP LỌC HÓA DẦU NGHI SƠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 03/2002/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí;

Căn cứ Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền;

Căn cứ Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Quyết định số 41/1999/QĐ-TTg ngày 8 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí;

Căn cứ văn bản số 13311/BGTVT - KCHT ngày 09 tháng 12 năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải về việc chấp thuận tọa độ hành lang an toàn bảo vệ các công trình biển thuộc dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn;

Xét đề nghị của Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tạm thời đảm bảo hành lang an toàn các công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn; Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia; Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan; Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các ban của HĐND tỉnh;
- VP đoàn ĐB Quốc hội tỉnh;
- Mặt trận và các Hội, Đoàn thể;
- VKS tỉnh; Công an tỉnh;
- Đảm bảo hàng hải Miền Bắc;
- Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam;
- Công báo tỉnh;
- Cục Hàng Hải Việt Nam;
- Cảng vụ Hàng Hải Thanh Hóa;
- Các sở, ngành, đơn vị liên quan;
- Lưu: VT, THKH
(2877.10387.11377.SonHa).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

ĐẢM BẢO HÀNH LANG AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH BIỂN THUỘC LIÊN HỢP LỌC HÓA ĐẦU NGHI SƠN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2021/2014/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Quy chế này quy định về hành lang an toàn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn các công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đảm bảo an ninh, an toàn đối với các công trình biển.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Hành lang an toàn”: là khoảng cách an toàn nhỏ nhất cho phép trên hình chiếu bằng hoặc hình chiếu đứng, tính từ mép ngoài cùng của công trình biển với phạm vi được xác định tại Điều 3 Chương II của Quy chế này.

2. “Các công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn” bao gồm:

- Đê chắn sóng;

- Cảng biển xuất sản phẩm;

- Phao nhận dầu không bến (SPM);

- Cầu tàu;

- Tuyến ống dẫn dầu thô;

- Luồng tàu ra vào và vũng quay tàu;

- Các công trình lấy và xả nước biển làm mát.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH VỀ HÀNH LANG AN TOÀN

Điều 3. Hành lang an toàn cho các công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hành lang an toàn cho các công trình biển thuộc liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bao gồm:

1. Năm trăm mét (500m) trở ra tính từ mép ngoài cùng đối với công trình cố định (bao gồm đê chắn sóng, cảng biển xuất sản phẩm, cầu tàu, tuyến ống dẫn dầu thô, luồng tàu ra vào và vũng quay tàu);

2. Tám trăm mét (800m) trở ra tính từ điểm thả neo đối với phao rót dầu không bến (SPM);

3. Khu vực xen kẹp giữa hành lang an toàn của đường ống dẫn dầu thô và hành lang an toàn của luồng tàu ra vào cảng;

4. Phạm vi cụ thể của hành lang an toàn cho các công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ do cấp có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Các quy định về an ninh, an toàn cho các công trình biển của Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

1. Trừ các trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép, các tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền thì không được phép xâm nhập hoặc tiến hành hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào trong hành lang an toàn của các Công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

2. Các loại phương tiện tàu, thuyền không có nhiệm vụ không được thả neo trong phạm vi hai (02) hải lý tính từ mép ngoài cùng của công trình biển.

3. Trong trường hợp cần sử dụng hành lang an toàn cho mục đích đặc biệt khác, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình biển.

Điều 5. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang an toàn của các công trình biển.

Trong hành lang an toàn các công trình biển, nghiêm cấm các hoạt động có nguy cơ gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động và sự an toàn của các công trình biển, bao gồm:

1. Các hoạt động có khả năng gây cháy nổ, sụt lún;

2. Thải các chất ăn mòn;

3. Các hoạt động tham quan, du lịch khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền;

4. Neo đậu phương tiện vận tải đường thủy, đánh bắt thủy/hải sản, khai thác cát, nạo vét trái phép hoặc các hoạt động khác dưới nước có thể gây cản trở đến hoạt động, sự an toàn của các công trình biển và các phương tiện ra vào công trình biển.

Chương III

TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH BIỂN

Điều 6. Trách nhiệm của Công an tỉnh.

1. Chỉ đạo lực lượng công an các cấp quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn đối với các Công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công an các cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về an ninh, an toàn dầu khí theo quy định hiện hành.

2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh nắm bắt tình hình thực hiện quy định về hành lang an toàn đối với các Công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

3. Triển khai ứng phó, giải quyết các tình huống khẩn cấp về an ninh, an toàn theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh.

1. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc, phối hợp với lực lượng công an và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong việc bảo vệ an ninh, an toàn cho các Công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và cho hoạt động của các công trình biển; tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tạm giữ người, phương tiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm an ninh, an toàn dầu khí; tham gia các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố bảo vệ môi trường.

2. Hướng dẫn Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn xây dựng phương án bảo vệ các công trình biển.

3. Phối hợp với Công an tỉnh triển khai kế hoạch ứng phó sự cố, tình huống khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1. Phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an, lực lượng Cảnh sát biển tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân hiểu biết về các quy định về bảo vệ an ninh, an toàn các công trình dầu khí trên biển, không để tàu thuyền không có nhiệm vụ xâm hại vùng an toàn các công trình dầu khí.

2. Phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia tổ chức di dời ngư dân, tàu/thuyền đánh bắt hải sản ra ngoài phạm vi hành lang an toàn các công trình biển. Bố trí, sắp xếp và hướng dẫn ngư dân đánh bắt hải sản đúng nơi quy định, không vi phạm vùng cấm đánh bắt, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân và đảm bảo an ninh, an toàn cho các công trình biển.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã miền biển trong tỉnh.

1. Tổ chức thông báo, tuyên truyền, giáo dục cho các chủ tàu cá thường xuyên đánh bắt hải sản trong khu vực hành lang an toàn các Công trình biển thuộc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn ra ngoài phạm vi hành lang an toàn, để tránh vi phạm và không làm ảnh hưởng đến các công trình biển.

2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức di dời, bố trí và hướng dẫn vùng đánh bắt hải sản cho ngư dân, đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định đối với các công trình biển.

3. UBND huyện Tĩnh Gia phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sở, các ngành chức năng có liên quan kiểm tra các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn các công trình biển theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa.

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước về hàng hải, thi công công trình, bảo vệ công trình, đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tàu thuyền ra, vào cảng biển Nghi Sơn thực hiện các quy định của Quy chế này.

Điều 11. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các sở, ban, ngành có liên quan.

1. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Nghi Sơn và Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo quy định của pháp luật và theo Quy chế này.

2. Hỗ trợ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm Quy chế này.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

4. Các sở, ban, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các lực lượng chức năng thực hiện quản lý nhà nước về đảm bảo hành lang an toàn đối với các công trình biển; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân trong việc đảm bảo an toàn các công trình biển.

Điều 12. Trách nhiệm của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

1. Đặt biển cấm, biển báo theo quy định và quy chuẩn hiện hành, cột mốc hoặc dấu hiệu nhận biết dọc theo tuyến ống dẫn dầu thô.

2. Xây dựng hệ thống quản lý an toàn theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và tài sản trong quá trình xây dựng, vận hành các hạng mục công trình biển theo quy định của pháp luật.

3. Thiết lập và duy trì hệ thống ứng cứu khẩn cấp cần thiết và áp dụng các biện pháp ứng cứu cần thiết khi xảy ra sự cố. Lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, tổ chức luyện tập thường xuyên và diễn tập định kỳ theo kế hoạch.

4. Phối hợp với UBND các cấp, lực lượng Công an, Biên phòng và các cơ quan có liên quan khác trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn các công trình biển.

5. Khai báo và đăng ký hoạt động của các công trình biển theo quy định của pháp luật, thống nhất với các bên liên quan về công tác đảm bảo an toàn các công trình biển.

6. Phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia và lực lượng công an, bộ đội biên phòng Tĩnh Gia tuyên truyền cho người dân địa phương/ngư dân về an toàn các công trình biển.

7. Thông báo thông tin về các kế hoạch xây mới, mở rộng và cải tạo các công trình biển cho các bên liên quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng để phối hợp trong việc đảm bảo an ninh, an toàn chung.

8. Thực hiện đầy đủ các biện pháp về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm và khắc phục hậu quả do sự cố ô nhiễm môi trường gây ra.

9. Kiểm tra, giám sát mọi hoạt động tiến hành trong phạm vi an toàn và thường xuyên giám sát khu vực ảnh hưởng; phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp và các cơ quan hữu quan kiểm tra, bảo vệ và đôn đốc thực hiện xử lý các hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn các công trình biển.

10. Tổ chức bảo vệ, tuần tra, ngăn chặn và báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến các hoạt động và tình hình sử dụng mặt biển/đáy biển và khoảng không trong phạm vi hành lang an toàn các công trình biển.

Điều 13. Trách nhiệm của các chủ đầu tư các công trình tiếp giáp khác.

1. Khi xây dựng các công trình khác cắt qua phạm vi an toàn của công trình biển, chủ đầu tư công trình phải có phương án thiết kế và biện pháp thi công phù hợp tại khu vực cắt chéo được chủ đầu tư công trình dầu khí hiện hữu chấp thuận về việc thi công tại khu vực cắt chéo.

2. Trong quá trình thi công các công trình cắt chéo trong phạm vi hành lang an toàn của các công trình biển, chủ đầu tư đảm bảo an toàn đối với công trình biển theo quy định của pháp luật, phối hợp với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện biện pháp an toàn.

3. Thông báo đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn các công trình biển.

4. Chủ đầu tư các công trình tiếp giáp với công trình biển có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại gây ra đối với công trình biển theo quy định của pháp luật.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Khen thưởng.

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ an ninh, an toàn các công trình biển hoặc có công phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm an ninh, an toàn các công trình biển; hạn chế những thiệt hại về người, tài sản và công trình dầu khí, được khen thưởng theo quy định.

Điều 15. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này và các quy định khác có liên quan đến việc bảo vệ an ninh, an toàn các công trình biển thì tùy theo tính chất, mức độ mà áp dụng các hình thức xử phạt hành chính. Cá nhân vi phạm có hành vi cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.