Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 520/2010/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 21 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN DỰ ÁN KHUYẾN NÔNG - LÂM - NGƯ VÀ MỨC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006-2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo;
Căn cứ Thông tư số 78/2007/TT-BNN ngày 11 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Dự án khuyến Nông - Lâm - Ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 195/TTr-SNN ngày 04 tháng 3 năm 2010 và Tờ trình số 52/TTr-SNN ngày 05 tháng 4 năm 2010),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số nội dung thực hiện Dự án khuyến Nông - Lâm - Ngư và mức hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Ban Dân tộc; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN DỰ ÁN KHUYẾN NÔNG - LÂM - NGƯ VÀ MỨC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006-2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 520/2010/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng thực hiện Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (MTQGGN) trong phạm vi các xã của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong đó ưu tiên đầu tư những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (ngoài các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn đã được đầu tư từ Chương trình 135 giai đoạn II).

Điều 2. Đối tượng hỗ trợ

Hộ nghèo: Theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo cho giai đoạn 2006-2010, có người trong độ tuổi lao động, có đất sản xuất nhưng thiếu kiến thức sản xuất, kinh nghiệm và điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Ưu tiên cho các đối tượng là phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung hỗ trợ

Căn cứ vào kế hoạch phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề của các huyện, thị xã, thành phố và nhu cầu cần hỗ trợ của người dân để xác định các nội dung phù hợp, thiết thực (tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, hướng người dân vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ gắn với thị trường, đảm bảo tính bền vững về thu nhập, coi trọng an ninh lương thực). Không cần thiết phải đầu tư cho tất cả các nội dung ở cùng một địa bàn để tập trung vốn, tránh dàn trải.

1. Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư

- Giúp các hộ nghèo nâng cao kiến thức sản xuất, kiến thức về thị trường (trước hết là với các hạng mục sản xuất mà các hộ đã lựa chọn) để sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập.

- Bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề cho người sản xuất để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề truyền thống, phát triển nghề mới trên cơ sở nguyên liệu tại chỗ.

- Mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách thức bảo quản chế biến sản phẩm nông - lâm - ngư và phát triển một số ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương để có thể áp dụng được theo phương pháp học tập cộng đồng và khuyến nông có sự tham gia của hộ nghèo được hỗ trợ từ dự án.

2. Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất

- Xây dựng các mô hình chuyển giao và ứng dụng, hiệu quả về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để phù hợp với điều kiện sản xuất từng địa phương.

- Tổ chức cho đối tượng trong dự án, học tập những mô hình đạt hiệu quả thiết thực để phổ biến, nhân rộng mô hình.

- Xây dựng mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở xã gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, chăn nuôi, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.

- Dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, kết quả thảo luận, lựa chọn của cộng đồng và đối tượng được hỗ trợ; các chủ đầu tư chú ý ưu tiên hỗ trợ những mô hình sản xuất có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và có khả năng mở rộng thành sản xuất hàng hóa và sản xuất đem lại hiệu quả.

3. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư sản xuất

- Giúp đỡ các hộ nghèo có được giống tốt và vật tư cần thiết ban đầu để thực hiện dự án.

- Tùy theo điều kiện và nhu cầu cụ thể đất đai từng vùng, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo giống cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương, nguồn giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh…

- Đối với giống vật nuôi, thủy sản ưu tiên chăn nuôi trâu, bò sử dụng giống địa phương. Chăn nuôi lợn giống địa phương hoặc lợn lai, gia cầm và các loại giống cá nước ngọt.

- Vật tư chủ yếu phù hợp với hạng mục sản xuất trong dự án (phân hoá học, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, …).

4. Hỗ trợ trang thiết bị máy móc

- Giúp hộ nghèo giảm nhẹ lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập.

- Tạo điều kiện để hộ nghèo chuyển đổi, phát triển nghề mới, thúc đẩy phân công lao động xã hội tại địa phương.

- Hỗ trợ mua máy móc, thiết bị cơ khí hoặc bán cơ khí phục vụ sản xuất và phục vụ chế biến, bảo quản nông sản; ưu tiên hỗ trợ những trang thiết bị, máy móc, công cụ sử dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có và đang có nhu cầu cao của địa phương.

- Tùy theo nhu cầu từng xã có dự án đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị máy móc, lựa chọn chủng loại và công nghệ phù hợp phục vụ sản xuất và bảo quản chế biến sau thu hoạch cho hộ nghèo nhằm phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề để tạo điều kiện hộ nghèo có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Điều 4. Mức hỗ trợ

1. Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư

- Chi tập huấn: Mở lớp tập huấn, mỗi lớp có từ 40-50 học viên.

- Nội dung tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, cách thức bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư và phát triển một số ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để các hộ nghèo có thể áp dụng được.

- Nội dung và mức chi thực hiện theo điểm a khoản 2.1.2 tiểu mục 2.1 mục 2 phần II của Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình MTQGGN.

2. Xây dựng mô hình sản xuất

- Đối với hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2004 và Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống và vật tư chính. Đối với các hộ nghèo ở vùng khác mức hỗ trợ tối đa là 50% chi phí mô hình.

- Để tạo điều kiện nhiều hộ nghèo được hưởng lợi từ chương trình vì vậy mức hỗ trợ tối đa xây dựng mô hình không quá 03 triệu đồng/hộ/năm.

3. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư nông nghiệp

a) Mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/hộ/năm.

- Cây trồng: cây lương thực (lúa, bắp), cây công nghiệp ngắn ngày (đậu các loại), cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày khác.

Đối với hỗ trợ cây trồng dài ngày: các chủ dự án phải xuất phát từ yêu cầu của người dân và xem xét quỹ đất thực tế của từng hộ, cây trồng phù hợp với đất đai thổ nhưỡng tại địa phương và sản phẩm tạo ra có khả năng tiêu thụ và thị trường ổn định.

- Vật nuôi: giống thủy sản (cá nước ngọt), giống gia cầm (gà, vịt,…).

- Vật tư nông nghiệp: mua phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trị một số bệnh chính và các vật tư khác.

b) Mức hỗ trợ tối đa 02 triệu đồng/hộ/năm.

- Cây trồng: giống mía.

- Vật nuôi: tiểu gia súc (heo, dê,…).

c) Mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/hộ/năm:

Vật nuôi: đại gia súc (trâu, bò).

4. Hỗ trợ trang thiết bị, máy móc

Đối với trang thiết bị, máy móc nhằm phục vụ cho sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, máy chế biến: hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/hộ/năm.

5. Tổng mức hỗ trợ tối đa: 03 triệu đồng/hộ/năm.

- Để phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế mỗi hộ có thể nhận hỗ trợ nhiều nội dung cho phù hợp với điều kiện sản xuất tổng mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/hộ/năm.

- Hộ được nhận hỗ trợ sản xuất (giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp) thì không được nhận hỗ trợ trang thiết bị máy móc và tham gia xây dựng mô hình sản xuất.

Điều 5. Hóa đơn thanh toán

- Mua hàng hóa của các công ty, hoặc hộ kinh doanh thì bắt buộc phải có hóa đơn theo quy định hiện hành.

- Trường hợp mua bán hàng hóa trong dân sản xuất (giữa các hộ dân với nhau) thì phải có giấy biên nhận mua bán giữa các hộ, có xác nhận của trưởng thôn, buôn và Ủy ban nhân dân xã và nằm trong khung giá do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt là đủ điều kiện thanh toán (do đặc điểm nguồn vốn chỉ đảm bảo hỗ trợ một phần kinh phí về cây, con giống, vật tư,... phần còn lại nhân dân đóng góp nên việc mua bán thực hiện theo phương thức hộ dân tự mua, nhưng phải đảm bảo nguồn gốc giống đủ tiêu chuẩn và sạch bệnh. Nên khuyến khích thực hiện theo hình thức này).

Điều 6. Nguồn vốn và cơ chế quản lý dự án

- Căn cứ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu từ Chương trình MTQGGN giai đoạn 2006-2010 phân bổ hàng năm cho tỉnh.

- Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem xét trên cơ sở tình hình cụ thể và tỷ lệ hộ nghèo để phân bổ vốn cho các xã thực hiện (không chia bình quân).

- Thực hiện quản lý theo Thông tư số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình MTQGGN.

- Những xã được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phân bổ vốn, chủ dự án lập dự án hoặc kế hoạch đầu tư và dự toán chi tiết.

- Để đảm bảo có chi phí hoạt động thực hiện quản lý, chỉ đạo, giám sát nguồn vốn Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề. Tối đa không quá 5% tổng vốn dự án, trong đó: 1% cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn); 1% cho Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng vốn được phân bổ cho huyện, thị xã, thành phố; 3% cho chủ dự án tổng vốn dự án của xã (lấy từ nguồn ngân sách địa phương hoặc từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ). Nội dung thực hiện chi phí quản lý dự án theo chế độ tài chính hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề thuộc Chương trình MTQGGN giai đoạn 2006-2010; chịu trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Xây dựng quy trình triển khai thực hiện, quy định các thủ tục phải có của từng bước công việc; các mẫu, biểu báo cáo.

- Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch đầu tư, tổng hợp kế hoạch đầu tư, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn chi tiết hàng năm.

- Kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, tổng kết, phổ biến và nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn.

- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo định kỳ 6 tháng và 01 năm về cơ quan thường trực Chương trình MTQGGN giai đoạn 2006-2010 của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Các sở, ngành có liên quan:

Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội và Kho bạc Nhà nước tỉnh, theo chức năng của các đơn vị có trách nhiệm trong việc triển khai, hướng dẫn, giám sát. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét không bố trí kế hoạch hàng năm với các huyện, thị xã, thành phố không tuân thủ chế độ báo cáo và lập kế hoạch, dự án theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

Là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình MTQGGN trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

a) Chỉ đạo, tổ chức tập huấn để tăng cường năng lực cho Ủy ban nhân dân các xã dự án đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Trường hợp, đã tổ chức tập huấn nhưng xã vẫn không đủ điều kiện và không nhận làm chủ đầu tư thì mới giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế làm chủ đầu tư.

b) Căn cứ vào kế hoạch hàng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiến hành phân bổ kế hoạch hàng năm cho Ủy ban nhân dân các xã. Ưu tiên các xã thuộc diện xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (ngoài các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn đã được đầu tư từ Chương trình 135 giai đoạn II).

- Mức đầu tư cho mỗi xã/năm: từ 200 đến 400 triệu đồng (căn cứ vào số lượng hộ nghèo của xã, hộ có điều kiện tham gia sản xuất).

- Tổ chức lồng ghép các nguồn vốn khác (thuộc thẩm quyền của mình) với nguồn vốn chương trình giảm nghèo của huyện, thị xã, thành phố nhằm triển khai có hiệu quả nguồn vốn của Chương trình.

c) Thẩm định, phê duyệt dự án hoặc kế hoạch đầu tư và dự toán chi tiết của các xã.

d) Chỉ đạo, kiểm tra và định kỳ 6 tháng, 01 năm, tổng hợp báo cáo thực hiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ các chủ đầu tư trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

đ) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế hướng dẫn các xã có nguồn vốn đầu tư lập dự án hoặc kế hoạch đầu tư và dự toán chi tiết, hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, kiểm tra phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin.

Điều 8. Trách nhiệm của chủ đầu tư

- Lập dự án hoặc kế hoạch đầu tư theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn xã khi Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phân bổ vốn.

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và nhân dân trong xã về kết quả thực hiện nguồn vốn đầu tư trên địa bàn xã.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về nội dung Dự án khuyến Nông - Lâm - Ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề thuộc Chương trình MTQGGN giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn xã. Vận động nhân dân được hỗ trợ chăn nuôi xây dựng chuồng trại đảm bảo, đối với trồng trọt chuẩn bị đất đai để khi cấp giống tiến hành sản xuất kịp thời vụ.

- Xây dựng quy chế để đảm bảo phát huy quyền làm chủ của người dân, công bằng dân chủ công khai trong việc lựa chọn phương án, lựa chọn hộ tham gia, giám sát quá trình triển khai, nghiệm thu kết quả của nguồn vốn hỗ trợ đầu tư.

- Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

- Phê duyệt danh sách hộ nghèo tham gia thực hiện nguồn vốn.

- Tổ chức thực hiện tốt theo kế hoạch và dự án được duyệt.

- Tổng hợp kết quả thực hiện nguồn vốn định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc, cần kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp./.