Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2454/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 06 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”;

Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 15/01/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 3000/TTr-SGDĐT ngày 08/11/2012 về việc xin điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020,với các nội dung như sau:

1. Mục tiêu cụ thể: (Theo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012).

1.1. Giáo dục mầm non:

- Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015;

- Đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non;

- Trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 10%;

1.2. Giáo dục phổ thông:

- Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao;

- Đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%; trung học cơ sở là 95%; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; 70% trẻ khuyết tật được đi học.

1.3. Giáo dục nghề nghiệp và đại học:

- Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống trường chuyên nghiệp của tỉnh; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực;

- Đến năm 2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% học sinh tốt nghiệp THCS;

1.4. Giáo dục thường xuyên:

- Tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời; bước đầu hình thành xã hội học tập; chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng lên;

- Kết quả xóa mù chữ được củng cố bền vững. Đến năm 2020 tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.

2. Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước:

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu, nội dung hoạt động cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện dân sinh trên địa bàn tỉnh cho ngành Giáo dục và Đào tạo, như sau:

2.1. Điều chỉnh hệ thống trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT):

Thực hiện Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 15/01/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; trong đó, đối với trường DTNT, dự kiến sẽ nâng cấp Trường DTNT Phước Long lên thành Trường DTNT cấp 2-3 Phước Long vào năm 2015 và dự kiến nâng Trường DTNT Bình Long lên thành trường DTNT cấp 2-3 sau năm 2015.

Tuy nhiên, do thực hiện chủ trương tách huyện nên huyện Phước Long thành thị xã Phước Long và huyện Bình Long thành thị xã Bình Long; theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chỉ cho nâng cấp các trường DTNT cấp huyện lên thành cấp 2-3 nếu có đủ điều kiện và có nhu cầu; không cho nâng cấp các trường thuộc khu vực thị xã;

Do vậy, UBND tỉnh cho phép điều chỉnh Trường Phổ thông DTNT Phước Long và DTNT Bình Long không nằm trong qui hoạch nâng cấp thành cấp 2-3 trong các năm tiếp theo; đồng thời, bổ sung xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp 2-3 Bù Gia Mập tại huyện Bù Gia Mập để phục vụ học sinh trung học có sở Dân tộc nội trú của huyện Bù Gia Mập và thị xã Phước Long và tuyển học sinh cấp 3 DTNT của các huyện, thị xã phía bắc tỉnh để giảm bớt áp lực cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong các năm tiếp theo;

2.2. Do nhu cầu phát triển dân số tại một số khu vực thuận lợi trên địa bàn tỉnh như khu vực Long Hà - Bù Nho (Bù Gia Mập), khu vực Công nghiệp Minh Hưng (huyện Chơn Thành) và thành lập khu trung tâm huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản… nên nhu cầu được đi học của học sinh các vùng nói trên tăng nhanh so với Qui hoạch của ngành đến năm 2015;

Vậy, UBND tỉnh phê duyệt cho phép điều chỉnh bổ sung vào Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 nội dung được xây dựng mới: Trường THPT Ngô Quyền, huyện Bù Gia Mập, Trường THPT trung tâm huyện Bù Gia Mập và Trường Phổ thông cấp 2-3 Minh Hưng, huyện Chơn Thành nhằm giảm áp lực cho các trường THPT trên địa bàn trong các năm tiếp theo.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Phong